Apr 20, 2024

Tùy bút - Bút ký

Nhớ Mẹ.
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:17:06 PM, Jan 05, 2024 * Số lần xem: 3235
Hình ảnh
Võ Doãn Nhẫn
#1


“ Chiều vàng trông ra khơi ngoài chân mây, lòng ngổn ngang như vơi như đầy. Mẹ ơi thấu chăng nỗi lòng con đây giá băng. Vì đâu khiến xui con bặt tin về mẹ ơi. Ra đi, hiến thân con vì muôn dân nước non. Hôm nay chắc mẹ tràn lệ mong mòn nhớ đến con.
Xưa lúc đi,lòng con đã quyết phân ly không hề luyến lưu bao tình thê nhi. Con ước sao làm thêm rõ tiếng nam nhi Lạc Hồng, trước sau lưu truyền muôn đời.
Rồi đây đến thân con liều xông pha gió sương. Mẹ ơi, chớ nên u buồn chỉ vì đời con.”
Và đây là bài thơ Nhớ Mẹ thứ hai của nhà thơ Lưu trọng Lư, tôi chỉ có thể chép lại đoạn thứ nhất trong toàn bộ ba đoạn thơ:
“Mỗi lần nắng mới hắt bên song,
Xao xác gà trưa gáy não nùng.
Lòng vợi buồn theo thời dĩ vãng
Chập chờn sống lại những ngày không.”
“ Mỗi lần nắng mới hắt bên song.” Nắng mới ở đây là nắng thuộc mùa gì? Nắng xuân? Nắng mùa hạ? Nắng mùa thu hay nắng mùa đông? Không biết thi sĩ muốn tả cảnh “ nắng mới” thuộc nắng mùa gì. Nắng vàng tươi rực rỡ như nhà văn Bùi Hiển đã viết một câu trong tác phẩm “ Nằm vạ “: Màu nắng vàng tươi, không nồng lắm và trong như lọc. Thực ra, chính Bùi Hiển cũng không biết “ màu nắng vàng tươi “ ấy có thực sự là nắng xuân, nắng mùa hạ hay nắng mùa thu nữa, chỉ biết “ màu nắng vàng tươi “ ấy là “ nắng mới” sau một mùa mưa dai dẳng.
“ Mỗi lần nắng mới hắt bên song”. “ Nắng mới “ hay là “nắng cũ”? “ Mỗi lần nắng cũ hắt bên song”, đọc lên, nghe cũng có rất nhiều ấn tượng. Tôi thiển nghĩ không phải là “ nắng mới” mà là “ nắng cũ”. Ta hãy xem lại một đoạn văn ngắn của nhà văn Bùi Hiển khi ông viết về “Nắng mới”:một tiếng kêu khô khan của một thân cây nào nứt nở, không biết vì căng nhựa xuân hay vì phơi nắng mới.
Tôi chỉ gợi ý “nắng cũ” thay vì “ nắng mới “ mà không dám có ý kiến gì.
“ Hắt bên song”, “hắt” là chiếu nghiêng, chiếu chếch bên song cửa, bên khung cửa. Ánh nắng chiếu nghiêng, chiếu chếch bên song cửa thường buồn, vắng bóng người. Nắng vàng hiu hắt. Tôi nhớ tới một bài thơ cổ, cấu trúc chỉ vỏn vẹn một đoạn, không nhớ đoạn thơ cổ ấy nhan đề gì:
“ Hiu hắt cành ngô rụng gió,
Lạnh lùng giếng trúc triều sương.
Cuốn ngõ rèm thưa tựa bóng,
Hồn quê nhuộm ánh tà dương”.
Cây ngô đồng tức cây vông hắt hiu trước gió mùa thu lúc chiều tà, gió lay động nhẹ nhàng, không gây động tĩnh. Đứng tựa cửa qua bức rèm thưa, nhìn mông lung qua ánh chiều, lòng bâng khuâng nhớ tới hồn quê man mác, không biết rõ “ hồn quê nhuộm ánh tà dương “ là nhân vật nam hay nhân vật nữ.
