Apr 18, 2024

Biên khảo

Le Huy Oanh - Ðọc Lại Chơi Giữa Mùa Trăng của Hàn Mặc Tử
Hàn Mặc Tử (1912 -1940) * đăng lúc 08:04:00 AM, Jun 27, 2008 * Số lần xem: 2653
Đọc lại "Chơi giữa mùa trăng" của Hàn Mặc Tử

Tác giả: Lê Huy Oanh

Những tác phẩm quan yếu của Hàn Mặc Tử gồm có: Gái Quê, Đau Thương, Xuân Như Ý, Thượng Thanh Khí, Chơi Giữa Mùa Trăng, Duyên Kỳ Ngộ, Cẩm Châu Duyên. Tất cả đều là thơ: phần lớn có vần và một ít thơ xuôi. Những tác phẩm này vẫn còn một số lớn chưa được xuất bản. Những sách đã in rồi của Hàn Mặc Tử hình như cho tới nay mới chỉ có 3 tập: a/ Gái Quê, thơ, 1936. b/ Thơ Hàn Mặc Tử, thơ, do nhà Đông Phương ấn hành lần đầu 1942, nhà Tân Việt tái bản 1959. Đây có thể coi như một tuyển tập thơ của Hàn, rút từ các sách đã in và chưa in như Thơ đường Luật. Gái Quê, Đau Thương, Xuân Như Ý. c/ Chơi Giữa Mùa Trăng, do nhà Ngày Mới in lần 1 vào năm 1941. Nhà An Tiêm tái bản 1969. Đây là một tuyển tập các bài thơ xuôi và tạp văn của Hàn.
Cuốn Chơi Giữa Mùa Trăng gồm có 10 bài:
- Các bài Chơi Giữa Mùa Trăng (trang 10) (*) Mùa Thu Đã Tới (trang 21), Kêu Gọi (trang 27), Khao Khát (trang 43), Tình (trang 47). La Pureté de I’ame có kèm bản dịch Việt ngữ của chính Hàn (trang 65 và 71) đều có thể được coi mhư mhững bài tuỳ bút được viết theo thể văn xuôi thi vị hoá (tương tự như thơ xuôi).
- Hai bài “Thơ” (trang 54) và “Ra Đời” (trang 59) thuộc thể thơ xuôi thuần tuý.
- Hai bài “Quan Niệm Thơ” (trang 33) và “Chiêm Bao Với Sự Thực” có tính chất nghị luận.
- Chúng ta hãy lần lượt xét từng bài trong tập sách.
BÀI 1 : CHƠI GIỮA MÙA TRĂNG
Trong các bài thơ của ông, Hàn Mặc Tử rất hay nói với trăng. Vì sao ông đã bị trăng ám ảnh mãnh liệt như thế? Có người viện lý lý cho rằng trong trường hợp người mắc bịnh cùi, trăng càng sáng tỏ thể xác và tâm hồn họ càng bị náo động, bởi thế mà họ bị trăng ám ảnh. Riêng tôi, tôi không tin cái lý do y học đó là xác thực. Theo ý tôi, sở dĩ Hàn Mặc Tử hay nói đến trăng là vì ông rất ưa thích trăng. Sự ưa thích đó vốn có lý do của nó : ánh trăng thường tạo ra cảnh vật một vẻ mơ hồ huyền ảo rất hợp với tâm hồn ông. Hàn Mặc Tử là người ưa sống trong cảnh mộng, và ánh trăng thường hiến cho ông những cảnh mộng tuyệt vời. Trong rất nhiều bài thơ của ông ỉư tập Thơ Hàn Mặc Tử, ông đã nói tới trăng hoặc nhiều hoặc ít. Nhìn sang tập tập Chơi Gữa Mùa Trăng, bài đầu tiên, với cái nhan đề được dùng làm nhan đề chung cho cuốn sách, là một bài tràn ngập ánh trăng. Thiết tưởng chưa cần đọc nội dung bài đó, mới chỉ đọc cái nhan đề người ta đã thấy ánh trăng bao la, chứa chan ở đó rồi.
