Nov 08, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Phát hiện mới về “nghi án văn chương” “Hai sắc hoa ti-gôn
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 08:49:50 PM, Feb 18, 2024 * Số lần xem: 198
Hình ảnh
#1
*

                   

  Phát hiện mới về
   “nghi án văn chương” “Hai sắc hoa ti-gôn”

 
Thứ Ba, 13/02/2024, 09:41

Vừa qua, đại diện gia đình nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm đã vui mừng thông báo tìm thấy bản in lần đầu tiên của bài thơ "Tống biệt hành" và "Hai sắc hoa ti-gôn" trên Tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy. Gần 90 năm kể từ khi bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn" ra đời, đến nay đây vẫn là một "nghi án văn chương" đặc biệt được độc giả và giới nghiên cứu phê bình quan tâm, nhưng vẫn chưa xác thực được tác giả của "Hai sắc hoa ti-gôn" thực sự là ai...

Trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản năm 1942, Thâm Tâm (1917 - 1950) chỉ xuất hiện với duy nhất bài thơ "Tống biệt hành" và vài dòng giới thiệu ngắn ngủi. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, Thâm Tâm đi theo cách mạng và hy sinh khi mới ngoài 30 tuổi, nên di cảo văn chương ông để lại trong gia đình hầu như không có gì.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa - người con trai duy nhất của nhà thơ Thâm Tâm cho biết, sau 3 năm tìm kiếm sưu tập các tác phẩm của Thâm Tâm, gia đình đã sưu tầm được 52 bài thơ, 101 truyện ngắn, 33 vở kịch, 29 truyện vừa và tiểu thuyết. Ngoài ra, trong quá trình tìm kiếm, gia đình đã phát hiện nhà thơ Thâm Tâm còn là một họa sĩ rất chuyên nghiệp. Trong nhiều năm liền ông là người vẽ bìa, vẽ minh họa cho Tuần báo Bắc Hà với nhiều tranh vẽ giàu tính thẩm mĩ.


Bài thơ “Hai sắc hoa ti-gôn” xuất hiện đầu tiên trên Tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy, số 179 ra ngày 23/9/1937.

Mới đây, chị Nguyễn Mỹ Trang - cháu nội nhà thơ Thâm Tâm vui mừng thông báo, sau một thời gian dài nỗ lực tìm kiếm với sự giúp đỡ của nhiều người, gia đình đã tìm được bản in lần đầu tiên của 2 bài thơ "Tống biệt hành" và "Hai sắc hoa ti-gôn" trên Tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy. Ở bản in lần đầu tiên của bài thơ "Tống biệt hành" trên Tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy số 325, ra ngày 7/9/1940 so với các bản được lưu truyền trong các sách vở, tài liệu và trong cả sách giáo khoa phổ thông, đã có một số câu chữ được thay đổi và thiếu khổ cuối, không rõ nguyên do từ đâu. Nhưng với bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn" thì từ bản in đầu tiên cho tới các bản in được lưu hành sau này đều tương đối thống nhất, hầu như không có sự thay đổi.


Vậy là kể từ lần xuất hiện đầu tiên trên Tuần báo Tiểu thuyết thứ Bảy, số 179 ra ngày 23/9/1937 đến nay, đã gần 90 năm trôi qua, bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn" vẫn là một "nghi án văn chương" tốn nhiều giấy mực bậc nhất trên văn đàn. Trong "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản năm 1942, ở phần nói về T.T.Kh tuy không giới thiệu bài thơ "Hai sắc hoa ti-gôn" nhưng đã dành 2 trang để nói về "nghi án văn chương" này.

Hoài Thanh - Hoài Chân viết: "Hồi tháng 9/1937, Tiểu thuyết thứ Bảy đăng một truyện ngắn của ông Thanh Châu: "Hoa ti-gôn". Ít ngày sau, tại tòa báo nhận được một bài thơ nhan đề "Bài thơ thứ nhất", rồi lại nhận được một bài nữa "Hai sắc hoa ti-gôn". Hai bài đều ký tên T.T.Kh. Và đều một nét chữ run run. Từ đấy tòa soạn Tiểu thuyết thứ Bảy không nhận được bài nào nữa và cũng không biết T.T.Kh ở đâu. Nhưng sau khi hai bài thơ kia đăng rồi, xóm nhà văn bỗng xôn xao. Có đến mấy người nhất quyết T.T.Kh chính là người yêu của mình. Và người ta đã phê bình rất náo nhiệt. Có kẻ không ngần ngại cho hai bài thơ ấy là những áng thơ kiệt tác…".

