Văn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ 1: Từ Trương Chi đến Tiến quân ca


*

Nhạc sĩ Phạm Duy không ngần ngại nói "Văn Cao tài hoa hơn tôi nhiều". Âm nhạc ông là "những giai điệu thần tiên và những lời ca thần diệu". Còn họa sĩ Tạ Tỵ thì "Văn Cao là một nghệ sĩ trên nghệ sĩ. Một mình ôm mấy vùng ánh sáng".

 
 

Chàng trai trẻ Văn Cao ở chiến khu Việt Bắc, vài năm sau khi sáng tác Tiến quân ca - Ảnh: TRẦN VĂN LƯU

Viết Quốc ca khi mới 21 tuổi, Văn Cao cũng chịu nhiều lận đận với Nhân văn - Giai phẩm. Nhưng rồi Văn Cao qua 100 năm như ngọc quý mỗi ngày thêm lấp lánh. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Văn Cao, Tuổi Trẻ khởi đăng loạt bài về bậc nhạc sĩ tài hoa có số phận thăng trầm đặc biệt này.

Khi người nghe nhạc Việt đầu những năm 1940 đang say đắm với thế giới thần tiên mộng ảo của Thiên Thai, Suối mơ, Trương Chi, Bến xuân... thì đồng thời một Văn Cao hào hùng, mạnh mẽ cũng xuất hiện với Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Chiến sĩ Việt Nam, và đặc biệt là Tiến quân ca được chọn làm Quốc ca.

"Có những con đường anh Văn đã đi"

Lãng mạn vô cùng và cũng hùng dũng ít ai sánh bằng. Điều gì đã làm nên một Văn Cao đa dạng, rộng dài trong âm nhạc đến thế nếu không phải là một tài năng thiên bẩm xuất chúng.

Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15-11-1923, mất ngày 10-7-1995. Ông quê gốc ở huyện Vụ Bản, Nam Định nhưng lớn lên ở thành phố cảng Hải Phòng, nơi mà đầu thế kỷ 20 đã là cái nôi nuôi dưỡng nhiều anh tài văn nghệ như nhạc sĩ Lê Thương, Hoàng Quý, Tô Vũ, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, nhà thơ Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Đỗ Nhuận...

Thuở nhỏ, Văn Cao học ở Trường tiểu học Bonnal (nay là Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng), sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef. Gia đình sa sút nên ông nghỉ học sau khi hết năm thứ hai bậc thành chung. 

Tuy thế hai năm ngắn ngủi ở trường dòng đã giúp Văn Cao được tiếp xúc với âm nhạc và hội họa, làm nền tảng để tiếp tục tự học không ngừng.

Văn Cao gia nhập làng văn nghệ trước tiên bằng một vài truyện và kịch ngắn đăng trong Tiểu thuyết thứ bảy. Nhưng trước những tên tuổi văn chương sáng chói lúc bấy giờ như Nhất Linh, Thạch Lam, Thế Lữ, Vũ Bằng, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài và đặc biệt là Nam Cao, ông quyết định rẽ sang âm nhạc. 

Buồn tàn thu là bài hát đầu tiên ông ra mắt công chúng năm 1939 và được đón nhận rộng rãi, báo trước một tài năng vừa xuất hiện. Quả nhiên những ca khúc tiếp theo như Thiên Thai, Trương Chi, Suối mơ và Bến xuân ra đời đã "gây một ảnh hưởng lớn đến tinh thần thưởng ngoạn âm thanh của giới trí thức Hà Nội" (Tạ Tỵ).

"Nhạc Văn Cao đã vượt thoát qua cửa ải được trấn giữ lâu ngày bởi Lê Thương, Đặng Thế Phong, Đoàn Chuẩn, Hoàng Quý... Những nhạc phẩm của Văn Cao quá mới và hay, so với thời gian lúc đó nhất là lời ca... 

Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là mỗi sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ... 

Lời nhạc Văn Cao đặt như thơ, tứ nhạc phong phú, nét nhạc thanh thoát dìu người thưởng thức đi vào cõi mộng êm đềm, quấn quýt giữa sự giao duyên của thơ và nhạc", họa sĩ Tạ Tỵ, người cùng thời, từng gần gũi với Văn Cao, không tiếc lời ngợi ca thứ âm nhạc toàn bích từ giai điệu đến ca từ.