Trăng trong bài này là trăng mùa thu, nói rõ hơn nữa, trăng rằm mùa thu. Trăng lan toả trên mặt sông biến dòng sông thành một “đường trăng trải chiếu vàng”. Hai bên bờ sông cực kì êm ả với những động các và rừng xanh. Nhà thơ của chúng ta bơi thuỳen trên sông trăng. Không phải chỉ có một mình chàng, trên thuyền còn có một người nữa: chị chàng. Hai chị em bơi thuyền đi “Chơi Giữa Mùa Trăng”. Các bạn còn đợi gì, không kiếm lấy một chiếc thuyền con bơi theo họ. Đêm trăng trên sông có những gì? Trước hết là ánh trăng, dĩ nhiên, một thứ ánh sáng toả ra thật rộng. Rồi đến hương thơm mà gió thu mang tới; “một thứ mùi gì ngào ngạt như mùi băng phiến; trong ấy biết đâu lại không phảng phất những tiếng kêu rên của thương nhớ xa xưa...”.Sau nữa là cái vẻ huyền ảo tựa như trong chiêm bao:
“Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngờ là đi trong vũng chiêm bao, và say sưa, và ngây ngất vì ánh sáng, hai chị em như đê mê không còn biết có mình và nhận mình là ai nữa. Huyền ảo khởi sự. Mỗi phút trăng lên mỗi cao, khí hậu cũng tăng sức ôn hoà lên mấy độ, và trí tuệ, và mộng, và thơ, và nước, và thuyền dâng lên, đồng dâng lên như khói... Ở thượng tần không khí, sông Ngân Hà trinh bạch đương đắm chìm các ngôi sao đi lạc đường. Chị tôi bỗng reo to lên: “Đã gần tới sông Ngân rồi! Chèo mau lên em! Ta cho thuyền đậu ở bến Hàn Giang!”
Đi trong thuyền chúng tôi có cái cảm tưởng lý thú là đương chở một thuyền hào quang, một thuyền châu ngọc, vì luôn luôn có những vì tinh tú hình như rơi rụng xuống thuyền...”
( trang 11,12)
Chúng ta không biết rõ quả thật hai chị em Nguyễn Trọng Trí có từng chèo thuyền đi chơi sông trăng bao giờ hay không. Dầu có thật hay không thì chúng ta cũng vẫn thấy rõ ràng Hàn Mặc Tử đã vận dụng trí tưởng tượng để tạo dựng (hoặc tô diểm) cuộc “Chơi Giữa Mùa Trăng” đó thành một biểu tượng. sự huyền ảo tinh khiết của cảnh đó tượng trưng cho cõi Mộng của tác giả, bởi đối với Hàn Mặc Tử chỉ trong cõi mộng, chàng mới thấy mình lâng lâng vui sướng.
“ Sao đêm nay kiều diễm như bức tranh linh động thế này? Tôi muốn hỏi chị tôi có thấy ngọt ngào trong cổ họng như vừa uống xong một ngụm nước lạnh, mát đến tê hết cả lưỡi và cả răng? Chị tôi làm thinh - mà từng lá trăng rơi trên xiêm áo như những mảnh nhạc vàng...”
( trang 13,14)
Trong tâm trí Hàn Mặc Tử, thường có hai điều tượng trưng cho sự thanh khiết : đó là ánh trăng và thánh nữ đồng trinh Maria. Trong Chơi Giữa Mùa Trăng , Hàn Mặc Tử đã kết hợp hai sự tinh khiết đó lại với nhau:
“ Bây giờ chúng tôi đang ở mùa trăng, mở mắt cũng không thấy rõ đâu là chín phương trời, mười phương phật nữa. Cả không gian đều chập chờn những màu sắc phiếu diểu đến nỗi đôi đồng tử của chị tôi và tôi lờ đi vì chói lói... Ở chỗ nào cũng có trăng, có ánh sáng cả, tưởng chừng như bầu thế giới chở chúng tôi cũng đang ngập lụt trong trăng và đang trôi nổi bình bồng đến một địa cầu nào khác.
Ánh trăng tràn trề, ánh trăng tràn lan, chị tôi và tôi đều ngả vạt áo ra bọc lấy, như bọc lấy đồ châu báu...
Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức bà Maria là bậc tinh truyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng quỳ lạy mong ơn bào chữa. Nhưng trời ơi, sao đêm nay chị tôi đẹo đẽ đến thế này. Nước da của chị tôi đã trắng, mà vận áo quần bằng hàng trắng nữa, trông thanh sạch quá đi.
