Mar 29, 2024

Trường thiên song thất lục bát

Lệ Chi Hận Sử - Lời giới thiệu & Chương Từ 1 - 7 & các links chương tiếp theo
Nguyễn Gia Linh * đăng lúc 05:30:14 AM, Nov 27, 2014 * Số lần xem: 12950
Hình ảnh
#1

Vài nhận xét về Thi Phẩm - trường thiên Lệ Chi hận sử của Nguyễn Gia Linh

Thẩm Thệ Hà

“Lệ Chi Viên” đã đi vào Văn Học Việt Nam bằng con đường huyền thoại và dã sử để diễn tả nỗi oan trái của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ thành những trang ký ức não nùng của thời Lê đầy bi thương thảm khốc.
Maiõ đến nay, qua thi phẩm trường thiên “Lệ Chi hận sử”, Nguyễn Gia Linh mới phá tan những làn sương mù dày đặc bao phủ cả bao nhiêu triều đại nhà Lê, trung thành với sự thật lịch sử , soi sáng những tấm gương trung can, tiết liệt, phản ảnh sự thối tha mục nát của chế độ phong kiến Việt
Nam từ cung đình đến xã hội.
Thi sĩ Nguyễn Gia Linh, tên thật là Nguyễn Hữu Tính, vốn là Tiến sĩ Khoa học, hiện là giám đốc khảo cứu khoa học tại Trung Tâm Paul Pascal ở Bordeaux, Pháp quốc. Một tiến sĩ khoa học mà lại tha thiết yêu thơ, say mê làm thơ với nhiều sáng kiến tân kỳ, độc đáo. Tất nhiên nhà khoa học thi sĩ nhìn sự kiện lịch sử đã qua vừa với cặp mắt khoa học vừa với cặp mắt nhà thơ, lý trí và tình cảm hòa quyện với nhau một cách chân thật, chân tình và nhạy bén, sắc sảo và thâm thúy. Do đó những sự kiện lịch sử lệch lạc bị phá vở,, trả lại lịch sử những sự kiện trung thực, dù quá ảm đạm thê lương. Những huyền thoại huyền hoặc nhầm phụ họa với thế lực phong kiến tàn ác hảm hại trung thần, lủng đoạn triều ca, nắm hết uy quyền để mặc sức làm mưa làm gió.
Tác giả Lệ Chi hận sử đã làm nổi bật nhiều điểm đặc biệt:


Về nội dung, tác giả cực lực đả phá chế độ phong kiến mục nát thời Lê từ thời Lê Lợi đăng quang lên ngôi lấy danh hiệu là Lê Thái Tổ (1428) đến triều Lê Thánh Tông cải tiến đất nước về mọi mặt và đã tẩy oan trả lại danh dự cho gia tộc Nguyễn Trãi (1465).
Tác giả đã gián tiếp phủ nhận quan niệm: “Công thành, danh toại, thân thoái, thiên chi đạo” của Tiên đạo mà từ xưa nhiều học giả đã gán cho Nguyễn Trãi khi về ẩn dật ở Côn Sơn. Thật ra, mặc dầu bối cảnh lịch sử có giống nhau, chế độ phong kiến thời lập quốc của Lê Thái Tổ, nhưng Nguyễn Trãi không hề noi gương Trương Lương Công thành, thân thoái , rủ áo từ quan, lên núi tu tiên, thảnh thơi tự toại. Trái lại, Nguyễn Trãi nhiệt tâm yêu nước, mặc dù chịu nhiều gian khổ, bị bạc đải hà khắc, bị vu oan giá họa, vẫn tận trung với nước, đem hết tài ba ra phụng sự đất nước đến hơi thở cuối cùng, đến nỗi phải mang cái án oan bị tru di tam tộc.
Thi sĩ đã ca ngợi Nguyễn Trãi qua mắy vần thơ vô cùng hàm súc:

Mấy ai đáng mặt công thần
Phò vua, dựng nước, dạy dân, giúp đời
Côn Sơn non nước tuyệt vời
Hương danh Nguyễn Trãi ngàn đời còn lưu

Mặt khác, tác giả bài bác huyền thoại Rắn thần báo oán mà bọn tham quyền lủng đoạn triều ca thêu dệt để lấy cớ vu oan cho Nguyễn Thị Lộ là rắn thần tái sanh để trả thù Nguyễn Trãi đã vô tình sát hại gia đình rắn của mình. Dưới nhãn quan của nhà khoa học, làm gì có chuyện huyền hoặc, nhảm nhí, dị đoan ấy. Và tác giảđã trung thực chứng minh Nguyễn Thị Lộ là một nhân tài lỗi lạc, đã sát cánh cùng chồng chiến đấu chống xâm lăng khi giặc Minh xâm lấn, chiến đấu chống áp bức, bất công của bọn lộng quyền, bọn gian thần sủng nịnh. Tác giả đã hùng hồn biện minh cho hành động trung trinh tiết liệt của Nguyễn Thị Lộ, đem hết tài ba và tâm huyết ra phụng sự Tổ quốc, cứu chồng thoát khỏi vòng lao lý, cứu Ngọc Dao ra khỏi hang hùm ổ rắn để sau nầy đưa Thái Tử Tư Thành về lên ngôi Hoàng Đế , lấy danh hiệu Lê Thánh Tông, một vì vua anh minh, giải oan cho Nguyễn Trãi, một vì vua lập lại kỹ cương mới cho Lê triều, một nhà vua được Văn học sử Việt Nam ghi danh là Tao Đàn Nguyên soái của Tao đàn Nhị Thập Bát tú.
Tác giả ca ngợi anh thư Nguyễn Thị Lộ qua nhiều vần thơ thống thiết nhưng hào hùng, lâm ly nhưng đầy chính khí:

Bên vầng dương sáng, bóng giai nhân
Tranh đấu, xông pha lướt bụi trần
Kháng chiến bao năm ghi tích sử
Lễ Nghi một thuở giúp minh quân
Đông Triều manh chiếu, hương loang nhẹ
Trại Vải ly cung, tiếng lạnh dần
Khí tiết, sắc tài ai dám sánh
Sao làm hoen ố kiếp hồng nhan?
(Khóc Lễ Nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ)

Còn một đặc điểm về nghệ thuật tưởng cũng cần phản ảnh: đó là nghệ thuật sử dụng thể loại ngâm khúc để sáng tác truyện thơ trường thiên gồm 2652 câu thơ. Thể Ngâm khúc là loại thơ trường thiên song thất lục bát được Ôn Như Hầu sử dụng để sáng tác Cung oán ngâm khúc, Đoàn Thị Điểm sử dụng để sáng tác Chinh Phụ ngâm. Thể thơ nầy có âm điệu ai oán não nùng, đúng chức năng diễn tả tâm sự bi thương của các cung nữ trong hậu cung hoặc các chinh phụ nhớ nhung mòn mỏi mong đợi chồng về. Các thi nhân ngày xưa thường dùng thể thơ trường thiên lục bát để sáng tác truyện thơ dài như Nguyễn Du viết truyện Thúy Kiều, Nguyễn Đình Chiểu viết truyện Lục Vân Tiên. Thể thơ nầy có chức năng kể chuyện chứa đựng nhiều tình tiết éo le gây ấn, hùng tráng hoặc bi thương, dễ lôi cuốn và gây xúc động người đọc.
Xưa nay, chưa nhà thơ nào dùng thể ngâm khúc để kể truyện thơ, thi sĩ Nguyễn Gia Linh là người đầu tiên phá lệ, dùng thể thơ nầy để sáng tác Lệ Chi hận sử. Thi sĩ muốn chọn cho mình một con đường nghệ thuật riêng, thể hiện bản sắc độc đáo riêng, văn phong sinh động, gợi cảm đầy ấn tượng.
Trên đây chỉ mới là những đặc điểm tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Với tinh thần cảm thụ văn học sâu sắc, chắc chắn các bạn yêu thơ khi thưởng thức bản trường ca: “Lệ Chi Hận sử” sẽ khám phá ra nhiều điều kỳ thú mới lạ, và tấm gương Nguyễn Trãi-Nguyễn Thị Lộ ngàn đời sẽ xứng đáng là hào kiệt anh thư rạng ngời thanh sử.

