Dec 02, 2024

Tùy bút - Bút ký

Viễn Du
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 01:46:22 PM, Dec 06, 2009 * Số lần xem: 2175
Hình ảnh
#1

 

 

                  (Nhớ lại, Dũng mỉm cười. Sau bao nhiêu năm, chàng vẫn ở nguyên chỗ cũ. Núi non bộ với những kẻ chăn trâu, những ngôi chùa, những tiều phu bằng đất nung, chàng không thấy có gì là thần tiên nữa, có vẻ ngờ nghệch vụn vặt trẻ con. Đôi Bạn- Nhất Linh). 

     “Ngay từ lúc còn nhỏ, chàng đã có ý muốn dời khỏi nhà để đi tìm cảnh Đào nguyên đẹp đẽ”. “Chàng” là nhân vật cột trụ, Dũng. Ngay từ lúc còn nhỏ Dũng đã chẳng say mê gì cuộc sống, một cuộc sống đơn điệu, buồn chán, ngày tiếp nối ngày êm ả tựa dòng nước chảy qua tảng đá phủ rêu. Dũng muốn đi tìm một nơi thật xa thật xa, một thế giới khác, xuất hiện nhiều sinh linh hiện hữu lạ: thế giới tiên, một thế giới không có chiến tranh, không hận thù, không tranh chấp, không ganh tỵ; thế giới thần tiên chỉ biết sống hiền hòa, thời gian và không gian không phân biệt, không ngày không tháng không năm không thế kỷ, chỉ biết vui chơi không biết không nghe “lao động là vinh quang”, nhất là không nghe không biết cái khổ, cái già, cái bệnh đặc biệt cái chết. Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, câu thơ Vương Thiên Tường chỉ dành cho những ai từng thuộc thơ của Đỗ Phủ. Suối nguồn là của chung, ai ai cũng có thể tắm mát, rừng tùng xanh bất tận là bất động sản không của riêng ai, bất cứ khách lạ nào cũng có thể nằm dài trên bãi cỏ, có khác chi thời cộng sản nguyên thủy sơ khai, tất cả thuộc của riêng nhưng là của chung tất cả.

Nhưng rồi Dũng phải lớn lên, phải học hành từ lớp sơ học, rồi tiểu học, rồi từ giã gia đình lên tỉnh học. Nhà văn Nhất Linh không nói Dũng đang theo học lớp nào bậc trung học, chỉ biết Dũng phải bỏ học vì có xáo trộn trong giới học sinh. Một số học sinh bị sở Liêm Phóng bắt vì có liên can trong mấy vụ kín xách động nhà trường đồng loạt bãi khóa. Sợ bị liên can tới tận gia đình, ông Tuần Nguyễn văn Thiệt người cha của Dũng vội vã gọi Dũng về nhà sống với gia đình dễ bề trông nom kiểm soát. Ông Tuần không thích người con tham gia dây mơ rễ má vào chính sự.

“Núi non bộ với những kẻ chăn trâu, những ngôi chùa, những tiều phu bằng đất nung, chàng không thấy có gì là thần tiên nữa, có vẻ ngờ nghệch, vụn vặt, trẻ con”. Truyện thần tiên của trẻ con bao giờ cũng giàu tưởng tượng sáng tạo. Truyện thêu dệt mô tả những lý tưởng không bao giờ có trong thực tế. Những tiên ông, tiên nữ, tiên chúa, tiên bà hóa ra chỉ là những tượng đá vô tri giác, thần tượng sụp đổ từ khi biết Dũng đã trưởng thành khôn lớn, biết suy nghĩ chín chắn, biết đắn đo cân nhắc. Theo Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, người trong nước tưởng người ngồi trên ghế là tiến sĩ thật, “ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe”, hóa ra là tiến sĩ bằng giấy,” tưởng rằng đồ thật, hóa đồ chơi” chỉ làm hư vị bù nhìn.

Năm 1958, tôi được vào năm thứ nhất trường Đại Học Sư phạm. Bộ Giáo Dục còn cho ba sinh viên, một thi đậu thủ khoa, một thi đậu nhì và một thi đậu ba được du học sang Pháp tại đại học Sorbonne. Vì chỉ đậu hạng thứ tư nên tôi lọt sổ. Sinh viên đậu đầu là Lê tấn Lộc, thứ nhì là Nguyễn văn Tốt, thứ ba là Nguyễn thị Lệ Quyên, tất cả ba đều lập thủ tục hồ sơ lên bộ Giáo Dục chờ ngày xuất cảnh du học. Riêng Nguyễn Châu, một sinh viên từ Huế cũng vô Sài Gòn để nộp đơn thi sư phạm. Kết quả: Nguyễn Châu đậu hạng cuối cùng. Xin quý độc giả đừng thắc mắc tại sao liệt kê làm chi những danh sách sinh viên thi đậu vô ngành sư phạm cao thấp làm chi, đậu cao hay đậu thấp là tốt rồi. Xin thưa, tôi phải kể lể nhiêu khê dài dòng như vậy cốt để quý độc giả thấy những người được bộ Giáo dục cho đi xuất cảnh du học là những mầm non đầy hứa hẹn của đất nước, kể cả ngườI trúng tuyển cuối cùng trong đợt thi tuyển đầu tiên vô trường đại học sư phạm. Học được một hai tháng, đột nhiên Nguyễn Châu xin đổi về Huế tiếp tục học môn sư phạm và rồi được linh mục Cao văn Luận đồng ý cho Châu sang Pháp du học.

