Oct 11, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Thời Gian Đã Mất (tiểu luận)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 04:20:04 PM, Aug 26, 2009 * Số lần xem: 2309
Hình ảnh
#1


Ngót sáu chục năm qua, hơn một phần hai thế kỷ, những kỷ niệm về mẹ tôi đã đi vào trong đêm sương mờ mịt. Vào thuở ấy, tôi đã đếm được bao nhiêu tuổi nhỉ? Hoàn toàn không biết, hoàn toàn không nhớ chính xác rõ ràng, tôi chỉ nhớ tuổi của mẹ tôi chính xác như đinh đóng cột, ba mươi bảy tuổi. Mẹ nói với cha tôi, với cả nhà, với bà con anh chị em hàng họ, với bạn bè bằng hữu rằng tôi là đứa con cuối cùng, rằng mẹ sẽ...không sinh nở nữa, rằng tôi là đứa con trai út, rằng cha tôi đã nhiều bận nói nửa đùa nửa thật “giàu Út ăn, khó Út chịu”. “ Sẽ không còn sinh nở nữa”, mẹ đã gián tiếp “ cảnh giác” vớI cha tôi để mọi người cùng biết. Kể từ thời ấy, cha mẹ tôi sẽ không còn được nằm chung ngủ chung với nhau nữa, hai ông bà mặc nhiên đồng thuận cùng nhau “ chay tịnh”.
Cũng từ thuở ấy, thằng Em là tôi không được ngủ chung với mẹ nữa. Ngủ chung, tôi được một niềm vui nho nhỏ khi được gần gụi nằm bên mẹ, được đắp chung chăn khi trời trở lạnh và nhất là “ nhân chi sơ tay sờ vú mẹ”, một ám ảnh, một ràng buộc, một tập quán khó có thể quên. Vì vậy mà đã hơn một lần trong khi say ngủ, tôi đã tự động một cách vô thức mân mê núm vú người sinh ra tôi và đã cưu mang tôi. Lập tức mẹ hất tay tôi khỏi bầu vú, vừa ngái ngủ vừa xẵng giọng:
- Ngủ đi, sờ vú cái gì? Từ rày về sau không được “ măn “ vú nữa. Không nghe lời, bác khẻ tay!”
Với sự hiểu biết lờ mờ, tôi hiểu động từ “ măn” đây là “ mân mê”, là sờ mó một cách nhè nhẹ để tìm cảm giác. “ Măn “ vú tức là sờ vú. Trong giấc ngủ, giữa giấc chiêm bao, tôi nằm mơ thấy tôi được cho mẹ tha hồ bú... thả cửa, bú hả hê, hai tay được mẹ tự do mân mê sờ mó thì bất ngờ mẹ giằng lấy vú, hất tay tôi ra khỏi vú một cách hằn học khiến tôi cụt hứng, hụt hẫng, sững sờ như một đứa trẻ ăn vụng bị bắt quả tang. Khi lớn lên được vô đại học sư phạm, tôi hiểu cách giải thích trong giấc chiêm bao được nhà phân tâm học đầu tiên Sigmund Freud cắt nghĩa. Freud bảo chiêm bao là một cách thỏa mãn những ham muốn những dục vọng bị dồn nén trong vô thức. Nhưng thế nào là ký ức cảm tình, une mémoire affective?
Ký ức là khả năng làm sống lại, là khả năng gợi lại quá khứ được nhận biết là quá khứ. Như vậy ký ức là khả năng làm sống lại đối tượng quá khứ là hoài niệm được nhận biết thuần túy về phương diện nhận thức không có yếu tố cảm tình như sung sướng hoặc đau khổ chi phối. Vài thí dụ những đoạn văn nói về những kỷ niệm các nhà văn, một, nhà văn Marcel Proust khi ông nhắc lại lúc thời còn nhỏ ông đã cầm lấy miếng bánh madeleine nhúng trong một chén trà, mùi thơm của miếng bánh bốc lên khiến cậu bé tạo nên một cảm xúc, và nhà văn Thanh Tịnh kể lại những kỷ niệm ấu thời về những buổi “ Tôi đi học” trong tác phẩm “ Quê mẹ”:
“ Hằng năm, cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, long tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường”.
“ Những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường” thật ra chỉ là những kỷ niệm thuần túy đi vào lĩnh vực tri thức, không phải lĩnh vực hoạt động, không phải lĩnh vực cảm tình. “ Kỷ niệm hoang mang” buồn, kỷ niệm luyến tiếc một thời xa xưa đượm sắc màu hoa bướm; buồn, luyến tiếc, Thanh Tịnh biết mình buồn, Thanh Tịnh biết mình luyến tiếc, một thực trạng Thanh Tịnh vẫn còn sáng suốt. Nhúng tấm bánh madeleine vào chén trà thơm ngát lên ăn, Marcel Proust một thoáng ngậm ngùi, nhưng tác giả “A La Recherche du Temps Perdu” Tìm lại Thời Gian đã mất vẫn còn biết mình phân biệt hiện tại khoảnh khắc phù du với quá khứ đã mất đi vào hư vô.