Thành phố HCM, ngày 12-08-2001

Thẩm Thệ Hà


Lời nói đầu

Câu chuyện nằm trong bối cảnh lịch sử Việt Nam vào khoảng giữa thế kỷ thứ 15 trong khi nền văn học nghệ thuật VN đang trên đà phát triển mạnh mẻ do sự xây cất Nhà Văn Miếu với những Bia Tiến sĩ (con rùa mang bia) hiện còn tồn tại ở Hà Nội và kỹ thuật in ấn do Thám Hoa Lương Nhữ Học, mang về sau khi học hỏi ở Tàu. Chuyện bắt đầu từ năm 1428 sau khi Bình Định Vương Lê Lợi thành công trong việc đuổi giặc Minh ra khỏi nước và lên ngôi lấy danh hiệu là Lê Thái Tổ rồi kết thúc với bài chế Tẩy oan cho Nguyễn Trãi của vua Lê Thánh Tông năm 1465. Thời gian 37 năm với bao biến đổi, ngoài sự ăn mừng chiến thắng của toàn dân, việc làm đầu tiên của Lê Lợi là cũng cố uy quyền bằng cách chuyên dùng bè lủ tay sai tham quyền cố vị, nghi ngờ những người tài ba có công với đất nước rồi lần lượt loại trừ những người ấy dù họ có nắm giữ binh quyền hay không, như Trần Nguyên Hãn, một vị tướng tài ba mặc dầu đã từ chức hồi hưu (như Phạm Lãi, Trương Lương) mà vẫn không thoát khỏi bản án tử hình, đành phải tự vùi mình theo dòng nước lũ, như Phạm Văn Xão một võ tướng hiên ngang trung trực bị xử trảm vì là người duy nhứt còn lại nắm giữ binh quyền, như Nguyễn Trãi, một người có công lớn hàng đầu trong việc đuổi giặc dựng nước, trước bị ở tù vì những lời khuyên can thẳng thắng, làm mất lòng bọn sủng nịnh rồi sau đó được thả ra vì không có chứng cớ gì để buộc tội. Cái ý định loại trừ Nguyễn Trãi đã phôi thai từ đãy, chỉ chờ khi có dịp mà thôi. Trong khoảng thời gian nầy và trước kia nữa, có một người đàn bà, hữu tài hữu sắc, đã từng tham gia với chồng trong thời gian kháng chiến ở vùng rừng núi Chí Linh, đã từng tham dự vào những luận bàn vê hành sự khi Nguyên Long, con người vợ thứ hai của Lê Lợi, sau nầy là vua Lê Thái Tông, vừa mới được 2 tuổi. Người đàn bà đó chính là Nguyễn Thị Lộ, vợ của Nguyễn Trãi (ở đây tôi không có phân biệt vợ chánh, vợ thứ và thê thiếp). Trong thời gian đầu của triều Lê, với lương bổng ít ỏi vì liêm khiết nên khi Nguyễn Trãi bị ở tù, gia đình túng thiếu, Thị Lộ định đi buôn bán chiếu để xoay sở và lo cho chồng, nhưng vì uy tín của chồng, nàng đành sống gói ghém và cố năn nỉ những người bạn thân trong triều của Nguyễn Trãi để minh oan cho chồng.
Sau khi đã loại hai tướng tài Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xão, khi có giặc, chính vua Lê Thái Tổ phải tự cầm quân đi diệt giặc, mặc dầu bị suy nhược vì tuổi già và sự hưởng thụ. Trước khi chết, Lê Thái Tổ hối hận về những việc làm của mình, đã phong cho Thị Lộ làm chức Lễ Nghi học sĩ, dạy cung nữ và chỉ bảo Thái Tử Nguyên Long (9 tuổi) đồng thời đuổi hết bọn nịnh thần Lê Quốc Khí, Trình Bá Hoành, Đinh Bang Bảng và căn dặn Nguyên Long nên dùng những người tài, trung trực như Nguyễn Trãi. Khi vua Thái Tổ băng hà (năm 1433), truyền ngôi lại cho Thái Tử Nguyên Long, đã mất mẹ khi vừa mới 2 tuổi, đến khi được 10 tuổi lại mất cha. Ông lên ngôi lấy danh hiệu là Lê Thái Tông, còn nhỏ ham chơi (lẽ đương nhiên), háo sắc (vì những người đương thời có quyền thế ai cũng vậy, như Nguyễn Trãi có 4,5 vợ và chưa kể bao nhiêu thê thiếp) nhưng chưa có một hành động nào rõ ràng trái với luân thường đạo lý thời đó. Trong những năm đầu, dưới quyền nhiếp chính của Lê Sát, vua có hai người vợ là Lê Ngọc Dao (con Lê Sát) và Lê Nhật Lệ (con Lê Ngân). Lê Sát càng ngày càng lộng quyên nên khi nhà vua hiểu rõ sự việc, muốn nắm quyền đã lần lượt loại trừ Lê Sát và Lê Ngân (đã thay thế Lê Sát nắm quyền nhiếp chính). Sớm phế bỏ Ngọc Dao, Nhật Lệ, nhà vua lập năm bà phi mới : Dương Thị Bi, mẹ của Thái Tử Nghi Dân (sanh năm 1439) được phong làm Hoàng tử năm 1440 rồi bị truất phế ngôi Hoàng Tử cuối năm 1441, Lê Thị Mai, mẹ của Khắc Xương, nhu mì, không tham dự vào sự tranh chấp quyền hành, Nguyễn Thị Anh, mẹ của Bang Cơ (sanh năm 1441), được phong Hoàng tử sau khi chào đời được vài tháng, Ngô Thị Xuân và Ngô Thị Bính tự Ngọc Dao (đang mang thai) là hai chị em.. Sự tranh giành ảnh hưởng trong hoàng cung đã đến hồi gay cấn mà người chủ chốt là Nguyễn Thị Anh, một người đàn bà đẹp sắc sảo nhưng sâu hiểm, tàn ác.. Sau khi loại Dương Thị Bí và dành được ngôi Hoàng Tử cho con mình, bà chỉa mủi dùi sang Ngô Ngọc Dao. Đến đây ta mới thấy vai trò quan trọng của Nguyễn Thị Lộ. Trong cung, ngoài sự răn dạy cung nữ và chỉ bảo nhà vua, Thị Lộ còn kết thân với Ngô Ngọc Dao vì hai họ Ngô, Nguyễn đã quen biết từ lâu. Chính Ngô Từ, cha của Ngọc Dao đã giới thiệu Nguyễn Trãi cho Lê Lợi trong thời gian khởi nghĩa và đã giới thiệu Nguyễn Thị Lộ giữ chức Lễ Nghi học sĩ cho vua Lê Thái Tổ. Vì biết Ngọc Dao đang mang thai, vừa được lòng vua, vừa được lòng những công thần hoàng tộc như Đinh Liệt, Nguyễn Xí và thân cận với Thị Lộ và Nguyễn Trãi, bà Nguyễn Thị Anh sau khi tố cáo bà Ngọc Dao đầu độc con mình với nhà vua không được, đành dùng mưu kế để chia cách Nguyễn Trãi với Thị Lộ, Thị Anh cho người phao truyền ở ngoại thành và nhứt là ở Côn Sơn nơi Nguyễn Trãi đang về hưu (vì bất đồng ý kiến với hoạn quan nịnh thần Lương Đăng về vụ Lễ Nhạc) rằng nhà vua đang dan díu với Thị Lộ, nhưng cố tránh không cho tin nầy truyền đến tai nhà vua. Những lá thư trao đổi giữa Nguyễn Trãi (đang ghen vì những tin truyền nhảm) và Thị Lộ trong thời gian nầy cho thấy bà Lễ Nghi học sĩ vẫn tròn đạo nghĩa. Biết rằng Ngọc Dao không thể sống yên ổn ở trong cung, Nguyễn Thị Lộ và Đinh Liệt bí mật đưa Ngọc Dao đang có mang ra trốn ở chùa Huy Vân và theo một số sách bà Ngọc Dao sanh thái tử Tư Thành (năm 1442) ở nơi nầy. Một câu hỏi được đặt ra : nếu bà Lễ Nghi không đưa bà Ngọc Dao chạy trốn thì sau nầy chắc gì có triều đại huy hoàng của vua Lê Thánh Tông ? Điều đó cũng cho mình thấy là những việc làm tốt cũng như công đức của Nguyễn Trãi và Thị Lộ rồi cũng được người đời nhớ ơn, minh oan và tôn sùng. Lịch sử dầu vài trăm năm sau cũng cho ta thấy đâu là sự thật.
Tôi không dám kể hết câu chuyện, nhưng chắc chắn quí vị đã từng nghe nói tới hoặc đã từng đọc qua theo một quan niệm nào đó, chỉ mong quí vị nhín chút ít thì giờ để cùng trở về với dĩ vãng và để sống lại những kỷ niệm xa xưa. Mong đón nhận những lời chỉ trích xây dựng của quí vị và xin thành thật cám ơn trước

