Apr 25, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Ghen
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 06:54:47 PM, Oct 25, 2009 * Số lần xem: 2255
Hình ảnh
#1



Ớt nào là ớt chẳng cay?
Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng?
( ca dao).

Diên Tân là một làng tương đối xa xôi tại huyện lỵ Diên Khánh cách Nha Trang ngót mười cây số. Diên Tân có một trường cơ sở tiểu học, một đội ngũ giáo viên nam có nữ có. Cạnh trường, có một cô hiệu trưởng trong ngoài bốn mươi, đến nay vẫn chưa chịu lập gia đình. Một cách chủ quan, tôi đoán non đoán già cô hiệu trưởng tuy không nói vẫn có một cảm tình riêng đối với tôi.
Độ nọ, một người bạn cũ rất thân rủ tôi ngồi xe gắn máy cũ Suzuki từ nhà lên Diên Tân chơi. Tôi đề nghị Tiến rủ Phương cùng đi chơi cho vui, tất cả đều không báo trước người nữ giáo viên, cốt ý tạo bất ngờ. Nói nào ngay, giữa tôi và người nữ giáo viên không có cảm tình gì. Lúc ấy vào độ nghỉ hè,
Cơ ngơi của cô giáo Lúc ấy Chi vẫn là cô giáo, chưa được đề bạt làm hiệu trưởng, bên cạnh ngôi trường là một gian nhà ngói tuy không đồ sộ to lớn bề thế nhưng khá khang trang sạch sẽ cao ráo. Chung quanh nhà là một khu vườn cây ăn trái, mít, thanh long và nhiều nhất xoài. Trước ngày đi nước ngoài định cư, tôi và Tiến có đến từ giã gia đình Chi, cũng vào độ nghỉ hè. Ra vườn, chúng tôi thấy những trái mít còn xanh gai nhọn, những chùm xoài đong đưa lủng lẳng những trái còn xanh.Trước kia cơ ngơi của gia đình Chi còn là một gian nhà tranh vách lá; hơn một lần Tiến đã nhỏ to tâm sự cùng tôi:
- Mình nghe đồn đoán gia đình nhà họ Vy này nhờ trúng số độc đắc nên mới đủ khả năng lập nên nhà cửa cơ ngơi như vậy được. Ông cha những lúc gần đây đã luống tuổi, sức làm việc có hạn, đào đâu ra tiền để mua sắm bàn ghế giường tủ xe gắn máy, dàn âm nhạc Karaokê.
Tôi nghe chỉ biết vô tai này, lọt ra ngoài tai kia,, mách lại làm chi những thị phi đồn đoán búa rìu dư luận với người nữ giáo viên tiểu học.
Thân phụ người nữ giáo viên còn sống, riêng thân mẫu đã từ lâu khuất núi bởi bệnh nan y.
Xe gắn máy đưa chúng tôi tới huyện Diên Khánh, vô cửa Đông rồi vượt qua cửa Tây của huyện lỵ, thẳng tới làng Hà Dừa, làng Trường Lạc rồi làng Thanh Minh tục danh Thành Hồ tức Phước Tuy. Ngày trước lúc tôi còn rất nhỏ, gia đình cha mẹ chị em tôi phải lánh nạn tản cư đi bộ từ Chợ Mới tới địa danh khỉ ho cò gáy này. Gặp trường phổ thông Trung học cấp Hai( hay cấp Ba) Trần thị Tính, tiểu sử, lai lịch, gốc gác tôi hoàn toàn mù tịt mít đặc nhân vật nữ anh hùng lịch sử thắng Pháp diệt Mỹ này. Tôi đoán chừng Trần thị Tính là một nữ anh hùng đã liều thân tham gia cách mạng xả thân hi sinh liều mình Tổ Quốc ghi công. Chúng tôi tiếp tục rẽ trái, vượt qua An Định, nhà cửa dân cư bắt đầu thưa thớt. Khi ba chúng tôi tới nhà, mặt trời đã cao hơn ba con sào, ánh nắng rực rỡ chan hòa gay gắt. Cả nhà đi vắng, chỉ còn một ông già. Hiệp em trai Chi cũng đi chơi với các bạn bè.; Hiệp là công nhân công ty suối nước lọc Đảnh Thạnh hoạt động gần đó. Những lúc gần đây công ty nước suối kinh doanh sản xuất khấm khá nên mở rộng khuếch trương doanh nghiệp. Chúng tôi ngồi trên thềm nhà xi măng nghỉ mệt. Không gian thời gian đang độ hè và tôi liên tưởng bài học thuộc lòng “Nghỉ Hè” trong” 100 bài tập đọc” do nhà giáo Hà Mai Anh biên soạn và phiên dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt.

