May 08, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Đọc lại bài thơ Lý Bạch TẶNG UÔNG LUÂN
Nguyễn Khôi * đăng lúc 07:09:51 AM, Jul 20, 2011 * Số lần xem: 2429

Đọc lại bài thơ Lý Bạch :
         TẶNG UÔNG LUÂN
        -----------------
 
Tương truyền đời nhà Đường, vào năm Thiên Bảo thứ 13 (754) có Uông Luân là một Hào sĩ ở Kinh Xuyên, tuy tài năng không thể so sánh với Lý Bạch, nhưng ông cũng là dòng dõi hào kiệt, đã từng làm Huyện Lệnh ở Kinh huyện, rất thích giao du với các danh sĩ, hết sức mến mộ Lý Bạch: Nghe nói Lý Bạch sắp đi chơi qua đây, Uông Luân bèn gửi thư đón mời và trong thư có nói dối rằng:"Tiên sinh thích ngao du chăng?- ở đất này có vạn nhà hàng rượu"...Lý Bạch vui vẻ mà đến,  Uông Luân bèn nói thật rằng :"Đào Hoa đây là tên một cái đầm (đàm),thật không có hoa đào gị cả. Vạn nhà đây chỉ có "tửu điếm họ Vạn", chứ thật không có hàng vạn quán rượu nào đâu"...Lý thi nhân nghe xong bật cười to, ở lại chơi vài ngày. Sau đó, Uông Luân tặng 8 con ngựa và 10 cuộn gấm đẹp rồi đích thân tiễn đưa. Lý Bạch cảm vì chân thành nên hạ bút xuất thần bài "tuyệt cú Đào hoa đàm đề":
 
        TẶNG UÔNG LUÂN
 
   Lý Bạch thừa chu tương dục hành
   Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh
   Đào hoa đàm thủy thâm thiên xích
   Bất cập Uông Luân tống ngã tình .
 
Dịch :
      Sắp đi Lý Bạch ngồi thuyền
Trên bờ chân giậm, nghe liền tiếng ca
      Nước đầm nghìn thước Đào Hoa
Uông Luân, tình bác tiễn ta sâu nhiều
                    -Tản Đà (1938)
 
Lý Bạch thuyền chèo sắp vượt ra
Trên bờ lanh lảnh tiếng thanh ca
Đầm Đào thăm thẳm sâu nghìn thước
Khôn đọ tình Uông tiễn tống ta.
                     -Trúc Khê (trước 1945)
 
BÌNH :Đây là sự cảm kích của Lý Bạch đối với Uông Luân lúc chia tay, bài thơ gây xúc động lòng người.
-Câu 1; tác giả tự nói về mình. 3 chữ "tương dục hành" là diễn tả cảnh bịn rịn tiễn biệt...
-Câu 2: chữ "hốt" là sự "chuyển" sang động thái lên đường, thật là có "thần" (không tả mình mà tả chủ nhân với cử chỉ "đạp ca"- một lối hát dân gian nhiều người cùng dang tay nhau và giậm chân làm nhịp - như kiểu "xòe Thái" hay Lăm Vông Lào ?)
 Chữ "thanh" là chỉ tác giả (người được tiễn) nghe thấy...cùng lúc lên thuyền (thừa chu).
-Câu 3: bút lực của Thi hào đã "chuyển" vào cõi trời đất (đàm thủy).
-Câu 4: là bút pháp đảo ngược lấy cái sâu của đầm Đào Hoa ví với cái thâm tình của Uông Luân.
     Toàn bài nổi bật 2 chữ "tương" và "hốt", đó là dạng "nhãn tự" (chữ mắt) như có thần tỏa sáng cả bài thơ.
      Truyện Sử còn kể tiếp : đến đời nhà Thanh (Khang Hi thứ 55 ) trở đi, Nhà Thơ Viên Mai (1716-1797) đã chép :"Ngày nay thì đầm Đào Hoa đã cạn, đường qua đây đã tắc nghẽn, Nhà thơ Trương Tĩnh Trai đã cảm thán rằng (xin chép băn dịch) :
 
      Rừng vắng ve chuyền chiếc lá rơi
      Đào Hoa nẻo ấy dễ tìm thôi
      Lạ gì tình bạn nay hời hợt
      Đầm cũ xem ra cạn khác rồi.
                   -Trương Đình Chi (dịch)
 
 Chao ôi, "tình bạn ngày nay đã khác xưa/ nghĩa tình e sớm nắng chiều mưa"...Đọc lại thơ Lý Bạch, ngẫm thời thế mà buồn vui lẫn lộn thật  khó tả làm sao ?
 
             Góc Thành Nam Hà Nội 17-9-2006
                         Nguyễn Khôi

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.