Apr 19, 2024

Tùy bút - Bút ký

Ngã Rẽ
Đỗ Thị Hồng Cúc * đăng lúc 02:29:52 PM, Nov 30, 2010 * Số lần xem: 2316
Hình ảnh
#1

(Thương tặng các bạn cùng lớp trường BTX – Đà Lạt)

Khi tôi đang học lớp đệ ngũ, đất nước chuyển mình sang giai đoạn mới, lịch sử sang trang. Ba tôi là viên chức nhà nước, sống dựa vào đồng lương để nuôi các con ăn học. Sau năm 1975, xã hội quá nhiều đổi thay. Người thì hân hoan chào mừng ngày đất nước thống nhất. Một số người an phận mặc cho thời cuộc đẩy đưa, một số người vượt biên, kẻ đi kinh tế mới, kẻ thì bế tắc trong cuộc sống phải quyên sinh.
Tôi còn nhớ, vào một sáng, bà Ngô Đình Long (Nguyễn Thị Trâm Anh) – Giám đốc Hội Việt Mỹ – Đà Lạt đến nhà nói với ba tôi: “Ngày mai lúc 11g có một máy bay đưa gia đình tôi sang Mỹ, ông bà có muốn đi cùng chúng tôi thì chuẩn bị gấp, bỏ lại hết, không mang gì theo”. Ba tôi bàn với má, má tôi phân vân lưỡng lự, vì lúc đó Sài Gòn chưa giải phóng, con đứa đi đứa ở má không đành lòng.
Cuối cùng, 2 năm sau gia đình tôi cũng sống trong sự lựa chọn đầy cay nghiệt. Có nhà ở Sài Gòn nhưng không chuyển về đó mà chọn phương kế trở về quê hương Núi Ấn Sông Trà.
Quê hương miền Trung ngày ấy trong tôi chỉ là hình ảnh trong nghĩ tưởng – một miền quê nghèo khổ, không chỉ thiên tai mà còn bị chiến tranh tàn phá. Bà con họ hàng phải tha phương cầu thực. Tuy vậy, họ là những con người cần cù, hiếu học, chịu thương chịu khó. Bà con hết tốp gia đình này đến gia đình khác, từ quê vào đến xin trú ngụ ở nhà tôi (ở mà không phải trả tiền thuê nhà, hồi thời đó hình như là vậy), có gia đình ở vài năm. Cứ thế, hàng chục năm, tôi thấy ba má tôi luôn cưu mang họ, xin giúp cho họ việc làm, con cái họ được học hành, cho đến khi họ mua được nhà riêng mới thôi. Má tôi lâu lâu lại lấy quần áo cũ của chúng tôi cho vào bao tải gởi về quê. Chị em tôi cũng sẵn lòng bao dung như thế. Còn tôi, vẫn nhớ mãi bài học thuộc lòng từ thời tiểu học :
“Miền Trung bị nạn lụt
Người, vật, của tiêu hao
Em nghe mẹ khuyên bảo:
- Con nên giúp đồng bào
Em soạn chiếc áo ấm
Vội vã gởi ra Trung
Chiếc áo không đáng giá
Gói ghém trọn tình thương.”
Quê hương – ai cũng có hoài niệm, ký ức đẹp nhưng sao người ta cứ phải bỏ quê để ra đi mưu sinh lập nghiệp ? Câu tự vấn luôn làm tôi nhói lòng mỗi khi nhắc đến, nghĩ về. Do vậy, khi biết được ý định của gia đình chuyển về quê, lòng tôi buồn đau vô hạn. Các anh chị đều có gia đình ở xa, trong nhà chỉ có mình tôi là chị lớn. Lớn là lớn so với các em chứ thật ra lúc ấy tôi cũng còn ngây thơ lắm. Vậy mà khi bất chợt Ba hỏi tôi : “Con có muốn về quê không?” Suy nghĩ một hồi, tôi rụt rè thưa với Ba: “Ba có thể cho con ở lại học hết cấp ba rồi về có được không?”
