Apr 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

Cali – Mưa Trên Ngày Tháng Cũ...
MH Hoài Linh Phương * đăng lúc 01:11:56 PM, May 18, 2010 * Số lần xem: 2050
Hình ảnh
#1

Tùy Bút M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG

“ Người đi qua đời tôi, trong những chiều đông sầu. Mưa mù lên mấy vai. Gió mù lên mấy trời.Người đi qua đời tôi, hồn lưng miền rét mướt, vàng xưa đầy dấu chân, đen tối vùng lãng quên... Anh đi qua đời em. Không nhớ gì sao anh? “ (1)

Tiếng hát Thái Hiền hồn nhiên một thuở “ Oâng Trăng xuống chơi cây cau thì cau sẽ cho mo...” (2) của năm nào xa lắc, sao đêm nay chợt nghe nồng nàn đến vậy! Hay có phải vì Live Show nên tiếng hát chứa chan, bay lượn, chơi vơi trong nỗi tĩnh mịch của La Mirada Theater – Mưa trên đêm nhạc thính phòng. Hay bởi tôi đã có một chút rượu ấm ban chiều với Cung, trên ngọn đồi nắng gió hắt hiu của vùng Monterey Park, phố thấp, phố cao? Hay tiếng hát đã như tiếng sóng xa khơi vỗ về bước chân tôi quay về căn nhà cũ, với ánh mắt mẹ chờ, với tôi bôn ba quê người nổi trôi trong đời cơm áo?

Chuyến đi bất ngờ, không dự tính. Tôi muốn rời thành phố sáng mưa đá, chiều mưa tuyết này trong tuần lễ Easter, để quên đi một mùa đông dài còn đeo đẳng mãi, giống như những thứ oan khiên còn phủ chụp xuống lận đận đời tôi trong kiếp người lưu vong, xa xứ. Nhưng, Mark – boss của tôi- đã trả lời “ không”, thật busy cho công việc tôi trong thời gian đó. Tôi ngậm kín nỗi buồn, câm lặng nhận chịu, đôi mắt bỗng mở lớn, vô hồn nhìn Mark. Sao bỗng dưng tôi bị giam giữ khổ sai trong một tù ngục bao la như thế này? Không có quyền có một chọn lựa nào khác cho mình. Buổi sáng thức dậy theo tiếng chuông đồng hồ reo dục dã. Mỗi ngày ra khỏi nhà cùng một giờ khắc y hệt như nhau. Vào thang máy phải tất bật cởi ngay áo khoác, để tiết kiệm chút thời gian còn lại ở Ladies Locker Room. Buổi chiều trở về nhà, việc đầu tiên bao giờ cũng là nhấn nút đồng hồ reo cho ngày hôm sau nữa. Một điều thật phũ phàng, cái job quan trọng hơn cả mẹ cha, vợ chồng, người tình, người thương muôn thuở.

Vài ngày sau đó, không hiểu nghĩ gì, Mark gọi tôi, nếu đươc, nên lấy ngày off sớm hơn một tuần trước Easter vì slowdown, vé máy bay lúc này cũng dễ, Mark không muốn tôi bị căng thẳng quá. Thật ra, như tự bao giờ Mark vẫn là một nice boss, thông cảm, hiểu biết, thân thiện. Có thể sự im lặng của tôi đã làm Mark áy náy và tìm mọi cách cho tôi không buồn lòng mà công việc vẫn không bị ảnh hưởng vì sự vắng mặt của tôi. Có lần rãnh rỗi ngồi nói chuyện với nhau, ánh mắt Mark bỗng thật xa khi biết tôi còn một quê hương vời vợi bên kia trời, không thể trở về khi mưa vẫn còn giăng trên màu cờ đỏ, và tro cốt của Bố tôi cũng còn ở đó, một xã hội bất bình thường với đói nghèo, bệnh tật, bất công – thật tương phản với lớp người ăn trên ngồi trước, bạc tiền ngựa xe như thác đổ...