Sau ba năm học đến năm 1961, tôi tốt nghiệp ra trường. tôi hơi lo vì nghe đâu Ty Công An tỉnh Khánh Hòa, huyện là chi Công An Phú Vinh giao cho chi trưởng Công An có đồng ý chấp nhận tôi làm giáo sư trung học đệ nhị cấp tại trường Trung học công lập Võ Tánh không. Sở dĩ tôi hơi lo bởi trước đó cách nay trên mười năm lúc tôi còn là một học sinh bậc tiểu học rồi trung học tôi đã hai lần bị ty Công An bắt vì tội “ chống phá chính phủ” Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng mà ai biết được bụng dạ của mấy ông công an, rủi một ngày đẹp trời nào đó mấy ông “ bạn dân” nổi hứng ghi vào hồ sơ sổ đen của tên tội phạm là tôi thì sao?

Tôi nói lên nỗi ưu tư ấy cho người anh ruột, thứ Sáu, lúc bấy giờ hiện đang làm lục sự tại tòa án sơ thẩm Khánh Hòa. Nghe nói vậy, ông anh trấn an:

Chắc không có đâu. Hoạt động cho bọn đó lâu quá rồi.
Cũng may, chính quyền công an im hơi lặng tiếng và như vậy, tôi được bổ dụng vào ngạch giáo sư trung học đệ nhị cấp hạng tư.
Mãi bốn năm sau, tôi mới chịu lập gia đình cùng với mẹ tôi. Sở dĩ tôi phải lấy vợ khá trễ như vậy vì tôi cứ “lơ lửng con cá vàng”. Mẹ đã từng đánh tiếng ngỏ lời nhiều lần từ những gia đình có con gái, muốn tôi làm rể tại nhà này, rằng con gái nhà này là con gái độc nhất không có con trai, về làm rể tha hồ được cưng được chiều; rằng gia đình ấy là gia đình buôn bán, biết lo làm lo ăn, sau này làm rể tha hồ dành dụm làm giàu. Riêng tôi, một mực lãnh đạm, một mực dửng dung. Về sau mẹ tôi đành chào thua, chọn ngày lành tháng tốt, rước bông hoa biết nói về nhà cho xong yên bề gia thất. Không nói ai cũng biết, lúc vị hôn thê của tôi lên xe hoa, khá nhiều người đều tiếc rẻ ngẩn ngơ, bởi lẽ mặc dù hoa đã có chốn, người con trai vẫn còn nhen nhúm nuôi hi vọng dù nhỏ nhen mong manh: tuy “vườn hồng đà có lối” nhưng vẫn chưa hoàn toàn thuộc về tay ai cả.

Rồi tôi cặm cụi tiếp tục hàng ngày lên bục giảng, trường công lẫn trường tư cho đến năm 1968. Một thông báo của trường trung học Võ Tánh gởi đi từ Nha Du học cho biết Trung Tâm Văn Hóa Đức đường Trần Quý Cáp có tổ chức dành cho giáo sư muốn học tiếng Đức tại Munich, thời gian bốn năm. Sau khi tốt nghiệp về nước, giáo sư sẽ không dạy bộ môn chính nữa mà sẽ phụ trách môn Đức ngữ. Giấc mộng viễn du từ bấy nay ngủ yên, mái ấm gia đình đã có, nay bỗng nhiên thức dậy. Tôi muốn thử phiêu lưu đi xa một chuyến, đi cho biết đó biết đây, ở nhà với vợ biết ngày nào khôn. Biết thông báo việc du học còn thời gian thong thả hơi lâu một tháng nữa, tôi mới xin đơn du học nộp cho nhà trường, sau đó nhà trường giao lại cho nha Du Học, nha Du học mới chuyển hồ sơ đến Trung Tâm Văn Hóa Đức đường Trần Quý Cáp, gọi tên Trung Tâm là Goethe Institut. Nộp đơn xong tôi thầm nghĩ bụng: ví dầu nước Cộng hòa Liên bang Tây Đức chấp nhận cho tôi được cho đi du học bốn năm, thời gian tôi vò võ sống bên trời Tây xa nhà xa mẹ già, xa vợ trẻ con thơ chắc chắn tôi phải nhớ nhà, nhớ vợ thương con, nhưng nếu tôi cứ an phận du dú trong xó nhà, sớm dắt xe đi, trưa dắt xe về, đời tôi được Hóa công sắp xếp an bài trong ngõ cụt không lối thoát. Đã hơn một lần tôi tự vấn, tôi chỉ mới ngoài tuổi ba mươi, sao tôi đã dễ dàng chấp nhận của một ông giáo tỉnh lẻ? Tôi nói với vợ tôi điều tôi hoài bão ấp ủ bấy lâu cho nàng nghe. Nói nào ngay nàng cũng không bày tỏ ý kiến gì, thuận hay không thuận, chỉ nghe nàng nói du học bên Cộng hòa Liên Bang Tây Đức những bốn năm, kể cũng khá lâu, la vie, c’est l’attente, sống là chờ đợi. Tôi cũng biết bốn năm chờ đợi khá lâu, nhưng tôi thiết nghĩ đời còn dài, tương lai cũng không đến nỗi tăm tối, thôi thì ráng đợi: suy nghĩ lạc quan!

