Apr 15, 2024

Biên khảo

Các Thể Thơ Phổ Thông (bài sưu tầm)
Không biết tên tác giả * đăng lúc 04:47:06 PM, Aug 12, 2020 * Số lần xem: 34000
Hình ảnh
#1

*  Tôi sưu tầm một số bài viết về các thể thơ để giúp các anh, chị tham khảo thêm... và hy vọng sẽ có những bài thơ hay và không mắc phải những lỗi cơ bản của thi ca .....
ht

********

Toàn Văn Bài Viết Về Khái Niệm Và Quy Luật Làm Thơ : 
                    
                        Các Thể Thơ Phổ Thông


A. Khái niệm và qui luật làm thơ:

Mục đích tối cao của luật thơ là giúp cho ta phương tiện sáng tạo âm điệu một cách dễ dàng. Nhưng tuân theo luật thơ một cách ngoan cố thì sẽ làm cho tác phẩm có lúc bị miễn c­ưỡng, khô cứng mất đi cái hồn của thơ.
Cho nên ngoài luật thơ thì người làm thơ phải có hứng thú có ngoại vật cảm kích và phải có tính tình, có chân tâm như thế khi làm thơ tư tưởng mới không bi lạc đi nơi khác.

Dưới đây là môt số luật thơ cơ bản:

1. ÂM
+. Nguyên âm: gốc của một chữ hay nhiều chữ
- a, ă, â, o, ô, ơ, u, ư, i,……
- oa, ua, ưa, ue, uê, uy, ai, ay, ây, oi, ôi, ơi, …
+. Phụ âm: những chữ khác nguyên âm
- b, c, d, g, h, l, m, n, p, q, r…
- ch, gh, kh, th, nh, ng, ....

2. THANH
+. Thanh Bằng: gồm các chữ không dấu và có dấu huyền
+. Thanh Trắc: gồm các chữ có dấu sắc, hỏi, ngã và nặng

3. VẦN : là hai chữ có cùng âm và cùng thanh

4. VẬN: là cách gieo vần trong câu, có một số cách gieo vần như sau:
+. Cước vận : là cách gieo vần ở cuối câu
+. Yêu vận : là cách gieo vần ở giữa câu
+. Liên vận : là cách gieo vần ở hai câu đi liền nhau
+. Cách vận : là cách gieo vần ở hai câu cách nhau
+. Chính vận : là vần mà hai chữ hoàn toàn giống nhau về âm
+. Cưỡng vận : là vần mà hai chữ có âm tương tự nhau
+. Liên châu vận: là cách gieo vần nối liền nhau như chuỗi hạt châu

5. ĐIỆU
+. Điệu là nhịp, là tiết tấu, là âm tiết.
+. Thi điệu lấy câu làm âm tiết, câu lại có âm tiết của câu, gọi là cú điệu. Mỗi cú điệu gồm nhiều âm tiết, tức nhiều nhịp.

B. Một số thể loại thơ thường gặp

I.Thơ Bốn Chữ
Thơ bốn chữ là loại thơ có thể gọi là đơn giản nhất bởi vì luật bằng trắc chỉ được áp dụng cho chữ thứ hai và chữ thứ tư trong câu mà thôi.
Nếu chữ thứ hai là bằng thì chữ thứ tư là trắc và ngược lại nếu chữ thứ hai là trắc thì chữ thư tư là bằng.

Cách gieo vần của thể thơ này cũng được chia làm ba loại thường được gọi là cách gieo vần ba tiếng, cách gieo vần tréo và cách gieo vần ôm.Nhưng nhiều khi câu thơ cũng không tuân theo luật đó.

Cách gieo vần

1.Vần ba tiếng (ít dùng)

Sao biếc đầy trời
Sầu trông viễn khơi
Ðêm mờ im lặng
Nhìn hạt sương rơi

2. Vần tréo

Tôi làm con gái
Buồn như lá cây
Chút hồn thơ dại
Xanh xao tháng ngày

3. Vần ôm

Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Chim non giấu mỏ
Dưới cội hoa vàng

II.Thơ Năm Chữ (Ngũ ngôn cổ thể trường thiên)
Thơ ngũ ngôn có độ dài ngắn khác nhau nhưng được chia thành nhiều khổ nhỏ, mỗi khổ gồm 4 dòng thơ.

