Oct 11, 2024

Tùy bút - Bút ký

Vang bóng một thời.( Tùy bút)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:36:47 PM, Dec 14, 2009 * Số lần xem: 2124
Hình ảnh
#1



Hôm nay là hăm ba tháng chạp, thiên hạ hối hã lăng xăng cúng tiễn ông Táo về Trời, không quên lễ vật chè xôi bánh trái, riêng giấy vàng mả không thể thiếu. Con cá chép bằng giấy ngũ sắc từ phố hàng Mã người dân mua về, mặc dù Táo Quân vẫn nơm nớp lo âu không biết có ai đó người nào đã ỡm ờ hô hoán bay từ không gian lên tới Thiên đình trong lúc vua Táo mang hia đội mão nghễu nghện trên lưng con cá:
“ Chết nỗi! Con cá chép chửa! Đi giữa đường nó chuyển dạ đau đẻ thì khốn to! Rõ là ra ngõ thượng lộ ...gặp gái!”

“ Mỗi năm mai vàng nở
Lại thấy ông đồ nghèo,
Bày mực Tàu giấy đỏ
Câu đối viết lên treo.”

Chậu cúc vàng đại đóa,
Rực rỡ mỉm cười tươi,
Toàn hoa thực chất giả,
Đon đả khách chào mời.

Chuyện vàng thau lẫn lộn,
Đá sỏi tưởng kim hoàn,
Quảng cáo tuồng bịp bợm,
Mã não tức hột xoàn.

Lại có câu thơ rằng:
“ Nhân gian chi phẩm gíá,
Phong nguyệt ức tình hoài;
Thế thượng chi phong lưu,
Giang hồ hưng khí cốt.
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi vợ già rằng dốt hay hay?
Ông Đồ ngước mắt nhìn quanh gian nhà trống trải. Hăm ba tháng chạp cảnh nhà vẫn tiều tụy đìu hiu thiếu trước hụt sau. vẫn nhà lá ba gian ngoài mười năm không tiền sửa chữa. Bàn thờ tổ tiên ông bà hương tàn khói lạnh. Ngoài gian bàn thờ phía ngoài chân dung “Vạn thế sư biểu” của đức Khổng là tương đối còn nguyên vẹn mặc dù màu sắc đã phôi pha mờ nhạt theo ngày tháng. Một bộ ván bằng gỗ tạp được kê trên bộ phản ngựa nêm chốt bắt đầu lung lay khập khểnh; cuộc sinh kế an bần thanh bạch.
Bốn mươi năm trước, ông Đồ vốn là một nhà Nho, tín đồ cửa Khổng sân Trình, đỗ cử nhân trong kỳ thi Hội, nhưng vì tiết tháo khí khái của kẻ sĩ phu không chịu xuất chính nên “tiến vi quan, thoái vi sư”, không làm quan thì làm thầy mở trường dạy học tôn thờ lễ nghĩa thánh hiền. Cố bắt chước được làm môn đồ của Khổng Khâu, được làm học trò của tiến sĩ đời Trần Chu văn An, được làm môn sinh của Nguyễn đình Chiểu, ông Đồ mở lớp không tại trường chỉ dạy tại nhà, ông Đồ chỉ được nhóm phụ huynh yểm trợ cung phụng hàng tháng các nhu yếu phẩm như gạo, nếp, thóc lúa, đường, ngũ cốc, gia cầm được trồng trọt chăn nuôi trong vườn hoặc tại nhà những khi vào dịp Tết cuối năm hoặc giỗ chạp, nom gia cảnh gia đình ông Đồ không lấy gì làm túng quẫn: vi sư bất phú, làm thầy giáo thì không thể nào làm giàu được. Ngoài công việc bổn phận dạy dỗ đám môn sinh, ông Đồ còn làm nghề phụ, nghiệp dư bắt mạch, viết đơn, cho toa các bệnh nhân trong làng, làm hậu duệ của Hippocrate, của Biển Thước Hoa Đà, của Lãn Ông Lê hữu Trác, cứu nhất nhân, đắc vạn phúc, cứu một người, được vạn phúc đức. Thế nhưng:
“ Cái học ngày nay thật tuyệt vời,
Ngàn người đậu thạc, một người chơi
Chạy quyền chạy chức, trầm kha bệnh,
Bán tước mua quan, tiếng để đời.
Nhũng lạm tham ô đều cả đẹp,
Thanh bần trọc phú bất phùng thời.
Phong vị hàn nho vô khả kế.