Nghỉ Hè.

An Di ơi, thế là năm học hết rồi, mẹ sắp sửa xa thầy con bạn con.
Mẹ biết con quyến luyến trường cũ con, ở đây con đã vui vẻ làm việc mỗi ngày hai buổi. Con ơi, trường học ví như cha mẹ, người mẹ đã rứt áo con khi con nói chưa sõi để trả lại con một cậu bé nhanh nhẹn tử tế và khôn ngoan. Con đừng quên vị ân nhân ấy. Mai sau con nên người, con sẽ du lịch trên thế giới, sẽ trông thấy những thị thành hoa lệ, những đài cát nguy nga nhưng con sẽ luôn luôn nhớ đến nếp nhà trắng tầm thường kia với cửa chớp khép, với vườn cây xanh vì đó là nơi bông hoa trí tuệ lần đầu tiên của con đã nẩy nở.
Mẹ tin rằng hình ảnh trường cũ con sẽ in sâu vào ký ức cho đến lúc tàn sinh, cũng hư không bao giờ mẹ quên được gian nhà cũ kỹ kia mà ở đó mẹ nghe tiếng nói ban đầu của con.
( Theo De Amici- Grands Coeurs. Tâm Hồn Cao Thượng).
Khoảng hơn mười giờ thì Chi về, gánh theo gánh cỏ khô cùng rơm và rạ, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, sắc mặt cô gánh cỏ đỏ hồng, Đặt gánh cỏ xuống sân xi măng, Chi bước lên thềm nhà ngồi nghỉ, phe phẩy quạt bằng chiếc nón lá cũ. Liếc nhìn Chi, tôi thầm nghĩ cô giáo miệt vườn lúc này đây đã trở thành một cô thôn nữ khỏe mạnh, đảm đang xốc vác.
Ngồi nghỉ độ mười phút, Chi quay xuống bếp, chúng tôi nghĩ gia đình sẽ dọn thết khách một bữa cơm trưa. Chúng tôi thấy có một chú gà trống bị làm thịt thết đãi khách. Ngoài Chi ra, còn có một người chị gái, tên Liên cũng vô bếp giúp bữa cơm trưa. Tôi biết Liên đã từ lâu, lúc tôi còn là giáo viên Anh văn sau 75, Liên là học trò Anh văn của tôi. Cho đến ngày hôm nay, hai chị em Liên và Chi vẫn sống độc thân.
Từ phòng riêng của Chi, văng vẳng tiếng nhạc. Một bài hát được lan truyền, tôi để ý lắng nghe. Đó là tiếng hát của Lệ Thu, “ Hoa Bướm ngày xưa “, nhạc phẩm của nhạc sĩ quá cố Nguyễn Hiền, phổ thơ Thanh Nam, hiện giờ cũng đã quá cố, Đây là một trong những nhạc phẩm tôi hằng yêu thích:

Hồn bướm hoa xưa còn đâu,
Vườn cũ quê nhà yêu dấu.
Hồn sắc hoa còn lưu luyến.
Hương sắc ngừng trôi trước thềm.

“ Hương sắc ngừng trôi trước thềm”, mùi hương của hoa vẫn còn phảng phất; màu sắc của hoa vẫn chửa tàn phai. “ Hương sắc ngừng trôi trước thềm”, phải chăng cả hương lẫn sắc không trôi nữa, vẫn còn hiện hữu, vẫn còn tồn tại, mặc dù quá khứ dĩ vãng đã qua đã chết, nhưng cả hương lẫn sắc “ hồn đây tưởng đó mất như còn “. Nhà văn quá cố Marcel Proust đã tưởng chừng như hương vị của tấm bánh madeleine vẫn còn phảng phất khi cắn một miếng đồng thời uống một ngụm trà, mà tưởng như “ Tìm lại Thời gian đã mất “( A la recherche du temps perdu). Nhạc thức từ La trưởng LA bỗng chuyển sang nhạc thức La Thứ, La. Tôi thuộc lòng nên thầm hát theo điệu Rumba Boléro:

“Mì đố si sol # mì la
Mi sol fa đồ rê mi.”

