Mar 28, 2024

Tùy bút - Bút ký

Lời Tình Ca Từ Nghìn Trùng Mang Mùa Thu Hội Ngộ
MH Hoài Linh Phương * đăng lúc 12:47:17 PM, May 26, 2010 * Số lần xem: 2129
Hình ảnh
#1

Tùy Bút M.H. Hoài Linh Phương

... "Hai mươi năm rồi em còn yêu tôi. Yên vui bên trời một đời chia phôi. Bao nhiêu ân tình đành theo nước trôi. Lệ rơi héo hắt trên môi. Người bỏ tôi một mình..." (*) Tôi quắt quay, chao đảo muốn khóc khi chỉ một lần đầu nghe tiếng hát nồng ấm, ân cần của Trần Thái Hòa hát về một cuộc tình đã mất. Giọng hát trầm lắng của Hòa, một người ca sĩ mới và trẻ đã trở thành một thân quen, nhưng "Nỗi đau từ đấy" của Ngô Thụy Miên, ngỡ ngàng môi mắt biết bao nhiêu, khi cõi nhạc của Miên bồng bềnh qua tiếng hát Hòa cho đau thương mọc thêm một nhánh mới trong mùa thu tàn phai, hiu hắt.

Giòng nhạc của Miên giữa thành phố tôi nương nhờ, sương mù trong nắng sớm, gió lạnh giữa đồi cao, soi bóng mình lung linh trên một mặt hồ trong, nghe kỷ niệm ngọt ngào trong từng hơi thở, đã là một cánh chim vút cao bay về chân trời cũ, ở đó có Saigon xưa, mà Miên thương từng cơn mưa nhỏ, nhớ vạt nắng hẹn hò, mà anh đã bỏ Saigon lại một mình, như đã bỏ cuộc tình, bỏ đời mình vào sóng gió đại dương... với tiếng bi thương... Ðừng khóc nữa Saigon...

Ngày tháng xứ người bộn bề, tất bật, lúc nào cũng chạy đua như bị ma đuổi, mà sao tôi vẫn còn nhớ nhiều thứ quá, hồn chưa hẳn nguôi quên. Cõi nhạc Miên lại vẫn luôn là một đồng lõa thúc hối về bờ bến cũ...

Một thuở học trò, sau giờ Triết Ðông của Thầy Tuệ Sỹ, cả bọn con gái xuống canteen uống soda chanh đường, ngậm me cam thảo, nghêu ngao hát "Em như một nụ hồng. Cầu mong chẳng lạnh lùng. Em như một ngày mộng. Mà ta hằng ngại ngùng. Sẽ ru ta nghìn nhớ. Một ngày thoáng mây đưa. Chuyện tình đã như mơ. Em như vạt lụa đào. Quyện ta lời thì thào. Sẽ qua đi ngày tháng. Tình rồi cũng xa xưa... Buồn!..." (*)

Và rồi chiều nay, góc trời của Miên không còn nghìn trùng nữa, mà ở đó, trên con đường Exchange vắng lặng, nhộn nhịp bước chân người thưởng ngoạn, tôi gặp lại Vân xưa - của một thuở lên mười, của những ngày Vân làm học trò Marie Curie, ngồi nắn nót chép cho tôi những bài nhạc Pháp kín đầy trang vở: "Tout L'amour, Inconnu Mon Amour, Tous Les Garcons Et Les Filles, Quand Le Film Est Triste... " do Dalida, Francoise Hardy, Sylvie Vartan hát... - trong thính đường cùng với người đồng hành một đời - Ngô Thụy Miên - trước giờ khai mạc.

