Oct 10, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Từ Dung - Từ Công Phụng
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 05:09:27 AM, Mar 28, 2024 * Số lần xem: 175

 

            

 
Từ Dung - Từ Công Phụng

 Từ Dung là con gái út của nhà văn Nguyễn Tường Long Hoàng Đạo, và là em gái cô Lan Phương dạy Gia Long. Trong số "thập tứ nữ anh hào" của CVA 5461, chỉ phần nhỏ chuyển sang Trưng Vương, còn phần lớn sang Gia Long, có thể có người biết tới cô giáo sư mà học trò mê như điếu đổ này!

Từ Dung sinh năm 1945, tốt nghiệp Cử nhân văn chương năm 1969. Trong thời gian học Đại học Văn Khoa, cô gặp Từ Công Phụng, yêu và cưới anh! Cô cưới anh theo đúng nghĩa là có sính lễ và rước rể về nhà vợ theo đúng truyền thống mẫu hệ của người Chàm. Từ Dung học hát từ Châu Hà, vợ nhạc sĩ Văn Phụng. Hồi đó trong các bảng quảng cáo tên Từ Dung và Từ Công Phụng lúc nào cũng đứng cùng nhau: Từ Dung_Từ Công Phụng, hệt như cặp Lê Uyên_Phương cũng đang nổi, cùng thời!

Từ Dung và Từ Công Phụng hát với nhau từ sớm những sáng tác của Từ Công Phụng, đã thu một Cuốn băng (Tơ Vàng 3) vào năm 1971.

"Người trong nghề" nhận xét về Từ Dung thế này: Ca sĩ tài tử Từ Dung là "cố nhân" của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Cô là một giai nhân sắc nước hương trời, một thời là Á Hậu trong một cuộc thi Hoa Hậu ở Sài Gòn vào thập niên 60.

Từ Dung trắng trẻo, mảnh mai, khuôn mặt rạng rỡ và thông minh, dáng dấp cao sang và thanh thoát. Cô thường mặc váy maxi hoa màu sặc sỡ, trên mặc áo sơ mi trắng nên có sức thu hút cực kỳ vũ bão.

Từ Dung có giọng hát từa tựa như giọng Châu Hà, tuy cô ngân và dàn trải làn hơi không được điêu luyện bằng Châu Hà. Lý do: Từ Dung được Châu Hà truyền nghề và luyện giọng". (Nhạc Vàng). "Năm sau, 1964, cô đậu Tú tài I, xong đậu Tú tài II năm 1965. Lên đại học cô vô học ở Văn Khoa và gặp Từ Công Phụng trong thời gian này. Cô tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa năm 1969 và thành hôn với nhạc sĩ Từ Công Phụng cùng năm đó. Về sinh hoạt âm nhạc thì Từ Dung bắt đầu lên sân khấu hát cặp với Từ Công Phụng từ năm 1967. Nam Lộc có nghi nhận cô và Từ Công Phụng thường sinh hoạt ở Quán Văn trong khuôn viên Văn Khoa từ 1968, cùng thời với Khánh Ly và Trịnh Công Sơn [4]. Sau khi Quán Văn đóng cửa cả đám kéo về Quán Gió của Nam Lộc trên đường Võ Tánh [4].

Năm 1971 Từ Dung bắt đầu xuất hiện trên TV, và có mặt trong cuộn băng Tơ Vàng 3. Cô song ca với Từ Công Phụng hai bài: Vùng Trời Kỷ Niệm, Mùa Thu Mây Ngàn, và đơn ca ba bài: Đêm Không Cùng, Lời Cuối và Đêm Độc Thoại. (Nguyễn Sĩ Hạnh) Không rõ sau 30.4.1975 thì hai người sống ra sao. Theo lời ông Đinh Quang Anh Thái [6] thì tới năm 1976 Từ Dung và Từ Công Phụng vẫn còn là vợ chồng. Trên một diễn đàn, có người kể lại là sau tháng 4/1975 “Từ Công Phụng có mở 1 quán cafe ở Trần Quang Khải là Cafe Từ Dung, với cái đàn piano trắng. Quán thu hút nhiều khắch mê nhạc thính phòng và khi nào cảm thấy “an toàn” thì được chủ nhân hát và chơi piano” [7]. (Nguyễn Sĩ Hạnh)

Cái quán cà phê này tôi có qua mấy lần, ngó qua nhưng không vào, thật tiếc! Sau giai đoạn này 2 người chia tay! Năm 1980, Từ Công Phụng vượt biên qua Mỹ cùng gia đình (mới). Sau khi hai người chia tay,Từ Công Phụng tỏ ra chán ghét Từ Dung một cách kì lạ. "Cũng lâu quá còn gì. Chúng tôi chia tay vì một lỗi rất nặng của cô ấy, mà tôi bây giờ không muốn nhắc đến chuyện đó nữa…" Sau khi Từ Công Phụng và Từ Dung chia tay, bài Vùng Trời Kỷ Niệm đã không còn được ai hát gần 40 năm rồi.