Một tập truyện trong tác phẩm “ Cái Ve” của nhà văn Khái Hưng, tập truyện khá độc đáo trong lĩnh vực văn chương nhưng có liên hệ dáng dấp trong tâm bệnh học. Tập truyện ấy là Tình Điên. L. là một thiếu nữ, con gái một ông làm nghề khám bệnh bốc thuốc bắc sống ở Hà Nội. L. vốn mắc bệnh tâm thần, thường xuyên ngày nào cô cũng ra ngoài con lộ ven đường, đôi khi ăn mặc áo quần lôi thôi xốc xếch thường đứng một mình bên cạnh lạch nước than thở trách móc một nhân vật không có chân dung, đôi khi L. ăn mặc rất chỉnh tề tươm tất cũng đứng bên cạnh rạch mương dường như có ý chờ đợi. Chờ đợi người tình. L. luôn luôn độc thoại, anh anh em em thân mật thù ứng một mình, có lúc L. chua chát nặng lời, có lúc L. tâm sự hàn huyên thân thiết chí tình, L. bao giờ cũng thất vọng mệt mỏi ngán ngẫm đợi chờ, tới lúc bóng ngả hoàng hôn chạng vạng, L. thất thểu lặng lẽ ra về.
Một thanh niên tuổi trẻ, người đọc áng chừng là một bác sĩ, xin được hội kiến với bệnh nhân. Thấy thanh niên có dáng dấp hiền lành, người thầy thuốc đông y bằng lòng, nghĩ bụng: kết quả dã tràng xe cát biển Đông nhưng việc chạy chữa trị liệu chỉ đấng Tối Cao mới biết.
Mỗi ngày vị bác sĩ trị bệnh tâm thần ra mương lạch gần nhà, lân la trò chuyện thân mật bệnh nhân. Bác sĩ đóng vai trò người. tình bị ruồng bỏ ngày trước, cũng vui vẻ chuyện trò, cũng tình tự âu yếm, cũng hò hẹn đi chơi, địa điểm là con đường râm mát trong làng, đôi lúc là ruộng lúa nương dâu, L. quên mất người chữa bệnh tâm thần đóng vai người tình ruồng bỏ, người ấy cầm tay nhau tung tăng chạy nhảy trên đồng lúa bắt bướm hái hoa, ngồi tựa lưng bên nhau ngắm cảnh hoàng hôn tắt nắng hoặc lúc trăng lên vừa ló sau ngọn đồi. Hai người chỉ có một tình yêu.
“ Bệnh nhân lòng ấm lại rồi,
Mối tình chết đã có người hồi sinh”.( Thơ Nguyễn Bính. Lỡ Bước Sang Ngang).
Lúc ở nhà, L. vui vẻ nói năng ríu rít với gia đình tựa một con chim sẻ ngày mùa, một con chim sơn ca chiền chiện, một con họa mi lảnh lót lúc về đêm. Bác sĩ chuyên môn chữa trị bệnh tâm thần vì lòng nhân ái đóng vai người tình người yêu mà quên mất vai đóng kịch. Có khi nào ông thầy đã quàng vai âu yếm đặt trên môi thiếu nữ một nụ hôn dịu dàng thắm thiết? - Có đấy. Có khi nào người thầy thuốc cùng bệnh nhân nằm dài trên thảm cỏ xanh tươi theo dõi một cánh bướm chập chờn nhởn nhơ bên bờ suối? - Cũng có. Bệnh nhân L. đã vô tình đồng hóa người chữa bệnh với người tình yêu, thật giống tình tiết trong phim Elle n’aura pas de printemps, “ Đời em chẳng có mùa xuân.”Một vở kịch trên sân khấu hóa ra sự thật của cuộc đời.
“ Kể từ dan díu cuộc tình,
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng”( Thơ Nguyễn Bính. Lỡ Bước Sang Ngang).
Nhận thấy đêm đêm, tôi lủi thủi ôm gối ngủ chung với mẹ nhưng thực chất ngủ riêng vì bị cấm la cà chung đụng với “ bà ngủ chung”, tôi buồn tình yên thân thủ phận, cha tôi cất lời đề nghi khuyên tôi ngủ chung với cha tôi. Ngủ chung với cha tôi? Ban đầu tôi vùng vằng không chịu, bởi ngủ chung với cha tôi là dứt khoát là đoạn tuyệt với bầu vú mẹ tôi giờ này đã chảy xệ nhão nhoẹt vì cạn sữa, tôi miễn cưỡng đồng ý khứng chịu bằng lòng, “ adieu aux seins de Maman”.
