Apr 16, 2024

Tùy bút - Bút ký

Hoài Nghi
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:13:46 AM, Jun 14, 2009 * Số lần xem: 1982
Hình ảnh
#1


Tam thập nhi lập,
Tứ thập nhi bất hoặc,
Ngũ thập tri thiên mệnh.

(Dubito, ergo sum. Tôi hoài nghi, vậy tôi hiện hữu)
Sau năm 1975, Lẫm đã có tin nghe nói về một bài thơ (cách mạng ) của ông nhà thơ cũng (cách mạng ) Giang Nam Nghe tin em vào Ðại học.
( Nghe tin em vào Ðại học ) là nghe tin từ một người em gái, người em gái từ khi còn rất nhỏ, học tiểu học từ cấp Một thường xuyên bị khẻ tay vì lười biếng và vì hay nhõng nhẽo chỉ chực vòi quà. Ấy thế mà cô em gái tới tuổi cập kê lại trúng tuyển vô ban tuyển sinh thuộc bộ Giáo Dục và Ðào Tạo. Học ngành gì, môn gì, Lẫm chẳng biết, chỉ một điều Lẫm nghi ngờ về cái vụ đậu vô ban tuyển sinh thuộc bộ Ðại học và Ðào tạo. Từ lúc còn tấm bé, Lẫm có tính cả tin, tin Người, tin tất cả, tin thiên hạ, tin Trời tin Ðất.
Cả tin vốn dễ lạc lòng,
Cả tin thiên hạ dòng sông bãi vàng.
Tuyển sinh trúng tuyển ngỡ ngàng,
Nửa tin nửa hoặc bàng hoàng hồ nghi.

Cho đến ngày hôm nay gần ba chục năm qua, tuổi già đã thật sự xế bóng, Lẫm vẫn tiếp tục hoài nghi , hoài nghi cho đến giờ phút Lẫm không thể tiếp tục hoài nghi được nữa, âu cũng là một nghjiệp dĩ.

