Apr 18, 2024

Tùy bút - Bút ký

Chút hương hoa bên kia trời cũ.
MH Hoài Linh Phương * đăng lúc 11:11:50 AM, Jun 02, 2010 * Số lần xem: 1995
Hình ảnh
#1


Tùy bút mhhoàilinhphương.

Sau một ngày ở hồ bơi Brooklyn Park với Phượng trở về, tôi nhận một phone message của Tỷ Muội. “ Khỉ nhỏ, mi ngọ đi đâu, mà sáng, trứa, chiều, tối không có giờ nào ta gọi mà gặp mi hết. Ráng học, lấy hết bằng cấp của người ta đi, rồi.. chết. Có chuyện cần lắm, phone lại ngay cho ta..”

Không mấy thuở tôi có được một ngày chủ nhật thảnh thơi, nhàn nhã như hôm nay, vì từ lâu lắm rồi tôi không còn biết đến thú vui của ngày chủ nhật kể từ ngày đi học lại. Ngày thường đi học, cuối tuần đi cày, như một vòng quay. Năm tháng cứ qua đi. Hết tuần này lại qua tuần khác. Thời gian xứ người lao đi vun vút, cho ta không còn đủ thì giờ để kịp nghĩ suy. Tuần rồi tôi làm thế cho nhỏ bạn tự dưng lăn đùng ra bệnh, phải đi cấp cứu bất ngờ, nên Mark, boss của tôi đã tìm một người làm thay tôi để cho tôi được nghỉ chủ nhật này.

Xuân Thu nhị kỳ, cứ mỗi lần Tỷ Muội đi tìm tôi, là tôi chuẩn bị đón nhận những lo âu. Vì Tỷ Muội luôn luôn là người thông báo cho tôi những tin buồn. Ê, nhỏ biết không, Má Miên Tường chết rồi, mà Ba chị ấy lại đang đau nặng, ta có người quen sắp về Saigon, mi gửi gì không?.. Này Dế Mèn, lão Hải Hồ của mi bị cụt một chân sau trận đánh ở Chu Prong, vậy mà bây giờ vợ bài bạc suốt ngày, cuối cùng lại bỏ đi rồi. Nhà của Hải Hồ lại bị hỏa hoạn. Đại diện khóa 20 Võ Bị, Chúa Trịnh của ta đang kêu gọi anh em cùng khóa. Mi có đau lòng không?….. Dế Mèn, mi biết gì chưa? Phan Khắc Kinh Luân chết rồi. Tôi hỏi Luân nào? Luân của nhà ngươi, chứ Luân nào nữa? Luân, thần tượng của các cô gái học trò yêu thơ, và yêu lính, thương màu tím mượt mà với tuổi ngọc trăng sao. Luân, của những bài thơ tình nổi tiếng cho mi trên báo. Luân đứng dựa cột đèn bên kia đường, lén nhìn sang nhà mi khi nhỏ đang hồn nhiên cười nói với bạn bè, rồi lặng lẽ rời xa….. Ta mới đọc được cái Cáo Phó ở Arizona.., mi có buồn năm phút không hở nhỏ?..

Tôi thản nhiên nói với Tỷ Muội. Thiên hạ cầm nhầm bút hiệu của Luân, chứ ta nghĩ Luân đã thất lạc hoặc chết ở Việt Nam rồi. Đất Mỹ rộng lớn, nhưng năm mươi tiểu bang thì rất là nhỏ. Ta gặp lại những bạn bè viếi lách đâu ai biết một tin tức nào về Luân. Hồi đầu thấy tên Phan Khắc Kinh Luân cùng đăng thơ với ta trên tạp chí H.V, ta mừng rỡ, nhưng sau đó đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ của ông ấy, thì thấy chẳng phải cái style mà Luân vẫn có, không thấy chút nào âm hưởng thơ của Luân xưa. Sau, ta hỏi anh Uy, anh ấy nói, anh chàng Luân của cô có lẽ còn ở Việt Nam. Còn ông Luân này, bút hiệu cũng là tên thật, nên nhất định không chịu đổi tên, dù biết trước mình đã có một người làm thơ tên tuổi sử dụng bút hiệu này.

