May 19, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Cảm Nhận Từ Thơ Thy Lan Thảo
Thy Lan Thảo * đăng lúc 10:57:46 AM, Dec 11, 2009 * Số lần xem: 1191

 

                                          *


      Gần mười năm qua, đôi khi tôi được đọc những bài thơ giàu tình cảm quê hương và đẫm tính cách đấu tranh trên một số báo chí, dưới ký  tên Thy Lan Thảo, một bút hiệu có vẽ của một nữ sĩ.

Nhờ  một duyên may hôm nay tôi nhận được thi tập Thơ Thy Lan Thảo xuất bản năm 2003. Quả là một tình cờ đáng yêu, đáng nhớ và rất bất ngờ. Tập thơ nầy có bìa màu xanh láng và bức tranh màu vẽ khá đẹp, giàu ý nghĩa, phù hợp với nội dung của họa sĩ Trần Cang.Trong tập thơ nầy cũng có hai bức tranh mầu và phụ bản cùng thư họa của họa sĩ Vũ Hối

      Có  hai bài giới thiệu của Hồng Phan và M.H Hòai Linh Phương như phần tựa và trích đọan thư gửi của Hòang Châu như bài Bạt.Thi tập dày trên 170 trang, chữ  khổ đậm đọc rõ và rất ít lỗi chính tả.

      Tôi  nghĩ các bạn anh đã viết giới thiệu tưởng quá đầy đủ và thơ anh thể hiện một cách giản dị và trực tiếp nên hầu như chẳng còn gì nói thêm. Nhìn chung thấy chỉ có hai thể thất ngôn tứ tuyệt phân đọan và thể tám chữ vần liền mà sau thập niên ba mươi của thế kỷ hai mươi ở nước ta có nhiều người gọi là thơ mới sau bài Nhớ Rừng của Thế Lữ.

      Riêng tôi nhận thấy có thể chia làm năm mạch thơ  của trường giang thi tứ Thy Lan Thảo. Các dòng suối  ấy hay những nhánh sông con nọ hợp thành một dãy vận hà chuyên chở ý tình của anh. Đấy là Lý Tưởng Chiến Đấu, Tù Đày, Quê Hương Gò Công, Tình Bạn và Thân Nhân của anh.

      Tôi xin trích giới thiệu theo chủ quan  một số  câu để bạn đọc có một ý niệm khái quát nội dung tư tưởng  thơ Thy Lan Thảo mà sợi mạch xuyên suốt của thi phẩm chứng tỏ anh vẫn là một chiến sĩ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa kiên cường và sắc son hy vọng.

      LÝ  TƯỞNG CHIẾN ĐẤU

      Tấm lòng của Thy Lan Thảo luôn luôn ngời ánh lửa sáng ngời nhiệt tình từ huy hiệu của quân trường và  phân biệt rõ ràng ta địch dù đang cầm súng hành quân hay trong các trại tù gian khổ hoặc đang sống nơi xứ người

      Ngay như đối với thân nhân, bằng hữu nhiều khi anh vẫn phơi tỏ can tràng và nêu lên lý tưởng hết sức tự hào. Anh có nhận thức qua lịch sử  bi hùng của dân tộc:

      …Trải bao tai biến người dân Việt

      Vẫn vững niềm tin trọn ước mơ

            ( Có Phải Là Mơ  )

      Trong bài Cờ Vàng Sẽ Bay, tôi thích chữ trắng vì  vừa nói được tấm lòng trong trắng thanh sạch lại nói được cụ thể là cái đói rỗng trong bụng của những người lam lũ bần cùng trong xã  hội:

      …Mảnh chai giấy vụn như nghề sống

      Nắng gió buồn hiu, trắng cả lòng…

      Tác giả mhớ lại cuộc hành quân rút lui của Quân  Đòan 2 theo tỉnh lộ 7B từ Pleiku qua Cheo Reo rồi tới Tuy Hòa mà anh là chứng nhân:

      …Hai mươi năm rồi lộ 7B

      Sắt son ai giữ được câu thề

      Bao giờ rửa được hờn sông núi

      Hay vẫn chìm quên trong lãng mê?