Năm ấy là cuối năm Đinh Mùi, cuối năm 1967. Thiên hạ đồng bào rục rịch chuẩn bị đón xuân, những mùa xuân tiếp tục khói lửa kể từ mười hai năm, sau khi chiến cuộc kết thúc do hiệp định Genève 1954. Mùa xuân tiếp nối mùa xuân, tống cựu nghinh tân, tiễn năm cũ con Dê, rước tân niên con Khỉ. Vào ngày hai muơi ba tháng chạp, lúc ông Táo cưỡi cá chép về Trời, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa loan tin lệnh ngưng bắn toàn cõi miền Nam Việt Nam để toàn dân Việt Nam được hưởng xuân trong ba ngày Tết. Lực lượng vũ trang bên kia chiến tuyến nghe như mở cờ trong bụng, mùa xuân năm nay sẽ là mùa xuân đại thắng, tuy nhiên chính quyền thừa biết chắc chắn sẽ có vi phạm lệnh ngưng bắn, dù lớn dù nhỏ, dù ở mặt trận tuyến lửa tiền phương hay đồn bót lẻ tẻ hậu phương. Sau ba ngày Tết, đài phát thanh Sài Gòn cao giọng rằng thì là đã có một trăm bảy mươi bảy vụ vi phạm lệnh ngưng bắn; đài phát thanh bí mật của Mặt Trận Giải phóng miền Nam Việt Nam lại ra rả rằng vụ vi phạm lệnh ngưng bắn là do bọn tay sai “Mỹ Ngụy” đã hung hãn hiếu chiến gây sự khiến bộ đội và nhân dân ta buộc phải bắn trả tự vệ.( Chiêu bài Mặt Trận này tôi vốn biết rõ từ năm...1959: trên con lộ nhỏ từ đường Chi Lăng lên cổng trường Đại Học Đà Lạt, không rõ chính quyền địa phương nào đã hăng hái dựng lên một bảng khẩu hiệu tuyên truyền màu xanh sơn đỏ viết chữ rất ư cẩu thả nhếch nhác: Đả đảo Mặt Trận Côn Đồ Giải Phóng Miền Nam, có một số nhân vật bất mãn với chế độ miền Nam Việt Nam đã trốn vô bưng hợp tác với Mặt Trận như giáo sư Nguyễn văn Kiết, luật sư Nguyễn hữu Thọ làm chủ tịch Mặt Trận, bà Nguyễn thị Bình bộ trưởng ngoại giao(!), Trương như Tảng bộ trưởng bộ Tư Pháp(!), bà Dương Quỳnh Hoa bộ trưởng bộ Y Tế. Tôi vẫn chưa quên thân hình khỏng kheo, bột mặt khó đăm đăm mang kính trắng thắt cà vạt làm giám khảo kỳ thi vấn đáp Tú tài II môn Pháp văn của thành viên ban Mặt Trận sau này. Ông hỏi một câu:”Quelle est la difference entre Racine et Corneìle?” Bà nguyên bộ trưởng bộ ngoại giao của Mặt Trận hiện đang làm bộ trưởng bộ Giáo Dục sau năm 1975 nhân một khóa chính trị & nghiệp vụ do Ban Giáo Dục Thành phố tổ chức, bà cùng phái đoàn có ghé lại thăm dân cho biết sự tình. Bà ăn bận đơn sơ giản dị, không trang điểm không son phấn lòe loẹt diêm dúa, chỉ một bộ đồ bà ba đen không biết bằng vải ú hay bằng lụa tuýt xo.
Nhân dân Việt Nam vốn từ lâu không xa lạ gì với truyền thông vi phạm lệnh ngưng bắn trong ba ngày xuân. Một nhân vật khét tiếng chống Cộng đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng “ đừng nghe những gì Cộng sản nói; hãy nhìn những gì Cộng sản làm”. Quả thực những người Cộng sản rất cay cú rất tức giận khi nghe đồn đãi loan truyền những cảnh giác trên, nên chỉ có nước là giả tảng giả lờ như điếc như khiếm văn những ngôn từ rất đáng đồng tiền bát gạo, chiến dịch tuyên truyền này cũng rất được những nhà “ tâm lý chiến “ của phe bên kia tâm đắc khi quân đội Mỹ tuần tự rút lui gọi là Việt Nam hóa chiến tranh, nhường chỗ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa tự lực chiến đấu. Những nhà “ tâm lý chiến “ ra rả rằng cuộc chiến chẳng có gì đổi khác, rằng lính Mỹ chết chẳng khác chi binh sĩ Cộng Hòa thiệt mạng, có khác là khác thay đổi màu da trên xác chết mà thôi.

Tôi một mình dạo quanh một vòng chợ hoa. Trời cuối đông tiết trời se sắt lạnh, không khí khô ráo. Trên hè phố, những chậu hoa được trưng bày chào hàng choán cả lối đi những khách bộ hành:cúc vạn thọ, thược dược, hồng nhung, mai, cúc đại đóa, cúc tím, cúc kim, mãn đình hồng. Một số chậu cây không có hoa, như đinh lăng, trạng nguyên, cây trường sinh. Trạng nguyên lá đỏ cây xanh, trường sinh lá xanh thân nõn.