Cũng lạ. Đời có biết bao nhiêu tên, nhưng người ta vẫn muốn cầm lẫn tên nhau….. Tỷ Muội ngạc nhiên ngập ngừng: Ơ,.. ơ thế hả? Vậy thì chết là đáng đời, không thèm băn khoăn nữa…..

Nếu ai không biết chuyện, cứ nghe Tỷ Muội hân hoan loan báo cho tôi hết tin buồn này đến tin buồn khác của bàn dân thiên hạ, chắc sẽ nghĩ tôi có cả khối bồ bịch, lăng nhăng. Nhưng đó là sự quan tâm của Tỷ Muội đối với tôi, tôi không bao giờ giận và trách nó, mà trái lại nữa là khác. Bởi chúng tôi kết bạn với nhau từ thuở Tỷ Muội mới tập tành viết văn, và tôi biết vẩn vơ buồn qua những bài thơ xướng họa... Ngày ấy, tôi nghĩ, đáng lý ra Tỷ Muội mới đúng là hình ảnh của Luân yêu, chứ không phải là tôi. Vậy mà sao cuộc đời có những điều lạ lùng của trái tim mà ta không thể giải thích bằng lý lẽ. Hình ảnh người con gái trong thơ Luân luôn là một cô bé nhu mì tóc thề, áo tím, nữ sinh Gia-Long hay Trưng-Vương, dịu dàng và hay hờn dỗi. Nhỏ bạn Tỷ Muội của tôi hội đủ tất cả điều kiện ấy. Rất tha thướt và ngoan hiền. Rất mộng mơ và lãng mạn. Cái dễ thương của một cô gái Huế, dù Tỷ Muội Bắc Kỳ chính cống Hà Nội ba mươi sáu phố phường. Bên cạnh Tỷ Muội yểu điệu thục nữ, tôi tóc ngắn demi garcon, cái mũ béret sụp che xuống mắt, lúc nào cũng mặc quần jeans bó sát như con trai, vừa đi vừa huýt sáo. Khuôn mặt ngỗ ngáo, lì lợm, bất cần. Dáng đi kiêu hãnh, ngang tàng. Bạn bè cùng lớp vẫn gọi tôi là Hương Django để phân biệt với Hương Tóc Dài, Hương Xóm Gà, Hương Ký Điệu, Hương Tôn Nữ….. Và tôi đã chết với cái tên ấy cho mãi đến bây gio, đã mấy mươi năm sau…..

Tình cờ gặp Hùng Gà Mái cùng lớp Đại Học Sư Phạm ngày xưa, Hùng lúc lắc tay tôi. Trời ơi! Hương Django, không ngờ còn gặp lại nhau. Mà sao Hương vẫn .. Django, không có khác xưa một chút nào hết ? Tôi cười. Sao không khác? Đã chết ước mơ, đã tàn kỷ niệm….. Đã qua một thời chờ đợi yêu thương…..


*

* *


Chị Miên Tường là một cây bút có tên tuổi ngày ấy. Thơ chị được bao nhiêu người ngợi khen, ái mộ. Tự nhận là một người con gái xấu gặp nhiều bất hạnh trong tình yêu, những tiếng thở dài ấy đã làm xúc động nhiều người thưởng ngoạn. Luân nổi tiếng và chị cũng nỗi tiếng. Họ quen thân với nhau…..

Hàng năm chị Miên Tường thường về thăm quê Ngoại ở Nha Trang. Ở đó, chị có những người bạn văn nghệ học Đệ Nhất C Võ Tánh – trong đó có anh Duy, anh trai tôi. Nên sau đó trong một thư viết cho tôi, chị nói anh Duy dấu kỹ, không bao giờ khai có cô em nhỏ làm thơ. Rất tình cờ chị khám phá ra, và rất vui vì từ nay chị sẽ có thêm tôi, một đứa em gái. Còn Tỷ Muội, mê thơ chi, đi lên Dalat tìm chị. Chân tình của Tỷ Muội cũng đã nối kết họ lại với nhau.