Văn Cao và Trịnh Công Sơn tháng 4-1995, vài tháng trước khi ông mất - Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Trong hồi ký Phạm Duy, người nhạc sĩ tài hoa này cũng dành nhiều trang ngợi ca hết lời âm nhạc Văn Cao. Trịnh Công Sơn thì gọi Văn Cao là "ông hoàng" bởi sự sang trọng trong âm nhạc, bởi chất thần tiên bay bổng, so với mình là "một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi" trên cánh đồng ca khúc.

Không dừng lại ở âm nhạc, năm 1942, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant (nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền), theo học dự thính Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Triển lãm duy nhất tại Salon Unique tổ chức tại nhà Khai Trí Tiến Đức, Hà Nội, năm 1944, những bức tranh của Văn Cao gây chú ý, được báo chí ngợi khen, đặc biệt tác phẩm Cuộc khiêu vũ những người tự tử (Le Bal aux suicidés).

Nhưng tất cả âm nhạc và hội họa ấy đều không níu chặt được Văn Cao. Chàng nghệ sĩ có vóc dáng bé nhỏ, tính tình trầm lắng ấy quyết định dấn thân thêm một con đường khác, con đường anh tin sẽ cùng góp phần mang lại độc lập cho dân tộc mình, tự do và cơm áo cho đồng bào mình, cho mẹ, cho các cháu, các em mình đang chết dần vì đói.

Tiến quân ca - một cuộc đời mới của Văn Cao

Văn Cao sang trọng như một ông hoàng trong âm nhạc theo nhận định của Trịnh Công Sơn - Ảnh: Trần Chính Nghĩa

Họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao, kể bố mình được ông Vũ Quý giác ngộ cách mạng cùng một số anh em nghệ sĩ khác như Nguyễn Đình Thi trong tổ chức thanh niên yêu nước của Hải Phòng. Họ được Vũ Quý phân công rải truyền đơn, diễn thuyết, hoạt động cách mạng.

Vũ Quý nhìn thấy tài năng âm nhạc của Văn Cao và hướng Văn Cao đến sáng tác các ca khúc cách mạng. Ông gợi ý thanh niên đang thiếu các bài ca khơi gợi lòng yêu nước. Văn Cao vốn từ bé đã rất ghét sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp. 

Hiểu ý Vũ Quý, ông sáng tác các ca khúc về những chiến công của cha ông để khơi gợi lòng yêu nước như các bài Gò Đống Đa, Thăng Long hành khúc ca, Tiếng rừng... Từ thứ âm nhạc thần tiên bay bổng, ông xen kẽ thêm những bài hành khúc dễ hát, dễ thuộc hơn.

Năm 1944, giữa cơn đói nghèo thê thảm đến tuyệt vọng của những ngày lang thang ở Hà Nội phải nhờ tới bạn bè họa sĩ nuôi cơm và giúp phương tiện vẽ tranh, trong khi mẹ già và các cháu ở quê cũng đang gắng cầm hơi, Văn Cao gặp lại Vũ Quý lúc này cũng đang hoạt động ở Hà Nội với vai trò quyền bí thư Hà Nội. 

Họ gặp nhau trước Ga Hàng Cỏ (Ga Hà Nội), cuộc gặp quyết định một cuộc đời mới của Văn Cao. Nhiệm vụ đầu tiên với vai trò là một nhà hoạt động cách mạng mà Văn Cao được giao là "Khóa quân chính kháng Nhật sắp mở, anh hãy soạn một bài hát cho quân đội cách mạng chúng ta".

"Tôi đang chờ nhận một khẩu súng và được tham gia đội vũ trang. Tôi đang chuẩn bị một hành động gì có thể là mạo hiểm hy sinh chứ không chuẩn bị để lại quay về làm bài hát. Thật khó nghĩ tới nghệ thuật lúc này", Văn Cao viết trong hồi ký về nhiệm vụ đầu tiên của mình. 