Mạt vận nhà Nho biết mệnh Trời.
Suy tàn một nền văn học Hán, mai một một thời đại Nho học. Hán nôm dần dà mất hết thịnh hành, được thay thế công khai qua công việc bang giao, dịch thuật, thơ văn. Nhà nước, chính phủ bắt đầu mở trường dạy tiếng Pháp, nói tiếng Pháp, trường công lập cũng như tư thục. Hán tự được đưa vô thời khóa biểu les Caractères chinois làm ngôn ngữ phụ, ngôn ngữ “ nghiệp dư”, một tuần lễ vỏn vẹn độc nhất một giờ đi sau tiếng Việt.
Đám học trò lâu nay theo ông Đồ học năm ba chữ để khỏi tủi thánh hiền cũng đã thấy bắt đầu thưa thớt. Tự thâm tâm, chúng cũng biết học để biết, chẳng học thì...nhân bất học, bất tri lý, học, chủ yếu là học đạo làm người, không ai có tham vọng xuất chính ra làm quan. Hết rồi những đứa trẻ lúc nào cũng mau mắn chăm chỉ nấu nước pha trà châm thuốc lào, đổ nước mài mực, tưới cây, quét dọn, bửa củi. Một buổi sang, thấy loe ngoe một vài đùa trẻ tới lớp cắp sách rụt rè không biết hôm nay nên học hay phải nghỉ bởi nhà trường vắng ngắt. Ông Đồ cất tiếng bằng một giọng khàn khàn buồn bã:
- Thôi, tao cho chúng mày nghỉ học hôm nay. Kể từ giờ phút này chúng mày đừng đến lớp nữa, nghe chua?
Ánh tà dương đỏ rực tựa vũng máu đông. Tịch dương rực lửa như phóng hỏa đất trời. Một nền văn học lui vào bóng tối nhợt nhạt như tịch dương sắp lặn.

Dưới bầu trời đen xám của một buổi chiều đông giá lạnh, một người đàn ông cắm đầu rảo bước.
Người ấy mặc một chiếc áo the thâm thùng thình và cũ rich, một tay cắp chiếc ô ta vào nách, một tay xách một gói bằng vuông vải tây điều. Chiếc quần cháo lòng xắn ống cao ống thấp phô ra được là nhờ có đôi chân khẳng khiu, đôi giày ta sờn gót năm ba chỗ chỉ “ hạ thổ” trong những ngày to tát. Cảnh trời buồn, lòng ông cũng chẳng vui. Ông đương băn khoăn bực dọc về cảnh nhà bần bạc, về đường tương lai mờ mịt. Những ngọn tre ủ ũ quanh làng càng gieo thêm nỗi thảm sầu trong lòng khách
Rét! Gió rét này làm sao ủ ấm được tấm thân gầy guộc, ẻo lả như bộ xương khô. Tình cảnh nhà Nho nghĩ mà đáng thương.
Người ấy, nhà Nho ấy chính là ông Đồ, một nhà Nho thất thế, lỡ vận, hết thời, thất nghiệp. Tiếng nước quan Tây ông không biết. Tiếng Hoa ông cũng chẳng am tường thông thạo, chỉ có thể thảo thành Hán tự, thứ ngôn ngữ ngoại lai có thể viết, đọc được. Những bàn những ghế học trò ngày trước ông phá làm củi đốt, kinh nghĩa ông không dám “phần thư” vì sợ mắc tội đốt sách của bậc thánh hiền như Tần thỉ Hoàng đã đốt sách chôn Nho thời trước. Nhà Tần trước sau có dụng ý thâm độc muốn tiêu diệt nền văn hóa Trung Hoa.
Ông Đồ đi về từ một làng bên cạnh, cách xa một quãng đồng, mùa lúa này đã gặt hái xong, cánh đồng chơ vơ chỉ còn trơ cuống rạ, ngọn gió bấc hắt hiu thổi về buồn nẫu ruột. Ông Đồ đi thăm một bệnh nhân, bắt mạch kê đơn. Đã từ lâu, ông Đồ làm nghề miễn cưỡng thầy thuốc Đông y không bằng cấp chỉ làm thầy lang vườn không chuyên nghiệp. Làm thầy thuốc, ông Đồ chỉ biết cầu mong chữa khỏi bệnh, “ phúc thầy, may chủ”.
