Apr 28, 2024

Tin tức

🌺 Nóng: Tin Buồn Cuối Năm! ....
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 04:37:39 PM, Dec 23, 2023 * Số lần xem: 175


        Tin Buồn Cuối Năm! Tin Bất Lợi Nhiều, Cho Công Cuộc Đấu Tranh,
                           Cho Một Việt Nam Dân Chủ Tự Do! - Lê Văn Hải

 

Tin Không Vui! Bản Tin Thật Đáng Chú Ý! Đáng Suy Gẫm! Bất Lợi Nhiều, Trong Công Tác Đấu Tranh Cho Một Việt Nam Dân Chủ Tự Do! Hôm Qua, CSVN Vui Mừng, Vừa Khoe Thành Tích: Năm Qua, Công Tác Chăm Sóc “Khúc Ruột Ngàn Dặm” Để Người Việt ở Hải Ngoại Hướng Về Xây Dựng Quê Hương, Có Nhiều "Chuyển Biến Tích Cực" Kết Quả Rất Đáng Khích Lệ! *Kết luận, mục thứ tự 12, thể hiện rõ "tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho Cộng đồng người Việt ở hải ngoại rất tốt đẹp!". Thế lực thù địch không còn chống đối nhiều, chưa kể một số, còn thuận theo chính sách chủ trương của Đảng (Đảng chẳng tử tế gì, ra vẻ chăm sóc ân cần, để móc hết túi tiền người Việt hải ngoại. Một năm đưa về trong nước, gần 20 tỉ đô la!)

*Tất cả 94 cơ quan đại diện ngoại giao Đảng ở hải ngoại, đều thực hiện tinh thần "chăm lo" và "trách nhiệm" ấy và đã đạt được nhiều kết quả mà bà Hằng nói là "tích cực", "thiết thực" và "ý nghĩa". Mà đồng bào hải ngoại rất hài lòng!
 
* Cũng theo lời bà Hằng, chú ý hoạt động nhất là, tại những địa bàn có đông người Việt sinh sống, công tác phát triển hội đoàn người Việt cũng được chú trọng triệt để! Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết hiện nay, có khoảng 1.000 hội đoàn người Việt (tuy có nhiều tên khác, nhưng thật ra, rất nhiều là hoạt động theo chỉ thị CSVN) sinh sống, học tập và làm việc trên 130 quốc gia và nhiều vùng lãnh thổ! Những hội đoàn này, theo ông Hiệu, trên hình thức, đã giúp tập hợp đồng bào hội nhập xã hội sở tại, gắn kết cộng đồng, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, khuyến khích du lịch về thăm nước, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
*Do đó, một trong các nhiệm vụ trong thời gian tới của các cơ quan đại diện Đảng, theo bà Lê Thị Thu Hằng, là phải chú trọng công tác chăm lo, đầu tư nguồn lực cho công tác hỗ trợ người Việt ở hải ngoại, "Củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của các hội đoàn, để những hội đoàn này thực sự là nguyên tử để quy tụ, hỗ trợ, phát triển cộng đồng ngày càng đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương!".

*Một nhiệm vụ đáng chú ý khác mà bà Hằng có nhắc đến, là "nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc, hòa hợp hòa giải, đối với người Việt ở hải ngoại; Kiên trì vận động những kiều bào, mà bà Hằng cho là còn định kiến, chống đối, để bà con yên tâm hướng về Tổ quốc và hành động phù hợp với "lợi ích quốc gia-dân tộc".
 
Sau Đây Là Nguyên Văn Bản Tin Ðài Á Châu Tự Do (RFA) Ngày 20 Tháng 12 Năm 2023
*
 
                                 (Hình RFA.)
-Trong khi dư âm vụ đại án tham nhũng "chuyến bay giải cứu" vẫn còn âm vang trong công chúng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao CSVN, bà Lê Thị Thu Hằng "khoe" rằng công tác về người Việt Nam ở hải ngoại ở hải ngoại đã có những "có chuyển biến rất tích cực".

