Oct 13, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Những Con Cừu (Tạp bút).
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 12:19:20 AM, Jul 13, 2010 * Số lần xem: 2249
Hình ảnh
#1


     Tôi điểm tâm buổi sáng vào lúc chưa được sáu giờ, chỉ mới 5 giờ 45 phút. Tôi mặc quần áo thường lệ hằng ngày, xong đâu đó đúng 6 giờ. Ngồi vào ghế, mở máy vi tính, tôi nhẩm đọc một số những giòng chữ e mail, đọc lướt qua tin tức những đài phát thanh Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, đài Á Châu Tự Do RFA, đài phát thanh tiếng Pháp RFI. Lúc đã 6 giờ 50 phút, tôi tắt máy vi tính, tôi mang giày, vớ lấy chiếc áo ngự hàn ngắn tay cũ kỹ khoác vào người lóc cóc chống gậy bốn chấu lặng lẽ chậm chạp từng bước bước xuống sân, tôi ý chừng mọi người còn đang yên giấc.
Tuy trời đất đang vào giữa mùa hè mà thời tiết khí hậu như đang giữa mùa thu. Trời đất không gian xám ngắt sương mù tuy trời không mưa mặc dù sương mù bay lất phất như mưa bụi. Không gian là không gian của sương mù. Bất giác tôi nhớ lại một câu nguyên văn của nhà văn Thạch Lam Nguyễn Tường Lân, một truyện ngắn khá cảm động “ Tấm lòng của chị”. Tôi chép lại nguyên văn một câu của Thạch Lam để quý độc giả tùy nghi lượng định đánh giá tính chất hiện thực lời văn:

“ Lúc Tâm ra về, trời đã tối. Sương mù và gió lạnh nổi lên, Tâm thu vạt áo cho đỡ lạnh.”( Sợi Tóc). Tôi cũng không dám làm bận tâm quý độc giả khi quý vị đọc một mệnh đề phụ trong một câu của nhà văn Thanh Tịnh là tác phẩm văn xuôi “ Quê Mẹ”:
“ Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh,...”.
Và thời gian là thời điểm 6 giờ 55 phút. Điểm hẹn là tài xế người gốc Mễ Tây Cơ Rafael hoặc là nữ tài xế Andrea, cả hai đều lái xe thành thạo nhiều kinh nghiệm. Ngoài ra còn hai tài xế khác nữa cũng dày kinh nghiệm lái xe là Roberto và Andres. Trời mùa hè mà chim chóc bắt đầu thưa thớt vắng bóng, không thấy mấy con chim sẻ đậu trên những dây điện chạy song song; khi tôi còn nhỏ tôi đã quá giàu tưởng tượng mà cho rằng những con chim là những nốt nhạc được gắn liền trên những dòng nhạc chạy song song. Thi thoảng một hai con chim se sẻ đáp xuống mổ mổ vội vàng thức ăn xuống đất, sau đó hấp tấp đập cánh bay đi. Một chú chim cu đơn độc đău trên sợi dây điện trên đường phố nhìn trời, ngó đất, trông xuống đường xem thiên hạ dẫn học sinh đến trường, lâu lâu kêu lên một tiếng cúc cù cu lạc lõng chẳng thấy bạn đường. Buồn tình, chim cu cũng vỗ cánh bay vụt đi mất. Một tiếng gà gáy thật bất ngờ “ ò ó o...o” tại một nơi không thể định vị được: trong chuồng gà? Trong sân gia cầm? Tại một nơi nào đó nơi quê hương của loài chim muông chốn quê nhà hay nơi đất khách? Tiếng gà gáy thuộc gà nòi, gà chuối, hay gà tre? Chỉ có những tiếng gáy của gà trống không thể gà mái. Gà mái không thể biết gáy, cũng như dế trống biết gáy, dế mái không thể gáy, dế trống ve vãn làm tình, dế mái chịu để dế trống làm tình, có chửa và sinh sản. Hai con quạ đen vỗ cánh bay vội vã về một nơi vô định, những tiếng kêu “ quạ, quạ “ báo hiệu những bóng chim mùa xuân bay về làm tổ đẻ trứng đã hết từ lâu. Chỉ còn một niềm vui độc nhất tồn tại hiện hữu trong tôi mang theo một ý nghĩa sâu sắc: mùa hoa nở. Mùa xuân hoa nở sắc vàng, hoa mai, hoa cúc; riêng mùa xuân hoa nở cũng sắc màu hồng, hoa anh đào, hoa thược được, hoa mãn đình hồng. Mùa hè hoa nở sắc màu đỏ, hoa phượng, hoa học trò; riêng một loài hoa đặc biệt độc đáo sắc hoa màu tím: hoa soan. Hoa soan bên thềm cũ. Màu tím hoa sim.Trên các con đường dẫn từ nhà tôi dẫn đến chỗ Trung Tâm chăm sóc người già và các bệnh nhân, ngồi trên xe tôi đã chứng kiến đến mức độ say mê những bông hoa màu tím. Không phải những cây bông hoa thuộc loài thảo, những loại thảo ấy vốn nhiều trên sân cỏ, một loại hoa vốn có họ liên hệ hoa rễ quạt. Loại hoa này phải là hoa màu tím mới đúng, thuộc loại mộc. Hoa sai đặc, kết thành chùm , đong đưa lắc lư trong gió. Tôi không biết hoa sắc tím ấy tên là gì, hỏi nữ tài xế Andrea tên của loài hoa, thật tình tôi không thể nào nhớ nổi bởi người nữ tài xế phát âm tên hoa màu tím ấy quá nhanh. Nếu tôi nhớ không lầm thì tên của loài hoa ấy thuộc loại phượng, đọc đa âm polysyllabique, trái với người Việt Nam giòng giống mũi tẹt da vàng nói tiếng đơn âm, monosyllabique. Màu vàng tượng trưng cho công hầu vua chúa. Đấng quân vương khoác áo hoàng bào. Tôi vẫn nhớ theo bài học lịch sử thời đại tự chủ, lúc ông Lê Hoàn nguyên làm quan Thập Đạo tướng quân đương lúc vua nhà Tống lăm le dòm ngó muốn sang đánh chiếm nước Đại cồ Việt, ông Lê Hoàn bèn cho người ra nói với quân sĩ rằng: “ Bây giờ quân giặc sắp vào cõi, nhà vua thì còn nhỏ, lấy ai thưởng phạt cho công minh, dẫu chúng mình có đóng góp được công sức gì thì ai biết cho, chi bằng nay ta tôn quan Thập Đạo tướng quân lên làm vua rồi hãy đi đánh giặc.” Quân sĩ nghe nói thế đều hô “ Vạn tuế! “ Bà Dương vân Nga lúc bấy giờ đương ở trong cung, vội lấy hoàng bào mặc cho Lê Hoàn. Ông bèn lên ngôi làm vua, hiệu là Đại Hành hoàng đế. Không biết Dương vân Nga có chịu làm hoàng hậu của Đại Hành hoàng đế, hoàng hậu ngày trước của Đinh Tiên hoàng đế bị ngươi Đỗ Thích giết, hay không.Màu đỏ tượng trưng cho sự tranh đấu, xóa bỏ nỗi bất công áp bức. Lá cờ màu đỏ sao vàng. “ Dưới bóng cờ đỏ ánh vàng sao “(Diệt phát xít. Nguyễn đình Thi)Tôi để ý lá cở của Hiệp chủng Quốc, rất ít màu đỏ trên nền trắng, chỉ bảy vạch đỏ xuất hiện trên bảy vạch trắng.
Màu tím...
Cách nay ngót bốn mươi năm, lúc tôi ngoài ba mươi tuổi, tôi đã có một công tác thí vụ tại cố đô Huế. Một ngày chủ nhật, tôi được nghỉ xả hơi, tôi cùng một vài anh em đạp xe đạp đi rong chơi ngoạn phong cảnh tại thôn Vĩ Dạ, một thôn từng nổi tiếng vì lắm người con gái Huế vốn nổi tiếng đẹp. Đẹp thì phải công nhận đẹp, nhưng, tri nhân, tri diện, bất tri tâm. Lúc đạp xe ngang qua một xóm tôi quày cổ nhìn vô một ngôi nhà tọa lạc tại đó. Một cây cổ thụ tôi ước chừng cây me sừng sững đứng bên cạnh lối đi lót bằng đá sỏi. Bên cạnh lối đi là một hàng lan nhỏ, tôi nhắc lại là khá nhỏ mọc e dè khiêm tốn đương độ nở hoa sắc hồng phơn phớt. Tôi phải ghi chép lại một đoạn thơ tự do “ Tình hoa nhỏ “ để thấy tình hoa lan nhỏ đã quyến luyến với tôi như thế nào. Xin mời quý độc giả:
Ngày xa xưa
Thuở trăng sao còn sáng tỏ,
Ta trót yêu một loài hoa nhỏ,
Nấp bóng dừa chải tóc mây trời
Ngại ngần e ấp nở,
Tựa nét môi ai cười,
Xen lẫn trong cây lá cỏ,
Hồn hoa nở ngát hồn người.

Hôm nay ngày 4 tháng bảy, July 4th là ngày quốc lễ chính thức của Hoa Kỳ, công nhân viên chức đều được nghỉ bù vào ngày thứ hai. Việt Nam không có ngày quốc lễ nhưng có ngày 2 tháng 9 còn gọi là 19 tháng 8. Buồn tình, tôi bài thơ ngẫu hứng sau đây hầu quý độc giả:
Chủ nhật thứ hai lễ Độc Lập
Suy trầm kinh tế nghỉ dồn dập.
Buồn thiu mũi tẹt cố im re,
Cố đấm ăn xôi tổng Diễn Tập.
Kháng chiến trường kỳ tám chục năm,
Ngụy nhào Mỹ cút thành công cóc.
Hai trăm năm cũ nước thanh bình.
Hiệp chủng quốc mưa dầm gió bấc.