Tứ thập nhi bất hoặc. Bốn mươi tuổi đã không nghi hoặc. Ngũ thập tri thiên mệnh. Năm mươi tuổi đã biết mệnh trời. Trải hơn ba mươi lăm năm, Lẫm hết lý do để không còn hoài nghi nữa. Lẫm đành phải tin người em gái của thi sĩ Giang Nam thi đậu vào trường đại học. Chỉ có điều sau khi tốt nghiệp vào đại học, Lẫm không còn nghe không còn thấy nói năng gì đến người em bé nhỏ của thi sĩ Giang Nam nữa.Cho tới hôm nay đã ba mươi năm hơn trôi qua, nhà thơ cách mạng Giang Nam có còn nhớ gì bài thơ (Nghe tin em vào đại học .)?
Tôi đọc bản tin: tổng thống da màu đầu tiên Barrack Obama sẽ đi Trung Ðông, sẽ đi Âu châu và nói chuyện với thế giới Hồi giáo. Thú thật, từ lâu tôi đã có vốn không mấy cảm tình với người da màu cho nên ngay từ giờ phút đầu tiên, tôi đã không tán đồng ý kiến ủng hộ ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ. Tôi biết rõ ứng cử viên tổng thống là ông Mc Cain, thuộc đảng Cộng Hòa, từng bị bắt làm tù binh ở nhà tù mệnh danh là Hilton bị giam ở Hỏa Lò. Ông Mc Cain là một người Hoa Kỳ có nhân cách thật đáng ngưỡng mộ, nhưng điều thật đáng tiếc là tuổi đã già của ông trên bảy mươi ba, liệu ông có còn đầy đủ sức khỏe tinh thần sáng suốt nếu ông cáng đáng đảm đương chức vụ tổng tư lệnh một khi ông đắc cử? Tôi cầu mong ông được cử tri dồn được nhiều phiếu tại các tiểu bang, nhưng hiện giờ cử tri đã ngán ngẫm cái trò chiến tranh từ Israel tới chiến tranh Afganìstan hiện đang bị sa lầy không có lối thoát, muốn có một hoàn toàn đổi mới nên gần như tất cả đều dồn phiếu cho cử tri. Kết quả: phiếu cử tri thắng lớn cho đảng Dân Chủ, đại bại cho đảng Cộng Hòa. Than ôi, lực bất tòng tâm. Trước sự thất bại nhiều cay đắng, vị thượng nghị sĩ ở tiểu bang Arizona vẫn vui vẻ chấp nhận:tiệt nhiên định phận tại thiên thư. Ðiều đáng buồn là vị tân tổng thống chỉ bận tâm chỉ quan tâm tới tình hình thế giới mà chẳng quan tâm gì nhiều tới vùng châu Á: vị tiền nhiệm tổng thống W. G. Bush đã chẳng quan tâm tới vấn đề nhân quyền, vấn đề tôn giáo bị đàn áp bị trù giập trên miền đất nước Việt Nam mà chỉ bận tâm tới vấn đề rút quân khỏi chiến trường Iraq, vấn đề tăng quân viện ở Afganistan. Thì ra dù đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ, lập trường chủ trương thâm ý hậu ý, cuối cùng đều bắt nguồn phát sinh cùng một giuộc tất. Obama chỉ quan tâm tới thế giới Hồi giáo thôi. Vấn đề nhân quyền và vấn đề tôn giáo bị chà đạp bị đàn áp tại đất nước quê hương nghe xa xôi mơ hồ, Obama bỏ ngoài tai.Tôi rất nghi ngờ kể từ giờ phút này Obama hô hào chấn hưng kinh tế, jõattends, jõattends, mais je n’en crois pas. Theo học triết lý René Descates về phương pháp hoài nghi (Discours de la méthode )như một giai đoạn, một bước cần thiết đi tới chân lý, tôi đành phải chấp nhận ( dubito ergo sum ), tôi hoài nghi vậy tôi hiện hữu, rõ ràng, minh thị, hiển nhiên, để rồi sau cùng đi tới kết luận vững tựa đinh đóng cột:(cogito ergo sum ): tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu, hiển nhiên, minh thị, rõ ràng.
Trang đầu dòng của tác phẩm nhà văn Albert Camus viết:( Je me révolte, donc nous sommes ).Tôi tạo loạn, vậy chúng ta hiện hữu. Xin được mạn phép sửa lại cụm từ (chúng ta) thành ( tôi )cho được dễ hiểu:( Tôi tạo loạn, vậy tôi hiện hữu ).( Je me révolte, donc je suis).(Tôi không biết có sự phân biệt nào chăng giữa (je me révolte,donc nous sommes, và je me révolte, donc je suis); nếu có sự phân biệt, người viết xin lĩnh giáo).
Trước năm 1975, Lẫm làm việc tại trường trung học tư thục công giáo thuộc thành phố hoa phượng. Nhà trường tọa lạc trên đường Gia Long, nơi cư xá thuộc công nhân viên chức ngành Hỏa Xa Việt Nam. Lẫm làm việc nơi văn phòng Tổng Giám thị, chuyên trông coi sinh hoạt nề nếp kỷ luật của những học sinh nam nữ. Lẫm thường xuyên ngồi tại văn phòng, kiểm tra giờ giấc vắng mặt nghỉ học của học sinh, chủ ý là tìm cách trốn học đi chơi, thầy Tổng Giám thị lúc nào cũng cố làm vẻ mặt khó đăm đăm, lúc nào cũng sẵn sàng làm tờ cam kết hoặc kiểm điểm về sự bê tha lười biếng của nhóm học sinh ít chịu khép mình vô kỷ luật học đường.
Riêng một nữ sinh thường xuyên xin nghỉ học vì bận việc nhà, Lẫm nhận xét riêng nữ sinh ấy có nhan sắc hơn cả, tên Bạch Trúc, học lớp mười hai, ban C, dáng người đầy đặn, yới độ phát triển đúng mức của tuổi dậy thì hơ hớ.Vị Tổng Giám thị nhà trường thường xuyên khuyên bảo Bạch Trúc không nên nghỉ học ở nhà nhiều quá, nhất là năm học này là năm thi Tú Tài. Nhìn Lãm rồi nhìn nữ sinh Bạch Trúc, tôi thấy cả hai người đều có tình có ý nhưng chỉ biết cả hai đều im lặng. Mãi về sau năm 75, Lẫm mới vỡ lẽ ra rằng viên giám đốc trường trung học tư thục công giáo vốn là một tay kinh tài cho Việt cộng. Một ngày nọ, nhân khi trò chuyện một giáo sư nói về Bạch Trúc về nét quyến rũ hấp dẫn của người nữ học sinh, tôi ban một câu nhận xét kín đáo không một ai hay biết:
- B. T. trông ngon lành quá, phải không?
Lập tức người bạn tàn nhẫn phán xuống một câu:
Ngon thì ngon rồi đó, nhưng không biết có thực sự (lành ) không.

Giáo sư môn Việt văn bật cười thích thú trong lúc tôi cũng không thể nhịn được cười. Sau khi giờ giải lao các lớp chấm dứt, tôi mang sách vở vào lớp mười hai C ngẫm nghĩ:

Cũng có thể. Cũng có thể lắm. Ai biết được ( đào tiên đã bén tay phàm ), ai biết Bạch Trúc vẫn là một trinh nữ vẫn còn trinh trắng? Lại một mối hoài nghi vừa mới phác hiện, un doute méthodique cartésien.