Ôm chầm lấy nhau. Lặng im. Sững sờ. Cay mắt. Hai mươi tám năm xa. Cứ như chuyện trong mơ, dù chúng tôi vẫn liên lạc với nhau qua email, qua những đường dây nói. Vân gầy đi so với thuở... Dalat năm nào. Nhìn thấy Vân, tôi bỗng nhớ cả một vườn hồng trên lối đi quen. Ngôi nhà số 2B Trần Quý Cáp. Ðường về Chi Lăng, với tiếng xe thổ mộ lóc cóc, mimosa rực vàng lấp lánh ánh bạc còn đọng sương đêm. Vân bản lĩnh, khôn ngoan, sống một mình trong căn nhà nhỏ với giàn hoa ớt leo dài trên bờ tường thấp, lò sưởi lúc nào cũng bập bùng ánh lửa, và chúng tôi vùi vào đó những bắp cùng khoai. Vân làm hôtesse d'accueil cho phi trường Liên Khương ngày ấy. Còn tôi tiếp tục những tháng năm sau cùng ở bậc Ðại Học Saigon, vẫn ké theo đi Dalat những lần ông cụ tôi giảng dạy ở Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị vào mùa Văn Hóa. Những lần lên Dalat, tôi không ở cùng với Bố tôi bên bác Quỳnh, Chỉ Huy Trưởng Trường Ðại Học Chiến Tranh Chính Trị, mà thường lén trốn bên nhà Vân để hai đứa con cà, con kê chuyện ngắn, chuyện dài. Mãi rồi ông cụ tôi chiều và thương con gái, nên không còn hỏi nữa, đi Dalat con ở bên bác Quỳnh hay về nhà Vân. Còn Vân, luôn chu đáo khi tôi vui chân ghé thăm thành phố núi. Lấy ngày phép, và hai đứa lăng quăng khắp trời Dalat. Hết sữa đậu nành nóng ở con dốc Duy Tân, qua Thủy Tiên với bánh xèo Huế buổi trưa, xôi gà thơm mùa nếp mới buổi tối. Và không đi ăn phở nhà ga Bắc Huỳnh là chưa chịu về Saigon. Mùi phở bò thơm phức với hành trần xanh ngắt, những miếng thịt bò xắt mỏng vàng ngậy, nước dùng nóng sốt, ôi sao mà hấp dẫn trong tiết trời Dalat lạnh giá, mù sương. Lăng quăng khu Hòa Bình để vào Café Tùng nhâm nhi café tình nhớ, nghe Sĩ Phú hát "Tình Khúc Trên Chiến Trường" cho thấm thía ruột gan. Chưa hết, có năm tôi khăn gói quả mướp lên Dalat ăn Tết một mình với Vân. Hai đứa đi chợ mua đủ thứ bánh mứt, giò lụa, củ kiệu, thịt đông... ngày Tết dự trữ cho cả một gia đình, vì con mắt to hơn cái bụng. Ðến khi "thầu" không nổi nữa, Vân nói: "Ê nhỏ, chắc tụi mình phải nhờ mấy con bò sau vườn nhà ăn hộ mấy cái bánh chưng này thôi..."

Ðêm Dalat chỉ mới 15 độ C, mà co ro khăn quàng, áo ấm. Hai đứa co giò trùm mền ngồi trên canapé, nhai lạc rang, nghe lửa hồng từ lò sưởi reo vui, tí tách. Bữa cơm tối vừa xong, tôi cảm thấy thật ngon miệng vì rau quả Dalat ngọt lịm, xanh tươi. Vân khéo léo, đảm đang, gọn gàng nhanh nhẹn chỉ trong phút chốc là làm xong bữa ăn tối. Tôi chỉ là cô bé con làm thợ phụ, hễ Vân hô lặt rau, gọt su su, là tôi chỉ có "tuân lệnh" làm theo. Những tiếng cười hic hic, trong trẻo làm ấm không gian yên lành tĩnh mịch.

Mùng hai Tết, hai đứa đi mua hoa, để tìm thầy Hoàng Chiêm gieo cầu năm mới. Qua lũng thấp với những căn nhà ngói đỏ, những rãnh su hào, những luống cải, vồng khoai, thầy Chiêm hỏi hai đứa đi đâu, tôi sẽ thi đậu năm nay, còn Vân tài lộc vẫn dồi dào, không cần phải coi nữa. Nghe vậy, thấy "khoẻ" quá, nên thôi chào thầy ra về, lại tiếp tục lang thang bờ hồ, ra Thủy Tạ, nghe Connie Francis hát Besamé Mucho cũng đủ lãng quên đời trăm ngàn hướng rẽ...

