Oct 05, 2024

Biên khảo

Tính truyền thống và hiện đại trong thơ tình lục bát Nguyễn Bính
Nguyễn Thành Giang * đăng lúc 05:16:04 PM, Jan 06, 2024 * Số lần xem: 16426
Hình ảnh
#1

 

I. Đôi nét về những vấn đề liên quan đến Nguyễn Bính

Nguyễn Bính tên khai sinh là Nguyễn Trọng Bính. Nhà thơ sinh vào cuối xuân đầu hạ năm Mậu ngọ (1918) trong một gia đình nhà nho nghèo tại xóm Trạm, thôn Thiện Vinh, xã Đồng Đội, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thuở bé Nguyễn Bính không được đi học ở trường mà chỉ học ở nhà với cha là ông đồ Nguyễn Đạo Bình, sau được cậu ruột là ông Bùi Trình Khiêm nuôi dạy. Nguyễn Bính là người có năng khiếu. Ông bắt đầu làm thơ từ lúc 13 tuổi, năm 1932 Nguyễn Bính rời quê ra Hà Nội và từ đây bắt đầu nổi tiếng trong sự nghiệp sáng tác văn học. Ông được giải khuyến khích của Tự lực văn đoàn với tập thơ “ Tâm hồn tôi”(1940). Năm 1943 Nguyễn Bính được giải nhất văn học Nam Xuyên ở Sài Gòn với truyện thơ “ Cây đàn tì bà”

Năm 1947 Nguyễn Bính tham gia kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ. Nhà thơ hăng hái tham gia mọi công tác và được giữ những trách nhiệm trọng yếu như phụ trách hội văn hoá cứu quốc tỉnh Rạch Giá, phó chủ nhiệm tỉnh bộ Việt Minh ở tỉnh Rạch Giá, sau làm ở ban văn nghệ thuộc phòng tuyên huấn quân khu tám. Thời gian này Nguyễn Bính sáng tác khá kịp thời và đều đặn, cổ động tinh thần yêu nước quyết chiến quyết thắng giết giặc lập công. Tháng 11 - 1954 Nguyễn Bính tập kết ra Bắc, ông công tác ở hội nhà văn Việt Nam. Năm 1956 ông làm chủ bút tuần báo “ Trăm hoa” và đã cho đăng báo một số bài viết.

Năm 1958 Nguyễn Bính về cư trú tại Nam Định, ông công tác tại ty văn hoá thông tin Nam Định. Ông đã góp phần vào sự trưởng thành của phong trào sáng tác văn nghệ của quê hương và thơ ông vẫn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như của cả nước. Mùa thu năm 1965, ông theo cơ quan văn hoá Nam Định sơ tán vào huyện Lý Nhân. Nguyễn Bính mất đột ngột vào sáng 30 Tết năm Ất Tỵ (20 - 01 - 1966 ) lúc đến thăm mộtt người bạn ở xã Hoà Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Nam Định, khi ông chưa kịp sang tuổi 49. Ông vừa hoàn thành và cho in bài thơ “ Quê hương”, một bài thơ có những nét báo hiệu của một giai đoạn mới trong đời thơ ông.

Trong hơn 30 năm sáng tác với nhiều thể loại khác nhau (thơ, truyện thơ, kịch thơ, kịch bản chèo, lý luận sáng tác). Hoạt động văn nghệ của ông phong phú đa dạng song thành tựu xuất sắc độc giả ưa chuộng là thơ bởi thơ là mảng sáng tác kết tụ tài năng và tâm huyết của đời ông. Riêng về thơ có thể nói rằng ông là cây bút sung sức nhất của phong trào Thơ Mới. Chỉ trong một thời gian ngắn (1940-1945) Nguyễn Bính đã cho ra đời những tập thơ có giá trị: “ Tâm hồn tôi” (1940); “Lỡ bước sang ngang” (1940); “Hương cố nhân” (1941); “Một nghìn cửa sổ” (1941); “Người con gái ở lầu hoa” (1942); “Mười hai bến nước” (1942); “Mây tần” (1942); “ Bóng giai nhân” (Kịch thơ - 1942); “Truyện tỳ bà” (Truyện thơ - 1944). Sau cách mạng, Nguyễn Bính lại cho ra mắt các tập thơ: “Ông lão mài gươm” (1947); “Đồng Tháp Mười” (1955); “Trả ta về” (1955); “Gửi người vợ miền Nam” (1955); “Trông bóng cờ bay” (1957); “Tiếng trống đêm xuân” (1958); “Tình nghĩa đôi ta” (1960); “Đêm sao sáng” (1962).