Cũng giống như thơ bốn chữ: nếu chữ thứ hai trong cầu là bằng thì chữ thứ tư là trắc và ngược lại. Nhưng cũng có nhiều trường hợp không phải vậy. Cách gieo vần của thể thơ này cũng được chia làm hai loại thường được gọi là cách gieo vần ôm, và cách gieo vần tréo

Thí dụ: Gieo Vần ôm:

Em có nghe hay chăng
Lá thu đang vẫy gọi
Rừng thu đang đón mời
Em về vơi hoang vắng

Thí dụ: Gieo vần tréo

Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm ngóng nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê…

III. Thơ Sáu Chữ
Cách gieo vần của thể thơ này được chia làm hai loại: gieo vần ôm, và cách gieo vần tréo còn luật bằng trắc thì chưa thấy được áp dụng theo bất cứ quy định nào.

Thí dụ: Vần ôm

Nếu ngày mai em có tới
Mang cho anh đám mây xanh
Và một cơn gió trong lành
Làm hành trang anh đi tới

Thí dụ: Vần tréo

Quê Hương là gì hả mẹ ?
Mà Cô Giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ ?
Mài ai đi cũng nhớ nhiều

(Huyền Kiêu)

IV. Thơ Cổ Song Tứ Lục Bát
Hai câu đầu là bốn chữ, câu thứ ba là sáu chữ và câu cuối là tám chữ theo luật như sau:

Đoạn một
x B x T(v)
x T x B(v)
x B x T x B(v)
x B x T x B(v) T B(v*)

đoạn hai:
x B x T(v*)
x T x B(v)
x B x T x B(v)
x B x T x B(v) T B(v)

Nếu như bắt đầu câu thứ nhất là T B T thì câu 4 chữ thứ hai phải là B T B, nhưng câu thu' ba thứ tư đều là B T B như bình thường

Thí dụ:

Lòng như tơ RỐI
Mặn đắng bờ MÔI
Mất nhau ta mất thiệt RỒI
Còn đây nỗi khổ mình TÔI hận LÒNG*

Tâm còn giao ĐỘNG*
Lòng còn Mãi MONG
Bóng hình vẫn giữ trong LÒNG
Người ơi có thấu lệ ĐONG nhạt NHÒA*

V. Song Thất Lục Bát
Thể thơ Song Thất Lục Bát này là của riêng Việt nam ta, cho nên luật thơ không gò bó theo các kiểu thơ khác .

Thơ Song Thất Lục Bát gồm mỗi đoạn có 4 câu, hai câu đầu là Song Thất, có nghĩa là mỗi câu có 7 chữ, hai câu cuối là Lục, Bát, câu thứ ba sáu chữ, câu thứ 4 tám chữ được xắp theo luật bằng trắc như sau:

x x x x B x T(v) x = tự do
x x B x T(v) x B(v) B = thanh bằng
x B x T x B(v) T = thanh trắc
x B x T x B(v) T B(v) v = vần với nhau

Đây là luật thơ trong một đoạn, để có thể nối thêm đoạn nữa thì có thể theo luật sau:
Câu thứ thư của đọan một: x B x T x B(v) T B(v)
Câu thứ nhất đoạn hai: x x x x B(v) x T(v)
Hoặc
Câu thứ thư của đọan một: x B x T x B(v) T B(v)
Câu thứ nhất đoạn hai: x x B(v) x x x T(v)

Thí dụ: (các chữ viết HOA là vần với nhau, các chữ có thêm (*) là nối liền hai đoạn)

Thủa trời đất nổi cơn gió BỤI
Khách má hồng nhiều NỖI truân CHUYÊN
Xanh kia thăm thẳm từng TRÊN
Nào ai gây dựng cho NÊN nỗi NÀY *

Trống Trường Thành lung LAY * bóng NGUYỆT
Khói Cam Tuyền mời MỊT khúc MÂY
Chín tầng gươm báu trao TAY
Nửa đêm truyền Hịch đợi NGÀY xuất CHINH*

Nhịp thơ và sự khác biệt với thơ thất ngôn Tàu:

Một số người cho rằng Song Thất Lục Bát là đứa con lai – Hai câu Đường Luật đi trước (Song Thất) là phần Tàu, hai câu Lục Bát đi sau, là phần Ta...