Trường trung học Pháp lycée Yersin được đổi thành Trung Tâm Giáo Dục Hồng Bàng và cũng được chuyển sang chương trình tiếng Việt, thi lấy bằng Tú Tài tiếng Việt. Tại thành phố Nha Trang, trường Collège francais được chuyển thành Trung Tâm Giáo Dục Hàn Thuyên, kỳ thi Tú Tài Pháp vì thế được đổi thành Tú Tài Việt Nam.

Trung tâm Giáo Dục Hàn Thuyên được tôi mời vô ban giảng huấn thuộc ban A. Một nữ học sinh vốn là nữ học sinh trường Collège francaise, được chuyển sang chương trình tiếng Việt, ban C, tên là Ngọc Diễm, hiện đang theo học tại một trường tư thục công giáo. Diễm học khá, tháng nào Diễm cũng được ghi tên vào Bảng Danh Dự nhà trường. Thân sinh Ngọc Diễm lấy làm hài long khi nghe ái nữ được nêu lên trên bảng danh dự hàng tháng; nhưng không may một tháng Ngọc Diễm không được ghi tên lên danh sách vào bảng danh dự, ông thân sinh sẽ được dịp quát tháo chửi ầm nhà.. Ngọc Diễm chỉ biết nghe, không dám một câu một lời thanh minh thanh nga, vì chưng, bởi vậy, do đó, cho nên, thành thử..
Vốn giáo sư dạy Triết từ năm 60- 61nên quen kinh nghiệm, việc lên lớp ở trường khiến tôi thuộc lòng bài soạn, nôm na là ( giáo án ) nói theo ngôn ngữ thời thượng; nếu có một bài soạn rắc rối khó nhớ, như Tri giác, Ký ức, Ngôn ngữ, Nhân cách và tính tình, bắt buộc tôi phải nhìn qua trước khi lên lớp. Lớp học ban C lớp mười hai chỉ vỏn vẹn sĩ số ngoài ba mươi, nữ sinh trên mười.Vào lớp, tôi cảm thấy thong dong thoải mái, bởi tôi sẽ lên lớp giảng bài học dễ dàng, giáo sư giảng, học sinh chăm chú nghe. Những khi cao hứng say mê giải thích quên cả thì giờ trôi qua vùn vụt,lúc đó tôi mới bắt đầu thấy mệt cho học sinh nghỉ. Tôi xin nói thêm:Lẫm đã xin thôi chức vụ Tổng Giám thị, xin một chức vụ mới tại một trường trung học tư thục khác

Thầy, thầy đưa tay cho em xem, Ngọc Diễm nói vừa đủ để tôi nghe. Nhìn Ngọc Diễm trong một tích tắc, tôi đưa bàn tay trái cho người nữ học sinh, nhưng Ngọc Diễm lắc đầu:

Không, bàn tay phải của thầy ấy.

Tôi lại phải đưa bàn tay phải cho Ngọc Diễm. Người nữ sinh cầm lấy bàn tay phải, cầm bút hí hoáy viết những chữ gì trong đó, xong trả lại bàn tay của tôi. Nhìn vào lòng bàn tay, tôi đọc vỏn vẹn hai chữ rất mực học trò, rất đỗi nữ sinh con gái:

Thầy ơi!

Tôi nhìn Ngọc Diễm, Ngọc Diễm cũng nhìn thẳng vào ánh mắt của tôi như thách thức như chờ đợi. Tôi thu bàn tay tôi, dút tay vào túi quần, quay đi mà không nói một lời nào.

Trời trưa, tan học, học trò tấp nập lũ lượt kéo nhau ra về, tiến xe máy nổ, tiếng xe đạp, tiếng bạn bè huyên náo gọi nhau ơi ới. Tôi cũng nổ máy xe ra về, thì tình cờ Bạch Trúc tay ôm cặp một mình trên đường về nhà, không có xe đạp nên cuốc bộ. Ôm cặp quay ngoái lại nhìn người thầy đang thong dong nổ máy, Bạch Trúc mỉm cười cùng tôi nửa đùa nửa thật:

- Thầy cho em quá giang về nhà với thầy.

Tôi thấy tôi lâm vào hoàn cảnh giằng co khó xử. Tuy nhiên tôi lập lại một câu rồ ga rà thắng xe chậm lại:

Ði không? Chịu khó ngồi lên yên sau nha.
Bạch Trúc lúc này mỉm cười lắc đầu đáp lại:
Thôi, cám ơn thầy, em không dám đâu, lũ bạn tụi nó cười chết.