Sau năm 1975 tôi “lưu dung” được tiếp tục dạy. Cũng xin nói thêm về chính sách “ lưu dung” của lãnh đạo, của đảng, của nhà nước và của chính phủ. Có thể nói chính sách “lưu dung” là một ân huệ, một sự khoan hồng của đảng, nhưng không phải ai không phải người nào được lọt vô mắt xanh của chính sách lưu dung”. Phải thuộc thành phần quân đội, cán bộ, viên chức sau 75 đều được ghi tên vô sổ đen có nợ máu với nhân dân. Nếu những thành phần này đầu óc có tiến bộ, có giác ngộ cách mạng hoặc gia đình con em có liên hệ cách mạng thì khỏi đi học tập cải tạo dài ngày ngắn ngày thì những thành phần ấy được lưu dung, có nghĩa được tiếp tục cho đi dạy lại. Như giáo sư Cao văn Duy nguyên trung úy giải ngũ em ruột tướng Cao văn Khánh được lưu dung. Như giáo sư Toán Nguyễn văn Tài, nguyên chuẩn úy khóa sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức em ruột ông Nguyễn văn Lợi nguyên là cán bộ cao cấp trong văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Khánh Hòa, chẳng những khỏi phải học tập cải tạo mà còn được lưu dung tiếp tục dạy tại trường phổ thông trung học Lý Tự Trọng. Như giáo sư Lê văn Trợ giáo sư trường trung học tư thục Bồ Đề có người cháu ruột kêu bằng cậu là ông Hồ ngọc Nhường, bí thư Tỉnh ủy tỉnh ...Phú Khánh chẳng những khỏi phải được đi học tập cải tạo mà còn được làm giáo viên dạy môn Thể Dục.
Thế là tôi được “ lưu dung” tiếp tục dạy, lẽ dĩ nhiên không được dạy môn Triết học nữa, bởi “ triết học là môn học về tinh thần người ta và tất cả những gì bên kia địa hạt hữu hình mà tinh thần ấy có thể biết được”, theo định nghĩa triết học của linh mục Công giáo Paul Foulquié. Tới bây giờ, chiến cuộc đã đi qua ngót ba mươi lăm năm, đối với chính quyền vô sản chuyên chính, triết học được coi như ...” gái ngồi phải cọc!” Triết học vốn được xem là một bộ môn “ bất khả giao tế “, intouchable,một giai cấp bần cùng nhất của tầng lớp thị dân Ấn Độ ngày trước. Tôi chỉ được dạy Anh văn mà thôi. Sau kỳ nghỉ hè năm học 75-76, tôi và một nhóm giáo viên khác( hết được gọi là giáo sư rồi mà là giáo viên) được điều về trường trung học phổ thông Hà Huy Tập tại Phú Vinh, tiếp tục phụ trách môn Anh văn.
Chung quanh trường Hà Huy Tập là một giải đồng ruộng mênh mông, suốt mùa cấy một giải xanh rờn, suốt kỳ gặt hái một giải vàng hoe trải rộng tới tận chân trời mút mắt. Trường Hà Huy Tập có được một đám ruộng nhỏ, diện tích rộng không quá năm trăm mét vuông, dành riêng cho những giáo viên và các nhân viên khác lo việc lao động sản xuất, cày cấy gieo trồng lúa má cùng việc thu hoạch mùa màng nhằm cải thiện đời sống. Riêng nhà trường Hà Huy Tập chỉ làm một vụ, một vụ hè thu còn vụ đông xuân thì ngưng công việc đồng áng bởi mùa mưa gió lụt lội.
Trong số học sinh theo học tại trường học Hà Huy Tập, tôi được biết có hai học sinh, một là nữ học sinh lớp mười hai, Nguyễn thị Hoàng Oanh và một là nam sinh Nguyễn ngọc Bích, lớp mười hai, tất cả đều là hai chị em. Nhà ở của hai học sinh ấy tọa lạc phía dưới cầu Chợ Mới. Người cha của chúng là Nguyễn văn X. làm ủy viên thư ký phường Phương Sơn, bà mẹ lo việc buôn bán hàng quán ven đường, chủ yếu là cà phê thuốc lá, buổi sáng điểm tâm có bánh mì thịt, có xôi lạp xưởng.