Nhưng rồi nhiệm vụ khó khăn cũng hoàn thành sau nhiều ngày Văn Cao vật lộn trên căn gác 45 Nguyễn Thượng Hiền đêm đêm thường vọng lên những tiếng xe bò chở xác người chết đói đi về phía Khâm Thiên và tiếng đánh chửi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn.

Sáng tác mới làm ông Vũ Quý nở nụ cười thật hài lòng trên khuôn mặt xạm đen. Nguyễn Đình Thi cười hồn nhiên, chúc mừng Văn Cao và rủ bạn: "Văn ạ, chúng mình thử mỗi người làm một bài về Mặt trận Việt Minh xem sao?". 

Giữ lời hứa, sau đó Nguyễn Đình Thi viết bài Diệt phát xít, còn Văn cao viết thêm Chiến sĩ Việt Nam, hai bài hát được mang ra cùng bài Tiến quân ca để Bác Hồ chọn làm Quốc ca vào tháng 8-1945.

Tháng 11-1944, Văn Cao tự tay viết bài Tiến quân ca lên đá in, trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc Lập, nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề còn run rẩy.

Bài hát nhanh chóng lan rộng trong lòng quần chúng bởi nó không phải chỉ là tiếng "bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa" của những đoàn chiến sĩ áo chàm mà là cả dòng thác lũ những bước chân của một đất nước đang chuyển mình để bước vào một vận hội mới.


Văn Cao, trăm năm một bậc kỳ tài - Kỳ 2: Chọn Quốc ca và lần dự thay bất thành
2
tác giả
THIÊN ĐIỂU
news google
Tháng 8-1945, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ đã chọn Tiến quân ca của Văn Cao làm Quốc ca nước Việt Nam độc lập sắp thành hiện thực. Quốc hội khóa I đã ghi trong Hiến pháp năm 1946 chọn bài này làm Quốc ca của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Nhạc sĩ Văn Cao và tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp vào Nhà hát lớn Hà Nội năm 1989 - Ảnh: QUANG PHÙNG

Nhạc sĩ Văn Cao và tùy viên văn hóa Đại sứ quán Pháp vào Nhà hát lớn Hà Nội năm 1989 - Ảnh: QUANG PHÙNG
Chọn Quốc ca trước ngày tổng khởi nghĩa

Hơn 30 năm sau, một cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới được tổ chức khá rầm rộ và không khỏi khiến Văn Cao héo hon thêm sau hàng chục năm mỏi mòn nhiều vì vụ Nhân văn - Giai phẩm, nhưng rồi ông vẫn lừng lững là tác giả Quốc ca.

Giữa ngày thu Hà Nội, Văn Thao với mái tóc dài bạc trắng hất ngược ra sau, râu cũng dài và gương mặt xương xương rất giống với cha mình, ngồi ôn lại những chuyện về cha làu làu như mới hôm qua hai cha con vẫn thường ngồi tâm sự với nhau.

    Nhạc sĩ Văn Cao - Một vì sao mơ giấc mơ biển cả
    Văn Cao - Những xúc cảm đen trắng
    100 năm ngày sinh Văn Cao (1923-2023): Quẻ Văn

Chuyện chọn Quốc ca, ông kể ngày 16-8-1945, tại Đại hội Quốc dân đồng bào họp ở Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang) để bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Bác Hồ chọn Quốc ca, Quốc kỳ cho nước Việt Nam độc lập đang đến rất gần.

Trước đó, Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến một số đại biểu để chọn các ca khúc cách mạng tiêu biểu gửi lên cho Bác chọn Quốc ca.
Lời bài hát quốc ca được Quốc hội thông qua năm 1955 - Ảnh: T.ĐIỂU chụp lại từ Trung tâm lưu trữ quốc gia

Lời bài hát quốc ca được Quốc hội thông qua năm 1955 - Ảnh: T.ĐIỂU chụp lại từ Trung tâm lưu trữ quốc gia

Đúng sáng 16-8-1945, Nguyễn Đình Thi trực tiếp thể hiện ba bài hát bằng kèn harmonica gồm bài Tiến quân ca và Chiến sĩ Việt Minh (sau đổi thành Chiến sĩ Việt Nam của Văn Cao), bài Diệt phát xít của Nguyễn Đình Thi. Nghe xong, Bác có ý kiến bài Diệt phát xít rất ý nghĩa, nhưng chủ nghĩa phát xít đã tan rã rồi nên chọn bài này làm Quốc ca không hợp nữa.