Nhìn chung cuộc đời Nguyễn Bính tuy ngắn ngủi nhưng sự nghiệp sáng tác của ông rất phong phú và đa dạng. Mỗi chặng đường sáng tác của ông đều có vẻ riêng song sức mạnh và tâm huyết sáng tác của nhà thơ có lẽ dồn vào giai đoạn trước Cách mạng. Với lối viết giàu chất trữ tình dân gian, Nguyễn Bính đã tạo được một gương mặt riêng trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Năm 2000 Nguyễn Bính đã được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

II. Tính truyền thống và hiện đại trong thơ tình Lục bát Nguyễn Bính

1. Tính truyền thống trong thơ tình lục bát Nguyễn Bính

Trong thơ Nguyễn Bính, âm hưởng của thơ ca dân gian còn vang vọng ở thể thơ lục bát ( thể thơ điển hình nhất của ca dao dân ca). Nguyễn Bính đã biết cách làm giàu cho sáng tác của mình trên mảnh đất văn hoá dân gian, từ đó khai thác và khơi nguồn cảm hứng để tạo nên những thi phẩm mới. Do vậy, ta cứ thấy trong thơ Nguyễn Bính phảng phất hình bóng của những câu ca dao. Nếu ca dao có câu:

“ Em về dọn qán bán hàng
Để anh là khách qua đàng trú chân”

( Ca dao )

Thì ta gặp lại trong thơ Nguyễn Bính:

“ Lòng em là quán bán hàng
Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi”

( Em với anh )

Nếu câu ca dao:

“ Có con phải khổ vì con
Có chồng phải ngậm bồ hòn đắng cay”

( Ca dao )

Thì câu thơ Nguyễn Bính:

“ Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay”

( Thời trước )

Nguyễn Bính hay vận dụng cách ngắt nhịp đều đặn, hài hoà như ca dao truyền thống. Đó là nhịp 2/2/2; 3/3 ( câu lục ) và 2/2/2/2; 4/4 ( câu bát ) thường thấy của ca dao:

“ Thôn Đoài / ngồi nhớ / thôn Đông
Một người / chín nhớ / mười mong / một người”

( Tương tư )

“ Cũng là thôi / cũng là đành
Sang sông lỡ bước / riêng mình chị sao”

( Lỡ bước sang ngang )

Ngoài ra, thơ lục bát của Nguyễn Bính cũng rất tự nhiên, mượt mà, không gò ép nhưng cũng không rơi vào diễn ca, vần vè, dễ dãi. Bởi thể lục bát dường như đã nhuyễn vào hồn thơ Nguyễn Bính. Theo thi sĩ Mộng Tuyết thì Nguyễn Bính làm thơ lục bát rất dễ dàng: “ Bính viết lục bát nhanh như văn xuôi”. Đọc thơ Nguyễn Bính, ta như được thưởng thức những khúc nhạc êm dịu của ca dao:

“ Tình tôi là giọt thuỷ ngân
Dù nghiễn chẳng nát dù lăn vẫn tròn
Tình cô là đóa hoa thơm
Bình minh nở để hoàng hôn mà tàn

( Tình tôi )

Phát huy nhịp điệu trầm buồn, êm ái, mượt mà của thể lục bát, Nguyễn Bính đã sáng tác nên những bài thơ lục bát rất hay, mang đậm phong cách thơ “ chân quê” như “ Tương tư”, “ Qua nhà”, “ Cô hàng xóm”, “Chân quê”, “ Dòng dư lệ”...
Về ngôn ngữ, cũng như ngôn ngữ của thơ ca dân gian, ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Bính không cầu kì khuôn sáo mà gần gũi, chân thành:

“ Hôm nay dưới bến xuôi đò
Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau”

( Cánh buồm nâu )

Trong thơ, Nguyễn Bính sử dụng lời ăn tiếng nói của nhân dân một cách thuần thục, tự nhiên, đặc biệt là trong cách trò chuyện, tỏ tình của những đôi trai gái quê:

“ Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh”

( Chân quê )