Thứ trưởng Ngoại giao, bà Lê Thị Thu Hằng phát biểu như vậy với báo giới trong nước về kết quả hai năm khai triển thực hiện Kết luận số 12 của Bộ Chính trị ban hành hồi năm 2021 về công tác người Việt Nam ở hải ngoại trong tình hình mới.
 
Cụ thể, theo bà Hằng, Kết luận 12 thể hiện rõ "tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt ở hải ngoại". Tất cả 94 cơ quan đại diện ngoại giao ở hải ngoại đều thực hiện tinh thần "chăm lo" và "trách nhiệm" ấy và đã đạt được nhiều kết quả mà bà Hằng nói là "tích cực", "thiết thực" và "ý nghĩa".

Bà Thứ trưởng ngành ngoại giao cũng nêu lên một số kết quả nổi bậc đã đạt được trong hai năm thực hiện Kết luận này, bao gồm "chăm lo, hỗ trợ cộng đồng người Việt ở hải ngoại củng cố địa vị pháp lý; Kịp thời khai triển công tác bảo hộ công dân, thực sự trở thành "điểm tựa" cho bà con trong hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn".
 
Bỏ Qua Vụ Án "Chuyến Bay Giải Cứu"
 
Bình luận về công tác chăm lo cho người Việt ở hải ngoại của các cơ quan đại diện, ông Hoàng Hùng, một người Việt sinh sống ở Cộng hòa Czech, cho biết:

"Người Việt ở hải ngoại khi muốn liên lạc với các cơ quan đại diện Việt Nam ở hải ngoại thì rất khó khăn. Nếu không tin các bạn có thể gọi điện liên lạc với các cơ quan đại diện người Việt Nam ở hải ngoại nhiều khi là không được. Thế nên, nhiều khi người Việt Nam cần sự giúp đỡ và bảo hộ của cơ quan đại diện tại hải ngoại là không được".
 
Nhà văn Võ Thị Hảo, từ nước Đức, nhận định với RFA rằng bài phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng không đề đả động gì đến vụ án rúng động ngành ngoại giao "chuyến bay giải cứu" khiến hàng loạt viên chức đầu ngành ngoại giao phải hầu tòa và chịu án tù:

"Khi mà đồng bào đang khốn khổ nhất, đang phải đấu tranh giữa cái sống và cái chết, người ta muốn về với người thân hoặc là có những người muốn tránh đại dịch COVID ở Âu Châu hay ở Mỹ thì phải tìm đến những chuyến bay gọi là "giải cứu".
 
Họ đều là những nạn nhân bị hút máu qua các "chuyến bay giải cứu" trong hoàn cảnh khốn khổ nhất, thì mới có thể thấy rằng là cái mục đích và sự chịu trách nhiệm về "chăm sóc" cho quyền lợi thực sự của đồng bào Việt Nam ở hải ngoại tệ đến mức nào.

Trong đó, ông Bộ trưởng Ngoại giao là người có trách nhiệm cao nhất vẫn an nhiên tại vị".

Trong phiên tòa xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" vào cuối tháng 7/2023, bốn viên chức đã nhận án chung thân, 45 viên chức khác và doanh nhân đã chịu án tù từ 16 tháng đến 20 năm.
 
Gần 200.000 công dân Việt Nam từ 62 quốc gia khác nhau được cho là đã trở về thông qua khoảng 1.000 chuyến bay do Chính phủ Việt Nam tổ chức trong giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch vào năm 2020-2021.