... Sau cơn mưa, phi trường Los Angeles mù sương, loáng nước. Đứa em trai đã chờ sẵn, ôm choàng lấy tôi, không ngờ cuối tuần lại có mặt ở Cali phải không? Nửa khuya rồi, hàng quán Little Saigon không còn ai mở cửa. Hay nếu có còn chăng những hàng quán không nằm trong ý thích của chị đâu. Về nhà ăn hủ tiếu Mỹ Tho đặc biệt mẹ nấu, và đang hâm nóng chờ chị em mình. Nghi nói, khi xe bắt đầu quẹo vào đường Brookurst.

Đêm yên tĩnh như một giòng sông... Muộn khuya , trễ tràng, rời rã. Khi con đường Lincoln hiện ra trước mặt, tôi bắt đầu hình dung ra mùi hương hoa Dạ Lý của mẹ ngọt ngào, chứa chan, trên bờ tường thấp, gợi nhớ những đêm trăng quê nhà ở một thành phố biển, tuổi thơ tôi ngọt lịm trong gió cát quê Ngoại theo bước những đường trăng.

Có những thứ tự dưng biến mất, mà không nằm trong ý niệm của không gian, thời gian biến động thường tình. Như tình tôi với Lữ. Vậy mà cũng có những tháng năm nào quấn quít, tưởng chừng như không bao giờ khuất hút, lìa tan. Khi biết lòng mình đã hết, tôi không còn viết nữa những trang thư.

“ Thôi thì thôi, chỉ là phù vân. Thôi thì thôi nhé chỉ ngần ấy thôi.” (3)

Cũng chẳng còn cần thiết để hỏi thăm nhau qua những đường dây nói. Nhận tin tức Lữ, tôi không mừng. Biết Lữ đang gặp những nỗi bất an, lòng tôi không xôn xao, xúc động.Tôi không muốn đóng kịch giả trá để làm một người lịch sự. Lữ bỗng lạ mặt trong tôi đến độ đôi khi tôi đã tự hỏi, có thật không ngày đó mình cũng đã có một thời thân thiết với kẻ vô tâm. Khi nhận ra Lữ chỉ là một người đàn ông thô bạo, độc đoán, ích kỷ,và thiếu một tấm lòng rộng mở, tôi lặng lẽ bỏ đi, và thu mình lại trong cái vỏ ốc mà tôi đã có sẵn tự bao giờ. Thì ra… đó chính là cuộc đời đó Thụy. Có thức khuya mới biết được đêm dài. Có sống lâu, mới biết đời không dễ gì qua được bến bờ trăm tuổi. Và khi lòng mình không yên ngàn nỗi, tôi biết rõ tôi, chỉ có một chỗ để trở về cho mình tìm thấy lại tuổi thơ xưa: Mẹ tôi – như một tiếng gọi mênh mông của đại dương muôn thuở.

Đêm – Tiếng Hát – Như một lối về cho ta tìm gặp lại ta! Cho ta ngủ yên giấc mơ đời dâu bể. Dàn Nhạc Giao Hưởng: Hội Nghệ Thuật Aâm Nhạc California. Nhạc Trưởng: Thomas Ngô. Tiếng nhạc có lúc bồng bềnh như trôi trên sóng, có lúc dục dã như kèn thúc quân, như tiếng gọi lên đường khi Anh Dũng quặn mình trăn trở trong một bài thơ được phổ nhạc của Hữu Loan:” Aùo anh sứt chỉ đường tà”. Tôi nhìn sang Mẹ tôi, Mẹ say mê thơ Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư … từ một thời tuổi hồng con gái, nên bây giờ hồn mẹ lãng đãng bay theo từng nốt thăng trầm, níu lấy tay tôi, đã thật lâu rồi mẹ mới có một đêm vui như thế. Còn Nghi, chị Thụy này, thi ca qua âm nhạc thính phòng đúng gout của chị quá đi rồi, nhất là có tiếng hát Vũ Khanh “ chuyên trị “ của chị, chắc là chị phải thích lắm.