Cách thuyết phục, van xin của chàng trai rất tự nhiên, chân thành. Cách nói “sợ mất lòng em”, “ cho vừa lòng anh”, “ như hôm em đi lễ chùa” vừa giản dị, vừa cụ thể vừa gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của người dân lao động.
Ngôn ngữ thơ lục bát của Nguyễn Bính gần gũi với ngôn ngữ thơ ca dân gian còn bởi nó giàu hình ảnh, màu sắc, nhạc điệu. Nhà thơ đã chọn cho mình cách biểu hiện thế giới tình cảm trừu tượng thông qua những sự vật hiện tượng cụ thể xung quanh, những cảnh quan bình dị nơi thôn dã gần gũi thân quen, đó là thế giới của giàn đỗ ván, ao rau cần, giậu mồng tơi, hoa chanh hoa bưởi, gió cả, giời cao...Nguyễn Bính rất thích ngôn ngữ nhiều màu sắc tươi thắm ( “Lại đi”, “Cho tôi tí nữa”, “ Một chiều say” ).
Một điều đáng chú ý nữa là những từ có vùng mờ nghĩa hết sức đặc sắc của thơ ca dân gian đã hòa hợp vào thơ Nguyễn Bính một cách rất tự nhiên. Những đại từ phiếm chỉ “người”, “ai”, “ta”, “mình” hoặc những cụm từ phím chỉ “người ấy”, “bên ấy”, “bên này” rất tế nhị, khó xác định chính xác đối tượng nhưng cũng rất dễ vận vào bất cứ người nào, làm tăng khả năng khái quát tâm trạng điển hình của nhiều người, tăng khả năng đồng cảm giữa những con người khác nhau. Nguyễn Bính đã làm người đọc phải suy nghĩ vấn vương bởi những câu có từ mờ nghĩa:

“ Tương tư thức mấy đêm rồi
Biết cho ai biết, ai người biết cho
Hai thôn chung lại một làng
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này”

( Tương tư )

Nguyễn Bính còn làm tăng sắc thái biểu hiện của ngôn ngữ thơ bằng việc sử dụng thành thạo các biện pháp tu từ mà ca dao hay dùng. Những hình ảnh ẩn dụ, so sánh thường xuyên đi về trong thơ Nguyễn Bính. Nói tình yêu đôi lứa, tác giả thường dùng hình ảnh “ hoa- bướm”, “trầu- cau”, “bến- đò”; nói về thân phận người con gái đi lấy chồng mà không có hạnh phúc, tác giả gọi là “lỡ bước sang ngang”, “mười hai bến nước”; nói tới thân phận tha hương nhà thơ viết “thân nhạn”, “số long đong”. Với năng lực liên tưởng dồi dào Nguyễn Bính còn tạo ra các hình ảnh ví von, so sánh, nhân hóa thật sinh động ( bướm lười, tơ gạo lẳng lơ, cành cây với nhau, bướm nói điêu... )
Nguyễn Bính sử dụng rất thuần thục lối đan chữ thường thấy trong thơ ca dân gian kiểu: chín nhớ mười mong, bảy nổi ba chìm, một nắng hai sương, trăm cay nghìn đắng, một lầm hai lỡ, trăm hờn nghìn tủi, nhạt thắm phai đào...Ở đó, từ ngữ không còn ý nghĩa thường có của chúng bởi vì chính khi tư duy theo kiểu đan lồng những từ tương hợp thì ý nghĩa của từ đã được nhân lên gấp bội:

“ Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người”

(Tương tư )

“ Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm cay nghìn đắng con tim héo mòn”

( Lỡ bước sang ngang )

Lối đan chữ “ chín nhớ mười mong” đã làm tăng nỗi nhớ mong thấp thỏm của chàng trai đang trong trạng thái “ tương tư” còn “bảy nổi ba chìm”, “ trăm cay nghìn đắng” diễn tả một cách ấn tượng cái thảm cảnh kinh hoàng đang diễn ra trước mắt người con gái lỡ bước sang ngang

Về mặt cấu tứ bài thơ, khảo sát thơ tình Nguyễn Bính nói chung và thơ tình lục bát nói riêng trước Cách mạng, ta có thể nhận thấy trong thơ ông cũng có cách cấu tứ bài thơ theo thể phú, thể tỷ và thể hứng. Đây là ba thể chính trong kết cấu bài ca dao. Đây là lối tác giả tả cả trưa hè theo thể phú:

“ Trưa hè một buổi nắng to
Gió tây nổi cánh đồng ngô rào rào
Con đường thấp con đê cao
Bọn người đi chợ rẽ vào đồng ngô
Tiếng cười chen tiếng nói to
Dáng chừng trong bọn có cô chưa chồng"

(Trưa hè )

Trong ca dao, người lao động rất hay dùng lối so sánh gián tiếp để biểu hiện tình cảm một cách kín đáo. Thể tỷ được Nguyễn Bính dùng khá nhiều trong thơ tình. Nguyễn Bính thường dùng lối so sánh trực tiếp để bộc lộ tình cảm, cảm xúc, đặc biệt là cảm xúc yêu đương, do vậy phép so sánh nào cũng bộc lộ trực tiếp cảm xúc của cái tôi trữ tình:

