Apr 20, 2024

Biên khảo

PHÒNG BỆNH HƠN TRỊ BỆNH
Thái Thụy Vy * đăng lúc 04:56:41 AM, Mar 29, 2010 * Số lần xem: 2167

PHÒNG BỆNH HƠN TRỊ BỆNH

o O o

Câu nhập môn của Y Khoa phòng ngừa trên thực tế lúc nào cũng đúng.

Thử nghĩ chích một mũi  thuốc chủng (vaccine) với việc đợi đến lúc mắc bệnh mới lo chữa chạy, cái nào mắc hơn? Chưa kể đến đau đớn, có bảo hiểm nhà thương mới nhận, không bảo hiểm sẽ thành nhà ghét, chưa kể đến, để quá trể có thể đi đến tử vong, chỉ có TOBIAMYCIN (áo sơ-mi cây sáu tấm) mới trị nổi.

Vậy phòng ngừa cách nào hay nhất? Và nên chích ngừa lúc nào?

Câu trả lời rất đơn giản là đến Phòng Y Tế Công Cộng của County họ sẽ cho biết ta cần thuốc chủng gì trong trường hợp du lịch nước nào. Và phải chích trước bao lâu mới được “miễn nhiễm”.

Thuốc chủng cũng có nhiều thứ: loại chích cho cả đời, loại 10 năm, loại 1 năm như ngừa bệnh cúm (influenza) thường chích vào mùa thu hay khi có dịch cúm, ngừa dịch hạch (do bác sĩ Yersin tìm ra) chỉ chích 1 lần.

Các loại gây miễn nhiễm cả đời như đậu mùa và BCG ngừa lao ( Bacille Calmette Guérin), có nhiều người chích lúc nhỏ mà không nhớ, khi qua Mỹ đi xin việc làm bị phản ứng dương tính với Cuti-réaction, bị từ chối job.

Còn thuốc chủng mỗi 10 năm, điển hình là TDP (Tetanus, Diphteria và Pertussis) ngừa bệnh Sài Uốn Ván, Yết Hầu và Ho Gà.

Riêng về Sốt Tê Liệt (polio) mải về sau này mới phát minh thuốc chủng nhỏ giọt vô miệng rất tiện cho trẻ em.

Mục đích của thuốc chủng là chích dung dịch vi trùng đã bị diệt hoặc đã làm yếu đi (antigène) để cơ thể tiết ra chất kháng thể (anticorps) để huyết thanh được tính miễn nhiễm. Vậy vi trùng là gì? Có nhiều người cả đời chưa nhìn vào kính hiển vi nên không thấy vi trùng bao giờ. Vì nó là loại vi sinh vật mắt thường không thấy được. Chúng có ở khắp nơi kể cả trong không khí, sinh vật li ti đó có khả năng vật ngã một người nặng 250lbs trong vài ngày.  Em gái của một nhà văn nổi tiếng về Việt Nam bị lây nhiễm bệnh viêm gan B cấp tính, lật đật quay về Mỹ để chữa, chỉ đến Thái Lan là qua đời, thân nhân phải vô hòm chở về Mỹ chôn vừa tốn kém vừa khổ cho người sống.

PHÂN LOẠI VI TRÙNG :

1. Cầu khuẩn: hình chấm tròn, có thể kết thành chùm gọi là tụ cầu khuẩn (staphylocoque), kết thành đôi (diplocoque) điển hình là vi trùng bệnh lậu mủ (gonocoque) hoặc kết thành chuổi (streptocoque) gây bệnh strepthroat.

