Oct 13, 2024

Biên khảo

Dị bản Độc Tiểu Thanh Kí
Võ Nhựt Ngộ * đăng lúc 11:11:47 AM, Feb 13, 2012 * Số lần xem: 2928
Hình ảnh
#1
Trên Văn học và tuổi trẻ số tháng 1 (155) 2008, tác giả Ngô Phú Thiện đã đặt ra vấn đề: Bài thơ Độc tiểu thanh kí của Nguyễn Du thất niêm hay không thất niêm?

Trong bài viết này tác giả đã cung cấp một dị bản do Nguyễn Thế Hà sưu tập được. Điều đặc biệt là dị bản này không bị thất niêm (Xin xem cụ thể bài viết trên số báo vừa nêu). Chúng tôi rất lấy làm thú vị khi được tham khảo một dị bản khác của Độc tiểu Thanh kí. Tuy nhiên ta cũng chỉ có thể xem nó là một dị bản chứ không thể là một thiện bản (văn bản chuẩn) được. Vì để xác lập tính chân thực của một văn bản Hán Nôm có nhiều dị bản người nghiên cứu phải căn cứ vào kết quả của thao tác thống kê đối sánh từ nhiều tư liệu Hán Nôm khác nhau. Thống kê sự xuất hiện của văn bản ở nhiều tài liệu,so sánh để tìm ra sự tương đồng giữa các văn bản để từ đó xác lập một văn bản gốc. Chúng tôi thiết nghĩ với công phu nghiên cứu của các bậc tiền bối như: Phan Võ, Bùi Kỷ, Nguyễn Khắc Hanh, Đào Duy Anh, Trương Chính, Lê Thước,… thì vấn đề xác lập một văn bản gốc cho Độc Tiểu Thanh kí không phải là việc thật quá khó khăn. Vả lại chúng tôi nhận thấy qua các công trình sưu tập ấy thì các vị cũng khá thống nhất với nhau trong việc ghi nhận văn bản Độc Tiểu Thanh kí (hiện nay văn bản này cũng được sử dụng trong sách giáo khoa).

Quay trở lại với hai câu kết của bài thơ:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?

Đúng như tác giả Ngô Phú Thiện đã phát hiện xét về niêm thì câu thơ cuối là câu thơ thất niêm. Bởi chữ thứ hai trong câu thứ nhất là chữ Hồ (Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư), vần bằng, nhưng chữ thứ hai trong câu thứ tám là chữ hạ (Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?), vần trắc nghĩa là chúng không niêm với nhau. Vấn đề này có nhiều cách lý giải. Trong cuốn Truyện cụ Nguyễn Du của Lê Thước và Phan Sĩ Bàng soạn năm 1924, hai tác giả này dựa theo lời cụ nghè Nguyễn Mai, thuộc thế hệ thứ 10 họ Nguyễn Tiên Điền nói rằng đó là lời khẩu của cụ Nguyễn Du lúc sắp mất. Trần Trọng Kim trong bài tựa Truyện Kiều xuất bản năm 1925, cũng nói như thế. Tuy nhiên vào năm 1943, cụ Đào Duy Anh thấy trong bài Độc Tiểu Thanh kí có hai câu này nên mới cải chính lại. Cùng với ý kiến trên nhà nghiên cứu Bùi Văn Nguyên cũng cho rằng đây là hai câu thơ Nguyễn Du đọc trước khi mất. Còn Bài Độc Tiểu Thanh kí vốn chỉ có sáu câu, sau người ta thấy cùng vần nên ghép vào thế nên bài thơ bị thất niêm.

Qua khảo sát sơ bộ thơ chữ Hán của Nguyễn Du, chúng tôi nhận thấy nếu chỉ dựa vào lí do thất niêm để “nghi ngờ” vào tính toàn vẹn của văn bản thơ là chưa thật sự thuyết phục. Chúng tôi xin dẫn ra đây bài Kí Huyền Hư Tử và My trung mạn hứng trong Thanh Hiên thi tập nhằm chứng minh rằng ngoài Độc Tiểu Thanh kí thì hai bài thơ trên cũng là những bài thất niêm!