Tiệm kim hoàn Mỹ Kim, hiệu ảnh Tạ Duy Thính, hiệu buôn Hòa Lợi, Đồng Nhơn tấp nập người mua. Tôi liếc mắt, nhiều học sinh nam nữ công tư đều chạm mặt giáo sư chuyện trò ríu rít, ai nấy đều mang trên gương mặt lạc quan yêu đời chan hòa sức sống, tạm quên những bận tâm ưu phiền lo lắng cho cuộc chiến dằng co dai dẳng. Chủ nhật, những sinh viên sĩ quan không quân hải quân trung tâm huấn luyện Nha Trang cũng chan hòa góp mặt, nện gót giày cồm cộp trên hè phố, nhìn thiên hạ xôn xao sắm Tết Mậu Thân. Các đồng nghiệp cũng lang thang bách bộ nhìn thiên hạ chuẩn bị đón mừng xuân mới: thầy Túc, thầy Nhơn, thầy Lộc, thầy Nghi, thầy Phú, thầy Đào, thầy nào cũng chỉ dừng chân đứng lại ngắm hoa, sau đó lại bách bộ đi tiếp chợ Tết. Suốt dọc lề phố, tôi để ý không một bóng dáng hình ảnh” Ông Đồ” ngày trước của nhà thơ Vũ đình Liên của nền Nho học suy tàn, chỉ thấy rải rác vài người trải chiếu trưng bày những bộ lư đồng, những bộ thất sự, những lọ thuốc đánh bóng những bộ lư hương. Tôi nhớ những ngày còn nhỏ, lúc cha tôi còn sinh tiền, ông chuyên cần chăm sóc những chậu hoa đón Tết: một chậu cúc kim vàng tươi rực rỡ tựa một mâm xôi đơm kín chỉ nhìn thấy hoa, không thấy lá. Mấy chậu cúc đại đóa màu vàng như áo cưới của hai kiều e lệ khép nép. Cha tôi thường chê hoa vạn thọ: hoa không có vẻ gì là đẹp, trơ trẽn, vô duyên mặc dù hương vạn thọ vẫn thơm, màu hoa vạn thọ vẫn đậm đà. Người thượng lưu không chơi những loài hoa đó, chỉ dành riêng cho những người...nghèo. Hoa vạn thọ chỉ dành riêng cho những bệnh nhân cần được chữa trị bằng thuốc dông y.
Nhìn ngắm một cành mai núi e ấp nở cạnh những cành mai núi khác cũng đang e ấp, tôi có ý định mua một cành mai núi về chưng trong ba ngày Tết nhưng tôi chợt nghĩ: mua hoa e hãy còn quá sớm; mua về nhà, hoa sẽ nở rộ trước xuân cho mà xem, hãy hượm, hai mươi chín, ba mươi Tết hãy mua chưa muộn. Trên đường lấy xe về nhà, tôi lại lẩn thẩn đeo đuổi một ý nghĩ xem ra lẩm cẩm vô nghĩa: mai núi mọc ở Thủy Triều khác nhau thế nào mai biển mọc ven bờ biển, tôi không giải thích trả lời rõ ràng chóng vánh, mai núi với mai tứ quý khác nhau, tôi còn có thể phân biệt được.
Tôi chạnh nhớ người cha hiện giờ đã từ lâu khuất bóng. Ngày Tết đã qua từ lâu, mưa xuân lấm tấm. Tôi không gọi mưa phùn mà gọi mưa xuân. Đặc điểm mưa phùn chỉ rơi trên xứ Bắc, rét buốt, dai dẳng kéo dài ngày này tới ngày khác; mưa xuân chỉ có trên những xứ miền Trung sau dịp Tết. Mời quý độc giả nghe một câu văn ngắn trong bài tùy bút “ Tết mưa phùn” của nhà văn Nguyễn Tuân:”Dưới mái hiên, các công tử, các tiểu thư thơm tho sặc sỡ nhìn trời mà tiếc công sắm sửa từ mấy hôm trước.”( Nguyễn Tuân. Tết mưa phùn).
Thế còn tết mưa xuân, tôi sẽ phải làm gì? Tôi chỉ biết thở dài chép miệng, ngóng cổ nhìn trời mịt mù màn mưa phủ kín, mong sao trời mưa dứt hột nắng lên để tôi còn phải đi chơi hưởng xuân nữa chớ. Nhìn màn màn mưa im lặng phủ kín đất trời thấm ướt mặt đất triền miên dai dẳng, tôi thấy thực sự sốt ruột. Nhìn lên bàn thờ tổ tiên ông bà lung linh ánh đèn trầm hương nghi ngút, tôi thấy lòng tôi một chút ấm lại. Ông bà cha mẹ con cái giờ đây quây quần sum họp đông đủ. Lễ rước năm mới lúc này đã xong, tổ tiên ông bà chỉ cần vui hưởng trong mấy ngày xuân sau ngày hạ nêu hết Tết. Rồi thì cũng như cha tôi, như các ông các bà các chú các bác các cô các dì khác phải lạy vào những ngày giỗ chạp, tôi cũng phải lạy. Tôi nhớ vào dịp lễ trừ tịch giao thừa, tôi có bổn phận lạy bà nội tôi. Vào sáng đầu xuân mừng tuổi ông bà, tôi cũng có phải lạy như một bổn phận cháu con. Mừng tuổi ông bà? Tới tuổi bảy mươi, tôi vẫn còn là một đứa trẻ con ngu ngơ khi thấy đầu năm, con cháu mừng tuổi ông bà. Đối với tôi, một khi ông bà còn sống, việc mừng tuổi ông bà, chúc thọ bách niên còn có thể hiểu được, bao hàm một ý nghĩa; một khi ông bà khuất bóng, việc mừng tuổi ông bà khiến tôi không thể hiểu nổi.
Tôi để ý: cha tôi lạy vong hồn những vị đã khuất nhưng ông anh tôi dường như không bao giờ lạy, mà người cha cũng không thấy không nghe nhắc nhở anh tôi phải có bổn phận lạy. Mẹ tôi càng không phải lạy. Tôi đoán non đoán già rằng mẹ là dâu con trong nhà nên không phải lạy. Mà nói cho cùng, mẹ lo tất bật vào những ngày giỗ chạp, làm sao mẹ lạy dưới bàn thờ tổ tiên ông bà?
Thuở ấu thời, hiếm hoi họa hoằn tôi được nghe tiếng pháo trong lễ giao thừa. Trong giấc ngủ, tôi mơ màng nghe vọng tiếng pháo nổ ở bên kia sông làng Ngọc Hội, tiếng pháo bập bùng từ làng Phước Hải, thôn Thủy Xưởng bên kia sông, từ đình làng Vĩnh Điềm khi tiếng trống gióng giã rền vang cúng tế Thành hoàng,át hẳn tiếng pháo. Buổi sáng đầu năm, tôi cũng rất ít được nghe loạt pháo nổ đón chúa xuân.” Cuối ngõ, đầu thôn vang tiếng pháo”( Cô láng giềng).” Chợt nghe tiếng pháo vang cuối đường”( Tôi đi tìm lại một mùa xuân). Tôi nghĩ trong bụng: gia đình tôi không đủ khả năng tài chính mua tiền đốt pháo mua vui. Tôi tự an ủi: nghe pháo nổ là đủ vui rồi, cần gì phải đốt! Ấy thế mà có người lắm tiền không biết phải làm gì nên đã sẵn lòng mua pháo cho kẻ đốt(nhắm mắt, bịt kín hai tay!). Mùng một đầu nămcó người kiêng cữ, không dám xuất hành chúc Tết người thân bạn hữu, sợ thiên hạ dị nghị rông cả năm như đánh bạc thua, cháy nhà, gia đình mắc bệnh. Tốt hơn hết nên xuất hành ngày mùng hai, mùng ba Tết.