Tôi nhớ một đoạn văn xuôi trong sách giáo khoa Anh văn, lớp đệ nhị luyện thi tú tài một, soạn giả là giáo sư Tạ văn Ru. Đoạn văn xuôi ấyđược dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh, đầu bài là Một buổi chiều xuân và tôi xin đọc:
“ Một buổi chiều xuân, một buổi chiều êm đềm và ấm áp.
Tựa lưng vào gốc tre già, Minh cùng bạn ngồi trông ra cánh đồng xa, dưới nắng chiều xuân nhạt, lơ thơ mấy đám mây hồng. Một ngọn gió chiều từ xa hiu hắt đưa lại.”
Thật nhàn nhã thảnh thơi khi ngồi bên cạnh gốc tre già một buổi chiều xuân êm đềm hiu hắt gió. Gió chiều xuân phải là một làn gió nhẹ, lòng một chút bâng khuâng man mác buồn, một nỗi buồn không duyên cớ, nhưng vẫn không muốn chấm dứt, muốn được kéo dài không thôi. Không nghĩ gì đến sự sống, không bận tâm thắc mắc về sự chết, chỉ nghĩ về thời gian phù du ngắn ngủi vô thường, một cụm gió mùa xuân hắt hiu phảng phất, than thầm muôn thuở đất trời, rì rào trong khóm tre, lướt thướt trên bãi cỏ.
Và tôi vẫn nhớ tính từ hoặc trạng từ “hiu hắt “ trong một cụm từ đoản văn của nhà văn Chu Thiên. Trong hai tác phẩm Bút Nghiên và Nhà Nho, Chu Thiên đã viết:
“ Sương thu xây thành. Gió thu hiu hắt. Ta chạnh lòng tưởng nhớ tới hiền thiếp, một mình vò võ, quán xuyến bao nhiêu công việc.( Nhà Nho-Chu Thiên)”
Xin được nói cho rõ hơn: “ Ta” ở đây là ông Nguyễn đức Tâm, đỗ cử nhân, làm tri huyện ở một nơi khá xa, có những hai vợ, một chánh thất, một hầu thiếp; ông quan huyện sai bà hầu thiếp về quê, thu vén quán xuyến từ việc vườn tược đến việc ruộng nương đồng áng. Gió mùa thu mới bắt đầu thường hắt hiu se sắt lạnh, có lẽ ông huyện quan vì nhớ tới người hầu non khi nhiệm trấn xa nhà.
Nhìn những tia nắng mới chiếu nghiêng nghiêng chênh chếch bên song cửa sổ đủ thấy một nỗi niềm tâm trạng buồn dã dượi.” Người ngồi im bóng, lắng nghe tháng ngày qua.”( Back to Soriento, Trở về mái nhà xưa) “ Người ngồi “ trong nhạc khúc là ai? Tôi nghĩ là một người cao niên, mái tóc hoa râm, cô độc, ngồi trên bộ phản gỗ nhẩm đếm thời gian, nhớ người bạn đời giờ này đã yên giấc ngàn thu, nghĩ đến đứa con trai phiêu bạt giang hồ lãng tử. Ngồi trên bục cửa, tôi ngó mông ra vườn thẫn thờ nghe gà gáy xế. Tôi nghĩ không phải gà gáy trưa mà là gà gáy xế. Gà gáy xế thường bao giờ cũng buồn hơn tiếng gà gáy trưa. Tiếng gà gáy xế vọng từ một khu vườn nhỏ trong xóm cuối thôn, mơ hồ, nghe buồn ngủ đến độ nẫu cả ruột. Tiếng xẻ gỗ ở một trại cưa đâu đó làng bên càng thêm mỏi mệt buồn nản. Quý độc giả còn nhớ hình ảnh hai người đàn ông, một đang dứng nghiêng trên súc gỗ to tướng, một cũng đang trong một thế đứng nghiêng, cả hai đang chậm rãi kéo một chiếc cưa rộng bản bằng sắt, bột cưa lại rơi lả tả trên mặt đất; cả hai thợ cưa dường như cam phận, dường như bằng lòng với thân phận cuộc sống nước đọng bùn lầy này. Tiếng lưỡi cưa kéo gỗ đều đều một nhịp triền miên như bất tận.