Nhớ lại, sau khi nghe tôi báo sẽ về thăm mẹ và Nghi, tiếng Nghi reo lên thích thú bên kia đầu dây nói, vậy em phải lấy ngay vé Nhạc Thính Phòng cho chị mới được. Vé được bán từ mấy tuần rồi, nếu cứ lừng khừng sẽ được xếp ngồi ở “ cánh gà chiên bơ “ thì tội nghiệp mẹ biết bao!

“ Đêm về trên bánh xe lăn. Tôi – trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng. Tìm tôi đèn thắp hai hàng. Lạc nhau cuối phố sương quàng cổ cây… Nhớ nghĩa trang xưa – quê hương bạn bè. Nhớ pho tượng lính buồn xe bụi đường…” (4).

Nhạc vẫn là nhạc cũ, những bài tôi yêu thích cất giữ trong ngăn nhạc CD trong phòng riêng.Để là một thứ thuốc ngủ lãng quên đời những lần mở trừng mắt trong đêm nghe gió hú. Như những lời âu yếm, vỗ về trên từng bước gian truân. Nhưng đêm nay, tiếng mưa rơi đều một nhịp, sâu lắng chìm trong tiếng hát vững chải như thông, sừng sững buồn im như núi, và dong ruổi, phiêu du như một cánh chim bằng. Đó tiếng hát Vũ Khanh – đã là một con tàu đưa tôi trở về bến bờ quá khứ lụi tàn, huyệt lạnh nhiều năm. Xưa, Đại Huynh tôi có lần khuyến cáo, khi thấy toàn bộ sưu tập nhạc của tôi, hầu hết là giọng ca Vũ Khanh. Tiểu Muội có biết không Vũ Khanh có một đời riêng rất…lãng bạt, phóng đãng. Ơ, huynh nói gì lạ vậy. Muội chỉ thích một giọng hát như người ta đã ái mộ, quý mến một tài thơ. Sự ngưỡng mộ rất khác xa tình yêu đôi lứa. Tôi chỉ đứng ở một góc thầm lặng nhìn ngắm cám ơn anh đã hát giùm tôi, đã nói giùm tôi, đã thở giùm tôi, những u uất nghẹn lời trong cuộc tình tôi đớn đau, nghiệt ngã. Tôi không có thói quen đi tìm hiểu những riêng tư của các nghệ sĩ tài hoa. Tôi cũng chẳng bao giờ quan tâm đến đời tư của họ. Họ cũng là người, cũng có một trái tim bằng máu đỏ, cũng lãng mạn, đam mê, sao ta buộc họ phải là một thầy tu khi đã là người của đám đông xôn xao chào đón?

Và xa hơn nữa của thuở 15 … Tôi yêu văn NĐT. trên từng trang sách nhỏ. “ Giờ ra chơi “ của các cô học trò mới lớn sao mà ngọt ngào, êm ả, dễ thương. Tôi tưởng chừng như mình cũng là những nhân vật nhí nhảnh, hồn nhiên trong đó – áo lụa tơ vàng lúc nào cũng mang theo những lời chúc tụng, cho có kẻ ngẩn ngơ nhìn rồi làm cái đuôi lẽo đẽo theo sau…

“ Em tan trường về, đuờng mưa nho nhỏ. Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ. Oâm nghiêng tập vở. Tóc dài, tà áo vờn bay…” (5). Và tiếng nói nồng ấm, thì thầm của ông trong chương trình Nhạc Chủ Đề hàng tuần vào mỗi tối thứ năm: Hỡi em yêu dấu, mùa mưa rồi đó em, những cơn mưa Saigon có làm em nhớ tình ta? Hàng me xanh mướt lá sững im, anh biết tìm em nơi đâu trên lối về Vương Cung Thánh Đường ngày cũ….