Tôi mạn phép người nhạc sĩ đã khuất bóng xin đường đột sửa lại một nốt nhạc “fa “ thành “ mi”

“ Mi sol mi đồ rê mi”.
Vẫn biết khi viết nốt fa là nốt fa, nhạc điệu do đó sẽ uyển chuyển nhịp nhàng hơn, đầy tiết tấu và phong phú hơn, nhưng theo thẩm âm một cách chủ quan, một khi nốt fa được chuyển sang nốt mi, tôi thấy điệu nhạc trở nên trầm tư xa vắng, réo rắt hơn và dễ gây một xúc cảm hơn. Bằng chứng rõ nét nhất là hiện thời tôi đang thầm hát và tôi đang sống một cảm xúc đây.
Bữa cơm trưa đã dọn xong, gần như mọi người đều thấy kiến bò trong bong. Người bố của Liên và Chi cùng ngồi quanh bàn, bên có thịt gà luộc, cá lóc chưng nấm, thịt heo luộc xé phay, canh bí đao. Mọi người ăn uống ngon lành tự nhiên, cười đùa cho vui thêm bữa cơm. Tráng miệng có mít chín, thanh long. Ăn xong, người bố lặng lẽ rút lui vào phòng. Chúng tôi cùng nhau ra lan can bên thềm ngồi. Sau bữa ăn trưa, mọi người có vẻ mỏi mệt. Ngồi tựa trên lan can, Chi hỏi:
- Bữa nay chú không nghỉ trưa? Có bộ phản gỗ, chú và chú Tiến chú Phương có thể nằm nghỉ trong giây lát.
- Được rồi, Chi yên chí. Mấy chú có thể bỏ giấc ngủ trưa; lâu lâu mới có một lần.
Tôi lấy một chiếc tăm tre nhỏ, kín đáo che miệng xỉa sạch thức ăn nhét vô miệng. Giờ này đã chính thức thời gian đi vào hè, con lộ vắng ngắt, trời nắng chang chang, thỉnh thoảng một người đạp chiếc đạp vụt qua rồi biến mất, để lại một đám buị đỏ.

Gà eo óc gáy nương theo gió.
Kẽo kẹt kẽo cà tiếng võng đưa.
Dư âm giấc ngủ trên đầu ngõ,
Chiến cuộc tàn dư vọng tiếng mưa.

Thấy cả bọn đều im lặng không ai phát biểu vui cười giải trí, tôi ý nhị kín đáo hỏi Chi một câu:
- Mùa này mấy bụi ớt ra bông nhiều quá nhỉ, sai đặc cả cây, chú cho Chi xin mấy trái ớt chín.
- Chú cứ tự do hái.
- Cây ớt này chắc là phải cay lắm phải không Chi?
NgườI nữ giáo viên cấp Một điềm nhiên trả lời tỉnh bơ coi như không có sự việc gì xảy ra trong lúc mọi người đều biết rõ ẩn ý của người nêu câu hỏi:
- Cây ớt nào cũng cay hết chú à. Chú muốn lấy bao nhiêu trái cũng được.
- Chú chỉ cần lấy hai trái thôi, về nhà, chú để dành ăn dần.
Tiến và Phương đều tủm tỉm cười, ai cũng hiểu ngụ ý châm biếm trêu chọc kín đáo, riêng người nữ giáo viên trường phổ thông cơ sở cấp Một cũng thừa hiểu câu ca dao “ Ghen” đã có từ ngàn xưa.
Ghen, thái độ tâm lý con người từ đàn ông đến đàn bà phụ nữ đều cũ và xưa như trái đất, thường tình, ghen cũ ghen mới, ghen thành thị ghen thôn quê đồng ruộng, như ăn cơm bữa”nói mãi, khổ lắm, biết rồi”, “ rằng tôi chút phận đàn bà, ghen tuông thì cũng ngườI ta thường tình”; nhưng có một ngoại lệ: người phụ nữ đầu tiên có mặt trên vườn địa đàng E và không biết, chưa biết ghen người bạn gần gủi thân thiết A Đam, nói cho đúng, không biết chưa biết chúa Trời tạo cho ban cho người đàn bà thứ hai sau đó. Rằng tôi chút phận đàn bà. Thân phận người đàn bà thật đáng thương, chả bù trước đó, người đàn bà nổi cơn tam bành, hứa hẹn nhiều pha ngoạn mục dở khóc dở “ cười ra nước mắt”. Thân phận phụ nữ từ ngàn xưa đã an bài, thân phận nam nhi, người con trai, gã đàn ông, đấng trượng phu coi bộ ...lớn trong khi cái mẹ đĩ, quần bận yếm mang không có giá trị gì. Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô. Một đàn ông nói có, mười phụ nữ nói không, ca dao tục ngữ ngày xưa tuyên bố.

