May 03, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Thật ghê sợ cho một thời điêu linh của văn đàn nước Việt ở miền Bắc!
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 11:41:59 PM, Nov 15, 2023 * Số lần xem: 178
Hình ảnh
#1

 


Ảnh 1: Cụ Phan Khôi
Ảnh 2: Ông Nguyễn Công Hoan.

“Thật ghê sợ cho một thời điêu linh của văn đàn nước Việt ở miền Bắc”!

Câu chuyện nhiều người lứa tuổi tôi đã biết.

Nguyễn Công Hoan là nhà văn nổi tiếng. Thời chúng tôi học phổ thông cũng có học tác phẩm “Bước đường cùng” của ông. Tuy vậy, tôi thích nhất những truyện ngắn của ông, kiểu như “Oẳn tà roằn”, chúng gây cười bất ngờ. Lớn hơn thì tôi cũng được đọc các truyện dài và tiểu thuyết của ông vừa mới in ra, như “Tranh tối tranh sáng”, “Hỗn canh hỗn cư” và đặc biệt là “Đống rác cũ”, vừa bán ra đã bị thu hồi, may là kịp mua được một bộ.

Cái thời “Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” rồi tới vụ Nhân văn Giai phẩm thì tuy có nghe lỏm người lớn nói chuyện, nhưng thực tình chả mấy quan tâm, bởi lúc đó còn là diện “oắt tỳ xà lai”. Sau này khi được đọc nhiều hơn, nhiều thông tin hơn thì mới biết tới cái bài thơ “đểu” của Nguyễn Công Hoan.

Chả là cụ Phan Khôi làm một bài thơ tự chúc thọ mình khi vừa 70. Nào có đụng chạm đến ai!? Thế mà Nguyễn Công Hoan cũng có bài thơ họa, không chỉ xỏ xiên chửi vỗ mặt, mà còn văng tục trong đó nữa. Đọc thấy tởm lợm. Thật là hết biết!

Kể ra, là nhà văn lão thành, Nguyễn Công Hoan chắc cũng có được một cái ghế bành trên Văn đàn Việt, có khi còn bọc da hổ nữa ý chứ. Ngoài đời, ông còn là anh ruột ông Lê Văn Lương (tên thật là Nguyễn Công Miều), nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội, vậy thì ai còn dám động đến ông nữa. Thấy người đã ngã ngựa, ăn đòn hội chợ đến hẹn lại lên, mà còn nhảy vào đánh hôi, giẫm đạp thêm mấy cái để tỏ lòng trung... với đường lối. Cái Nho phong xưa ông từng ca ngợi trong những tác phẩm đầu tay, nay vứt đi đâu? Cho dù hoàn cảnh đổi thay, song hễ là người Quân tử, quyết không thể a dua theo thời mà làm trò bỉ ổi.

Cứ kêu là đạo đức thời nay suy đồi, song chả phải bây giờ, nó đã bắt đầu ngay từ các bậc trưởng thượng từ 60, 70 năm trước.

Trong bài viết có tựa đề là “Tôi cầu mong chúng ta sẽ thức tỉnh”, anh Lê Kiên Thành (con trai của Lê Duẩn) trăn trở: “Có thể con người Việt Nam hôm nay dường như đang gặp phải một sai lầm nào đó trong tổ chức cuộc sống, khiến cho tình cảm, lòng thương người, sự vị tha đã biến dạng một cách ghê gớm. Đó là điều quá lạ lùng với xã hội này”.
 

Anh Lê Kiên Thành phỏng đoán (vì không dám quả quyết) rằng: “Có lẽ chưa từng có một giai đoạn nào trong quá khứ mà người Việt Nam phải trải qua tình cảnh như ngày hôm nay. Người Việt từng sống dưới ách nô lệ cả nghìn năm của các triều đại phương Bắc, từng bị đế quốc, thực dân đô hộ, chịu đựng đủ sự tàn ác bóc lột từ ngoại bang. Nhưng chưa bao giờ tôi nghe được về chuyện người Việt tàn ác với chính đồng bào của mình. Chưa bao giờ người Việt đối xử với nhau hằn học đến thế, man rợ đến thế. Chúng ta không nghèo như ngày xưa, không đói như ngày xưa, tại sao chúng ta ác hơn ngày xưa?”

