Apr 19, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Đạo Giáo
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 09:45:46 PM, Jan 11, 2010 * Số lần xem: 2206
Hình ảnh
#1


Ông Cát Hồng là một đạo sĩ (1) nổi tiếng ngày xưa, tuy tuổi đã cao nhưng lúc nào cũng khỏe mạnh, tinh thần lúc nào cũng sáng suốt. Một người học trò thấy thế mới hỏi ông rằng:
- Ông tu phép gì mà được sống lâu như vậy?
- Nào có phép gì lạ đâu? Chỉ biết dưỡng sinh là được.
- Phép dưỡng sinh như thế nào, xin ông dạy cho biết.
- Người biết phép dưỡng sinh ăn không no quá, uống không nhiều quá, đông đừng ấm quá, hè đừng mát quá, ngủ sớm dậy sớm, làm việc có chừng, nghỉ ngơi có độ, chơi bời vừa phải, đừng làm điều gì thái quá. Ấy, phép dưỡng sinh chỉ có thế mà thôi.(Luân Lý Giáo Khoa Thư, lớp Dự Bị)
(1) Đạo sĩ: người tu theo đạo tiên, bằng những pháp thuật thần bí.
Chuyện cổ tích mang đầy tính chất huyền thoại giữa Tiên Dong và Chử Đồng Tử. Sau khi hai nhân vật kết nghĩa vợ chồng, Tiên Dong biến hóa thành những lâu đài nguy nga tráng lệ, Tiên Dong đề nghị cùng chồng luyện phép tiên để lên tiên giới sống một cuộc sống hạnh phúc dài lâu vĩnh cửu, xa lánh cuộc sống trần ai cát bụi sống già bệnh chết.
Bích câu kỳ ngộ(cuộc gặp gỡ lạ lùng ở Bích câu) cũng là một thi phẩm mang tính chất thần bí huyền hoặc thần tiên. Sau khi Tú Uyên Giáng Kiều tái hợp, vợ chồng sinh được một con là Chân Nhi. Một thời gian sau, Giáng Kiều đề nghị hai người cùng lên cõi tiên để sống an nhàn hạnh phúc. Tú Uyên nghe theo; Giáng Kiều mới trao cho chồng một bùa phép tu tiên để luyện thuật trường sinh bất lão. Khi pháp thuật thành, hai nhân vật dặn dò Chân Nhi ở lại, sau đó Tú Uyên Giáng Kiều hai người cùng bay lên tiên giới.
Nhưng Đạo giáo còn gọì Lão giáo không thể không đề cập đến Lão tử, không thể không nói đến tác phẩm độc nhất vô nhị Đạo Đức kinh.
Đạo Đức kinh là tác phẩm do triết gia Lão tử viết ra vào khoảng năm 600 trước công nguyên. Theo truyền thuyết thì Lão tử vì chán chường thế sự nên cưỡp trâu xanh đi ở ẩn. Ông Doãn Hỷ đang làm quan giữ ải Hàm Cốc níu lại, nói rằng “ nếu ngài quyết đi ở ẩn thì xin vì tôi để lại một bộ sách “. Lão tử bèn ở lại cửa ải Hàm Cốc viết bộ Đạo Đức kinh, dặn Doãn Hỷ cứ tu theo đó mà đắc đạo. Do đó, Đạo Đức kinh còn được gọi là sách Lão tử.( Mới đây, ông Huỳnh Kim Quang phát hiện ra Lão tử viết thật ra là Đức Đạo kinh thay vì Đạo Đức kinh, do ông Huỳnh Kim Quang dịch từ tiếng Hán sang tiếng Việt).
Đạo Đức kinh gồm có 81 chương với khoảng năm ngàn chữ Hán, chia làm 2 phần : Thượng kinh và Hạ kinh. Thượng kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Hạ kinh gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu “Thượng Đức bất đức thị dĩ hữu đức”. Bản dịch ra tiếng Việt được phổ biến bởi Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn duy Cần.