Ba đồng một chục đàn ông,
Ta bỏ vào lồng ta xách đi chơi.
Ba trăm một mụ đàn bà,
Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi

Chế độ phụ hệ ngày xưa coi người đàn ông là chủ gia đình là cột trụ làm gốc, năm liệu bảy lo, chế độ mẫu hệ mgày nay bị coi như lạc hậu lỗi thời, theo giòng nước chảy mà tự động đào thải, nếu có ghen tuông chút đỉnh cũng chỉ là chuyện nhỏ, giàn xếp ổn thỏa tốt đẹp sau chuyện phòng the chăn gối. Nhưng người phụ nữ cũng có lắm điều phức tạp éo le: đừng nói tới chuyện chăn gối một khi chuyện riêng, một khi “ vườn mới thêm hoa” không hoặc chưa giàn xếp ổn thỏa, khi anh chàng sợ vợ quắp râu Thúc Kỳ Tâm biết diều khuyên người tình gắn bó lầu xanh liệu đường xa chạy cao bay, khi bà Chúa Chè đã tinh ma khôn ngoan quỷ quyệt mua chuộc lấy lòng Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, như một bài hát vọng cổ ngày trước đã dè bỉu mỉa mai lúc người đàn ông có được không chỉ một người bạn đời độc nhất: một vợ thì nằm giường Lèo (sướng nhé), hai vợ thì nằm chèo queo; đến khi ba vợ thì nằm chuồng heo! Tôi không biết Nguyễn Trãi đã từng có bà chánh thất là bà vợ cả khi cả hai vị công thần còn sống khi ông lấy người hầu thiếp Nguyễn thị Lộ hay không. Và trong tác phẩm Nhà Nho, không biết nhà văn Chu Thiên đã viết về nhân vật Nguyễn đức Tâm, một nhà Nho mẫu mực chăm chỉ thanh cao, đỗ cử nhân được làm tới chức tri huyện, nhưng quan huyện có tới vợ hai. Vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. Không biết hai bà có ghen không khi quan huyện đã san sẻ ngọt bùi cho bà “ hiền thiếp”. Riêng bà con quan Lại Bộ thượng thư thì nhất thiết không, chỉ riêng anh chồng vốn thích trăng hoa Thúc kỳ Tâm vốn đã từng nghe “ miệng người đã lắm tin nhà thì không” tiểu thư cũng đủ lộn tiết lên rồi. Yêu chồng thì có đấy nhưng đàn bà có máu ghen, ai mà chẳng! Không ai chịu san sẻ cho con mụ đàn bà thứ hai. Ghen là một thái độ tâm lý khi người yêu người tình vụng trộm xé lẻ ngoại tình. Tình cảm bị phân đôi. Chăn gối ái ân bị san sẻ. Nhục dục bị đổi chác. Cơn giận trước đó bùng lên bốc cháy, càng nổi ghen, càng nổi giận, càng đổ thêm dầu, “ lửa tâm càng dập càng nồng”, A Tu La ví có nổi giận, cũng nổi giận đến thế là cùng.” Con cái! Con đĩ chó! Không phải con người mà là con cái, một con động vật, một con ...ngựa cái, con chó cái, con ngựa cái.Những ngôn từ, những ngôn ngữ nhục mạ nhận xuống dưới bùn sâu vẫn chưa thỏa lòng phụ nữ đang cơn lửa cháy. “ Lửa tâm càng dập càng nồng”, giáo sư Việt văn Cung giũ Nguyên đã cất lời tán thưởng tâm đắc. Lửa tâm là ngọn lửa của dục vọng, của lòng ghen tức, của sân hận. Nhà tâm lý học William James đã nhận định một câu lời khuyên rất có ý nghĩa:” Trước khi buông mình theo cơn giận dữ, bạn sẽ đếm thong thả từ một tới mười, bạn sẽ thấy cơn giận là một trò hề.”