Về quê – con đường mà Ba tôi biết chắc là trăm phần thất bại. Tôi biết Ba tôi nhiều đêm không ngủ và hiểu nỗi lòng của Ba. Hôm sau, Ba gọi tôi ngồi vào bàn nói chuyện một cách nghiêm túc: “Ba đồng ý với ý nguyện của con. Ba để lại cho con năm phi lúa (Ba thuê người trồng ở Đức Trọng để xoay sở trong buổi giao thời), số còn lại đem bán hết… Cố gắng lên con nhé. Ba rất tin tưởng ở nghị lực của con. Bây giờ Ba đi cắt hộ khẩu di chuyển đây.”
Cầm tờ hộ khẩu Ba đưa cho tôi, mở ra xem, chỉ còn một mình tên tôi không bị gạch. Tự nhiên tôi thấy mình choáng váng, hụt hẫng. Tôi cố nén xúc động, chạy nhanh sang tòa nhà Hội Việt Mỹ xây dựng dở dang (bây giờ là Khách sạn Đồi Cù), ngồi bệt xuống, khóc òa lên. Khóc để trút bớt khổ đau xuống cuộc đời này, để thấy bầu trời quang đãng hơn. Nước mắt cạn rồi, tôi lững thững lê bước lên Đồi Cù dựa vào gốc thông buồn rũ rượi, mắt hướng về ngôi nhà thân yêu.
Chẳng lẽ vài hôm nữa tôi sẽ rời xa tổ ấm của mình sao? Ngày mai tôi không còn được sự bảo bọc, chăm sóc vỗ về yêu thương, những lời khuyên nhủ ân cần của Ba Má nữa sao? Còn các em của mình nữa, tương lai nó sẽ như thế nào? (Vì trước đó Má dẫn bé út về quê xin vào học lớp một, ở địa phương bắt phải làm lại giấy khai sinh, ghi nó sinh tại xã đó thì mới cho đi học, bởi nó được sinh ra ở Đà Lạt. Và kể từ đó nó chẳng còn là dân “gốc sú” nữa rồi. Biết sao được?!). Vì sao mình phải đơn độc trong khi có Ba má anh chị em? Bao nhiêu câu hỏi mà không có lời giải đáp. Sợ xa vòng tay yêu thương, đầm ấm của gia đình nhưng lại không muốn về quê để chôn vùi tuổi xuân của mình nơi gốc rạ, bờ tre.
Rồi một ngày không mong cũng đến. Đó là ngày 2 tháng 6 năm… Ngã rẽ cuộc đời.
Một sáng Đà Lạt trời trong xanh mây trắng, nắng vàng nhưng trong lòng tôi từng đợt mưa rồi nối tiếp từng đợt mưa xối xả. Chiếc xe tải to đùng đến đậu trước cổng để dọn nhà chuyển về quê. Cũng đúng vào sáng hôm ấy, học sinh cấp ba chúng tôi (trừ khối 12 sẽ thi tốt nghiệp được miễn lao động hè) tập trung ở Sân Vận động thành phố Đà Lạt để làm lễ ra quân tham gia hè xung kích. Tôi sợ làm người đưa tiễn nên vội vàng mang ba lô lên vai, nói lí nhí lời chào tạm biệt: “Thưa Ba Má con đi”. Rồi xoa đầu các em và nói trong nước mắt: “Chị đi nghe, rồi sẽ về sau, nhớ viết thư cho chị”. Tôi quay đi day dứt ngậm ngùi. Ba Má và các em đứng ngóng trông theo vời vợi niềm thương nỗi nhớ.
Trước đó, anh bí thư đoàn trường biết hoàn cảnh nên cho phép tôi miễn tham gia lao động hè để về quê cùng gia đình nhưng tôi e ngại vì nhiều lẽ: Thứ nhất, sợ không sinh hoạt Đoàn, tham gia lao động trong hè sẽ phiền toái cho năm học mới, nhất là trong lớp có 3 đoàn viên nên phải gương mẫu. Có bạn lớp tôi, phẩm chất tốt, học tập tốt, nhưng phấn đấu “trầy vi tróc vẩy” suốt 3 năm vẫn không được kết nạp Đoàn chỉ vì bạn ấy có một lũ em thơ nên không thể tham gia lao động hè. Thứ hai, về với gia đình rồi khi trở vào Đà Lạt một mình, chắc tôi không chịu nổi.
