Mar 28, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Đoạn Tuyệt
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 04:25:44 AM, Jul 09, 2009 * Số lần xem: 4489
Hình ảnh
#1

 

 

 


 

 “Anh đi đường anh, tôi đường tôi,
Tình nghĩa đôi ta có thế thôi.
Đã quyết không mong sum họp mãi,
Bận lòng chi nữa lúc chia phôi?” 
                (Giây phút chạnh lòng- Thế Lữ)
.......


Đoạn là đứt, cắt đứt, dứt khoát, không còn hàn gắn chắp nối. Đoạn mãi là bán đứt (một vuông đất, một gian nhà, tiếng Mỹ là short sale) Dường như có một ngộ nhận, một lầm lẫn hiểu sai về từ” mãi”. “Mãi”, “mại” là bán hay là mua? Gái mại dâm hay gái mãi dâm? Gái mua dâm hay gái bán dâm? Theo thông lệ, gái giang hồ, gái làng chơi là gái bán dâm. Đoạn tuyệt là đứt đoạn, không còn giao thiệp liên tục hay giao dịch gì nữa, riêng vợ chồng đoạn tuyệt là ly dị, ly hôn, ly thân về mặt pháp lý, Đoạn Tuyệt là nhan đề trong tác phẩm tiểu thuyết luận đề của nhà văn Nhất Linh. Đoạn đầu đài là nơi rụng đầu, nôm na là máy chém đầu trong cuộc cách mạng 1789 ở Pháp khiến vua Louis thứ mười sáu và vợ là hoàng hậu Marie Antoinette bị hành hình và năm 1931 cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở Yên Báy bị thất bại khiến mười ba liệt sĩ là Nguyễn khắc Nhu tức Xứ Nhu, Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con và Phó đức Chính lên đoạn đầu đài.Đoạn trường tiếng Hán có nghĩa là “đứt ruột”. Người thợ săn giết được con vượn mẹ, vượn con kêu khóc thảm thiết. Khi vượn con chết, viên thợ săn mổ bụng vượn con thấy ruột đứt từng đoạn, chỉ sự đau đớn khôn xiết. Chu Mạnh Trinh khi đề tựa truyện Kiều có viết một câu:” Lại xem như bút mực tài hoa đoạn trường mười khúc, trúc tơ phong nhã hồ cầm một chương...”; bà Huyện Thanh Quan đã than thở trước sự thay đổi vô thường của cảnh hoang phế Thăng Long “ cảnh đấy người đây luống đoạn trường.”
Một trong những tác phẩm “nặng ký” nhất của nhà văn Nhất Linh là Đôi Bạn và Đoạn Tuyệt. Đoạn Tuyệt thì có thể hiểu được ý nghĩa của tiểu thuyết luận đề một cách tương đối dễ dàng, nhưng Đôi Bạn thì có ý nghĩa gì trong đó?
Đôi Bạn là hai nhân vật còn trẻ có quan hệ mật thiết được mặc nhiên coi như hai người bạn. Nhưng Đôi Bạn là hai nhân vật nào? Một nhân vật Dũng có một nhân vật Trúc? Một nhân vật nam cómột nhân vật nữ, một thanh niên và một thiếu nữ? Phải chăng thanh niên ấy là Dũng và phải chăng người thiếu nữ là Loan? Ngay từ ban đầu lúc đang đọc Đôi Bạn, tôi đã có ý nghĩ ngay “Đôi Bạn” là nhân vật Dũng và nhân vật Trúc. Hai người gần như lúc nào cũng đi đôi với nhau, từ hai người cùng nhau trông coi việc ruộng nương lúa má ở ấp Quỳnh Nê, tới lúc hai người cùng nhau thăm mộ, người mắc bệnh lao vừa mới mất, Thái. Dũng là con trai độc nhất trong một gia đình có bề thế, có địa vị và có danh vọng, nhà cửa cơ ngơi, hưởng thụ, tự mãn. Thân phụ của Dũng là ông Tuần, có đến ba bà vợ, nhưng Dũng không thấy sung sướng hạnh phúc, bởi tự bản thân, Dũng là kẻ ăn bám của xã hội, vô tích sự, nhàn rỗi, ăn không ngồi rồi, một cá nhân ông quan đầu một tỉnh nhỏ phải sống cầu cạnh dựa vào uy quyền cùng sự