Chúng tôi vẫn thường viết thư để kể cho nhau nghe về chuyện dài con gái. Ngay cả tôi và Tỷ Muội, dù đường Yên Đỗ về Trần Hưng Đạo không xa, nhưng Tỷ Muội vẫn hay viết cho tôi. Ê, Dế Mèn! Hai tuần nữa ta thi xong, Miên Tường về chơi, tụi mình sẽ đi Cấp.. Này Dế Mèn, ta với mi sẽ đến Air Vietnam để đón chị ấy. Ta mới làm được một búp bê phấn ta sẽ mang tặng nhỏ..

Rồi chị Miên Tường về, chúng tôi lê la hết hàng bún ốc đến bún suông ở chợ Bến Thành. Những tiếng cười dòn như pháo Tết, hồn nhiên, trong như thạch ở lứa tuổi chưa bước vào đời. Mua một số hàng Tết, tôi ôm hai cái bong bóng bay vừa đi, vừa nhảy. Nếu tôi không cầm bong bóng, thì cũng chẳng ai thèm cầm vì Tỷ Muội điệu như tiểu thư, nhẹ nhàng, rón rén. Còn chị Miên Tường tự nhận là mình đã lớn rồi, nên biết thân, biết phận tôi tự nhận bong bóng là của tôi, chứ không lẽ vất đi thì tiếc quá!

Sau một ngày lang thang ở hàng quán, ba chi em kéo về nhà tôi chơi. Chị Miên Tường chợt nhớ, chị đã hẹn sẽ đi thăm Luân ở Cư Xá Tự Do và rủ chúng tôi đi cùng. Tôi nhất định từ chối. Còn Tỷ Muội không có ý kiến. Tôi nói với chị. Em không quen đi đến với người mà em chưa biết họ bao giờ. Chị đi với Tỷ Muội. Đừng giận em. Tỷ Muội tròn mắt: Ta cũng có quen lão bao giờ đâu. Chị Miên Tường can ngăn: Hầu như ngày nào nhật báo Chính Luận cũng đăng thơ Dế Mèn và Luân chung cùng với nhau, còn Tỷ Muội chẳng từng là một fan ái mộ những bài thơ tình màu tím của Luân sao? Không cãi nhau nữa. Tất cả đều phải đi. Không ai được ở nhà. Saigon là đất của quý vị, mà quý vị không chịu hộ tống tôi đến nơi đến chốn, lỡ tôi bị bắt cóc, là không được khóc..

Mặt tôi phụng phịu, tức tối, nước mắt đoanh tròng..

Ngôi nhà của Luân ở vùng ngoại ô Saigon nên khá yên tĩnh. Một khoảng sân rộng với những hàng cây khuynh diệp màu bạc im gió trong nắng chiều. Luân hẹn chị Miên Tường, nhưng cuới cùng Luân vẫn còn ở đơn vị, đồn Phú Mỹ, Phước Tuy – Không về phép được.

Cả nhà niềm nở đón tiếp chúng tôi. Lúc này tôi nín khe như con ốc Hương trên kè đá vắng. Thật là ơn phúc Phật Trời. Luân không có ở nhà. Cũng qua đi được một đại nạn. Nhưng sau khi nghe chị Miên Tường giới thiệu, Nguyệt Hằng, cô em gái của Luân xoắn xuýt lấy tôi, mừng rỡ. Đúng là giống như những bài thơ đã viết, Dế Mèn gầy guộc, bé bỏng như que tăm. Mỗi ngày anh Luân vẫn thường đăng thơ chung với Dế Mèn trên báo đây mà! Anh Luân về mà nghe có Dế Mèn đến thăm, sẽ mừng lắm. Sau đó, Nguyệt Hằng xin địa chỉ Tỷ Muội và tôi để khi về Luân sẽ tặng tập thơ mới nhất vừa mới in xong. Tôi phân vân, lúng túng không muốn để lại địa chỉ vì sự thật có muốn liên lạc với Luân đâu. Trong cái đầu bé xíu của tôi, mọi quan hệ tình thân không xa hơn hàng phượng vĩ bên ngoài khung cửa lớp. Dù tôi đã làm thơ, đã biết vu vơ buồn theo từng cơn gió thoảng, đã nghe lòng mình hiu quạnh trong nắng quái chiều hôm..