Tôi nắm tay chị tôi gật lia lịa và hỏi một câu tức cười làm sao: “ Có phải chị không hở chị ?” Tôi run run khi tôi có cái ý nghĩ: Chị tôi là một nàng Ngọc Nữ, một hồn ma, hay một yêu tinh. Nhưng tôi lại phì cười và vội reo lên “A ha, chị Lễ ơi, chị là trăng mà em đây cũng là trăng nữa”.
( trang 15,16)
Bài Chơi Giữa Mùa trăng chứa đựng một trong những nguồn tư tưởng thiết yếu của hàn Mặc Tử, thứ tư tưởng trong sạch thánh thiện được biểu dương bằng ánh trăng vàng. Nó còn bày tỏ cái tư tưởng siêu thoát của Hàn Mặc tử, kẻ vốn muốn xa lánh những cảnh ô trọc, trầm luân của cuộc sống thực tế, nên thường hay tạo cho mình những cõi Mộng riêng để mà ẩn náu trong đó.
Chơi Giữa Mùa trăng là một bài văn loại thơ xuôi rất đặc sắc, cả về nội dung lẫn hình thức.
Bài 2 và bài 3 : “ MÙA THU ĐÃ TỚI” và “ KÊU GỌI”
Hai bài này cũng là thứ tuỳ bút viết bằng thứ văn xuôi thi vị hoá. Các ý tưởng được phát biểu trong bài rất rời rạc mơ hồ, đôi khi nghe như những lời mê sảng. Có ba ý tưởng đáng kể liên hệ tới hạnh phúc, tài hoa, và những phút vui vô giá.
Nói tới hạnh phúc, Hàn Mặc Tử viết:
“ Tận hưởng cái thú vị của hạnh phúc trong một phút đê mê, nghĩa là đã sống đầy đủ vậy. – Hãy cầu nguyện với vì Ác tình xuống hoạ cho người để nghe rõ tiến kêu thương, vì hạnh phúc nằm trong đau khổ”
( trang 21)
Bàn về tài hoa, Hàn Mặc Tử hạ bút:
“ Nhà nghệ sĩ bao giờ cũng điên. Tài năng thì có giới hạn. Dám đem tài mọn làm rộn nước mây. Sẽ bị mạng trời đánh ngã.- Than ôi !tài hoa là một điều tai hại”
(trang 22 – 23)
Sang bài Kêu Gọi, tác giả tuyên bố : “Lòng ta hừng hực mỗi khi nắng hanh lên. Ấy là dấu hiệu mùa thơ đã chín.” Nhân đó, ông kêu gọi : “Gặt hái cho mau, kéo ngọn thơ càng cao, người thợ càng điên dại. Nàng ơi, hãy mượn lưỡi liềm của trăng non mà hái, xin đừng dẫm lên bờ lòng ta.”
( trang 28)
Theo ý của riêng tôi, bài Mùa Thu Đã Tới cũng như bài Kêu Gọi không có gì đặc sắc. Chúng ta nhận ra những điều này: Ngưới ta vừa mới có được một bài tuyệt hay như Chơi Giữa Mùa Trăng, liền ngay đó lại có những bài rất thường. Nhưng có hề chi, cái tầm thường của hai bài sau càng làm tăng thêm vẻ đặc sắc của bài trước.
BÀI 4 : QUAN NIỆM THƠ .
Đây là một bài nghị luận mà Hàn Mặc Tử đã viết gửi cho Trọng Miên để giãi bày vài điều quan trọng trong đường lối sáng tạo của ông, bằng cách so sánh, về vài điểm, thơ ông với thơ Baudelaire.
Trước hết chúng ta nên biết qua về Baudelaire. Ông này là thi sĩ lớn của Pháp thế kỉ 19, được coi như cây cầu nối giữa hai thế giới thi ca Cũ và Mới. Ông là tác giả thi phẩm Les Fleusr du mal. một thi phẩm đã phát biểu một cách can đảm, táo bạo tất cả mọi khía cạnh tốt xấu của tâm trạng con người .