Xe lăn bánh đưa đoàn thanh niên xung kích chúng tôi về hướng Thái Phiên – Chi Lăng. Trên đường đi, những bài ca cách mạng hùng tráng vang lên thật khí thế, tiếng vỗ tay, chiêng trống vang dậy đất trời vẫn không làm tôi nguôi ngoai nỗi nhớ. Từ lúc này, chẳng ai biết mình vui hay buồn, chỉ biết mình vi phạm nội quy kỷ luật. Nếu có chăng chỉ là sự thông cảm – tôi tự nhủ với lòng mình.
Đến nơi tập trung, chúng tôi được phân công ở ngôi nhà sàn của dân tộc ít người. Ổn định chỗ ở, mười lăm giờ xe của Thành Đoàn về thành phố và sẽ quay trở lại, tôi xin các anh cho tôi về theo với lý do bỏ quên đồ đạc nhưng kỳ thực là tôi buồn nhớ quá, tôi chỉ muốn khóc thật to cho vơi đi (giả sử tôi khóc thâït ở đây thì thể nào sau đó cũng bị kiểm điểm là đầu óc tư tưởng tiểu tư sản).
Xe dừng lại bên đầu cầu Ông Đạo, tôi lại nện gót trên con đường Đinh Tiên Hoàng thân thương mà kể từ nay chỉ một mình tôi lẻ bước trên nẻo đi – về. Con đường càng thêm thênh thang, vắng lặng. Đến nhà, tôi mở cổng, ngồi trước sân, bên gốc mimôza chỉ để thổn thức, nức nở, nhìn ngôi nhà nhỏ lặng im, khóa ngiêng một nỗi niềm… Nhìn đồng hồ, đến giờ henï, tôi khóa cổng, ngậm ngùi lê bước.
* * *
Tháng hè xung kích
Nhiệm vụ của chúng tôi được giao là công trình đào hồ Chiến Thắng. Nội quy, kỷ luật được áp dụng như trong quân đội. Quân số được phân chia theo tiểu đội, trung đội, đại đội. Sáng 5 giờ 30 phút kẻng đánh thức dậy vệ sinh cá nhân, ăn sáng. 6 giờ kẻng đánh lần hai, từng tiểu đội tập họp, điểm danh, kiểm tra dụng cụ lao động: mũ nón, cuốc xẻng, … Đi trật tự thành hàng hai mang vác dụng cụ lao động, đồng thời chia nhau khiêng nồi niêu soong chảo, chén đũa, thức ăn, nước uống ra hiện trường khoảng 2km. Chưa hết, còn phải ôn bài hai môn Văn và Toán. Mỗi ngày quy định phải thuộc một bài thơ Tố Hữu (có khi là 8 câu, có bài 16 câu) và 2 bài trong tập “Nhật ký trong tù”. Toán thì thuộc công thức và giải một bài tập. Chép ra giấy, tranh thủ trên đường đi từ nơi ở ra tới hiện trường phải thuộc, nếu không thuộc trên đường về học tiếp. Tối đến, tiểu đội trưởng kiểm tra không thuộc phải viết kiểm điểm. Ban ngày lao động đã vất vả; tối đến còn phải mệt nhoài với cả một chương trình nào là: học chính trị, ôn văn hóa, sinh hoạt văn nghệ, kiểm điểm đánh giá năng suất lao động trong ngày. Chủ nhật được thảnh thơi rủ nhau vào rừng tìm hoa phong lan, hái trái cây rừng và là dịp để tha hồ chạy nhảy, la hét vang động trong rừng. Song cũng có tiểu đội luân phiên phải đi cưa, chặt cây về làm củi.