Chị Miên Tường hiểu ý nên ra dấu gật đầu. Tôi làm theo mà lòng băn khoăn, ngần ngại. Mẹ của Luân, một người đàn bà đã lớn tuổi, nhưng vẫn còn những nét kiêu sa của một thời xuân sắc, nhẹ nhàng nói với chúng tôi. Luân là con cả trong gia đình chín anh em, và anh đã ba mươi tuổi, nhưng trông còn rất trẻ, có lẽ chỉ vì Luân thường chơi với bọn trẻ con hàng xóm. Cô em út của Luân còn lớn hơn tôi bốn tuổi, nên dù họ rất vồn vã, tôi vẫn cảm thấy lo ngại, lạc lõng làm sao..

Hai tuần sau, tôi nhận lá thư đầu tiên củaLuân dài tám trang, cùng với ba tập thơ cũ, và một tập thơ mới vừa phát hành. Luân rối rít xin lỗi tôi, vì bận hành quân Luân đã không về được để gặp tôi. Luân mong kể từ bây giờ, chúng tôi sẽ là anh em, bè bạn.

Tôi đem thư vào lớp phổ biến cho bạn bè cùng đọc, vì tụi nó rất ái mộ thơ Luân. Vành Khuyên líu lo. Rồi mày trả lời sao Dế Mèn. Mày chịu cho lão làm quen con chó leng keng không? Tôi nói để tao hỏi lại chị Miên Tường..

Không hiểu sao chị Miên Tường rất vui khi biết Luân tỏ ý muốn liên lạc với tôi. Em biết, Luân bây giờ đang là thần tượng củ a các cô bé học trò yêu thơ và yêu lính. Nhưng Luân muốn quen với Dế Mèn. Không phải là một điều hãnh diện sao, mà em còn phân vân? Chị tin rằng sẽ có mọi điều tốt đẹp sau này cho em và Luân. Mãi đến khi lớn hơn, tôi mới hiểu câu chị Miên Tường nói. Một hạnh phúc cuối đường cho hai kẻ tri âm..

Còn Tỷ Muội cũng nhận được những tẫp thơ tặng từ Luân. Nhưng thiếu lá “ thư tình trên cát ‘ dài tám trang như tôi. Tôi cứ ngạc nhiên hoài, sao Tỷ Muội – bạn tôi, một nàng thơ tóc dài, áo tím, mà Luân không chịu làm quen, lại viết cho tôi làm gì không biết, để cái đầu tôi phải nghĩ ngợi vẩn vơ. Tôi – con bé Dế Mèn chưa biết cầm đến thỏi son, hộp phấn, bàn tay trần mười ngón chưa biết gọt dũa, điểm trang. Mà thật ra, hình như .. tôi có nhiều nam tính quá, nét dịu dàng của con gái tôi chưa có bao giờ. Và những thứ đàn bà thường vẫn trang trọng nâng niu để lượt là, chưng diện, tôi vẫn nghĩ những thứ đó ngoài tôi, không phải của tôi. Tôi, những khi khóc, vẫn tìm một góc để khóc một mình, không giống những cô bé khác hay khóc trước người thân để được dỗ dành, an ủi. Có phải vì thế mà sau này đời tôi đã gánh nhận riêng mình những nỗi đau không người chia xẻ trong suốt mấy mươi năm hay không?