      ( Hai mươi Năm Rồi Tỉnh Lộ 7B)

      Niềm tin của anh vào chính nghĩa trở thành vàng đá của  đời sống sau năm 1975 và được tôi luyện thử  thách bất cứ ở đâu và lúc nào:

     “Vững niềm tin mưa gió của trời đông

     Cũng phải nhường nắng ấm mát xuân hồng

     Cờ máu kia thay bởi lá cờ vàng

     Trả nắng ấm cho miền Nam nước Việt

            ( Không Thể Quên)

      Đại bi kịch của cuộc triệt thóai Tây Nguyên trở thành nỗi ám ảnh không dứt:

      …Tự nguyện hiến dân đời gió bụi

      Diệt thù dành lại chữ tự do

      Bốn vùng chiến thuật chân không mỏi

            Lòng vẫn yêu say mộng hải hồ…

            ( Oan Khúc Sông Ba)

      Nhiều khi đọc thơ Thy Lan Thảo tôi có cảm tưởng tác giả là khách chinh phu đã từng Thét roi cầu Vị  ào ào gió thu và niềm lạc quan tin tưởng của anh như hai vầng nhật nguyệt mùa xuân:

      Hơn nửa đời dù xác thân mục nát

      Một chút lòng ta gửi gió bốn phương…

            ( Quê Hương Rồi Sẽ  Đẹp)

      Như  con chiến mã xông pha trăm trận nay phải ở  trong chuồng hẹp luôn nhớ lại thảo nguyên, lam sơn và thanh tuyền, vó gõ gộp cộp vào đường khuất vườn nhà và lạnh lùng hí lên giữa mùa đông tuyết trắng xóa chân trời. Tráng sĩ không còn mài kiếm dưới trăng mà bụi thời gian che khuất tầm nhìn, nên lòng tràn hòai niệm:

      Cung kiếm rỉ hoen sầu viễn xứ

      Bao giờ trở lại với quê hương

      Dặm xa tóc đã phai màu nắng

      Áo vẫn còn hoen vết bụi đường.

            ( Tuổi Vẩn Còn Buồn )

      THÂN PHẬN TÙ ĐÀY

      Như  tên một cuốn sách của Tạ Tỵ, những ngày sống trong lao tù của Cộng Sản đúng là trong đáy địa ngục.Chúng hành hạ về thể xác, bóp méo nhận thức, hết sức vu cáo, lý luận thì ấu trĩ và võ đóan theo chủ quan và nhản quan chánh trị một chiều và triệt tiêu cả đời sống tình cảm và tâm linh.

      Mời các bạn đọc vài trích đọan:

      Nắng ngã bên kia triền núi dựng

      Thu gom củi đốn kéo về thung

      Bứt lá vang rừng nhai thấm giọng

      Hướng mắt trời Nam đắng cả lòng…

            ( Đốn Củi Nam Hà )

      Bây giờ đất lạ đông băng giá

      Không thấy rét lòng như thuở xưa

      Trời Hà Tây mùa đông kéo cá

      Da bọc xương, sẫm tím gió đùa

                  ( Lạnh )

      Buổi tối xe tù chuyển ra Tân Cảng

      Mỹ  Phước Tây, từ giã Mỹ Phước Tây

      Địa ngục trần gian trói chân phiêu lãng

      Rũ  cờ buồn đau xót mắt vương cay…

            ( Trên tàu Sông Hương )

      Cho tù ăn giống như chuyện giởn

      Bắt tù làm như máy vô tri

      Đêm đêm kiểm điểm ngối bắt ớn

      Một thuở hoa niên tuổi xuân thì…

            ( Xanh xao Tuổi Buồn (

      QUÊ  HƯƠNG GÒ CÔNG

      Theo tôi, Thy Lan Thảo thành công hơn cả khi anh viết về  quê hương và gia đình. Đó là những câu dung dị, chân chất và phong phú nhất.Thể hiện được ý tình về nơi sinh thành và bày tỏ tình cảm đằm thắm, thiết tha với thân nhân như anh đã khiến lòng tôi xúc động.Mảng tình cảm nầy thật đa dạng và cụ thể. Viết như vẽ ra, bầy ra và chứng tỏ có kiến thức cao về sinh họat miền quê.