Vào ngày mùng một Tết, tôi nên làm gì cho hết thì giờ?- Cắn hột dưa, ăn mứt gừng, mứt bí, mứt dừa, hồng khô. Sau lễ cúng ông bà, gia đình chúng tôi quay sang chơi lô tô để thử vận hên xui tại phòng sạch sẽ ấm cúng của ông anh tôi là phòng lô tô. Đánh lô tô chỉ đánh chơi, không ăn tiền, khỏi lo mất tiền, nên độ mười hai giờ trưa, tất cả bỏ cuộc nghỉ chơi bởi chơi lô tô “ chơi “ dễ chán, cuộc chơi trầm trầm đơn điệu mất hào hứng. Tôi rời phòng lô tô( ông anh tôi lại nói “ phòng lô tô “ là “ thư phòng” cho có vẻ trang trọng; tôi nào biết “ thư phòng” có nghĩa gì), bước ra hiên nhìn màn mưa lất phất baytrong gió lạnh, tuy mưa chưa dứt hột nhưng tia nắng mặt trời vẫn xiên qua màn mưa tạo nên những vệt chỉ trắng. Một con chuồn chuồn màu rằn ri đơn độc chấp chới tả xung hữu đột lướt trong màn mưa. Cây hoa trang đỏ, hoa trang trắng, cây đinh lăng, cây trạng nguyên, chậu hoa cúc vàng, hoàng cúc, chậu hoa cúc trắng, bạch cúc, chậu vạn thọ, chậu thược dược đều sũng ướt dưới màn mưa.
Tiếng súng liên thanh nổ tiếp theo tiếng pháo giao thừa khiến người dân hơi chột dạ: tiếng súng nào có khác chi tiếng pháo âm vang ròn rã khi xa khi gần tạch tạch đùng như súng tiểu liên AK 47, lúc nghe như bên sông làng Ngọc Hội, lúc văng vẳng như bên thôn Thủy Xưởng, lúc nghe xa như bên kia đồi Trại Thủy bên cạnh dưới chân tượng trắng phật Thích Ca. Thi thoảng một hỏa châu chiếu rực sáng sau tiếng nổ trên không trung tối trời sau đó tắt ngấm. Tôi biết kể từ giờ phút này có biến. Lệnh ngưng bắn,( xin thưa, lệnh ngưng bắn không phải là ngưng chiến) trong ba ngày Tết Mậu Thân đương nhiên bị vi phạm, phe bên này đổ lỗi phe bên kia, phe bên này lên án phe bên kia là khiêu khích là hiếu chiến, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Lúc này không còn ai nghe pháo nổ đón chúa xuân nữa, chỉ còn nghe tiếng súng liên thanh, tiếng phóng lựu. Đến lúc rạng mặt người cuộc chiến nghe càng gần, tiếng súng càng ròn,đã quá rõ ràng, phe đối phương không còn là phe thế thủ nữa mà là phe thế công. Nói theo binh thao yếu lược phổ thong, không gì bằng tạo sự thái bình bằng cách gây chiến tranh. Tôi muốn nước nhà được thanh bình được thịnh trị, trước hết phải gây chiến, phải tạo cho được cái gọi là một cuộc cách mạng(Cách mạng nhung rất êm ái, không bạo động không đổ máu không chết chóc tại Tiệp Khắc năm 1989). Đế quốc Nguyên Mông thế kỷ mười hai mười ba đã giẫm nát Âu Châu khi các chiến sĩ Mông cổ ngày đêm nằm trên lưng ngựa không biết mệt mỏi bằng cách xâm lăng lục địa Châu Âu. Muốn “ bình thiên hạ” trước tiên phải thực hiện cho kỳ được bằng cách...” trị quốc”. Sẽ không có vấn đề “ tu thân, tề gia” của tầng lớp tam vô của giai cấp vô sản. Mở đài phát thanh Sài Gòn, dân chúng đều biết đây là một vụ, một biến cố tổng công kích Mậu Thân tràn lan khắp nước; trong một thoáng, tôi nhớ tôi biết vào ngày mùng bảy hạ nêu, tôi phải vô Sài Gòn tại trung tâm văn hóa Đức quốc để được phỏng vấn. Các bạn đồng khóa như Phạm ngọc Đảnh du học tại Đức đã về nước dạy học môn Đức ngữ; Chu Trọng Thuyết cũng đang du học tại Cộng hòa liên bang Đức chưa về Việt Nam. Du học tại Munich, tôi có thư từ thăm hỏi Chu Trọng Thuyết, và Thuyết đã trả lời. Thuyết đã tâm sự than thở rằng thì là đi du học xa nhà chỉ một mình vò võ, không vợ không con hàn huyên ấm lạnh, nhất là lúc mùa đông rét cóng, tuyết rơi phủ trắng đất trời. Thuyết kể lại một hôm trên chuyến xe buýt từ phố chợ về nhà, Thuyết tình cờ đứng bên cạnh một cô gái nước ngoài, Đức, Pháp, Áo, Hòa Lan không rõ, chỉ biết cô gái ấy vì đông khách nên có một sự động chạm nào đó, khiến người đàn ông du học xa nhà thấy bị kích thích tình dục( nhớ vợ xa nhà lâu ngày không có dịp chăn gối!) dương vật cương cứng. Lúc tới trạm dừng xe buýt, Thuyết phải xuống xe vì đã gần tới khu nội trú, một tay phải đút túi quần dài đè xuống của quý, chân vẫn đi lom khom nom thật bi hài . Ngoài ra, Thuyết còn mua một quyển sách tiếng Đức gởi biếu tôi chỉ cách thức viết thư.
Sau năm 75, một chuyện thương tâm trong gia đình Chu Trọng Thuyết được bạn đồng khóa Nguyễn Duy Diệm thuật lại trong chuyến ghe định mệnh vượt biên: cả gia đình vợ con Thuyết đều chui vô bụng cá:
Toàn bộ gia đình về chầu Hà Bá hết rồi.
Hà là sông, Bá là chủ, Hà Bá là chủ của sông, là vị thần trông nom quản lý một con sông, chịu thần phục nghe mệnh lệnh tuân hành Hà Bá.
Mùng hai tết từ sáng sớm, một nhóm người đàn ông có, đàn bà có, thanh niên lác đác kéo đến thành một hàng lên đến năm mươi người xuất phát không rõ từ địa điểm nào,có lẽ từ thôn Phú Nông qua làng Ngọc Hội tới địa danh Chợ Mới. Đoàn người trương cờ Mặt Trận Giải Phóng “ lá cờ nửa đỏ nửa xanh, màu đỏ của đất màu xanh của trời”( nghe như hơi thơ của Tố Hữu), im lặng kéo nhau đi, không hoan hô, không đả đảo. Tới thôn Thủy Xưởng thuộc địa phận Phước Hải trên đường số 1 là nơi doanh trại thuộc đơn vị 2, một loạt súng ngăn chận đoàn người biểu tình. Một người đàn ông gục ngã, hàng ngũ biểu tình trở nên rối loạn tan tác bỏ chạy. Thiên hạ nghĩ có một phần tử lãnh đạo xúi giục đi tiên phong hàng đầu nhưng giấu mặt, nếu có gì biến động thì... tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách. Tiếng động của máy bay trực thăng nã róc két nổ ầm ĩ trên đồi Trại Thủy. Trên con đò do ông Cọt, một người nhà quê dốt nát đứng ra đưa đội du kích rút lui qua bến đò Phường Củi, không may bị trúng đạn tử thương do lính địa phương quân bắn( Sau năm 75, ông Cọt được tôn vinh làm liệt sỹ vị quốc vong thân.)