Hàng năm, Tỷ Muội vẫn thường ghé tôi chiều mùng một Tết. Hai đứa ngồi cắn hạt dưa với nhau, nói chuyện đất trời. Và Tỷ Muội lì xì cho tôi những đồng tiền mới. Không hiểu con nhỏ này trở thành chị tôi lúc nào không biết, lúc nào cũng ra vẻ quan tâm, lo lắng cho tôi. Thật ra, đáng lý tôi phải gọi Tỷ Muội bằng chị, vì Tỷ Muội lớn hơn tôi. Nhưng cứ quen gọi ta ta, mi mi như bạn bè thân, lâu dần không còn nhớ đến điều ấy nữa. Tỷ Muội đang đau khổ, điên khùng với mối tình đầu cùng Chúa Trịnh của nó. Ngồi trong Phương Lan – ở Đại Lộ Lê Lợi Saigon – với tôi, khi tôi đang thưởng thức kem Á Rập Chantilly trái cây bốn màu cùng với bánh tôm chiên ngon tuyệt vời, thì nó .. khóc! Tôi không biết sao nó mít ướt như vậy, làm tôi bỗng khựng lại. Tôi nghịch ngợm. Giờ này đầu năm, ngày Tết đang vui, không ai nghĩ đến mình đâu. Mi nhớ người ta là mi thiệt. Phải giống như ta, tỉnh bơ hết mọi chuyện trên đời. – Khỉ, mi có biết tình yêu là cái quái quỷ gì đâu, chừng nào mi bị hành thì mi sẽ biết nỗi khổ của ta. A, mi và Luân sao rồi? – Không sao hết. Thư từ đều đặn một tuần hai lá. Lão nói lão coi ta như .. em của lão. Ta thấy cũng khoẻ, có ngưởi gửi sách cho mình đọc. Không yêu cầu một điều gì hết ở mình. Chỉ nói là anh ở trong rừng rất buồn với ngày tháng hành quân, đừng quên làm thơ cho anh đọc, vậy thôi..


Nguyệt Hằng điện thoại cho tôi biết Luân bị thương, đã chở về Tổng Y Viện Công Hòa, nhắn tôi vào thăm Luân. Tình tôi với Luân hình như là một cái gì rất mơ hồ, không rõ nghĩa. Mà đến bây giờ tôi vẫn nghĩ đó không phải tình yêu dù mỏng và nhẹ như sương. Tôi đến với Luân như đến với một người anh lớn của mình, kể cho Luân nghe trăm ngàn thứ chung quanh: chuyện nhà, chuyện lớp.. Tôi nghĩ về Luân bằng một sự tin cậy và đầy kính trọng vì cái gì anh cũng hơn tôi, tuổi đời, tuổi thơ văn, kinh nghiệm sống.. .

Tôi không biết làm thế nào để đi thăm Luân, vì ra khỏi nhà đi học có xe nhà trường đưa đón. Tôi cũng không biết đường nào để lên bệnh viện Cộng Hòa. Mười lăm tuổi, lúc ấy nhỏ quá để biết thêm một điều gì hơn góc phố mình ở – Cư Xá Sĩ Quan Hòa Bình, đường Trần Hưng Đạo, trước rạp Palace, có tiệm kem Cố Đô trước mặt, và bên kia đường là một quán ăn Tàu “ Lương Ký Mì Gia “. Cạnh góc nhà, đường Bùi Hữu Nghĩa, trên đường ra chợ Hòa Bình, đặc biệt có hàng bò viên thơm ngon hấp dẫn trước tiệm thuốc Bắc, mà tôi và Tuyết Mai – nhỏ bạn từ thời cắn chung một trái ổi, hay rủ rê nhau chấm bò viên với tương ớt cay sè vừa xuýt xoa khen ngon, vừa chảy nước mắt. Tôi có biết gì hơn đâu ngoài đường đi học, Saigon với những con phố chạy dài lóa nắng buổi trưa, xe cộ ồn ào, và cát bụi, những quán kem quen thiếu lời tình tự như Hải Phòng, Phương Lan..