      Anh cho biết tỉnh Gò Công là một tỉnh cũng trù  phú và chiến tranh hầu như không có mặt tại miền nầy dù hai tỉnh kế cận luôn luôn có  những trận chiến ác liệt. Tác giả yêu quê  hương mình qua cánh đồng, những rau gia vị, các món  ăn:

      Nhớ  đến quê mình sau vụ lúa

      Đất đồng hoang nẻ, nắng lung linh…

            ( Chuyển mùa)

      Con cá rô mề kho củ cải

      Dĩa rau dền luộc, ớt sừng trâu

      Trời mưa mát đất cây đơm trái

      Cơm buổi chiều hôm ấm ngọt ngào…

            ( Nhớ Cơm Nhà )

      Miếng đất quanh nhà rau quê hương

      Ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng

      Thêm  ít giá, cà chua, xà lách

      Bia uống sao bằng đế Gò Công…

            ( Thấm đậm lòng Con)

Và đây cũng là một chủ quan dễ thương: 

      Đầu năm thắm sắc mai vàng nở

      Thương nhớ Gò Công đâu riêng ta…

            ( Thư Xuân Gửi Muội )

      Tình yêu của Thy Lan Thảo cũng phảng phất, pha trộn với tình quê hương dằng dặc:

      Em trưa mùng một, anh giao thừa

      Xuân muộn mà xuân đã đến chưa?

      Gió  chướng Gò Công em có nhớ?

      Một mùa xuân cũ rất xa xưa

            ( Xuân Tha Hương )

      TÌNH BẠN VÀ TÌNH ĐỒNG NGŨ

      Tác giả có hai lớp bạn: bạn quê hương và bạn cầm súng. Ý thơ của anh dàn trải, nhắc nhớ kỷ niệm và nhớ thương không cùng làm chúng ta xúc động về một thế hệ trong bối cảnh chiến tranh kéo dài mười lăm năm. Kẻ ra đi vĩnh viễn người ở lại với niềm tưởng vọng triền miên. Nỗi xa cách thêm nặng cảm hòai. Tân Thành như một điểm linh tưởng chan chứa sầu thương.Mời bạn đọc tiếng lệ vừa vang lên trong tâm cảm của một chàng trai nặng tình nghĩa:

      Bích ơi! Nhắc nhớ làm sao hết

      Đất khách quê người gặp thấy vui..

      Ta ở nhà ta mà đất khách…

            ( Đất Người Gặp bạn )

    Mấy đứa bạn trai, đứa còn, đứa mất

    Thằng Đỉnh,thằng Tòan chết tuổi hai mươi

    Thằng Hùynh, thằng Sơn…tù đày Việt Bắc

    Đứa vượt biên, đứa ở lại ngậm ngùi…

      ( Hôm nào thăm lại trường xưa)

      Thật là một cuộc điểm danh đầy ảo não! Rồi anh tuôn lệ cho ngày tử biệt:

      Mỗi lần tin bạn đau buồn đến

      Tao khóc riêng tao, ứa tủi đời …

            ( Nghĩa Tình Vẫn Nhớ)


      Rồi anh hẹn ước với các người bạn đang sống mòn mỏi ở quê hương song chưa có nhật ký  hồi hương chắc chắn vì tổ quốc vẫn còn bị tòan trị bởi một Đảng tự cho mình cái quyền lãnh đạo mãi mãi:

      Kẽm  ơi, mai mốt tao về lại

      Khô  cá sặt rằn mày đãi tao

      Rượu Gò Công xóa buồn oan trái

      Cụng ly mày cho thỏa lòng nhau

            ( Nhớ lắm bạn xưa)

      Gò  Công là miền đất mơ và Tân Thành là  khung trời viễn mộng luôn luôn hiện hình trong tâm thức dẫu cả ban ngày:

      Về  Tân Thành, tôi mê hay tôi tỉnh

      Anh đừng buồn tôi nhắc chuyện trong mơ

            ( Sao Vẫn Là Mơ )