Công việc đối với học sinh chúng tôi khá là nặng nhọc. Nam sinh đứng dưới lòng hồ, dùng xẻng xén khối đất vuông độ 25cm, số còn lại xếp hàng hai thảy đất lên bờ. Có bạn yếu sức, bạn quăng đất không chụp nổi, phần do đất bùn trơn nên bị tụt chất đống trước mặt. Có lúc vận chuyển đất bằng xe kút kít. Trên công trường còn có rất đông lực lượng thanh niên xung phong.
Nhớ nhất là những lần làm lễ kết nạp Đoàn. Kết nạp tại hiện trường thì quy định khi có còi hiệu lệnh, một người cầm cờ chạy đến một mô đất bất kỳ cắm cờ, tất cả đoàn viên tức tốc chạy đến đó. Đối tượng được kết nạp chỉ kịp rửa tay qua loa dưới suối. Còn quần áo, tóc tai vẫn bê bết bùn. Nếu kết nạp tại nơi ở vào buổi tối thì đoàn viên phải nắm chắc đối tượng được kết nạp của mình ngủ ở đâu để mà đánh thức. Trong đêm đen giá lạnh, một ánh đèn dầu leo lét được treo lơ lửng trên ngọn thông cao, y như trong truyện Liêu trai, và một cái đèn dầu tù mu đặt trên bàn lung linh trước gió để soi đọc quyết định kết nạp. Có bạn nhắm tít mắt trong lúc hát Quốc ca. Cũng có khi đọc tên đối tượng được kết nạp nhưng loay hoay mãi vẫn không thấy người đâu, chạy lên chỗ ngủ thấy bạn đang khò… khò. Té ra bạn được đánh thức rồi, ngồi dậy nhưng ú ớ, gật gù rồi lại ngủ tiếp.
* * *
Trở lại trường, trưởng lớp Nguyễn Thị Hòa – một học sinh giỏi toàn diện mấy năm liền của lớp. Một người bạn mà cả lớp tôi đều nể phục. Sống chân thành, hết lòng vì bạn bè. Đặc biệt, bạn nào (nhất là nam) mắc khuyết điểm, chỉ cần ánh nhìn của Hòa thôi cũng đủ để chúng tôi quy phục. Biết được hoàn cảnh của tôi, Hòa phân công một số bạn nữ đến ở học với tôi. Riêng Kiều Thủy nhà đông người nên xin ở hẳn với tôi, chủ nhật mới về thăm nhà. Hồi đó, Thủy là người chịu trách nhiệm chở lúa đi xay; vì với tôi, bao lúa không biết ngồi, cột rồi nhưng nó cứ rớt miết.
Làm sao có thể quên những đêm tập kịch chuẩn bị cho Hội diễn văn nghệ của trường, tập đến 24 giờ khuya mới về. Vậy mà cô T. Q và Hòa đưa từng đứa về nhà (dĩ nhiên là đi bộ rồi). Sau đó, Hòa về một mình trên những con đường đêm đen giá lạnh, ướt đẫm sương khuya, không một bóng người.
Năm tháng rồi cũng trôi qua. Tôi sống trong tình yêu thương rất đỗi chân thành của bạn bè, Thầy Cô cùng sự động viên giúp đỡ từ xa của gia đình cho đến ngày tôi thi đậu vào đại học… Và cứ thế, trong tình yêu thương ấy, tôi và bạn bè dần trưởng thành, tốt nghiệp đại học để rồi mỗi người lại bắt đầu một ngã rẽ khác : Vào Đời. Bạn bè chúng tôi mỗi người một nghề nhưng tâm nguyện thì vẫn cùng một hướng: Vì cuộc sống ngày mai tốt đẹp hơn. Cứ thế, mỗi người đi trên con đường riêng của mình, nhưng vẫn biết trong cuộc sống này dù xa xôi hay thường ngày gặp gỡ vẫn còn đó một ngày xưa đầy tình thân ái của bao kỷ niệm vui, của bao nỗi nhớ buồn.
Tôi có một ước mơ trong tầm tay bé nhỏ
Chiến thắng chính mình
Trong cuộc sống ngày hôm qua.

ĐỖ THỊ HỒNG CÚC


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.