Tôi lại rồ ga chạy đi, lần đầu tiên tôi gặp hoàn cảnh khó xử nhưng cũng lần đầu tiên tôi đã thoát vượt khỏi vòng cương tỏa.

Sau bữa cơm chiều, tôi bắc chiếc ghế mây ngồi dưới mái hiên cốt để tiêu cơm và ngắm trăng, gió miên man thổi mát tận lỏng người. Tôi hồi tưởng lại hai chữ gọn gang vắn tắt nhưng đầy ý nghĩa. Rõ ràng Ngọc Diễm đã gọi tôi nhưng bằng một thứ ngôn ngữ im lặng. Nhà triết học hiện sinh Soren Kierkegaard đã chẳng nói ( Có một thứ liên lạc bằng im lặng( đó sao? Ngôn ngữ là một phát biểu bằng ý tưởng, lời lẽ chân thật có lẽ rất thiết tha, có giá trị gấp trăm gấp ngàn lần bằng lời nói ngôn từ.

Tôi đi đi lại lại tới bàn học trò Ngọc Diễm đang ngồi, mắt nai đen láy vẫn tiếp tục nhìn tôi chờ đợi một câu nói, một câu trả lời, một câu cảnh cáo nghiêm khắc tương quan liên hệ thầy trò. Rốt cục, tôi không trả lời, không thể trả lời một cách gián tiếp, nhưng tôi nhớ trọn vẹn đầy đủ kín đáo ( ngôn bất tận ý ) hai chữ (Thầy ơi ).

Quý độc giả muốn biết dung nhan của Ngọc Diễm, Tây Thi, Chung Vô Diệm, trung bình, trên trung bình, bình sa lạc nhạn?Tuổi tác ước độ mười bảy, mười tám không nắm chắc như cô ả bán chiếu gon ở Tây Hồ Nguyễn thị Lộ, thân hình chưa phát triển đầy đủ trọn vẹn, ngực hơi nhỏ, tóc xõa bờ vai, áo trắng quần trắng đồng phục của nữ sinh như Bạch Trúc chỉ có điều Bạch Trúc tỏ ra cân đối hơn, phát triển đầy đặn tựa một nữ sinh thiếu nữ tới độ xuân thì, tôi tạm kết luận: vóc dáng Ngọc Diễm trên mức trungbình. Tôi quên cần bổ sung thêm hình sắc của người con gái nữ sinh mới lớn: lông mi đen và dài, k.hóe miệng và đôi môi hơi rộng. Sau ngày ba mươi tháng tư đất nước quê hương tan rã, Ngọc Diễm đã ra đi tị nạn cùng toàn bộ gia đình có gởi về tôi một tấm ảnh của người thiếu nữ có lẽ giờ này tuổi đã hai mươi, mặc áo kimono trong một gian phòng nhỏ đang thắp một ngọn nến, bên dưới tấm ảnh có ghi dòng thơ của Tuệ Sỹ (đốt đèn khuya ngồi đọc chuyện trăng tàn.)
Tôi gọi tên Bạch Trúc lên trả bài học Triết. Bạch Trúc riu ríu bước ra khỏi ghế học trò. Tôi đóng vai một giáo sư đạo mạo nghiêm nghị, quan tâm tới việc giảng bài cho đám học trò. Ðây là lần đầu tôi kêu Bạch Trúc trả bài. Tôi không quan tâm để ý tới việc hỏi bài của học sinh cho bằng việc giảng bài học cho học sinh; gần như suốt một năm học tôi không hỏi thử một học sinh thực sự hiểu bài hôm trước hay không.

Tôi chỉ hỏi một câu đơn giản: định nghĩa cảm xúc. Bạch Trúc cố nhớ bài học mà tôi đã giảng hôm trước, không đầy ba phút phù du, Bạch Trúc đứng im lặng thinh, tôi cho Bạch Trúc về chỗ, cho người nữ học sinh được điểm trung bình.