Kí Huyền Hư Tử

Thiên Thai (vần bằng) sơn tiền độc bế môn, (đây là tác giả bỏ Luật ở chữ thứ 2)
Tây phong trần cấu mãn trung nguyên.
Điền gia bất trị Nam Sơn đậu,
Bần hộ thường không Bắc Hải tôn.
Dã hạc phù vân thời nhất kiến,
Thanh phong minh nguyệt dạ vô ngôn.
Viễn lai chí thủ tương tầm lộ,
Gia tại (vần trắc) Hồng Sơn đệ nhất thôn.

(Nhà tôi ở trước ngọn núi Thiên Thai, luôn luôn đóng cửa. Gió Tây tung cát bụi đầy trung nguyên. Là nhà nông, nhưng tôi không trồng đậu ở núi Nam Sơn, nhà lại nghèo, thường để vò trống, không có rượu đãi khách như Khổng Dung. Anh như hạc nội mây ngàn, thỉnh thoảng mới gặp. Tôi ở đây có gió mát trăng thanh nhưng không ai chuyện trò. Anh ở xa đến, thì hãy nhớ đường mà tìm, nhà tôi ở xóm đầu dãy núi Hồng.)

My trung mạn hứng

Chung tử (vần trắc) viên cầm tháo nam âm, (đây là tác giả bỏ Luật ở 2 chữ thứ 2 và thứ 4)
Trang Tích bệnh chung do Việt ngâm.
Tứ hải phong trần gia quốc lệ,
Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.
Bình Chương di hận hà thời liễu,
Cô Trúc cao phong bất khả tầm.
Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ,
Hồng Sơn (vần bằng) sơn hạ Quế giang thâm.
(Chung Tử gãy đàn theo điệu Nam, Trang Tích khi ốm ngâm nga bằng tiếng Việt. Khắp bốn bể đầy gió bụi, nghĩ tình nhà việc nước mà rơi lệ, mười tuần nằm trong lao tù, lòng thấp thỏm chuyện sống chết. Bao giờ mới hết mối hận Bình Chương? Khó mà có được phong cách cao thượng của người nước Cô Trúc. Ta có một chút tâm sự này, không biết bày tỏ cùng ai. Dưới chân núi Hồng, sông Quế Giang sâu thẳm).
Như vậy nếu căn cứ vào những điều tác giả nói: "Một người cầm cân nảy mực, đã đánh trượt bao nhiêu sĩ tử vì sai luật thơ Đường. Thế mà chính cụ lại làm thơ thất niêm phá luật thì ăn nói làm sao với thí sinh và cả bạn văn đồng nghiệp? Phải chăng số phận bài thơ còn chứa nhiều uẩn khúc?" thì hai bài thơ mà chúng tôi dẫn ra ở trên cũng phải nên xem lại về tính chân thực của văn bản (thiện bản)?
Hơn thế nữa nếu khảo sát trong Đường thi không hiếm có những bài thơ thất niêm được liệt vào hàng danh tác, Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu là một trường hợp tiêu biểu nhất. Như vậy việc thất niêm trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí nên chăng ta chỉ có thể xem đây là sự phá cách của những tài năng, những cây bút già dặn trong nghề thơ? Đôi lời chia sẻ mong nhận được ý kiến bổ chính của tác giả bài viết cũng như bạn đọc gần xa.

*******
Xin chào quý bạn thân mến,

Trước xin nói là Hai bài thơ Kí Huyền Hư Tử và My trung mạn hứng nêu trong bài không phải là Thất Niêm, mà là do chủ ý bỏ Luật của tác giả để bảo toàn ý nghĩa họ muốn diễn đạt.