Nhiệm sở Hà Huy Tập không hoạt động được bao lâu, sở Giáo Dục tỉnh Phú Khánh điều nhân viên buộc những giáo viên phải khai báo những bằng cấp chính thức hoạt động, chủ yếu là văn bằng cử nhân, văn bằng tốt nghiệp trường sư phạm, chủ yếu là hai năm, ba năm hoặc bốn năm. Riêng tôi, tôi chỉ khai tôi có văn bằng đại học sư phạm ba năm. Cán bộ sở giáo Dục cho biết văn bằng của tôi không có giá trị học vụ, chế độ giáo dục ngày nay không công nhận văn bằng Triết học. Cán bộ phòng Giáo dục thành phố Nha Trang buộc tôi phải xuống cấp Hai để dạy...Anh văn. Thì tôi phải cơm giở cơm xách đi xuống trường phổ thông cơ sở cấp Hai Vĩnh Hiệp. Nhà trường không lấy gì làm xa, từ Chợ Mới đi lên Xóm Đường một chút là tới nơi, một sân chơi nhà trường có diện tích khá rộng, có một ao khá sâu, có những gốc phi lao già cao vút đong đưa ngả nghiêng trong gió hoặc những đêm trăng sáng. Nhưng cuộc đời chẳng có ngày mai, chẳng có tương lai.
Sau năm 1980, vợ chồng chúng tôi chẳng đặng đừng phải cùng nhau xin thôi việc vì chúng tôi quyết định xin xuất cảnh theo diện ODP thuộc diện đoàn tụ gia đình. Người phối ngẫu lo buôn bán ở chợ trời, riêng tôi làm việc cầm chừng, nuôi ba con gà đẻ lấy trứng. Buổi sáng, tôi đưa vợ tôi xuống tận Chợ Đầm mua đi bán lại những quần áo cũ, xong, tôi đạp xe về nhà giặt lại mớ quần áo cũ vợ tôi đã mua được từ ngày hôm qua.
Vào một buổi chiều ngày hôm ấy, tôi cùng một người bạn đạp xe đạp ra đường xuống Chợ Đầm chuẩn bị đón vợ tôi về. Lúc ấy trời còn sớm, hai chúng tôi ghé vào một “quán bên đường” nhấm nháp một ly cà phê buổi chiều, không phải một cốc cà phê buổi sáng. Một cốc cà phê buổi sáng thường có hương vị đậm đà hơn, nhiều hương vị hơn. Hương trà buổi sáng không thơm nữa. Hương trà cạn vội vã ra đi.Ngọn gió ngát thơm mùi cỏ lúa. Bờ ao bèo tấm mọc xanh rì.
Trong lúc chờ đợi cà phê buổi chiều, tôi kéo chiếc gỗ thấp lè tè ra ngoài, vô quầy hàng bà chủ quán gợi chuyện hỏi thăm về hai đứa con lâu nay thấy vắng bóng:
- Chào chị chủ. Lâu quá, tôi không thấy bóng dáng cháu Bích cả. Chắc cháu Bích đã đi làm rồi, phải không chị?
- Chào thầy, chào anh. Rồi quay đầu hướng về chiếc trang thờ bên góc quán, người đàn bà với ngón tay chỉ chiếc trang thờ, giọng nói buồn rầu u uất:
- Đó, cháu Bích ở nơi đó đó.
Tôi trố mắt nhìn người đàn bà ngạc nhiên không hiểu:
- Chị, chị nói sao?
Không trả lời người thầy cũ mất độ vài giây, bà chủ quán đáp:
- Bích mất lâu rồi. Mất cách nay đã hơn ba năm, ở tại chiến trường Kampuchia.
Tôi sửng sốt:
- Trời, tôi nào có biết gì đâu. Nhưng anh chị có đem cháu về được không vậy chị?
Người đàn lắc đầu đau khổ:
- Chết mất xác! Tôi đau khổ tưởng chừng không thể sống nổi. Hàng quán đóng cửa không thiết gì sinh sống nữa một thời gian dường như lâu lắm, có đến hơn một năm; đầu tóc tôi trở nên bạc trắng.
Im lặng giây lâu, tôi cất tiếng hỏi bà chủ quán:
- Cháu Hoàng Oanh hiện giờ ở đâu, đã có công ăn việc làm gì chưa chị?
- Cháu Oanh hiện giờ đã ở riêng rồi, cách nay hơn nửa năm. Hai vợ chồng cùng làm chung tại nhà máy sợi ở công ty Đắc Lộc gần đèo Rù Rì.
Tôi cúi đầu, lầm lũi đi về chỗ ghế ngồi, hai cốc cà phê bên cạnh một ly đường cát nhỏ, tôi nói người bạn biết về cái chết của đứa con trai bị đi quân dịch, nói theo danh từ thời thượng “ tuân hành nghĩa vụ quân sự” theo nghĩa vụ quốc tế, nói nôm na là đi đánh giặc mướn không công cho nhà nước Cộng Hòa Nhân dân Khờ Me, cũng không mấy khác giai đoạn trước các toán quân Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam, chung qui làm con vật tế thần.