      THÂN  NHÂN

      Một phần nội dung của tập thơ để mô tả cảm nghĩ về thân nhân mà anh rất coi trọng. Tấm lòng hiếu để, trái tim chung thủy và sự tôn kính chân thực được thể hiện khá xuất sắc. Tuy có ước lệ song sự thành thực làm người đọc thông cảm, dễ dàng chia sẻ cùng anh. Phần nầy tôi trích dẫn hơi dài vì muốn người đọc biết anh nghĩ ngợi và rung động ra sao đối với từng người:

      May mà em đợi từ tiền kiếp

      Thuở  đất trời chưa nổi hôn mê

      Chút  ấm mắt đời tươi tha thiết

      Tình em ý đẹp nghĩa phu thê…


      Em thêu lành áo năm xưa rách

      Trọn  ý tình ríu rít đôi chim

           ( Em Thêu Áo Mặc Ấm Đời Anh )

      Chị  ơi! Em vẫn chưa về được

      Chị  gắng thay em chuyện cửa nhà

            ( Lòng Em Gửi Chị )

      Vẫn Mong Gặp mẹ trong thương nhớ

      Đất tạm dung buồn tím cả lòng…


      Buồn quá xứ người nuôi thương nhớ

      Tin ba nằm xuống con trong tù

      Được tin mẹ mất trời đông giá

      Mất hết đời con đen tháng tư…

            ( Mẹ Đến Trong Mơ )

      Hình như có chút hơi tay mẹ

      Trăn trở con khô giữa nắng hè

      Tất cả tâm lòng cho con trẻ

      Mẹ  chờ mẹ đợi bước con về…

            ( Thâm Tình Con Nhận)

      Ngọai với mẹ luôn là thơ là nhạc

      Con chỉ còn tìm trong kỷ niệm xưa

      Năm mươi mấy tuổi nghe lòng tan nát

      Ngọai, mẹ bây giờ xin hỏi gió mưa

            ( Vẫn Thực Lòng Ta )

      Mai về thăm lại quê hương cũ

      Lối bước năm xưa, cỏ vệ đường

      Mắt em chắc sẽ mờ sương lệ

      Bởi thấy quanh mình cảnh cũ vương

            ( Vết Cũ Còn Vương)

          Ngày vào lính ba buồn nhưng ý khác

         Con đi xa đời trắc trở chênh chông

         Ba rõ hiểu đời trai là gan mật

         Phải gió sương mới rõ nghĩa phiêu bồng…

            ( Viết Cho Ba Ngày Father’Day)

      Như  tôi đã viết nội dung thơ Thy lan Thảo chia làm năm nhánh. Chúng ta cũng có thể gọi đó là đóa hoa mai hay là năm cánh của một ngôi sao. Hoa thì rực rỡ ngát hương trong tân xuân, còn ngôi sao lấp lánh trên bầu trời trung thu.

      Về  kỷ thuật dựng của Thy Lan Thảo quả có công phu. Sự sắp đặt niêm vần khá tự nhiên nên có nhạc tính. Rất ít vần thông mà thường là chính vận. Song đôi khi có hơi lạc vần như Rưng rưng vần với tình thân trong bài Nhớ Bạn Ngày Xưa.

      Tôi biết anh sáng tác khá nhiều thể thơ khác. Tôi không thấy anh cho biết sẽ in trong thời gian tới các thi tập mới. Rất mong anh lại cho ra mắt sớm các tập thơ nữa mà tôi tin sẽ được hoan nghênh. Tôi lại nghĩ: Anh nên đặt tên cho tập thơ như thi tập nầy. Chỉ trong trường hợp anh in tuyển tập thì anh lấy tên giản dị như Thơ THY LAN THẢO.

      Xin tri ân anh đã gửi tặng tôi thi tập nầy. Cảm phục ghi nhận một ý chí kiên cường của một chiến hữu. Thích thú biết bao một tâm hồn quê hương thắm thiết! Hân hạnh được làm quen với anh, một nhà thơ đầy triển vọng ở hải ngọai. Và mong chiến sĩ tiếp tục lên đường với nguồn nghệ cảm và sẽ thành công rực rỡ hơn nữa…


            HÀ  TRUNG  YÊN

Thành Tân Cơ bang Lê Gia Hoa Kỳ thu Giáp Thân 2004
 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.