" Lòng em như quán bán hàng
Dừng chân cho khách qua đàng mà thôi
Lòng anh như mảng bè trôi
Chỉ về một bến chỉ xuôi một chiều"

( Em với anh )

Thể hứng ( một thể rất đặc trưng của ca dao dân ca) cũng được thể hiện trong thơ Nguyễn bính:

“ Cành dâu xanh, lá dâu xanh
Một mình em hái một mình em thương
Mới rồi mãn khoá thi hương
Ngựa điều võng tía qua đường những ai”

( Bóng bướm )

2. Nét mới trong những bài thơ tình lục bát Nguyễn Bính

Lục bát trong thơ tình Nguyễn Bính vừa có nhưũng đặc điển gần gũi về nghệ thuật thể hiện như trong thơ ca dân gian mà tôi đã trình bày ở trên nhưng lục bát Nguyễn Bính trong thơ tình Nguyễn Bính còn có những sáng tạo mới mẻ về hình ảnh, nhịp điệu trong cách thức và ý nghĩa sử dụng so với ca dao
Về việc sử dụng hình ảnh, Nguyễn Bính không phải là nhà thơ gây ấn tượng đối với người đọc bằng những hình ảnh mới lạ như những nhà Thơ Mới khác như Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Thơ ông là sự trở về với những hình ảnh gần gũi quen thuộc trong ca dao, với những bờ tre, gốc lúa, mảnh vườn, con đò, bến nước, nương dâu. Nhưng điều đáng chú ý là Nguyễn Bính sử dụng hình ảnh chất liệu dân dã của ca dao nhưng ông đã thổi vào đó cái hồn của Thơ Mới. Hình ảnh quen thuộc nhưng cách sắp xếp, diễn tả của tác giả rất mới mẻ. Cũng hình ảnh ao bèo, giầu không, giếng thơi thường thấy trongca dao nhưng Nguyễn Bính đã dựng lên một không gian trống vắng, không có bóng dáng con người mà đầy ắp tâm trạng:

“ Lợn không nuôi đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầycả ba gian nắng chiều”

( Qua nhà )

Đó là tâm trạng buồn, trống rỗng của kẻ đang thất vọng trong tình yêu. Cảnh ấy, tình ấy không thể tìm thấy trong ca dao

Hình ảnh dòng sông, con thuyền đi vào thơ Nguyễn Bính cũng có sự khác biệt so với ca dao. Cánh buồm hư ảo xuất hiện trong thơ ông như một sự mở rộng đến cao độ. Một cánh buồm mở rộng cả không gian, thời gian và chất chứa tâm trạng của sự chia xa:

“ Anh đi đấy, anh về đâu ?
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm…

( Cánh buồm nâu )

Cũng là hình ảnh ngọn mồng tơi quen thuộc nhưng nếu trong ca dao, ngon mùng tơi cũng như giải yếm, cành hồng là những nhịp cầu thể hiện khát vọng gắn kết đôi lứa lại với nhau: “Ở gần sao chẳng sang chơi / Để anh cắt ngọn mồng tơi bắc cầu” hay “ Cô kia cắt cỏ bên sông / Muốn sang anh ngả cành hồng cho sang”. Thì trong thơ Nguyễn Bính những hình ảnh trên lại trở thành biểu tượng cho sự ngăn cách về tâm hồn, là khoảng cách tâm lí mà con người không dễ gì vượt qua được. Chàng trai và cô gái trong thơ lục bát Nguyễn Bính chỉ cách nhau bởi giậu mồng tơi mà đành thu hẹp mình trong nỗi buồn, nỗi cô đơn ngập tràn:

“ Giá đừng có giậu mồng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng”

( Người hàng xóm )

Và cuối cùng, chàng trai chỉ còn biết gửi hồn vào con bướm trắng, con bướm của mộng tưởng vẫn đi về giữa đôi bên để làm vơi bớt nỗi cô đơn của chàng trai

Một mặt khác, tìm hiểu thơ tình Nguyễn Bính trước năm 1945, ta thấy thơ lục bát của ông có nhưũng dấu ấn riêng. Vì mang hơi thở của cái tôi Thơ Mới, lục bát của Nguyễn Bính nhiều khi phá vỡ tính cân xứng hài hoà của lục bát cổ, đặc biệt là về nhịp điệu. Lục bát trong thơ tình Nguyễn Bính vừa ngắt nhịp theo kiểu truyền thống vừa có những kiểu ngắt nhịp phá cách linh động diễn tả tâm hồn của nhân vật trữ tình và cái tôi trữ tình. Nhịp 2/4/2 ở câu bát nhà thơ sử dụng để diễn tả nỗi tuyệt vọng của chàng trai: 

