Oct 10, 2024

Tùy bút - Bút ký

NỖI NIỀM BIẾT TỎ CÙNG AI ?
Nguyễn Toàn Đông * đăng lúc 08:08:53 PM, Aug 01, 2024 * Số lần xem: 94
Hình ảnh
#1



NỖI NIỀM BIẾT TỎ CÙNG AI ?


Đàlạt là thành phố duy nhất trong cả nước có khí hậu giống Âu châu. Mùa hè mát mẻ. Mùa đông lạnh căm. Những đồi, những núi liền kề thung lũng. Hết những con đường quanh co leo dốc lại dẫn xuống những lối đi thoai thoải. Những cánh rừng thông bao phủ khắp nơi là nét nổi bật của Đà Lat. Cái cảm giác thích thú giữa trời đất thơ mộng sẽ tự nhiên đến với người khách đến đây. Qua bao thế hệ, người ta vẫn còn nhắc, đây là nơi dành cho những đôi tình nhân.

Không biết từ khi nào, Đà Lạt đã có tên là thành phố ngàn hoa hay thành phố ngàn thông. Rau Đà Lạt rất nổi tiếng. Nhưng không nghe ai gọi là thành phố ngàn rau ! Vẻ đẹp của một vùng đất có tên là Cao nguyên Lâm Viên đã thu phục lòng người. Nơi đó, tiêu biểu là thành phố Đà Lạt.

Những năm từ thập niên 1950 về trước, nhà hát Hòa Bình bây giờ chính là chợ Đàlạt. Sang thập niên 1960, quang cảnh chợ Đà Lạt mới (vị trí hiện nay) được xây dựng do Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế. Mặt tiền ngôi chợ nhìn ra bờ hồ Xuân Hương. Toàn khu chợ mở một tầm nhìn thoáng đảng. Người đi dạo quanh bờ hồ, khi nhìn về phía khu chợ này sẽ thấy một không gian mênh mông. Đó là cái cảm giác thư thả, trầm mặc mà ông đã tạo ra cho khu chợ Đà Lạt. Phố xá trung tâm Đà Lạt là một quần thể kiến trúc tương đối nhỏ, theo phong cách Tây phương. Đường phố không nhiều. Phố xá đậm nét cổ điển, không có lầu, không sửa sang xanh đỏ theo kiểu tân kỳ. Biệt thự, dinh thự hay khách sạn đều ở những vị trí dần ra xa phố thị, giữa những vạt thông lớn nhỏ. Người Việt cũng công nhận thành phố Đà Lạt ngày xưa rất Pháp. Là một góc của Paris.

Bây giờ, chợ Đà Lạt rất lạ. Nào cổng chào, nào những hàng cột, nào nhiều lớp dây đèn giăng kín. Quán xá dày đặc hai bên những con đường dẫn vào chợ. Quanh khu chợ là những khách sạn đủ loại chen chúc. KTS Thụ từ đầu đã tính toán nét thẩm mỹ khi xây dựng các công trình này. Nay, người ta thêm vô, lấy ra đủ thứ. Tôi có cảm tưởng trong cái không gian vừa đẹp vừa bền vững suốt nhiều chục năm đã bị nhồi nhét bất kể hay dở.

Đây lại là tình trạng chung của kiến trúc Đà Lạt hiện nay. Ngoại ô hay nội thành, khu nào cũng xây cất. Làm như người ta đang chụp giựt hết sức có thể !

Khu vực ngoại ô xa thành phố nhất (mà tôi nhớ được) là Suối Vàng. Nơi đây, xưa kia là một vùng hoang dã, trong đó có Thung Lũng Tình Yêu, nay là một khu đất cho thuê để cắm trại. Người ta rất lo ngại tình trạng rừng nguyên sinh nơi đây sẽ mất dần theo thời gian.

Khu vực nội ô, gần phố thị nhất, có đồi Cù và hồ Xuân Hương. Đồi Cù là một sân golf. Những  ngọn đồi chạy dài liền nhau cạnh một bên hồ Xuân Hương. Phía còn lại của đồi Cù được bao quanh bởi Viện Đại Học Đà Lạt, Trường nữ Trung học Bùi Thị Xuân và Giáo Hoàng Học Viện. Có lẽ trong toàn cảnh nội ô thành phố ngày xưa, đây là một trong vài phong cảnh đẹp nhất. Một sân Cù cùng một hồ nước nằm giữa lòng thành phố.

Thật buồn thay! Hôm nay, về thăm lại sân Cù, ai đã dựng lên chung quanh một vách ngăn. Không tài nào nhìn thấy bên trong. Muốn vô, phải mua vé. Rồi  đi ngang qua ngôi trường cũ. Bóng dáng ngôi trường còn đó. Nhưng sân trường đã khác xa. Những hình ảnh thân yêu không còn. Bỏ đi thì không đành. Mà vô đó cũng không biết để làm gì...