phú quý của một người khác. Chính vì thế Dũng có tự ti mặc cảm về sự giàu sang phú quý của mình. Mỗi lần đi chơi ở nhà một người bạn là Cận, là Hà một thiếu nữ gia cảnh cũng nghèo, Dũng đã phải vội vàng hấp tấp trả lời “tôi ăn cơm rồi” trong lúc cả nhà đang dùng bữa: Dũng không muốn chấp nhận sự giàu sang phú quý đó như một cái tội. Dũng muốn chối bỏ nguồn gốc lý lịch gốc gác của mình. Vào 1945, tôi có hai người chị “đoạn tuyệt “ gia đình cha mẹ đi theo cái gọi là cách mạng kháng chiến, chị Tiên chị và chị Liên . Hai chị hoạt động tại tỉnh Bình Định. Trước năm 1954, đảng Lao động Việt Nam đề nghị chị Tiên nên gia nhập đảng, chị khôn khéo từ chối, rằng thì là bản chất con người của chị còn mang nặng đầu óc phong kiến sặc mùi lãng mạn tiểu tư sản; đảng cũng không ép. Riêng sau ngày đình chiến 1954, chị Liên tập kết ra Bắc. Cũng vào thời điểm này, chị Liên mới được đảng Lao động Việt Nam chấp thuận vào làm đảng viên từ năm 1963. Lý do giản dị dễ hiểu: nguồn gốc của chị vốn thuộc gia đình phong kiến, thành phần tiểu tư sản, có đâu như Đặng xuân Khu đã chối bỏ gốc gác thành phần địa chủ, nên được nhảy lên làm Tổng Bí Thư đảng Lao Động sau vụ Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu và đầy nước mắt. Kể ra được làm đảng viên trong một tổ chức chặt chẽ nghiêm nhặt không phải dễ nhưng không phải là quá khó. Như tác giả của bài thơ tứ tuyệt “ Từ ấy”.
Đã thế gia đình Dũng lại muốn cầu hôn với một gia đình rất đỗi môn đăng hộ đối đẹp đôi vừa lứa là cô tiểu thư Khánh và ái nữ cụ Thượng Đặng.
Thế còn Loan? Loan là người bạn gái và cũng là người yêu âm thầm của Dũng. Một sự kiện tấm lý đồng thời một sự kiện văn hóa xã hội thường xuyên xảy ra hơi khác lạ: cánh thanh niên đàn ông đem lòng yêu và lập gia dình cùng người con gái phụ nữ cùng xóm, gần nhà, ngăn cách một con lộ nhỏ, một hàng rào, một giậu dâm bụt. Chính ông anh tôi đã yêu và kết hôn một cô thiếu nữ cách một ngôi nhà, tôi cũng không thoát khỏi thông lệ đó và nhạc sĩ đa tình Hoàng Quý đã sang tác một nhạc phẩm lâm ly thống thiết lúc người con gái nhà bên cạnh sang ngang: cô Láng Giềng. Dũng yêu Loan và Loan cũng đặt trái tim của mình lên tâm hồn của Dũng. Nhưng gia cảnh Loan lại nghèo, Dũng biết thấy rõ phân biệt giai tầng xã hộI nên đành chap nhận im lặng và Loan không thể nói lên cảnh ngộ ngang trái hoàn cảnh éo le ngiệt ngã. Ròi rục rịch gia đình cụ Thượng Đặng loan tin lễ thành hôn sắp được tổ chức cho “đôi trẻ”; Dũng vẫn thản nhiên dửng dưng, không chấp nhận cũng không phản đối chỉ biết nín thinh yên lặng. Quan niệm cổ lỗ trong gia đình ngày trước cho rằng cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó, khỏi cần phải bàn cãi. Gia đình ông Tuần xin ngày tốt giờ tốt rước dâu, sắm sửa nữ trang quần áo, mùng màn chăn gối cho đôi trẻ, mọi người trong nhà đều trầm trồ suýt soa tấm tắc ngỏ ý thềm muốn. Loan cũng bước sang nhà ông Tuần, giúp đỡ một tay, kỳ thật cốt để san sẻ nỗi niềm của chú rể miễn cưỡng.
Khoác tấm chăn bông lên tay của mình, Loan khẽ nói, dành riêng cho Dũng:
- Đắp tấm chăn này vào mùa đông, cô dâu mặc sức tha hồ ấm.