Thăm bệnh nhân xong, ông Đồ trở về nhà. Gia đình người bệnh cũng không lấy gì làm khá giả, chỉ biết cám ơn người thầy thuốc, xin hẹn người thầy chữa bệnh tới kỳ sau tái khám như một thủ tục cần thiết, không dám kỉnh thầy tiền thù lao gọi là công sức đi bộ từ nhà ông Đồ tới nơi chữa bệnh.
Khóm tre già gió thổi xào xạc kẽo kẹt như than thở cùng với đất trời, cái ao mùa đông giờ này đã cạn nước, vài lá tre khô nổi trên mặt nước bị gió cuốn hút đẩy đưa cận sát bờ ao. Giàn cây leo bí mướp lèo tèo èo uột mấy trái không chịu lớn, ông Đồ nghĩ bụng sẽ lấy mấy quả làm thức ăn kho nấu trong ba ngày Tết đạm bạc; chỉ mỗi một con gà mái ghẹ đang bươi rác bên cạnh đống rạ tìm thức ăn buổi chiều trước khi lên chuồng gà ngủ. Nhìn con gà mái tơ đang đẻ trứng lứa đầu, ông Đồ chép miệng nói một mình:
- Nhà có chỉ mỗi một con gà đẻ một lứa gầy làm vốn, cúng tất niên lấy gì làm lễ vật rước tổ tiên? Thôi chỉ còn có nước lấy con gà làm thịt biết cách nào hơn...
Ông khẽ thở dài, cất bước vào nhà.
Bà Đồ đang ngồi bên dưới mái hiên lá lợp gồi, nhặt nốt mớ gạo nếp tẻ còn sót trong chiếc mủng nhỏ. Thấy chồng về, bà Đồ ngẩng mặt nhìn lên cất tiếng dịu dàng hỏi:
- Ông đã về đấy à?
Không thấy ông chồng trả lời, bà Đồ bưng chiếc mủng nếp đứng dậy, hối hã bước vô nhà, đặt mủng nếp trên chiếc bàn ăn. Trời mùa đông lúc này bắt đầu tối, trong nhà nhá nhem tranh tối tranh sáng. Trong lúc cầm chiếc bơ cũ đã han rỉ vì lâu ngày đong một nửa bơ gạo thổi cơm chiều, bà Đồ vẫn đứng yên trên nền nhà hỏi chuyện người chồng đi qua làng lân cận chữa bệnh trở về:
- Ông thấy người ốm thế nào? Bệnh gì? Có nặng không?
- Tôi chẩn mach thấy người ốm mắc bệnh dạ dày, ăn không tiêu, lại đau râm ran ở bụng. Tôi có cho toa, ra phố mua thuốc tiêu về uống, không được ăn những thức ăn khó tiêu. Sau Tết thầy lang sẽ đến tái khám để biết bệnh trạng thuyên giảm tới mức nào. Bệnh tình không nặng nhưng bệnh nhân nhất thiết phải kiêng cữ những thức ăn khó tiêu, nhất là đàn ông phải tuyệt đối bỏ thuốc lá, không được ăn hồ tiêu, ăn ớt.
Bà Đồ lặng im không nói gì nữa, loay hoay vo gạo nấu cơm tối, ông Đồ nằm ngửa trên bộ ván nghỉ mệt, cả nhà cũng biết ông thầy lang đã không kiếm được tiền trà nước thù lao. Ông nghĩ lan man, ông nhớ tới quãng đồng không mông quạnh ông đã đi qua khi buổi chiều đông rét mướt buồn thảm này. Vụ gặt hè thu đã chấm dứt, cánh đồng chỉ còn chơ vơ cuống rạ, chỉ còn một con bù nhìn độc nhất đang trơ trọi đứng giữa cánh đồng hoang sơ khiến ông Đồ nhớ lại “thằng bù nhìn “ của Lê Thánh Tông thuộc thế kỷ mười lăm. Thi phẩm của Lê Thánh Tông rất đồi dào phong phú, nổi bật nhất là thơ khẩu khí như Thằng mõ, thơ cái chổi, thơ cái nón. Thơ khẩu khí cốt ý tả thơ sự vật như thơ tả Thằng mõ, thơ tả Thơ cái chổi, Thơ cái nón, nhưng có một ngụ ý sâu kín được ẩn giấu, tương tự thuyết tượng trưng hay còn gọi thuyết biểu tượng, tương tự con gấu là biểu tượng tiểu bang California, con gà trống là biểu tượng của sức mạnh, lá quốc kỳ là biểu tượng của dân tộc, mhững ai chà đạp xé đốt lá quốc kỳ tức là xúc phạm dân tộc đó; trường phái tượng trưng le symbolisme trong văn học Pháp, tác phẩm tiêu biểu là Le Vase brisé cái bình nứt của thi sĩ Sully Prud’homme.