Ngay cả những album mà Từ Công Phụng phát hành sau này, ông cũng không hát lại bài hát đã từng hát chung với Từ Dung trong băng Tơ Vàng 3. (DĐ Hạt Nắng/Ann Tran)

Về phần Từ Dung: "Người mướn phần nửa trước tầng trệt là cô Từ Dung, hay ít ra là theo lời bà chủ nhà và mấy cô con gái. Tôi đoán quãng này là lúc nhạc sĩ Từ Công Phụng đã vượt biên rồi. Tôi không có thì giờ để ý tới những “người hàng xóm” của mình sống ra sao. Ban ngày vật lộn với cơm áo, buôn bán ngoài chợ Tân Định cứ phải canh chừng công an dẹp chợ, tối về phòng trọ ngủ thì phập phồng không dám ngủ say, để lỡ công an xét nhà thì còn nghe tiếng gõ cửa của mấy cô con gái bà chủ nhà báo động mà dọt lên trần nhà cho lẹ. Đại khái chuyện mình mình lo, cứ vậy mà cứ ngày qua ngày. Buổi tối khi đạp xe đạp cọc cạch từ một quán cà phê nào đó về nhà trọ, mở cổng vô tôi thường thấy cô Từ Dung ngồi một mình trước thềm nhà, im lặng trong bóng tối, khỏa thân. Mấy cô con gái của bà chủ nhà nói là cô không được bình thường cho lắm. Khi biết cô là Từ Dung đôi khi tôi cũng muốn hỏi thăm nhưng nghe nói vậy và nhứt là lần nào cô cũng ăn mặc kiểu bà Eva, thành ra tôi chỉ lẳng lặng nhìn thẳng và đi thẳng ra nhà sau.(Nguyễn Sĩ Hạnh: Nhớ Từ Dung và Những đêm độc thoại).

Tôi cũng như ông Hạnh:
"... thấy thương cô Từ Dung. Không biết cô nghĩ gì những khi khỏa thân ngồi một mình im lặng trong bóng đêm trước thềm nhà trọ. Về người cha cô không nhớ mặt… về những tháng ngày đẹp đẽ ở Văn Khoa… về ánh đèn sân khấu muôn màu muôn sắc từ khi cô ra trường cho tới tháng 4/1975… hay là về những truân chuyên và dâu bể sau đó… và cô có hát thầm trong đầu:

Ôi! tiếng hát em đêm nào mọc cánh bay đi lạc vào vùng trời mưa lạnh giá. Ôi! những cánh tay đem buồn ghì lên vùng tuổi vắng rót sầu trên tiếng hát đi hoang

(Đêm Độc Thoại – Từ Công Phụng)"

Xin mượn lời của ông:
"Có bạn thắc mắc là tôi chắc vô công rỗi nghề nên kiếm chuyện viết về một cô ca sĩ cũ lúc còn phong độ đã không nổi tiếng cho lắm mà gia tài âm nhạc để lại cho hậu thế không có gì, dù rằng là cô là hậu duệ của nhóm Tự Lực Văn Đoàn và có một thời là vợ của nhạc sĩ Từ Công Phụng. Tôi thích nhạc của Từ Công Phụng, thích nhất hai bài Trên Ngọn Tình Sầu và Mắt Lệ Cho Người. Thêm vào đó thì tôi luôn “mê” những cặp nhạc sĩ / ca sĩ – dù có romance hay không gì đi nữa (miễn là đừng giống như hai cha con!) – như Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, Lê Uyên và Phương, Từ Dung và Từ Công Phụng… Không có may mắn được coi Từ Dung và Từ Công Phụng hát live nhưng không hiểu tại sao hồi trước khi nhắc đến Từ Dung và Từ Công Phụng thì tôi thường liên tưởng tới hình ảnh ông đàn cho cô hát bài Bây Giờ Tháng Mấy . Có lúc tôi nghĩ là mình chắc đã từng coi hai người hát trên TV, hay là nghe qua băng nhạc. Nay kiểm lại thì chắc là không phải. Có thể chỉ vì bài Bây Giờ Tháng Mấy chăng."