Bordeaux ngày 27 tháng 5 năm 2001
Tác giả Nguyễn Gia Linh

 Lệ Chi Hận Sử ; từ chương # 1 đến # 7

Nguyễn Trãi

Chương 1

Sau buổi Đăng Quang 

Cảm đề của tác giả trước khi vào truyện ......
Mấy ai đáng mặt công thần
Phò vua, dựng nước, dạy dân, giúp đời,
Côn Sơn non nước tuyệt vời
Hương danh Nguyễn Trãi ngàn đời còn lưu.

Sau mười năm, nằm gai nếm mật (1)
Cùng những khi xất bất rừng xanh
Ngày nay không khí trong lành
Ấm no trở lại dân tình yên vui
*
Trước ngọn đuốc rạng ngời dân tộc
Toàn dân quân cùng dốc một lòng
Hậu Trần đành phải cáo chung
Nhường cho Lê Lợi vẫy vùng dọc ngang
*
Bàn thờ Tổ, khói nhang nghi ngút
Bình Định Vương phủ phục khấn xin
Gió yên, sóng lặng, mưa lành
Đăng quang lèo chiếc thuyền mành qua sông
*
Lê Thái Tổ xét công luận thưởng (2)
Những hoàng thân cùng hưởng hồng ân
Những ai vì nước xả thân
Hiểm nguy chẳng ngại, phong trần chẳng than
*
Trong hoàng tộc, thưởng ban trước nhứt
Nhà họ Lê, thường trực buổi đầu
Họ Đinh tình nghĩa thâm sâu
(20) Bên cha, bên mẹ, công hầu khó quên
*
Những chí sĩ, vang rền tên tuổi
Những anh hùng, lướt bụi xông pha
Xả thân vì nước vì nhà
Rừng tên chẳng ngại, phong ba chẳng sờn
*
Kể từ lúc Đông Quan tuyên thệ
Đến khi ngồi bệ vệ trên ngai
Mười năm nếm mật nằm gai
Vẫn còn nhớ rỏ những ngày phong ba
*
Người mưu sĩ, chói lòa tên tuổi
Hiệu Ức Trai, chẳng hổ danh người (3)
Tấm gương trung liệt sáng ngời
Để cho hậu thế đời đời soi chung
*
Khi chống giặc vẫy vùng lừng lẫy
Nào những khi hịch dấy lòng dân
Những khi hiển ý thiên thần
Chính vì Vương đã hiện thân ra đời
*
Khi hết giặc dùng lời răn dạy
Đem nghĩa nhân lèo lái con thuyền
Tạo ra trong ấm ngoài êm
(40) Dân vui cày cấy, trò siêng học hành
*
Nhưng lũ nịnh không đành ngồi ngó
Chúng dùng lời xiên xỏ dèm pha
Bảo rằng dụng ý gần xa
Kết bè kéo cánh tăng gia uy quyền
*
Giờ sống giữa rừng tiền biển bạc
Cùng tự tung tự tác một thời
Nịnh thần nào dể buông lơi
Kiếm tìm mọi cách hại người trung can
*
Chúng rất sợ mất ngang quyền lực
Mất cuộc đời sáng rực đèn hoa
Hương thơm, môi thắm, tay ngà
Cung đàn, chén rượu, mấy tòa mê cung
*
Khi Nguyễn Trãi tấu cùng Thánh thượng
Ra chiếu thư trách tướng lộng quyền
Trách quan vơ vét bạc tiền
Khiến dân oán trách than phiền gần xa
*
Lời thẳng thắn không va cũng chạm
Những con người nhũng lạm tham ô
Những tay đục nước béo cò
(60) Những tên thân tín bên bờ quyền uy
*
Chúng lặng lẽ nghĩ suy tìm kế
Loại những người không thể chung đường
Những ai cản ngõ rào mương
Không cho chúng mãi nhiểu nhương dân lành

Lê Quốc Khí, tinh ranh thủ thỉ
Cháu của vua rủ rỉ thì thầm
Bảo Trần Nguyên Hãn, manh tâm (4)
Giả xin hưu trí, đến tầm Thái Nguyên
*
Hãn đã muốn bàn riêng cùng Thiệu (5)
Để cùng nhau loạn nhiểu biên phòng
Ngoài ra Hãn đã riêng lòng
Về hưu để luyện binh ròng mà thôi
*
Chú còn nhớ những lời so sánh
Bảo chú rằng tâm tánh giống vua
Việt Vương Câu Tiễn đâu vừa (6)
Gió giông thì ở, nắng đùa thì xa
*
Câu chia rẻ nghe qua mấy lượt
Mới lúc đầu, nghĩ trước suy sau
Nghe hoài cũng thấy nao nao
(80) Niềm tin giảm bớt, tình xao nhãng dần
*
Vua nghi kỵ mấy lần hỏi Dĩnh (7)
Ông ôn tồn, thủng thỉnh tâu rằng
Hãn khen kiên nhẫn Thánh hoàng
Vì chưng diện mạo hoàn toàn khác nhau
*
Hãn là kẻ anh hào nghĩa khí
Tánh thẳng ngay, ý chí hơn người
Đã theo bệ hạ suốt đời
Dám đâu bội phản để người cười chê
*
Lời trình tấu không hê hả dạ
Vua cho rằng họ đã thân nhau
Họ lo giăng trước đón sau
Cùng lo che chở mưa rào gió giông
*
Lê Quốc Khí, một lòng thâm hiểm
Vẫn cố lo tìm kiếm mưu sâu
Cho rằng Nguyễn Trãi chung cầu
Chí Linh Sơn Phú có câu hai lòng
*
Phú nhắc đến Việt Vương Câu Tiễn (8)
Khi nói về đường tiến Lam Sơn
Ức Trai, Nguyên Hãn bà con
(100) Cùng nhau hòa tấu khúc đờn câu ca
*
Vua chẳng nghĩ tình xa nghĩa rộng
Chỉ tin người ý động manh tâm
Vội ra sắc lệnh giam cầm
Bắt người có tội ( ?), truy tầm chủ mưu
*
Khí tức tốc đem thư tróc nả
Đến Đông Quan bắt gã phản thần ( ?)
Buồn thay tình nghĩa thế nhân
Phò vua không trọn, giúp dân không thành
*
Vốn đã biết công danh phù phiếm
Cố tránh xa triều hiểm đình nguy
Trở về Sơn động an di
Sớm lo trang trại, chiều đi thăm vườn
*
Tối ngẫm nghĩ mấy chương thi phú
Của Băng Hồ nét chữ còn in (9)
Nội thương trong buổi đăng trình
Chỉ đường tiến thối, giữ tình mai sau
*
Nay sống cảnh nghẹn ngào đau khổ
Đã đến thời giông tố phủ vây
Tưởng rằng xa lánh đường mây
(120) Về già hưởng được những ngày an vui
*
Giờ đã hết đường lui nẻo tới
Đã hết thời chúa đợi tôi lo
Cũng là võ tướng công to
Ta không thể chết trong lò hôi tanh
*
Này Lê Nỗ cùng anh uống cạn (10)
Chung rượu nồng tình bạn năm xưa
Cảm ơn em đã trình thưa
Riêng anh đã quyết sớm đưa đời mình
*
Giờ đã hết chữ tình chữ nghĩa
Kỷ niệm xưa thắm thía dường bao
Bọc đùm trong cảnh gian lao
Đến khi gác tía lầu cao quên người
*
Không để bọn đười ươi khi dễ
Bọn chó săn chỉ nể quyền uy
Ta đành chọn bước ta di
Cao xanh có hiểu những gì trái ngang
*
Trời giông bão, căm gan tức giận
Như cảm thông oán hận Hãn nầy
Ta đành cất bước chia tay
(140) Gieo vào lòng nước chia hai thế đời