“ Lòng vợi buồn theo thời dĩ vãng.” Ngày vui của tuổi thơ bao giờ cũng qua mau, thấp thoáng vó ngựa bóng câu, ngày vui tuổi thơ không bao giờ trở lại, hoàng kim giấc mộng. Tôi đi tìm lại một mùa xuân, nhưng ngày xuân năm ấy qua mất rồi và tôi vẫn đi trong mùa xuân tái. “ Mùa xuân tái” chỉ là một cách nói của mùa xuân, “xuân bất tái lai”
“ Chập chờn sống lại những ngày không “. “ Không” là không có, không còn tồn tại mặc dù đã tồn tại, không hiện hữu mặc dù đã hiện hữu. Sự khốc liệt của quá khứ hoàng kim, của dĩ vãng vàng son là chợt còn chợt biến, muốn sống lại muốn tạo lại những chuỗi tháng ngày hạnh phúc tuyệt vời nhưng bất lực bó tay. “ Những ngày không” là những ngày tôi tưởng còn, tưởng có, điều bi đát đau khổ là tôi hằng biết rất rõ không còn không có nữa. Tình khúc thứ nhất của nhạc sĩ Vũ Thành An lời thơ Nguyễn Đình Toàn khiến tôi nhớ lại lời ca thảng thốt khắc khoải một khi thiên đường đã mất:
“ Thần tiên gẫy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần, thành tình nhân đứng giữa trời không khóc mộng thiên đường.”
Nắng quái tà dương buồn nhớ mẹ.
Hoàng kim bóng ngựa ngày còn trẻ.
Bầy chim gọi nhạc đón bình minh,
Tiếng võng ru em già bóng xế.
Sấy tóc ve ca nựng ẵm chiều,
Bổ cau mạng áo ai thay thế.
Nghìn năm khép nắt ngủ mùa thu.
Nhớ xót nhà huyên sao quạnh quẽ.
Xin trở lại ca khúc Nhớ Mẹ của nhạc sĩ quá cố Đức Quỳnh, bởi tôi không biết hiện giờ Đức Quỳnh còn sống hay đã chết, không biết Đức Quỳnh còn sang tác nhạc phẩm nào khác nữa hay không, tôi xin mạn phép mà nói Đức Quỳnh đã mất từ lâu. Nhạc phẩm của Đức Quỳnh được sáng tác khá dồi dào, chủ yếu dành riêng cho tuổi trẻ như Học sinh hành khúc, đặt nặng lịch sử như Bóng cờ lau, Ngày xưa, Chùa Hương, Đêm Mê Linh, Cô Láng Giềng, Thoi tơ, vân vân, đặc biệt và được một thời nổi tiếng đắt khách ăn khách là nhạc khúc Nhớ Mẹ. Cho đến hôm nay, ngoài bảy mươi , tôi vẫn hằng thắc mắc tại sao nhạc khúc Nhớ Mẹ của nhạc sĩ Đức quỳnh không được lưu hành không được phổ biến không được trọng dụng. Có phải chỉ vì nhạc khúc Nhớ Mẹ đã bị tuyên truyền quảng bá, lợi dụng cuộc chiến tương tàn sặc đầu óc ý thức hệ? Gọi nhạc yêu cầu những nhạc phẩm như Thoi Tơ, Bóng cờ Lau, Đêm Mê Linh thì được, nhưng nhạc phẩm Nhớ Mẹ, chớ! Mà nói cho cùng, nhạc phẩm Nhớ Mẹ chắc gì đã có người biết người nhớ? Lúc tôi theo học lớp Nhì (nhỏ), lớp Nhất nghỉ trưa ăn trưa tại một gian nhà lá của một bà cô có họ xa tại đường Hoàng Tử Cảnh Nha Trang, một mình tôi thường ra thơ thẩn ngoài sân vận động tí hon lắng tai nghe nhạc ở ty Thông tin Khánh Hòa đường Nhà Thờ, nhưng phải nói là tôi say mê nghe bài hát Nhớ Mẹ nhất:xúc cảm dâng tràn mà nhẹ nhàng, êm nhẹ hơn khói chiều, mỏng mẻo hơn tơ trăng, mặc dù ty Thông Tin thời bấy giờ chỉ quảng cáo phổ biến cho nghe toàn dĩa nhạc nhựa!