Hàn Mặc Tử cho rằng thơ ông và thơ Baudelaire có điểm đồng và điểm dị: theo nhận định của Hàn, Hàn giồng Baudelaireowr chỗ ông “đã phát tiết hết tinh lực của hồn, của máu, bằng những câu thơ ngất đi vì khoái lạc”.Nhưng chính trong cái đồng đó lại có vài điểm khác biệt. Bởi vì, theo ý Hàn Mặc tử , Baudelaire đã hiểu lộn tình cảm – hay cảm hứng (enthousiasme)-vớI dục tình (passion). Dĩ nhiên, khi Hàn Mặc Tử bảo Baudelaire là hiểu lầm, tức thị Hàn có ý tự coi mình mới là “hiểu đúng”. Đúng ở chỗ phân biệt rõ trắng đen “tình cảm” với “dục tình’. Hàn viết: “Tình cảm là sự thanh bạch hồn nhiên, không có một thú gì bợn nhơ, tội lỗi, còn dục tình là cả một sự ham muốn phi thường ngoài điều răn của Đức “ Chúa Trời”. ( trang 34)
Có một lúc, khi bàn về trách vụ của nhà thơ, Hàn Mặc Tử đã lập luận một cách rất duy tâm và khá giàu tưởng tượng nhe thế này:
“Đức Chúa Trời tạo ra trăng, hoa, nhạc hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ màu nhiệm, phép tắc của đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là “ thiên thần và loài ngườI ta”, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng : phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của người, và trút vào linh hồn người ta, những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho tinh sạch”.
( trang 34,35)
Lập luận của Hàn có đúng hay không, cái đó còn tuỳ theo hạng người đọc. Nếu bạn là người cũng có đầu óc duy thần hạng nặng như Hàn thì có thể bạn sẽ coi lập luận đó là hữu lý.
Có điều, lập luận đó giúp chúng ta phân biệt được hai quan niệm sáng tác (và cũng là quan niệm sống) của Baudelaire và Hàn Mặc Tử. Baudelaire chỉ lưu ý tìm kiếm cái đẹp mà bất cần quan tâm cái Đẹp đó phát nguyên từ Thượng đế hay từ quỷ Sa- tăng. Còn hàn Mặc Tử là một người sùng đạo Thiên Chúa nên cho rằng trong vũ trụ này chỉ có Thượng Đế là nguồn phát sinh cái Đẹp mà thôi, điều gì trái với quy luật của Thượng Đế đều không còn phải là cái Đẹp.
Lý luận đó của Hàn Mặc Tử có đặc vẻ chủ quan của một tín đồ đạo giáo; Tuy nhiên, khi ông bàn tới cái “định mệnh tàn khốc” của một thi sĩ, giọng ông có vẻ phổ quát hơn:
“Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ của thế gian này, - nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời- Người (1) bắt chúng ta phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình”.
( trang 35)
Ở đoạn cuối bài Quan Niệm Thơ, Hàn Mặc Tử có viện dẫn câu sau đây của Baudelaire:La poésie ne peut pas pêin de mort ou de décheance, s’assimiles à la sciênc ou à la morale. Elle n’a pas la vếit pour objet, elle n’a qu’elle même (2) rồi ông đả khích Baudelaire bằng những lời như sau:
“ Baudelaire nói trái nghịch vớI lẽ tự nhiên. Sở dĩ thơ văn được phong phú dồI dào, phát triển hết cả anh hoa huyền bí, và vượt lên trên những tầng biên giới tân kỳ mới cũng nhờ khoa học điểm chuyết cả. Còn luân lý là, tiêu chuẩn cho văn thơ, không có nó thì thơ văn chẳng có ra cái mùi mẫn gì nữa. Nếu để thơ trơ trọi một mình, thơ sẽ lạt lẽo vô duyên, không có phong vị gì nữa. Baudelairethuoocj về phái vô thần, nên không tin có chân lý, không nhận chân lý là tiêu chuẩn cho văn thơ. Còn Trí phải lấy Đức Chúa Trời làm Chân Lý, làm tiêu chuẩn chi văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có”.
( trang 39,40)
Lại thêm một lần nữa, người ta lại được nghe cái luận điệu say sưa hăng hái đầy chủ quan của tín đồ Hàn Mặc Tử trong việc hiển dương Đức Chúa Trời.
Bài 5 và bài 6 : “KHAO KHÁT” và “ TÌNH”.
Đây lại là hai bài tuỳ bút bằng văn xuôi thi vị hoá. Bài trên bày tỏ nỗi thèm khát của tác giả đối với “ Mỹ vị của nguồn đạo ngày xưa”. Có lẽ đây là một nỗi thèm khát hoài hoài không bao giờ thỏa mãn được.