Từ đó đến nay, đã có biết bao giai thoại, đồn đoán, nghi vấn... về T.T.Kh, có cả những cuốn sách, công trình nghiên cứu về "nghi án văn chương" này như cuốn "Huyền thoại hoa Ti-gôn" của Ngọc Thiên Hoa (NXB Hội Nhà văn) dày đến gần 500 trang, những bài viết nghiên cứu trước đây của Nguyễn Vỹ, Thiên Tướng hay những bài viết ôn lại kỷ niệm của Tô Hoài, Vũ Bằng… nhưng đều không xác thực rõ được danh tính.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa - con trai nhà thơ Thâm Tâm phân trần: Trong bài "Bài thơ thứ nhất" ký tên T.T.Kh có mấy câu được nhiều người yêu thích: "Trở lại vườn Thanh có một mình/ Tôi yêu gió rụng lúc tàn canh/ Yêu trăng lặng lẽ rơi trên áo/ Yêu bóng chim xa nắng lướt mành…", nên có nhiều người phỏng đoán vườn Thanh là Thanh Hóa, mà mẹ tôi cũng có thời gian ở Thanh Hóa. Nhưng thực ra mẹ tôi chỉ ở Thanh Hóa trong thời gian đi tản cư từ năm 1948 đến 1951 và mẹ tôi cũng không biết làm thơ. Tôi có may mắn được trò chuyện với bác Thanh Châu và bác Ngọc Giao là thư ký tòa soạn tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, nhưng cũng chẳng "moi" được gì từ các bác ấy cả, trừ câu bác Thanh Châu vuột miệng nói khi đang bực bội về chuyện bà Vân Chung: "Làm gì có cô Khánh nào. Bố anh và các ông bạn giỏi bịa lắm!".


Tranh của họa sĩ Tuấn Trình (nhà thơ Thâm Tâm) trên trang bìa số Tết năm 1938 của Tuần báo Bắc Hà, số ra ngày 29/1/1938.

Liên quan đến sáng tác của nhà văn Thanh Châu, đến nay gia đình cố nhà thơ Thâm Tâm cũng đã sưu tầm được bài "Những cánh hoa tim" của Thanh Châu đăng tháng 9/1939 viết về sự ra đời của truyện "Hoa ti-gôn" và sự ra đời của bài "Hai sắc hoa ti-gôn, trong đó có đoạn: "Truyện có gì đâu? Nhưng tôi đã viết với tất cả cảm giác trong trẻo, chân thành, tươi tốt đã có trong buổi chiều thu ấy, sau buổi đi chơi trong làng Mọc. Có lẽ vì thế, mà cách đây ít hôm, một buổi trưa, có 2 người đàn bà đến thăm tôi trong lúc tôi đi vắng, và để lại trên bàn những cánh hoa trong truyện. Những người đó, tôi đoán, là đã lấy làm bằng lòng câu chuyện tình ảm đạm kia, mà những cánh hoa để lại không ngoài cái ý nghĩa thưởng công cho người đã viết. (Dẫu sao tôi cũng đã có lời cảm ơn hai người không trở lại ấy trên mặt báo này rồi). Nhưng điều làm tôi lấy làm sung sướng nhất là cùng dạo ấy, ở tòa soạn nhận được một bài thơ đầu của T.T.Kh kèm một bức thư xin chữ ký của tôi. Bức thư giảng rõ vì sao nảy ra thi hứng viết nên thơ. Và bài thơ tả cái tâm sự não nùng thầm kín của một người đàn bà đã có gia đình nhớ lại tình duyên cũ...".

