Oct 12, 2024

Tùy bút - Bút ký

Ở Một Nơi Không Có Mùa Xuân.
MH Hoài Linh Phương * đăng lúc 03:16:05 PM, May 19, 2010 * Số lần xem: 2266
Hình ảnh
#1

 • Tùy bút mhhoàilinhphương.

Thành phố bắt đầu có những cơn mưa buổi sáng lướt thướt qua buổi chiều, đến nủa khuya nghe từng giọt đều bên khung cửa kính, đánh thức những ngậm ngùi, im khuất, những cách biệt xa khơi. Cơn mưa lặng câm, u uất, tức tưởi, hắt hiu như mắt buồn góa phụ.
Tôi trải hồn tôi trong cơn mưa đầu mùa buổi sớm, tràn ngập nỗi ước ao như chợt nghe thấp thoáng bước chân đâu đó của người tình trở về sau nhiều năm mất dấu, kiếm tìm tuyệt vọng mặn đắng mắt, môi. Mùa mưa từng năm trên những bờ bến cũ..  Con sóng nào đã xóa lấp một lần qua?
Mưa làm kín những ngày. Mưa làm đầy những tối. Chiều Vương Cung Thánh Đưòng, tóc tôi sũng ướt trong hương thuốc Quân ấm nồng quấn quít bờ vai. Quân cầu trời cho cơn mưa dài không dứt, cho chúng tôi được đứng mãi bên nhau để cùng xẻ chia những giọt nước mắt xót xa, những nụ cười hạnh phúc cho một đời vợ chồng gắn bó trăm năm.
Nhưng ngày qua, đêm tới, mưa vẫn ào ào như thác lũ, tôi phùng phình trong chiếc áo mưa anh, chiếc taxi đưa tôi về giữa con đường im lìm, vắng rộng. Anh đội mưa, đứng nhìn theo, bên chiếc Lambretta EE2858 màu trắng, bị ngập nước, đang tắt máy, đưa tay vẫy chào. Bóng anh hút xa trong màn mưa dày đặc, như định mệnh, căn phần đã xếp sẵn cho mọi chia biệt, lìa tan. .
Đời trôi đi trong muôn trùng nghiệt ngã. Anh đã nằm xuống, không mộ phần trong tù nguc đỏ, khi nước mất, nhà tan. Tôi không thể có mặt để tiễn đưa anh bằng những nụ hồng vùi trong đất nên không tin anh đã vĩnh viễn xa tôi, vẫn mãi miết chờ trông một bóng người về, mang hương vị nụ hôn đầu - bông hồng cho tình yêu của ngày mới lớn. Bạn bè thân buông lời cười cợt ngây dại, ngu ngơ. Tôi giả điên, làm một tên khờ, lăng lẽ ngước nhìn biển dâu nhân thế.
Và từng chiều từ Associated Bank trở về, mang theo nụ cười đôn hậu của Helen – người thầy - luôn khuyến khích trên từng bước tôi đi, an ủi tinh thần những khi tôi ngã lòng, thối chí, tôi nghe lòng mình mềm đi trong nước mắt.
Ở quê nhà, mười lăm năm phải ngồi với những con số vô tri,  khóc cười theo nổi trôi vận nước. Không chọn lựa. Và không có quyền chọn lựa. Đã tan ước mơ một thời mới lớn. Đôi lúc, nghe nghẹn ứ trong tim khi nghĩ về tháng năm làm cô sinh viên nhỏø Báo Chí, mộng ước đầy tay, yêu dấu ngập hồn. Nhũng giờ học Mỹ Thuật Báo Chí với thầy Hồ Thành Đức hấp dẫn, nhẹ nhàng. Bạn bè, đứa nào cũng ấp ủ  ước mơ sẽ đuổi theo con đường mình đã chọn. Đắm chìm trong hội họa, nguệch ngoạc, say mê với những tản màu, đường nét của Van Goh, Picasso .. nhỏ Mỹ Trang và tôi, vác cọ xin học nhập môn phòng vẽ của thầy HTD.