Hội Đoàn Người Việt ở Hải Ngoại

Cũng theo lời bà Hằng, tại những địa bàn có đông người Việt sinh sống, công tác phát triển hội đoàn người Việt cũng được chú trọng.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết hiện nay, có khoảng 1.000 hội đoàn người Việt sinh sống, học tập và làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Những hội đoàn này, theo ông Hiệu, đã giúp tập hợp đồng bào hội nhập xã hội sở tại, gắn kết cộng đồng, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Do đó, một trong các nhiệm vụ trong thời gian tới của các cơ quan đại diện, theo bà Lê Thị Thu Hằng, là phải chú trọng công tác chăm lo, đầu tư nguồn lực cho công tác hỗ trợ người Việt ở hải ngoại, "Củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của các hội đoàn để những hội đoàn này thực sự là nguyên tử để quy tụ, hỗ trợ, phát triển cộng đồng ngày càng đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương".

Ông Hoàng Hùng cho biết, ở Cộng hòa Czech hiện nay có khoảng 70.000 người Việt sinh sống. Các hội đoàn thân với Tòa Ðại sứ Cộng sản Việt Nam có nhiều hoạt động và thu hút được rất nhiều người tham gia. Tuy nhiên, theo ông Hùng, những hoạt động đó chỉ mang tính hào nhoáng bề ngoài chứ không giúp được những vấn đề thiết thực cho bà con:
 
"Các hội đoàn đó tại Cộng hòa Czech có nhiều thành viên và các hoạt động của họ là trải rộng ra nhiều lĩnh vực và họ là một hội đoàn mạnh nhất ở Cộng hòa Czech. Thế nhưng mà bảo rằng là hỗ trợ cho người Việt ở Cộng hòa Czech hay không thì các hội đoàn này không có hỗ trợ được gì nhiều.

Ví dụ như vấn đề lạm thu hay là vụ "chuyến bay giải cứu" là các hội đoàn này trong suốt thời gian đó họ không hề lên tiếng bảo vệ cho người Việt.
 
Họ đã trực tiếp tiếp xúc với người dân và những tiếng than vãn là có đến tai của họ nhưng họ làm ngơ không quan tâm đến vấn đề đó thì những vấn đề khác, ví dụ như phát quà cho các cháu, tổ chức lễ hội Trung thu… thì nói thật nó chỉ mang tính chất hào nhoáng chứ không thiết thực".
 
Vận Động Người Còn Định Kiến
 
Một nhiệm vụ đáng chú ý khác mà bà Hằng có nhắc đến là "nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt ở hải ngoại; Kiên trì vận động những kiều bào mà bà Hằng cho là còn định kiến để bà con yên tâm hướng về Tổ quốc và hành động phù hợp với "lợi ích quốc gia-dân tộc".

Ông Hoàng Hùng bày tỏ rằng ông hoàn toàn ủng hộ các chủ trương như vậy. Vì vậy, các cơ quan đại diện nên chấn chỉnh từ những việc nhỏ, ví dụ như xóa bỏ định kiến của người Việt mỗi khi đến Tòa Ðại sứ làm giấy tờ:

"Cái chủ trương này nếu làm được thì tốt quá! Thế nhưng mà liệu có làm được hay không.
 
Bây giờ, ví dụ như vấn đề về định kiến của người Việt khi lên công tác Lãnh sự làm việc với cơ quan Lãnh sự là trong hơn 20 năm nay rồi.

Người Việt Nam khi lên Tòa Lãnh sự lẽ ra đó phải là một ngôi nhà chung của người Việt, nhưng mỗi lần lên đó người Việt cảm giác như là một lần "đi đánh trận" và các vấn đề lạm thu, hạch sách vẫn còn rất nhiều".

Nhà văn Võ Thị Hảo cho rằng bà Hằng đang làm thay nhiệm vụ của công an:

"Bà ấy tuyên bố như vậy là sơ hở. Bà ấy đang làm nhiệm vụ của công an chứ không phải là nhiệm vụ của ngành ngoại giao.
 
Nhiệm vụ của ngành ngoại giao là bảo vệ quyền lợi của công dân Việt Nam ở hải ngoại, làm sao để cho những công dân Việt Nam ở hải ngoại có được một cuộc sống tốt hơn, hòa nhập tốt hơn chứ không phải để phá bỏ những định kiến.