Gia đình ông Tuần sửng sốt bàng hoàng, nhưng sự thật vẫn sờ sờ. Dũng đã bỏ nhà đi, không biết đi đâu, đi bao giờ. Thật ra Dũng đã tính trước ngày cưới, hôn lễ bắt buộc phải đình lại, cô dâu vừa xấu hổ sượng sùng vừa buồn tình vì vỡ lỡ duyên phận hẩm hiu xui xẻo. Nhưng rồi ái nữ cụ Thượng Đặng lại an ủi:thôi, duyên đã lỡ rồi, biết làm sao, ông Tơ bà Nguyệt rồi ra có ngày sẽ xe duyên mới, kiếm được tấm chồng. Thật ra, Loan hình như đã có linh tính, biết trước cuộc hôn lễ sẽ không thành tựu, nhưng Loan không thể nào biết trước sự việc sẽ xảy ra những gì. Tự thâm tâm, Loan đã không khỏi mừng thầm bởI nói theo tâm lý tầm thường ích kỷ của ngườI con gái một khi đã “ không ăn được thì đạp đổ”.Dũng đã bỏ nhà đi trốn với Trúc, đã thoát ly từ chối cuộc hôn lễ, giờ này bóng chim tăm cá.xa gia đình, xa làng xóm, biệt quê hương.
Dũng và trúc đang ở bên kia biên giới nước Trung Hoa tại một ngôi làng nhỏ. Buổi chiều, hai bạn cùng ngồi tại một địa điểm hướng về quê hương làng cũ, nơi Dũng đã sinh ra và nơi đã khôn lớn. Trúc ngồi trên một bãi cỏ lặng thinh, tôn trọng một sự hồi tưởng nhớ về của người bạn gái. Dũng nhớ một buổi sáng lúc đi chơi về khi đi ngang qua nhà của Loan, Dũng thấy một chiếc áo trắng của Loan phơi ở hàng dây đang bay trong gió. Dũng nghĩ bụng:
- Loan vừa nghỉ học ở tỉnh mới về.
Dũng biết mình yêu Loan từ dạo ấy.
- Ấy thế.
Trúc mỉm cười, phủi đít đứng lên, báo Dũng chấm dứt mơ mộng. Trời viễn xứ bắt đầu nhá nhem. Bên kia làng, đèn nhà ai lấp ló trong sương, trông như một nỗi nhớ xa xôi đương mờ dần.
Giờ đây xin đề cập đến tác phẩm Đoạn Tuyệt. Cách nay ngót bốn mươi năm, trong lúc phụ trách đề tài, một trong những tác phẩm của Nhất Linh, giáo sư Lê Tuyên lập đi lập lại hơn một lần rằng: “ Đoạn Tuyệt là một ý thức muốn đoạn tuyệt, nhưng không thể nào đoạn tuyệt được.” Câu này gồm hai mệnh đề, xin tuần tự phân tích mệnh đề thứ nhất: “ Đoạn Tuyệt là một ý thức muốn đoạn tuyệt”.
Trong Đôi Bạn, Trúc là một ý thức muốn đoạn tuyệt. Qua nội dung tình tiết của tác phẩm, Trúc giao du với Dũng, tuyệt nhiên không bao giờ Trúc đề cập gia đình, xã hội. Trúc sống độc thân, không cha mẹ, không anh em chị em, có độc nhất một bạn gái, cô Hà, em gái của Cận, gia đình thanh bạch. Trúc quyết định dứt khoát đoạn tuyệt ra đi với bàn tay trắng nhưng “ ta có bàn tay, một tình yêu này, một đời sum vầy thì đâu khó chi lấp biển vá trời.”
Dũng là bạn của Dũng, bạn rất thân, là một ý thức rõ ràng dứt khoát muốn đoạn tuyệt, đoạn tuyệt với bản thân, đoạn tuyệt với cuộc sống ăn nhờ ở đậu ăn không ngồi rồi; đoạn tuyệt với gia đình nhất là với ông Tuần cùng ba bà vợ lúc nào cũng làm ra vẻ quan tâm săn sóc, kỳ thực dòm ngó hành vi. Đã có lần, ông Tuần từng lên tiếng khuyên bảo răn dạy giáo dục đứa con trai bắt đầu tuổI lớn, bảo Dũng hãy song sao cho nghiêm chỉnh hơn, chững chạc hơn, đứng đắn hơn; đoạn tuyệt với xã hội bởi Dũng nhìn chung quanh thấy mọi người kể cả bạn bè đều gián tiếp coi Dũng là con một ông quan đầu tỉnh, ông Tuần, một tương quan vô hình chung có sự cách biệt trong quan hệ giai cấp. “ Con ông Thiệt”, bạn bè muốn ám chỉ Dũng là con trai ông Tuần khiến Dũng bực mình khó chịu. Kể từ hôm nay, giờ phút này, Dũng đã ý thức minh bạch rõ ràng muốn đoạn tuyệt với bản thân và với quá khứ. Bắt đầu từ hôm nay, Dũng đã bị chối bỏ. bị phủ nhận.