(xin xem tiếp chương Ngục Trung khám lạnh)

(1) Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn bắt đầu ngày mùng 2 tháng giêng năm Mậu Tuất 1418
(2) Bình Định Vương Lê Lợi lên làm vua năm Mậu Thân 1428 lấy danh hiệu là Lê Thái Tổ
(3) Ức Trai là biệt hiệu của Nguyễn Trãi
(4) Trần Nguyên Hãn là anh em cô cậu với Nguyễn Trãi, gọi Trần Nguyên Đán là ông nội mà Nguyễn Trãi gọi là ông ngoại
(5) Bế khắc Thiệu đã từng theo Lê Lợi, có mặt ở hội thề Đông Quan, sau làm loạn ở Thái Nguyên
(6) Câu Tiễn, vua nước Việt dùng Tây Thi để làm say đắm Ngô Phù Sai, rất kiên nhẫn, nhịn nhục chờ thời. Sau khi thành công đã loại những người có công như Văn Chủng
(7) Lê Thiếu Dĩnh, một quan văn đạo mạo, trung trực giỏi về kinh tế
(8) Trong Vằng vặc sao khuê của Hoàng công Khanh, Nguyễn Trãi đã viết trong Chí Linh Sơn phú :...lúc ấy, khác nào Câu Tiền bức khống vua Ngô ở Cô Tô đài thuở trước..
(9) Băng Hồ là biệt hiệu của Trần Nguyên Đán
(10) Lê Nỗ, nguyên là Đại Tổng quản dưới quyền của Nguyên Hãn trong thời chiến, phải theo Lê Quốc Khí đến bắt chủ cũ của mình nên đã khuyên Nguyên Hãn đi trốn

Chương  2

Ngọc trung khám lạnh

Một tiếng sét ! long trời lở đất
Một hung tin, tím mật bầm gan
Hãn ơi ! Nơi chốn suối vàng
Em đi, anh ở đôi hàng lệ đau
*
Anh tức tối nghẹn ngào câm nín
Không biết mình đang tỉnh hay say
Nói lên lời thật thẳng ngay
Hay đành ôm chặt đắng cay trong lòng
*
Vua không phải mình không dám nói
Vua giết người vô tội có công
Mình không dám tỏ nỗi lòng
Nói chi chỉ trích, rước vòng tai ương
*
Tình bằng hữu như vương như vấn
Nghĩa vua tôi muốn nấn muốn lui
Ngày xưa chia đắng xẻ bùi
Ngày nay chỉ nghĩ đến mùi đỉnh chung
*
Giữa mưa gió bão bùng trong trí
Bổng bên ngoài Quốc Khí hét vang
Chúng bây đi trước dẫn đàng
(160) Để ta vào bắt tôi loàn phản vong ! ! !
*
Trãi ngơ ngẩn như trong cơn mộng
Trí óc còn xúc động mênh mông
Đất trời như một khoảng không
Không tình, không lý, không vòng nghĩa ân
*
Trãi nén giận, nghiêm trang khẽ hỏi
Lê Phó sư, tôi tội tình chi ?(11)
Đến giờ chưa biết tội mi
Thông đồng với giặc biên thùy nhiễu nhương
*
Mi cùng Hãn chung đường với Thiệu
Hưởng hoàng ân chẳng chịu ngồi yên
Lại gây rối rắm lụy phiền
Cho dân cho nước triền miên khổ sầu!
*
Không chịu nổi những câu ngụy biện
Trãi yêu cầu diện kiến Thánh hoàng
Khí rằng : Tội trạng rõ ràng
Này đây chiếu chỉ kêu than nỗi gì
*
Trước bạo lực còn chi để nói
Trước độc tài, ai giỏi biện phân ?
Chỉ thương chút phận tôi thần
(180) Hết lòng vì nước, vì dân, vì nhà
*
Nguyễn Thị Lộ xót xa trong dạ
Thương chồng yêu tuổi đã năm mươi (12)
Xông pha mấy chục năm trời
Giờ chưa thấy được cuộc đời an vui
*
Giữa đau xót, ngậm ngùi số phận
Và bôn ba lo lắng cho chồng
Không gì cản trở được lòng
Kiếm người giúp đở bên trong bên ngoài
*
Bao bè bạn đêm ngày thăm hỏi
Cố wắng tìm nguồn cội nguyên do
Xem ai là chủ chuyến đò
Chở chuyên kẻ nịnh mà so tôi hiền
*
Nay đã rõ căn nguyên cội rễ
Họp cùng nhau tìm kế phân bày
Bạn bè còn lại mấy ai
Quyết nhờ Đinh Liệt, tỏ bày biện minh (13)
*
Phía bên ngoài sự tình đã sáng
Lộ hết lòng cáng đáng bên trong
Làm sao gặp được mặt chồng
(200) Co ro, cá chậu chim lồng tối tăm
*
Nàng tìm đến Huy Chân công chúa (14)
Một giai nhân hương lửa nhà Trần
Tự mình nguyện đáp hoàng ân
Chỉ mong cùng được góp phần đắp xây
*
Không thể ngược đường dây lịch sử
Nước non giờ đổi chủ thay ngôi
Nhà Trần đã mất cơ trời
Thì đem tài sức giúp đời nhà Lê
*
Trước ổn định lời thề thống nhứt
Rằng vua Trần chấm dứt tranh quyền
Từ nay một bến một thuyền
Ai người chèo chống đến miền vinh quang ?
*
Vốn mến chuộng tài ngang Phạm Lãi (15)
Trí mưu thần đâu hãi Trương Lương (16)
Nghe lời Thị Lộ phân tường
Huy Chân tìm đến khám đường thăm ông
*
Giữa cay đắng chất chồng tâm não
Bốn bức tường mờ ảo hôi tanh
Nghĩ sao cho hết lòng mình
(220) Nói sao cho hết ý tình đục trong
*
Không mảnh gìấy, bút cùn chẳng có
Biết làm sao bày tỏ nỗi lòng
Làm sao đến tận đền rồng
Để vua phân biệt màu hồng màu đen
*
Bao câu hỏi rối ren trong trí
Bao niềm tin vốn dĩ lung lay
Trọn lòng trung nghĩa không phai
Hay mau tìm chốn non Đoài lánh thân
*
Trong lối sống số phần đã chọn
Một con đường trước đón sau đưa
Nước non lo mấy cho vừa
Mà sao tâm trí vẫn chưa yên lòng
*
Đang lo lắng giữa trông giữa đợi
Bỗng chợt nghe tiếng gọi thanh tao
Dư hương, âm hưởng ngọt ngào
Phát ra từ... một kiếp nào về đây
*
Nguyễn Thừa chỉ, hỏi Ngài thức ngủ ?
Tôi đến thăm, nhắn nhủ vài câu
Biết trong khám lạnh u sầu
(240) Nhớ thương làm bạc mái đầu trung cang
*
Tôi đã hiểu rõ ràng chi tiết
Nhờ vợ ông khúc chiết tỏ bày
Này đây mấy vật cầm tay
Sâm dùng giữ sức, giấy mài mực thoi
*
Trong khám lạnh theo ngòi nét bút
Sớ khiếu oan un đúc nỗi lòng
Bên ngoài xin xét đục trong
Thánh hoàng mở lượng khoan hồng thứ tha
*
Ngài cứ thảo, đôi ba ngày nữa
Tôi trở vào, đứng tựa hiên tây
Nhận xong sớ khiếu oan nầy
Sẽ trình Thánh thượng xét dầy công lao
*
Trước nghĩa cữ, nghẹn ngào xúc động
Cúi xin người chuyển vọng bài thơ
Chứa chan tâm sự mong chờ
Của người đã đến bến bờ nghĩ suy
*
Năm mươi tuổi, đường đi một lối (17)
Sao cuộc đời chìm nổi lắm phen
Danh hư trắng, họa thực đen
(260) Thương yêu vì nước, ghét ghen vì tài
*
Do0số kiếp không ai tránh khỏi
Bởi lòng trời chưa nới tơ vương
Cố đem tâm sự trung lương
Ghi vào trang giấy phân tường đục trong