Ba mươi bảy tuổi, vào thuở ấy mẹ tôi dường như không còn trẻ nữa, bà trở nên người đàn bà đứng đắn, lớn tuổi trung niên chững chạc. Vào những năm cha tôi mẹ tôi sống và làm việc một nơi xa xôi hẻo lánh là Đồng Nai Thượng ngày nay gọi là Đà Lạt, lúc đó tôi chưa cất tiếng khóc oe oe chào đời, gia đình cha mẹ tôi chỉ có vỏn vẹn được năm người: anh Ngộ tức anh Sáu, chị Tiềm tức chị Bảy, chị Liêm tức chị Tám, chị Đạm tức chị Chín. Tôi được chứng kiến tận mắt một khung ảnh được chụp toàn gia đình vào thuở ấy. Người cha mặc quốc phục áo dài đen quần trắng, đội khăn đóng, thẻ bài ngà, mang đôi giày hạ; mẹ mặc áo dài nhung đen, đầu búi tóc, quần trắng, mang dép da, cổ mang chuỗi hột bẹt tiếng Tây gọi là hột perles, tay đeo vòng ngọc thạch. Người anh, các chị tôi anh Sáu, chị Bảy chị Tám mặc y phục Tây, bỏ áo ngoài quần, mang dép xăn đan, chị giúp việc cũng mặc áo dài, đang ẵm một đứa nhỏ trên tay, tôi đoán là chị Chín tức chị Đạm. Tôi chăm chú nhìn gương mặt mọi người trong gia đình: cha tôi trên ghế đôn sứ ngồi bắt chéo chân chữ ngũ, không cười nhưng nghiêm nghị, mẹ càng nghiêm nghị hơn, mặt đăm đăm nhìn trước, các ông anh bà chị đứng thẳng trơ như gỗ, tuyệt nhiên không một ai cười, lẽ dĩ nhiên tôi không thể nở một nụ cười bởi lúc ấy tôi chưa có mặt giữa cõi đời này. Tôi nhìn khung ảnh ấy, lòng hiu hắt buồn: khung ảnh ấy, khung ảnh ngày xưa ấy là một khung ảnh chết, mọi người già trẻ lớn nhỏ là những hình bóng chết, bất động, im lìm, không khác gì một bức di ảnh của một lão ông, một lão bà, một thanh niên một thiếu nữ một thiếu niên ngồi nhìn không nói, không còn gì cần thiết phải nói, phải dặn dò trăn trối. Một tấm ảnh từ ngày xưa người bạn học trao cho tôi như một món quà nhỏ, tôi coi món quà như một ám ảnh lởn vởn bóng hình. Trong tấm hình có bốn nhân vật: Tường Vân, Tịnh Hòa, Phương Nga, Phương Dung. Phương Dung là người yêu trong mộng từ thuở tôi còn học Đệ Tứ. Phương Dung là chị, Phương Nga là em ruột, Tịnh Hòa là chị em có họ xa. Dung đẹp người, tính nết đoan trang thùy mị, điềm đạm ít nói. Tấm ảnh chụp một buổi đi chơi picnic ngoài đảo Hòn Chồng, bốn nhân vật đều có mặt thời đó tất cả đều mặc áo dài quần trắng dấu hiệu của nữ học sinh. Tất cả đều đứng trên mỏm đá, lúc ấy buổi sáng, buổi xế trưa hay lúc chiều tà, thời gian, không thể biết, chỉ biết không gian là khoảng cách giới hạn trên khung trời sóng nước. Nhìn vô tấm ảnh, bốn nữ học sinh đều ít nhiều mang trạng thái ngơ ngác trước không gian trời nước mênh mông bát ngát buồn rầu, bầu trời lúc này không nắng nhiều mây xám, một ngày đi chơi picnic sao mà buồn vậy? Tôi khẽ thở dài, lắc đầu. Tôi thừa biết những tấm hình chụp kỷ niệm lễ cắm trại tại trường trung học tư thục Kim Yến vào năm 1953-54 ở xã Lư Cấm bên cạnh giòng sông Cái, chúng tôi những bạn học đã cùng nhau vui đùa bên cạnh một gốc dừa nghiêng ngả trên sông, vào lúc đó thời điểm vào ban trưa, những hình những ảnh lấp lánh những hoa nắng dưới bóng rợp của vườn dừa.
Lúc trước cũng như về sau, tôi ngủ chung với cha tôi đều không có nệm. Ngủ với mẹ, ngủ với cha, tôi nằm trên một bộ ván gỗ, gồm ba tấm, kê sát vào nhau, lâu lâu hai ông bà lại một phen triệt hạ tập đoàn rệp, hoặc giết bằng đèn dầu hôi, hoặc bằng nước sôi.
Tôi ngủ chung với cha tôi, mẹ ngủ một mình, tha hồ tự do không ai cấm cản. Mẹ tiếp tục ngủ từ khi cha tôi thất lộc năm Mậu Tuất 1958. Năm 1972, mùa hè đỏ lửa tại Quảng Trị, vợ chồng tôi cất một ngôi nhà mới bên cạnh ngôi nhà sẵn có của vợ chồng anh Sáu. Thấy ngôi nhà xây chưa hoàn tất, mẹ tôi nói trước mẹ sẽ dọn vô ở khi nào ngôi nhà xây cất xong xuôi. Mẹ còn nói thêm khi mẹ mất mẹ sẽ được thờ nơi gian thờ ông bà, mẹ tôi viện cớ “ chính đáng” rằng không nên thờ những người đã khuất( con, cháu) ngang hàng với các tổ tiên ông bà, như thế là thất kính.