Điều nhà văn Thanh Châu nói trong lúc "vuột miệng" ở trên xem ra là có căn cứ bởi vì trong cuốn hồi ký chân dung văn học "Những gương mặt" của Tô Hoài, trong phần kể về Trần Huyền Trân với nghi án văn chương "Hai sắc hoa ti-gôn" có nhắc đến người "Trở lại vườn Thanh có một mình" có đoạn: "Có lần tôi gặng hỏi Thâm Tâm, nhưng con người bé nhỏ âm thầm mà gai gạnh ấy chỉ nói: "Vườn Thanh là Thanh Giám, chứ không phải xứ Thanh đâu!". Lại càng khó hiểu hơn. Trên gác Báo Bắc Hà, - Trần Huyền Trân thuê lại báo của ông Bùi Đức Dậu, làm được mấy số - phố Cao Đắc Minh trông sang Thanh Giám Văn Miếu. Bãi cỏ bậc thềm bậc đá, tường gạch vỡ, mái ngói rêu phong, những gốc đề, gốc muỗm cổ thụ và sự vắng lặng. Câu chuyện tình u ẩn mà nhiều báo nhiều thời bàn tán nào "Hai sắc hoa ti-gôn", nào T.T.Kh, nào Thâm Tâm và Khánh, là hai người ấy hay là ai. Những éo le mơ hồ, các anh Thanh Châu, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính - những đồng tác giả câu chuyện tình huyền thoại ấy hôm nay cũng còn có bạn có thể kể lại rành rõ được (hay là người ta cứ muốn để mờ ảo mãi như thế), tôi không quan tâm, mà chỉ muốn mách các bạn: không phải chỉ Nguyễn Bính làm thơ về T.T.Kh, mà riêng nhà thơ Trần Huyền Trân có đến bốn bài thơ viết ở "vườn Thanh". Những bài "Thưa bà" - 1938 (Gửi một bà yêu thơ), "Tiếng đàn đôi ta" - 1938, "Có những mùa đông" - 1939 và "Trưa ấy qua rồi" - 1939, đều viết ở Thanh Giám…".

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ những tài liệu, sách báo mà ông Nguyễn Tuấn Khoa sưu tầm được đến nay gồm khoảng hơn 200 số Báo Tiểu thuyết thứ Bảy và các ấn phẩm sao chụp được từ Tuần báo Bắc Hà, nhà thơ - họa sĩ Thâm Tâm - Nguyễn Tuấn Trình còn có các bút danh khác là Thanh Giám, Trăm Năm, Trái Tim, T.G.Kh. Và đến nay gia đình đã tìm thấy bài thơ "Chút tình bỡ ngỡ" đăng trên Tân Việt văn đàn số 8 năm 1935 của ông ký là T.G.Kh được coi là bài thơ sớm nhất của Thâm Tâm xuất hiện trên báo, khi vừa tròn 18 tuổi! Đây đúng là một bất ngờ lớn với nhiều người, bởi lẽ cái tên T.G.Kh có gì đó rất gợi cho người ta nghĩ đến… "T.T.Kh"!

Lần lại lịch sử trước đó, ông Khoa tiết lộ ông cũng tìm được khá nhiều chi tiết liên quan như: trên Tuần báo Bắc Hà số 13 ra ngày 5/11/1936 có đăng bài "Đừng đan áo nữa" của Tuấn Trình  với tên nhân vật chính là Khánh. Sau đó 2 số, cũng trên Tuần báo Bắc Hà ra ngày 19/11/1936 có trang bìa là tranh vẽ một cô gái đứng bên vườn Quốc Tử Giám ký Tuấn Trình (Thanh Giám). Ngay sau đó ở số 17, bài thơ "Phấn bướm" ký tên Tuấn Trình có câu: "Vườn Giám chiều nay gió lộng về…". Và vườn Giám này có gì đó rất gần gũi với vườn Thanh trong "Bài thơ thứ nhất" đã nói ở trên.

Tuy nhiên, để khẳng định T.T.Kh có phải là Thâm Tâm - Thâm Tâm có phải là T.T.Kh hay không, có lẽ đến giờ này cũng không một ai dám xác thực. Bởi vì, những "người thơ" có mặt trong "nghi án văn chương" năm đó (theo lời của nhà văn Tô Hoài) và bao gồm cả "ông chủ" của Tiểu thuyết thứ Bảy là Vũ Đình Long - một "cao thủ" trong làng báo những năm đó - đều đã trở thành "người muôn năm cũ", đem theo bí mật ấy đến một miền xa lắc...
 
Nguyệt Hà
 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.