Nhạc sĩ Đức Quỳnh chịu ảnh hưởng nặng nề của âm nhạc nước ngoài Nhật Bản. Đừng nói đâu xa, nhạc khúc do nhạc sĩ Lê Thương sáng tác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của nền âm nhạc Phù Tang: Thu trên đảo Kinh Châu.
“ Đàn chim bay thướt tha trên núi cao miền xa. Mang theo những nỗi buồn hoài mong và tâm sầu đã qua.
Khi ra đi liễu lan còn xinh tốt. Trong khóm hoa tiếng hát của hoàng anh còn dịu dàng mấy câu.
Ngày nay cúc thảm hồng hoa héo khô vì đâu.
Trông lên khóm lá cành đào non giọt lệ sầu tuôn rơi.
Sông Kinh Châu có con buồm trắng. Gió thu mang người biệt ly vào cảnh sầu đó chăng.”
Nhạc thức nhạc phẩm Thu trên đảo Kinh Châu là nhạc thức rê thứ âm điệu trầm buồn gợi lên nỗi buồn man mác chia phôi, tương tự Buồn tàn thu của nhạc sĩ Văn Cao:” Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn.” Lúc còn sinh thời, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ có đi Nhật Bản, đã sáng tác “ Mùa Thu Đông Kinh “ dáng dấp chịu âm hưởng nặng nề của nhạc điệu mùa thu trên xứ Phù Tang.
Vào thời kỳ đang theo học lớp Nhi lớp Nhất tiểu học, tôi thừa biết mẹ tôi tham gia hoạt động tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp. Biết nhưng tôi không nói ra cho ai biết kể cả những người trong gia đình, thủ khẩu như bình. Mẹ tôi được đặt cho danh hiệu cực kỳ vinh dự là “ mẹ chiến sĩ”.” Thiếu phụ sồn sồn có chồng lên núi vô bưng được gọi là “ chị chiến sĩ.”Một đêm nọ, các bà “ mẹ chiến sĩ” “ chị chiến sĩ”lo tổ chức rình rang xôm tụ nhưng vô cùng bí mật mừng Cách Mạng thành công 19/8 và ngày 2/9. Để chuẩn bị chào mừng ngày “ quốc lễ “ trọng đại ấy, mẹ và chị tôi cùng những người hàng xóm láng giềng khác lo toan hối hả làm bánh tét bánh ú bánh chưng, lo tích trữ hàng mấy chục ràng bánh tráng gọi là lương khô, bột ngọt gọi là mì chính, thuớc men, cảm mạo, sổ mũi, nhức đầu, ho hen, dị ứng, thậm chí bà “ mẹ chiến sĩ” còn chu cấp cung phụng tiếp tế những áo ngự hàn.