Thằng bù nhìn.
Quyền trận ra oai trấn cõi bờ,
Một lòng vì nước há vì dưa?(1)
Lung linh trước mặt đôi vầng nguyệt,
Vùng vẫy trên tay một lá cờ.
Dẹp giống chim muông xa phải lánh,
Giận quân cày cuốc gọi không thưa.
Mặc ai náo nức đường danh lợi,
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa.
(1)Dưa: ruộng trồng dưa, nông dân làm một thằng bù nhìn, cốt ý chim chóc chồn chuột không dám vãng lai cắn phá.
Thơ khẩu khí là thơ có tính cách biểu tượng gián tiếp hoặc trực tiếp, nhận xét một cách kín đáo có nhiệm vụ chức năng tuy tầm thường nhưng thực chất lại quan trọng trông coi đảm nhiệm công việc tế thế kinh bang, nói theo Nho học là những sĩ phu nhận lãnh trọng trách sau khi đã tề được gia thì trị được quốc,tức trông coi việc nước. Một khi đã trị được quốc thì đã có thể đóng vai thiên tử làm vua, bình thiên hạ. Công việc hằng ngày của nhận vật ấy tuy rất tầm thường rất khiêm tốn tiểu tốt vô danh như thằng mõ, cái chổi, cái nón( vật vô tri vô giác không suy nghĩ), thằng bù nhìn. Một thằng bù nhìn! Một cái cọc tre, một bẹ lá chuối khô tả tơi xác xơ những mưa cùng nắng, một tụm dây chuối khô, một chiếc nón mê ( nón rách) làm hình dạng người nhưng chẳng khác chi ngợm, đợi cơn gió thổi tới là lập tức thằng hình nộm lại xun xoe run rẩy khiến bầy chim ăn lúa phải vội vã tránh xa. Tiếng Mỹ gọi thằng bù nhìn là scarecrow: danh từ crow là con quạ, động từ to scare là doạ nạt, đe dọa.Scarecrow là một hình nhân đe dọa con quạ khiến con vật e sợ không dám tới gần.
Nhưng đôi lúc thằng bù nhìn đóng vai một võ quan, một tướng lãnh gánh vác vai trò gìn giữ bảo vệ một vùng đất bị lăm le dòm ngó thù trong giặc ngoài, quyết tâm gìn giữ một gang sông, một tấc đất, không chỉ vì để bọn giặc cỏn xâm chiếm:
Quyền trận ra oai trấn cõi bờ,
Một lòng vì nước, há vì dưa?
Lại càng không phải chỉ vì miếng đất màu mỡ có nhiều tài nguyên quặng mỏ phong phú. Viên võ quan lãnh binh bù nhìn phải ra trấn giữ miền thượng du mạn ngược rừng sâu nước độc, muỗi mòng rắn rết, ban đêm viên lãnh binh nhìn trăng khuyết treo lửng lơ đầu núi, ban ngày sai bọn lính thú lao động trên ngàn chém tre đẵn gỗ dưới mặt trời chói chan như thiêu như đốt. Đồn binh trại lính chỉ được treo lủng lẳng một lá cờ đuôi cheo buồn rầu ủ dột quanh năm suốt tháng.
Lung linh trước mặt đôi vầng nguyệt,
Vùng vẫy trên tay một lá cờ.
Ở nông thôn ruộng đồng, chim muông vô số, từ chim sẻ, chim manh manh, chim giồng giộc, chim mía. Thằng bù nhìn có bổn phận phải đuổi đi xa thật xa không cho chúng lai vãng thóc lúa phá goại mùa màng, tuy coi vậy nhưng chúng quậy phá chẳng vừa. Theo nghĩa đen là giống chim muông, theo nghĩa bóng chim muông là nhóm đạo tặc ăn trộm ăn cắp vặt, đạo chích, bắt trộm con gà con vịt con heo:
“Gặp giống chim muông xa phải lánh”
Nhưng thằng bù nhìn chỉ là con vật vô tri vô giác, được kết bằng bẹ lá chuối khô, bằng giấy rách, bằng nón lá rách, ví dầu người nông phu chân lấm tay bùn cày sâu cuốc bẫm có lúc mệt nhọc lấy chuyện trò hò hát làm phương tiện giải khuây, thằng bù nhìn vẫn trơ trơ không thể đối đáp, chẳng thể trả lời thưa gởi, im như...thóc:
“ Giận quân cày cuốc gọi không thưa”.