Những buổi tối vào tiết mùa hè, “ cái nóng nung người, nóng nóng ghê”, mọi người ai nấy cũng được trang bị hoặc một cái quạt xếp, hoặc một cái quạt nan tre. Phận làm con, tôi phải có bổn phận quạt mát cho cha tôi trước lúc ngủ, phải đếm đủ năm trăm cái. Độ này tôi đã biết thuộc lòng cách đếm, từ một trăm tới một ngàn. Những khi bị bệnh nhức đầu nóng lạnh, cha tôi được phép nghỉ quạt. Khi đã khỏi bệnh, cha tôi bắt tôi phải quạt bù, không phải chỉ mấy trăm mà phải quạt tới mấy ngàn, tối nay chưa đủ số, tối hôm sau quạt tiếp. Những lúc săm soi xòe ra xếp vào, tôi đếm con số nan. Phải chi tôi biết một vài câu thơ “ Vịnh cái quạt” của nữ sĩ Hồ xuân Hương thì tôi cảm thấy vui vui thích thích:
“ Mười bảy hay là mười tám đây?
Cho ta yêu dấu chẳng rời tay”.
Tôi vừa cựa mình thức thì cha mẹ tôi đã dậy từ lúc nào rồi, tôi e chừng mẹ dậy trước, chuẩn bị đun nước sôi cho người cha chuẩn bị ấm chén pha trà. Tôi hé mắt nhìn lên tấm gương nhỏ vuông chữ nhật lờ mờ ẩn hiện bên trên mái nhà lợp ngói âm dương. Nếu mảnh gương sáng thì ngày đã bắt đầu và tôi hết ngủ; nếu mảnh gương còn bóng đêm khiến tôi không phân biệt được, trời chưa thật sự bắt đầu ngày, tôi có thể tiếp tục ngủ nhất là vào mùa đông. Mùa đông, cuộn mền nằm kín mít trên bộ ván gỗ, tôi nhắm mắt mơ hồ nghe tiếng gió chạy rào rào trên mái ngói, nghe tiếng mưa vụt đổ vụt tắt trên hàng bụi chuối ngoài vườn, không khí trong nhà thực ấm cúng. Mẹ chế nước sôi trong một chiếc bình trà nhỏ, sau đó bà đổ nước nóng trên một chiếc thau đồng nhỏ để rửa mặt, mẹ rửa mặt trong chiếc thau đồng ấy. Riêng cha tôi không hề rửa mặt: ông chỉ ngụm một hớp nước nhỏ, ngửa cổ lên súc nước kêu rò rò, nhổ phẹt bãi nước xuống đất, việc súc miệng của cha tôi đã hoàn tất, không cần xà phòng đánh răng, không cần bàn chải, không cần mảnh kim loại nạo sạch lưỡi.
Sau khi chuyên trà từ chén tống sang chén quân hương thơm ngát khói, cha tôi bắt đầu rửa mặt bằng cách áp gần chén quân lên mắt. Nhưng phải cẩn thận: chỉ áp gần không được áp sát, nếu trà quá nóng, không “xông” được mắt. “ Xông”mắt phải mở cả hai mắt, không được một mắt nhắm một mắt mở. Tôi nhìn cha tôi “xông” mắt;độ một phút sau, cha tôi đổi sang mắt khác. Cha tôi bảo sau khi “xông”, , chỉ cần lau khô bằng khăn tay,mắt sẽ trong hơn sẽ sáng hơn. Lúc ấy người cha bắt đầu uống trà từng ngụm nhỏ, bắt đầu nói chuyện cùng với mẹ tôi uống trà từ lúc nào rồi. Cha nghiện trà, mẹ tuy thích thì uống chơi, không nghiện, bỏ trà nếu cần. Nhưng mẹ lại cần trầu cần thuốc. Mỗi lần không có thuốc không có trầu vì chiến cuộc phải tản cư ở tận quê xa xôi khỉ ho cò gáy, mẹ tôi đã ngâm hai câu thơ lục bát đượm một chút sắc màu ai oán pha thêm bỡn cợt:
“ Bấy lâu xa cách bạn vàng,
Không tiền mua thuốc lượm tàn hút chơi.”
Ai ai cũng biết, hai ông bà nói chuyện lung tung trên trời dưới đất, chuyện ngày trước chuyện hôm nay, chuyện mới chuyện cũ, chuyện tứ thời bát tiết mưa nắng hai mùa gió hòa mưa thuận, chuyện người chết chuyện người sống cho tới mười lăm phút hoặc nửa giờ là cạn chuyện, chấm dứt tuần trà buổi sáng.