Ghen thì lẽ thường phải trả đũa, phải trả thù cho đã nư, cho hả giận. Nhưng phải làm sao để trả được thù? Hãy bình tâm lắng nghe tiểu thư ái nữ của ông thượng thư Lại Bộ:kiến trong miệng chén mà bò đi đâu? Bài học Ý chí của những nhà tâm lý học vẫn còn có giá. Có bốn giai đoạn trong một hành vi ý chí: quan niệm, bàn tính, quyết định và thi hành. Trong giai đoạn bàn tính, người có máu Hoạn Thư hiện là nạn nhân, nhà tâm lý học khuyên nạn nhân là không hành động, non volonté. Dục tốc bất đạt. Muốn mau chẳng thành được, không khéo hỏng việc. Ngày trước cô Quờn vì ghen chồng nên đã nông nỗi mua xăng đốt chồng, tôi không nhớ người chồng bị mạng vong hay không. Cũng lại ngày trước, vợ trung tá Thức đã vì nông nỗi ghen tuông mà thuê người chở xe tạt át xít vào vũ nữ Cẩm Nhung vừa trẻ vừa đẹp khiến vũ nữ khốn khổ mang tật suốt đời. Cô vợ ông chồng thiếu khôn ngoan nên trong lúc ông chồng đang say sưa mộng đẹp( cùng người tình mê mẩn ái ân), cô ta len lén cầm con dao trên tay sắc như nước, lột quần thiến của quý khiến người và vật truyền giống đứt lìa. Tên thật người đàn ông là Pot pitch,; về sau danh từ này được đưa vô trong từ điển, danh từ mang một nghĩa độc đáo: thiến mất dương vật. Nói theo thuyết chính danh của đức Khổng, sử gia Tư Mã Thiên là một nhân tài đáng quý: chỉ vì muốn bênh vực cho Lý Lăng mà nên nông nỗi, bị Hán Vũ Đế tức giận sai hoạn quan cắt mất dương vật, Tư Mã Thiên bị bất lực từ đó.
Trộm nghĩ, hành động cấp tốc nông nỗi nhất thời là một trong những hành động thiếu khôn ngoan sáng suốt. Người xưa đã phải dạy đi dạylại nhiều lần rằng dục tốc bất đạt, xôi bỏng, hỏng không. Đừng dại dột mà giận cá chém thớt. Không nên “ đã không ăn được thì đạp đổ,” chuyện từ từ giải quyết, chuyện đâu còn có đó, hạ hồi trước sau sớm muộn phải cần giải quyết. Hoạn Thư đâu cần gọi tìm chồng đi buôn về nhà ngay tức khắc, mặc dù gia nhân kẻ ở người ăn như Khuyển Ưng Khuyển Phệ không thiếu. Người vợ ân cần vui vẻ khi đức lang quân trở về mái ấm, nào sai dọn tiệc tẩy trần mua vui, nào bắt Hoa nô ra mời chồng phục vụ, sau đó bắt Hoa nô gảy đàn cho Thúc sinh nghe mà ruột rối vò tơ, dở khóc dở cười, tiểu thư hả dạ bởi trả được mối hận trả thù nhà min. Không phải tẩm xăng dốt ngườI phối ngẫu, không cần mua át xít tạt người vũ nữ, làm gì phải cắt phăng dương vật? Không nên dứt khoát đoạn tuyệt ly khai vứt bỏ những gì có thể hàn gắn sửa chữa. Sau cơn mưa, trời sẽ lại sáng. Bỉ cực thới lai. Ai biết được sau đòn thù ghen, Hoạn tiểu thư đấu dịu trở lại, hòa hoãn vui vẻ hàn huyên ấm lạnh ngọt bùi và đến đêm vui vầy chăn gối, khẩn thiết vòi vĩnh đòi được “ trả bài” như một bổn phận, quả thực là...” ở ăn thì nết cũng hay; nói điều giam buộc thì tay cũng già”.