Để thực tập Săn Tin, Viết Tin của  giáo sư Mai Hương, mỗi đứa đóng quân ở một tòa soạn khác nhau. Tôi về “ Tiền Tuyến”, và “ Tia Sáng”, cho có không khí Bắc Nam một nhà. Buổi sáng đầu ngày xuống Trung Tâm Dân Vụ nghe phát ngôn viên Chính Phủ và Quân Sự loan những tin mới nhất. Về Bộ Giáo Dục lấy tin thi cử, và đã có lúc chờ chực những phiên tòa ở những nửa khuya, cả bọn ngồi tán gẫu với nhau, rộn ràng như pháo Tết. Những phiên họp Quốc Hội những khi về sáng, và bao chuyến đi tiền tuyến, sau những trận đánh ác liệt, kinh hoàng, mặt trận còn xác người và khét mùi thuốc súng. Hồi hộp, căng thẳng nhưng tràn ngập niềm vui. Bạn bè lại có dịp đi Picnic với nhau để chụp ảnh phóng sự và nghệ thuật với các thầy Nguyễn Ngọc Hạnh và Phạm Văn Mùi để chọn cho mình những tấm hình ưng ý. Kỷ niệm đẹp và êm ái như một bài thơ, cho tôi vẫn bật khóc nấc khi mỗi lần giở từng trang nhìn lại quyển “ Kỹ Thuật Truyền Thông “, mà Ba tôi với lời dấu yêu , gửi gấm hoài bão, đề tặng cho cô con gái đầu lòng: “ Cho Dã Thụy để chuẩn bị cho nghề nghiệp tương lai.” Ba tôi đã ngủ yên trong lòng đất Mẹ sau cơn hồng thủy bạo tàn và những bằng cấp của tôi đã là mớ tàn tro của một quãng đời đá nát, vàng phai, xích xiềng, tù ngục.
Ngay cả sự sống và nỗi chết cũng không phải là của mình, từ mình, thì nói gì đến một nghề nghiệp nào cho đời cơm áo. Đông Nghi, em của nhỏ Tỷ Muội – bạn thân tôi, vẫn lắc đầu hoài: “ Không thể nào tin được, cả hai “ nàng thơ “ sống ở trên mây, đều miệt mài với hàng hàng dãy số mỗi ngày ”. Và tôi, hình như đến mãi bây giờ, vẫn tiếp tục nợ nần những con số vô nghĩa. Có ai bắt buộc được mình đâu ở vùng đất tự do này, những vẫn không thể rời xa những gì mình không hề chọn lựa. Đời chọn ta, ta đâu thể chọn đời. Đời đẩy ta trôi, trôi về biển rộng để một ngày nào khép mắt thiên thu về lại quê nhà, cho hết một kiếp lưu vong, cho xong một đời lưu lạc.
Bởi, biết thế nào là hạnh phúc. Helen – người đàn bà Mỹ đã đến tuổi retired, nhưng không muốn quẩn quanh ở một góc nhà,  vẫn trở lại làm part-time 3, mỗi ngày 6 tiếng. Mắt vẫn tinh anh, ngời sáng, đầu óc minh mẫn dị kỳ khi phải ngồi với những con số. Ngoài công việc thường nhật, Helen được chọn làm trainer cho chúng tôi. Khả năng làm việc và tính tình là một mẫu mực cho tôi thầm kín ước ao vươn tới. Khuôn mặt và phong cách Helen đầy khoan dung và nhân ái. Bà là mẫu điển hình cho một người vợ đảm đang, một bà mẹ chăm chút lo toan cho đàn con nhỏ. Tôi nghĩ, thật diễm phúc biết bao nhiêu khi một ai đó là chồng con của bà. Ước gì tôi có một bà mẹ đỡ đầu như thế, một chỗ tựa nương khi hụt chân vấp ngã, thông cảm, lắng nghe những giải bày phiền muôn, bởi bà mang đủ những đức tính nhẫn nại, hiền hòa, ung dung, dịu dàng của một bà mẹ châu Á.
Nhưng khi biết ra, bà vẫn sống cô độc ở cuối đời. Ly dị chồng đã lâu, và con cái đã thành đạt, sống chia cách như những giòng sông. Tôi nghe trái tim mình thắt lại. Bi thảm tận cùng của đời sống Mỹ. Có nên ngụy biện với mình thà mất tất cả để có tự do, dù là một thứ tự do riêng mình soi bóng?  Cuộc đời bà, cuộc đời tôi, biết nỗi cay đắng nào hơn trong việc kiếm tìm hạnh phúc?..