Hiệp Ðịnh Paris ký kết, nhưng VC vẫn vi phạm lệnh ngưng bắn. Một buổi chiều, từ phi trường Vân hộc tốc chạy về. Nhỏ, mi phải đi ngay chuyến bay sớm nhất để về Saigon, vì có tin tình báo VC sẽ pháo kích phi trường.

Vậy là Vân hối hả "tống" tôi lên máy bay, vì sợ trách nhiệm với ông cụ tôi. Lo thì có lo, nhưng tôi vẫn không quên ba chục hồng màu Brigitte trên tay để về làm đẹp phố phường Saigon. Tuổi nhỏ dễ thương như cây trái đầu mùa, như hương hoa dạ lý trong vườn mẹ trồng những khi chiều xuống, như trang giấy đầu đời thơm mùi mực mới ở tuổi vỡ lòng vừa tập ê a.

Lớn hơn tôi vài tuổi, nhưng Vân vừa là một người bạn, một người chị, lúc nào có điều gì bối rối tôi cũng vấn kế quân sư. Vì Vân chững chạc, từng trải, ra đời sớm. Những tháng năm ở Ðại Học Văn Khoa Saigon không giữ chân được Vân, mà một khoảng trời rộng thôi thúc, Vân mơ làm một cánh chim, bay về phố lạnh miền cao, có khói xám nhà ai bốc lên khi chiều lan tỏa, có thông hát trên ngàn, và hoa hồng dại mọc chập chùng xuyên qua rừng xa, lũng thấp.

Nếu cõi nhạc của Miên là một sự trùng trùng kiếm tìm hạnh phúc, vượt lên những khổ đau để còn thấy lại đời nhau: "Em nhé khi nào chợt nhớ mùa xuân. Nhớ lá thư xanh và chuyện tình hồng. Nhớ nắng hanh vàng nhuộm áo Hà Ðông. Anh ở nơi này vẫn luôn chờ mong" (*) thì Vân vẫn là người con gái ra đi nhưng lòng còn ở lại, để hân hoan trong nước mắt trùng phùng. "Em vẫn mong chờ, vẫn nhớ thiết tha đầy vơi. Anh có bao giờ tiếc nuối, xót xa một thời..." (*)

Vì có chung những điểm tương đồng đó, nên cơn hồng thủy bạo tàn khi quê nhà tai biến, vẫn chẳng thể đoạn lìa tình nhau.

Và chiều nay, trong không khí trữ tình của một buổi nhạc thính phòng, lá bắt đầu vàng khi mùa thu tới sớm trên con phố Vạn Hồ tĩnh lặng, thân quen, hồn nhạc của Miên sâu lắng, chơi vơi của thu vàng mấy độ: "Người hỡi, em có nghe lá vàng rơi rơi, em có hay khi mùa thu tới, ta mất nhau một đời..." (*)

Cõi nhạc của Miên pha lẫn tiếng cười hân hoan của đoàn viên cũng như những giọt lệ chia lìa, ly tan, òa vỡ... có khi dồn dập như tiếng sóng réo gọi bờ xa, nhưng cũng có lúc là một cõi vắng im, chỉ còn ta với ta qua ngàn bến bãi: "... Mai tôi đi chắc trời mưa. Tôi chắc trời mưa mau. Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội. Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau." (*)

Ðời nhạc của Miên trải dài qua bốn thập niên tình ca, có cả tuổi thanh xuân của chúng ta trong đó. Nhớ một đêm xưa nào, những ngày đầu quê nhà nhuộm đỏ, bọn sinh viên chúng tôi bị tập trung lại để "Sinh Hoạt Chính Trị Ðại Trà", học tập đường lối, chính sách của "Bác và Ðảng", trong trễ tràng, khuya muộn, chỉ còn lại một nhóm nhỏ, chúng tôi bên nhau thầm lặng, thèm được nghe những tình khúc thương yêu nhắc nhở một thời. Trong bóng tối, bạn tôi, Hà Học Quán cất tiếng: "Paris có gì lạ không em. Mai anh về em có còn ngoan. Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ. Em có tìm anh trong cánh chim..." (*)

Không nhìn thấy mặt nhau, nhưng tôi nghe như có tiếng nức nở. Nỗi khao khát những bản tình ca một thời trùm kín mắt môi. Và chúng tôi, những người tuổi trẻ mất nước, mất tương lai, mất niềm tin, đã ngồi lại với nhau cùng hát tình ca Ngô Thụy Miên để mong tìm lại bóng mình.