Sau 75, miền Nam Việt Nam thay ngôi đổi chủ, hoàn toàn bị mất chân đứng, bộ môn Triết học một mình một chợ lâu nay coi như bị thất nghiệp, nhường những bộ môn khác. Triết học tỉ như Tâm lý học, Ðạo đức học, Siêu hình học là những bộ môn Triết học phản động duy tâm cần phải được hạ bệ trừ khử, phải được thay vào đó những môn Chính trị học, Triết học duy vật biện chứng và Triết học duy vật lịch sử. Tôi, giáo sư Triết kiêm giáo sư Việt văn lên bục giảng hơn mười lăm năm giờ đây được xem như một món đồ cổ được lưu trữ trong một viện Bảo tàng. Giờ này tôi sẽ phải làm gì? Ta làm gì cho hết nửa đời sau? Như Từ Hải vốn người Việt Ðông sẽ tạo loạn? Như Cao Chu Thần giáo thụ Quốc Oai tỉnh Sơn Tây sẽ tạo loạn? Như Nguyễn hữu Cầu đánh phá đất Hải Dương tự xưng quận Hẻo sẽ tạo loạn? Và như con Hùm Yên Thế Bắc Giang Hoàng Hoa Thám nổi lên chống phá thực dân Pháp sẽ tạo loạn? Tôi tạo loạn, vậy, chúng ta hiện hữu. Tôi cũng âm thầm tạo loạn vì thực tế đời sống đối với tôi kể từ nay không còn ý nghĩa gì nữa.

Năm học này được kết thúc bằng một kỳ thi gọi là kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cấp ba. Không có văn bằng Tú Tài Một, Tú Tài Hai gì ráo. Cũng không môn thi Triết học gì sấc vì Triết học đã là phản động mà. Bạch Trúc cũng tấp tễnh di thi, cuối cùng rồi cũng đậu.

Tôi có ý định nhờ một nữ sinh lúc trước học cùng trường vốn cũng là bạn học của Bạch Trúc, Hương,lo tổ chức một bữa tiệc nhỏ gọi là chiêu đãi phần thưởng kỳ thi đỗ của Bạch Trúc. Tôi đưa cho Hương một số tiền, nhờ Hương chịu khó đi ra chợ mua một ít thịt, cá, bún, những món phụ xào nấu, tráng miệng. Tội nghiệp Hương, làm thân con gái trong một gia đình theo đạo Tin Lành không biết làm gì ngoài việc ăn học vui chơi, nay mới chịu lăn vô bếp làm bữa tiệc bỏ túi chiêu đãi người thi đỗ là một.
Bữa tiệc bỏ túi đã sẵn sàng, chỉ còn chờ Bạch Trúc, nhưng ( người đẹp ( cho biết ngày hôm ấy không có xe đạp khiến Hương phải lịch cà lịch kịch đạp chiếc xe đạp mini màu đỏ thân hành tới nhà Bạch Trúc để chở nàng đi.Từ nhà Hương tới nhà Bạch Trúc khá xa, từ cầu Xóm Bóng vượt cầu Hà Ra, qua quốc lộ 1 tới đường Quang Trung vượt qua đường Phước Hải rồi rẽ trái tới con đường Mê Linh, ôi sao mà nhiêu khê dài dòng đến vậy! Rồi đường nào cuối cùng cũng tới La Mã thôi, nhưng xa phu không phải Hương mà là Bạch Trúc:

Nhà Bạch Trúc thì xa mà em thì quá mệt đạp quá mỏi chân thở không ra hơi nên em phải để Bạch Trúc đạp, em ngồi sau, thầy thông cảm giùm em nghe thầy.

Thầy đáng lẽ phải cám ơn em, sao em lại nói thế?

Nghỉ mệt ít lâu rồi bữa tiệc bỏ túi bắt đầu vì ai nấy người nào cũng thấy kiến bò trong bụng.Trong phòng ăn, nhà nhà đều lên đèn, nhà tiết kiệm năng lượng nên gian nhà chỉ thắp sang một bóng điện độc nhất. Món ăn độc nhất là bún tươi ăn cùng với thịt bò xào, món tráng miệng độc nhất là... đu đủ chin giầm nước đá. Sau bữa tiệc bỏ túi, ai nấy đều cảm thấy vững dạ hết đói.Thấy Bạch Trúc ngồi ghế bên cạnh sát ghế tôi, Hương tế nhị thông minh đề nghị:

Hay là em tắt đèn đi để ánh trăng lọt vào, như thế thích hơn, nghe thầy?
Tôi chưa kịp trả lời thì Hương đã mau mắn tắt đèn, nhường chỗ cho ánh trăng lẻ lỏi xuyên qua mái ngói, giờ đây hai người chỉ còn thấp thoáng khuôn mặt. Lần đầu tiên tôi khẽ đặt tay lên đùi Bạch Trúc, như một phản ứng hết sức tự nhiên hết sức bẩm sinh, người thiếu nữ vội vàng nắm chặt tay tôi chẳng khác chi bị dòng điện chạm. Bạch Trúc nắm chặt lấy bàn tay nhưng vẫn giữ yên, tôi liên tưởng đến hai nhân vật tưởng tượng bằng tiểu thuyết: Thu thiếu nữ và Trương thanh niên. Thu đặt tay lên đùi của Trương, thân mật như cảnh vợ chồng, Trương để yên không dám cử động mơn trớn vuốt ve sợ mất đi cảnh lạc thú thần tiên. Lúc này bàn tay của Bạch Trúc đã nới lỏng, tôi có thể bạo dạn hơn mơn trớn vuốt ve trên đùi tròn lẳn chắc nịch của thiếu nữ. Giờ đây tôi không còn có thân xác tôi nữa mà chính là thân xác tôi. Je n’ai pas un corps mais je suis mon propre corps như triết gia Maurice Merleau-Ponti đã nói trong tác phẩm phénoménologie de la perception, hiện tượng học về tri giác. Ðột nhiên Bạch Trúc ôm sát lấy người tôi hôn lấy hôn để, nồng nhiệt say sưa như chưa được hôn bao giờ, hơi thở hổn hển vào người tôi.