Thằng bù nhìn lo đảm đương gánh vác việc ngoài đồng, trên nương, dưới ruộng, viên lãnh binh chỉ chu toàn hoàn thành tốt việc quan việc nước, không màng không ham danh lợi bả đỉnh chung, mong sao quốc thái dân an là tốt. Thiên tử tức con của Trời, tức vua trên hết:
“ Mặc ai náo nức đường danh lợi,
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa”.
Trong sinh hoạt chính trị, tính từ bù nhìn còn có một nghĩa khác nữa, một nghĩa xấu. Chế độ bù nhìn. Chính phủ Trần Trọng K. là một chính phủ thân Nhật, chính phủ bù nhìn, một chính phủ chẳng có quyền lực gì, hoàn toàn do quân đội Thiên Hoàng quyết định. Quốc Hội Việt Nam là một Quốc Hội bù nhìn, tức toàn thể những vị dân biểu, những nhà lập pháp đều đồng thanh nhất trí tán đồng dự luật không có ai phản đối dự luật. Thỉnh thoảng cũng có lác đác một số dân biểu bù nhìn, nôm na là dân biểu gật, tức dân biểu từ đầu giờ tới cuối giờ chỉ ngủ gà ngủ gật, không nhớ Quốc Hội đã thảo luận, bàn luận và đã biểu quyết những dự luật gì( Tôi nhớ nhất là dự luật do Quốc Hội dưới thời đệ nhất Cộng Hòa đã trở nên sắc luật của Quốc Hội là cấm ly dị).

Mâm cơm chiều đã dọn xong, bà Đồ kêu người chồng ngồi vào bàn ăn, chén đũa đều xong xuôi tươm tất, chỉ phải mâm cơm khá đạm bạc, cơm đỏ, canh rau tập tàng, một đĩa tôm rang nhỏ xíu, người vợ ngồi ăn dè xẻn thức ăn nhường chồng. Ông Đồ cắm cúi ngồi ăn im lặng. Quanh bàn chỉ có hai thực khách, vợ chồng hiếm muộn không con, buồn tẻ hiu quạnh, ngọn đèn dầu lạt leo lét không đủ soi sáng gian nhà. Vừa ăn, ông Đồ vừa nghĩ vẩn vơ đến cái chết. Vừa cất tiếng khóc oe oe chào đời, cha mẹ anh em chị em tíu tít chào mừng một sinh linh mới, nhưng lúc trút hơi thở cuối cùng, người chết là một lữ hành đơn độc, không một đồng hành, không ai có thể chết thay, hai bàn tay trắng, địa vị, danh vọng, sắc đẹp, tiền tài, khi chết đều bị xếp qua một bên trong lúc nhập quan khâm liệm, còn chăng là một di ảnh ngày trước lúc sinh thời. Ông Đồ bà Đồ vẫn không có một tấm ảnh kỷ niệm khi “tân lang”tức chú rể và “tân giai nhân” tức cô dâu làm lễ hôn phối, cuộc sống đơn sơ bình dị không màu mè kiểu cách rườm rà.
Sau bữa cơm, ông Đồ ra vại nước rửa miệng lau khô bằng chiếc khăn tay đã cũ, đoạn, bước vô nhà, ông cầm một tách nước trà đã nguội pha từ lúc sáng, ông súc miệng rồi nuốt ực xuống dạ dày, hoàn tất bữa cơm tối. Ông Đồ cất tiếng trong lúc bà Đồ thu dọn chén dĩa bát rếch:
- Ngày mai vào lúc giữa buổi, bà cùng tôi đem cuốc xẻng rựa ra gò mả tảo mộ ông cụ bà cụ. Chỉ có hai ngôi mộ thôi, quét dọn làm cỏ một lát là xong. Sang ngày thứ hai, tôi sẽ viết câu đối Tết trên một hè phố, biết làm gì để giết thì giờ trong ba ngày Tết.