Lãnh đạo tôi đòi được chỉ định,
Bao năm nhược quốc đà suy tính
Dân bầu đảng cử tưởng thong dong,
Nhất mực cúc cung hóa tất định.
Gọi dạ bảo vâng dám cãi lời,
Tuân hành mật lệnh luôn nghiêm chỉnh.
Ăn xôi cố đấm tội tình chi.
Một thuở ngàn năm vui hậu hĩnh.

Sau năm ngày tết Mău Thân, sinh hoạt bình thường trở lại. Công chức đi làm, học trò đi học, riêng tôi vẫn nhớ cái ngày tôi phải vô Sài Gòn để được phỏng vấn. Tôi loay hoay tìm phương tiện di chuyển từ Nha Trang vô Sài Gòn. Thời may, có thiếu úy phi công Đinh Quang Cứ, bạn trai của cô em vợ tôi hứa cấp cho tôi một chỗ ngồi trên máy bay quân sự hiệu Cesna vỏn vẹn bốn ghế ngồi. Sáng hôm sau tôi ra phi trường Nha Trang thì đã có một sĩ quan thiếu úy phi công cũng đang có lẽ công tác ở Sài Gòn. Nhìn mặt viên thiếu úy tôi không mấy có thiện cảm viên sĩ quan không quân, mặt khó đăm đăm cau có. Sau, tôi biết viên thiếu uý không quân đó là thiếu úy kỹ thuật, không phải phi công bay.
Được một lúc, viên sĩ quan không quân Đinh Quang Cứ đến. Cứ cho biết vì kỹ thuật trục trặc nên chuyến bay Cesna quân sự phải trễ mất độ nửa giờ và lẽ tất nhiên tôi phải đợi, sống, là chờ đợi mà. Sau cùng chiếc Cesna cũng phải khởI hành chuyến bay Nha Trang- Sài Gòn, độ mười giờ sáng tôi tới thủ đô sân bay Tân Sơn Nhất.
Tới kho 5 bến Cảng đường Trịnh Minh Thế nhà vợ chồng chị Tiềm anh Huỳnh, tôi vội vã đi tắc xi tới ngay trung tâm văn hóa Đức tọa lạc tại đường Trần Quý Cáp. Thời giờ cũng vừa đủ cho tôi tới địa điểm đó. Tại đây đã có một người đàn bà ngồi trong phòng họp, một nữ giáo sư tòng sự tại trường nữ trung học Lê văn Duyệt. Cô ta( hay bà ta?) cũng nộp đơn xin du học tại Đức. Một người đàn ông da màu tôi đoán chừng là một giáo sư trao tôi và vị nữ giáo sư một tờ giấy trắng, sau đó người đàn ông cầm lấy một viên phấn viết trên bảng đen một giòng chữ như sau:
Que signifie “le vouloir-vivre” de Schopenhauer? Ý chí muốn sống của Schopenhauer có nghĩa là gì?
Tôi cũng biết ít nhiều triết gia người Đức ấy.
Schopenhauer sinh thời vào thế kỷ thứ mười tám, chịu ảnh hưởng lớn giáo lý Phật giáo. Nếu tôi không lầm Schopenhauer đã một lần hành hương Ấn Độ để hiểu thêm triết lý giải thoát. Schopenhauer có một quan niệm bi quan về thế giới và về nhân sinh.

