Apr 26, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Bài Viết của Trần Như Lộc
Trần Như Lộc * đăng lúc 12:05:04 PM, Apr 21, 2011 * Số lần xem: 1986
Hình ảnh
#1

Bàn Thờ  Tổ Tiên Ý Nghĩa Và Cách Bài Trí


Thờ cúng tổ tiên là một mỹ tục của nhân dân ta đã có từ ngàn xưa, truyền thống tốt đẹp đó luôn luôn được gìn giữ và kế thừa qua các thế hệ về sau.Con cháu có hiếu nghĩa phải là người biết nhớ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, sống thì lo phụng dưỡng, chết thì lo phụng thờ.Vì thế mà trong mỗi gia đình, dù có hoàn cảnh khác nhau, cũng đều dành một vị trí trang trọng nhất trong nhà để đặt bàn thờ gia tiên.

Bàn thờ tổ tiên là nơi thể hiện cốt cách của từng nhà, song nó cũng là bóng dáng chung của tâm hồn dân tộc ta vì thế người Việt Nam luôn có ý thức tập trung vào đó tất cả vẻ đẹp hình thức trong khả năng có được, nhất là vẻ đẹp tâm linh thiêng liêng.

Bàn thờ tổ tiên có thể cầu kỳ hay đơn giản tùy theo điều kiện của từng gia đình. Nhà nghèo khó có thể chỉ là một tấm ván nhỏ gắn trên vách, nhà khá giả có thể có cả một điện thờ chiếm cả một gian phòng, thường là gian chính giữa hay gian trên hoặc gian ngoài cùng.

Trước tiên bàn thờ tổ tiên là nơi tưởng nhớ, là một thế giới thu nhỏ của những người đã khuất. Mỗi loại đồ thờ đều mang một ý nghĩa tượng trưng. Lư hương tròn tượng trưng cho bàn thái cực, trục vũ trụ là khói trầm hương vươn lên từ bát hương mang ý nghĩa tinh thần được xem như gạch nối giữa trời với đất, âm dương hòa hợp đem tới nguồn hạnh phúc. Hai cây đèn tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng “ nhật nguyệt quang minh”, những nén hương tượng trưng cho các vì tinh tú. Bình hoa tượng trưng cho cái tâm không, là “ lục căn thanh tịnh”. Có nhà còn trưng bày thêm hai cành hoa cúc giấy, có nhiều hoa nhỏ bao quanh một hoa lớn. Hai cành hoa này tượng trưng cho ngày dương ( hoa màu vàng, bên trái), ngày âm ( hoa màu trắng, bên phải).

Nhiều gia đình còn đặt thêm sau bát hương một cái đỉnh trầm trang trí hình con lân ở đỉnh, tượng trưng cho sự thông minh, sức mạnh để kiểm soát tâm hồn người hành lễ, hình hổ phù mang ý nghĩa cầu no đủ, cây trúc biểu hiện tính cách quân tử. Cành đào thể hiện có huyền lực trừ tà ma và mọi điều xấu, màu đỏ chứa nguồn sinh khí lớn lao. Hoa đào đỏ thắm còn là lời cầu nguyện và lời chúc phúc đầu năm mới. Việc cầu phúc có nhà cắm thêm vào một cành hoa tre nhuộm ngũ sắc gần giống như cây đũa bông cắm trên bát cơm cúng cho kiếp đời đã qua. Có nơi trên bàn thờ còn có cái khảm ( gần như cái am nhỏ) bằng gỗ, có cánh cửa, bên trong đựng bài vị tổ tiên được chạm trổ tứ linh ( long, ly, quy, phượng). Nhà nghèo khó ở nông thôn, thường treo lên vách trên bàn thờ một bức tranh dân gian vẽ mâm ngũ quả, chiếc cuốn thư…để cầu mong sự no đủ và cũng để làm sáng ấm căn nhà.

Lễ vật dâng cúng phải thanh khiết. Đồ lễ cúng thường có đĩa cau trầu, trà rượu. hoa quả, hương trầm, giấy trắng,vàng bạc, giấy tiền và một bát nước lã, một bát nước trà ( chè) nóng. Ngoài ra còn có mâm cỗ với xôi chè, các loại bánh và thức ăn mặn, hai cây mía còn nguyên đọt lá và rễ là vật linh thiêng gắn với chuyện tạo thiên lập địa của cư dân hải đảo, như sự gắn kết giũa tổ tiên với các thế hệ con cháu, có ý nghĩa như những chiếc gậy cho tổ tiên chống gậy đi về vui với con cháu. Khi phát hiện ra lửa người ta chỉ thấy khói bay lên và từ đó khói lửa dần dần đi vào hội lễ, nảy sinh ra nến và hương trong tín ngưỡng.