"Paris có gì lạ không em. Mai anh về giữa bến sông Seine. Anh về giữa một giòng sông trắng. Là áo sương mù hay áo em..." (*)

Thơ Nguyên Sa chắp cánh vào nhạc Ngô Thụy Miên vút bay như một cánh chim bằng giữa khung trời rộng. Một hòa hợp tuyệt vời trong nghệ thuật nhạc và thơ. Những âm giai lãng mạn , trữ tình thơ mộng đã làm nên đời nhạc của Miên, mà cũng gợi lại một đời tuổi trẻ chúng ta với hàng hàng lớp lớp biến động quanh mình khi quê nhà binh biến, tình ca của Miên đã là những lời an ủi, vỗ về, thì thầm, tình tự, chan chứa khôn nguôi: "Sao chưa gặp một lần, mà nghe tình thật gần. Xin cho được một lần. Gọi tên người thì thầm..." (*)

Cõi nhạc của Miên còn mang dáng dấp kiêu sa, mượt mà của lụa ngà Tôn Nữ: "Rồi từ giọng hát em chợt vút cao, vút cao một trời, một trời. Bài ca thánh đêm vang lên trong ngày dài mệt nhoài một phận đời..." (*)

Ðể rồi đọng lại thành những lời tình thơ của mùa thu muôn thuở: "Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ. Em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương. Và em có nghe khi mùa thu tới, mang ái ân, mang tình yêu tới, em có nghe nghe hồn thu nói mình yêu nhau nhé!... " (*)

Mọi người trong thính phòng đã buông mình, đắm chìm trong tiếng nhạc của Miên, như những ngọn thủy triều lên, đầy bi thương, phẫn nộ, mà cũng êm ái dịu dàng như bước chân nhẹ của người tình trở về từ nghìn trùng.

Cám ơn tiếng nhạc của Miên đã là một nhịp cầu nối kết cho Vân và tôi còn một ngày hội ngộ. (Dù trước đó cũng đã nhiều lần thất lạc, nhưng cuối cùng chúng tôi đã tìm gặp lại nhau). Có thể nào quên những lá thư Vân gửi về khi tôi còn kẹt ở lại bên trời quê hương, luôn luôn mang theo lời khích lệ, với một chút quà nhỏ cho tôi để trang điểm cuộc đời. Có thể nào quên không, bẵng đi một thời gian trốn tìm lạc lối, vì đời cơm áo lưu vong, những năm tháng đầu tiên ở xứ người, tôi cộng tác với Tạp Chí Hồn Việt ở Cali. Vân ghé thăm bố Ðoàn Châu Mậu ở Seattle, đọc được tờ báo có bài tôi viết, tức tốc Vân gửi ngay một thư nhờ tòa soạn chuyển. Tôi tần ngần nhìn lại giòng chữ quen xưa. "Cô Phương, nếu cô đúng là MH - bạn tôi - con gái của Ðại Tá B, thì hãy quan tâm đến lá thư này, còn nếu không phải, cô chỉ là người lấy trùng bút hiệu của bạn tôi, thì hãy quên nó đi…"

Tính Vân vẫn như xưa, trung thực, thẳng thắn, không sợ mất lòng người khác. Và tôi đã đưa tay cho Vân nắm lấy dù thật nghìn trùng. Những lá thư bưu điện tiếp tục viết cho nhau để nối liền hai thành phố Olympia và Minneapolis. Biết tôi phải trở lại trường để làm lại đời mình, Vân gửi cho từ cái khăn quàng đến cái áo lạnh mùa đông. Thương nhau như chị em. Một người bạn nhưng trên cả những người bạn. Tấm lòng Vân vẫn sáng ngời, cao quý. Tháng ngày xứ người như thoi đưa, mệt nhoài, chóng mặt. Vân có một mái ấm phải săn sóc, lo toan. Ðời học trò, những ngày phép ngắn ngủi tôi chỉ có thể riêng dành cho mẹ tôi, những chuyến về Little Saigon, về với một quê hương thu nhỏ. Chúng tôi vẫn không thể gặp được nhau, dù thân thiết vẫn đong đầy từ một tuổi dại khờ đến mấy mươi năm sau làm thân viễn xứ.