Giờ mời các bạn đọc lại hai bài thơ sau để tường. Bài trích từ blog
trieuxuan.info

*****
 
Nhà văn thời kỳ 1956/ 1958 - chửi nhau như dân chợ búa, đá cá lăn dưa!
 
•  Thứ bảy, ngày 20/06/2020 

Trước nay, xung quanh vụ Nhân Văn Giai Phẩm, chúng ta đã được đọc nhiều bài chửi rủa, quy kết theo kiểu chợ búa, nhơ bẩn hơn cả đám đá cá lăn dưa, hàng tôm hàng cá… của những nhà văn, trí thức dành cho những người trong Nhân Văn Giai Phẩm.
 

Nay, thêm một dẫn chứng nữa:
Dịp tròn 70 tuổi, nhà văn Phan Khôi có bài thơ tự chúc thọ. (Bài thơ do con trai cụ Phan Khôi, ông Phan Nam Sinh cung cấp - theo Facebook Uông Triều ngày 20-6-2020):

BẢY MƯƠI TỰ THỌ

Lên bảy mươi rồi mẹ nó ơi
 
Thọ ta ta chúc nỏ phiền ai
 
Đẩy đàn con cháu năm mâm chẵn
 
Kể tuổi văn chương bốn chục ngoài
 
Khờ khạo một mình khua trống bỏi
 
Ngại ngùng lắm lúc sợ thân voi
 
Sống thêm cho kẻ ưa mời chén
 
Cho kẻ không ưa mắt cứ gai
 
PK.

Ngay sau đó, nhà văn Nguyễn Công Hoan có thơ "chúc thọ" nhà văn Phan Khôi- được đăng trên một tờ báo lớn, nhân dịp Phan Khôi 70 tuổi, năm 1957:
 
“Nhắn gửi Phan Khôi khốn khiếp kia
 
Thọ mi, mi chúc chớ hòng ai
 
Văn chương! Đù mẹ thằng cha bạc
 
Tiết tháo! Tiên sư cái mẽ ngoài
 
Lô gíc, trước cam làm kiếp chó
 
Nhân Văn, nay lại hít gì voi?
 
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục
 
Thêm nhục cơm trời chẳng thấy gai?”
NCH.

Lời bình:

• Nhà văn Uông Triều bình: “Lần này thì tôi xin bình một câu: Tôi thấy quá sốc và khủng khiếp!

• Nhà văn Lại Nguyên Ân comment: “Khi Trung ương đảng phát động đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm (1958) thì Nguyễn Công Hoan bị coi là có khuyết điểm: ông là chủ tịch Hội nhà văn (1957), thường viết cho tuần báo Văn một số bài phiếm đàm, hài đàm. Báo Văn bị đóng cửa, lãnh đạo hội phải dự họp ở Thái Hà ấp. Đến khi kết thúc, các chức vụ cũ trong Ban chấp hành hội nhà văn bị bãi bỏ; Nguyễn Công Hoan mất chức chủ tịch Hội, Tú Mỡ mất chức phó chủ tịch hội. Trong cơ cấu người ta bãi bỏ 2 chức ấy; chỉ còn chức Tổng thư ký, lúc này Nguyễn Đình Thi được bầu chức ấy. Tóm lại Nguyễn Công Hoan cũng bị phê bình, nên lúc đã có kết luận thì ổng phải có bài phê phán các người Nhân Văn Giai Phẩm thế này thế nọ, không thế không được! Tất nhiên bài chửi Phan Khôi này là một vết nhơ trong đời văn Nguyễn Công Hoan”.


• Nhà văn Triệu Xuân: “Thật ghê sợ cho một thời điêu linh của văn đàn nước Việt ở miền Bắc”!

  

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.