Ê! Dã Thụy, mi cứ đi yêu cái lão nhà văn, một vợ, năm con, và nghiện thuốc phiện kinh niên ấy đi cho bỏ tội trời hành. Ơ hay, cũng là nhỏ Tỷ Muội. Nó là cái radio Catinat, đi lăng quăng ở đâu, nghe được tin tức gì là bắt đầu phổ biến. Tin của nó nhiều khi là tin đại cồ vịt vì chưa được phối kiểm, chẳng qua vì cái tính

nhiệt tình quá đáng của nó. Mi nghe rõ chưa,ta không yêu lão như cái đám fans ái mộ minh tinh màn bạc, thần thánh hóa họ trong ngưỡng vọng như một người tình. Lão là lão. Và ta là ta. Hay thì khen vậy thôi. Được chưa bà cụ non – phải chờ đến 3 năm nữa mới tròn 20 tuổi?

Và rồi đến lượt Bố tôi, Thụy, con phải xếp xó hết mọi thứ lỉnh kỉnh thơ văn, để còn lo học hành thi cử. Con phải đi đúng con đường Bố đã vạch. Phải có văn bằng và kiến thức khi bước vào đời mai sau…

Tôi phải tạm quên “giấc mộng văn chương “ của mình, để đẹp lòng Bố Mẹ, Nhưng khi những mảnh bằng đã có được trong tay, Bố tôi không kịp nhìn thấy ngày con gái đầu lòng công thành danh toại. Tai ương phủ chụp xuống đời tôi cùng với muôn người khi vận nước điêu linh, nghiêng ngã. Sư tuyệt vọng đến đường cùng tưởng chừng như chỉ còn một lối giải quyết là tự sát, đã cho tôi sống như một người mất trí, ngày không ra ngày, mà đêm chẳng là đêm. Tôi thường lang thang ngang qua những nơi chốn cũ - những tòa soạn tôi vẫn lui tới, vui chơi, viết lách lăng nhăng của tuổi học trò. Làm gì còn có ai ở đó nữa? Những người thân yêu đã đâu đó nằm im trong ngục tối, đã lênh đênh trên đường tìm kiếm tự do…Tôi chỉ còn lại tôi, với tiếng hát lưng trời :

“ Em đi qua cầu. Có gió bay theo. Thổi bùng khăn tang. Trắng giữa khung chiều…” (6)

Nhưng hình như lòng người cũng đổi thay theo đá nát, vàng phai, cơ trời, vận nước. Lưu lạc xứ người tình cờ gặp lại mọi cũ càng xưa, nước mắt ướt tràn mi, môi cười tôi lịm tắt. Vẫn là những người trong họ, nhưng không còn nữa nghĩa kim bằng, bẻ đôi chuyện ngày xưa Đào Viên kết nghĩa. Những Uy, những Ngạc, những Định,những Toàn… Có phải thà là đừng gặp lại để còn giữ mãi trong tôi thuở đời xanh mướt, để còn tự hào ta đã từng có anh em, bè bạn thâm giao…

Một ai đó đã hỏi tôi, sao thơ tôi muộn phiền, rũ rượi và văn tôi nhuốm mùi đắng cay, khinh bạc cuộc đời. Bởi đời đã dạy tôi như thế. Không phụ người, người cũng phụ ta. Thôi hãy cứ làm một người bỏ đi trước để biết rằng ta đã chọn lựa mất mát, ly tan.

Tiếng hát đêm nay bỗng làm tôi nhớ… Nhớ quá thuở 15, 16 tuổi mơ làm phóng viên đi khắp các mặt trận, các chiến trường. Những chiều tan trường về theo lá me bay trên đường Công Lý, nói cho chị Sao Hồng nghe về mộng ước mai sau… Cho đến một ngày tôi gặp Bắc Bình, như nhìn thấy chính cái bóng của tôi, người phóng viên quân đội băng mình trong lửa đạn, tôi ôm chặt lấy chị Sao Hồng kể lể, mừng reo, cuống quít. Đúng rồi, đúng người em chờ rồi, trời đất vẫn thương em, chị Sao Hồng ơi!