Tói đêm ấy, tập thể cách mạng được tổ chức thành công rực rỡ, thành công tốt đẹp, thàng công mỹ mãn. Nhân lúc cao hứng, một anh cán bộ ra hát giúp vui bài hát Nhớ Mẹ. Sau khi hát, tất cả các bà “ mẹ chiến sĩ”, các “ chị chiến sĩ” đều lộ vẻ xúc cảm sụt sùi nhỏ lệ, xót thương đứa con thằng em đã quyết hi sinh liều mình vì tổ quốc.” Xưa lúc đi, lòng con đã quyết phân ly không hề luyến lưu bao tình thê nhi. Con ước sao làm thêm rõ tiếng nam nhi Lạc Hồng, trước sau lưu truyền muôn đời...”
Vài tháng không lâu, chỉ sau ngày quốc lễ độ mười tuần lễ, một sự cố ngỡ ngàng dở khóc dở cười: anh cán bộ “trên núi trong bưng” đã một phần không chịu nổi cơ cực ốm đau bệnh hoạn, nhưng phần chính đã ngấm ngầm bất mãn đường lối chính sách của “ cách mạng”nên đã âm thầm lặng lẽ không trống không kèn ra... đầu thú chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Thói thường chính phủ nhà nước chiêu hồi nào cũng “ lập công chuộc tội”: anh cán bộ “ đầu thú” đã thành khẩn cung khai một bản danh sách “ mẹ chiến sĩ “ “ anh chiến sĩ “ “ chị chiến sĩ” lâu nay đã từng tốn công hao sức phục vụ cho cách mạng. Lẽ tất nhiên họ bị nhà đương cuộc nắm đầu, bị thẩm vấn, bị tra tấn tơi bời hoa lá.

Hằng năm, vào độ tháng bảy là đại lễ Vu Lan đồng thời mùa Hiếu Hạnh, mùa Báo Hiếu, mùa thương cha, thương mẹ, nhớ cha nhớ mẹ, mùa bày tỏ lòng biết ơn sinh thành dưỡng dục. Tục lệ thông thường những ai cha mẹ còn sống còn tương đối khỏe mạnh, đầu óc còn tương đối minh mẫn sáng suốt sẽ được người con biếu tặng một đóa hoa hồng. Nếu hai đấng sinh thành còn, đóa hoa hồng sẽ là một đóa hoa hồng màu đỏ; nếu chỉ còn cha hoặc chỉ còn mẹ, đóa hồng sẽ là đóa hồng màu trắng. Riêng tôi, tôi không có được niềm an ủi hạnh phúc ấy, cả hai đấng sinh thành đều đã khuất núi, đều đã ngủ yên trong lòng đất lạnh, không ai được hiến tặng hồng hoa dù hoa mầu đỏ hay hoa mầu trắng.
Tôi hoàn toàn dốt đặc không biết gì lai lịch nguồn gốc mùa Vu Lan mùa Báo Hiếu, được những đứa con hiến tặng hai đấng sinh thành những đóa hoa hoặc hồng hoặc trắng. Tôi có gọi điện thoại hỏi những đứa con gái ý nghĩa của hoa hồng màu trắng màu đỏ, nhưng chúng nó đều mù tịt. Theo thiển ý, việc hiến tặng những đóa hoa màu hồng màu trắng nhân mùa Hiếu Hạnh chỉ cốt làm tăng thêm niềm vui của đấng sinh thành, điểm xuyết tâm trạng hân hoan nhẹ nhàng nhưng có ý nghĩa của mùa Báo Hiếu. Rồi mấy ngàn năm sau, sự tích Bông Hồng Cài Áo trở thành câu truyện cổ tích như truyện Thánh Gióng, truyện Sơn Tinh Thủy Tinh. Sự tích dân gian còn có một ý nghĩa tích cực nào đó nói lên ý nghĩa tình nghĩa chồng vợ tình nghĩa anh em như sự tích Trầu Cau, sự tích núi Vọng Phu, sự tích Bánh Chưng Bánh Dầy, sự tích Quả Dưa Đỏ, vân vân.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.