Bà Đồ nghe chồng bảo ngày mai đi tảo mộ ông bà, nhưng sau đó ông lại bảo ngày hôm sau nữa sẽ viết thuê câu đối Tết khiến bà Đồ lên tiếng can gián:
- Thôi ông ơi! Đi viết thuê làm gì cho mệt, cho khổ thân ông? Năm ngoái ông cũng lỉnh kỉnh viết thuê nhưng chẳng được cái tích sự gì. Thiên hạ khách hàng người ta chẳng còn ai thuê viết nữa đâu; ông nên ở nhà nghỉ cho khỏe cái thân già, chẳng có ai đỡ đần giúp một tay cho ông trên hè phố ngoài đường đâu. Trải chiếu cũng ông, treo liễn đối bên gốc cây cũng ông, mài mực cũng ông nốt.
Ngẫm nghĩ chốc lát, bà Đồ tiếp lời một cách buồn rầu:
- Tôi đã nói nhiều lần nói với ông rằng ông nên tìm một người còn trẻ để nâng khăn sửa túi sớm khuya hầu hạ tìm một mụn con nối dõi tông đường, nhưng ông chẳng chịu. Tôi cũng không còn trẻ nữa, không thể sinh nở được, Trời bắt khổ phải chịu, biết làm thế nào. Tôi chẳng phiền hà gì về hầu thiếp, vợ lớn vợ bé ghen tuôn đâu. Vợ cả vợ hai, hai vợ đều là vợ cả.
Ông Đồ xuất khẩu, đối ứng một cách trôi chảy dễ dàng:
Chồng chung vợ một, một vợ hóa thật chồng chung.
Bà vợ im lặng, suy nghĩ giây lâu, sau đó cất tiếng:
- Ông nói gì tôi không hiểu. Cái gì là “ chồng chung”, cái gì là “ vợ một “với lại “một vợ”?
- Trên thực tế, người chồng chỉ có “vợ một “ hay “một vợ” trên giấy hôn thú, nhưng trên danh nghĩa người đàn bà còn có một “ chồng chung “, có ăn nằm, có chăn gối ôm ấp chuyện phòng the, chẳng khác chi người đàn bà chấp nhận làm vợ lẽ thân phận hẩm hiu trong thi phẩm của Hồ Xuân Hương:
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.
“ Chồng chung vợ một, một vợ hóa thật chồng chung” là thế. Không có “ vợ một “, lại càng không thể có “ vợ hai “. Vợ hai, vợ ba...là theo chế độ đa thê.
Bà Đồ nghe ra vỡ lẽ :
- Hóa ra ông cũng hào hoa bay bướm, cũng trăng nọ hoa kia cũng lẳng lơ nào có kém gì.
Ông Đồ im lặng không nói gì, ông nghĩ tới ngày hôm sau phải tảo mộ ông bà, nghĩ tới cái chết của vợ chồng ông. Vợ ông kém hơn ông năm tuổi, nhưng có gì bảo đảm vợ ông sẽ theo ông theo bà trước ông? Thói thường đàn bà tuổi thọ sống lâu hơn đàn ông nhưng không tuyệt đối đúng. Cho tới ngày hôm nay, tuổi ông Đồ đã xấp xỉ bảy mươi, ông vẫn không có chưa có một niềm tin tôn giáo, ngoài lễ nghi tập tục thờ cúng tổ tiên ông bà, lấy Nho giáo làm nếp sống xưa nay. Ông Đồ hẳn chưa quên bài học Luân Lý lớp Dự Bị ông đã học từ bấy đến nay: bài học Thờ cúng Tổ Tiên. Xưa, có một người đỗ cử nhân được bổ vào làm hành tẩu(2) trong kinh, nhưng vì nhà nghèo không quen biết ai cho nên mãi không thăng được chức khác. Người ấy làm hành tẩu đến mười ba mười bốn năm trời, luơng bổng không đủ ăn mà muốn bỏ về cũng không được. Tình cảnh tuy khổ sở như thế nhưng đến ngày giỗ ông giỗ cha cũng có gắng dành được một ít tiền, mua hương hoa bày lên cúng lễ.
Một hôm, gặp ngày giỗ cha, người ấy đặt lễ vật cúng xong, ngồi ngâm thơ mà khóc. Chợt khi vua vi hành(3) đi qua cửa, nghe thấy tiếng than khóc mới vào hỏi:
- Sao mà thầy than khóc như thế?
Người ấy nói rằng:
- Hôm nay là ngày giỗ của cha tôi. Tôi học hành đã đỗ đạt được mà bao nhiêu lâu nay không làm được gì vẻ vang cho ông cha, thậm chí đến ngày giỗ cha cũng không có gì mà cúng lễ; cho nên tôi nghĩ mà tủi thân, ngâm mấy câu thơ cho giải buồn.