Suy nghĩ này có nhiều người phản đối... đối với họ Song Thất Lục Bát là của Việt Nam hoàn toàn...

Thật vậy, nhịp điệu của thơ Tàu khác với thơ Ta

1. Hãy để ý hai câu thơ Đường Luật:


Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen lá đá chen hoa

(Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

Nhịp của thơ là 2-2-3, 2-2-3


Bước tới / Đèo Ngang / bóng xế tà
Cỏ cây / chen lá / đá chen hoa

2. Hãy để ý đến hai câu Song Thất


Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung

(Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị Điểm)

Nhịp của thơ là 3-2-2, 3-2-2


Chàng tuổi trẻ / vốn dòng / hào kiệt
Xếp bút nghiên / theo việc / đao cung

VI. Lục Bát Liên Hoàn
Lục Bát là loại thơ một câu sáu chữ rồi đến một câu tám chữ cứ thế nối liền nhau. Bài thơ lục bát thông thường được bắt đầu bằng câu lục và kết thúc bằng câu bát. Đôi khi cũng có trường hợp kết thúc bằng câu lục để đạt tính cách lơ lửng, hiểu ngầm, hay hầu đạt tính cách đột ngột.

Lục Bát là thể thơ thông dụng nhất, vì cách làm và gieo vần tương đối đơn giản.
Lục= sáu chữ --- chữ thứ 2 Bằng, thứ 4 Trắc, thứ 6 Bằng
Bát= tám chữ --- chữ thu 2 Bằng, thứ 4 Trắc, thứ 6 Bằng, thứ 8 Bằng

Trong thơ lục bát, chữ thứ sáu của câu Lục, vần với chữ thứ sáu của câu Bát. Chữ thứ tám của câu Bát vần với chữ thứ sáu của câu Lục kế tiếp và cứ theo quy luật đó cho đến hết bài thơ. (Chữ thứ 6 và thứ 8 của câu bát nên thay đổi, hễ chữ này không dấu thì chữ kia có dấu hyền hay ngược lại ).


Ngồi chờ hết cả đêm nay x B x T x B(v)
Chỉ mong anh được xuân này bình yên x B x T x B(v) x B(v)
Cớ sao anh lại không lên x B x T x B(v)
Vô tình anh lại bỏ quên tim này x B x T x B(v) x B(v)

Tuy nhiên vẫn có những trường hợp ngoại lệ
1.Chữ thứ 2 câu lục có thể là trắc, khi ấy nhịp thơ ngắt ở giữa câu

Người nách (T) thước, kẻ tay đao
Đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi
(Nguyễn Du)

2.Chữ cuối câu lục có thể vần với tiếng 4 câu bát, khi đó chữ 2 và 6 của câu bát sẽ đổi ra trắc. Câu thơ sẽ ngắt nhịp ở giữa câu bát

Đêm nằm gối gấm không êm
Gối lụa (T) không mềm bằng gối (T) tay em
Hoặc
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao 

VII. Đường Luật ( Thất ngôn bát cú )
Bài viết đầu đã có nói đến tuy nhiên tôi thấy bài này khá hay, có thể nêu thêm để bổ sung cho ý của bài viết trên nên tiếp tục đăng vào đây, thông cảm nha !

Thơ Đường được bắt đầu từ bên trung hoa, thời Nhà Đường bên Trung Hoa rất xem trọng các văn hào, và cũng vì lẽ đó nên các quan trong chiều bắt buộc phải biết làm thơ, cho nên trong thời nhà Đường có rất nhiều thi sĩ nổi tiếng. Đặc biệt hơn nữa, các thi hào thời nhà Đường đã phát triển một lối làm thơ riêng biệt mà ngày nay chúng ta được biết là Thơ Đường.