Giữa lúc tôi đang bối rối, thì vào lớp cha T. dạy Hình Học, nghỉ hai giờ sau. Tôi mân mê đếm những đồng tiền từ con heo đất được đập ra hôm trước để nghĩ cách dùng nó làm phương tiện đi thăm Luân. Và suy nghĩ thật nhanh, tôi nhảy lên Taxi đến bệnh viện Cộng Hòa. Oâm cặp sách trong tay, vừa đi, vừa ngơ ngác dò tìm số phòng khu điều trị. Những người lính tương đối đã ít nhiều bình phục, với màu áo chiến thương xanh, đứng ngoài hàng hiên đưa tay vẫy tôi. Cô bé tìm ai đó cô bé, tìm anh phải không? Tôi lính quýnh vì xấu hổ, vì quả thật đây là lần đầu tiên trong đời ra khỏi vòng kiềm tỏa của Mẹ Cha, để một mình đi thăm một người đàn ông xa lạ, chưa gặp mặt bao giờ. Tôi chỉ thấy Luân qua những tấm hình Luân gửi. Ngoài ra... tôi có biết thêm gì về Luân nữa đâu, dù chúng tôi đã liên lạc thư từ thân thiết với nhau hơn một năm rồi.

Đứng trước cửa phòng bệnh của Luân, tôi nói với người thương binh ở hành lang ngoài, tôi muốn gặp Thiếu Uùy Nguyễn Hoài Chuân. Luân bỗng bật dậy, nhỉn tôi kêu lên Dế Mèn phải không? Vào đây với anh. Luân đưa tay sờ vào vết thương ở trán và nói. Cũng may là vết thương tuổi ngọc, xuýt chút nữa đụng phải màng tang, ngày về không bao giờ có, và chết đi vẫn còn ân hận vì chưa biết mặt Dế Mèn. ….. Tôi vẫn chưa thôi lúng túng, vì tôi là một con bé đoảng, đi thăm người bệnh không có gì hết trong tay, ngoài cái cặp to tổ bố, đầy tự điển, bò khô, và ô mai me Bích Lan ở Tân Định. Tôi cúi xuống nhìn mình, cái áo đầm trắng đồng phục mỗi ngày cùng với đôi giày sandale của con gái trường Soeur. Không biết trên mặt có còn lem vết mực, vì bạn bè trong lớp nghịch phá hoài mãi, không thôi. Tôi mở cái cặp ra, mời Luân. Anh ăn ô mai me và bò khô với Dế Mèn. Luân bỗng xoa đầu tôi, xúc động….. Anh sẽ khỏi. Xuất viện anh sẽ về thăm em!.. – Bây giờ Dế Mèn phải về để kịp chuyến xe nhà trường đưa rước…..

Bóng tôi ngã dài trên những con đường vòng trong bệnh viện rợp mát dưới những tàng cây trứng cá. Màu áo xanh quân y viện còn đọng thương tích ở chiến trường của những người lính vẫn còn đuổi theo tôi trong giấc ngủ sau ngày ghé thăm Luân. Họ bằng lòng với số phận, với sự hy sinh, không kêu than, không hờn oán, dù chiến tranh nghiệt ngã không ai thể ngờ. Đời sống và nỗi chết gặp nhau ở một lằn chỉ mỏng. Nhưng chấp nhận họ vẫn ra đi. Mỗi ngày biết bao nhiêu chuyến xe đưa họ về phía mặt trận. Rồi bao nhiêu chuyến tải thương kéo họ trở về đô hội phồn hoa. Có một cái gì mỉa mai, chua chát. Mắt tôi bỗng nóng khi nghĩ về chiếc thẻ bài Luân đã gửi cho tôi. Tặng cho Dế Mèn để nhớ về anh..

Sau khi bình phục, Luân đến trường tìm tôi sau giờ tan học, và lặng lẽ đứng nhìn theo tôi bướclên xe đưa rước của nhà trường để về nhà. Sự nhẫn nhục, câm nín của Luân làm tôi xót xa. Ngày hôm sau, từ Passage Eden, anh gọi cho tôi. Anh muốn gặp em ở La Pagode ngày mai để mang cho em một chút quà nhỏ. Cố gắng đến, đừng từ chối.