Mùa hè, đêm thường đến muộn. Tan sở vào khoảng 6g, trời sáng trắng như buổi trưa. Chưa muốn về nhà vào giờ giấc ấy, tôi hay vui chân la cà hàng quán. Ở thành phố quạnh hiu này không phải dễ để tìm thấy một nơi chốn cho mình. Yên tĩnh, riêng tư, tình thân, ấm áp. Không có một quán café nào cho đúng nghĩa. Tôi lại không chịu được những quán ăn, lấy số, xếp hàng như chờ bác sĩ, chen vai, sát cánh, ăn uống nhồm nhoàm, hùng hục như một kẻ thất phu. Rồi để vội vàng đứng lên cho người khác bước vào. Cung cách ấy không bao giờ có tôi dù thức ăn ngon đến mấy.
Vì tò mò, tôi lững thững đi vào một quán ăn Pháp mới mở. “ Tous les garcons et les filles “ vọng ra, cho chân tôi cuống quít, nhớ thuở học trò mài miệt học Mauger. Monsieur và Madame Vincent có cậu con trai Pierre và cô gái Hélène. Một nước Pháp thu nhỏ từ thủ đô Paris kinh thành ánh sáng , đến miền Provence hoa cỏ xanh tươi. Những chiều ở Centre Culturel Francais trên một tầng  cao,  hồn lơ đãng, lang thang bên ngoài khung cửa lớp. Dễ thương như hàng me non mướt lá. Chiều 30, học trò VN tự đông nghỉ học để ăn Tết sớm, thầy Bernard thắc mắc, cô Yvonne dò hỏi, trông tìm.  Trong khi ở thính đường, Minh Hằng, Nguyêt Nhã và tôi chúi đầu vào nhau say mê nhìn Brigitte Bardot nhí nhảnh, hồn nhiên, nhưng đầy gợi cảm trên màn ảnh. Tôi ôm “ Et Dieu créa la femme “ vào trong giấc ngủ ngọt nồng của cô bé 15. Với tôi, có một khung trời ấm êm kỷ niệm về Saigon của cả một thời thiếu nữ. Nghe Sheila hát “ Quand le film est triste “ , nước mắt chỉ chực trào ra theo tình yêu tan vỡ, hay nghêu ngao, nhịp nhàng theo Francoise Hardy : “ Tout l’amour que j’ai pour toi..” cho những lần hò hẹn đón đưa nhau.
Và tôi chiều nay ngỡ ngàng nhìn bông hoa tulip rực vàng trên từng nắp bàn ăn trắng, nến bắt đầu được thắp từng bàn đón chờ đêm xuống, ngày qua..
Chị Ng. - chủ quán, ân cần nhắc về một Yersin, một Domaine de Marie của Dalat thuở nào, những tà áo sinh viên trên lồi đi viền cỏ, Viện Đai Học Dalat ẩn mình trong sương mù, gió núi, thông reo. Tôi nhận ra có đôi chút cảm thông, tương đồng giữa khách và chủ. Bởi tìm đến một nơi chốn đâu phải chỉ để ăn, uống. Tản Đà ngày xưa đã chẳng từng nói về thú ăn uống: món ăn ngon, mà thiếu người tri kỷ, và chỗ ngồi không thong dong thư thái không thể gọi là ngon đó hay sao?
Một chút gì quen thân, gần gũi, bởi ở đây, qua khung cửa kính, tưởng như tôi đã trôi về một Saigon cũ với phố xá thân quen, dập dìu người xe chiều cuối tuần ngập màu áo lính. Aùnh đèn từ đường Nicollet hắt vào lấp lánh tựa nửa vầng trăng. Giọng Christophe vẫn vang vang “ Domino, Domino…..”, khỏe khoắn, ấm nồng như những lời tình yêu dục dã, cho tôi quên hết muộn phiền mệt nhọc của mọi ngày qua.
Tiếng Pháp, nhạc Pháp, phim Pháp.. đã ăn sâu vào hồn tôi từ thuở bé thơ học chương trình Pháp, nên tự nhiên lạc bước đến nơi này, nhìn những tấm tranh thắng cảnh Pháp trên bờ tường đầy dây leo quấn quít, lòng bỗng xúc động bồi hồi. Quán mới Grand Opening nên chưa nhiều người biết đến. Đa số là khách ngoai quốc, ngồi rải rác, vì bàn ghế rất cách xa nhau. Cảm thấy dễ chiu, vì không có tiếng động, tiếng cười nói bên tai, tiếng nhạc êm dịu vừa đủ nghe, đủ để làm một con tàu bềnh bồng đưa tôi quay về một quê hương bỏ lại. Nhớ Quân, nhớ những mùa mưa xưa đã xa, nhớ mọi người đã rời khỏi, mù tăm giữa đời mình.