Những ngày lễ tết, ngày giỗ kỵ, hiếu hỷ hoặc có các sự việc hệ trọng hay việc không hay xảy ra trong gia đình thì con cháu tề tựu để tổ chức lễ cúng gia tiên  để tưởng niệm đến vong linh những người đã khuất hoặc cầu mong được phù hộ. Phong tục thờ cúng tổ tiên thể hiện truyền thống hiếu thảo, uống nước nhớ nguồn, trọng chân lý, lẽ phải của dân tộc ta. Dù cho là người theo tôn giáo nào đi nữa thì việc thờ cúng tổ tiên đều được tuân thủ nghiêm túc.

 

Bàn thờ tổ tiên là vẻ đẹp của văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, tất cả vì lòng người, vì tâm hướng thiện. Bàn thờ tổ tiên rực rỡ mỗi độ xuân về. Người Việt hiểu sâu sắc có quá khứ mới có hiện tại và tương lai. Thờ cúng tổ tiên mỗi nơi có khác nhau nhưng đều có chung một ý nghĩa, đó là sự hướng tưởng đến tiền nhân trong gia tộc để tỏ lòng hiếu kính với người đã quá cố. Người dân Việt đều có cùng chung suy nghĩ” Tổ tiên công đức muôn đời thịnh, con cháu thảo hiền vạn kiếp vinh”./.


                                                                                        TRẦN NHƯ LỘC

 

Nỗi Nhớ Quê Nhà

 

Quê hương ! hai từ ấy gắn liền với những gì thiêng liêng nhất trong đời người. Tết đến, xuân về, nỗi nhớ quê nhà càng thêm da diết trong tôi. Nhớ những ngày cuối năm trong giá rét của những đợt gió mùa tràn xuống từ phương bắc, trong mưa phùn lâm thâm đã thấy rộn ràng không khí Tết cổ truyền. Màu xanh của lá chuối, lá dong, màu đỏ của hoa đào, câu đối, màu vàng của trái quất, hoa cúc, hoa mai, …Những của ngon, vật lạ từ khắp mọi ngả đường tấp nập về các chợ, các của hàng, trung tâm mua sắm, trung tâm hoa cảnh đáp ứng mọi nhu cầu của người đi sắm Tết. Các cụ ông đi chọn hoa đào, hoa mai, hoa cúc,… Các bà lo mua sắm áo quần mới cho bọn trẻ con và các vật phẩm dùng trong dịp Tết.

Ngày 23 tháng Chạp bắt đầu nhộn nhịp người đi mua sắm. Từ đó, không khí Tết đã tràn về khắp mọi nhà, xóm phố. Chiều 30 Tết nhiều nhà dựng cây nêu ở phía trước nhà mang ý nghĩa chào đón tổ tiên, ông bà không vào nhầm nhà và xua đuổi tà ma. Mọi nhà đều có lễ đón rước người thân đã khuất, tất niên năm cũ, đoàn tụ gia đình trong tiếng pháo nổ đì đùng rộn vang thôn xóm. Bàn thờ tổ tiên mọi nhà đèn nến sáng trưng, hương trầm nghi ngút. Nửa đêm đến giao thừa khắp nơi cúng lễ và pháo lại nổ vang rền.
Sáng mồng một Tết mọi người từ già đến trẻ đều ăn mặc áo quần mới chỉnh tề. Những người có tôn giáo đến các chùa, nhà thờ, thánh thất…dâng lễ. Con cháu lần lượt đến chúc thọ ông bà, cha mẹ và được người lớn “lì xì” những tờ bạc mới mừng tuổi lớn khỏe mạnh, học hành tấn tới…
Ngày nay, dù có những đổi thay trong quan niệm sử dụng thời gian những ngày Tết thì từ chiều 30, nhà nhà đều mong giữ được hương vị Tết thơm ngát mùi bánh tét, bánh chưng vừa mới nấu xong, mùi chiên rán thơm lừng, mùi hương trầm nao nức trong không khí rộn ràng đặc biệt chỉ riêng có trong ngày Tết cổ truyền.

Một cái Tết Nguyên đán nữa lại về mang theo những ước mơ, dự định ấp ủ của biết bao người về đón chào, vui chơi những ngày Tết thiêng liêng. Tết mãi trường tồn giá trị về sự sum vầy, hội tụ, về sự sung túc, nghỉ ngơi, sự đầm ấm và yên vui; mãi là dịp để những người thương yêu nhau, hiểu nhau, những người cùng chí hướng được gần bên nhau, là cơ hội để mọi người cùng cảm nhận nhiều vẻ đẹp của cuộc sống, những điều mà trong ngày thường quá bận rộn có thể bị bỏ quên.