Bài dưới nói tới tình, về ảnh hưởng của những tình cảm, tình hoài đối với tác giả. Tình toát ra từ khắp nơi, ở nội giới cũng như ngoại giới con người tác giả. Nhưng cuối cùng tác giả kết luận:
“Tôi làm mất tình rồi, chừ tôi đang kiếm đây. Không biết những tiếng hát đầu mùa có gặp cùng chăng?
Thôi thôi! Đã có cô vãi non nào chận bắt tình tôi, đem về chùa đốt ra khói hương thơm”.
(trang 48,49)
Theo ý tôi, hai bài thơ này tầm thường, không có gì đặc sắc.
Bài 7 và bài 8 : “THƠ” và “RA ĐỜI”.
Bài “Thơ” là bài mà hàn Mặc Tử đã viết làm bài “Tựa” cho tập thơ Đau thương của ông. Trọng Miên đã tuyển chọn nó vào tập Chơi Giữa Muà Trăng (1941) rồi lại dùnmg nó như một bài mở đầu cho tập tuyển thơ Hàn Mặc Tử (1942). Trong thơ Hàn mặc Tử, cái nhan đề “Thơ” của bài ấy đã bị loại bỏ.
Còn bài “Ra Đời” đã được Hàn mặc Tử viết sau lễ Giáng Sinh 1939, tại Quy Nhơn, vào một ngày mà chính thi nhân cho là “rất say, rất dại và rất nhớ, rất thương”. Bài này, ngoài sự được in trong Chơi Giữa Muà Trăng còn được tuyển lựa in vào tập Thơ Hàn Mặc Tử thành bài đề tựa cho Mục Xuân Như Ý. Bài một nói về thơ bằng một ngôn ngữ rất thơ. Khi nói tới cơn đau sáng tạo của mình, nhà thơ viết :
“Tôi làm thơ?
- Nghĩa là tôi yếu đưối quá ! Tôi bị cám dỗ, tôi phản lại tất cả những gì mà lòng tôi, máu tôi, hồn tôi đều hết sức bí mật.
Và cũng nghĩa là tôi đã mất trí, tôi phát điên.
Nàng đánh tôi đau quá, tôi bật ra tiếng khóc, tiếng gào, tiếng rú. Có ai ngăn cản được tiếng lòng tôi !
Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn. Tôpi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống...”
(trang 55,56)
Chính nhà thơ hiểu rằng những cơn đau sáng tạo như thế vốn là một cái gì quý giá, bởi nó có công dụng thúc đẩy nhà thơ tạo ra trong thơ những sắc thái mới lạ có khả năng gây những rung động chưa từng thấy. Vì thế, ông viết :
“Thôi mời cô cứ vào ...
Ánh sáng lạ trong thơ tôi sẽ làm cho gò má cô đỏ gấc. Và một khi cô đã vào là cô sẽ lạc, vì vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa là càng ớn lạnh”.
( trang 56 )
Bài Ra Đời nói tới cái vẻ giàu sang phong phú của thơ khi thơ có Đức Chúa trời ngự bên trong, khi thơ được dùng để xưng tụng Đức Tin Thiên Chúa Giáo. Trong bài “Ra đời”, Hàn Mặc Tử có viết :
“Cho mau lên! Dồn ánh nguyệt vào đây... Lời thơ ta sẽ sáng trưng như thất bảo. Tình cảm ta sẽ nóng ran như mặt trời. Ý tứ ta sẽ cao cường hơn ngọn núi.
Lạy Chúa Trời tôi! Hãy ban cho tôi hằng hà sa số là ơn lành ơn cả... Thơ tôi sẽ rất no, rất ớn, rất nư, trọng vọng như tài hoa, cao sang như nhân đức, chói chan vô vàn phước lộc...”
(trang 59)
Đối với Hàn Mặc Tử, trăng có thể biểu dương cho đủ thứ : là tuyệt vọng, là vui sướng, là đau khổ, là bình yên, là điên loạn... Ở mấu câu thơ trên, chắc hẳn ánh nguyệt biểu dương cho tinh thần và đức tin Thiên Chúa Giáo. Cho mau lên dồn ánh nguyệt vào đây... Cho mau lên dồn đức tín vào đây... Lời thơ ta sẽ sáng trưng như thất bảo...
Hai bài “Thơ” và “Ra đời” là hai bài “Tựa” mà cũng là hai bài thơ xuôi thật hay và đặc sắc.
Bài 9 : “LA PURETÉ DE L’ÂME”.