Luân cho tôi đĩa nhạc “ Biết đến bao giờ “, trong đó có bài “ Hương Ca Vô Tận “, một bản nhạc mà tôi rất yêu thích, tôi vẫn nghêu ngao hát cùng với bạn bè những lần đi picnic. “ Hát nữa đi Hương, hát điệu nhạc buồn điệu nhạc quê hương. Hát nữa đi Hương, hát lại bài ca tiễn anh lên đường. Ngày đao binh chưa biết còn bao lâu. Cuộc phân ly may lắm thì qua mau. Hát nữa đi Hương, hát để đợi chờ..” Và đặc biệt, kèm một lá thư. Anh không biết phải nói với Dế Mèn như thế nào, vì em chỉ là một cô bé con. Nhưng thời gian quen biết hơn một năm, đủ để anh có thể nói anh yêu em, vì anh không muốn mất em. Em có bao giờ hiểu được những bài thơ anh dành cho em trên báo? Anh buồn bã vì em vẫn hồn nhiên. Anh muốn được tiếp tục chăm sóc cho em, để chờ ngày em khôn lớn, trưởng thành.

Tôi tự hỏi mình tôi có yêu Luân không? Có thể nào tình yêu chỉ lãng mạn ở những trang thư và những bài thơ đăng báo. Tôi trả lời Luân, tôi thương Luân như anh của tôi, và tôi cần có anh, nhưng tình yêu với tôi là một cái gì xa lạ quá, tôi chưa nghĩ đến.. Và thế là Luân bắt bẻ. Vậy sao Dế Mèn vẫn viết hoài cho ai – một màu alpha đỏ, một tình yêu vụng dại, âm thầm.. trong thơ, trong truyện.

Có ai hiểu được cho tôi, trí tưởng tượng tôi đã thăng hoa khi cầm bút. Ngày ấy, tôi có một chút kinh nghiệm nào về tình yêu đâu? Thấy Tỷ Muội đau đớn, rã rời, lo sợ cuộc tình chắp cánh, tôi không thể xẻ chia, mà thường cười đùa, trêu ghẹo nó..

Tuy nhiên, Luân vẫn viết thư và làm thơ cho tôi cho đến một ngày.. Luân gặp một người lính ở tiền đồn được về phép thành phố, ghé tạt qua nhà thăm tôi. Tôi cũng không nhớ rõ anh là ai, nhưng vẫn cám ơn có một người lính đã dành chút giờ phép hiếm hoi để nghĩ đến mình. Thì ra….. mấy tháng trước, tôi có tháp tùng với đoàn văn nghệ sĩ thủ đô đi thăm các chiến sĩ tiền tuyến ở vùng I chiến thuật, được sự chấp thuận của Ba Mẹ tôi, và Bố VQ – Cục Trưởng Cục Tâm Lý Chiến lúc ấy. Ở các tiền đồn, tôi đã ký tặng họ những bài thơ của mình, sống hết lòng, hết mình khi nhìn thấy tận mắt những nỗi khổ trong chiến tranh. Cà Lu, Bao Căng, Làng Vei, Ba Lòng.. Chiều Quảng Trị với gió cát mịt mùng. Đêm Đông Hà nghe tiếng đại bác bay xa.. Tôi uống những ngụm nước từ một cái nón sắt của người lính vô danh, vì chia tay mà tôi chưa kịp hỏi thăm tên, họ. Tôi khắn khít chia từng chén cơm đạm bạc với một bát canh rau rừng. Tôi không thể nào nhớ rõ họ là ai, ở đâu? Và họ xin tôi địa chỉ để liên lạc. Tôi bằng lòng ngay. Không ngại ngần. Không chút phân vân, do dự. Bởi họ là lính. Tôi gặp họ hôm nay, biết đâu ngày mai.. họ sẽ muôn đời nằm xuống ở một bìa rừng, một khe suối..