Kí Huyền Hư Tử

Thiên Thai sơn tiền độc bế môn, (đây là tác giả bỏ Luật ở chữ thứ 2)
Tây phong trần cấu mãn trung nguyên.
Điền gia bất trị Nam Sơn đậu,
Bần hộ thường không Bắc Hải tôn.
Dã hạc phù vân thời nhất kiến,
Thanh phong minh nguyệt dạ vô ngôn.
Viễn lai chí thủ tương tầm lộ,
Gia tại Hồng Sơn đệ nhất thôn.

My trung mạn hứng

Chung tử viên cầm tháo nam âm, (đây là tác giả bỏ Luật ở 2 chữ thứ 2 và thứ 4)
Trang Tích bệnh chung do Việt ngâm.
Tứ hải phong trần gia quốc lệ,
Thập tuần lao ngục tử sinh tâm.
Bình Chương di hận hà thời liễu,
Cô Trúc cao phong bất khả tầm.
Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.

Việc này xảy ra rất thường trong Đường Thi. Như Lý Bạch khi viết “Đỗ Lăng hiền nhân thanh thả liêm” là chấp nhận bỏ Luật ở chữ Lăng.
Những nhà thơ lớn không áp dụng Luật một cách cứng nhắc như một số của chúng ta. Nếu theo Luật mà ý nghĩa của câu thơ bị méo mó thì họ chấp nhận bỏ Luật để bảo toàn ý nghĩa của câu thơ hoặc tứ thơ mà họ muốn dùng.
Ví dụ :
1/ Bà Hồ khi viết “Một đèo một đèo lại một đèo” là chấp nhận bỏ Luật ở chữ thứ 2 để dùng tứ thơ đếm 3 ngọn đèo trong bài Qua Đèo Ba Dội. Chứ nếu muốn viết cho đúng Luật thì thiếu gì cách như : “Qua hết hai đèo còn một đèo” v.v. Nhưng những câu thơ đúng Luật thì nghe kém hay hơn.
2/ Thế Lữ khi viết “Anh đi đường anh tôi đường tôi” là bỏ Luật ở chữ thứ 4 để bảo toàn ý nghĩa. Trong bồ chữ của chúng ta không có chữ nào thay được chữ “anh” trong câu mà đúng Luật. Nếu viết “Bạn đi đường bạn tôi đường tôi” thì đúng Luật đấy, nhưng sai nghĩa vì đây là người Nữ gọi người tình Nam.
3/ Tố Hữu khi viết “Anh trở về anh của gia đình” là bỏ Luật ở chữ thứ 6 để bảo toàn ý nghĩa. Như trên, trong bồ chữ của chúng ta không có chữ nào thay được chữ “gia đình” mà đúng Luật. Nếu viết “Anh trở về anh của tổ đình” thì đúng Luật đấy nhưng sai nghĩa, vì đây là người ra tù trở về sum họp với gia đình.

Và sau đây là nhận định về DỊ BẢN bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ của cụ Linh Đàn đưa ra trong :
http://lathuy.blogtiengviet.net/2011/04/09/dar_baocn_ba_i_than_a_a_ar_c_tiar_u_than

Xin góp ý về DỊ BẢN bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ của cụ Linh Đàn đưa ra :

(những chữ tô màu xanh đỏ là của người nhận định để vào)

(cụ Linh Đàn viết)
Độc Tiểu Thanh Ký

Nhân chuyến đi sứ Trung Hoa năm Quý Dậu 1813 Triều Gia Long thứ 12, Tiên Điền Nguyễn Du (1765 – 1820) sáng tác rất nhiều áng thơ hay làm bằng chữ Hán (Đa phần là thơ Đường luật thất ngôn bát cú), trong đó có bài thơ:

ĐỘC TIỂU THANH KÝ (Nguyên Bản)
Tây Hồ mai uyển (1) tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân (2) khấp Tố Như
Nguyễn Du

Bài thơ nầy đã đi vào nền văn học của nước nhà, nhưng vẫn từ lâu không ít người thơ, kể cả những nhà nghiên cứu văn học không khỏi thương thầm tiếc rẻ, là một bài thơ bị thất niêm ở hai câu kết.…
Đại thi hào Nguyễn Du làm thơ mà bị thất luật thất niêm là điều không thể xẩy ra được…
… một DỊ BẢN của bài thơ nầy, mà tôi xin giới thiệu dưới đây, tôi đã thuộc lòng vào đầu thập niên 1950….