Bài Chiến sĩ Việt Minh bác rất thích, đặc biệt là đoạn cuối với những câu hát: "Thề phục quốc tiến lên Việt Nam/Lập quyền dân, tiến lên Việt Nam...".

Nhưng bài này khó hát nên khó phổ biến rộng rãi, lại hơi dài, dân đứng chào cờ hát Quốc ca sẽ... mỏi chân (Bác hài hước). Theo Bác, bài Tiến quân ca là hợp lý nhất, vừa ngắn gọn, dân dễ hát dễ thuộc, vừa như lời hiệu triệu mạnh mẽ.

Ngay chiều hôm đó, họp đại hội chọn Quốc kỳ là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh ở giữa, chọn Tiến quân ca là Quốc ca và phát lệnh Tổng khởi nghĩa tháng Tám.

Chuyện Bác Hồ chọn Quốc ca từ ba bài hát trên cũng được nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha xác nhận rằng chính ông đã nghe Văn Cao kể lại những lời mà Nguyễn Đình Thi đã kể lại cho Văn Cao.

Chiều tối lá cờ đỏ sao vàng được trao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước đoàn quân làm lễ chào cờ bằng bài Tiến quân ca để Đoàn Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân xuất quân.

Ngày 17-8-1945, chính phủ ông Trần Trọng Kim tổ chức cuộc mít tinh của viên chức Hà Nội để phản đối Mặt trận Việt Minh, nhưng cuối cùng đã được biến thành cuộc mít tinh ủng hộ Việt Minh.

Đội danh dự Việt Minh (Đội trừ gian) do Văn Cao phụ trách có nhiệm vụ bảo vệ các đội tuyên truyền.

Ông Phạm Đức - người sống cùng Văn Cao trên căn gác trọ 45 Nguyễn Thượng Hiền, kết nối Văn Cao gặp lại Vũ Quý, chứng kiến những ngày Văn Cao viết Tiến quân ca - là người đã giật micro của phát thanh viên chính phủ Trần Trọng Kim hát luôn bài Tiến quân ca, bắt nhịp cho cả đoàn người cùng hát vang bài hát vừa được Đại hội Quốc dân Tân Trào chọn làm Quốc ca.

"Bài Tiến quân ca đã nổ như một trái bom. Nước mắt tôi trào ra... Bài Tiến quân ca đã là của dân tộc Việt Nam độc lập kể từ ngày hôm đó", nhạc sĩ Văn Cao từng ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này trong bài viết Tại sao tôi viết Tiến quân ca? ngày 7-7-1976, được đăng lại trong tập nhạc Thiên Thai, NXB Trẻ in năm 1988.
Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình nhạc sĩ Văn Cao nhân ngày sinh nhật ông được nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ghi lại

Khoảnh khắc hạnh phúc của gia đình nhạc sĩ Văn Cao nhân ngày sinh nhật ông được nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng ghi lại
"Ông vẫn là tác giả Quốc ca"

Chuyện về Tiến quân ca, nhiều bạn trẻ ngày nay sẽ ngạc nhiên khi biết lời quốc ca họ được nghe ngày nay thực ra vào năm 1955 đã được Quốc hội thông qua việc chỉnh sửa vài từ so với bản thảo mà nhạc sĩ Văn Cao đã viết năm 1944. Và đặc biệt là một giai đoạn vận động sáng tác Quốc ca mới thay cho bài Tiến quân ca, nhưng không thành công.

Trong kho lưu trữ Trung tâm Lưu trữ quốc gia còn lưu thông báo viết tay của Ban vận động sáng tác quốc ca mới năm 1982, báo cáo việc chọn 17 tác phẩm vào vòng ba.