2. Trực khuẩn: hình que. Điển hình là vi trùng bệnh cùi (bacille de Hansen) và vi trùng lao (bacille de Koch) có bọc lóp sáp nên khi nhuộm Ziehl Nielsen phải hơ tấm kính nóng nó mới ăn màu (alcholo-acido résistant). Các loại trực trùng khác như salmonella gây bệnh thương hàn còn gọi là ban cua hoặc loại Shigella gây bệnh sởi… Bacille Ducreyi thì sanh bệnh hạ cam mềm (chancre mou)…

3. Vi khuẩn hình xoắn (spirale) điển hình là tréponéma pallidum gây bệnh giang mai mà trong quá khứ đã hạ Lénine.

4. Vi khuẩn hình dấu phẩy: ví dụ con vi trùng gây bệnh thổ tả (chloléra).

5. Siêu vi khuẩn: (virus) Các loại nầy độc hơn và nhỏ hơn chỉ có kính hiển vi điện tử mớì thấy được. Ví dụ virus bệnh AIDS hay còn gọi là HIV có hình cầu gai rất dễ sợ, loại virus gây bệnh SARS và mới đây loại virus gây bệnh gọi là Cúm Heo (Swine flu) .

Đa số các loại virus trên chưa có thuốc chữa và chưa có thuốc ngừa. Đụng tới chúng coi như bị kêu án tử hình.

Trong tương lai chúng ta sẽ thấy phát sinh nhiều loại vi trùng và siêu vi trùng mạnh hơn, độc hại hơn vì chúng đã quen thuốc trụ sinh vì dùng không đúng lượng (dose), vừa thấy bớt đã ngưng thuốc .

Vi trùng và siêu vi trùng sinh sản  theo cấp số nhân bằng cách mỗi con tự ngắt đôi.  Con bệnh phải chạy đua với nhịp sinh sản đó. Chúng còn có khả năng biến đổi theo môi trường, kết thành bào tử (spore) đợi thời cơ thuận tiện sẽ sinh sản lại và tiết độc tố (toxin) chết người.  Phòng ngừa bệnh trở nên khó khăn hơn khi vài con vi trùng truyền nhiễm có trong cơ thể của người không bệnh (porteur sain) nhưng khi lây qua người khác thì bị bệnh.

May thay trong thiên nhiên còn có loại vi trùng vô hại (microbe saprophyte) giúp sự tiêu hoá và sự lên men chẳng hạn.

KÝ SINH TRÙNG :

Ký sinh trùng cũng có nhiều loại.  Thế kỷ trước ký sinh trùng sốt rét (malaria) lan truyền thành dịch và giết hàng triệu người sau vi trùng dịch hạch (plague).  Trung gian truyền bệnh là con muỗi đòn xóc (anophèle). Liên Hiệp Quốc phải mở chiến dịch bài trừ sốt rét toàn cầu.

Giống Falciparum thì gây sốt hằng ngày. Giống Vivax thì gây sốt cách nhật. Mỗi cơn sốt là lúc thể Rosace vở tung ra vô số ký sinh trùng con, mỗi con đó lại xâm thực một hồng cầu và tiếp tục tới lúc bệnh nhân hết hồng huyết cầu rồi chết.

Lúc xưa tôi có thực tập 6 tháng trong Bệnh Xá Đỗ Vinh ở trại Hoàng Hoa Thám. Y sĩ Trung Tá Hoàng Cơ Lân bắt mấy anh lính Nhảy Dù uống một viên ký-ninh (quinine) đắng nghét trước khi khám.  Ông giảng: “Chiến sĩ của ta ngủ rừng ngủ bụi, lâu lâu mới được về hậu cứ bổ sung nên tỷ lệ sốt rét rất cao. Họ được phát thuốc ngừa sốt rét thường xuyên nhưng vì quá đắng nên ai cũng sợ.”

Nhà văn Xuân Vũ cũng tả trong cuốn “Đường Đi Không Đến” cảnh các anh bộ đội lúc lên cơn sốt rét như thế nào.  Thật khôi hài khi cả hai bên đánh nhau còn phải lo chiến đấu với đạo binh thứ ba giết người nhiều hơn súng đạn mà họ gọi là sốt rét rừng.

Sốt xuất huyết (fièvre de Dengue) cũng do muỗi..

Ký sinh trùng Amibe gây bệnh kiết lỵ (dysenteria) .

