Apr 25, 2024

Biên khảo

Bình thơ: Thơ Trăng – Ánh Đạo Vàng Chiếu Diệu
Đỗ Thị Hồng Cúc * đăng lúc 02:34:45 PM, Nov 30, 2010 * Số lần xem: 2655
Hình ảnh
#1


Tôi không khỏi bồi hồi xúc động khi đón nhận tập THƠ TRĂNG của nhà thơ Trụ Vũ. Khi trao ông trầm tư và nói:
Nếu như thơ dừng lại
Thì nấm mộ đùn lên
Nếu như thơ đi mãi
Thì đường cái vô biên
Vâng. Thơ Trụ Vũ vẫn còn “lai láng biếc” dâng tặng cho đời nguồn thơ kết tinh từ hương hoa của từ bi và trí tuệ. Sáu tập thơ ra đời trước năm 1975 và từ 1975 - 2010 đã xuất bản 18 thi phẩm. Tập Thơ Trăng với 99 bài, là những dòng thơ siêu thoát huyền vi – như một “chuỗi thơ thiền duyệt” cho ánh trăng ngời soi tỏ Chân như.
Ánh trăng tượng trưng cho trí tuệ Bát nhã, là vầng sáng của muôn đời, vạn kiếp, muôn nơi.
Trăng sáng tự muôn đời
Sáng mãi trong lòng người
Trong từng hạt sương cỏ
Cũng tỏ ánh trăng ngời (Bài 25)
Trong mỗi chúng ta đều có “trăng”. Mỗi trái tim con người vốn có Phật tính, tiềm tàng ngay cả trong từng hạt sương, ngọn cỏ, đóa hoa, mỗi chú dế mèn, cô bướm trắng…
Ánh dát vàng bàng bạc đượm một màu huyền bí, hư ảo, chờ đêm về – trăng lên, mà đêm lại là thế giới của hư vô, mộng tưởng, của cô đơn, lạnh lẽo, quạnh hiu. Vì thế, trăng luôn luôn là hình ảnh gợi cảm, dễ rung động tâm hồn nhân gian, nhất là các thi sĩ:
Trăng non thuyền một lá
Sầu ngư phủ thiên nhai
Theo trăng thơ bán dạ
Cũng láng lai cơn sầu (Bài 22)
Thường các thi nhân vẫn đợi đến mùa thu về, ánh trăng rồi sẽ hiện lên, thả hồn mình “Ru theo trăng và vơ vẩn cùng mây”(Xuân Diệu). Nhưng một điều diễm tuyệt đối với thi sĩ Trụ Vũ là ông có mảnh trăng riêng của mình, luôn vận hành, hòa điệu trong từng sát-na của vũ trụ.
Trăng dõi theo tôi mãi
Từ đêm lại tới ngày (Bài 82)