Đừng có làm nhiệm vụ của ngành công an ở trong Bộ Ngoại giao".
 
 
CSVN, mỗi năm, thu Kiều Hối gần $19 tỷ, rồi sao nữa?
(Hiếu Chân)
 
 
-Lượng kiều hối mà người Việt ở nước ngoài gửi về còn lớn hơn cả tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà Việt Nam thu hút được trong hơn bốn mươi năm qua. (Ảnh minh họa Ngọc Phượng / Tuổi Trẻ)

“Mỗi năm hoa đào nở…” lại thấy nhà cầm quyền đổ đô la ra đếm, xem trong năm qua người Việt Nam định cư, sinh sống và làm ăn ở ngoại quốc gửi về cho thân nhân ở trong nước được bao nhiêu tiền, gọi là “kiều hối”, rồi hí hửng khoe khoang như trẻ con khoe tiền được lì-xì ngày tết và tìm cách khai thác tối đa nguồn tiền “từ trên trời rơi xuống”.
 
Ngay từ đầu tháng Giêng 2023, trang báo mạng của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) lấy dữ kiện từ Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) đã dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2022 tăng 4.4% so với năm 2021. Vài hôm gần đây các phương tiện truyền thông trong nước đồng loạt đưa ra con số cụ thể: Kiều hối đổ về Việt Nam năm 2022 lên đến gần $19 tỷ, tăng hơn $1 tỷ so với năm 2021, cũng theo nguồn của WB và KNOMAD.

Kiều hối – cột trụ nâng đỡ nền kinh tế

Lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được như vừa nói là nhiều thứ ba trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Philippines, và xếp thứ tám trong số 10 quốc gia nhận được nhiều tiền kiều hối nhất thế giới.
 
Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) làm một so sánh nhỏ cho thấy lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được trong năm 2022 nhiều hơn 24% so với tổng số tiền thu được từ xuất cảng thủy hải sản ($11 tỷ) và gạo ($3.49 tỷ). Chỗ khác nhau là để xuất cảng được $14.49 tỷ tôm cá và gạo thì cần rất nhiều vốn đầu tư và công sức của hàng triệu nông dân, ngư dân cả nước, trong khi $18 tỷ kiều hối thì như món tiền “từ trên trời rơi xuống”, vốn đầu tư và mồ hôi nước mắt đều đổ ra ở bên ngoài nước Việt Nam; chính quyền và người dân trong nước không tốn kém gì cả.

Không làm mà có được, kiều hối trở thành một nguồn lực tài chính hết sức quan trọng giúp Việt Nam tăng dự trữ ngoại tệ, ổn định cán cân thanh toán, kiềm chế tỷ giá giữa đồng bạc Việt Nam và đô la Mỹ, thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư của người dân. Có thể nói không sợ quá lời rằng kiều hối là một cột trụ chính giữ cho nền kinh tế Việt Nam không bị sụp đổ và góp phần tạo ra cảnh phồn vinh ở nhiều đô thị hiện nay.
 
Báo đảng CSVN tổng kết trong 30 năm, từ năm 1993 đến nay, lượng kiều hối đổ về Việt Nam đạt hơn $200 tỷ, trong khi tổng số vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) từ năm 1986 đến nay chỉ đạt $190 tỷ. Nếu để ý phần lớn sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, người Việt chỉ làm thuê trong các nhà máy của tư bản ngoại quốc, tiền lời rơi vào tài khoản của các nhà đầu tư còn người lao động chỉ được nhận đồng lương chết đói thì sẽ nhận ra nguồn kiều hối có ý nghĩa to lớn như thế nào.