Đạo Đức kinh ngày nay trở thành quyển sách chính đạo của các tôn giáo theo tiên giáo như kiểu Kinh Thánh. Ở Việt Nam, nổi bật là đạo Cao Đài, lấy Đạo Đức kinh làm giáo trình để đi theo, họ coi đây là một quyển sách về Dịch như kinh Dịch nhưng không có quẻ. Đạo Đức kinh trong Đạo giáo được coi như là cách thức để tu luyện nhằm tiến tới trạng thái trường sinh bất lão là mục đích chính chứ không nhằm mục đích dùng Đạo để phát huy Đức. Đây là quyển kinh căn bản của Tiên giáo do Lão tử(còn gọi là Thái Thượng Lão Quân) viết ra và chính ông là giáo chủ Tiên giáo. Quan niệm về hình nhi thượng tức về vũ trụ và về nhân sinh tức hình nhi hạ của Lão tử căn cứ trên hai chữ Đạo và Đức nên ông theo đó mà thành lập giáo lý.
Lão tử là một nhân vật chính yếu trong triết học Trung quốc. Theo truyền thuyết, Lão tử sống ở thế kỷ thứ 6 trước công nguyên,tên thật Lý Nhĩ, thụy hiệu Lão Đam, tự Bá Dương. Nhiều học giả hiện đại cho rằng ông sống ở thế kỷ thứ tư trước công nguyên, thời Bách Gia Chư tử và thời Chiến Quốc. Lão tử được coi là người viết Đạo Đức kinh, cuốn sách của Đạo giáo có ảnh hưởng lớn và ông được coi là khai tổ của Đạo giáo. Mặc dù triết lý của ông chủ trương vô thần nhưng về sau này được biến đổi thành một tôn giáo phù phiếm, thờ cúng thần tiên, luyện thuật trường sinh. Những người theo tôn giáo này tôn ông làm Thái Thượng Lão Quân với rất nhiều pháp thuật.
Đạo.- Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh. Vô danh thiên địa chi thủy, hữu danh vạn vật chi mẫu.Cố, thường vô dục dĩ quan kỳ diệu, thường hữu dục dĩ quan kỳ kiếu; thử lưỡng giả đồng xuất nhi dị danh, đồng vị chi huyền, huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn.
Đạo có thể đạo đạt được không phải là đạo thường tại. Tên có thể gọi được không phải là tên hằng hữu. Không tên là sự khởi đầu của vạn vật. Có tên là mẹ của muôn loài. Do đó, thường ở trạng thái bình lặng để chiêm nghiệm sự kỳ diệu của nó. Cả hai đều xuất phát từ một nguồn cội. Chúng khác tên nhưng được gọi đồng nhất, sâu nhiệm lại càng sâu nhiệm hơn. Ấy là cánh cửa để bước vào thế giới của muôn vàn kỳ diệu( Huỳnh kim Quang dịch, chương thứ 45).
Đức.- Trên bình diện bản thể hình nhi thượng, Đạo tuy vô hình, vô tướng, vô danh nhưng không vì thế mà Đạo là một thực tại tĩnh, chết và bất động. Trên bình diện diệu dụng, Đạo thể hiện sự linh hoạt của nó qua từng sự vật nhỏ qua dạng thức của “ năng lực “ là Đức. Đức là năng lực hoạt động làm cho vạn vật có thể sinh hóa, phát triển và kế tục hiện hữu mà không tiêu diệt.
“ Đạo sinh chi, Đức súc chi.
Vật hình nhi, nhi khí thành chi.
Thị dĩ, vạn vật tôn đạo nhi quý đức.”
Đạo sinh ra chúng, và đức nuôi dưỡng chúng.
Vật chất tạo hình ra chúng và năng lực thành tựu chúng.
Do đó, vạn vật tôn kính đạo và quý trọng đức.
Muốn trở về với Đạo, con người cần phải sống thuận theo lẽ tự nhiên, vô dục, tri túc, vô tâm, mộc mạc, vô vi.
Bài thơ Thu điếu( Mùa thu câu cá) của Nguyễn Khuyến thể hiện rõ nét nhất tư tưởng của Đạo, của vô vi trong triết lý Lão Trang. Chúng ta hãy lắng nghe hai câu “ luận”:
“ Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.”
