May 03, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Ôi đàn bà…
NGUỒN INTERNET * đăng lúc 07:17:00 PM, Nov 09, 2023 * Số lần xem: 237
Hình ảnh
#1
#2
#3
#4
#5

 

*              


Ôi Đàn Bà


     Cứ chiều chiều, ông hàng xóm của tôi lại mặc áo thun ba lỗ, quần xà lỏn, vác cây đàn guitar cũ kỹ ra nghêu ngao: “Ôi đàn bà là những niềm đau/Hay đàn bà là ngọc ngà trăng sao/Ôi đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu…” (Ca khúc Đàn Bà – tác giả Song Ngọc)


Đàn bà luôn đáng yêu, trừ lúc đàn ông không đáng yêu theo ý họ – Nguồn: dongnhacvang.com   

Ðược cái, ngoài Elvis Phương thì người thể hiện ca khúc Đàn Bà thành công nhất là ông hàng xóm của tôi. Tuy giọng ổng không hay, nhưng tuyệt đối hợp với lời bài hát qua giọng ca chua chát, tràn ngập nỗi căm hờn đàn bà…

Ông hàng xóm của tôi hay nói ông ghét giống cái đến nỗi nhà ông nuôi toàn chó đực và mang đi thiến hết, không cho chúng nó tằng tịu với con chó cái nào. Đó là ổng nói vậy, chứ tôi thấy ổng cũng yêu thương đàn bà lắm mới sống tới bây chừ để dàn xếp mâu thuẫn giữa hai người phụ nữ của ông.

Nỗi bi kịch của ông nằm ở chỗ: Hai người phụ nữ thân thuộc nhất đời ông không ưa nhau từ khi ông lấy… vợ, đó là vợ và má ruột ông. Ngoài việc giành giật sự chú ý từ người đàn ông đẹp trai nhất nhà thì vợ và mẹ ông còn ghét nhau bởi khác biệt vùng miền. Mẹ ông là một bà cụ Bắc kỳ truyền thống, từng được tôi rèn qua 7-7-49 khóa huấn luyện khắc nghiệt từ hai đời mẹ chồng Bắc kỳ thời xưa (không hiểu tại sao bà lấy chồng thứ hai mà không đổi mẹ chồng miền khác). Vợ ông lại là nàng tiểu thơ xứ Nam kỳ, cái gì cũng biết chỉ không biết làm dâu hiền vợ thảo theo “style” của mẹ chồng bà, bà không phải vụng về nhưng bà không để đảm đang, coi chồng (cũng là con trai mẹ chồng) là trời như mong đợi của mẹ chồng. Nếu ông hàng xóm không chen giữa, có lẽ cả đời hai người phụ nữ này sẽ chẳng gặp nhau, thậm chí không nhìn mặt nhau.

Có nhiều bài viết so sánh sự khác biệt giữa hai phương Nam-Bắc, tuy nhiên nói về phụ nữ hai miền trong một bài viết thì hơi ít, cách đây khá lâu, tôi tình cờ đọc bài viết “Phụ nữ Bắc nói về phụ nữ Nam” của tác giả Giao Giao Giao và thấy cũng chí lý, dầu không hoàn toàn đồng ý với mọi ý của tác giả, xin trích bài viết ra đây:

“Vào Sài Gòn sống từ 35 năm trước, mình đã thấy rất kinh ngạc khi nhận ra phụ nữ Sài Gòn sướng hơn phụ nữ miền Bắc không biết bao nhiêu mà kể.

Ngoài Elvis Phương, có lẽ ông hàng xóm của tôi hát bài “Đàn bà” nhiều nhất – Nguồn: youtube.com

Nghĩ mãi vẫn chưa hiểu tại sao. Chợ búa, đồ ăn làm sẵn, mọi thứ đều tiện dụng, mua gì cũng có ngay gần nhà, không quá vất vả bữa cơm hay việc nhà, đầu tắt mặt tối ba bữa cơm. Nhà nào cũng có toilet riêng sạch sẽ (dù nghèo), phụ nữ Sài Gòn đa phần giữ bếp núc rất ngăn nắp, chăn màn ga gối văn minh, ai cũng nằm nệm êm không nằm chiếu, không ngủ chung với con, sống chung với cả gia đình đông, lạ nhất là mẹ chồng không bao giờ khăng khăng phải ở với con trai khi con trai lấy vợ. Họ buông tay cho con độc lập, có đời sống riêng.

Phụ nữ Sài Gòn rất thích đi ăn tiệm, đi du lịch, họ thích thưởng thức món ăn mới, mặc đồ mới, cởi mở, dám thay đổi, họ không cho rằng cơm nhà mình là nhất, mình là nhất. Họ dễ tính, dễ thương, ít chê bai, xét nét, so đo về giá như ngoài Bắc. Họ mặc đồ xanh đỏ tím vàng, quần ngắn hay hở cả ti ra chả sợ ai nói gì. Dù cùng mức sống, nhưng họ dám sắm máy nước nóng, máy lạnh không sợ tốn điện, dù không có vài triệu mua cành hoa đào ngắm ba ngày Tết. Họ không sợ chê nghèo, đi xe xấu, họ mặc đẹp đi chiếc xe trông thật ghê, mà vẫn vui.