Chỉ tính riêng tại Sài Gòn, trung tâm kinh tế lớn nhất nước, thông tin chính thức cho thấy lượng kiều hối năm 2022 là $6.603 tỷ, không tính dòng tiền chuyển về bên ngoài các kênh của nhà nước; nếu tính đủ thì số kiều hối thật sự mà Sài Gòn nhận được phải trên $9.5 tỷ. Dù con số chính thức có thấp hơn dữ kiện của WB, nhưng “Kiều hối chuyển về chiếm khoảng 48% tổng thu ngân sách nội địa và chiếm khoảng 33% tổng thu ngân sách của thành phố. Đây là nguồn lực không nhỏ và ý nghĩa đối với quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế thành phố trong năm 2022 – năm phục hồi sau đại dịch Covid-19”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, nhận định với truyền thông trong nước.
 
Cần dân chủ hóa đất nước
 
 
 
Phần lớn số kiều hối chuyển về có nguồn gốc từ các cộng đồng người Việt định cư lớn nhất ở Mỹ, châu Âu, Canada và Úc; phần đóng góp của người Việt làm việc ở nước ngoài chỉ là một phần nhỏ. Riêng tại Mỹ, theo phân tích vào đầu năm ngoái của báo VnExpress, có khoảng 1.4 triệu người Việt Nam định cư, năm 2021 đã gửi về $7.7 tỷ.

Tuy người Việt định cư ở nước ngoài gián tiếp đóng góp lớn cho kinh tế trong nước bằng việc gửi về nước những đồng tiền mồ hôi nước mắt của họ song đến nay, đảng và chính phủ Việt Nam vẫn chưa có một chính sách hòa giải với các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là ở các nước dân chủ tự do như Mỹ, Anh, Úc, Canada.
 
Mỗi khi tết đến xuân về, nhà cầm quyền lại cố làm ra vẻ thân thiện, tổ chức gặp gỡ “kiều bào” – dĩ nhiên chỉ là một số kiều bào được chọn lọc phù hợp với quan điểm của đảng CSVN – và đọc những bài diễn văn hoa mỹ, gọi kiều bào là “khúc ruột ngàn dặm”, gọi đồng tiền kiều hối là “tình cảm, sự sẻ chia đong đầy của bà con ta với Tổ quốc và với bà con nơi quê nhà” v.v… Nhưng đó chỉ là những lời lừa mị đầu môi chót lưỡi; trong chốn riêng tư và trong guồng máy tuyên truyền, người Việt ở các nước dân chủ vẫn bị dè chừng, bị chụp mũ là “bọn phản động lưu vong”, âm mưu chống phá chế độ cộng sản. Nhiều người Việt ở Mỹ, Úc – hai nước gửi về nhiều kiều hối nhất – vẫn bị cấm nhập cảnh Việt Nam một cách vô cớ, nhiều người bất ngờ bị bắt giam khi về nước thăm viếng cha già mẹ yếu.

Đồng tiền kiều hối là quan trọng, là quý nhưng không quý bằng tâm huyết, tài năng và “chất xám” của hàng triệu người Việt xa quê, được đào tạo và làm việc trong những ngành công nghệ tân tiến của thời đại. Đà tiến lên của đất nước, của dân tộc chắc chắn sẽ được chắp cánh nếu khai thác được nguồn vốn quý nhất là trí tuệ của người Việt xa xứ, chứ không chỉ những đồng đô la của họ. Mà để thu hút người Việt Nam ở khắp nơi, điều kiện đầu tiên phải là đất nước được dân chủ tự do chứ không phải là tài sản riêng, thu về nuôi đảng CSVN như hiện nay.
 
Có điều, chỉ vì quyền lợi ích kỷ của đảng CSVN cầm quyền, mà chính quyền Việt Nam không bao giờ hòa giải được với cộng đồng người Việt yêu tự do ở nước ngoài và cũng không hòa giải được với những người yêu nước, yêu dân chủ ở quốc nội. Nhà cầm quyền Hà Nội có thể khoe khoang những đồng tiền kiều hối gửi về, năm sau nhiều hơn năm trước, nhưng sự thật là họ đang lãng phí một nguồn lực vô cùng lớn trong công cuộc phát triển đất nước. Vì thế VN càng ngày càng tụt hậu so với các quốc gia khác!

   Lê Văn Hải

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.