Lâu lâu, thấy vắng tin tôi, Vân ới qua email, Nhỏ, mi ra sao rồi, không thấy tăm hơi gì hết? Tôi nói tôi thích cặm cụi viết thư qua bưu điên hơn, có nỗi hồi hộp mong thư, khi nhìn thấy người mail man, những lá thư viết tay bao giờ cũng tràn đầy tình cảm. Vân cười, Thôi đi, cô công nương đời vua Louis thứ 14. Thực tế một chút đi. Email vừa nhanh, vừa tiện, vừa khỏi đi bưu điện, vừa tiết kiệm tiền tem. Click một cái là tới nơi rồi. Ta không biết đến bao giờ mi mới hết ở trên mây.

Có lẽ Vân không hề biết một điều, tôi là chúa mơ mộng nhưng lại vô cùng thực tế, không hề vi vu trên mây như Vân nghĩ đâu. Nói thì nói vậy, chứ bằng cớ sau khi trở lại trường, tôi có rời được cái computer đâu, nên làm sao Vân biết được, ngòi bút tôi cũng đã làm khổ tôi, làm phiền lụy đến nhiều người, lời mắng vốn liên tục gọi về tòa soạn khi có người thấy mình bỗng trùng hợp như những nhân vật trong trí tưởng tượng của tôi.

Chia xẻ niềm vui với tôi trong bữa cơm đoàn viên với người bạn sau hai mươi tám năm xa, bên cạnh tôi có hai bác NV, anh chị Nguyện, anh Duy, và Miên - người cùng đi một đường với bạn tôi suốt hai mươi bốn năm qua. Mọi người đều thích thú trong chiều nhạc thính phòng của Miên. Bác gái tôi nhất định dành phần mời cơm khách, vì bác nói, hai bác yêu thương và xem tôi như con gái của mình. Nhất là bác trai, vẫn mang hình ảnh người cha khuyến khích, nâng đỡ tôi đi trên đường đời đầy gai lửa khi bố tôi không còn nữa. Nên hôm nay là bữa cơm của Bố Mẹ tôi mừng đón người bạn của con gái mình sau nhiều năm xa gặp lại. Tôi xúc động, bỗng nghe môi mình nóng, hồn mình cay.

Vân và tôi mỗi đứa lại còn được hưởng gia tài một hộp quà ô mai gói giấy hoa từ bác gái. Tôi nâng niu, đem về nhà, để đó, ngắm nhìn, chưa thưởng thức, vì bác gái sử dụng độc chiêu điểm huyệt ngay đúng sở thích của nàng.

Anh Duy và tôi đưa Vân và Miên về lại Marriott Residence Inn khi đêm đã vào khuya. Tôi nói với Miên, nhờ anh mà anh em tôi mới có dịp lang thang đến Mall of America này, chứ ở đây biết bao nhiêu lâu rồi, mà chẳng có dịp nào lui tới.

Sương bắt đầu lạnh, trăng mười tám nghiêng dần về phía trời xa. Miên ân cần nhẹ choàng áo khoác cho vợ. Họ quay lưng, đêm Bloomington vẫn ngọt ngào yên tĩnh. Cám ơn mọi tình thân dù đến rồi đi, bởi biết thể nào hơn khi đời sống tôi vẫn mãi hoài là một sân ga, một bến tàu, cho mọi chia ly, cho những lần đưa tiễn.

Có thể nào không Miên tiếng nhạc anh rồi sẽ lại có dịp trở về réo gọi trong một chiều thính phòng khác trên mùa thu xứ tuyết năm sau?

M.H. Hoài Linh Phương
Minneapolis tháng 9, 2003

(*) nhạc Ngô Thụy Miên

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.