Quê hương chính là nơi ra đời, là nơi có thể sẽ trở về vĩnh viễn với lòng đất mẹ ngàn năm hiền hoà thân thuộc. Quê hương là hình ảnh những làn khói lam chiều sau những nếp nhà đơn sơ quyện vào các luỹ tre làng cùng với những ngày Tết cổ truyền trong làn khói hương trầm mặc tưởng nhớ đến tiền nhân đã dày công vun đắp qua bao đời hình thành nên mãnh đất quê nhà thân yêu để những ai đi xa sẽ không thể nào quên./.

 


Áo Mới Ngày Xuân

Mỗi lần Xuân về, Tết đến tôi lại nghẹn ngào thương nhớ Ba tôi. Ba tôi đã thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng  sau tám mươi mốt năm có mặt trên cuộc đời  này.

Thời trai trẻ của Ba tôi là những tháng ngày gian khổ trong chiến tranh. Thuở ấy, Ba tôi cùng gia đình Ông bà nội đang còn ở quê - làng quýt nổi tiếng Hương Cần ở Thừa Thiên Huế. Gia đình tôi làm ruộng và hoa màu quanh năm  nhờ vậy cũng đùm bọc được nhiều người dân trong những lúc khó khăn, đói kém, chia nhau từng chén cơm, bát cháo, củ sắn, củ khoai ..

Ba tôi thường kể lại cho anh em tôi nghe về quãng thời gian ấy. Ngày đi làm ruộng, trồng hoa màu... vài hôm lại bị bọn Tây bắt qua đồn bót bên kia sông làm phục dịch. Đêm về Ba tôi đi dạy bình dân học vụ cho dân trong làng để chống giặc dốt.

Sau đó, gia đình tôi có người tham gia hoạt động cho kháng chiến nên bọn lính Tây và hương chức tay sai kéo đến đốt nhà. Ba tôi cùng với gia đình tản cư lên thành phố Huế sinh sống bằng công việc làm thuê đi cuốc đất, trồng rau màu, la-ghim ở phường Tây Lộc.

Thương nhớ người cha kính yêu của mình trong mỗi dịp Tết đến bởi vì Ba tôi đã từng phải đi xa gia đình nhiều năm trong khói lửa chiến tranh, để lại trong anh em chúng tôi nhiều kỷ niệm khó quên.

  Trong những năm Ba tôi về sống gần gia đình, mỗi lần Tết đến thay vì Mạ tôi thì Ba tôi là người dẫn anh em chúng tôi đi chợ Đông Ba để mua sắm cho những bộ quần áo, giày mũ mới. Ba tôi thường nói khổ chi cũng chịu được nhưng các con phải có ít nhất là một bộ áo quần cho tươm tất như con người ta trong ba ngày Tết.

Mạ tôi là một người phụ nữ rất hiền lành, không mấy khi Bà  đi đâu ra khỏi nhà, chỉ quanh quẩn lo công việc nội trợ và cùng với gia đình trồng rau để sinh sống. Mỗi lần Tết đến thấy con nhà người ta đã có áo quần mới là Mạ tôi nói đợi Ba mi dẫn đi mua chứ Mạ thì chịu. Bây thấy cả đời Mạ có đi mô mà biết mua sắm. Mua thứ chi thì tuỳ Ba bây!

Ba ơi! Tết Nguyên Đán Canh Dần sắp đến rồi! Đứa con trai đầu lòng của Ba là con đã thành ông nội, ông ngoại  nhưng chưa có lần nào dẫn con cháu đi mua sắm áo quần mới như thời của Ba.

Xuân về lại khát khao như ngày xưa được cầm tay Ba đi loanh quanh giữa các hàng áo quần, giày dép thơm phức mùi vải mới ở chợ Đông Ba với nỗi vui mừng khôn tả.


        Nước mắt lại tuôn trào khi ngoài kia Xuân mới sắp về và nắng ấm lên rồi. Bây giờ chỉ còn lại ánh mắt nghiêm trang và nụ cười hiền hoà trên di ảnh của Ba quyện trong khói hương trầm mặc. Không bao giờ còn thấy Ba nữa để chúng con lại được mặc những bộ áo quần mới tung tăng vui Tết,  đón Xuân về!

 

 

TRẦN NHƯ LỘC

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.