Thầy viết thư bảo tôi vào làng Hà Trung (phiá Nam huyện lỵ Gio Linh) đến nhà cụ Khôi (thuộc dòng thượng thư họ Trần Đình) mượn bộ sách "Thượng Thi Tập Ngâm" đem về sao chép…. bộ "Thượng Thi Tập Ngâm" nầy gồm có ba quyển (Thượng, Trung, Hạ)…chính tay tôi sao chép cả năm trường mới được hai quyển…chưa chép đến quyển Hạ thì cụ Khôi đến đòi lại, vừa trả sách được mấy hôm, Tây về đốt nhà Thầy lần thứ hai, cháy luôn hai quyển vừa mới chép,…Trong thời gian chép tay tôi thuộc được nhiều bài thơ, trong đó có bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ,…như thế nầy:

ĐỘC TIỂU THANH KÝ (Dị Bản)
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Nguyễn Du

Bài nầy thì không bị thất niêm, nhưng chưa thấy có trong văn chương nước nhà, nên chúng tôi tạm gọi là Dị Bản. Vậy chúng ta cùng tìm hiểu.
Thử lạm bình tạm gọi bài trước là nguyên bản bài sau là dị bản, với hai câu mở đề của Nguyên bản :

Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư (phá đề)
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư (thừa đề)

Có nghĩa là cảnh "vườn mai xứ Tây Hồ đã biến thành gò hoang" hết rồi tác giả mới "đến viếng ngồi trước cửa sổ đọc mấy tờ sách" của nàng Tiểu Thanh còn sót lại, … …cách nhập đề lung khởi như trên là không ổn mà câu thơ trở nên lạc lõng làm sao.
Đây chỉ là cách hiểu của người bênh vực DỊ BẢN.

Còn người vô tư thì thấy :

"trong vườn mai xứ Tây Hồ đã biến thành gò hoang"
"ta đến viếng ngồi trước cửa sổ đọc mấy tờ sách" của nàng Tiểu Thanh còn sót lại, …

Thì sự trình bày rất là hợp lý và thêm nữa mạch thơ sẽ được liên tục khi tiếp theo với 2 câu THỰC mô tả việc của nàng.

(cụ Linh Đàn viết)
Với hai câu mở đề của dị bản:

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư (phá đề)
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư (thừa đề)

Có nghĩa là "viếng thăm ngồi trước song cửa sổ vừa đọc mấy tờ sách" của nàng Tiểu Thanh còn sót lại rồi nhìn ra cảnh vật bên ngoài nào "vườn mai xứ Tây Hồ (ngày trước) nay đã biến thành gò hoang" … … cách nhập đề trực khởi như trên rất hợp lý, làm cho câu thơ mạnh thêm lên, mạch thơ vô cùng thông suốt.
Đây chỉ là cách hiểu của người bênh vực DỊ BẢN.

Còn người vô tư thì thấy :

"ta đến viếng ngồi trước cửa sổ đọc mấy tờ sách" của nàng Tiểu Thanh còn sót lại, …
"trong vườn mai xứ Tây Hồ đã biến thành gò hoang"

Câu thứ 2 ngăn chặn mạch thơ của câu thứ nhất khiến cho phần đọc tiếp nối với câu thứ nhất bị rời ra…

(cụ Linh Đàn viết)

Bây giờ ta thử nhìn cặp thực và cặp luận, có nghĩa là hoán vị lẫn nhau:

Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư

Có nghĩa là son phấn có cái thần của nó, chính bởi cái thần đó mới mang một nỗi đau sau khi giã biệt, văn chương không có số mệnh làm sao khỏi ưu phiền khi tác phẩm bị đốt cháy oan uổng đến thế.
Hai câu thơ trên tự nó suy diễn một cách sâu rộng cho toàn ý bài thơ. Vậy điểm nhãn cho bài thơ là chính hai câu thơ đó, thì làm sao đứng vào vị trí cặp thực cho được, mà đứng vào cặp luận là vô cùng hợp lý.
Đây chỉ là cách hiểu của người bênh vực DỊ BẢN.