Mẹ tôi lo việc rửa mặt cho tôi bằng cách nhúng khăn mặt vô chiếc thau đồng mẹ đã rửa mặt lúc nãy, nước rửa mặt trong thau vẫn còn ấm nóng. Mẹ rửa mặt thêm lau mắt cho tôi vì mẹ tôi sợ dử hay còn gọi là ghèn còn dính trên mí mắt. Rửa mặt lau mắt xong, tôi thấy tôi chẳng cần súc miệng đánh răng bởi thường ngày mẹ thường mắng yêu tôi mỗi khi tôi đã “ hỏi bậy”: con nít miệng còn hôi sữa! Nói cho cùng, tôi chưa hề dám hỏi cha tôi mẹ tôi những câu hỏi vớ vẩn. Giờ này người cha đã mở cửa trong nhà vì trời đã sáng tỏ. Tôi thơ thẩn bước ra ngoài sân nhìn không gian đất trời cảnh vật. Tôi thiết nghĩ cần phải xác định rõ ràng nhận thức về không gian. Lúc còn tấm bé mới mở mắt chào đời được vài ba tháng, đứa hài nhi dần dần nhận thức được một không gian vô cùng giới hạn, tầm mắt có thể nhận thức” hoang sơ”, một phân biệt khoảng cách ban đầu thật gần, sau đó xa hơn. Đồng tử tức con ngươi của mắt chưa có thể hoạt động, nếu có, chỉ là phản ứng tự nhiên không cố ý. Triết gia cực kỳ duy tâm là giáo sĩ Anh Berkeley nói rằng trẻ con chỉ có thể tri giác được một không gian hai chiều, dài và rộng, gần và xa. Lý thuyết cho rằng con người từ lúc nhỏ tới lúc trưởng thành chỉ tri giác một không gian độc nhất là không gian hai chiều, các bác sĩ chuyên môn nhãn khoa xin được miễn phê bình chủ trương lập luận ngộ nghĩnh ấy. Vào tuổi “đồng ấu”dại khờ ấy, không gian là khung cảnh thu hẹp hạn chế trong một ngôi nhà cổ kính mái lợp âm dương, thỉnh thoảng có một cánh dơi động không biết từ đâu bay xộc vào nhà lượn qua lượn lại tìm lối thoát ra ngoài, về sau tôi chợt hiểu hóa ra dơi động tìm cách ăn bầy muỗi mắt. Không gian gồm có hai bộ ván ngựa gỗ, hai chiếc tràng kỷ, hai chiếc bàn uống nước, hai chiếc ghế đôn bằng sành, một chiếc bàn vuông, một bóng đèn bằng men trắng treo lủng lẳng chỉ được thắp vào dịp lễ Tết, hai khung đèn phướn bằng gỗ khung kính nặng nề không hề được thắp sáng( có lẽ mục đích là trang hoàng?). Ngoài ra, không gian hạn hẹp còn được trang hoàng bằng hai khung gỗ sơn son thếp mạ vàng bên trong sơn son đỏ chói. Trong nền khung gỗ ấytôi trông thấy có ba chữ Hán đại tự, tôi đoán mò là “Võ Từ Đường “, còn khung gỗ kia cũng được gắn liền với ba chữ Hán đại tự không biết chữ gì.
Ra ngoài sân là một khung trời rộng rãi khoáng đãng hơn. Mùa xuân, bầy én tung tăng lượn lướt ngang màn mưa phùn trắng xóa, chỉ thấy một không gian tuy cao mà hạn hẹp, đàn chuồn chuồn nhún nha nhún nhẩy bay trong mưa bụi, khóm bông trang đỏ nhánh lá xanh thấm ướt sung đợi chờ ngày giỗ kỵ ông nội tôi hai mươi bảy tháng hai, mùa xuân cây cỏ đất trời đều hồi sinh hoa lá. Vào độ mưa dầm gió bấc thi khác, không gian bị giới hạn bị đóng khung bởi những vườn cây sũng nước tiếng mưa rơi lộp bộp trên những tàu lá chuối buồn rầu u uất, tiếng ễnh ương kêu não nuột bên cạnh ngôi nhà xây kín mít có cảm tưởng đây là nhà thương thí “Bà Xơ” hoặc nhà xác, đất trời sẫm tối thê lương ảm đạm; đó là không gian không gian hạn hẹp ngày trước của thằng bé lên năm.
Triết gia Brunswicg đã nói:” Không gian là hình thức của quyền lực tôi, thời gian là hình thức của sự bất lực của tôi. L’espace est la forme de ma puissance, le temps est la forme de mon impuissance, một câu nói đầy ý nghĩa bí ẩn, xin mạn phép giải thích.
“ Không gian là hình thức của quyền lực tôi”. Tôi có thể chinh phục khoảng từ khoảng cách này sang một khoảng cách khác, thí dụ từ nhà tới trường học, từ Chợ Mới tới thành phố Nha Trang, từ Hà Nội tớI quần đảo Hoàng Sa Trường Sa, từ...” tung cánh chim tìm về tổ ấm” của nhạc sĩ Hoàng Giác và sau cùng tôi có thể di chuyển chẳng mấy khó khăn từ hành tinh này tới một hành tinh xa lạ mới được tìm ra, không gian là hình thức của quyền lực tôi.
“ Thời gian là hình thức của sự bất lực của tôi.” Thời gian được phân chia làm ba thành phần: quá khứ không bao giờ trở lại, hiện tại là cái nhất thời tích tắc phù du, tương lai là cái chưa có. Theo Brunswicg, quá khứ là yếu tố bất khả tái tạo, một khi quá khứ đã đi qua là không bao giờ trở lại. Tôi không thể làm sống lại, không thể gợi. lại ngày hôm qua, lại càng không thể sống lại ngày hôm kia. “Biết bao giờ hè trở lại cùng ta”( Ký ức ngày hè). Cái già xồng xộc nó thì tớI nơi bởi tuổi trẻ chúng ta có bao giờ trở lại. Luyện thuốc trường sinh cải lão hoàn đồng chỉ là những ước mơ huyễn mộng.