Phụ nữ Sài Gòn không ôm đồm việc nhà, nhất là không giành lấy mọi thứ trách nhiệm, kiếm tiền dạy con, rồi kiệt sức quên bản thân, họ chăm sóc ngoại hình kể cả người đã có chồng đông con. Phụ nữ nào cũng có bàn trang điểm, phấn son, bông tai. Ai cũng có vài cái nhẫn vàng tây; có tí tiền là họ tiêu ngay không cất đi, không để dành, cũng không sắm sửa mấy. Mình nhớ đã kinh ngạc thế nào khi thấy các cô gái Sài Gòn, chả đi đâu chả tiếp ai cũng mặc đồ rất đẹp, tô son mỗi sáng. Ở ngoài Bắc, năm 1984, mà lúc nào cũng phấn son xinh đẹp, liền bị gọi ngay là cave. Họ lười hơn, vụng hơn, nông cạn hơn, có khi nghèo hơn, nhưng tự do hơn, hưởng thụ hơn, độc lập hơn, thẳng thắn hơn. Nhờ thế mà trẻ con cũng đỡ áp lực hơn. Vì các bà mẹ không hy sinh mọi niềm vui cho con cái, họ làm gương cho con mình, sống cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, được tự do là chính mình.

Đặc biệt nhất, ở Sài Gòn là phụ nữ cực kỳ tự do, cởi mở trong tư tưởng, họ ít chê ai ế hay sợ con mình ế. 35 năm ở đây mình ít thấy ai đánh ghen tàn bạo hay can thiệp đến chuyện cá nhân người khác. Dù ít học, họ cũng ít chấp nhận thói gia trưởng của đàn ông, kiểu như em không được mặc áo hở cổ, không được đi chơi tối, sao em không lo cho chồng con bữa cơm… Họ chiều chồng, nói ngọt, lắng nghe, nhưng không hầu chồng, tuân lệnh chồng, xem chồng là vua chúa.


Nam kỳ – Bắc kỳ hay người miền Nam – người miền Bắc hay phụ nữ Bắc – phụ nữ Nam, thời nào cũng có nhiều đối lập – Nguồn: Facebook

Phụ nữ Sài Gòn luôn có thói quen dành thời gian cho bản thân, thứ xa xỉ mà phụ nữ miền Bắc cho là một sự hoang phí: ăn hàng, làm nails, gội đầu tiệm, mua sắm… Chả ai ngoài Bắc đi du lịch riêng với bạn bè khi đã có chồng con, du lịch Tết mà không cúng ông bà, quá kinh khủng, họ không thể tưởng tượng ra có loại phụ nữ ích kỷ, xấu xa, tệ hại như thế… Đời sống ngạt thở mà chỉ khi đi xa rồi trở về, ta mới nhận ra mức độ căng thẳng phụ nữ ở đây phải chịu đựng.

Phụ nữ Sài Gòn dù nghèo cũng sướng hơn phụ nữ miền Bắc trăm lần, họ không phải đối phó với gia đình chồng, mẹ chồng, em chồng khắc nghiệt, cay đắng, luôn chì chiết, chê bai. Họ không có bố chồng khó tính và cả họ nhà chồng xét nét họ. Không ai nói là “cô may lắm mới lấy được con tôi”. Mình nhớ mình đã kinh ngạc đến mức nào khi nghe các cô con dâu Sài Gòn nói, họ rất yêu quý mẹ chồng thực tâm. Yêu quý chắc vì họ không chung sống với bố mẹ chồng, không va chạm cơm nước tiền nong, mỗi năm không bị hàng chục lần nấu cỗ cúng, sấp ngửa lo Tết, hay vất vả khi làm dâu.

Hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè không ai lên phán xét cách sống, cách ăn mặc, cách chi tiêu hay chuyện riêng tư cá nhân. Đi xe xấu, mặc đồ xấu không bị chê bai khinh thường. Thời tiết ở Sài Gòn cũng không làm cho phụ nữ sầu thảm được lâu, buồn thất tình không thê lương, không tuyệt vọng, họ không chịu được khổ lâu nên ít thấy ai ôm hận đàn ông được lâu, họ chóng quên, dễ tha thứ, họ sẵn sàng bắt đầu mới bất cứ khi nào.

Mỗi lần ra Bắc nhất là về quê, mình thấy thật bất công, phụ nữ miền Bắc khổ vì lo sợ người khác đánh giá mình. Ai cũng có thể phán xét người khác. Bố mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện riêng tư, ngăn cấm dọa dẫm, thay vì cảm thông và chia sẻ khi gặp “sự cố” hay sai lầm. Con gái ế thì bố mẹ nhục nhã, đau khổ, phụ nữ lấy chồng thì cuộc sống của họ quay quanh một ông chồng ba bữa cơm, con cái và việc nhà lấy đi của họ nhiều thứ, phụ nữ lấy chồng xong biến thành người hoàn toàn khác. Sau 40 tuổi may ra họ mới có chút thời gian cho riêng mình. À mà chưa xong, già rồi họ còn sợ con cái mất mặt, ly hôn là chuyện nhục nhã. Có bà mẹ 50 tuổi không dám post cái video mình hát với bạn vì con bảo mẹ phải giữ gìn hình ảnh, không được chơi bời hát hò hay tỏ ra vui vẻ sau ly hôn.