Một chi tiết cũng khá lưu ý: nhân vật Trúc, người bạn chí thiết của Dũng không còn thấy tái xuất hiện trong tác phẩm Đoạn Tuyệt nữa. Kể từ giờ phút này hai nhân vật Loan- Dũng sẽ xuất hiện trên diễn đàn văn học.
Dũng đã trở về Việt Nam từ đất khách Trung Quốc., tạm trú tại nhà vợ chồng cô giáo Thảo và Lâm. Loan cũng đến nhà vợ chồng cô giáo nhưng Dũng lánh mặt không muốn Loan gặp mặt sau một thời gian lâu dài xa cách. Ròi Loan cho hai bạn Thảo- Lâm biết Loan sắp về nhà chồng, vị hôn phu là Thân, một người đàn ông không có cá tính, bà mẹ chồng là bà Phán Lợi, chủ ý là để trả món nợ ông Hai bà Hai đã trót vay. Sau ngày cưới, cuộc sống hai vợ chồng không có hạnh phúc, bà Phán Lợi thường xuyên than phiền gián tiếp đay nghiến chửi chó mắng mèo người con dâu lười biếng không làm việc khiến Loan vừa tủi thân vừa chán nản. Câu chuyện đôi co cãi cọ dẫn đến sự xô xát và ngộ sát trong khi Loan chỉ nắm con dao gọt trái cây ăn trái cốt ý chỉ để tự vệ. Bất hạnh thay, Thân chết vì lưỡi dao oan nghiệt ấy,trong lúc ngườI chồng giận dữ ném chiếc chân đèn vào người Loan, Loan đưa con dao lên đỡ mục đích chỉ nhằm phản ứng tự vệ. Tòa án Hà Nội tha bổng bị cáo vì tội ngộ sát, mà ngộ sát thì không có tội, Loan được tự do từ đó.
Loan trở về nhà cha mẹ ruột của Loan, giờ này cả hai sinh thành đều mất. Loan sinh sống bằng cách dạy kèm một nhóm học sinh, nhưng không được bao lâu phải đóng cửa vì giới phụ huynh học sinh dị nghị một bài nhật báo loan tin dạo nọ “ Tân Văn sáu trang cô Loan giết chồng”. Kể từ giờ phút này cuộc sinh nhai kiếm sống của Loan bắt đầu cơ cực khó khăn.
Một ngày đầu xuân ngày Tết, Loan tới nhà vợ chồng cô giáo Thảo- Lâm chúc Tết mừng tuổi. Lâm tinh ý, biết vợ mình muốn tâm sự cùng Loan, đội mũ ra phố đi xem chiếu bóng. Ở nhà, Thảo đưa Loan một bức thư, bảo là thư của Dũng và bảo Loan đọc. Nội dung trong thư Dũng biết Loan thoát khỏi vòng tù tội lao lý, cuộc sống hoàn toàn độc lập tự do không ràng buộc vướng mắc. Dũng ngỏ ý cậy Thảo nhờ Loan nối lại mối tình ngày trước tưởng chừng giờ này đã đoạn tuyệt. Đoạn tuyệt nhưng kỳ thật không đoạn tuyệt, đó là mệnh đề thứ hai và cũng là mệnh đề sau cùng của giáo sư Lê Tuyên: Đoạn Tuyệt là một ý thức muốn đoạn tuyệt nhưng không thể đoạn tuyệt.
Xin mạn phép cống hiến một bài thơ Đừờng, luật trắc, vần trắc nói lên một phần ý nghĩa của “ Đoạn Tuyệt”:
“ Khối óc tay ôm bầu nhiệt huyết.
Đầu non đất khách soi vầng nguyệt.
Gia đình xã hội buổi suy vong,
Tổ quốc non sông thời tận diệt.
Nếp sống an bình chẳng mặn nồng,
Tình yêu lặng lẽ đầy tha thiết.
Biên thùy đất lạ buổi hoàng hôn.
Dứt áo ra di ngày “ Đoạn Tuyệt”.
Thế còn đức Thích Ca? Đức Như Lai có phải đoạn tuyệt khi bỏ cung vàng điện ngọc tìm đường giải thoát không?
Tôi thiết nghĩ có thể.