1. Thơ đường có 2 loại : chính cách và thiên cách
*Chính cách : là những bài thơ mà tác giả tuân thủ triệt để thanh Bằng - Trắc quy định của từng câu

Thể thơ đường luât chính cách được chia làm hai loại
- Trắc thể chính cách

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà ( T B T )
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa ( B T B )
Lom khom dưới núi, tiều vài chú ( B T B )
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà ( T B T )
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc ( T B T )
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia ( B T B )
Dừng chân đứng lại: trời non nước ( B T B )
Một mảnh tình riêng: ta với ta ( T B T )
(Bà Huyện Thanh Quan)

- Bằng thể chính cách

Quanh năm buôn bán ở nom sông ( B T B )
Nuôi đủ năm con với một chồng ( T B T )
Lặn lội thân cò khi quãng vắng ( T B T )
Eo sèo mặt nước buổi đò đông ( B T B )
Một duyên hai nợ âu đành phận ( B T B )
Năm nắng mười mưa dám quản công ( T B T )
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc, ( T B T )
Có chồng hờ hững cũng như không ( B T B )
(Tú Xương)

*Thiên cách : là những bài thơ mà tác giả áp dụng luật " Nhất tam ngũ bất luận".
_ Nhưng từ trước đến giờ không mấy ai theo một cách triệt để. Luật " Bất Luận" luôn luôn được áp dụng, không nhiều thì ít.
Giá trị của Luật Bất Luận là làm cho ngòi bút của thi nhân được thêm phần phóng túng.

2. Bố Cục Của Thơ Đường Luật
Trong thơ Đường Luật, mỗi một câu đều có chức năng của nó:
Câu 1 và 2 là phá đề và thừa đề.
Câu 3 và 4 là Thực hay Trạng, dùng để giải thích hoặc đưa thêm chi tiết bổ nghĩa đề bài cho rõ ràng
Câu 5 và 6 là Luận, dùng để bàn luận cho rộng nghĩa hay cũng có thể dùng như câu 3 và 4
Câu 7 và 8 là Kết, kết luận ý của bài thơ

Những chữ cuối của câu số 1, 2, 4, 6, và 8 là những chữ mang vần trong bài thơ và thuờng thì mang thanh BẰNG và bắt buộc phải vần với nhau theo cùng một âm, những chữ này có thể mang thanh Trắc, nhưng chưa bao giờ thấy cả.

Những chữ cuối của những câu 3, 5,và 7 mang thanh Trắc và không phải vần với nhau (nếu chữ cuối của những câu 1, 2, 4, 6, và 8 là thanh Trắc thì có lẽ chữ cuối của những câu này mang thanh Bằng)

Cũng giống như Thất Ngôn Tứ Tuyệt, luật bằng trắc trong Đường Thi Chính cách cũng chỉ áp dụng cho những chữ 2, 4, và 6 trong mỗi câu mà thôi.
Điểm khó nhất trong Đường Thi là câu số ba và câu số bốn, bởi vì hai câu này được gọi là hai câu Thực và hai câu năm và câu sáu là hai câu Luận, hai cặp câu này luôn luôn đối nhau, Danh Từ đối Danh Từ, Động Từ đối Động Từ, Tính Từ đối Tính Từ, quan trọng hơn cả là hai câu 5,6 phải đối ý với hai câu 3,4 hoặc bổ sung cho ý của câu 3,4 .

Điểm cao nhất của Đường Thi là có thể Hoạ Thơ với người khác, nghĩa là sẽ dùng lại tất cả những chữ mang Vần của bài thơ muốn họa tức là bài thơ của người đầu tiên ( thường được gọi là bài Xướng Thi) để diễn tả theo ý thơ của mình.

VIII. Bát Ngôn
Bài viết đầu đã có nói đến tuy nhiên tôi thấy bài này khá hay, có thể nêu thêm để bổ sung cho ý của bài viết trên nên tiếp tục đăng vào đây, thông cảm nha !

Thơ bát ngôn ( tám chữ ) thường làm theo lối liên vận hoặc cách vận.
- Liên vận: câu đầu thường không bắt vần, từ câu hai trở đi mới cặp vần. Cứ hai câu bằng rồi đến hai câu trắc hay ngược lại. Cách chia thành từng đoạn 4 câu trong thể liên vận chỉ là hình thức vì câu đầu đoạn sau vẫn cần vần với câu cuối đoạn trước.