Thanh niên đội mũ tai bèo,
Giáp trụ chẳng có lưng đeo cốt mìn.
Oằn vai vác súng đại liên,
Xông pha trận mạc Tam Biên vượt miền.
Đế Thiên Đế Thích chùa chiền,
Thù nhà nợ nước dẹp yên nước nhà.
Nghĩa vụ quốc tế tay ba,
Hai năm trả nợ mới là đồng minh.
Hễ môi hở là mình răng lạnh,
Con ể mình mẹ đánh ắt xong.
Im re bịt miệng đèo bòng,
Bớ người ta cướp biển Đông còn gì.
Có một chuyện khá cũng vui vui, chuyện ngụ ngôn của nhà thơ La Fontaine: Sáo mượn lông công.
Công đổi lông, sáo liền nhặt lấy,
Đem lông mà cắm bậy vào mình.
Cùng công đi bộ rung rinh,
Xem trong bộ tịch có tình khoe khoang.
Đàn công thật biết chàng gỉa mạo,
Xúm nhau vào báng nhạo một phen,
Đánh cho một trận huyên thuyên,
Mổ cho trụi đến lông đen của mình.
Sáo chỉ biết bất bình lải nhải,
Về đến nhà chúng lại đuổi đi.
Gẫm xem trong bọn văn thi,
Khoe khoang tác phẩm có gì hơn hay.
Buồn mỏi mệt ta đây kiệt sức,
Trách làm chi cho cực lòng người.
Bài thơ “Sáo mượn lông công” có một ngụ ý: chỉ trích chê bai những kẻ đạo văn, ăn cắp những kẻ lấy những tác phẩm thơ ca, văn học người khác rồi vỗ ngực tự nhận là của chính mình. Tác giả bài thơ Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, người dịch ra thơ tiếng Việt có người nói là của dịch giả Phan Huy Thực, nhưng có người bảo dịch giả là Phan Huy Vịnh. Tác giả thi phẩm “ Ngục trung nhật ký” của ai không biết nhưng dịch giả thành thơ tiếng Việt thì sờ sờ ra đó ai dám bảo không phải là Hồ chủ tịch muôn vàn kính yêu? Nên nhớ, Hồ chủ tịch không hề, không bao giờ dịch thơ từ tiếng Hán sang tiếng Việt, bởi Hồ chủ tịch còn bận rộn trăm công nghìn việc, lấy thì giờ đâu mà dịch thơ với thẩn. Dịch giả “ Ngục trung nhật ký “ tức “ Nhật ký trong tù” phải được một ủy ban văn thơ phụ trách công việc dịch thuật.Ủy Ban đã làm việc rất cẩn trọng, rất nghiêm túc chẳng dám sơ xuất, sao cho xứng đáng những công bộc. Người viết chỉ thuật lại bài thơ dịch sang tiếng Việt:
“ Giải đi sớm.”
Mặc dù bị trói chân tay,
Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng.
Vui say ai cấm ta đừng?
Đường xa âu cũng bớt chừng quạnh hiu.
Dịch thơ từ ngôn ngữ nước ngoài như tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hán, tiếng Nhật vốn đã khó, dịch sang tiếng Việt lại càng khó hơn, không khéo traduire, c’est trahir, dịch là phản.
Đọc đoạn thơ dịch nguyên tác từ thơ chữ Hán, tôi không khỏi thán phục và rất thương cảm Hồ chủ tịch vô vàn kính yêu lúc Bác bị bắt làm tù bị “ giải đi sớm” từ lúc bình minh rạng đông trong lúc Bác bị trói gô cả chân lẫn tay chẳng khác chi một con heo bị gô cả bốn chân bụng phơi mồm kêu eng éc sắp sửa vô lò thọc huyết. Nhưng Bác quả thực rất tài tình, tuy cả tay lẫn chân của Bác vẫn bị trói chặt “ mặc dù bị trói chân tay” nhưng Bác vẫn bình tĩnh lắng tai nghe tiếng chim hót vang động cả rừng núi, khứu giác tinh tường của Bác vẫn thưởng thức một cách mùi mẫn say mê được mùi hương của hoa rừng cỏ nội:” chim ca rộn núi hương bay ngát rừng”; không biết Bác đã di chuyển bằng phương tiện gì trong lúc cả tay lẫn chân đều bị trói chặt! Xe trâu, xe bò, xe ngựa, hay xe...cải tiến cút kít?