Khi đọc kinh Thủ Lăng Nghiêm, tôi đọc một đoạn kinh nói về ông A Nan mặc dù được dự mời tiệc chay nhân ngày kỵ giỗ phụ vương của vua Ba-tư-nặc nhưng đi xa chưa về không thể dự được phải về một mình khất thực buổi trưa. Trong khi khất thực ông A Nan đi qua nhà nàng dâm nữ Ma đăng-già bị tà chú Tiên phạm thiên đạo Sa tì ca la bắt vào phòng riêng mơn trớn vuốt ve khiến ông A Nan gần bị phá giới.( Nên nhớ ông A Nan là một nhân vật khỏe mạnh đẹp trai khiến nhiều giới phụ nữ mê thích). May có đức Như Lai dùng trai rồi tuyên đọc thần chú tiêu diệt tà chú đưa ông A Nan cùng nàng Ma đăng-già về chỗ Phật ở. Chỉ sai một ly đi một dặm là hư thân trọn đời trọn kiếp, khôn ba năm, dại một giờ. Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ (Thận kỳ độc- Ðại Học).

Cuộc gần gụi tiếp cận thân xác giờ đây có lẽ đã đủ, không dám không thể đòi hỏi đi xa hơn. Tôi đề nghị Bạch Trúc ra về, đưa nàng ra tận ngõ hẽm hun hút thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện con trăng. Lúc này Hương không thể tiếp tục tự làm tài xế đưa Bạch Trúc về nhà. Tôi trả tiền xe một đồng bạc để người phu lái xích lô đưa Bạch Trúc về nhà. Trên đường chia tay, Bạch Trúc dọ hỏi:

Ngày mai anh có phải đi dạy không?

Có. Ngày mai anh phải lên lớp cả hai buổi. Mai em ở nhà?

Em ở nhà suốt ngày, nghỉ học rồi, không biết làm gì, ở nhà riết rồi cũng chán.

Ngày mốt anh có thể ở nhà không phải đi dạy, hay là chúng mình rủ nhau đạp xe đi chơi đâu đó...

Ði chơi thì được.

Hai người cùng đạp xe đi song song, cách nhau một khoảng cách ngắn bởi cả hai đều ngại không dám đi quá gần. Tới cầu Bóng, Bạch Trúc đề nghị:

Hay là chúng mình cùng đi tới nhà Hương chơi đi, chắc Hương cũng có ở nhà.

Tôi tỏ vẻ ngần ngại:

Bọn mình chỉ ngại làm phiền gia đình Hương thôi. Hay là chúng mình đạp xe đi chơi, (đi bất cứ nơi đâu khi đất nước đang cần, miền Nam anh dũng đang giục tiến lên. Tổ Quốc thân yêu ơi có đoàn tôi sẵn sàng, ta lên đường phơi phới tuổi đôi mươi,) tôi vừa đạp xe đạp vừa nghêu ngao hát một bài ca cách mạng. Bạch Trúc bật cười, hỏi:

Anh hát bài hát gì sao nghe lạ và kỳ cục vậy?

Em không biết à? Anh vừa mới ca một bài ca mới cắt chỉ (Ði bất cứ nơi đâu khi đất nước đang cần )đó.