“ Trời xanh ngắt” và “ khách vắng teo.” Thiên nhiên, cảnh vật và thiên hạ nhân gian có hai ý nghĩa. Ở đây, “ trời xanh ngắt” là cảnh mùa thu, không gian tĩnh lặng trời mây trong vắt một màu xanh thăm thẳm vô cùng vô tận, chỉ có hư vô là hiện hữu hiện diện. Nói theo triết học Đạo giáo, nói theo triết học Lão Trang thì “ vô tức hữu, hữu tức vô”, không tức có, có tức không vậy và Spinoza đã phát biểu một câu “ mọi khẳng định là phủ định”:toute affirmation est négation.
“ Tựa gối ôm cần lâu chẳng được.
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”
Trong không gian tĩnh mịch yên lặng có tiếng cá đớp mồi, nghe rất nhỏ, chỉ nghe một tiếng “ tách”dường như tiếng bọt nước vỡ trong không khí rồi tan vào hư vô trả lại sự yên lặng cho sự yên lặng dưới chân bèo, dưới đám lục bình, dưới lá sen, lá súng, một thứ yên lặng tuyệt đối chẳng khác chi thuyền trăng trong câu thơ của Tỳ bà Hành của Bạch Cư Dị:
“ Đông thuyền tây phảng tiểu vô ngôn,
Duy kiến giang tâm thu nguyệt bạch”.
Thuyền mấy lá đông tây lặng ngắt,
Một vầng trăng trong vắt lòng sông.
Thêm một nhân vật nổi tiếng trong văn học Trung Hoa thời thượng cổ, chịu ảnh hưởng của tư tưởng Lão Trang: Đào Tiềm.
Đào Tiềm tức Đào Uyên Minh gây ảnh hưởng nơi nhà thơ Nguyễn Khuyến khi nhân vật này sáng tác bài thơ tả cảnh thu trong hai câu kết:
“ Nhàn hứng cũng vừa toan cất bút,
Nghĩ ra sợ thẹn với ông Đào”.
Triết gia hiện sinh Kierkegaard cho rằng trong phương tiện truyền thông, phương tiện truyền đạt ngôn ngữ nhằm đạt sự cảm thông, nhiều lúc ngôn ngữ bất lực không thể diễn đạt trọn vẹn đầy đủ mình muốn trao đổI, “ ngôn bất tận ý”, không khéo lắm lúc lại bị xuyên tạc méo mó ngộ nhận, tốt hơn hết là nên giữ thái độ im lặng. Thời còn trẻ, triết gia hiện sinh đã sớm yêu nàng Regina Olsen và người thếu nữ khuê các cũng đáp lại tình yêu của chàng thanh niên ấy. Nhưng có lẽ vì nguyên nhân thầm kín của một mặc cảm tự ti nên đã quá ba năm, nhẫn hứa hôn đã mang trên tay của vị hôn thê, vị hôn phu vẫn nay lần mai lửa không chịu làm lễ thành hôn, rốt cục hai người đi đến quyết định: từ hôn. Trong những bài viết nói về sự truyền đạt cảm thông qua ngôn ngữ, Kierkegaard hơn một lần đã nói:” Có một sự liên lạc bằng im lặng”. Mấy mươi năm sau, khi Kierkegaard đã mất, khi bà lão Regina Olsen đã một lần tâm sự với người bà con trong họ:
- Cho tới bây giờ, thật tình tôi không hiểu nổi Kierkegaard.
Là một con người không thể hiểu được Đào Tiềm tiêm nhiễm tư tưởng Lão Trang, Đào tiên sinh thuở sinh thời không nói, thường xuyên im lặng. Tục tương truyền tiên sinh có làm cho mình một cây đờn, nhưng là một cây đờn không dây. Những lúc muốn nghe, muốn thưởng thức nhạc điệu của bản nhạc, Đào tiên sinh lấy đờn ra gẩy, lẽ tất nhiên đờn không gây một âm thanh một tiếng động nào. Trình độ cảm thức âm nhạc trong tư tưởng Lão Trang, Đào tiên sinh đã đạt tới mức thượng thừa: hữu tức vô, vô tức hữu, có tức là không, không tức là có vậy.