Mừng rỡ, reo vui như vừa bắt gặp lại một thứ gì dấu yêu từ lâu đánh mất, email cho Đại Huynh, tôi kể muội đã có một chỗ rồi để nhâm nhi nỗi buồn bên từng giọt café đắng, ngôì bên khung cửa kính, nhìn ông đi qua, bà đi lại mà tưởng như đang ở Givral hay La Pagode Saigon. Chừng nào huynh vui bước giang hồ sang xứ tuyết buồn tênh này, hai anh em mình sẽ cùng đi đến đó.
Và tôi, có lẽ là người khách duy nhất quen thuộc lê la đến quán thường xuyên, nhiều lần với gia đình và bạn hữu từ một mùa đông bão tuyết, đến mưa dầm, nắng đỏ hè sang. Một mình hay với tất cả. Có phải tôi vẫn còn một chỗ để tự vỗ về trái tim mình đừng khóc, hãy ngủ yên đi trước những thất vọng, đổi thay của tình đời, lòng người trong nghĩa nhân, đạo lý? Mười tám năm trong cắt ruột lìa nhau, để cuối cùng gặp lại, nghe ngỡ ngàng sao, người vẫn là người, và ta vẫn là ta. Cái “ tưởng chừng “ và “ hình như “ vẫn quá xa sự thật cho mắt môi tôi tủi hổ, im lời...
Ở một nơi nào mùa xuân cỏ cây đâm chồi, nẩy lộc từ tháng hai, thành phố tôi tạm dung, vẫn phải theo đuổi hụt hơi với thời tiết thay đổi nóng, lạnh từng ngày dù đã cuối tháng tư. Bao nhiêu quần áo lạnh tôi đã xếp vào một góc tủ, sau hai ngày thời tiết oi nồng ở 85 độ F, nghe như mùa hè đến sớm. Nhưng trận mưa tuyết cuối mùa vẫn còn đeo đẳng, và còi hụ báo bão rền vang trong hơi gió. Co ro trong màn mưa mù buổi sáng, tôi đã tự hỏi mình, sao mùa xuân vẫn còn cành trơ lạnh buốt, và con phố im lìm thiếu tiếng chim kêu. Mùa đông dài quá, Quân ơi!, kéo dài đến chín tháng hằng năm, và Thụy của anh vẫn nhịp bước mùa đông trong từng nỗi nhớ. Đắng cay, mòn mỏi trong mắt ướt tìm nhau.
Cơn mưa lại đưa bước chân tôi trên lối đi tìm về kỷ niệm. Hoa tulip vàng vẫn nở mượt mà trên từng bàn nơi quán café tôi thường đến ngày vắng, đêm thâu. Tiếng hát vẫn là tiếng hát một thời và nhạc vẫn là nhạc tình muôn thuở: “ La plus belle pour aller danser”, “ Toi jamais”,  “ Encore “, “ Comme toi”, “ Vivre pour toi, mourir pour toi”... tôi đã thương mến, thiết tha, nhưng âm vang dường như nát tan, vụn vỡ. Đôi mắt lạnh lẽo của người con gái ngồi ở quầy và những câu nói xa lạ trên môi hôm nay, cho Mike, tên bạn Mỹ của tôi lắc đầu, kéo tay tôi, cười cưòi:
“ Khách hàng không phải là Thượng Đế ”  như một phương châm các restaurant Mỹ vẫn làm. Và tôi, một ngưòi khách vẫn muôn đời như bao người khách lạ, giữa họ và tôi, cái “ tưởng như “ thân tình vẫn muôn đời lầm lẫn, tôi quay lưng nghe choáng váng, hụt hẫng, chơi vơi, bởi tình cảm nào ngộ nhận chợt đến trong phút giây, rồi dững dưng, rời khỏi như hai kẻ lạ mặt ở một phía đời. Cánh cửa đóng lại sau lưng, như lần cuối cùng bước chân tôi xa rời về một nơi chốn để biết rằng không phải dễ kiếm tìm bến bờ  dừng lại sau nhiều năm tháng lãng du.  Tôi vẫn mãi là kẻ ngớ ngẩn, cuồng điên đi tìm những điều không bao giò thấy nữa ở một nơi này, không có mùa xuân.

M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.