Xin các bạn chờ xem tiếp Chương 3:
An Nam Quốc Vương

(11) Lê Quốc Khí là cháu kêu Lê Lợi bằng chú, giữ chức Phó sứ Mật vụ viện, là kẻ chủ mưu để hãm hại Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi và Phạm Văn Xão sau nầy
(12) Lê Lợi vừa lên ngôi vua được một năm, đến năm Kỷ Dậu (1429) đã ra lệnh giết Trần Nguyên Hãn và bắt nhốt Nguyễn Trãi. Lúc ấy Nguyễn Trãi vừa được 50 tuổi (âm lịch)
(13) Đinh Liệt, cháu gọi Lê Lợi bằng cậu, là một quan võ có tài lại cũng giỏi về văn (thường làm thơ bằng cách nói lái), rất mến phục tài trí và sự trung thành của Nguyễn Trãi
(14) Huy Chân công chúa là con của vua Trần cuối cùng, đã tự nguyện xin làm phi của vua Lê Lợi, khi nghĩa quân vừa tiến đến Nghệ An
(15) Phạm Lãi, mưu thần của vua Câu Tiễn, đã giúp vua phục hồi nước Việt. Sau khi thành công đã từ quan, xin về quê an hưởng tuổi già
(16) Trương Lương, quân sư của Lưu Bang, đã giúp ông nầy đánh bại Hạng Võ để lập nhà Hán, cũng từ quan về hưu sau khi thành công.
(17) Theo Vằng Vặc Sao Khuê của Hoàng công Khanh, Nguyễn Trãi đã gởi bài Than Oán như sau :
Chìm nổi cuộc đời năm chục năm
Non quê suối đá phụ tình thâm
Đáng cười họa thực mà danh hảo
Quá xót trung côi lắm kẻ căm
Tại mệnh làm sao mà tránh khỏi
Do trời chưa nở bỏ tư văn
Trong lao oan nhục ghi lưng giấy
Chín bệ nhờ ai đệ tố trần
 


 

Chương 3

An
Nam Quốc vương

Lê Thái tổ trào trung triệu tập
Để tìm người đối đáp Minh Triều
Từ khi nuốt hận trăm điều
Vẫn mong quấy rối, gây nhiều khổ đau
*
Nhứt Trương Phụ, lòng đao dạ kiếm
Một thuở nào ngự chiếm Thăng Long
Tưởng mình ngồi giữa cung rồng
Đêm vơ ngày vét vẫn không chịu dừng
*
Rồi đến lúc đường cùn phải chạy
Như chuột chùn, ếch nhái muỗi giun
Một trang dũng tướng anh hùng
Thân tàn danh liệt, ngậm gừng nuốt cay !
*
Không xấu hổ, còn bày mưu hiểm
Mong trở qua xâm chiếm Nam triều
Thấy dân đau khổ đã nhiều
(280) Nhà Minh đành phải theo chiều gián can
*
Không xâm lấn nhưng làm khó dễ
Bảo phải tìm hậu duệ nhà Trần
Hay đòi cống phẩm thêm phần
Trước đe sau dọa, mấy lần tạm phong
*
Nay sứ giả Trương Thông chuyển đạt (18)
Cùng Lý Kỳ, Vĩnh Dật đang chờ
Nhà vua giao thảo bức thư
Bang giao, lễ vật, cuộc cờ xác minh
*
Quan văn vỏ, thật tình phân giải
Nào ai hơn Nguyễn Trãi tài ba
Đã đem lý thánh lời hoa
Viết bao văn biểu sáng lòa đường mây
*
Xin Thánh Thượng đức dầy ân xá
Thừa Chỉ người tận dạ đáp đền
Quyết đem tài trí thấp hèn
Để cho Minh chúa không chèn nước ta
*
Vua nghe phải, truyền tha Nguyễn Trãi
Bỏ tước hầu, giữ lại thừa văn
Những quan một dạ trung thần
(300) Tung hô vạn tuế muôn phần hân hoan
*
Cứu Nguyễn Trãi khỏi gian nhà ngục
Các bạn bè tiếp tục chăm lo
Sợ khi mưa gió qua đò
Người ngay còn ngại sóng to giữa dòng
*
Vì công việc cần ông khẩn cấp
Vua sai người đến gặp ông liền
Bảo vua diện kiến tôi hiền
Cùng lo việc nước đến miền an vui
*
Bao ngày tháng ngậm ngùi trong dạ
Ánh dương quang chưa thỏa niềm tin
Gió mưa còn phải giữ gìn
Dám đâu phiền đến nghĩa tình chúa tôi
*
Vua tiếp rước, đón mời sâm rượu
Cùng nhâm nhi kể đủ nguồn cơn
Bảo rằng giặc loạn biên cương
Để ông phải chịu oan ương thế nầy
*
Đây ly rượu cùng say trước đã
Sau sẽ bàn sứ giả triều Minh
Đọc xong văn kiện sự tình
(320) Ông đem kiên nhẩn đối kình nóng nôn
*
Đã từ lâu, một đòn trách cứ
Vua nhà Minh vô lý tột cùng
Còn ta một dạ thủy chung
Một niềm thành khẩn, một lòng suy tôn
*
Ta theo thế, lời ôn lý luyện
Người dẫn đầu biết chuyện nói thưa
Biết câu đón nắng rào mưa
Khiêm nhường, kín đáo, đẩy đưa lòng người
*
Trần Thuấn Du một thời vang tiếng (19)
Đáng theo đoàn phúc kiến nhà Minh
Chính người gây được cảm tình
Của người đối diện, để mình yên thân
*
Du còn phải đem phần cống phẩm
Chia làm ba, hai tặng nhà vua
Một phần chia đủ cho vừa
Nửa Hoàng Thái hậu, nửa đưa Tử hoàng
*
Không phải thế chính nhân quân tử
Nhưng nên dùng để giữ nước nhà
Dầu sao nói giúp cho ta
(340) Hai người uy thế, cũng là phần hơn
*
Vua thích thú trước đòn yếm trá
Bảo thừa văn, vội vã thảo thư
Cho người kêu gọi Thuấn Du
Dặn dò kỹ lưỡng, đúng thư thi hành
*
Như kế hoạch, tánh danh đã rõ
Vua nhà Minh đành tỏ khoan hồng
Lý Kỳ cùng với Hữu Thông
Mang theo thánh chỉ sắc phong Nam Triều (20)
*
Vua Lê Lợi ra chiều sung sướng
Ngôi Quốc vương tận hưởng phương Nam
Từ đây khí chướng sơn lam
Hết canh phương bắc, mấy đàng thong dong


 

