Mar 28, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Vết Khắc Nửa Đời
Nguyên Nhung * đăng lúc 04:40:28 AM, Oct 31, 2009 * Số lần xem: 1871
Hình ảnh
#1

*
NGuyên Nhung xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc tập thơ Vết Khắc Nửa Đời của nhà thơ Thy Lan Thảo. Đây là tập thơ thứ hai của anh, trước đây chúng tôi đã có lần được gửi đến thính giả tập thơ đầu tay Thơ Thy Lan Thảo, xuất bản năm 2003, với nhiều bài thơ viết cho mẹ, cho em, cho quê hương Gò Công của anh, những bài thơ tuy mộc mạc chân tình nhưng đầy cảm xúc. Bây giờ qua tập thơ Vết Khắc Nửa Đời, Thy lan Thảo đã giữ lại cho mình và hiến tặng cho đời, hình ảnh cũng như những lời tự tình của một người lính trẻ tuổi đôi mươi ba mươi năm về trước, hình ảnh một người tù những năm tháng nhục nhằn đốt hết một đoạn đường thanh xuân, và cuối cùng là hình ảnh một người Việt tha hương luống tuổi, chưa một lần trở về quê cũ, nhưng tâm tình của hầu hết những bài thơ, anh dành trọn vẹn cho dĩ vãng, cho hiện tại với trùng trùng nỗi buồn,nỗi nhớ phảng phất qua những bài thơ.

Sơ lược tiểu sử của nhà thơ Thy Lan Thảo
Anh sinh quán tại làng Tân Niên Trung, Tỉnh Gò Công
Con út của một gia đình giáo chức, có 6 anh chị em. Anh sinh sống tại Gò Công và sau đó, theo học tại trường Đại học Văn khoa Sài gòn.
Tới tuổi tòng quân nhập ngũ, anh là SVSQ Trường Võ Khoa Thủ Đức, đơn vị cuối cùng ở vùng 2 chiến thuật. Sau năm 75, đi tù cho tới năm 83, anh được trở về xum họp với gia đình và định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO.
Đã xuất bản thơ Thy Lan Thảo năm 2003
Thơ in chung: Lai Láng Dòng Phù Sa năm 2001, Những Đóa Hoa Nở Muộn năm 2002, 25 năm Thi Ca Hải Ngọai năm 2003.
Và bây giờ, năm 2004, Vết Khắc Nửa Đời được nối tiếp ra đời, đến với độc giả yêu thơ bốn phương, những người đã từng đọc thơ của Thy lan Thảo trên nhiều báo chí tại hải ngoại.
Sức làm thơ của Thy lan Thảo rất bền bỉ, không vội vã đẻ ra thơ, nhưng những tâm sự buồn vui, những điều chợt thấy, chợt gặp, những cảm xúc đã được ghi vội xuống để làm kỷ niệm cho riêng tác giả, và sau đó được gửi gấm đến bạn đọc. Đọc thơ Thy Lan Thảo như nghe một bản nhạc buồn, mà ở đấy ta bắt gặp chút nỗi niềm của người lính, đi theo đoàn quân về phương Nam. Xin quý vị thưởng thức đôi dòng thơ mà ở đó, tình đồng đội được anh mô tả rất sống động qua sự hồi tưởng của những ngày lội suối băng rừng, xông pha giữa những cơn mưa đạn để giữ gìn màu cờ, sắc áo:

" Sông Ba nước vẫn tươi màu sóng
Cắt lối xuôi Nam giữa đạn thù
Mắt ướt cay nhìn quân đoàn trống

Pleiku, Phú Bổn, khóc tạ từ. Bài thơ này được trích trong " Đêm sông Ba”
Nửa đời của tác giả, đã trôi theo những thăng trầm của mẹ Việt Nam. Căm hận, đau xót khi thân phận của chính mình và quê hương bị chà đạp, dày xéo tả tơi, nghẹn ngào khi hay tin từng người bạn thân thương oanh liệt đã nằm xuống vĩnh viễn đi vào lòng đất, thơ anh đã bật lên những tiếng nức nở, nhưng cũng đành chôn vào tim một niềm đau da diết. Đấy là những vết khắc sâu mà Thy lan Thảo đã ghi lại trong VKNĐ. Không chỉ có thế, nhà thơ trẻ Xuân Thụy là một người trẻ lớn lên sau cuộc chiến, nhưng cô cũng đã đọc, đã nhìn ra được nỗi buồn của nhà thơ đàn anh Thy lan Thảo , nỗi buồn quê hương, nỗi buồn của tình gia đình nồng nàn, những ngậm ngùi cho sự mất mát khi chia ly vĩnh viễn với những đồng đội của anh. Cô bé thi sĩ trẻ đã viết về đàn anh của mình như sau, về đất Gò Công là nơi địa linh nhân kiệt, ở đó đã có vị anh hùng Trương công Định, là gương sáng cho những con người yêu nước đất Gò Công ngưỡng mộ và noi theo:
" Gò Công, Gò Công,
Tiếng gọi mộc mạc thân thương của vùng đất màu mỡ xanh tươi. Vùng đất của những người dân miền Nam thật thà chất phác, với cuộc sống thanh bình đạm bạc:

" Ruột nghêu xào sơ với tỏi
Lá me non, cà, giá, ngò om
Tháng năm mùa mưa vừa mới tới
Canh chua nghêu, rượu đế Gò Công

Cá kèo tháng mười đem kho chỉ
Chút hẹ nêm vừa thêm chút tiêu
Cơm gạo Sóc Nâu thơm lúa mới
Mẹ ơi, con nhớ mẹ thật nhiều"

Còn gì nồng nàn, nhớ nhung bằng những món ăn dân dả quê mình, mà gạo ấy , canh ấy, con cua con cá lại do bàn tay của mẹ, của chị mình vun quén để cho mình những bát cơm ngon với tô canh chua, cá kho tộ. Giản dị vậy thôi, mà nhớ thật nhiều, mà thương quá đỗi, nơi đất Gò Công ấy, nhà thơ Thy lan Thảo được sinh ra, được lớn lên, được ăn học và khi trưởng thành để trở thành một người lính, xa mẹ, xa chị, xa ánh đèn thủ đô để dấn thân vào cuộc chiến. Để rồi sau đó người lính trẻ mang theo một tình yêu tuổi xuân vào tù, anh đã bị mất đứt tuổi thanh xuân đến hơn 8 năm ròng rã, khi trở về thì tất cả đã tan nát.
Bây giờ ở quê người, Thy lan Thảo dằn vặt với biết bao nỗi nhớ. Mẹ chết rồi không gặp, chị già rồi ai trông, xin mời quý vị đọc trọn vẹn bài thơ " Chút Tình GỬi Chị" của nhà thơ Thy lan Thảo, để cùng thổn thức với nỗi lòng của một người con, một người em khi nhận được tin nhà.
" Chút tình Gửi Chị"
Lòng ấm dần lên nét chữ quen
Cánh thư tình nghĩa từ Việt Nam
Chị ơi! Mẹ mất em còn chị
Một chút tâm lòng, một nỗi riêng…

Chị kể bạn bè hôm mẹ mất
Vẫn về đông đủ để chia buồn
Thân quyến hỏi thăm thằng con út
Chẳng thấy về đây để chịu tang…

Chị kể chị Hai đã thất tuần
Một đời thân chị vẫn gian truân
Vẫn lo chăm sóc đàn con cháu
Nay vẫn cô đơn sống cảnh buồn…

Chị Tư từ lúc ông anh rể
Bỏ cuộc đời nhơ gặp ông bà
May nhớ mấy đứa con chăm chỉ
Đủ ấm trời đông, mát gió hè…

Chị Năm với đàn con nheo nhóc
Một đời vất vả nặng thân cò
Đất Phan Rang cày lên sỏi đá
Bữa cơm no bụng đã là mơ!

Anh Ba trọng vợ hơn tình mẹ
Dù mẹ vẫn chiều, vẫn nể dâu
Phận em nói được gì thêm tủi
Thương mẹ trách ai, tóc trắng đầu.!

Hôm lễ Vu Lan chùa Giác Phước
Hằng năm chị vẫn đến dâng hương
Cầu xin cho mẹ cho non nước
Trọn chữ bình an khắp nẻo đường

Năm nay tháng bảy lễ Vu Lan
Vẫn khói hương thơm tỏa ngập tràn
Chị nhận cánh hồng hoa sắc trắng
Mắt tràn lệ đẫm ướt khăn tang…!

Chị kể lòng em thật xót xa
Nhục tháng tư đen, tủi nước nhà
Chị, mẹ nuôi em Nam ra Bắc
Nhịn ăn, nhịn mặc có chút quà!

Đời em, tình mẹ chị thân thương
Đất lạ trời xa nhớ để buồn
Mẹ mất, bây giờ em còn chị
Bao giờ đoàn tụ tại quê hương?!

Qua thi tập Vết Khắc Nửa Đời , dày chưa tới 200 trang, Thy lan Thảo đã gửi đến bạn đọc 91 bài thơ, gói ghém trong đó đủ ý đủ tình. Sách in đẹp, cước phí 12 mỹ kim ủng hộ tiền giấy mực cho tác giả, nhưng cái chính mà anh mong mỏi, vẫn là tìm được những tâm hồn đồng điệu, để chia xẻ nỗi nhớ ngậm ngùi của tác giả cho quê hương, cho gia đình, cho một thời yêu dấu đã qua.
Xin trân trọng giới thiệu thi tập Vết Khăc Nửa Đời đến độc giả xa gần, muốn có sách, xin liên lạc với nhà thơ qua điện thoại:
713- 895- 7496 hoặc 832- 276- 8903
Chương trình giới thiệu Sách và đọc truyện do Nguyên Nhung phụ trách tới đây đã chấm dứt. Xin cám ơn các văn thi hữu, các tòa soạn đã gửi sách hoặc tạp chí, hay đặc san, bản tin đến chúng tôi, để tất cả những tác phẩm và tạp chí, đều được tiếp nhận và tới tay độc giả xa gần. Đó là niềm mong mỏi của người thực hiện chương trình này. Hẹn gặp lại quý thính giả vào chương trình kỳ tới, mỗi tháng một lần, trên làn sóng 900 AM, Đài Sài Gòn Houston.

NN xin thân mến chào tạm biệt quý vị.
Nguyên Nhung, 2004.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.