Nhưng Hoạn tiểu thư vốn người khôn ngoan sâu sắc già dặn, biết xuống tay hành động nhưng đồng thời cũng biết tùy cơ ứng biến. Đây là lúc Thúy Kiều trả được oán hận gia đình là Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, Bạc Bà Bạc Hạnh, Ưng Khuyển, nhưng trên hết, hận thù trên hết là Hoạn tiểu thư. Hễ đã gieo gió tất phải gặt bão.
Trước vành móng ngựa, Hoạn Thư tự nhìn nhận mình là một người đàn bà đào tơ liễu yếu quần bận yếm mang, mình mai vóc liễu, mang đầy nữ tính tham giận sân si. Nếu ví dầu can phạm là “tôi” đây có nổi cơn ghen hành hạ xúc phạm danh dự ê chề thì cơn ghen ấy cũng là bản tính bình thường. Đàn bà dễ mấy ai không ghen? “ Rằng, tôi chút phận đàn bà, ghen tuông thì cũng người ta thường tình. Tôi nhìn nhận tôi có ghen thật nhưng ghen là bản tính bẩm sinh của thường tình nhi nữ.
Nhờ khôn ngoan ăn nói điều hơn lẽ thiệt, nhờ thấu hiểu tâm lý phụ nữ ngàn xưa và điều này mới thực sự quan trọng: thiện căn của Thúy Kiều mà Hoạn Thư mới phúc ba đời thoát khỏi lưỡi hái của tử thần.
Nhìn chung, khách quan vô tư nhận xét, đàn bà phụ nữ thường có tính ghen hay không? Câu trả lời còn tùy.
Đàn bà bản tính hiền lành giản dị cầu an dễ bảo thời không ghen. Bản tính bẩm sinh thiên phú ấy thuộc về loại hạng Thúy Vân.Theo tính tình học, Vân không có cá tính riêng biệt, ý kiến lập trường lắm lúc ba phải, phải cũng gật, trái cũng gật, lười biếng thiếu đầu tư suy nghĩ, Nhà tính tình học Henri Le Senne liệt kê tính tình của Vân vào hạng nEnAP:nonÉmotivité, non Activité, Primaire tức là vô cảm tính, vô hoạt tính, nhất thời. Khi nghe Kiều cho biết gặp cơn gia biến, sau đó nhờ Kiều thay mình xe mối lương duyên cùng Kim Trọng, Vân bằng lòng ngay, không đắn đo, không chút ngại ngần do dự( sau đó tiếp tục ngủ). Khi Kiều tái ngộ cố nhân Kim Trọng, Vân thân hành đứng lên tuyên bố đề nghị Kim Kiều tái hợp, trước kia là “ tình chị duyên em,” giờ này là “ tình em duyên chị” rõ ràng Thúy Vân không hề mang mặc cảm ghen tuông với người chị không may gặp lắm sóng gió đoạn trường ba chìm bảy nổi.
Có thể kể lại chuyện Tây Thi vào thời Đông Châu liệt quốc. Ngô Phù Sai lúc bấy giờ đã tóm thâu thiên hạ, Việt Câu Tiễn bị kết làm tù binh giữ ngựa. Phạm Lãi tìm cách báo thù bằng cách cho Tây Thi có sắc đẹp chim sa cá lặn, vốn là người yêu của Phạm Lãi, tìm cách ly gián như một nữ điệp viên để Ngô Vương phải lòng mê đắm. Giai nhân phải nuốt lệ ra đi, cùng đi theo có một nữ điệp viên thứ hai, cốt để dò xét hành tung của Tây Thi, và nữ điệp viên thứ hai ấy chính là Trịnh Đán, cũng nhan sắc diễm lệ yểu điệu yêu kiều. Hai nhân vật nữ nhận lãnh sứ mạng, tìm cách hạ bệ Ngô vương. Thật oái oăm, Ngô vương lại yêu say mê Tây Thi từ lúc gặp gỡ ban đầu. Lúc gặp gỡ đầu tiên, người đẹp Tây Thi đã tỏ vẻ lạnh nhạt với Ngô vương, nhưng Ngô vương bền lòng quyết tâm quyết chí chinh phục gái nước Việt cho kỳ được. Rốt cục Tây Thi ngã lòng trước sự sủng ái cực kỳ của Ngô Phù Sai. Trước cảnh ấy, Trịnh Đán cũng đem lòng thầm yêu Ngô vướng, mối tình éo le ngang trái không lối thoát, khiến Trịnh Đán ghen với Tây Thi, sau mang bệnh tương tư để rồi chết dần mòn nơi cung cấm.