Nhưng biết thế nào là hạnh phúc?… Và tôi đã chẳng còn tôi, khi bóng tôi đã tắt, khi người muôn trùng cách biệt thiên thu. Nhưng tình yêu chúng tôi đích thực, nó còn đó hay đã qua đi chứ không bao giờ mất giống như mùa mưa vẫn đến hằng năm trong ngập tràn kỷ niệm.

Chuyến đi thăm mẹ tôi bốn ngày là đã hết ba ngày Cali mưa tầm tã vì ảnh hưởng bão đâu đó. Thành phố buồn hiu vắng vẻ người qua. Có lẽ vì tin tức bệnh Sars được loan truyền trong giới người Việt, bởi họ đi về Việt-Nam thường xuyên giống như Saigon đi Chợ-Lớn. Mà cũng lạ cho dân ta, những đồn đãi sai dường như đã thành một tập quán, không có không đươc. Hễ cứ ghét chợ nào là hê lên chợ đó đang mắc bệnh Sars, báo hại chẳng còn ai dám tới lui mua bán. Giống như lúc trước hễ cứ ghét tên nào là chụp ngay cho hắn cái nón cối và thế là… toàn dân chống Cộng cùng đoàn kết để “ làm thịt “ hắn. Chả trách sao biết bao gia đình sống biệt lập, cách xa cộng đồng người Việt vì họ không muốn phiền hà.

Mẹ tôi cứ phải dặn dò mãi hai chị em - tôi và Nghi - là bệnh Sars đang hoành hành, không được lê la hàng quán. Nhất là tôi – ở mãi hóc bà tó lạnh lẽo thiếu thức ăn Cali, đi đâu, thấy “ đói con mắt “ cũng mua về.

Me biết tôi thích bánh bèo chén tôm chấy Huế, nên tự làm từng ổ bánh nóng hổi cho tôi. Chuyến này mẹ để cho Gia Hội và Hỷ của con ế dài khi con vui chân thăm viếng Cali thì tội họ quá! Mẹ cười bằng mắt . Aên đi con. Xa xôi quá, mẹ không gần các con được để chăm sóc từng món các con yêu thích… Nhiều lúc nghe các con không an lành, lòng mẹ cũng quặn đau…

Sao mẹ lại nói vậy? Chúng con đâu còn nhỏ dại. Đáng lẽ, chúng con phải cận kề bên mẹ mới phải đạo làm con. Nhưng biết đến bao giờ những cách ngăn không còn nữa, gia đình vui trong sum họp, đoàn viên, khi đời sống xứ người không dễ dàng cho mọi đổi dời, toan tính.

Ngay cả điều nhỏ nhất, tôi cũng không ghé đốt được cho chú Hoan nén nhang muộn ở đồi Hồng. Tôi chỉ có bốn ngày phù du, mà đời sống xứ này việc gì cũng phải cuối tuần. Nghi không có thì giờ để đưa tôi đi giờ khắc tôi mong muốn. Tôi đành chịu lỗi với chú, chắc người nằm xuống ỡ Rose Hills đã tìm thấy bình yên ở cỏi vĩnh hằng cũng hiểu cho tôi.

“ Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
Sắc bất ba đào dị nịch nhân “