Về hình nhi thượng học còn gọi về thế giới quan, Schopenhauer coi “ ý chí muốn sống” là nguồn động lực khiến mọi động vật hiện hữu, sinh tồn và phát triển, tâm lý học ngày nay gọi một bản năng thôi thúc mọi vật đều cùng có một ước muốn sinh tồn rất giống với quan niệm dục một trong Tứ Diệu Đế trong giáo lý nhà Phật. Ý chí muốn sống là một động lực tự động, mù quáng, luôn luôn thôi thúc hành động nhưng không bao giờ sinh vật được thỏa mãn, đi đến hậu quả thất bại, và thất bại dẫn tới đau khổ.Cuộc sống là một nối kết triền miên đau khổ. Schopenhauer viết:” Sống là luyến tiếc dĩ vãng, là bất mãn với hiện tại, là hi vọng một tương lai khá hơn, nhưng cái tương lai ấy đến rồi và cũng bất mãn như trăm ngàn hiện tại khác.” Dục cũng tương tự trong Phật Giáo, dục là “ lòng tham không đáy” không bao giờ thỏa mãn túi tham ấy nên sinh khổ, vậy tóm tắt, khổ do dục. Schopenhauer khuyên ta nên dập tắt “ ý chí muốn sống”, tạo nên lòng thương xót (compassion) đối với muôn loài, đó là hệ quả thứ hai trong nhân sinh quan tức hình nhi hạ học.

Tôi viết bài viết đến đây thì thời lượng của bài viết cũng vừa chấm dứt. Ông giáo sư da màu thu bài viết của tôi và của nữ giáo sư trường nữ Lê văn Duyệt, lúc ấy một người đàn ông khác cũng vừa đến, tôi nghĩ ông ấy là giám đốc trung tâm văn hóa. Ông giáo sư da màu nộp hai bài viết cho ông giám đốc, ông này chăm chú đọc bài viết của...thí sinh. Đoạn, ông giám đốc đề nghị ông giáo sư da màu chất vấn một số câu hỏi của Schopenhauer, tôi nghĩ tôi trả lời một cách khá thông suốt khá trôi chảy. Sau đó, viên giám đốc hỏi tôi về triết gia Socrate, về điều được gọi là phương pháp maieutique tức là “ sản pháp” của triết gia, về linh hồn bất tử của nhà triết học Platon. Xin mở ngoặc về phương pháp maieutique tức sản pháp của Socrate: đây là phương pháp độc đáo của triết gia, ông chỉ trước tiên nêu một câu hỏi cho người phải trả lời, sau đó triết gia sẽ đưa một câu hỏi khác cho người được hỏi khiến người này sẽ đi dần tới bế tắc, tới mâu thuẫn, không trả lời được. Thế nhưng tại sao phương pháp maieutique là “ sản pháp”? Xin thưa: phương pháp này tương tự phương pháp hộ sinh, phương pháp đỡ đẻ của sản phụ trong lúc lâm bồn, phương pháp phải tuần tự trải qua một số khâu, một số quá trình tuần tự nhi tiến. Sau đó ông hỏi về tình trạng biến cố Mậu Thân hiện giờ, tôi trả lời hiện nay đã tạm ổn, sinh hoạt bình thường trở lại; ông hỏi tiếp tình trạng quân sự của tôi hiện giờ ra sao, tôi đáp: hiện giờ tôi được hoãn dịch. Ông ta hỏi tiếp: nếu tôi được du học ở Đức, tôi thấy có trở ngại trong việc tôi đi ra nước ngoài một mình không, vợ con tôi có bằng lòng để tôi xuất ngoại du học không, tôi trả lời việc gia đình tôi đã thuyết phục thu xếp ổn thỏa.