Thôi thì gió mang niềm riêng đi cất
Để từng ngày tiếp nối những sầu vương
Cuối cuộc đời chào biệt thú đau thương
Tan muôn ngã theo mây ngàn, gió nhé!

- Cách vận: câu lẻ vần với câu lẻ và câu chẳn vần với câu chẳn. Như vậy một đoạn 4 câu cần hai vần, nhưng ngược lại các đoạn không cần nối vần với nhaụ.

Em không đến, làm sao ta biết được
Đời sống này, hạnh phúc có hay không?
Mưa đã đến, cọng cỏ xanh mọng nước
Riêng trời ta, mây xám vẫn mênh mông

Một biến dạng của thơ tám chữ cách vận là trong 1 đoạn 4 câu chỉ cần câu 4 vần với câu 2; còn hai câu lẻ mang vần trắc là đủ.

Vì bát ngôn không có quá gò bó, từ ngữ bạn dùng sẽ làm bài thơ trở nên hay hơn. chỉ cần uốn nắn, uyển chuyển dùng từ sẽ tạo ra một bài thơ thật hấp dẫn.
Thí dụ :

Mùa xuân về đang đón những bước em
Chút hờ hững vẫn đong đầy trên lá
Con bướm vàng cánh vờn bay hối hả
Bóng lung linh trong những giọt sương mềm

Trong một câu, nên có sự cân bằng giữa số lượng các vần bằng và vần trắc ví dụ Bằng /Trắc = 3/5 hay ngược lại . Vần bằng trắc cũng nên xen kẽ đều đặn để câu thơ uyển chuyển nhịp nhàng . Gieo vần thì có nhiều cách.
1. Gieo vần ôm :
- Chữ cuối câu 1 vần với chữ cuối câu 4, cuối câu 2 vần với cuối câu 3 .
Thí dụ :

Ngươi ám ảnh hương thơm bằng ánh sáng
Ru màu êm, mà gọi thức lòng ngây
Trăng, nguồn sương làm ướt cả gió hây
Trăng, võng rượu khiến đêm mờ chếnh choáng
2. Gieo vần chéo :
Chữ cuối câu 1 vần với cuối câu 3, và/hoặc chữ cuối câu 2 vần với cuối câu 4.
Thí dụ:

Tạo hóa hỡi ! Hãy trả tôi về Chiêm Quốc !
Hãy đem tôi xa lánh cõi trần gian!
Muôn cảnh đời chỉ làm tôi chướng mắt !
Muôn vui tươi nhắc mãi vẻ điêu tàn

Chú ý : bằng vần với bằng, trắc vần với trắc . Bằng không bao giờ vần với trắc . Ví dụ :lồng không vần với lộng
Nếu làm thơ nhiều đoạn, chữ cuối câu 4 của đoạn trước luôn vần với chữ cuối câu 1 của đoạn sau
Thí dụ :

Làm thi sĩ , nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng, và vơ vẩn cùng mây,
Để linh hồn ràng buộc bởi muôn dây,
Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến

Đây là quán tha hồ muôn khách đến
Đây là bình thu hợp trí muôn hương;
Đây là vườn chim nhả hạt mười phương,
Hoa mật ngọt chen giao cùng trái độc

IX. HaiKu
Hai-Ku có nguồn gốc từ nhật, qua các thời đại dần dần len lỏi vào nền văn hóa Viêt Nam. Hiện nay loại thơ nay cũng được các nước tây phương như, Anh, Pháp, Mỹ tiếp nhận.