Tôi không là khách, không ai lưu giữ được mình, nhưng sao cứ muốn ngồi im nhìn mưa lướt thướt trắng mù bên ngoài cửa. Chút mát mẻ ướt át gây se lòng ở những cơn mưa đầu mùa khiến người ta nhớ. Và tôi đã nhớ lại những điều tuyệt vời, những ngọt ngào êm ái đã đến trong đời mình. Những ngày tháng xôn xao ấm áp với những tình thân, với người yêu dấu. Để thấy có một chút hạnh phúc và để nghe lòng nuối tiếc khôn nguôi.Những cơn mưa tầm tã đã cầm chân tôi lại, không thể nào vui bưóc thăm ai, ngoại trừ Cung tình cờ nhìn thấy tôi ở phi trường Los Angeles qua chuyến công tác vội vàng. Cung nằn nì mãi. Thụy, ngày kia anh về lại xứ Cao Nguyên Tình Xanh rồi. Sao Thụy vẫn tránh anh? Không còn một chút gì hết trong lòng em sao? Tôi nói tôi như con cá đã làm quen và sống được trên cạn, bỏ xuống nước cho nó vẫy vùng nó sẽ chết đuối. Thời gian phủ lấp nhiều thứ quá. Khi phải tập quen với khổ đau, chính là lúc hồn tôi cũng đã phôi phai với hương hoa còn thoảng lại ở một đoạn đời. Nhưng cuối cùng… chúng tôi cũng đã gặp lại nhau. Trên một ngọn đồi. Trong một buổi chiều nắng quái. Cung – bên kia trời Tây Bắcù - cũng là một “ Giờ Ra Chơi “ của tôi một thời mới lớn. Thấy tôi vẫn e dè, ngần ngại, Cung kêu lên, Trời ơi sao Thụy chẳng khác xưa một chút nào hết, vẫn hoài mãi trong cái tháp ngà của mình. Tôi lắc đầu. Không phải vậy đâu anh. Tại Thụy vẫn là con Oác Hương khép mình trong tầng vỏ dày, nằm im nghe sóng vỗ. Bao nhiêu năm rồi, anh vẫn chỉ hỏi tôi có một điều ngày đó tôi có yêu anh không mà giờ ra chơi của chúng tôi đã vội vàng chấm dứt, cho mỗi người phiêu bạt một phương. Biết trả lời thế nào để mãi đẹp lòng nhau, khi ngày xưa không là của nhau và mấy mươi năm sau, cũng là mỗi đời riêng lẻ. Tôi giống như một người đi lạc xuống cỏi trần ai này, mãi tìm kiếm một điều gì, một người nào đó đã mất hút, và Cung đã bắt gặp, đã giữ tôi lại, đã không muốn tôi mãi ngơ ngác đi tìm những gì tôi đã không còn tìm thấy nữa. Tôi nhận ra rất rõ lòng mình, tôi không hề yêu Cung. Cung chưa bao giờ có trong hồi tưởng dù ngày vắng đêm thâu. Không chút vấn vương. Không nghe nao lòng, xao xuyến. Còn xa lắm để nói chuyện tình yêu của Cung và tôi, bởi hồn tôi chỉ có một Khôi An, cánh chim đại bàng đã gãy trong vòm trời quê hương bão bùng, giông tố.

Cali - những ngày ngắn ngủi trong vòng tay yêu thương của mẹ, tôi đã nghe lòng ấm áp dường bao. Tôi quên hết những lặn hụp, bon chen trong cảnh đời gian trá. Tôi biết mỉm cười tha thứ những kẻ đã dối gian tôi. Nhũng mánh khoé, điêu ngoa, những lọc lừa, bội phản. Bởi có nghĩa gì đâu … chút tạm bợ mượn vay trong kiếp sống lưu đày?

Tôi nhìn lại đời tôi trên từng hàng mưa lũ…... Tôi gọi tên Bắc Bình ngậm ngùi trong tưởng vọng xót xa... Bao giờ cho tôi quên, khi mùa mưa vẫn đến từng năm trong chứa chan kỷ niệm. Tiếng hát nào khàn đục “ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau” (7) cho tôi bật khóc nghẹn ngào trên từng âm thanh vỡ...

Minneapolis tháng 5/03.

M.H.HOÀi-LINH-PHƯƠNG

(1) & (4) Nhạc Phạm Đình Chương.
(2) (3) (5) Nhạc Phạm Duy.
(6) & (7) Nhạc Trịnh Công Sơn

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.