“ Vui say ai cấm ta đừng”. Trong lúc lần đầu tiên tuyên chiến với dế quốc Mỹ, Hồ chủ tịch đã phát biểu một danh ngôn đã đi vào lịch sử “không có gì quý hơn độc lập tự do”. Độc lập, dân tộc Việt Nam đã giành được từ tập đoàn ngoại bang bán nước. Dân miền Bắc lẫn dân miền Nam chết vì chinh chiến nhiều ít bao nhiêu triệu, Hồ chủ tịch và đảng làm sao mà nhớ nổi. Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu, thi hào Nguyễn Du nói có hơi quá, hơi cường điệu hơi phóng đại, chinh chiến Việt Nam chỉ mới kéo dài có sáu bảy chục năm thôi, tổng số người chết thật ra không nhiều lắm đâu, chỉ thổi phồng, bé xé ra to. Đã dộc lập rồi,tất nhiên ta sẽ có tự do. Độc lập tự do, đó là ước vọng hằng ấp ủ trong trái tim của dân tộc Việt Nam đã từng khốn khổ. Cam bô đêa độc lập rồi tất phải có tự do. Cộng Hòa Nhân Dân Bắc Triều Tiên một khi phân chia hai nước sau chiến tranh năm 1950- 1953 tại làng ranh giới Bàn Môn Điếm cũng có tự do. Nước Cuba do chủ tịch nhà nước Fidel Castro ai dám bảo dân tộc Cuba không có tự do? Nước Miến Điện do tập đoàn quân nhân lãnh đạo trong suốt mấy chục năm qua đều độc lập từ lâu và rất có tự do. Năm 1949 Mao Trạch Đông đuổi tổng thống Trung Hoa Tưởng Giới Thạch bỏ chạy sang đảo Đài Loan, thống nhất cả nước Trung Hoa vô cùng vĩ đại, quyết tâm dập tắt đàn áp dân tộc thiểu số người Duy Ngô Nhĩ, người Hán được hưởng độc lập, biết thế nào ý nghĩa của tự do, chỉ một điều chủ tịch đảng Cộng sản Trung quốc Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Trung quốc Ôn Gia Bảo sáu mươi năm qua tức là hơn nửa thế kỷ Trung quốc vẫn chưa thống nhất được Đài Loan, kể ra cũng hơi tưng tức, chỉ vì Hiệp Chủng Quốc bênh vực tận tình cho đảo quốc nhỏ bé này. Hải đảo Đài Loan là một cái gai trước mắt của Trung quốc. Vui say ai cấm ta đừng? Ai cấm ta đừng, đừng làm cái gì? Hỏi vớ vẩn! Cấm ta đừng, cấm ta không được vui say, cấm ta không được thưởng thức âm thanh réo rắt líu lo của đàn chim, không được thưởng ngoạn hương thơm của cỏ cây hoa lá hương rừng gió núi. Nếu ngăn cấm không được làm thế này, không được làm thế khác, như thế là tước đoạt tự do của Bác mất rồi.
Bây giờ phải nói đến những con cừu. Giống như lừa vốn chậm chạp ngớ ngẩn khờ khạo tối dạ, cừu thuộc loại động vật hiền lành ngây thơ chất phác đôi khi hơi tối dạ như đứa con bé bỏng, khiến nhà văn Rabelais sáng tác một vở vừa bi kịch vừa hài kịch.
Pantagruel là con trai của Gargatua cùng đi trên một chuyến thuyền với Panurge. Trong chuyến đi này Panurge làm quen với một tay buôn cừu là Dindenault. Quyết chơi tên Dindenault này một vố nên thân, Panurge nài nỉ mua cho kỳ được một con cừu vừa to lớn vừa đẹp mắt. Trả tiền xong, Panurge liền ôm chú cừu đó quăng xuống biển. Chú cừu này liền la hét thất thanh thì lập tức cả bầy cừu cũng kêu theo và lần lượt bắt chước chú cừu ngu xuẩn đó nhảy xuống biển mang theo cả người chăn cừu nhảy xuống biển luôn. Trong khi đó thì Panurge ngồi trên thuyền ngăn không cho bất cứ ai tìm cách lên thuyền. Thế là chết cả đám dưới biển sâu. Câu chuyện là một vở bi hài kịch, ám chỉ những kẻ chỉ bắt chước người khác một cách ngu xuẩn, không suy nghĩ, chẳng khác gì một kẻ làm tướng xông pha trận mạc chiến trường, đột nhiên được suy tôn làm tổng tư lệnh không biết quyết định ra làm sao, như thế nào, chỉ biết đầu hàng vô điều kiện để được bảo toàn tính mạng, rốt cuộc làm vua kéo dài vỏn vẹn được bốn mươi tám giờ đồng hồ. Ông vua cuối cùng nhà Lê tức Lê Chiêu Thống là một điển hình.