Đây chỉ là chuyện phiếm, nhưng không phải là đem chuyện người ra để cợt đùa! Người Tây phương khi xa nhau rồi ít khi để hận cho nhau, đôi khi còn coi nhau và bạn, và đặc biệt có trường hợp như Liz Taylor làm đám cưới lại với Richard Burton. Từ Dung không xuất hiện trong dư luận, không phân trần, không tuyên bố! Nhưng một khi ông Từ Công Phụng hết lòng ngợi ca bà vợ mới, thì cũng nên tỏ ra đại lượng với người đã sống cùng mình gần mười năm trời. Có khó lắm không? Dầu gì thì cũng có lúc 2 người sẽ gặp lại nhau mà! vì như Từ Công Phụng nói, đời người ta rồi sẽ "như chiếc que diêm" thôi!

Lê Ngọc Phượng
Tháng 7/2012


Chuyện tình hợp tan của Từ Dung và Từ Công Phụng
Trên ngọn tình sầu

Cùng thời với Lê Uyên và Phương, một đôi song ca nổi tiếng khác cũng đã đi vào lòng người yêu nhạc những dấu ấn đặc biệt. Đó là: Từ Dung – Từ Công Phụng.

Từ Công Phụng sinh năm 1942 tại Ninh Thuận. Là một nhạc sĩ sáng tác khá nổi tiếng giai đoạn 1950 – 1975 tại miền Nam. Ông có thể hình to lớn, nhưng dáng dấp lại rất nghệ sĩ, ăn nói nhẹ nhàng, lịch sự, dễ gây thiện cảm với mọi người. Là người dân tộc Chăm, được chính quyền Sài Gòn ưu đãi theo chính sách đối với các dân tộc thiểu số. Vì thế, chưa tốt nghiệp tú tài, Từ Công Phụng đã được ưu tiên vào học trường đại học quốc gia Hành chánh. Tuy nhiên, chỉ học được hơn 1 năm thì ông bỏ học, đi làm biên tập viên cho một đài phát thanh. Không như nhiều bài báo trong và ngoài nước cho rằng Từ Công Phụng đã tốt nghiệp cử nhân Luật tại Sài Gòn.

Không qua một trường lớp âm nhạc nào cả, nhưng với năng khiếu bẩm sinh và một tâm hồn nhạy cảm, Từ Công Phụng đã tự học để trở thành một tên tuổi lớn trong lãnh vực sáng tác. Năm 1960, ông ra mắt ca khúc đầu tay Bây giờ tháng mấy khi vừa tròn 18 tuổi và ngay lập tức đã trở thành nổi tiếng. Có thời gian Từ Công Phụng sống tại Đà Lạt và đã cùng với Lê Uyên Phương, thành lập nhóm nhạc Ngàn Thông, biểu diễn hàng tuần trên đài phát thanh Đà Lạt. Và chính trên làn sóng của đài này Bây giờ tháng mấy đã được công chúng đón nhận một cách nồng nhiệt. Không dữ dội như Lê Uyên Phương, nhạc của Từ Công Phụng đầy chất trữ tình, êm ái với ca từ trau chuốt thật sang trọng. Ông còn có biệt tài phổ thơ vào các ca khúc rất thành công. Đặc biệt là thơ của nhà thơ Du Tử Lê. Tiêu biểu như những bài Trên Ngọn tình sầu, Ơn em…

Năm 1968, Từ Công Phụng gặp Từ Dung, một cô gái có làn da trắng, đẹp lộng lẫy, từng đoạt danh hiệu Á hậu trong một cuộc thi sắc đẹp tại miền Nam. Đôi trai tài gái sắc này sau đó đã nên duyên chồng vợ.

Sinh năm 1945, Từ Dung là con gái của nhà văn Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long) trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và là cháu ruột của hai nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Thạch Lam (Nguyễn Tường Lân). Năm 1965, Từ Dung tốt nghiệp Tú tài toàn phần và đến năm 1969 lấy bằng cử nhân văn chương. Vốn con nhà danh gia vọng tộc lại được học hành đến nơi đến chốn, nhưng Từ Dung rất say mê ca hát và cũng được trời ban cho một chất giọng khá hay. Lúc bấy giờ, Từ Dung đang theo học thanh nhạc với ca sĩ Châu Hà, vợ của nhạc sĩ Văn Phụng. Chính môi trường này đã đưa đẩy Từ Dung gặp gỡ rồi quen biết với Từ Công Phụng. Tài và sắc đã trói buộc họ vào với nhau, để thành vợ chồng cho cuộc đời có thêm một đôi song ca ăn khách. Lần đầu họ xuất hiện bên nhau trên sân khấu quán Văn ở đại học Văn Khoa với ca khúc Bây giờ tháng mấy.