Trước năm 1975, dù là một thành phố nhỏ nhưng thế hệ học sinh sinh viên ở đây rất có thể là hùng hậu nhất nước. Ngoài hai trường Trung học Trần Hưng Đạo, cho nam sinh và Trường Trung học Bùi Thị Xuân, cho nữ sinh, còn bốn trường Đại học : Viện Đại Học Đà Lạt; Trường Võ Bị Quốc Gia; Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị và  Giáo Hoàng Học Viện. Đa số sinh viên là từ khắp mọi miền đất nước về đây học. Đặc biệt, còn hai ngôi trường Tây không có tên Việt: Lycée Yersin (Trung học Yersin) và Couvent des oiseaux (Trường nội trú nữ sinh) do các Sœurs dòng St. Paul trông coi. Bà Nguyễn văn Thiệu học ở đây.

Những chiều cuối tuần, với số lượng người trẻ từ gần mười  ngôi trường trên đổ ra phố, du khách sẽ nhìn thấy đúng là thành phố ngàn hoa. Nghĩa đen đã đúng; mà nghĩa bóng càng đúng. Hình ảnh những con phố dập dìu nam thanh nữ tú này không biêt bao giờ mới thấy lại. Nhìn trang phục, phù hiệu mới ngạc nhiên Đà Lạt là chiếc nôi khoa bảng của đất nước thời bấy giờ.

Vấn đề của Đà Lạt hiện nay là nạn nhân mãn. Dân số đã vượt quá sức chịu đựng của một thành phố nhỏ. Người tứ xứ đến sinh sống ở đây quá đông, thậm chí từ ngoài Bắc.

Hậu quả xảy ra ngay trước mắt. Thành phố ngàn thông bây giờ là thành phố không còn thông ! Diện tích nhà kính từ lâu đã quá mức cho phép. Đốn rừng, nhà kính đã làm cho thành phố sương mù không còn cái lạnh đặc trưng nữa. Khí hậu Đà Lạt đang nóng lên. Rồi khi mưa xuống, một thành phố trên cao nguyên mà bị ngập lụt, sạt lở là chuyện quá kỳ lạ! Nhưng kỳ lạ hơn nữa là không thấy ai nhận trách nhiệm. Những câu giải thích ngộ nghĩnh hay nghe được như "Trời mưa thì nước trút xuống chớ sao".

Ở các quốc gia phương Tây, người ta trọng nể vị bác sĩ của mình. Tuyệt đối không phải vì họ là Tiến sĩ (như ở VN mình hay khoe), mà vì họ tận tâm. Về phía bác sĩ, nếu muốn giữ cái bằng cấp của mình thì không được làm phiền lòng bệnh nhân ! Một quan chức chính quyền muốn giữ cái ghế của mình thì đừng làm mất lòng người đã dồn phiếu cho mình ! Có sự cân bằng về quyền lực và trách nhiệm giữa một người trên cao và một người dưới thấp. Coi chừng bệnh nhân có thể làm vị bác sĩ bị rút bằng. Coi chừng người dân có thể cho quan chức về vườn.

Dù sao, Đà Lạt vẫn có những sáng kiến hay. Người dân đã nặn óc nghĩ ra những phương cách mới để lôi kéo khách du lịch về đây. Những dịch vụ du lịch khác nhau từ những khách sạn, từ những home-stay, từ ngoại ô, v.v... Có nhiều tìm tòi cho kịp thời đại tự mệnh danh là thời đại siêu thông tin này. Thế giới hôm nay chỉ nhỏ bằng một ngôi làng ngày xưa. Chậm một bước là người ta sẽ qua mặt tức khắc. Dù là một quán cà phê, vẫn được dựng lên trong rừng với đủ tiện nghi điện tử làm hài lòng người khách dù khó tính. Kinh tế thị trường mà! Tiền nào của nấy.

Những sáng kiến của người dân không phải công sức của nhà nước. Dường như ở VN, người ta hay quên; hay đem thành tựu làm ăn thành đạt hay công lao tìm tòi của người dân ra khoe là do tài lãnh đạo của nhà nước !

Trở lại thăm Đà Lạt, tôi rất nhớ những năm trước 1975. Mục kích những gì hôm nay, cảm tưởng là Đà Lạt xưa giống một người mẹ trẻ từng một thời xuân sắc. Nay, vì vất vả gồng gánh những lo toan quá sức mình, người mẹ dù còn trẻ nhưng lem luốt, hom hem!! Nỗi niềm đã nhìn thấy một Đà Lạt xưa và gặp lại một Đà Lạt nay thật biết tỏ cùng ai ?

          Bách Tùng Cao Nguyên.
                  Nguyễn Toàn Đông.
                              22/10/ 2023.


 tưởng là Đà Lạt xưa giống một người mẹ trẻ từng một thời xuân sắc. Nay, vì vất vả gồng gánh những lo toan quá sức mình, người mẹ dù còn trẻ nhưng lem luốt, hom hem!! Nỗi niềm đã nhìn thấy một Đà Lạt xưa và gặp lại một Đà Lạt nay thật biết tỏ cùng ai ?

          Bách Tùng Cao Nguyên.
                  Nguyễn Toàn Đông.
                              22/10/ 2023.



    

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.