Mar 19, 2024

Tin tức

Nghi vấn về cái chết của ông Trương Văn Sương
Không biết tên tác giả * đăng lúc 12:49:16 AM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 2844
Hình ảnh
#1

Nghi vấn về cái chết của ông Trương Văn Sương

Hai người con trai, Trương Quang Dũng (trái) và Trương Tấn Tài (phải) đứng trước mộ mới đắp của ông Trương Văn Sương ở chân núi Ba Sao tỉnh Nam Hà. Photo courtesy of hung-viet.org (Hình: Gia đình cung cấp).

Tại Việt Nam trong thời gian qua, ngày càng có nhiều tù nhân chính trị bị lâm cảnh tù đày khắc nghiệt dài lâu hay bị cưỡng bức trở lại vòng lao lý – như trường hợp gần đây nhất của người tù thế kỷ Trương Văn Sương – mà phải tử vong. Hành động độc đoán của nhà cầm quyền và công an trong nước bị công luận cáo giác là gây nên bi cảnh này. Cách nay hơn một năm – vào tháng 7 năm 2010, khi may mắn sống sót sau 33 năm 4 tháng bị lao tù nghiệt ngã trong cảnh đọa đày, tù nhân bất khuất Trương Văn Sương được nhà cầm quyền Việt Nam tạm cho ngưng thi hành án để về nhà trị bệnh, và những tưởng được gặp lại hiền thê luôn mỏi mòn trông đợi, nhưng ngay khi đặt chân vào ngôi nhà nghèo xơ xác ở Sóc Trăng, ông vô cùng sửng sốt và nghẹn ngào chứng kiến cảnh tượng đau khổ tột cùng, như ông lúc đó mô tả:

“Dạ (khóc), tôi … tôi không còn biết tôi là ai nữa. (khóc) Lúc nhìn thấy hình vợ tôi trên bàn thờ, tim tôi muốn văng (khóc)…văng ra ngoài. Trong lúc này tôi không còn biết tôi là ai nữa (khóc)…”

Bị bắt trở lại dù đang bệnh nặng

truong-v-suong-250.jpg

Ảnh chụp anh Trương Văn Sương bên di ảnh vợ ngày được tạm tha về sau hơn 33 năm tù. Tại ngôi nhà nghèo nàn người vợ mỏi mòn đợi chờ đã không còn để đón anh. (tháng 7,2010). RFA file.

Thì hôm 12 tháng 9 năm 2011 vừa rồi, tù nhân thế kỷ Trương Văn Sương, cựu sĩ quan VNCH, 68 tuổi, đã vĩnh viễn ra đi tại trại giam Nam Hà ở Miền Bắc – 25 ngày sau khi ông bị giới cầm quyền cưỡng bức trở lại vòng lao lý dù ông đang bị bệnh tim trong tình trạng thập tử nhất sinh. Trước khi trở lại lao tù, ông Trương Văn Sương không quên nhắn nhủ – mà xem chừng như là lời trăn trối – với người con lớn của ông là Trương Văn Dũng, như cháu Dũng nghẹn ngào kể lại:

“Cha cháu khuyên cháu là ở nhà ráng lo cho con cháu và lo làm ăn vì “ba đi chuyến này chắc có lẽ 3 năm sau con mới ra Bắc lấy cốt ba về được”. Ba cháu nói vậy, nhưng cháu trả lời rằng “Ba à, không sao đâu. Ba đi đi (nghẹn ngào). Con (khóc)… con … con bảo lãnh cho ba để ba được về còn phải trị bệnh, vì con biết bệnh của ba không hết được đâu!”. Bệnh của ba cháu không bao giờ hết được. Nhưng sống quãng đời còn lại mà được vui vẻ, đừng cho ba con buồn hay giận thì ba con có thể sống được thêm vài năm nữa thôi. Con biết…(khóc) Nhưng tại vì con làm chưa tròn…Vì số của ba con (khóc). Chớ con biết bệnh tình của ba con không hết (khóc). Con đi ra đồng ruộng bứt từng cây cỏ (khóc)…Ai chỉ gì con cũng lấy về cho ba con uống…”

Người con trai kế của ông, là Trương Tấn Tài, cũng không thể nào tả nỗi cảnh đau đớn này:

“Nỗi mất cha, chúng cháu đây rất đau khổ và không biết nói gì hơn. Chỉ ngậm ngùi thôi. Nỗi đau của con là khi vắng cha, con sợ lắm. Sợ nhất là cái ngày ba mất trên trại giam mà các con không thấy mặt. Rồi một chuyến đi xa biết mình có tiền đi hay không. Sợ lắm. Nhưng bây giờ sự thật đã đến với chúng cháu quá đột ngột. Nhiều gian đoạn quá. Bây giờ cháu không thể tả nỗi mình đang đau khổ như thế nào. Con người của cháu coi như lừ đừ, lừ đừ như vầy hoài!”