Ðạp xe lang thang về hướng Bắc một lúc khá lâu thì tới địa điểm Hòn Chồng nằm sát biển. Chúng tôi cùng rẽ phải, xuống xe đi bộ. Một gian nhà ngói ẩn khuất sau hàng cây xum xuê những cây ăn trái mít, ổi, thanh long, mảng cầu. Một ngườI con gái mở cổng vườn nhìn ra, ngạc nhiên đến độ mở tròn con mắt. Tôi ngạc nhiên và ngườI bạn gái cũng ngạc nhiên đến độ nhìn nhau mỉm cườI đồng lõa: Trang, học trò của tôi vừa mới thọ giáo năm học vừa qua. Trang khẽ gật đầu chào thầy giáo cũ và tôi cũng chỉ khẽ mỉm cười,lặng lẽ đi qua phía ghềnh đá Hòn Chồng quanh năm sóng vỗ. Như vậy từ buổI sáng bang quan thiên hạ đã biết tẩy tiết lộ bí mật ít nhất hai người. Tôi chậc lưỡi: thây kệ, muốn ra sao thì ra, mặc tiếng thị phi, mặc tiếng búa rìu dư luận.

Hòn Chồng đây rồi, non nước biển trời bao la bát ngát,sóng vỗ rì rào trắng xóa đánh dấu một mùa hè trời êm biển lặng. Một đứa con gái trạc độ mười tuổi đội nón mê đang cho hai con bò gặm cỏ. Thấy mục tử đang chăm chú nhìn hai người, tôi đề nghị:

Em làm ơn giữ giùm hai chiếc xe đạp độ nửa giờ, sau đó tôi sẽ gởi thù lao cho em.

Con bé cười cười lộ vẻ thông cảm, đáp:
Tôi chỉ giữ giùm, không lấy thù lao đâu.
Hai đứa yên tâm vững bụng,cất lên hai tiếng (cám ơn ), đoạn thong thả bước xuống hang động bé nhỏ Hòn Chồng. Bất ngờ tôi chú mục chú ý tận mắt nhìn từ xa khoảng cách độ non trăm mét: Quốc vốn là em vợ bà con đôi con dì cũng đang chú mục nhìn... tôi, lẽ tự nhiên tôi cũng nhận ra Quốc, đúng là oan gia gặp trong ngõ cụt! Nom dáng người đang đi gần ngả xuống dốc Hòn Chồng, Quốc nhận ngay ra tôi,cười cười, bàn tay vẫy vẫy, tôi phe lờ cùng Bạch Trúc bước xuống hang động Hòn Chồng. Tôi dè chừng Quốc cũng không tha, quyết bắt tại trận cảnh chứng kiến tận mắt màn cảnh xếch xi cụp lạc này.

Tôi chưa bao giờ được may mắn chứng kiến tận mắt phong cảnh Hương sơn của nhà thơ Chu Mạnh Trinh, chỉ đọc một đoạn thơ của bài hát nói cũng đủ giàu trí tưởng tượng phong phú dồi dào như tôi đề nhìn thấy phong cảnh đẹp đẽ của Hương sơn phong cảnh hữu tình:

( Thăm thẳm một hang lồng bóng nguyệt,
Gập ghềnh mấy lối uốn thang mây ).
Màn ái ân gắn bó không được tận hưởng bao lâu thì linh tính trong chúng tôi cảm thấy có người rình rập phá bĩnh. Chúng tôi đành phải bỏ dở. Bước ra ngoài hang, chúng tôi thấy tận mắt Quốc đang quay quả chạy trốn, nhưng đã lỡ, cái sự đã rồi, Quốc chỉ biết giả lả nhe răng ra cười, riêng tôi thì không.
Con bé chăn bò vẫn còn đó, hai chiếc xe đạp cà tàng vẫn còn nguyên đó, hai chúng tôi dắt xe nói hai tiếng (cám ơn )một lần nữa rồi ra về. Lần này Bạch Trúc thắc mắc, hỏi, tỏ vẻ không vui:

Tại sao hôm nay anh bảo em về sớm khiến em mất hứng vậy?
Tôi cốt ý phân trần giải thích:
Em không biết sao, cái thằng đàn ông khiến anh cản mũi kỳ đà, phải bỏ ra về sớm đó.
Bạch Trúc tỏ ý bực bội:
Em nghĩ mặc kệ ông đó, hơi đâu lo.

Sau ba mươi năm, gia đình tôi và tôi cùng đi qua Mỹ theo diện đoàn tụ ODP, gia đình Thủy cùng chồng cũng qua Mỹ theo diện tị nạn chính trị; riêng Quốc vẫn ở nguyên chỗ cũ, ( ta về ta tắm ao ta...)