Nhưng có thể còn có một biệt lệ, một ngoại lệ:” Thời gian là hình thức của quyền lực ta”, đó là lời nói đấng Giác Ngộ sau bốn mươi chín ngày đêm khổ tu dưới gốc bồ đề, thấy được tiền kiếp của ngài. Le temps est la forme de ma puissance.
Hoàn cảnh kinh tế của gia đình tôi bị sa sút thấy rõ sau một mẻ trộm lớn. Vào độ ấy hai ông bà cùng đi một chuyến xa ở ngoài tỉnh Khánh Hòa- Ninh Thuận chịu tang một bà chị mất. Vì vắng nhà hơi lâu ngày hai ông bà giao các anh các chị cùng người giúp việc bổn phận phải trông coi nhà cửa. Thói thường hễ giao bổn phận cho ai trông nom gìn giữ của cải sự nghiệp thì coi như trách nhiệm chung, trách nhiệm....tất cả. Mọi người đều phải gánh, phải chịu trách nhiệm.
Ban đêm đèn đuốc trong nhà ngoài ngõ đều được then cài cổng kín, mọI ngườI trong nhà đều yên tâm ngủ kỹ ngủ say như chết, tới sáng bảnh mắt thì hỡi ơi! Kẻ trộm đã đào ngạch vào nhà, “ sạch sành sanh vét cho đầy của ông”. Về sau, cha tôi mẹ tôi phát hiện ra rằng sở dĩ kẻ trộm đào ngạch vô nhà vì có nội ứng thông tin mật báo trước, thông tin nội ứng chẳng ai xa lạ, chính kẻ ăn người ở trong nhà cha tôi mẹ tôi. Khi đã khôn lớn, tôi nghe kinh nghiệm về kẻ trộm đào ngạch vô nhà: khi đã sẵn sàng, nghĩa là lúc đạo tặc sắp chui đầu ngoi lên, đạo tặc sẽ dùng mưu kế thả một con cua cắm một nén nhang đốt sẵn rồi thả vào nhà. Nếu không động tĩnh gì, chủ nhà đã ngủ yên. Để cho chắc ăn, đạo tặc bèn đưa một cái nồi đất chui lên cửa ngạch vừa mới đào xong. Nếu nồi đất vẫn im lặng như tờ, biện pháp an toàn của khách đạo tặc coi như bảo đảm, giờ này đồng bọn có thể thu dọn chiến trường. Nếu không may mà cái nồi đất được phang cho một thanh củi, chiếc nồi đất vỡ tan,đạo tặc mau mau dùng chước tam thập lục kế.
Kể từ đêm bị mất một mẻ trộm đau, cha mẹ tôi mất gần hết của cải tài vật, cuộc sống vì vậy bắt buộc trở nên tiết kiệm thanh bần. Số tiền hưu bổng hằng quý ít ỏi chỉ đủ tiền mua gạo tám miệng ăn trong khi việc dành dụm tiêu riêng phòng khi ốm bệnh không có. Huê lợi cây trái trong vườn chỉ gồm không đếm đủ một trăm gốc dừa, không đủ những ngày giỗ chạp ông bà tổ tiên, cha tôi không thể xoay xở kiếm thêm bất kỳ một huê lợi nào khác; mẹ tôi chỉ còn cách duy nhất là vay mượn từ những người bà con bạn bè quen biết, riết rồi mẹ tôi vô hình chung hóa thành con nợ của những chủ nợ. Nhưng thế nào là con nợ, chủ nợ và khách nợ?
Con nợ là người hoặc vay hoặc mượn tiền người khác với mục đích người vay hoặc người mượn phải trả một số tiền trong thời gian ấn định. Mẹ tôi đã vay hoặc mượn tiền từ cô Ba Dưỡng, từ ông Bảy Viễn là con nợ. Chủ nợ thì ai cũng biết, là người đưa tiền trao tiền cho con nợ. Cô Ba Dưỡng, ông Bảy Viễn là những chủ nợ.
Khách nợ là chủ nợ sai người hoặc thuê người đi đòi nợ. Trong báo Xuân của Tiểu Thuyết Thứ Bảy, hai nhân vật là khách nợ Lái Khế, một tay nát rượu và con nợ là ông Hương Cay, còn chủ nợ là một kẻ khuất mặt không thấy xuất hiện. Vào ngày cuối năm, Lái Khế tới tận nhà ông Hương Cay đòi nợ nhưng con nợ...trốn nợ. Mẹ tôi cũng trốn nợ, chủ nợ là cô ba Dưỡng và ông Bảy Viễn, lẽ dĩ nhiên khi hai chủ nợ tới nhà, mẹ tôi đã lủi trốn an toàn ngoài vườn chuối. Nhà ông Bảy Viễn tại Thủy Xưởng, nhà cô ba Dưỡng ở xóm Phường Củi, một nhà chuyên sản xuất nước mắm, sản nghiệp cô Ba giàu có phát đạt khấm khá. Về sau, món nợ ấy mẹ tôi đã trang trải. Cứ mỗi lần nhớ mẹ tôi phải chồng chất nợ nần vì miếng cơm manh áo, lòng tôi lại dấy lên một niềm xót xa tủi nhục. Tôi quên, ngoài khách nợ, dân gian quần chúng còn được gán cho một tục danh khác là nặc nô, một tay suốt đời chỉ chuyên đòi nợ.