Chỉ nghe, nhìn, chứng kiến

truong-v-suong-daughter-250.jpg

Con gái tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu, cô Nguyễn Thị Anh Thư (trái) trong một lần thăm Ông Trương Văn Sương. RFA file Photo.

Rồi 2 anh em Tài và Dũng lặn lội ra Bắc để tiễn biệt phụ thân, để cầu nguyện cho một trong những người thân thương nhất đời được về cõi Vĩnh Hằng:
“Hai anh em ra Bắc gặp mặt được ba con lần cuối (nghẹn ngào). Con cứ van vái Trời Phật và Chúa cho hai anh em con ra đó được gặp mặt ba lần cuối. Khi đến và gặp được mặt ba con thì ba con đang nằm trong quan tài do sự sắp xếp của trại giam và của pháp luật. Gặp mặt được ba con, hai con chỉ biết cắn răng mà thuận theo ý trời. Chúng con gặp mặt ba con trong cái hòm có làm cái hộc rộng chừng 1 tấc rưỡi vuông. Xong họ đem ba con đi chôn. Nỗi đau thì không thể nào tưởng tượng nổi. Nhưng có điều trước hết là hình như phần số của cha con đã như vậy rồi. Ba con khổ gần hết cuộc đời. Trong 12 tháng qua, con bảo lãnh cho ba được về nhà trị bệnh, muốn cho cha được khỏe, cho ba gần gũi với con cháu. Chứ con biết bệnh tình của ba không còn sống bao lâu đâu ! Bệnh của ba con nặng lắm, trái tim có thể đột quỵ bất cứ lúc nào. Nhưng ra tới đó nhìn vẻ mặt ba con thì con thấy hình như ba muốn hy sinh cho cái gì đó. Giờ khóc thì con khóc, đau thì con đau. Nhưng chắc có lẽ là phần số của ba. Giờ con chỉ cầu nguyện, cầu siêu, cầu an để ba con được thanh thản và được về với Trời Phật.”

Theo lời kể của 2 anh em này thì chuyện an táng đã có nhà trại lo, từ quan tài, xét nghiệm tử thi, liệm người quá cố vào hòm cho tới việc bắt những bạn tù đào huyệt chôn rồi lấp đất. Mọi chuyện, theo Trương Văn Dũng và Trương Tấn Tài, đều do người ta làm sẵn hết nên 2 anh em chỉ “nghe, nhìn, chứng kiến” mà thôi. Và người tù bất khuất Trương Văn Sương được an táng ngay nghĩa địa của trại giam Nam Hà, bên vách núi.

Khi đến và gặp được mặt ba con thì ba con đang nằm trong quan tài do sự sắp xếp của trại giam và của pháp luật.

Trương Tấn Tài

Câu hỏi được nêu lên là cái chết của tù nhân thế kỷ này có gì khả nghi không, ngoài nguyên nhân bệnh tình trầm trọng ? Cháu Trương Tấn Tài cho biết:

“Nhà trại thông báo 4 tiếng đồng hồ. Gia đình không lên thì ở đó cứ khám nghiệm tử thi gọi là luật của nhà trại. Chúng con xin cho gặp mặt cha lần cuối thì nhà trại sắp xếp 1 quan tài, nắp hòm ở trong giở lên thì có một miếng kiếng để cho gia đình thấy mặt cha lần cuối. Mình thọt tay vô được. Lúc con đến thì cán bộ cho giở coi. Con thọt tay vô, rờ mình mẩy cha thì thấy vẫn còn nguyên vẹn như vậy. Nhưng họ đã tẩn liệm hết rồi, chúng cháu không còn thấy gì hơn nữa. Mình chỉ được làm như vậy thôi, chỉ được phép như vậy thôi chứ ngoài ra không tìm thấy được gì, vì đã tẩn liệm cả rồi.”

Sau khi đau đớn tiễn biệt cha, Trương Tấn Tài lên tiếng với công luận như sau:

“Cháu nghĩ rằng công luận thế giới cũng hiểu được tình cảnh này. Nếu có biết được những gì thì con xin công luận thế giới – thí dụ có thấy nỗi oan ức gì của cha con, xin lên tiếng. Chúng con rất cảm ơn.”