“ Dở dang đã dở dang gì
Dở dang/ cho đến thế thì/ dở dang”
( Xây hồ bán nguyệt )

Chàng trai trong câu thơ trên tuyệt vọng chán chường đến phó mạc cho cái dở dang của định mệnh
Còn kiểu ngắt nhịp 3/3/2 ở câu bát làm cho lời thơ sinh động hẳn lên. Nhịp thơ ngắt bất ngờ tạo sự xuất hiện đột ngột của tình huống:
“ Dừng chân trước cửa nhà nàng
Thấy hoa vàng/ với bướm vàng/ hôn nhau”
( Dòng dư lệ )

Những lối ngắt nhịp phá vỡ tính cân xứng hài hoà, trong thơ Nguyễn Bính nhiều khi chẻ nhỏ câu thơ đến một tiếng tạo nên nhưng nhịp lẻ gấp khúc đứt đoạn như các kiểu 1/1/4; 1/1/2/2; ( câu lục) và các liểu nhịp 2/1/5; 2/1/3/2; 1/1/1/1/2/2 ( câu bát )

“ Rồi/ rồi/ chị nói sao đây
Em ơi/ nói nhỏ câu này/ với em”

(Lỡ bước sang ngang )

Câu thơ ngắt nhịp theo niềm xúc động xốn xang của cô gái, sự then thùng với bao ngập ngừng khó nói về chuyện tình cảm riêng tư.

Nhịp lẻ được ngắt liên tiếp ở các câu thơ thể hiện sự bất ổn chông chênh của con người mãi đắm say trong bể khổ yêu đương :

“ Yêu/ yêu/ yêu/ mã thế này
Tôi như một kẻ/ sa lầy trong yêu
Cao bao nhiêu/ thấp bấy nhiêu
Một/ hai/ ba/ bốn/ năm chiều/ rồi thôi”

( Lòng yêu đương )

Với lối ngắt nhịp linh hoạt phá cách không tuân theo những quy tắc truyền thống mà tuân theo tần số dao động của tình cảm, Nguyễn Bính đã tạo cho thơ lục bát của ông những dấu ấn riêng độc đáo khác với ca dao, đem lại những xúc cảm mới mẻ cho người đọc.

Lục bát của Nguyễn Bính mang bản sắc, diện mạo thơ tình Nguyễn Bính nói riêng và thơ Nguyễn Bính nói chung trong phong trào Thơ Mới (1932- 1945). Lục bát trong thơ tình Nguyễn Bính thể hiện tâm trạng của cái tôi Thơ Mới, mang đủ mọi cung bậc, cảm xúc buồn vui, ngậm ngùi, cay đắng, vừa như kể chuyện lại vừa như trữ tình, tiêu biểu như bài “ Tương tư”, “Người hàng xóm”, “ Lỡ bước sang ngang”…Lục bát của Nguyễn Bính tuy vẫn đi trên khung truyền thống của dân tộc nhưng nét mới nhất là nằm ở nội dung. Nguyễn Bính đã làm mới thể thơ lục bát bằng cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, nhịp điệu mới mẻ, linh động, thấm đẫm cái tình tứ Thơ Mới. Bên cạnh đó đó ông đã thổi “ hồn quê” vào lục bát. Điều này đã làm cho lục bát của Nguyễn Bính mang bản sức và diện mạo riêng so với ca dao và lục bát trong phong trào Thơ Mới. Nét nổi bật của hồn quê trong lục bát Nguyễn Bính là thứ hồn quê mang màu sắc cá nhân. Cũng mang “ hồn quê” nhưng lục bát ca dao nó mang tính phổ quát còn trong thơ lục bát của Nguyễn Bính, không gian đồng quê được phủ lên cái tâm tư của con người hiện đại, nét tâm trạng của cái tôi Thơ Mới Nguyễn Bính đầy nỗi niềm trước hiện tượng những nét đẹp chân quê đang dần bị lấn át bởi văn minh đô thị

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lại Nguyên Ân (1998), 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội 2. Hà Minh Đức (1994), Nguyễn Bính thi sĩ của đồng quê, NXB Văn học, Hà Nội 3. Hà Minh Đức (1997), Một thời đại trong thơ ca về phong trào Thơ Mới, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội 4. Hà Minh Đức (2002), Nguyễn Bính thi sĩ của làng quê, NXB Văn học, Hà Nội 5. Hà Minh Đức - Bùi Văn Nguyên (1968), Thơ ca Việt Nam hình thức và thể loại, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.