` Bài thơ văn xuôi này là một thứ kinh cầu nguyện đã được Hàn Mặc Tử sáng tác bằng Pháp ngữ vào thời gian ông nằm trên giượng bệnh và sắp chết tại nhà thương Quy Hoà. Như mọi người đều biết, thi sĩ Hàn Mặc Tử vốn là một tín đồ Thiên Chúa Giáo (tên thánh của ông là Phan-xi-cô) rất ngoan đạo. Những khi quá đau khổ, ông thương tìm sự an ủi của Chúa Jésus và Đức Mẹ Đồng trinh Maria. Những bài thơ có nhiều sắc tôn giáo của ông như Đêm Xuân Cầu Nguyện hoặc Thánh Nữ Đồng Trinh Maria (bài này còn có tên là Ave Maria- Kính mừng Maria) đều là những bài thơ đạo tuyệt hay của nhân loại.
Khi biết mình sắp chết, lòng sốt mến của ông đối với Chúa càng mãnh liệt hơn bao giờ hết. Sự sốt mến đó đã khiến ông, trên giường bệnh, viết bài La Pureté de I’âme (Linh hồn thanh khiết). Trong bài thơ này tác giả có 3 điều chính yếu để ca ngợi : Trước hết là ca ngợi công trình thần bí tuyệt diệu của đấng tối cao, thứ đến ca ngợi các bà xơ dòng thánh Phan-xi-cô, là nnhững người đã hy sinh thân mình để chăm sóc cho các bệnh nhân cùi ở bệnh viện Quy Hòa, và cuối cùng ca ngợi sự thanh khiết trong linh hồn.
Điểm thứ ba có một phần liên quan mật thiết đến điểm thứ nhì, bởi ngoài nỗi ước ao (một cách mặc nhiên) cho chính mình có được một tâm hồn thanh khiết, ông còn đã ca ngợi sự thanh khiết tuyệt vời của tâm hồn các bà xơ. Ông viết :
“Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong nguyên vẹn, nguồn tươi, ánh sáng, thơ vì tất cả đấy là hình tượng của LINH HỒN THANH KHIẾT”.
(trang 72,73)
Bài Linh Hồn Thanh Khiết là một bài thơ xuôi tuyệt đẹp, rất nồng thắm, rất thiết tha, và chính cái giộng say mê nồng nàn đó đã chứng tỏ Hàn Mặc Tử đã viết bài ấy trong một lúc xuất thần, cái lúc mà ông chiêm nghiệm thấy rõ rằng sự đẹp đẽ nhất của trần thế này chính là sự thanh khiết của linh hồn con người, sự thanh khiết được hun đúc bằng tinh thần Thiên Chúa Giáo.
Bài 10 : “CHIÊM BAO VỚI SỰ THỰC”.
Đây là một bài nghị luận vừa có vẻ rất thơ, lại có tính cách triết lý. Từ trước đến nay, người ta thường hay phân biệt chiêm bao và sự thực. Là một thi sĩ có nhiều siêu cảm tính, Hàn Mặc Tử thường hay sa vào trạng thái tương tư như chiêm bao, và khi tỉnh lại ông đã phân vân tự hỏi chẳng biết cái trạng thái mà ông vừa sa vào đó là sự thực hay là chiêm bao ? Ông viết :
“Ngoại cảnh đả xâm lấn xác thịt và linh hồn tôi. Bao nhiêu là tinh anh của non sông đều xông vào tôi, rút hết tình tiết của tôi. Tôi có thể bảo đây là một lốI thần giao cách cảm, mà ngoại cảnh hay thâm tâm đều xáo động, bởi dây khoái lạc vô ngần. Và có thể say mê đến điên dại, bắt chước Lý Bạch đại la tiên vồ trăng trên mặt nước.
Từ thực sự đi tới bào ảnh, từ bào ảnh đi tới huyền diệu, từ huyền diệu đi tớI chiêm bao. Mông lung đã trùm lên sự vật và cõi thực bị ánh sáng của chiêm bao vây riết...
Bây giờ tôi đố tôi thử có nhận được tính cách của giây phút này không, và tôi ở trong cảnh thực hay là đương bị hãm giữa trùng vây của chiêm bao?”