Dòng họ gia đình tôi rất chú trọng về thờ cúng kỵ giỗ của tổ tiên ông bà. Khi ông bà mất, bổn phận con cháu phải nhớ ngày mất mà cúng giỗ tưởng nhớ. Hương đăng trầm trà cũng được ông bà không bắt lỗi phải trái chuyện đó, nhưng việc cúng giỗ phải thành kính. Những ngày tháng nhằm ngày húy kỵ của tổ tiên, một cách rất thành thực, tôi chỉ nhớ mang máng mơ hồ thiếu sót. Tôi nhớ ngày hai mươi lăm tháng giêng âm lịch là ngày giỗ kỵ ông cố, còn ngày mất của ông sơ, tổ phụ bốn đời của tôi, bà nội đích tức bà nội vai lớn, chú Tú em ruột của cha tôi, chị Tư Giàu chị cùng cha khác mẹ của tôi mất ngày nào, thú thật tôi chẳng nhớ, riêng tôi được cái an ủi là vào ngày giỗ chạp tết nhất, mẹ tôi đều dọn cúng một mâm, gọi là tất cả người đã mất nên về đấy mà chung hưởng. Tôi còn nhớ vào dịp lễ Thượng Nguyên rằm tháng giêng nhằm ngày mất ông cố tôi hai mươi lăm tháng giêng, cha tôi đã thết cúng ông cố tôi những gì, hương hồn của hai đấng sinh thành còn nhớ không, kính thưa hai bác? Tôi nhớ lễ vật dung để cúng ông cố tôi chỉ vỏn vẹn một dĩa bàn gồm bánh tráng ngâm nước xắt mỏng trộn thịt nạc hành ngò. Mẹ bảo không có mì nên mẹ thay thế mì bằng bánh tráng dã chiến! Ấy vậy mà sau khi cúng, cả gia đình xúm xít quây quần quanh chiếc bàn vuông, chúng tôi ăn rất ngon miệng, có lẽ vì lạ miệng.
Năm nào cũng vậy, mẹ thường cúng Vu Lan “tháng bảy ngày rằm xá tội vong nhân” Vong nhân là vong hồn của những người chết. Vong hồn ấy nhiều vô kể hằng hà sa số trong đó có thể cha tôi, mẹ tôi, anh tôi. NgườI chết đã quá lâu, thân xác rữa mục hóa thành bụi đất, hóa thành cây cỏ, nhiều khi tôi tự hỏi hồn người chết đã được hóa kiếp luân hồi đầu thai kiếp khác hay chưa. Thi sĩ Nguyễn Du có viết một bài thơ song thất lục bát nhằm cúng dường cho những oan hồn yểu tử: Văn tế thập loại chúng sinh. Thế giới người chết là một thế giới hoàn toàn bí mật lạ lùng.”
Riêng ngày húy kỵ ông nội tôi thì mẹ tôi được chuẩn bị rất chu đáo tươm tất. Vào những ngày đầu tháng hai(tôi thầm nhẩm tính từng ngày), tôi đã thấy mẹ tôi đem xâu đồn đột tức hải sâm tức đỉa biển ra phơi nắng, đồn đột lâu ngày không đem phơi bị mốc trắng. Tôi hỏi đồn đột đem phơi như vậy để làm gì, mẹ đáp “ để nấu đồ cúng ông nội.” Rồi mẹ đem nải chuối hột xanh non còn gọi là chuối chát cắt vài trái, gọt bỏ vỏ xanh, dùng dao sắc xắt thật mỏng, bỏ vô thẫu ngâm dấm chua với đường cát trắng. Bộ đồ đồng trên bàn thờ ông bà trước Tết được chùi bóng, lúc này người cha sai anh Sáu đem mấy bộ chân đèn chùi bóng lại. Đầu óc non nớt thơ dại của tôi lúc ấy mẹ đang lo sắm sửa chuẩn bị ngày giỗ kỵ ông nội chắc phải rộn rịp tưng bừng mà không biết mẹ đang lo thu vén sao cho ngày giỗ được tươm tất không bị họ hàng bà con dè bỉu chê cười. Ngày hai mươi sáu tháng hai âm lịch, khách khứa họ hàng bà con lục tục đến, ông bà Mười Mậu, bà Bảy Lạc, chú Năm Ký, ông Ấm Sáu, ông giáo Quang, chú Ấm Dù. Cha tôi có bổn phận thù tiếp trà thuốc các ông ấy. Khi các ông tới đông đủ, chuyện nổ vang như pháo , cha tôi bắt đầu cuộc chơi tiêu khiển tài bàn giết thì giờ chờ đợi. Cơm nước mẹ tôi phải lo tươm tất. Chiều tối, các ông ở lại tiếp tục sát phạt tài bàn, ngọn đèn sứ men trắng được thắp sáng lung linh trên gian nhà giữa. Khuya, mấy ông ngưng sát phạt, dẹp chiếu đi nằm, miệng tiếp tục bàn cãi về chuyện ù chuyện chạy. Sáng thức dậy, các ông đã vội vàng rửa mặt uống trà hút thuốc, xong đâu đó các ông trải chiếu tiếp nối màn phục hận hôm qua. Cha tôi chỉ đánh cầm chừng tới khi giờ cúng lễ bắt đầu, mọi ngườI lặng lẽ vận áo dài đen chờ cha tôi làm lễ xong.