Từ tiểu bang Virginia, Thủy gọi điện thoại, báo tôi biết Quốc phải vô bệnh viện Nha Trang cấp cứu, bởi nghe đâu Quốc bị bệnh xơ gan. Quốc nằm trên giường bệnh thiêm thiếp, bụng lớn, thở dốc khó khăn, mắt nhắm nghiền. Thủy vội gởi tiền về quê hương cấp tốc chữa bệnh kèm theo lời nhắn kèm theo toa thuốc đông y chữa bệnh xơ gan. Phước thầy may chủ! Sau vài thang thuốc bắc, bệnh của Quốc lui dần, Quốc tỉnh táo trở lại, có thể ăn uống chút đỉnh, vài ngày sau, bác sĩ cho phép Quốc xuất viện, cải tử hoàn sinh, chỉ mành treo chuông, người về từ cõi âm sang cõi dương. Nghe Thủy từ Virginia điện thoại kể lể tường thuật bệnh trạng của Quốc, gia đình tôi đều có bụng mầng.Bụng bảo dạ, tôi tự vấn: Quốc năm nay được bao nhiêu cái xuân rồi nhỉ? Tôi tự trả lời không đắn đo, không lưỡng lự: ngũ thập niên tiền, nhị thập tam. Riêng Quốc: sinh ngày 07 tháng 12 năm 1946 tại Vĩnh Phương Nha Trang Khánh Hòa nghề nghiệp kiến trúc sư (biết thì biết vậy nhưng tôi không nghe nghề của Quốc là kiến trúc sư bao giờ. Trước 75, tôi có biết Quốc là sinh viên năm thứ nhất trường đại học Kiến trúc; sau 75, trường đại học tan hàng, Quốc về nhà bê tha lêu lổng một thời gian, sau làm việc tạm bợ là xây dựng để sinh kế. Thời gian Quốc bắt gặp Bạch Trúc cùng tôi đi chơi ở biển Hòn Chồng chính là lúc Quốc lâm vào cảnh ăn không ngồi rồi).

Vào độ mùa hè, nhạc mẫu tôi có ý muốn về quê hương Việt Nam thăm một chuyến. Ai cũng biết người Việt Nam nào cũng nặng lòng quê hương đất nước cắt rốn chôn nhau. Mỗi khi nghe nói những ai dự định về thăm quê hương, long tôi lại bỗng nhiên nôn nao xao xuyến bồi hồi.Nhạc mẫu tôi năm nay đã ngót chí n mươi, bà cụ muốn về Việt Nam để bà con gái cùng đi. Về tới Việt Nam, mẹ con của bà đều có ghé lại thăm hỏi tình trạng sức khỏe của Quốc. Trước khi từ giã Việt Nam, Quốc có gởi biếu gia đình tôi hai thi phẩm, một là thơ,(Bên Ðời ) và hai là, cũng thơ, ( Thơ Phù Vân ).Hai thi phẩm được gói ghém cẩn thận từ Việt Nam qua Mỹ, nhưng thú thật, tôi chỉ liếc qua, không đọc. Ðiều đáng để ý là tác giả của hai thi phẩm là Quốc chỉ gởi tặng tôi và gia đình, tuyệt nhiên không một lời cám ơn đã gởi tiền cho gia đình Quốc lo chữa chạy thuốc thang cho bệnh nhân.

Ông cậu người phối ngẫu tôi, ông Trần T. không may bị tai biến mạch máu não mất trong lúc gia đình tôi đều đã đi qua Mỹ trừ đứa con trai lớn phải ở lại (sau cùng rồi cũng qua Mỹ khi đã lập gia đình). Lúc ấy tôi chưa bị ngã căn bệnh hiểm nghèo đột quỵ. Gia đình tôi lúc ấy phải sai đứa con trai lên nhà phúng điếu tang gia. Ðứa con có đưa một phong bì, bên trong phong bì có đưa một số tiền phúng điếu hai trăm ngàn tiền cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, lúc đó có người con gái đứng chứng kiến. Phong bì được đặt ngay ngắn trên bàn hương án. Vào lúc xế chiều, người con gái kiểm lại món tiền phúng điếu đứa con trai đã cúng không cánh mà bay, phong bì trống trơn!

( Tứ thập nhi bất hoặc ), ( ngũ thập tri thiên mệnh, ), ( lục thập, thất thập cổ lai hi ).Ðã bốn mươi không còn nghi hoặc; ngoài bảy mươi sao tôi vẫn còn nghi hoặc trừ một thực tại tất yếu: cái chết đang chờ chực. Sau năm 1990, lúc Ngọc Diễm đã hoàn toàn lập nghiệp an cư tại tiểu bang California ) dường như Ngọc Diễm đã lập gia đình nhưng vẫn tiếp tục đi học). Một tối, người nữ cựu môn sinh cùng tôi gọi điện thoại, nói chuyện dằng dai vòng vo tam quốc, sau cùng Ngọc Diễm lắp bắp thổn thức thốt được một câu độc nhất và chỉ một:

Em yêu thầy!

Lại một phen nữa, tôi nghiệm ra rằng ( tứ thập nhi bất hoặc.)/.

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.