Thông báo viết: "Nhằm mục đích giới thiệu, phổ biến rộng rãi trong nhân dân để xin ý kiến trước khi tuyển chọn vào vòng bốn, Ban vận động sáng tác Quốc ca mới sẽ cho phát thanh trên Đài Tiếng nói Việt Nam và đài phát thanh ở các tỉnh, thành phố về 17 bài hát trên đây.
Thông báo viết tay của Ban vận động sáng tác quốc ca mới năm 1982, báo cáo về việc chọn 17 tác phẩm vào vòng 3 - Ảnh: T.ĐIỂU chụp lại từ Trung tâm lưu trữ quốc gia

Thông báo viết tay của Ban vận động sáng tác quốc ca mới năm 1982, báo cáo về việc chọn 17 tác phẩm vào vòng 3 - Ảnh: T.ĐIỂU chụp lại từ Trung tâm lưu trữ quốc gia

Đồng thời cho in một tập nhạc gồm 17 bài này để gửi tới các nơi trọng điểm lấy ý kiến tại các tỉnh, thành phố, các đoàn thể trung ương và trong quân đội".

Văn Thao kể thực ra ý tưởng muốn thay Quốc ca đã có ý kiến nêu ra khi vừa thống nhất đất nước.

Có ý kiến muốn đưa bài Giải phóng miền Nam (Lưu Hữu Phước) vốn được dùng là Quốc ca của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thời chống Mỹ dùng làm Quốc ca cho nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tuy nhiên bài hát với nhịp điệu nhanh này khi chơi với tốc độ chậm ở hình thức cử Quốc thiều thì không chơi được. Vậy là các ý kiến vẫn nghiêng về giữ bài Tiến quân ca làm Quốc ca cho nước Việt Nam thống nhất.

Hiến pháp mới ra đời năm 1980, thì trong Quốc hội (Chủ tịch là ông Trường Chinh) lại có ý định muốn thay Quốc ca. Năm 1981, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa VI đã quyết định tổ chức cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới, tiến hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trưởng Ban vận động là ông Xuân Thủy (phó chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội), ông Cù Huy Cận (lúc đó làm bộ trưởng phụ trách công tác văn hóa, giáo dục ở Phủ Thủ tướng) làm phó trưởng ban.

Cuộc thi nhận bài từ tháng 5 đến tháng 12-1981, nhận được gần 1.500 bài hát gửi về. 17 bài hát được chọn vào vòng ba, trong đó có tác phẩm của những tác giả quen thuộc như: Huy Du, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Nguyễn Trọng Tạo...

Giữa lúc cuộc thi Quốc ca mới đang rầm rộ ở trong nước, năm 1982, nhận lời mời của Cộng hòa dân chủ Đức, Văn Cao sau một cơn đau dạ dạy rất nặng đã cùng nhạc sĩ Đàm Linh đến thăm đất nước này.

Bà Nghiêm Thúy Băng kể hồi đó Đông Đức mời hai vợ chồng bà nhưng Hội Nhạc sĩ Việt Nam yêu cầu ông đi cùng nhạc sĩ Đàm Linh - một cán bộ của hội. Lần ấy, Văn Cao còn được sắp xếp nghỉ dưỡng vài ngày ở ngôi nhà của cố tác giả Quốc ca Đông Đức, ngôi nhà giữa khu vườn xinh đẹp đầy tiếng chim hót mỗi buổi sớm mai.

Khi Văn Cao về thì mọi việc xong xuôi. Bà Thúy Băng kể khi chồng bà nhập cảnh, hải quan tươi cười chào hỏi, chúc mừng: Ông đi hai tháng không tìm được bài Quốc ca mới, ông vẫn là tác giả Quốc ca.

Sau một thời gian lấy ý kiến nhân dân, không có bài nào được ủng hộ. "Bài Quốc ca đã thuộc về nhân dân", ông Văn Thao nói. Bà Thúy Băng kể thêm cuối đời ông Trường Chinh còn cho thư ký đến nhà Văn Cao tặng ông mấy lọ sâm, mời Văn Cao đến chơi nhà.

Kể từ sau cuộc vận động sáng tác Quốc ca mới năm 1982 không thành thì không còn ai nhắc chuyện thay Quốc ca nữa. Cũng kể từ đó, tác giả Quốc ca dần xuất hiện trở lại trong đời sống văn nghệ chuẩn bị được "cởi trói".