Nguyễn Gia Linh

Xin chờ xem tiếp chương: CÔN SƠN QUY ẨN

(18) Ba sứ giả Minh Triều gồm Lễ Bộ thị lang Lý Kỳ, Từ Vĩnh Dật và Trương Thông
(19) Phái đoàn sứ giả đi cống sứ nhà Minh gồm Trần Thuấn Du, Bùi Cầm Hỗ, Nguyễn Khả Chi. Trần Thuấn Du đậu khoa Minh Kinh năm Kỷ Dậu, ông là một trong 4 ông thông kinh bác sử thời đầu nhà Lê. Đó là Lý, Trần, Thân, Đỗ. Hai ông Lý Tử Tấn, Trần Thuấn Du ở nửa đầu thế kỷ thứ 15 và hai ông Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận ở cuối thế kỷ nầy (theo Bùi Văn Nguyên trong Truyện Nguyễn Trãi và Hoàng Công Khanh trong Vằng vặc sao khuya)
(20) Năm Tân Hợi (1431) vua nhà Minh chính thức sắc phong cho Lê Lợi làm An Nam Quốc vương

Chương 4

Côn Sơn Quy ẩn 

Được kết quả như mong như đợi
Tài ngoại giao sánh với mưu thần
Góp công đền đáp hoàng ân
Dám đâu nghĩ đến chút phần lợi danh
*
Danh không có, lợi đành quên lãng
Sống chuỗi ngày thanh đạm muối dưa
Nhiều đêm nhìn ánh trăng khuya
(360) Hắt hiu gió thổi, đầm đìa sương rơi
*
Nghe ray rứt, bồi hồi trong dạ
Thương chồng yêu, chí cả chưa yên
Đêm đêm gói trọn ưu phiền
Quyết đem tâm sự nỗi niềm gởi trao
*
Chồng sách cũ, lệ trào khóe mắt
Giúp ích gì lúc ngặt lúc nghèo
Thương dân mưa ít nắng nhiều
Ruộng vườn hạn hán lắm điều trái ngang
*
Dân đã khổ, mình càng thêm khổ
Bao lần qua, mấy độ buồn thương
Muốn đem tâm sự chán chường
Gởi vào manh chiếu bên đường bán rong (21)
*
Sợ uy thế của chồng suy giảm
Nên đành cam cáng đáng việc nhà
Để chồng rảnh trí lo xa
Trước lo cho nước cho nhà được yên
*
Cây muốn lặng, gió quyền không lặng
Chuyện đau buồn Nguyên Hãn chưa nguôi
Lại thêm sóng gió tơi bời
(380) Phạm Văn Xão tướng, hết đời quy thiên
*
Lời dèm xiểm, thay thuyền đổi bến
Lòng Quân Vương chẳng mến thương người
Lại thêm bụng dạ hẹp hòi
Ép người trung liệt suốt đời lao lung (22)
*
Trần Nguyên Hãn mệnh chung vì Bản (23)
Phạm văn Xão tội phản vì Lê (24)
Tạo ra thảm trạng ê chề
Những ai đã quyết theo về Quân vương
*
Cùng chung chịu đau thương thống khổ
Cùng xông pha lửa đỏ tên bay
Đến khi sung sướng trên ngai
Lại quên đi hết những ngày gian nan
*
Quên những kẻ thi gan cùng giặc
Lại học đòi sớm bắt chiều tha
Vì không chứng cớ để tra
Nên đành phải thả Ông ra khỏi tù
*
Sớm chán nản công hầu khanh tướng
Về Côn Sơn vui hưởng tuổi già
Giữa vùng đất rộng bao la
(400) Nhớ nàng bán chiếu đúng là duyên thiên
*
Thấy người đẹp ông liền khẽ hỏi (25)

Nàng ở đâu mà bán chiếu gon
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn ?
Xuân xanh nay được bao nhiêu tuổi
Đã có chồng chưa, được mấy con ?

Thị Lộ nghe xong vội trả lời (26)

Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gon (27)
Cớ chi ông hỏi hết hay còn
Xuân xanh nay độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con ?

Cành lan ở giữa núi đồi
Nhụy thơm hương thắm ai người chuốt trau
*
Viên ngọc quý không đào mà được
Cành lan xinh tha thướt dạng hình
Những đêm gió mát trăng thanh
Đem thơ mà kết mộng lành thiên thu
*
Khoảng thời gian, mây mù giăng lối
Ông về quê sớm tối phụng thờ
Bóng hình ông ngoại ngày thơ
Là cha dạy dỗ, mẹ mơ nuông chiều
*
Mẹ mất sớm, cha nhiều lận đận
Về Côn Sơn yên phận ngoại già
Sáng chiều sớm tối lân la
Thương thiên nhiên cảnh, yêu hoa lá rừng
*
Mến đèn sách ông từng trang đọc
Kinh, Tứ Thư quyết học với hành
Khi sương sớm, lúc tàn canh
(420) Quyết đem tài đức tạo danh với đời
*
Nay trở lại vùng trời thương mến
Trước bàn thờ đốt nến hương đưa
Kính hồn ngoại với mẹ cha
Giúp con qua khỏi chuyến phà khổ đau
*
Nghĩ tức tối, làm sao diệt nịnh
Bản, Khí, Hoành.. quyền bính trong tay
Chỉ lo ton hót tối ngày
Cố tìm cách hại những tay trung thần
*
May mắn thay, người thân nghĩa khí
Vẫn còn nhiều cùng chí đấu tranh
Nguyên, Tuân, Tử Tấn, Quang Minh...(28)
Quốc Hưng, Cảnh Thọ, Văn Linh mấy người
*
Họ nhứt quyết không dời tôn chỉ
Họ hợp nhau cùng ý Ức Trai
Viếng thăm những lúc nạn tai
Quyết đem sức học văn tài giúp vua

Kính mời quý vị đón xem tiếp kỳ tới: Khơi dòng lịch sử

(21) Thị Lộ thấy gia đình túng kém, muốn buôn bán chiếu để nuôi gia đình như ngày xưa, trước khi gặp Nguyễn Trãi
(22) Nguyễn Trãi bị bắt cầm tù do thân thích với Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xão nhưng vì không chứng cớ nên được thả. Trần Nguyên Hãn là anh em cô cậu với Nguyễn Trãi, gọi Trần Nguyên Đán là ông nội mà Nguyễn Trãi gọi là ông ngoại.
(23) Trước khi xin về hưu, Trần Nguyên Hãn có than thở với những người thân cận là Lê Thái Tổ có tâm địa như Việt Vương Câu Tiễn nên bị gièm pha và bị bức tử bởi lủ nịnh gồm Đinh Bang Bản, Lê Quốc Khí, Trình Bá Hoành...Ông nhảy xuống sông tự sát còn Phạm văn Xão bị khép tội phản thần và bị xử chém
(24) Lê Quốc Khí một nịnh thần có quyền thế vì là cháu gọi vua Lê Lợi bằng chú
(25) Theo Bùi Văn Nguyên trong : Truyện Nguyễn Trãi Nguyễn Trãi hỏi :
Quê ở đâu ta bán chiếu gon
Trời đà về tối chửa về con ( ?)
(26) Thị Lộ trả lời : Quê ở Đông Triều bán chiếu gon
Chồng thời chửa có, hỏi gì con ?
(27) Theo Dương Quảng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử: Tôi ở Tây Hồ bán chiếu gonẨ
(28) Nguyễn Mộng Tuân, Lý Tử Tấn,Vũ Mộng Nguyên, Nguyễn Quang Minh, Bùi Quốc Hưng, Nguyễn Cảnh Thọ, Lê Văn Linh, Trần Thuấn Du... là những vị trung thần

Chương 5

Khơi dòng lịch sữ 

Bao biến cố vua chưa thức tỉnh
Vì phong ba sóng định hoàng cung
Theo cha thỏa chí vẫy vùng
(440) Mười năm kháng giặc vượt rừng đạn tên

Khi đất nước hết cơn binh lửa
Được vua cha phong chúa phong hầu
Nhưng ngôi Hoàng Tử tối cao
Không phong con trưởng lại giao con khờ (27)

Hữu Tướng Quốc Tư Tề nắm giữ
Lại được phong chức vụ Quốc vương
Nhưng ngồi ngay giữa triều đường
Chính Lê Thái Tổ nắm cương trị vì