Còn người vô tư thì thấy :

câu son phấn có cái thần của nó và câu văn chương không có số mệnh là sự MÔ TẢ cốt chuyện nàng Tiểu Thanh nên tính chất của 2 câu đó là THỰC chứ không phải là LUẬN.

(cụ Linh Đàn viết)

Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư

Có nghĩa là: "những việc oán hận xưa nay làm sao thấu đến trời, rồi nỗi oan kỳ lạ của một kiếp người mà ta tự thấy có mình trong đó".
Vậy có phải diễn tả sự thật phũ phàng của lẽ đời xưa nay là như thế, thì làm sao đứng vào cặp luận cho được?
Đây chỉ là cách hiểu của người bênh vực DỊ BẢN.

Còn người vô tư thì thấy :
Hai câu trên không phải là diễn tả sự thật phũ phàng của đề thơ (của ông Trời thì đúng hơn!) mà là sự SUY LUẬN về những việc oán hận xưa nay cho nên tính chất 2 câu này là LUẬN chứ không phải là THỰC.

(cụ Linh Đàn viết)

Còn hai câu kết như chúng tôi đã nói ở trên, (không có gì tranh luận nên không nêu ra để khỏi loảng ý)

Nhận xét chung về bài DỊ BẢN :

* khi hoán chuyển hai câu đầu thì : Mạch thơ bị gián đoạn.

* khi hoán chuyển hai cặp THỰC và LUẬN thì phạm các lỗi sau đây :

- về mặt kỹ thuật thì sai phần Bố Cục vì 2 câu có tính chất LUẬN thì nằm trong THỰC còn 2 câu có tính chất THỰC thì lại nằm trong LUẬN.

- về mặt hợp lý (lô-gíc) thì quá vô lý vì không ai SUY LUẬN về một sự việc trước khi MÔ TẢ nó ra như bài Dị Bản trình bày.

* Gán cho cụ Nguyễn Du cách diễn đạt tư tưởng vô lý như vậy thì là một sự xúc phạm quá lớn, có thể nói là bôi nhọ uy tín của cụ.

Kết luận :

- Bài DỊ BẢN chỉ do cụ Linh Đàn nhớ lại.
- Người dựng ra bài DỊ BẢN có lẽ chỉ muốn chứng tỏ rằng dải số qui định phép Niêm thơ TNBC Đường Luật 1-8 2-3 4-5 6-7 là đúng.
- Nhưng lại không thấy việc làm này là vô ích vì còn nhiều bài thơ khác của những nhà thơ lớn Việt Nam và nhiều bài Đường Thi danh tiếng cũng nằm ngoài dải số.
- Đồng thời tính chất quá tồi tệ của bài DỊ BẢN đã xúc phạm nặng nề đến danh dự và uy tín cụ Nguyễn Du.
- Mặt khác : bài ĐỘC TIỂU THANH KÝ Nguyên Bản hoàn toàn không phải là một bài thơ Thất Niêm như nhiều người lầm tưởng. Đó là một bài thơ áp dụng cách chơi phóng khoáng của các đại thi nhân đời Đường, như đã được trình bày trong bài GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI. (đánh các chữ GIẢI MÃ ĐƯỜNG THI vào trong cửa sổ tìm kiếm của Google thì sẽ có các đường link cho đọc).

Trân trọng có đôi lời nhận định như trên.
Kính chào cụ Linh Đàn và quý độc giả.
Võ Nhựt Ngộ

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.