Vào thời điểm này, có 3 cặp đôi nổi đình nổi đám là thần tượng của thanh niên, sinh viên, học sinh: Khánh Ly – Trịnh Công Sơn, Lê Uyên – Phương, Từ Dung - Từ Công Phụng. Mỗi cặp một tính chất riêng, nhưng đều giống nhau ở chỗ giọng nam kiêm luôn sáng tác. Trong 3 cặp này, thì Từ Dung - Từ Công Phụng ít nổi tiếng hơn, nhưng cũng là một hiện tượng trong đời sống âm nhạc dạo đó.

Sống với nhau có một con gái thì Từ Dung - Từ Công Phụng chia tay, một cuộc chia tay khá buồn! Chẳng ai biết được nguyên nhân dẫn đến sự đổ vỡ này. Nhưng theo một người quen thân của cặp đôi này, thì vào một chiều 30 tết, ông ta tình cờ gặp Từ Công Phụng trên đường và họ đã rủ nhau đi bộ về nhà. Dọc đường, Từ Công Phụng đã tâm sự hết nỗi niềm của mình với những lời trách móc Từ Dung.
 Nhưng đó cũng chỉ là những lời từ phía của Từ Công Phụng, còn Từ Dung thì chẳng nghe nói một lời nào.

Năm 1980, Từ Công Phụng sang Hoa Kỳ, định cư tại Portland, tiểu bang Oregan và lập gia đình mới với một người phụ nữ tên là Kim Ái. Thời gian này, Từ Dung còn ở lại Việt Nam, bà mướn một căn phòng trong cư xá Ngân Hàng, quận 3, và có biểu hiện tâm thần. Bà ít khi mở miệng nói với ai một lời nào. Đêm đêm, thường khỏa thân ngồi lặng lẽ trong bóng tối trước hiên thềm như một pho tượng. Một thời gian sau, Từ Dung qua cơn trầm cảm và cũng sang định cư tại Hoa Kỳ và sinh sống tại tiểu bang Hawaii. Từ Dung cũng đã lập gia đình khác với một người đàn ông Mỹ.

Ở Hoa Kỳ, Từ Công Phụng vẫn tiếp tục cuộc đời sáng tác và ca hát, ông đã nhiều lần về thăm quê nhà và ít nhất đã có 2 lần biểu diễn tại một phòng trà nổi tiếng ở Sài Gòn, cuối năm 2012 ông đã có đêm nhạc riêng tại Nhà hát TP. Còn Từ Dung thì im hơi lặng tiếng luôn, chẳng còn nghe ai nhắc đến tên của bà nữa. Ngay cả Từ Công Phụng trong các bài phỏng vấn ông cũng chỉ nói đến Kim Ái và các con sau này. Cứ như Từ Dung chưa bao giờ xuất hiện trong sự nghiệp và cuộc đời của ông. Mọi chuyện dường như đã chìm hẳn vào quên lãng. Âu đó cũng là nỗi đau “hồng nhan bạc phận” của Từ Dung.

Đoàn Thạch Hãn

BỔ TÚC VỀ TỪ CÔNG PHỤNG & LÊ UYÊN PHƯƠNG
(Qua sự quen biết cá nhân của Vương Đằng với Từ Công Phụng & Lê Uyên Phương và qua bài viết về TCP của Nguyễn Sĩ Hạnh và Lê Ngọc Phượng 07/2012)

Vương Đằng nhỏ hơn Lê Uyên Phương 3 tuổi và cũng nhỏ hơn Từ Công Phụng non 2 tuổi. Vương Đằng cũng mê nhạc, sáng tác nhạc và có lập ban nhạc; nhưng không dám hy sinh đời mình cho âm nhạc mà lo học hành, dạy học và cùng các bạn lập Đoàn Thanh Niên Công Tác Xã Hội (ĐTNCTXH) đầu năm 1964.