Người “vi hành “ nói:
- Tôi hiện đang làm việc ở trong Nội, được thân cận với các cụ Thượng. Vậy thầy muốn gì, tôi có thể giúp cho thầy được.
- Tôi chỉ muốn triều đình cho tôi trở về quê hương làm ăn mà thờ phụng tổ tiên.
Vài hôm sau, người ấy được giấy cho về quê quán. Về đến nhà, người ấy được giấy của triều đình bổ làm quan to.
Ấy, cũng vì người ấy có lòng với tổ tiên và được hiển vinh.
Đêm trừ tịch cuối năm rước tổ tiên ông bà mẹ cha đã khuất, ông Đồ nghĩ bụng:
- Đêm ba mươi, gia đình mình sẽ giết con gà mái ghẹ đang đẻ trứng cúng rước ông bà. Lễ vật sẽ luộc chín, sẽ nấu cháo, sẽ nấu một dĩa xôi.
Đêm đông, trời mưa,một cơn mưa không tiếng động, âm thầm, chỉ nghe tiếng nước chảy trên máng thiếc bẻ cong từng giọt đều đều tí tách tựa tiếng mõ lốc cốc tụng kinh tối.” Con dế buồn tự tử giữa đêm đông”. Ông Đồ lặng lẽ lên giường, tay vắt trán, liên tưởng sẽ lên đường lễ mễ tới phố viết thuê câu đối câu liễn; ông thở dài ngao ngán, cuộc sống bon chen chật vật. Người vợ luống tuổi giờ này đã dọn dẹp rửa xong bát đĩa, cũng thong thả lên giường nằm với người phối ngẫu. Trời vẫn tiếp tục cơn mưa rét mướt cuối mùa. Bà Đồ kéo chiếc chăn cũ, đắp lên cả hai người, giọng nói thân mật gần gũi, gần như có một chút âu yếm:
- Trời cứ mưa như thế này thì thiên hạ ở nhà, chẳng mua bán sắm sửa gì được, tôi khuyên ông nên nghỉ ở nhà cho đỡ khổ thân, ông ạ.
Nửa đêm trời tạnh mưa, giọt nước mưa vẫn còn tí tách buồn tênh. Ông Đồ thức giấc, bà Đồ vẫn nằm bên cạnh, ông xoay người sang bà Đồ, ôm sát vào người. Bà cất tiếng:
- Ngủ đi, già rồi mà còn ham.
Người chồng cất tiếng thì thầm, nói chỉ đủ nghe:
- Trời rét quá, bà biết trời lạnh, tôi cũng biết trời còn lạnh hơn, chăn đắp không đủ ấm. Đoạn ông ôm vào lòng ông tấm thân không còn hấp dẫn gợi cảm nữa, ngâm lên khe khẽ vừa đủ nghe:
Lạnh lùng thay, láng giềng ơi,
Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều.
Bà Đồ lúc này đã nghe rõ câu thơ, lên tiếng chất vấn người chồng:
- Tôi quê mùa dốt nát, chẳng biết hai câu thơ là của ai hết.
- Của ông Tú Vị Xuyên đấy.
- Ông Tú Vị Xuyên, tôi nào biết.
- Ông Tú Vị Xuyên tức là nhà thơ Trần Tế Xương . Tôi không đủ trí nhớ để nhắc bà về ông Phan Khôi ngày trước sáng tác bài thơ Tình Già, tôi chỉ sáng tác theo trí tưởng tượng:
Tình xuân thoắt đã thấy tình già.
Rực sáng bình minh rộ nở hoa.
Yểu điệu khoan thai tà áo trắng,
Liêu trai huyền ảo ánh trăng ngà.
Tóc ngời mai mốt nay sương bạc,
Ánh mắt tinh mang kính chói lòa.
Xuân sắc mùi hương tan biến mất.
Khao khao nghễnh ngãng bóng chiều tà.
Nghe xong bài thơ, bà Đồ im lặng một lúc, đoạn thốt lên hai câu thơ lục bát:
“ Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham về cái bút cái nghiên anh đồ.” Câu thơ ám chỉ: lấy chồng, cô gái chẳng thích con nhà giàu, chỉ thích được làm vợ, làm dâu gia đình con nhà nghèo, thanh bần như anh đồ.