Rằm suốt ba mươi ngày
Rằm suốt mười hai tháng
Rằm suốt suốt đông tây
Rằm như như nguyệt tạng
Biếc ơi! Một nét mày (Bài 55)
Bài thơ tạo ấn tượng sâu lắng đồng vọng ở câu cuối. Đó chính là điểm sáng giữa trái tim chân thật của lòng người. Nhà thơ không cần nhiều lời để nói về cái Tâm. Chỉ cần thốt lên một lời trân trọng – trân trọng mà dịu dàng, an nhiên, bay bổng “Biếc ơi! Một nét mày” hoặc “Lại cả phiến tâm này”(Bài 44). Năm từ đủ để vạn vật bừng tỉnh. Đó là trạng thái liễu ngộ bàng bạc xuyên suốt chín mươi chín phiến thơ Trăng của Trụ Vũ.
Cuộc sống bộn bề những vất vả lo toan, thi sĩ của chúng ta hầu như không còn thời gian để đắm mình trong cảnh thiên nhiên để tức cảnh sinh tình. Trăng của Trụ Vũ không đợi đến mùa trăng, kỳ trăng mới chiếu diệu, tỏa sáng. Từng câu, từng chữ thoát thai giữa nhịp điệu bình thường của cuộc sống. Giây phút ấy, nhà thơ không có sự tồn tại sắc thân của cái tôi là mình mà như đã hòa tan vào không gian trăng sáng. Khoảnh khắc ấy, thi sĩ như quên đi sự đời, công danh, địa vị – chỉ còn duy cái tâm-không của mình hòa cùng vạn vật:
Nửa khuya không có mình
Nên trăng sáng vừa xinh
Trời vắng mây trong nhỉ
Chỉ con hoa tử kinh (Bài 13)
Ánh trăng như một thực tại hiện tiền, bỗng phút chốc hé lộ ra cái vĩnh cửu:
Trước khi có con người
Đã có vầng trăng sáng
Thế mới biết nụ cười
Vốn từ trăng lai láng (Bài 68)
Nhà thơ lý giải cho ta biết được:
Vì sao gương mặt đẹp
Vì chép từ vành nguyệt
Cũng thế đôi nét mày
Thượng huyền trăng diễm tuyệt
Lại cả phiến tâm này! (Bài 44)
để chúng ta nhận rõ kiếp nhân sinh và sự biến chuyển trong cuộc đời, trong dòng thời gian vô tận. Sướng, khổ, tốt, xấu đều do tự thân vận động. Muốn phục sinh con người mới từ trong chính mình – con người thánh thiện phải triệt tiêu những thói hư tật xấu như tính ghen ghét, xu nịnh, lọc lừa, tực cao, tự đại. Bởi:
Muốn cứu em thống khổ
Nhưng tìm Pháp bảo đâu
Pháp bảo đành không có
Họa nửa vành trăng thâu (Bài 5)
Không ai cứu mình bằng chính mình. Câu thứ tư như nở một nụ cười thuần nhiên ý nhị. Thơ Trụ Vũ cao đẹp, thâm sâu là vậy.
Trăng biểu tượng cho ánh sáng của trí tuệ, của tình thương bao dung hòa hợp. Nhờ ánh sáng của trí tuệ, tình thương được thắp sáng mà con người dù ở hoàn cảnh nào cũng sống an vui tự tại, biết thương yêu nhau mà không gây đau khổ cho nhau:
Đi trong gió trong mưa
Trong tăm tối lọc lừa
Sao vẫn nghe tiếng gọi
Của một vầng trăng xưa (Bài 60)
Ánh trăng soi sáng cho con người, mở ra con đường giải thoát khỏi kiếp thân đau khổ, Phật giáo gọi đó là Bát Chính Đạo.
Nương gương rằm vĩnh tại
Tám con đường sáng trăng (Bài 16)
Cõi Ta bà phiền não, có lúc như bị dồn nén nhưng khi trở về với thơ Trụ Vũ ta thấy lòng mình được bình yên, thanh tịnh. Phải chăng nhà thơ đưa ta an trú trong Ánh Đạo Vàng.
Trên trời có minh nguyệt
Lòng người cũng có trăng
Tâm có sáng, lòng có rộng thì suy nghĩ và hành động mới hướng đến mục đích cao thượng, hầu tìm về cái đẹp đích thực của cuộc sống. Con người sống chan hòa, biết yêu thương nhau. Mọi người đều có tâm hướng thiện thì xã hội ngày một tốt đẹp hơn lên:
Minh nguyệt tỏ bên ngoài
Cho đóa đóa mai tươi
Bên trong tỏ minh nguyệt
Cho đôi môi hé cười (Bài 50)
Vượt qua sức cám dỗ của ngôn từ để lấp lánh trong thơ Trụ Vũ là ngôn ngữ của một nhà thơ Đạo tâm và Tín Tâm. Nhờ đó mà những chi tiết bình thường trong đời sống tự nhiên, vô thường qua lăng kính của thi sĩ bỗng trở nên huyền diệu, vô vi:
Réo rắt cung đàn nguyệt
Nốt vàng rung biển biếc
Trên mái tóc huyền em
Bốn ngàn năm ngôn thuyết (Bài 46)
Những hình ảnh tưởng như hư ảo nhưng rất thực, hiện thực trong cảm xúc mà siêu thực trong bút pháp:
Con họa mi pháp ngữ
Con hoàng anh bảo tự
Ơi tiếng hót vô thanh
Đưa ta về tĩnh lự (Bài 34)
Ánh trăng hay con người? Cũng có thể là ánh sáng của một trái tim mà nhờ nó những gì thân yêu nhât cũng được “trăng hóa”:
Nước nhờ trăng mà biếc
Non nhờ nguyệt mà xanh
Hỏi non xanh nước biếc
Có biếc rằm long lanh (Bài 49)
Và đây là tứ thơ trang nghiêm mà tình tự, thấm đượm tình đời, chứa chan ý đạo:
Người yêu của trăm năm
Đã đành em công chúa
Song người yêu muôn thuở
Âu lại ánh trăng rằm (Bài 6)
Nhà thơ của chúng ta như một kẻ minh triết đủ để im lặng gìn giữ một khoảng không gian quá mong manh giữa ông với ánh trăng rằm. Đó là nét tài hoa của một nhà thơ – rất thơ và thơ lại rất trẻ. Trẻ trong sự an nhiên tự tại, cái-trẻ-thơ trong vướng bận bụi đời.
Với thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt cô đọng, hàm súc, mỗi bài thơ như chính ánh trăng sáng ngời tỏa rạng trong mỗi thi tứ. Đặc biệt, âm hưởng hai câu cuối trong mỗi thi tứ như chắp cánh cho sự suy tưởng của người đọc. Thật vậy, đọc và suy ngẫm “THƠ TRĂNG” ta như thấy vầng hào quang chiếu diệu đâu đây quanh ta, ta như thấy được mầm sống vĩnh hằng của pháp thân trong chính mình.
Một lần nữa, hồn thơ ẩn mình trong từng nét bút phóng họa tinh tế, tạo nên chín mươi chín bức tranh thư pháp độc đáo. Đó là kỳ công trong lao động nghệ thuật rất nghiêm túc của nhà thơ.

Đỗ Thị Hồng Cúc

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.