Khi thưởng thức tiếng đàn tỳ bà trên sông Tầm Dương của người ca kỷ tuổi đã xế chiều, Bạch Cư Dị có viết hai câu thơ lục bát:
“ Âm thầm đau giận ngẩn ngơ,
Tiếng tơ lặng ngắt bây giờ càng hay”.
Rõ ràng âm thanh nhạc điệu của tiếng đàn tỳ bà đã chấm dứt nhưng dư âm còn vang vọng trong thinh lặng, mang đầy ý nghĩa sắc thái Lão Trang.
Người viết liên tưởng đến người thầy giờ đây đã quá cố Cung Giũ Nguyên khi đề cập đến tác phẩm cuối cùng của thầy sáng tác sau năm 1975, nhan đề Thái Huyền. Trong tựa của Thái Huyền có đề cập ít nhiều đến triết luận của Dương Hùng(35 trước Công nguyên). Giáo sư Cung giũ Nguyên viết:” Dương Hùng xem Huyền là căn bản của vũ trụ mà người cùng vũ trụ chung một thể với nhau. Huyền là nguồn gốc và nguyên nhân của mọi vật, ở khắp nơi và có quan hệ đối đảo một cách siêu nhiên. Âm và Dương và đối đảo. Huyền là tuyệt đối trên cả Âm Dương. Huyền của Dương Hùng là Đạo của Lão Trang.”

Trên lý thuyết, nếu tuân phục chấp hành những giáo trình qui luật của Đạo giáo một cách nghiêm túc, người tu sẽ hiển nhiên được thu hoạch kết quả thành tiên. Trên nguyên tắc, có mười phép tu tiên ( xem kinh Thủ Lăng Nghiêm). Nếu kiên trì dùng đồ bổ một khi thành tựu sẽ thành Địa Hành tiên; nếu kiên trì sử dựng cỏ cây một khi thành tựu sẽ thành Phi Hành tiên; nếu kiên trì sử dụng kim thạch một khi thành tựu sẽ hóa thành Du Hành tiên và cứ thế. Cũng trên lý thuyết dù người tu tiên có thành đạt pháp thuật trở thành tiên: tiên ông, tiên lão, tiên cô, tiên bà, tiên chúa như Chử đồng Tử, Tiên Dong, Tú Uyên, Giáng Kiều, Bạch Viên, cuộc sống dù có kéo dài trường sinh bất lão một trăm năm, một vạn năm, một triệu năm, rốt cục những vì tiên bất lão ấy rồi cũng chết. Người viết không rõ những thực hữu “tiên” ấy sống ở ngoài qui luật bất biến là sinh, lão bệnh tử. Phải chăng những thực hữu “tiên” ấyđều có sống, có già, có bệnh và có chết? Cuối cùng đã là tiên thì trước sau sớm muộn gì cũng phải chết. Chết sau đó tiên sẽ được chuyển kiếp luân hồi, đầu thai sang một kiếp khác.
Gìả dụ một người được tu theo đạo pháp được hóa thành tiên như Phi Hành tiên, Địa Hành tiên, Du Hành tiên, được sống trong tiên giới, được hưởng hạnh phúc tràn đầy viên mãn cực lạc, chẳng khác chi cực lạc hạnh phúc viên mãn tràn đầy, một thế giới của Niết Bàn bất khả tư nghì, không thể giải thích không thể so sánh. Nếu một người muốn được giải thích bản chất của tiên giới như thế nào, người tiên cũng sẽ bất lực bó tay. Chỉ có cách độc nhất cách duy nhất là Giáng Kiều sẽ khuyên Tú Uyên tu theo chánh pháp ngõ hầu được hưởng lạc phúc. Chỉ có cách độc nhất duy nhất là Tiên Dong khuyên Chử Đồng Tử cùng tu tiên để hưởng lạc phúc, dù giải thích cắt nghĩa lạc phúc trên tiên giới cũng bằng thừa. Nói một cách giản dị, một người bình thường vẫn không giải thích được khoái lạc đau khổ vật chất như thế nào, ra làm sao. Đừng nói chuyện ánh sáng màu sắc với người khiếm thị bẩm sinh. Đừng bàn bạc lạc thú của người ghiền thuốc phiện đi mây về gió lúc chưa đam mê sa ngã của ả phù dung./.

VDN

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.