Các trichomonas (flagella)thì đóng đô ở tử cung gây bệnh huyết trắng..

GIUN – SÁN :

Các loại giun tròn (nemahelminths) như giun kim, giun trichocéphale, con giun trichina thích đóng đô trong các bắp thịt. Giun móc ankylostome thì thích ăn bám ở thành ruột.

Khi ta tắm sông, ao hồ có xây cầu WC ở trên, chúng ta dễ bị ấu trùng (larva) các nematode của vài loại giun có thể xuyên qua da lên bám vào ruột hoặc lên óc và mắt đóng đô trên đó.

Sán thì còn gọi là sán dẹp (platyhelminths) và sán vòng (annelids) trong đó đáng kể là con sán heo (tenia solium) và sán bò (tenia saginata). Chúng có thể dài đến 2 – 3 thước bám vào thành ruột hút máu ký sinh.  Chúng có nhiều mắc. Các mắc già nhất có trứng rụng theo phân ra ngoài.  Người Tàu hay tưới rau cải bằng phân người nên rất nguy hiểm.  Ngừa sán tốt nhất là ăn thịt nấu thật chín và tránh ăn heo lậu không đóng dấu kiểm tra.

Đa số các vụ ngộ độc bắt nguồn từ thực phẩm thiếu vệ sinh. Cứ nhìn xem các vụ ngộ độc tập thể ở các hãng xưởng và đám cưới tại Việt Nam thì biết.  Kế đó là đồ dùng có chất  hoá học cấm kỵ hay không ?

NẤM (fungi):

Mồng gà hoa khế, lác khô lác ướt, vảy nến (psoriasis) là các bệnh nấm thông thường có thể lây qua các đồ dùng như đồ cạo râu, tông-đơ, lược. Tuy không nguy hiểm nhưng rất khó diệt và ngứa ngái rất là khó chịu.  Nên ngâm rửa thường xuyên các dụng cụ vệ sinh cá nhân bằng cồn.

Nên tập thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà-phòng, rửa sau khi làm vệ sinh, rửa sau khi cầm tiền, rửa sau khi dùng điện thoại công cộng.  Ở các siêu thị và tiệm thực phẩm lớn cũng như nhỏ đều có giấy ướt trước cửa vào, nên sát trùng tay và nắm tay chiếc xe đẩy mà thống kê đã chứng minh là ổ vi trùng nhiều nhất.  Chỉ bỏ 1 phút mà tiết kiệm được cả đời người.

Nếu bắt buộc phải vào nhà thương thăm bệnh, nên tránh dắt trẻ em theo, vì chúng sẽ vịn vào ổ vi trùng xong lại vô tình ngậm tay, thế là đã nhập khẩu vi trùng khó biết loại gì, mặc dù lao công đã chùi rửa mỗi ngày.

Đến mùa dịch cúm, nên tránh “phơi”(expose) ở đám đông, giữ cách xa ít nhất 4m vì các giọt sương (gouttelette de Fliggs) do người bị cúm hắt hơi nhảy mũi  với tốc độ 100km/giờ nếu các bạn trong tầm 4m, các bạn sẽ bị lây cúm là cái chắc.

TIM VÀ UNG THƯ:

Rất khó trị nhất là tới thời kỳ thứ ba. Nhưng có thể ngừa bằng chế độ ăn uống nhiều chất xơ, nhiều omega acid-3, ít cholesterol, ít triglyceride, ít carbohydrate và nên ăn các chất giàu chống oxy-hoá (antioxidant) có tính chất chống lại các free radical là các nhân tố tự do gây ra các tế bào ung thư.  Nấu nướng thì tránh lây nhiễm(cross-contamination) từ dao thớt dơ.  Năng tập thể dục, thể thao.

Chúc các bạn thượng lộ bình an và lúc nào cũng đề phòng bọn xâm lược vô hình tí hon lúc nào cũng chực tác hại trên sức khoẻ của bạn.


Thaithuyvy 

Arizona, hè 2009

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.