Cho tới ngày hôm nay, tôi đã ngoài tuổi bảy mươi vừa mang bệnh vừa già yếu, tôi vẫn nhớ ngày giỗ kỵ ông nội tôi, cúng kính lễ nghi chỉ là tục lệ gìn giữ sao cho phải đạo thờ kính ông bà vong linh đỡ tủi. Ngày sau, khi tôi nhắm mắt, ngày giỗ ông nội bà nội ông ngoại bà ngoại chắc phải chìm vào quên lãng, khó có thể tìm lại nhớ lại Thời gian đã mất. Bây giờ trời bắt đầu chuyển thu, thời tiết khởi sự hiu hắt lạnh, gió đã đổi chiều sang hướng bắc. Trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp Nhất bậc tiểu học, tôi nhớ một đoạn văn ngán ngủi của mùa thu:” Thu đến với tiết thu ủ ấp cho quả mau chín, lá mau vàng để rồi phải lìa cành trong những ngày đông thiên lạnh lẽo, gió bấc, mưa dầm.” Thi sĩ Apollinaire trong bài Adieux đã viết nói về mùa thu rất đẹp nhưng cũng rất buồn vì cái chết của mùa đông thấp thoáng hiện về:
“ J’ai cueilli ce brin de bruyère,
L’ automne est morte, souviens t-en...”
Ta ngắt đi một chum hoa thạch thảo,
Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi.”
Từ ngày bị ngã bệnh, tôi vẫn còn trí nhớ để nhớ tới nghĩ tới ngày mẹ mất. Chỉ nghĩ tới thôi, tôi bó tay bất lực chẳng làm gì được, may nhờ có người phối ngẫu giúp đỡ đảm đương một tay quán xuyến tất cả, để rồi vài chục năm sau, một trăm năm sau nữa, người phối ngẫu và tôi hẳn nhiên trở về cát bụi lấy ai cúng quảy giỗ chạp như cha tôi,ông nội tôi, ông ngoại tôi, ông cố tôi? Mẹ mất cách nay gần mười năm, tôi đau khổ mà không thể trở về chịu tang, họ hàng bà con anh chị em cháu chắc đều tề tựu về đông đủ. Trước lúc từ giã cõi đời, mẹ gọi tôi tiếng gọi thảng thốt nhưng tôi không, không thể lết tới giường bệnh để nghe mẹ dặn dò trăn trối. Lúc di quan, ông con rể mẹ tôi đã đọc một trang điếu văn ngắn, nội dung kể lại công trạng kháng chiến chống Pháp chống Mỹ. Mẹ thọ non môt trăm tuổi.
Tôi không nén nổ tiếng thở dài.

Tìm lại thời gian thôi đã mất!
Vàng son đã chết tuần trăng mật.
Ngày nào phơi phới rộn nở hoa,
Chập choạng hoàng hôn chờ nhắm mắt.
Rạng rỡ bình minh đậu bướm hoa,
Gà trưa gáy xế buồn lây lất.
Tìm đâu mái tóc nét đen huyền?
Nguyệt xế đầu non trăng đã khuất.
“ A la recherche du temps perdu” tác phẩm đồ sộ dày ngót nghìn trang của tiểu thuyết gia Pháp Marcel Proust, tôi không biết thực sự tác giả “ tìm lại thời gian đã mất” hay không. Trên thực tế, vua nước Sở mất cung, có người mách lại với đức Khổng Tử; ngài nói rằng “của người này mất đi thì người khác tìm lại được chớ mất đi đâu mà phải tìm.”
Theo thiển ý, tôi không thể “ tìm lại thời gian đã mất”. Đã đành quá khứ mất đi rồi sẽ không thể, không bao giờ tái hiện. Kỷ niệm thiếu thời thường bao giờ lúc nào cũng đẹp, nhắc lại gợi lại những kỷ niệm ấy thường bao giờ cũng ngậm ngùi xót xa luyến tiếc nói theo thông tục người đời. Nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã ngậm ngùi ý thức rằng không thể tìm lại quá khứ, không thể “ Tôi đi tìm lại một mùa xuân” bởi “ mùa xuân năm ấy qua mất rồi”( của tác giả Đoàn Nguyên). Nhạc sĩ Nguyễn Hiền viết, than thở bởi không thể Tìm đâu:” Tìm đâu bàn tay che mái tóc huyền rung tơ mềm? Tìm đâu muôn mầu hoa nắng lung linh vương chân êm?”. Kinh thành Thăng Long ngày trước rất tráng lệ,rực rỡ huy hoàng, “lối xưa xe ngựa, hồn thu thảo,” giờ đây không còn nữa chỉ còn “ngõ cũ lâu đài, bóng tịch dương”đã chết, có chăng còn lại hồn ma bóng quế, cây cỏ mùa thu và bóng ngã về chiều./.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.