Cùng ngồi bên cạnh trên cùng một chiếc xe do tài xế lái đưa đón hàng ngày, một bà lão ngoài tám mươi, bà K. Thanh, người Bắc. Bà với tôi trước lạ sau quen, nay bỗng trở thành xa lạ. Ông chồng bà đã mất từ lâu ngót chục năm. Trước 75, chồng bà cũng vào trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc sĩ quan. Bà vợ ở nhà buôn vải vóc tơ lụa tại chợ Vườn Chuối. Ông chồng có máu trăng hoa, có bồ nhí, lập phòng nhì tại thủ đô Sài Gòn. Chuyện vỡ lỡ, bà Thanh biết được “ vườn cũ thêm hoa,”lồng lộn nổi cơn ghen. Trong nhà, bà lấy cái kéo cắt vải bén ngót, xăm xăm tới chợ Vườn Chuối, xổ tung cây vải mới cắt chỉ nghiến răng cắt nát từng mảnh vụn. Cây vải hóa ra vô dụng, không thể may may vá vá gì được nữa, bà Thanh kể lại tình duyên gia đạo như vậy không biết lần kể lại chuyện ấy là lần thứ mấy, bà cũng không quên kể lại trước khi nhắm mắt, ông chồng có thói trăng hoa bay bướm đã cầm lấy tay người đàn bà đã cùng ông đầu gối tay ấp tha thiết nói lời xin lỗi bởi cái thói trăng hoa bay bướm ấy. Không nghe ai nói bà Thanh có sẵn lòng vui lòng tha thứ xóa hết cái tính bẩm sinh...hơi càn rỡ của người đàn ông.
Bây giờ tôi xin hỏi một cách thành thực: đàn ông nam nhi đực rựa chúng tôi có ghen không? Xin trả lời một cách thẳng thắn, thành thực, không do dự, đắn đo: có đấy. Đàn ông chẳng mấy khi ghen, không mấy để ý những chuyện vụn vặt lẻ tẻ, nhưng một khi đã nổi cơn ghen thì đùng đùng nổi lên cơn thịnh nộ sấm sét, chửi bới, mắng nhiếc sỉ vả, thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, nếu không biết tự chế có thể đi tơi hạ sát giết người...không khó. Nhà thơ Nguyễn Bính trong thi phẩm “ Lỡ bước sang ngang” đã mô tả một đàn ông đã rất hiện thực, rất đáng yêu khi ghen với một người tình: ông ta không chịu người tình mỉm cười với bất cứ một ai, nhưng chỉ chịu cười với “ tôi “ tức tác giả; nhưng cô ấy, người tình ấy cười những lúc tôi xa cô thì đành chịu vậy.

Cô nhân tình bé của tôi ơi,
Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười
Những lúc có tôi và tất cả
Trừ phi những lúc tôi xa xôi.

Mà tôi không chịu cô nghĩ đến bất cứ ai, dù trai hay gái, già hay trẻ, đừng có nằm ngủ khi cô ôm gối dài rất dễ gợi dục và điều này cực kỳ quan trọng: tôi chẳng muốn cô mặc áo bikini hở hang mà tắm khi bờ biển lắm người vào buổi chiều:

Tôi muốn cô đừng nghĩ đến ai,
Đừng hôn chiếc lá, bông hoa tươi,
Đừng ôm gối chiếc khi cô ngủ,
Đừng tắm chiều nay biển lắm người


Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.