Sau khi cùng vua cha Tịnh Phạn Vương ngồi long xa dạo chơi ngoài bốn cổng thành cùng chứng kiến tận mắt bao cảnh đời éo le ngang trái đau khổ, từ người cao niên luống tuổi phải chống gậy, rồi người bệnh hom hem gầy gò ốm yếu chân bước đi không muốn nổi đến người chết co quắp bên vệ đường. Sự việc này khiến vua Tịnh Phạn bực mình, vì trước khi đi rong chơi, nhà vua cấm ngặt không một ai được vãng lai lui tới ở bốn cửa thành nhưng nhà vua có biết đâu thiên sứ đã ra lệnh xuống trần gian giả dạng những người sinh lão bệnh tử cốt để thái tử sớm quyết định đi tìm con dường giải thoát. Thái tử Tất Đạt Đa sinh tâm buồn rầu chán nản, chứng kiến tận mắt những người sống, già, bệnh chết, từ trước tới giờ thái tử chưa hề nghe thiên hạ nói tới cái già cái chết. Về tới hoàng cung, một mình thái tử vào ra thở vắn than dài suốt đêm trằn trọc thao thức. Trên giường, vợ đẹp con thơ đều thả hồn say sưa giấc ngủ. Chung quanh, cung vàng điện ngọc lầu son gác tía đối với thái tử trở nên vô nghĩa.
Rồi một đêm khuya, trong lúc gia đình vợ con yên giấc, thái tử khẽ ngồi dậy, nhè nhẹ bước ra khỏi giường. Thái tử đã có một quyết định: cương quyết ra đi, ra đi để giải thoát thân xác và linh hồn thoát vòng sinh tử. Cương quyết ra đi cũng là đoạn tuyệt. Đoạn tuyệt vợ đẹp. Đoạn tuyệt con thơ. Đoạn tuyệt cha già. Đoạn tuyệt gia đình phú quý giàu sang bật nhất thiên hạ để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới mẻ nhiều hiểm nguy và đầy bất trắc. Thái tử không mang theo bất cứ vật dụng gì ngoài bộ quần áo cũ đang mặc trong người, không mang lương khô độ nhật. Trước lúc giã biệt, thái tử cúi xuống giường ngủ hôn nhẹ trên má vợ, hôn nhẹ trên trán con thơ, cả hai bằn bặt say sưa giấc điệp.”Lòng ta ta đã quyết rồi, dễ ai giục đứng giục ngồi mà nao.” Thái tử lẳng lặng mở cửa ra đi, ngoài trời sao hôm lấp lánh điểm thưa, bóng đêm dày đặc.
Tôi không am tường về quá trình khổ tu theo Ấn Độ giáo, sau này thái tử bỏ cuộc vì đã khổ tu không kết quả, không đắc đạo, không giải thoát. Lúc này vị tu sĩ đã không còn là một thái tử nữa, một thái tử tuổi trẻ dồi dào sức sống uy nghi đường bệ tiền hô hậu ủng, mà chỉ còn là một vị tu sĩ hom hem gầy guộc. Người nào kẻ nào đã chăm lo miếng ăn thức uống , tắm rửa giặt giũ quần áo cho người, săn sóc giữ gìn sức khỏe khi trở trời trái gió?
Sau bốn mươi chin ngày nhập dịnh thiền định, tu sĩ Tất Đạt Đa được giác ngộ, hào quang rực sáng chói lọi quanh minh dưới cội bồ đề, bậc giác ngộ có thể thấy được hàng muôn vạn kiếp trước của ngài. Một bầy yêu nữ chủ yếu là dâm nữ xinh đẹp ăn mặc cực kỳ hở hang khêu gợi bu quanh bậc Giác Ngộ buông thả những lời ong bướm dâm ô hòng bậc Giác Ngộ xiêu lòng sa ngã, nhưng Như Lai diềm tĩnh định thần bắt ấn khiến bầy yêu nữ đành phải lánh xa biến dạng. Dâm nữ Ma đăng già lấy làm bực tức bỏ đi thua cuộc. Kể từ thời điểm này bậc Giác Ngộ có thể yên tâm lên đường chu du hành đạo, cứu độ chúng sinh thoát khỏi trầm luân trong biển khổ, trước tiên phải tự giác, sau đó tha giác, tự giác trước, giúp người khác giác ngộ sau. Trên đường chu du hành đạo, bậc Như Lai tái ngộ phụ vương, vợ và con, tên La Hầu La, cả hai đều xin đức Như Lai được xuất gia./.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.