Tối ngày hôm ấy tôi lấy xe lửa để sáng ngày hôm sau tôi phải đi dạy vì hết hạn phép nghỉ. Những ngày sau đó, tôi không nghe tin tức gì về việc du học. Tôi nghĩ, thấy tình hình an ninh sau biến cố tết Mậu Thân, việc du học ở liên bang Tây Đức đã lặng lẽ chìm xuồng. Rồi cũng như giáo chức làm việc tại trường nơi các địa phương, tất cả chúng tôi được lệnh tổng động viên, thụ huấn quân sự chín tuần tại trung tâm huấn luyện Lam Sơn tại Dục Mỹ. Sau khi thụ huấn, giáo chức chúng tôi được trở về nhiệm sở cũ tiếp tục dạy. Mộng du học mộng viễn du kể từ hôm nay được xếp lại.
Viễn du! Viễn du? Viễn du nghĩa là gì? Viễn là xa, du là đi, viễn du là đi chơi xa. Tôi nhớ một nhạc phẩm Viễn du của nhạc sĩ Phạm Duy, tôi viết lại một lời ca trong nhạc phẩm:
“Ra đi...biết mặt trùng dương biết trời Âu Á, biết mặt phong ba biết ta hãi hùng.”(Tôi không biết sau ngày mất nước Phạm Duy phải đeo theo máy bay hay vượt biên trốn ra nước ngoài để phải biết mặt phong ba biết ta hãi hùng)

Từ thuở hoa niên tới lúc trưởng thành,” sau bao nhiêu chàng vẫn ở nguyên chỗ cũ”, ”chàng”, Nhất Linh viết ở đây là nhân vật Dũng. Rốt cục rồi sau ngoài bốn mươi tuổi, tôi vẫn thực hiện được giấc mộng viễn du: tôi đi qua Mỹ. Hiện tại, tôi lại ngồi yên một chỗ bởi chứng bệnh nan y bất trị trầm kha. Đã mười năm sống trên đất lạ quê người, mỗi khi trông thấy bầy quạ đen hấp tấp vỗ cánh bay về một chốn nơi xa xôi nào đó cất tiếng kêu nghe não nuột, mỗi lần nhìn ngắm những cụm mai cành đào hé nụ, long tôi chợt thấy nao nao tấc dạ, những muốn về thăm một chuyến quê hương, thấy lại lối mòn vào cổng vô nhà, thấy lại hàng dừa cỗi xào xạc bóng đêm trăng, thấy lại bãi biển lô nhô cát trắng từ đường bưu điện đến hải cảng Cầu Đá, nhưng rõ ràng là tôi không thể, tôi bất lực. Thật sự tôi vốn chẳng thích chút nào phải ngồi xe lăn mỗi khi di chuyển vì như thế thì...yếu quá! Trong chiêm bao, tôi thấy tôi đi lại bình thường không suy nhược, không bệnh hoạn. Rồi tôi suy ra rằng khi tôi chết, lúc hồn tôi đã lìa khỏi xác, tôi sẽ không còn vướng bận bởi thân xác bệnh hoạn này, tôi sẽ thong thoải mái tự do đi lại lên đồi xuống dốc mà không bị một chướng ngại vật nào cản trở. Muốn chạy, tôi cứ chạy, muốn bay, tôi cứ bay, muốn độn thổ...tôi không biết.Một màn một cảnh ngắn ngủi tình dục trong chiêm bao giúp người chinh phụ xa chồng thỏa mãn ít nhiều trong cảnh ái ân chăn gối: Chinh Phụ ngâm khúc.

“Sớm còn hồn mộng được gần,
Nửa đêm tìm đến Giang Tân tìm người.
Tìm chàng thuở chương đài lối cũ,
Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa;
Sum vầy mấy lúc tình cờ,
Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân.”

Xuân! Một giờ mộng xuân chỉ sự sung sướng, chỉ sự hoan lạc cực điểm. Thật đáng tiếc! Thật hẩm hiu! Thúy Kiều không có được trạng thái tâm sinh lý khi Kiều bị giam giữ ở chốn lầu xanh bị kềm kẹp kiểm soát chặt chẽ nghiêm nhặt của mụ Tú, mặc những trò chơi quái ác thô tục dâm ô bảy chữ tám nghề của bọn khách làng chơi:

Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.

Theo tình dục học sexologie khoái lạc cực độ tức xuân là một trạng thái tâm sinh lý trong lúc và sau khi giao hợp.

Trở lại cố hương đất khách quê người là một niềm khắc khoải khôn nguôi. Tôi sẽ về thăm làng cũ, nơi chôn nhau cắt rốn; tôi sẽ về thăm lại cô láng giềng hàng xóm trồng hàng rào cây hoa dâm bụt đỏ, tôi sẽ hẹn hò cùng nàng tình tự giữa lúc trăng khuya nhễ nhại sáng(tuổi cô láng giềng hôm nay vẫn trẻ mãi không già). Tôi thả hồn về chốn cũ, lúc này quê xưa đã hoàn toàn đổi khác, tôi mang tâm trạng của Nguyễn của Lưu sống Đào Nguyên được nửa năm trở về trần thế bơ vơ lạc lõng dở khóc dở cười.

          “Tìm đường, hỏi người toàn xa lạ,
            Hỏi nườc, nhìn mây trôi lửng lơ.
            Một ván tiên ông cờ vạn cổ,
            Phù vân đứng ngắm chết mong chờ./.


Võ Doãn Nhẫn.
                         

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.