Bốn chục năm trời chờ đợi mãi,
Thiên đường xã hội thuyết mơ hồ.
Chờ người mỏi cổ bông điên dại
Chồn cáo liêu trai ngủ đáy mồ.

Nói cho đúng, vua Lê Hiển Tông là ông vua cuối cùng triều đại nhà Lê. Vào lúc vua Lê Hiển Tông mất vì bệnh tật già yếu, không người nối dõi, các quan trong triều bèn đưa người cháu họ xa là Sùng Nhượng công Lê duy Cẩn làm giám quốc, đến khi quân nhà Thanh cùng tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị sang xâm chiếm giang sơn Đại Việt do sự kêu cứu của cháu ruột Lê Duy Kỳ tức Lê Chiêu Thống, cõng rắn cắn gà nhà. Năm mươi vạn quân Thanh xuất kỳ bất ý bị đại bại trốn chui trốn nhủi về Tàu. Lê Duy Kỳ đành phải chạy theo nương nhờ Bắc quốc, có ngườI trung thần đi theo hộ giá là Lê Quýnh.Người Tàu thấy thế, bèn sai Lê Quýnh thay đổi cách sống trang phục y hệt như người Tàu. Lê Quỳnh không chịu, nói rằng:
- Đầu tôi có thể chặt được nhưng tóc tôi không thể gọt được.
- Da tôi có thể lột được nhưng áo tôi không thể cởi được.
Tập đoàn người Tàu lấy làm tức giận, ngược đãi Lê Quýnh. Người trung thần lưu vong phải chết dần mòn. Có lẽ cũng vì thế mà ông vua không ngai mất nước thất chí cũng chết dần mòn non yểu chưa quá ba mươi. Vài mươi năm sau, vào lúc này triều đại Tây Sơn đã sụp đổ một cách rất là nhanh chóng, triều nhà Nguyễn dựng nghiệp,tàn cốt của Lê Chiêu Thống được di chuyển về Việt Nam, được tự quân quá cố là Nguyễn thị Kim vợ của tự quân ra tận biên giới đóng hài cốt tự quân an táng, sau đó Nguyễn thị Kim thắt cổ tự vẫn giữ tròn danh tiết, vì vậy có bài thơ rằng:

Liệt nữ Nguyễn thị Kim.
Triều Lê Quý có nàng tiết liệt,
Hai mươi năm khắng khít thù tây,
Đem tàn thân nương chốn am mây,
Đạo thần tử tình trong phu phụ.
Vạn cổ di luân chiêu vũ trụ,
Nhất xoang trung nghĩa đáp quân vương.
Hai vai một gánh cương thường,
Chén tân khổ nhắp ngon mùi chính khí.
Đã lên đến trung thần bất nhị,
Lại nên tài liệt nữ bất canh.
Rõ ràng hai chữ trung trinh.

Người viết mượn tạm chỉ mỗi hai câu thơ lục bát của nhà thơ thi nô Tố Hữu để nói lên sự đổi thay mau chóng của cuộc đời biện chứng pháp:

Trăm năm mới bấy nhiêu ngày,
Mà trong trời đất đổi thay đã nhiều.

Sự đổi thay mau chóng của cuộc đời khiến nhân gian chóng mặt. Bà Huyện Thanh Quan có ý nói sự đổi thay mau chóng của Thăng Long Thành hoài cổ. Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương. Mấy tinh sương ngụ ý nói chỉ mới mấy năm. Triều đại nhà Lê cáo chung, nhà Nguyễn Tây Sơn còn quá mới mẻ, thế hệ triều Nguyễn hình thành, củng cố chế độ phong kiến, duy trì chính sách tham quyền cố vị. Nhưng sự đổi thay có tính chất vô thường lúc nào cũng buồn. Lưu Thần Nguyễn Triệu sau khi từ giã Thiên Thai, khi về đến trần thế thì ôm nhau khóc rung rức bởi trần gian thay đổi quá nhiều. Lối xưa xe ngựa: hồn thu thảo, Ngõ cũ lâu đài: bóng tịch dương. Cảnh đấy người đây luống đoạn trường. Ngoại cảnh đổi thay tang thương là thế, nhưng người đây, tôi đây, tác giả ở nơi chốn này nhưng tôi vẫn là tôi, điều ấy khiến phải đoạn trường đứt ruột. Ngô Thì Nhậm, một vị sử quan trong thời Nguyễn Tây Sơn, Đặng Trần Thường, một vị quan to trong triều nhà Nguyễn đã chết từ ngót năm trăm năm, vốn trước đây, từ lúc còn sinh tiền là hai kẻ thù không đội trời chung, nay đã kết thành đôi bạn. Trước cái chết, con người đều bình đẳng, không phân biệt giai cấp giàu nghèo. Lúc Ngô Thì Nhậm còn một thuở vàng son xênh xang áo mão, Đặng Trần Thường đã bị coi thường sĩ nhục quyết chí báo thù. Nay thù đã được rửa hả hê, Đặng Trần Thường cho sai gia nhân bắt Nhậm, quỳ trước công đường, cho ra một câu đối, ngụ ý chớ coi thường ngày trước lúc hàn vi. Thuở ấy anh là một ông quan lớn quyền uy, hét ra lửa, là bậc công hầu, là bậc khanh tướng, giờ này hỏi thử lửa đã biết vàng hay chưa?
- “ Ai công hầu, ai khanh tướng, chốn trần ai ai dễ biết ai? “
Kẻ bị trói thúc ké quỳ trước công đường phải trả lời, phải đối ứng trước những câu hỏi chua chát cay độc. Trả lời lẽ tất nhiên phải có lý lẽ, đúng hay không đúng, hợp lẽ hay không hợp lẽ chưa biết:
- “ Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế.”
Nói cho cùng, cung cách ứng xử của Ngô Thì Nhậm nói riêng, thế thái nhân tình nói chung không có gì đáng trách. Ăn theo thuở, ở theo thì. Cơ hội chủ nghĩa occasionnisme vốn là động cơ thúc đẩy cạnh tranh sinh tồn, khôn sống mống chết. Sống khôn ngoan thức thời phải biết lựa chọn đúng đường, không bị lạc đường. Lạc đường như nhà thơ Trần Tế Xương cảm tác thì buồn lắm. Phải biết chạy theo chính sách mở cửa kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói nào ngay, ai biết được “ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa “? Ù ù cạc cạc. Nửa nạc nửa mỡ. Ngay cả lãnh đạo chop bu cũng lúng ta lung túng khi định nghĩa “ kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa “ một cách chóng vánh rành rọt. Thiên hạ chạy theo ào ào “ kinh tế thị trường theo định hướng xã hộI chủ nghĩa “ thì bọn mình cứ theo, đâu cần biết phải thực thi cho được “ chính danh “, mất thì giờ phí phạm vô ích vô bổ. Không ai đeo đẳng bám riết chế độ bao cấp lỗi thời lạc hậu. “ Những con cừu “ trong tác phẩm được Rabelais sáng tác thực ra chỉ là những biểu tượng: biểu tượng của sự xuẩn ngốc xuẩn động đến mức độ khôi hài cười ra nước mắt, như chuyện ngụ ngôn của nhà thơ La Fontaine “ Con nhái muốn to bằng con bò”; quý độc giả có muốn xem để biết sự ngu ngốc của một chàng nhái bén kia không?
“ Con nhái trông thấy con bò
Hình dung đẹp đẽ mình to béo tròn.
Nhái bằng quả trứng tí hon,
Lại toan cố sức bằng con bò vàng.
Ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương,
Kêu chị em đến xem tường cho ta.
- Đã bằng chưa, chị trông nà!
Bạn rằng còn kém, nhái đà phồng thêm.
Hỏi rằng:- Được chửa, chị em?
- Bạn rằng:- Chửa được còn nhiều kém xa.
Tức mình, chị nhái oắt ta,
Lại phình bụng quá vỡ ra chết liền.
Ở đời lắm kẻ thật điên,
Được mười lại muốn tranh tiên với đời.
Lạ chi những thói đua đòi,
Vui gì cuộc rượu trận cười mà ganh
Để cho cơ nghiệp tan tành!
Ấy vậy mà trong thời đại toàn cầu hóa này, không thiếu người đã ngông nghênh muốn trở thành bất tử. Muốn trở thành con bò vàng, muốn thành một chú cừu ngu xuẩn. Ấy vậy mà tập đoàn Đại Cồ Việt muốn hoàn thành tức thì dự án cao tốc đường sắt mặc dù sẽ nợ như Chúa Chổm. Tổng số vay vốn của tập đoàn Phù Tang không nhiều, chỉ sơ sơ năm mươi sáu tỷ mỹ kim.
Để kết thúc bài tạp bút “ Những con cừu”, người viết xin được phép chép lại một bài thơ có lẽ của nữ sĩ Hồ xuân Hương, “ Vịnh tranh tố nữ”. Có lẽ thôi, không lấy gì làm chắc, bởi lời thơ có ý lả lơi suồng sã thấp thoáng.

“ Hỏi bao nhiêu tuổi, hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh.
Đôi lứa như in tờ giấy trắng,
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.
Phiếu mai chẳng dám đường kia nọ,
Bồ liễu thôi đành phận mỏng manh.
Có một thú vui sao chẳng vẽ?
Trách người thợ ấy khéo vô tình!

Người viết xin họa lại bài thơ “ Vịnh tranh tố nữ” ấy, nhưng nhân vật lại là ThúyKiều:

“ Đầu lòng chị luống tuổi hơn mình.
Chị biết em xinh chị cũng xinh.
Hai gốc huyên đường hai tóc trắng,
Một thân lưu lạc một đầu xanh.
Hoa tường liễu ngõ duyên tiền định,
Bèo giạt hoa trôi phận chiếu manh.
Tạo Hóa trời cho không dễ vẽ.
Mơ màng giấc điệp một đêm tình./.

VDN

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.