Để lại nhiều thương tiếc

Tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu. Photo courtesy Blog 1nguoiviet

Tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu, nay hai mắt đã lòa. Photo courtesy Blog 1nguoiviet

Sự ra đi vĩnh viễn của tù nhân bất khuất Trương Văn Sương đã để lại nhiều thương tiếc không những cho thân nhân mà còn thân hữu – và có thể cả những người xa lạ nhưng cảm kích lòng dũng cảm cho quê hương của ông, trong số này có MS Nguyễn Hồng Quang thuộc Giáo Hội Tin Lành Mennonite, Sàigòn.
“Tôi rất đau buồn cho người tù nhân hết sức đặc biệt của đất nước VN, trong lịch sử VN của chúng ta. Tình cảm giữa tôi với anh Sương thì sâu đậm và cảm thông. Là người tù với nhau nên tôi rất hiểu hoàn cảnh của người ở tù. Nhưng hoàn cảnh của anh Sương thì rất đặc biệt: Mẹ mất, 2 đứa con mất và vợ mất trong thời gian anh bị ở tù. Bệnh của anh cực nặng nên nhà nước mới cho về 1 năm để chữa bệnh. Nhưng sức khỏe anh mới vừa phục hồi thì họ lại đưa trở lại trại giam. Mà vào trại giam thì nhà nước không linh động cho anh thi hành án tại trại giam ở Miền Nam vốn đâu có “thua” gì ở Miền Bắc đâu. Nhưng họ lại đưa anh ra trại ở Miền Bắc bằng xe bít bùng. Người bệnh nặng mà bị đưa đi với xe như vậy. Sao họ không nói gia đình mua vé máy bay rồi cho an ninh áp tải ra Bắc – hay cho bạn bè thân hữu giúp mua vé máy bay cũng được – thì sẽ đỡ hơn, dù ra đến trại lao tù ở đó thì không thể biết ra sao. Nhưng anh Sương chết đột ngột như vậy thì có nhiều nghi vấn lắm. Anh Trương Văn Sương là một tù nhân hết sức đặc biệt trong lịch sử VN, là người anh hùng. Và qua anh, chúng tôi hiểu được rằng cái chết của anh trong trại giam là 1 sự hy sinh, và cuôc chiến cho đất nước này được tự do vẫn còn đang tiếp diễn. Thành phần tham gia ngày càng rộng rãi hơn, chứ không phải chỉ giới hạn ở những sĩ quan quân lực VNCH như anh Trương Văn Sương.

Và một bạn tù của ông Trương Văn Sương từng lâm cảnh đọa đày dài lâu, là Thượng Tọa Thích Thiện Minh, cũng khó tránh khỏi rơi lụy:

Tôi rất xót xa và thương tâm cho hoàn cảnh của ông Sương cũng như gia đình ông, vì ông đã bị cầm tù hơn 33 năm rồi.

Thượng Tọa Thích Thiện Minh

“Tôi từng ở tù chung với ông Trương Văn Sương. Tôi rất xót xa và thương tâm cho hoàn cảnh của ông Sương cũng như gia đình ông, vì ông đã bị cầm tù hơn 33 năm rồi. Từ xưa đến giờ, những anh em cùng chung tù, khi thấy hoàn cảnh như vậy thường nói rằng “trông thấy người khác chết, trong lòng rất xót xa, nửa thương xót kẻ chết, nửa nghĩ đến phiên ta.”

Không phải chỉ có người tù bất khuất Trương Văn Sương bị cưỡng bức vào cõi tử, mà cách nay chưa lâu – tức vào hôm 11 tháng 7 vừa rồi, người tù lương tâm Nguyễn Văn Trại cũng đã vĩnh viễn ra đi ở Miền Nam – tại nhà tù Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai -khi gần mãn hạn 15 năm tù do đấu tranh cho tự do, dân chủ. Theo Thượng Tọa Thích Thiện Minh thì ông Nguyễn Văn Trại, 74 tuổi, đã qua đời trong “oan nghiệt và tức tưởi”. Thân nhân xin đưa thi hài ông về quê nhà an táng nhưng Ban Giám Thị Trại từ chối với lý do ông “Nguyễn Văn Trại là một tù nhân chính trị, chứ KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI”.

Những tình cảnh vừa nói hẳn khiến người ta lo cho số phận của LM Nguyễn Văn Lý từng bị nhiều lần đột quỵ và đang bị khối u não, nhưng nhà cầm quyền vẫn cho là sức khỏe thích hợp để phải trở lại lao tù. Rồi tù nhân thế kỷ khác tiếp tục vòng lao lý hơn 35 năm nay, cựu Đại úy quân lực VNCH Nguyễn Hữu Cầu, có thể ra sao ? Và còn biết bao tù nhân lương tâm khác đang bị giam giữ trong những trại tù khắc nghiệt trên khắp đất nước Việt Nam?

Theo dòng thời sự:

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.