Phụ nữ miền Bắc bị ghen ghét, chê bai, ghen tị nhiều hơn, họ không được sống hồn nhiên, tự do, vô tư như phụ nữ Sài Gòn. Có sai lầm gì to mấy cũng được thứ tha rất nhanh… Chả ai nhớ chuyện xấu mấy, toàn khen nhau, toàn quý nhau thật lòng thôi. Nghĩ là nói thật ra, không phải đau dạ dày vì suy nghĩ rắc rối. Ít ai có tính giận dỗi, nói xấu, ít ai bị bẽ mặt, họ thẳng thắn và đơn giản, ít sĩ diện, ít đao to búa lớn, lại càng ít sợ hãi người khác. Họ thực sự tự do.

Trương Công Định giết người – trốn truy nã – lấy vợ – ra đầu thú – Nguồn: nld.com.vn

Lắm lúc mình chỉ muốn giải phóng phụ nữ miền Bắc khỏi chính họ thôi, cho họ được tự do – được là chính mình.” – Hết trích.

Tác giả trên ở miền Bắc cách đây mới 35 năm mà đã thấy gái Nam gái Bắc khác nhau xa xôi như vậy, huống chi mẹ của ông hàng xóm của tôi, bà ở miền Bắc cách đây hơn 50 năm, khi chồng bà cùng đồng đội tràn vào miền Nam đốt gần hết sách miền Nam, cho văn hóa Nam kỳ là đồi trụy. Thứ văn hóa đồi trụy tạo ra đứa con dâu mà bà thường hét lên rằng “Nếu không có con trai bà, bà không đội chung trời với cái ngữ như mày!” Theo thời gian, có người sẽ thay đổi cảm nhận về thế giới, nhưng có người thì không, nên hai người phụ nữ Bắc kỳ cùng ở miền Nam nhưng một thì muốn hòa hợp với thổ nhưỡng, phong tục, một lại muốn biến cả thế giới thành nơi bà ta từng cơm bưng nước rót cho gia đình chồng, cúi đầu nghe mẹ chồng “dạy bảo”, coi con dâu như mọi, như kẻ thù…

Chuyện nàng dâu mẹ chồng không ưa nhau chắc cũng bình thường, ưa nhau mới là bất thường. Nhưng không hề bình thường ở chỗ, không chỉ ông hàng xóm, cả khu phố, cả phường, thậm chí cả quận đều biết hai người phụ nữ của ông không ưa nhau, vì họ cãi nhau ở mọi nơi, ban đầu là “face-to-face”, từ từ rồi tới trên mạng lẫn trong “nhóm tám chuyện” (group chat) của khu phố (được tạo ra hồi dịch COVID-19 nhằm để hàng xóm giúp đỡ, hỏi han nhau khi không ai được ra đường). Như quá chán nản khi chìm trong những cuộc cãi vã, hôm rồi, ông hàng xóm chia sẻ một tin có thiệt vào “group chat” của khu phố, có lẽ chỉ để “dằn mặt” vợ và mẹ ông:

Ở tỉnh Đắk Lắk chiều 18-10-2009, Trương Công Định đi uống cà phê cùng hai người bạn, không mang tiền mà mang theo dao Thái Lan để gọt… ổi ăn.

Trên đường đi, nạn nhân S. nói rằng Định nhỏ tuổi nên phải trả tiền uống cà phê. Do không mang tiền chỉ mang dao nên Định không đồng ý, 2 người cãi nhau, Định đã đâm S. mất mạng, người bạn còn lại lao vào can cũng bị thương tích 30%.

Sau khi gây án, Định lên Sài Gòn trốn truy nã, sau khi lấy vợ sinh con, không biết sao Định hối hận. 2021, Định ra phường đầu thú…


    

Bà Tám ở Sài Gòn

      Chia sẻ : Internet
  

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
Ôi Đàn Bà
Tru Huy Nguyen Nov 09, 2023
Không biết từ bao giờ chúng ta bắt đầu dùng chữ tám thay vì chữ tán!
Thời tôi còn đi học cho tới nay tôi vẫn thường nghe nói: tán chuyện, tán dóc, tán phét, tán láo v.v..Có câu Bỏ đi Tám thì đúng.
Đến bây giờ thì lại nghe tám chuyện,tám láo.Có phải là truyền-thông dùng nhầm chữ một lần rồi người ta bắt chước theo?
Xin quí vị chỉ giáo. Rất cảm tạ.
Nay kính: Nguyen Huy Trụ