Về hình thức thì Hai-Ku gồm ba câu và 17 âm. Ba câu được chia ra thành 5,7,5 câu năm, câu bảy, và câu năm. Không biết người Nhật viết làm sao ( no speak Japanese ) nhưng khi làm thử trong tiếng việt nguyenvq rút ra rằng có thể để cho chữ cuối của mỗi câu vần với nhau sẽ làm bài Hai-ku của bạn đọc xuôi tai hơn.
Thí dụ:

Sinh ra từ bụi cát
Đến hôm nay ta còn phiêu bạt
Bao giờ hết hoang mang

Trên đây là một bài Hai-Ku hoàn chỉnh, Hai-ku không cần dài vì chỉ là một quan niệm hoặc một ý tưởng nhỏ viết nên mà thôi. Tuy nhiên Hai-Ku được xếp vào thể thơ có ý nghĩa sâu sắc trong nền thơ văn Nhật Bản. Theo người Nhật, Hai-Ku dùng để diễn tả bốn mùa trong năm, không nhất thiết phải dùng từ ngữ về các mùa, nhưng có thể dùng hình ảnh, biểu tượng như: Tuyết cho mùa đông, hoa cho mùa xuân,,, vân vân.
Thí dụ:

Hoa tuyết còn rơi đều
Trắng ngần một cõi hồn rong rêu
Và đêm nay ta nhớ

C. Một số Ðiều Kỵ Trong Thơ

1-Thất luật
Những từ đáng Bằng mà làm ra Trắc hoặc đáng Trắc mà làm ra Bằng

2-Thất niêm
Câu trên đang theo luật Bằng mà câu dưới sang luật Trắc hoặc câu trên đang theo luật Trắc mà câu dưới làm sang luật Bằng

3-Lạc vận
Ðang theo vần này mà gieo sang vần khác, như vần trên là trời mà vần dưới là mây thì gọi là lạc vận

4-Xuất vận
Người ta đã hạn định cho những cho những vần gì, mà mình dùng vần khác,thì gọi là xuất vận.

5-Trùng vận
Câu trên đã dùng một vần, câu dưới lại dùng như thế nữa thì gọi là trùng vận.

6-Cưỡng áp
Các vần gieo ép uổng, không được hợp lắm

7-Khổ độc
Trong một bài thất ngôn, chữ thứ ba các câu chẵn, trong một bài ngũ ngôn, chữ thứ nhất các câu chẵn đáng là từ bằng mà làm ra từ trắc

8-Phong yêu hạc tất
Trong thơ thất ngôn, từ thứ tư và tứ thứ bảy, trong thơ ngũ ngôn, từ thứ hai và từ thứ năm nếu trùng một âm.

9-Ðối không chỉnh
Khi những từ trong bài thơ phải đối nhau mà từ nặng từ nhẹ không được cân.

10-Trùng từ hay trùng ý
Từ hay ý đã dùng rồi mà lại còn dùng nữa.

D. Tài liệu tham khảo
.
*Luật Thơ Mới, Nguyễn Ðình Tuyến
*Tiếng Việt Tuyệt Vời, Ðỗ Quang Vinh
* Luật Thơ, Phạm Doanh (datviet.com)
* nonsong.org
* Thi Pháp Thơ Đường ( Quách Tấn )
*Việt Nam Văn Học Sử Yếu , Dương Quảng Hàm , nxb Bộ Quốc Gia Giáo Dục, 1962
* Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên , Phạm Thế Ngũ ,nxb , Quốc Học Tùng Thư,1965
*Nam Thi Hợp Tuyển, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, nxb Bốn Phương, 1952
*Tìm Hiểu Các Thể Thơ, Lạc Nam ,nxb Văn Học-Hà NộI , 1996
*Khảo Luận Về Thơ , Lam Giang, nxb Ðồng Nai, 1994
*Thơ Văn Nguyễn Khuyến, Xuân Diệu giới thiệu , nxb Văn Học-Hà Nội ,1971
*Thơ Văn Trào Phúng Việt Nam Từ Thế Kỷ 13 Ðến 1945, Vũ Ngọc Khánh Biên soạn, nxb Văn Học-Hà Nội , 1974
*Thơ Văn Yêu Nước (1858-1900) , Chu Thiên ,nxb Văn Học - Hà Nội , 1970
*Chơi chữ , Lãng Nhân, nxb nam Chi Tùng Thư, 1961
*Việt Nam Gam Hoa ,Hương-Giang Thái Văn Kiểm, nxb Làng Văn-Canada,1997
*Người Ham Chơi, Hoàng Phủ Ngọc Tường , nxb Thuận Hóa ,1998 

 
Sưu Tầm

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.