(trang 79,80)
Ông hồ nghi như vậy, nhưng rồi ông không tin rằng đó là chiêm bao. Đối với ông, chiêm bao và sự thực quá gần gũi với nhau đến độ không thể phân biệt chúng được, và vì không phân biệt chúng được, nên chúng chỉ là một.Chúng ta cũng có quyền tin rằng, riêng đối với Hàn Mặc Tử, sự thực cũng là chiêm bao, ngược lại, chiêm bao cũng chỉ là sự thực.Nếu không thế thì tại sao ngay cả những lúc ông có vẻ mê sảng nhất, những lúc ông thoát tục nhất, lời thơ của ông lại tinh khôi, rõ ràng, cả quyết đến như vật được chứ ? Hãy mở những bài thơ cực kỳ huyền ảo của ông, huyền ảo còn hơn cả chiêm bao, như Chơi Giữa Mùa Trăng hay Ra Đời trong sách này, hoặc những bài thơ có vần như Những Giọt Lệ, Đàn Ngọc, Cô Liêu, Đêm Xuân Cầu Nguyện, sáng láng, Thánh Nữ Đồng Trinh Maria... trong tập thơ Hàn Mặc Tử chúng ta sẽ thấy rằng càng huyền ảo chừng nào, những ý tưởng của ông càng có vẻ xác thực và minh triết.
Cho nên, trong thơ Hàn Mặc Tử, cũng như trong thơ của một số thi sĩ khác cùng loại với ông như Bích Khê, Gérard de Nerval, Holderlin... người ta không thể nào phân biệt được sự thực với chiêm bao. Cũng như chính xác tác giả đó cũng đã không thể nào phân biệt được sự thực với chiêm bao.

Tóm lại, đọc xong tập thơ Chơi Giữa Mùa Trăng của Hàn Mặc Tử, người ta nhận thấy vài hiện tượng nổi bật như sau:
- Trong các tác phẩm của Hàn Mặc Tử - cũng như của Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Chế Lan Viên- người ta nhiều khi đã không còn có thể phân biệt được thơ và văn xuôi. Hầu hết những áng văn xuôi của họ, ngay cả những bài có tính chất nghị luận, cũng đều chứa chan hương vị thơ. Hàn Mặc Tử là một trong những thi sĩ đã có công lớn trong việc truyền bá và hiển dương lối thơ xuôi tại xứ ta.
Trong tập thơ Chơi Giữa Mùa Trăng có một số bài thật hay, thật đặc sắc, nhưng cũng có không ít những bài tầm thường không có gì đáng kể. Những bài như Chơi Giữa Mùa Trăng, Quan Niệm Thơ, thơ, Ra Đời, La Pureté de l’âme, Chiêm Bao Và Sự Thực lá những áng văn rất đặc sắc về phương diện nghệ thuật, hoặc về phương diện tư tưởng, hoặc gồm cả hai phương diện; Còn những bài như Mùa Thu Đã Tới, Kêu Gọi, Khao Khát, Tình, nghe thường trống rỗng, nhạt nhẽo không có gì hấp dẫn.
Điều này không có gì lạ cả.
Những bài cực hay nằm lẫn với những bài tầm thường, đó là hiện tượng thông thường trong bất cứ thi tập nào của bất cứ thiên tài nào, tự cổ chí kim, tự đông sang Tây.
Dầu sao, Chơi Giữa Mùa Trăng cũng là một tập sách quan trọng mà bất cứ ai yêu thơ, yêu tư tưởng của Hàn Mặc Tử, hoặc muốn để tâm nghiên cứu về cuộc sống và thi nghiệp của thi sĩ đó, đều không nên bỏ qua.

(Văn học.- 1974.- Số 181.- Tr. 51 - 61 (2.272); KHPL: BĐ.04(91))

(1) Người: Thượng Đế (LHO). Câu này có nghĩa là : “Dù có bị sự tử hình hoặc sự truất quyền đe dọa chăng nữa, thơ cũng không thể nào hòa đồng được với khoa học hoặc với luân lý. Thơ không có chân lý để làm đối tượng. Trong bài Quan Niệm Thơ, Hàn Mặc Tử đã phỏng dịch câu đó như thế này: “Thơ văn không thể dung hòa với khoa học hay luân lý (hoặc tôn giáo cũng thế) và thơ văn không thể lấy chân lý làm chủ đích được, thơ chỉ là thơ”.
(*) Các số trang viện dẫn được căn cứ vào tập tái bản 1969 của nhà An Tiêm, SaiGon 1969.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.