Khoảng hè 1965, dưới danh nghĩa của ĐTNCTXH, Vương Đằng tổ chức một buổi trình diễn nhạc miễn phí gồm dăm ca sĩ có tiếng và Ban Văn Nghệ Nguồn Sống do Nghiêm Phú Phát làm trưởng ban) ở giảng đường lớn trong khuôn viên Trường Đại Học Dược Khoa. VĐ mướn dương cầm và mời nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát đệm. VĐ có mời TCP và Thanh Lan trình diễn vì lúc đó TCP chưa có gặp Từ Dung và thường đi trình diễn song ca với Thanh Lan thường gọi đôi song ca Thanh Lan - Từ Công Phụng.
Đầu năm 1966, Vương Đằng có lập "quán nhỏ Vương Đằng" ở cửa sau Lăng Ông Bà Chiểu và bắt đầu quen thân hơn với TCP khi anh đến gởi tập nhạc "Vùng Tuổi Mây - Tình khúc Từ Công Phụng" (mà bây giờ VĐ còn giữ bản có chữ ký tặng của TCP). Khoảng năm 1972 hay 1973, vợ chồng TCP có mua nhà ở gần nhà bên vợ của VĐ (hẻm 2) ở dưới dốc Cầu Bông, được coi là hẻm 2B (nhỏ xíu!), trong khi hẻm có Thầy Ba Cầu Bông là hẻm 1. Và thỉnh thoảng VĐ đến nhà TCP chơi và gặp Từ Dung. 
Theo quen biết và nhận định, VĐ đồng ý với tác giả Đoàn Thạch Hãn (ở bài bên dưới) mà tin chắc rằng TCP không có đậu bằng cử nhân luật như báo chí hay trên mạng nói.

Chuyện bất hòa hay đổ vỡ của cặp vợ chồng song ca TCP chắc chắn xảy ra sau 30/04/75 bởi vì chính VĐ gặp TCP vào buổi sáng 29/04/75 ở khuôn viên phía sau thuộc Tòa đại sứ Hoa Kỳ và anh nhăn nhó nói đại ý như sau: Vợ con tao còn bị kẹt ở nhà. Chắc tao phải về!... Và TCP đã bỏ Tòa đại sứ Hoa Kỳ để về gặp vợ con trong thời gian VĐ lên máy bay trực thăng ra hàng không mẫu hạm Hancock... Khoảng thời gian 1999-2000, ở Sài Gòn Nhỏ (Little Saigon) bên California, có một hội cao niên nằm trên đường Bolsa mà người hội trưởng lại có tên là Từ Dung. VĐ có đến hỏi hai lần, nhưng không gặp chính Từ Dung mà chỉ gặp nhân viên thì họ đều trả lời Từ Dung nầy không phải là vợ cũ của TCP. VĐ rất thắc mắc bởi vì cái tên hay tên hiệu Từ Dung RẤT HIẾM CÓ. Cho đến bây giờ VĐ vẫn chưa biết thực hư như thế nào. VĐ hy vọng Từ Dung hay quý độc giả giải đáp thắc mắc giùm VĐ. Xin cám ơn trước!

Về cặp vợ chồng song ca Lê Uyên Phương, VĐ quen thân hơn từ ở Sài Gòn, Chợ Lớn (nhà của họ ở hẻm gần kế tửu lầu Á Đông và đã có cháu Uyên Uyên) và ở California và có nhiều kỷ niệm và các tập nhạc được ký tặng (ngay cả tập "Vũng Lầy Của Chúng Ta" được ký tặng năm 1973!). VĐ có gặp vợ chồng LUP khi họ ra mắt tập "Tình Như Mây Cõi Lạ" ở nhà hàng Seafood Paracel (khu Sài Gòn Nhỏ). Khi VĐ được tin nhạc sĩ LUP mất khoảng 10:30 tối, VĐ thao thức gần suốt đêm và đặt được bài thơ "Khóc Thương Anh Phương". Bài thơ được vẽ và in, bỏ vào khung kính và đem đến nhà quàn. Sau đám tang, VĐ có đến viếng Lê Uyên ở tư gia và ngạc nhiên thấy bài thơ và khung của VĐ được để trên bàn thờ của Lê Uyên Phương (VĐ chỉ sống ở khu Sài Gòn Nhỏ có 5 năm từ 1999-2004 để lo việc xuất bản sách của mình!).

Có một điểm VĐ cần thấy phải thông báo sự sơ sót của tác giả bài viết (Đoàn Thạch Hãn) về tuổi "thọ" (theo phong tục Việt Nam chết trước 60 tuổi thì không được cho là "thọ"!) của Lê Uyên Phương: Năm 1999,

Phương qua đời ở tuổi 51, thế là cũng đã quá "thọ". Tính theo toán trừ: Chết năm 1999 mà sinh năm 1941 thì tuổi sống được là 58 (theo tuổi tây) hay 59 (theo tuổi ta) chứ không phải 51. (VĐ nhớ chắc LUP chết đầu tháng 6 trong khoảng ngày 5-8 tháng 6, 1999 dương lịch).


  🌺 💛 🌺

Source http://ngotinhyen.com/

 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.