Và Luân đã giận dữ bỏ ra về khi một trong những người lính ấy đã thoát ra đươc vùng sống chết đôi ngày, trở về thành phố, đến với tôi bằng chút tình cảm mong manh. Luân không nghe tôi giải thích. Sự ghen tuông đã làm anh mù quáng.

Tôi vẫn tiếp tục làm thơ – những bài thơ cho một người tình không tên tuổi. Luân viết cho tôi bài cuối cùng “ Từ giã Hoa Linh Phương” ở trong loạt bài Hoa Linh Phương 1 đến Hoa Linh Phương 17. ( Trên những chặng đường hành quân, anh đã bắt gặp một loài hoa tím dại ở gần mật khu Hắc Dịch của VC, hoa cánh nhỏ, đơn sơ, mềm mại, và anh đã dùng tên tôi để đặt cho 17 bài thơ đến khi tôi tròn 17 tuổi.)

Luân nói Luân vẫn yêu tôi, nhưng không thể nào không ghen với những hình bóng trong thơ tôi, mà không phải là anh. Và anh chấp nhận xa tôi mãi mãi, để trả tôi lại cho bao người yêu tôi.

Trước suy nghĩ và hành động của Luân, tôi bỗng thành một người lớn chững chạc, chín chắn. Tôi không bao giờ ân hận những điều tôi đã làm, dù chúng tôi thực sự mất nhau. Nếu trong cái riêng nhau, mà không có cái chung tồn tại, làm thế nào chúng ta hòa nhập với cuộc đòi?.. Và người lính kia, sau đó đi về đâu, tôi cũng không hay biết. Cuôc viếng thăm chỉ là sự bất chợt, cho anh một chút ấm lòng, không mang ý nghĩa kết nặng tình thân.

Nỗi buồn chỉ một chút rồi qua. Hay có phải tại tôi chẳng yêu Luân, tôi không biết nữa. Như vậy mới hiểu không phải người làm thơ ai cũng có một cái nhìn khoáng đạt và có một tấm lòng, để hiểu được về nhau mà trái tim nhân gian không thể hiểu..

Mùa hè đỏ lửa rền vang tiếng súng. Sau nhiều năm bặt tăm, biền biệt Luân trở lại tìm tôi, và nói vẫn yêu tôi, không thể nào quên được cô bé con bướng bỉnh, lì lợm. Mọi điều không còn đúng lúc nữa. Bởi tôi đã bắt đầu lớn khôn trong tình yêu nồng ấm của Bắc Bình. Ở đó có cả sự hy sinh và lòng độ lượng. Có sự xẻ chia, khuyến khích, và những xúc động đích thực của hồn tôi. Chúng tôi đã đính ước với nhau. Bắc Bình sẽ chờ tôi trở về sau hai năm tu nghiệp về ngành Báo Chí..

Lần đó là lần sau cuối tôi gặp Luân. Rồi thăng trầm, phiêu bạt.. Mãi về sau này, tôi nghe chú Ngân nói Luân đã lập gia đình trên Dalat.

Những bông hoa dại Linh Phương đã tàn theo bao mơ mộng đầu đời đã tắt. Cho tôi gửi lời xin lỗi khi chúng ta đã không thể là gì hết của nhau.

Tôi đưa tay bấm máy. Tiếng của Tỷ Muội ở bên kia đầu dây: “ Làm ơn, làm phúc, làm giàu, làm có viết cho tờ Tự Thắng giùm ta. Họ đang bị phe bên kia chụp cho một cái nón cối to tổ bố, nhỏ biết không? Ta chờ để được đọc bài mi, nhắc về một Dalat xưa của tụi mình. Chúa Trịnh ta, gửi lời hỏi thăm mi. Cọp cũng nhắc đến cô Dế Mèn hoài. Hy vọng sắp xếp được ngày phép, tụi mình sẽ gặp nhau. Nhớ mi nhiều lắm. “

Có còn cần thiết không để nhắc về những điều đã chìm vào quá khứ mà dã tràng đã xóa lấp ở một bờ cát ướt của lãng quên?

M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.