Không nắm vững đường đi nước bước
Muốn giữ tròn sau trước một lời
Nên phong Hoàng Tử nhiệm thời
Nguyên Long Thái tử nối đời vua sau

Càng không nắm khi trao trọng trách
Cho Tư Tề đặc cách duyệt quân
Để đi dẹp giặc loạn thần
Lại đưa Lê Sát góp phần hành quân

Nhưng Lê Sát ông thân bố vợ
Của Nguyên Long, chẳng sợ Tư Tề
Cố tìm mọi cách trì trề
(460) Hành quân chẳng được, đi về cũng không

Vì hết tướng tài hùng trí dủng
(Văn Xảo cùng Nguyên Hãn mệnh chung)
Nên vua đành phải giương cung
Điều quân khiển tướng lên rừng diệt nô

Không còn thấy vầng ô rực rỡ
Tóc bạc màu vẫn khổ xông pha
Chạnh lòng nhớ chuổi ngày qua
Nhớ trang anh tuấn tài ba tuyệt vời

Trần Nguyên Hãn suốt đời trung liệt
Phạm Văn Xão khí tiết hơn người
Vì ta bụng dạ hẹp hòi
Hồn thiêng đã thác chưa nguôi suối vàng

Thêm Nguyễn Trãi bẽ bàng đau khổ
Tạm lui về trú ở Côn Sơn
Để ta hối tiếc tủi hờn
Nhạc vui chưa dứt khúc đờn lạc dây

Quyết trừng trị bọn bầy tôi nịnh
Đuổi hết về an định rừng sâu (28)
Nguyên Long con nhớ việc đầu
(480) Tận dùng Nguyễn Trãi, thỉnh cầu người trung

Làm được thế anh hùng thiên hạ
Kéo về đây hết dạ phụng thờ
Trăm hoa đua nở dưới cờ
Ấm no trở lại bến bờ nước Nam

Cha nhắm mắt cũng cam tấc dạ
Chốn cữu tuyền ngựa đã lên yên
Chúc con mưa thuận gió hiền
Để đem đất nước đến miền vinh quang

Xin các bạn đón xem chương kế tiếp GIÓ LOẠN TRIỀU ÐÌNH

(27) Con trai trưởng của Lê Lợi là Tư Tề, đã từng theo cha đánh giặc. Mẹ cùng em đã bị giặc Minh giết còn Nguyên Long là con của bà vợ kế và Lê Lợi vì lời hứa khi bà nầy bị cúng thần cá ở Nghệ An
(28) Trước khi chết vua Lê Lợi đuổi hết bọn nịnh thần Lê Quốc Khí, Đinh Ban Bản, Trịnh bá Hoành về làm dân giã, ra lệnh không được dùng dầu chúng có tài

Chương  6

Gió loạn triều đình 

Trong sương gió, mây tràn mọi nẻo
Tiếng chuông buồn lạnh lẽo ngân xa
Đương kim Hoàng đế băng hà
Mười năm kháng giặc như là chiêm bao

Trong triều nội lao xao chuẩn bị
Lễ phát tang cùng lễ đăng quang
Thái Tông chễm chệ ngai vàng
Tóc còn để chỏm, hai hàng hoạn nhân

Vua còn nhỏ chơi thân với hoạn
Chưa hiểu đời biến loạn bên trong
Bao nhiêu thảm trạng xoay vòng
(500) Là bao tranh chấp bởi lòng gian tham

Lời cha dặn, cần tham khảo ý
Những nhân tài chí sĩ lừng danh
Triệu hồi Nguyễn Trãi về kinh
Còn giao trọng trách tuyển sinh anh tài

Nhưng Nhiếp chính vào tay Lê Sát
Cùng nịnh thần lấn át quyền vua
Vì chưng ham thích chơi đùa
Nên không hiểu được để ngừa trước sau

Nào những lúc Ngọc Dao kề cận (29)
Để mong vua đoái phận thương hồng
Rồi khi Nhật Lệ tuyển cung (30)
Sát, Ngân tranh chấp não nùng nước non

Vua lúc ấy hãy còn nhỏ tuổi
Còn ham vui chưa đợi trăng thề
Ngọc Dao, Nhật Lệ gần kề
Cũng chưa thấu nghĩa vẹn bề trúc mai

Việc triều chánh không hay không biết
Để mặc tình Ngân, Sát đấu tranh
Càng lo củng cố lợi danh
(520) Thêm vây thêm cánh để dành quyền to

Nhóm Nguyễn Trãi phải lo nhiều mặt
Nào sửa sang lễ nhạc triều đình
Tập phong dâng biểu nhà Minh
Soạn biên sử sách, luật hình, lễ nghi

Vua vẫn muốn duy trì văn hóa
Từ thâm cung, sơn dã thị thành
Lễ Nghi học sĩ tài danh
Phong bà Thị Lộ, thông minh hơn người

Nguyên ái nữ cụ đồ nho học
Cũng đã từng ngang dọc Lam Sơn
Gian lao nguy hiểm chẳng sờn
Theo chồng kháng chiến, sắt son bao đời

Người xứng đáng, trau dồi cung nữ
Dạy văn chương, thi tứ, cầm ca
Đoan trang đức hạnh đạo nhà
Tướng đi nét mặt rất là thùy nghi (31)

Muốn bảo vệ những gì quí báo
Những tinh hoa, gia bảo giống nòi
Nhưng Lương ý kiến hẹp hòi (32)
(540) Được lòng ấu chúa, học đòi nhà Minh

Hồn lễ nhạc kết tình đất nước
Như muôn cây nẩy tược đâm mầm
Hoa xinh ngát tỏa hương trầm
Đồi xanh, núi biếc, tình thâm dạt dào

Ai đem sánh cành đào nhánh mận
Đem hồn thiêng cao tận trời xanh
Dòng sông nước suối trong lành
Mà rây nước đục, để dành bùn nhơ

Nguyễn Trãi muốn trọn thờ chân chúa
Lủ nịnh thần vây bủa xung quanh
Lương Đăng, Thúc Huệ tài ganh (33)
Tìm trong sàm tấu để dành phần hơn

Nào Lê Sát gây hờn chuốc hận
Hại Nhân Chủ một đấng công thần (34)
Nhưng trong thiên số định phần
Tiền căn hậu kiếp không gần thì xa

Đường đã chọn cùng ma với quỷ
Thì thế nào cũng lụy cũng tan
Sát kia đã vạch ngày tàn (35)
(560) Thì Ngân cũng đến pháp tràng mệnh chung (36)

Thế mới biết anh hùng thiên hạ
Những con người lòng dạ thẳng ngay
Đường đời dù gặp đắng cay
Như cành trúc yếu, gió hoài chẳng cong

Xin quý vị nhớ đón xem chương kế tiếp: Sóng gió Hoàng Cung

29) Lê thị Ngọc Dao con Lê Sát sớm bị phế bỏ, chưa có con
(30) Lê thị Nhật Lệ con của Lê Ngân cũng sớm bị phế bỏ, chưa có con
(31) thùy mị, uy nghi
(32) Lương Đăng, một nịnh thần được vua giao cùng Nguyễn Trãi sửa sang Lễ Nhạc nước nhà
(33) Nguyễn Thúc Huệ
(34) Lê Nhân Chủ
(35, 36) Lê Sát và Lê Ngân


 Chương 7

Sóng gió Hoàng cung 

Bắt đầu hiểu điều trong lẽ đục
Nhưng bên vua, vẫn chực vẫn chờ
Năm bà chiều chuộng tôn thờ
Không quên gièm xiểm để chờ hại nhau

Sớm phế bỏ Ngọc Dao, Nhật Lệ
Đã qua thời kềm chế Sát, Ngân
Cố nghe lời lẽ phân trần
Những người chính trực trung thần đã lâu

Nguyễn Trãi đã trình tâu nên tránh
Rượu với trà bên cạnh giai nhân
Những ai liêm chính nên gần
Những câu đẹp dạ dành phần xét suy