“ Ruộng cả ao liền” ai ham chứ tôi thì không. Tôi chẳng ham tiền bạc của cải. “ Ruộng cả” là đồng ruộng rộng lớn mênh mông, cò bay thẳng cánh, rộng hàng chục, hàng trăm mẫu tây lẫn mẫu ta. “ Anh cả “ là người anh lớn nhất nhà, “ con dâu cả” là người con gái lấy người đàn ông lớn nhất làm chồng trong gia đình( trừ cha mẹ?) là anh em chị em, “sông Cả” là sông lớn thuộc miền Bắc Trung Bộ( sông Mã, sông Cả, sông Gianh), “ đèo Cả” là một ngọn đèo lớn, ranh giới của tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa; “ Chí cả” là chí lớn; người có “ chí cả” là người nuôi hoài bão lớn có dựng được nghiệp lớn như Bình Định vương Lê Lợi. Là giống anh hùng người Việt noi chí cao( Chí cả) “ Ao liền” là ao rộng nước sâu, thả bèo thả rau(muống) nuôi cá.
“ Anh đồ”là người học trò, anh học trò ngày trước, theo học chữ Nho tức chữ Hán bằng tôn sư làm thầy dạy, trước hết học làm người “ tiên học lễ, hậu học văn”. Hầu hết gia cảnh anh đồ anh học trò đều là hàn vi thanh bạch cốt lấy đạo thánh hiền làm gốc, không lấy vàng bạc làm lý tưởng, lấy bút nghiên viết trên sách vở học trò.
Ông tiếp tục nói, lợi dụng tối đa người bạn đầu ấp tay gối, bàn tay phải chầm chậm di chuyển từ phần trên của bộ phận thân thể xuống phần dưới, một bàn tay bị bàn tay phải khác bất thần nắm chặt bóp mạnh khiến ông thúc thủ nằm yên bất động. Bà Đồ cất tiếng nửa cảnh cáo nửa bông lơn:
“ Này ông đồ tỉnh, ông đồ say,
Sao ông chọc ghẹo giữa khuya này?
Ông ơi tớ bảo cho mà biết:
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay.”
Buông hất bàn tay phiêu lưu mạo hiểm ra, bà Đồ ra lệnh:
- Bây giờ ngủ tiếp đi, đừng quậy phá nữa. Ngày mai còn phải đi tảo mộ nữa.
Ông Đồ nén tiếng thở dài, cụt hứng. Ngày mai, cả nhà lại phải đi tảo mộ. Đã bao nhiêu năm, cả nhà vẫn mỗi năm tảo mộ chỉ mỗi gia đình hai người, một chồng một vợ. Gia đình ông Đồ chỉ có hai anh em, ông Đồ người anh, một gia đình khác là anh em chú bác. Đường công danh sự nghiệp giòng họ nhà ông Đồ gặp nhiều gian nan trắc trở: ông Đồ giật được giải cử nhân, ông em ông Đồ chỉ giật được mảnh bằng Tú tài, hoạn lộ chẳng ra chi, lại thêm thời buổi Nho học bước vào lúc suy tàn. Cố gắng gìn giữ nhà từ đường, ông Đồ bám trụ mảnh đất hương hỏa của cha ông chăm lo hương khói mồ mả, thực chất chẳng có gì; gia đình ông em sớm tìm tha phương cầu thực tìm kế sinh nhai đi làm ăn phương xa, lãng quên ngày Tết giỗ chạp. Năm tận tháng cùng, vợ chồng người em chú bác nhờ người nhắn lại gia đình ông anh lo chăm nom tảo mộ những người đã khuất, cuối năm không thể về quê viếng lại chốn xưa làng cũ. Ba năm trôi qua, gia đình ông em con chú con bác coi như đoạn tuyệt quê hương không hẹn ngày về, bỏ mặc phần mộ cha ông. Lẽ tất nhiên ông Đồ có bổn phận trông nom mồ mả. Kể từ giờ phút này, vong hồn người chết đã được đầu thai hay chưa, chỉ biết “ máy huyền vi mở đóng khôn lường.”

1.-” Năm nay mai lại nở,
Vẫn thấy ông Đồ xưa,
Nhưng mùa đông năm cũ,
Ngoài trời lất phất mưa.

2.-Ngồi trên ghế gỗ thấp
Bộ hành qua ai hay.
Trời mưa phùn gió bấc,
Cuối mùa lá chết bay.

3.-Ông Đồ chăm chú đọc
Liễn đối, sách tử vi,
Mưa lạnh bay nghiêng dọc,
Khách hờ hững bước đi.

4.-Vàng son đừng tiếc nữa,
Vang bóng đã một thời.
Xuân kia ngoài ngưỡng cửa
Lòng thanh thản rong chơi./.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.