Thương nhà vua xuân thì vừa chớm
Mẹ cùng cha đã sớm lìa đời
Trong tay quyền lực cao vời
(580) Mà thâm tình chẳng mấy người không tham

Trong cung cấm tường loan trướng phủ
Mấy bà phi tìm giữ uy quyền
Dựa trên vây cánh bạc tiền
Hoặc lời ngon ngọt than phiền lẩn nhau

Dương Thị Bí tính cao tình ngạo
Gương mặt hoa sắc sảo mặn mà
Tấm thân tương đối đẫy đà
Sớm sanh con trưởng tên là Nghi Dân

Sau vài tháng được phong Hoàng tử
Nên quý phi như mở tấc lòng
Tưởng rằng dưới đất trên không
Chỉ còn có mỗi bông hồng họ Dương

Trong cung cấm ngăn tường bít ngỏ
Nhưng tiếng tai vẫn trổ ra ngoài
Lại thêm quan hoạn thày lay
Quý phi tranh chấp tháng ngày gay go

Nguyễn Thị Anh mắt to môi thắm
Chân mày cong làm đắm lòng vua
Lời ăn tiếng nói đẩy đưa
(600) Nhưng lòng nham hiểm hơn thua không nhường

Cuộc tranh chấp khó lường sau trước
Thân liểu gầy nẩy tược đâm ngang (37)
Thị Anh mưu kế sẵn sàng
Quyết dành cho được ngôi Hoàng tử cao

Vườn Thượng Uyển, hoa đào, hoa lý
Đóa hải đường thùy mị xinh tươi
Thủy tiên, Hàm tiếu vui cười
Muôn hoa ngàn vẻ cánh đài khác nhau

Lê Thị Mai ngọt ngào lời nói
Tính dịu hiền lại giỏi công dung
Mặc ai gây gió bão bùng
Chỉ mong núp bóng đại tùng yên thân

Nhờ cam phận tránh lằn sấm chớp
Tránh cho con khỏi lớp sóng ngầm
Khắc Xương trong cảnh âm thầm (38)
Lớn khôn theo ánh trăng rằm mẹ yêu

Ngô Ngọc Xuân diễm kiều mỹ lệ
Tính nhu mì hiểu thế hiểu thời
Ngô Từ, thân phụ suốt đời (39)
(620) Theo phò Bình Định, không rời nhà Lê

Từng tiến cử theo về Lê Lợi
Bậc anh hùng tài giỏi hơn người
Ức Trai đã thấy cơ trời
Không màng sương gió, không lơi tấc lòng

Thêm tiến cử vào trong thành nội
Để lo điều học hỏi cung nhi
Anh thư Thị Lộ ai bì
Đức tài nắm giữ Lễ Nghi đương triều

Ngô Ngọc Dao mỹ miều không kém
Theo chị vào tô điểm cung phi
Thái Tông thấy được dung nghi
Phải lòng giữ lại chờ khi trăng rằm

Trước chỉ được cho làm cung nữ
Nết dịu dàng, cách cữ Tiệp dư
Trái soan, gương mặt hiền từ
Đem tin tưởng đến, đem thơ thới vào

Xuân vừa chớm, hoa đào đơm nụ
Khóe môi cười quyến rủ niềm yêu
Nhà vua quý mến nâng niu
(640) Sợ sương khuya lạnh, sợ chiều tả tơi

Nguyễn Thị Anh ghen lời ghét ngỏ
Vừa hạ sanh thái tử Bang Cơ
Rắp ranh xây bến xây bờ
Truất ngôi Hoàng tử, phế cờ Nghi Dân

Lợi dụng thế kiêu căng ngạo mạn
Của Bí phi trong ván cờ vua
Nếu không mưa gió thuận mùa
Làm sao có thể được vừa lòng dân

Lại thêm nỗi miệng lằn lưỡi mối
Khiến Thế Tông kết tội Bí phi
Phải rời ngay khỏi kinh kỳ
Trở về dân dã, đoạn lìa Nghi Dân

Vua lại lập một Tân Hoàng tử
Phế Nghi Dân phong xứ Lạng Sơn (40)
Bao nhiêu cay đắng tủi hờn
Trút lên đầu trẻ chưa tròn hai năm

Con đã được phong làm Hoàng tử
Trong cấm cung nắm giữ uy quyền
Từ đây trên bến dưới thuyền
(660) Mua lòng quan nịnh, quyết dìm tôi trung

Thị Anh sợ tấm lòng Nguyễn Trãi
Hiên ngang theo nẻo phải đường ngay
Mặc dầu biết trước nạn tai
Không chùn chân bước, không nài hiểm nguy

Trong cung nội, Lễ Nghi học sĩ
Thấm nhuần sâu đạo lý thánh hiền
Cùng chồng giữ vẹn lời nguyền
Phò vua giúp nước, giữ yên cõi bờ

Dạy cung nữ đường tơ kẽ tóc
Đạo con người trước học sau hành
Công dung ngôn hạnh chỉ rành
Đường đi nước bước ngọn ngành thiệt hơn

Lời trình tấu như sơn như phết
Vua nghe theo lẽ thiệt điều hay
Thị Anh ngậm đắng nuốt cay
Quyết tìm mọi cách chia hai mái đầu

Ngoài triều chánh hợp nhau với Liệt (41)
Trong nội cung thân thiết Tạ Thanh (42)
Bảo toàn trật tự an ninh
(680) Cho vây cho cánh cho mình phồn vinh

Cùng kết mối thâm tình với Huệ (43)
Chuyên lo về văn tự hậu cung
Đôi khi dính với triều trung
Nên không tránh khỏi những xung đột ngầm

Cùng Lương Đăng âm thầm tranh chấp
Với Ức Trai về tập nhạc công
Một bên truyền thống tổ tông
Một bên theo hướng xuôi dòng nhà Minh

Nhóm Nguyễn Trãi tấu trình Thánh Thượng
Nên noi theo đường hướng vua cha
Bảo toàn truyền thống nước nhà
Cho dân hăng hái chan hòa niềm tin

Hơn thế nữa tiến trình thấy rỏ
Cố Thượng hoàng đã tỏ đục trong
Chỉ dùng Lương đống nội cung
Không cho tham dự triều trung bao giờ

Lời tâm huyết chơ vơ bến lạ
Không buồn nghe để dạ đâu đâu
Nhà vua đã chọn nhịp cầu
(700) Chọn người cởi ngựa theo hầu từ xưa (44)

Xin chờ xem tiếp chương: Rời khỏi Kinh Thành

(37) có thai, theo Hồ Xuân Hương : Duyên thiên chưa thấy nhô đầu dọc
Phận liễu sao đà nẩy nét ngang
(38) Khắc Xương là con của bà phi Lê thị Mai
(39) Ngô Từ là cha của Ngô Ngọc Xuân và Ngô thị Bính tự Ngọc Dao, đã tiến cữ Nguyễn Trãi cho Lê Lợi và Nguyễn thị Lộ làm Lễ Nghi học sĩ dưới triều Lê Thái Tông, có họ với Ngô Quyền
(40) Nghi Dân bị truất ngôi Hoàng Tử và được phong làm Lạng Sơn vương
(41) Nhiếp chính Lê Liệt thay thế Lê Sát, Lê Ngân đã bị giết
(42)Tạ Thanh lo về an ninh nội cung, lảnh đạo nhóm hoạn quan gồm Nguyễn Thúc Huệ lo về văn tự, Lương Đăng lo về Lễ nhạc
(43) Nguyễn Thúc Huệ
(44) Chọn hoạn quan chơi cởi ngựa cùng vua hồi nhỏ

Xin Bấm Vào Các Links sau đây để xem tiếp :

 Lệ Chi Hận Sử từ Chương 8 đến chương 15 - Nguyễn Gia Linh -

 Lệ Chi Hận Sử (Phần3) từ Chương 16 đến Chương 25 - Nguyễn Gia Linh

  

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.