May 08, 2024

Tùy bút - Bút ký

Một Lần Qua Sông Đáy 1 - 2 – 3
Vương Mộng Long * đăng lúc 08:43:08 PM, Nov 06, 2023 * Số lần xem: 190
Hình ảnh
#1
#2

  

 
            


 Một Lần Qua Sông Đáy 1 - 2 – 3

 'Một lần qua sông Đáy kỳ  1-2-3 Hoài Niệm T.T'

 
 Lòi Giới Thiệu:

“Một lần qua sông Đáy” là bức tranh sống động, mô tả thật chi tiết và rõ ràng một quãng đời đầy khổ ải, buồn đau, và tủi nhục sau ngày Miền Nam sụp đổ của những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa bị lưu đày nơi đất Bắc.

Diễn tiến sự việc theo từng thời gian và không gian đã được những người trong cuộc tường trình lại một cách thật chính xác. Vì thế, đây có thể coi như một tài liệu lịch sử đáng tin cậy để lưu truyền lại cho lớp hậu sinh.

Biết đá, biết vàng

Thời gian trôi tựa nước của một dòng sông, mãi mãi không quay trở lại, thoáng chốc ba mươi năm đã đi qua.

Tôi xa quê hương đã ba mươi năm, tôi ở Mỹ đã ba mươi năm, vậy mà tưởng chừng như tôi vừa mới rời quê hương hôm qua.

Bây giờ đang là mùa lễ Thanksgiving năm 2022.­­

Ðứng nơi bến phà nối đôi bờ Mukilteo và Whidbey Island vùng Tây Bắc Hoa-Kỳ, tôi để tâm hồn phiêu du…

Nhìn hình ảnh chiếc phà rời bến, tôi chợt chạnh lòng nhớ lại chuyến phà đã đưa tôi qua sông năm xưa.

Chuyến phà này đã chở những người không phải Kinh Kha, không là Hạng Võ trong sử ký của Tàu, mà là những cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa sau ngày thua trận. Trong số những người qua phà năm đó, có nhiều người đã không còn sống sót để trở về.

Con sông trong ký ức của tôi có tên là sông Ðáy…

Sông Ðáy còn được gọi là Hát Giang. Hát Giang là con sông lịch sử, nơi Hai Bà Trưng trầm mình tuẫn tiết thời Nam Hán.

Vào đầu năm 1979 Hát Giang đã chứng kiến một đoàn xe Zin, và Molotova chở đầy tù cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa từ Trại Phú Sơn 4, Thái Nguyên di chuyển xuống, rồi qua phà, chạy về Trại Nam-Hà.

Tôi, cựu Thiếu tá Biệt Ðộng Quân Vương Mộng Long là một trong số những người đã ngồi phà vượt Hát Giang năm đó, để rồi cho tới cuối cuộc đời vẫn mãi mang trong lòng những kỷ niệm đau buồn không thể nào quên.

Trại Nam-Hà có ba phân trại A, B và C. Tôi được đưa về Ðội 18 Trại Nam-Hà A. Ðội 18 và Ðội 19 ở cùng Buồng 16 nằm sát với tường bệnh xá cuối sân.

Ngày tôi tới đây thì nhân số của Trại Nam Hà A này ước lượng khoảng trên dưới 1500 người.

Trừ ra khoảng năm chục tù hình sự và Phục Quốc thì số còn lại toàn là cựu nhân viên Quân, Cán, Chính của Việt-Nam Cộng-Hòa.

Phía quân đội, người có cấp bậc cao nhất là cựu Trung tướng Nguyễn Hữu Có, người có cấp bậc thấp nhất là cựu binh nhì chột một mắt tên là Bùi Bằng Ðoàn.

Bên hành chánh thì người chức vụ cao nhất là cựu Thủ tướng Nguyễn Văn Lộc, người có chức vụ thấp nhất là anh Nguyễn Văn Mạnh, giữ chân chạy giấy của Phủ Thủ Tướng.

Cuộc sống ở Trại Nam-Hà A thoải mái hơn là ở Trại Phú-Sơn 4 rất nhiều.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Văn Nghiêm – USA, 2011

Ở đây chúng tôi được làm việc có giờ, có giấc, không phải chịu đựng chế độ thi đua làm nhiều, ăn nhiều, làm ít, ăn ít như ở Phú-Sơn 4.

Sau một ngày xuất trại trở về, trước giờ điểm danh tối, tôi có thể tự do đi từ buồng này sang buồng khác thăm hỏi người quen.

Tôi đã tới Buồng 1 và Buồng 2 gặp lại những cựu sĩ quan đã từng chỉ huy tôi như Thiếu tướng Lê Minh Ðảo, Ðại tá Cao Văn Ủy, Ðại tá Trần Công Liễu, Ðại tá Hoàng Thọ Nhu.

Ðiều vui mừng nhất là tôi được tái ngộ với chú tôi là cựu Ðại tá Trần Phương Quế.

Nơi ồn ào nhất, vui nhất ở Nam Hà A có lẽ là cái giếng.

Cái giếng có đường kính chừng hai chục mét, có thành tường xây bằng bê tông cao tới đầu gối, sân tắm giặt xung quanh giếng cũng chiếm một khoảng đất rất rộng nơi góc sát cổng.

Tù cứ cởi truồng tồng ngồng tắm rửa, chuyện trò cùng nhau. Tin tức thời sự quốc nội, quốc ngoại cũng được tung ra vô cùng thoải mái không phân biệt sẽ rót vào tai ông trung tướng hay tai ông binh nhì.

Xem thêm: Xung đột Israel - Palestine

Tôi tới trại này chưa được bao lâu thì ông cựu Trung tá Nguyễn Văn An Liên Ðoàn Trưởng sau cùng của Liên Ðoàn 12 Biệt Ðộng Quân trốn trại.

Ông An vượt ngục, tìm về quê Phủ Lý nhưng chỉ ba ngày sau đã bị bắt lại.

Ông An bị nhốt đói hai ngày, bị đá đít mấy cái, rồi bị đuổi về lại Buồng 15 nằm cạnh ông cựu Thiếu tá Biệt Ðộng Quân tên là Ðỗ Văn Mười.

Cuộc vượt trại của Trung tá An có lẽ chỉ ảnh hưởng tới ba người là tôi, Vương Mộng Long, Trần Văn Cả và Ðặng Quốc Trụ.

Ba đứa tôi có tỳ vết đã vượt ngục hai lần, nên bị chú ý không cho ra ngoài rào lao động dã ngoại nữa.

Cựu Thiếu tá Ðặng Quốc Trụ bị đưa về đội bóng chuyền, phải tập dượt suốt ngày bất kể nắng hay mưa.

Cựu Ðại úy Trần Văn Cả giữ chân nhặt rác quanh sân, dưới quyền ông cựu Nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu là tổ trưởng tổ văn hóa.

Còn tôi thì nằm dưới quyền ông Trực Buồng 16 là cựu Thiếu tá Ðịa Phương Quân Nguyễn Ðình Tuy. Anh Tuy là một người rất tốt bụng, nhưng trầm lặng và kín tiếng.

Thiếu tá Nguyễn Ðình Tuy, dân Bắc Di Cư, là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Yểm Trợ và Tiếp Vận của Tiểu Khu Pleiku. Tôi cũng là dân Bắc Di Cư, cũng là dân Pleiku, do đó ông Tuy đối với tôi có chiều ưu ái, nương tay.

Tôi được giao cho một công tác thật là khoẻ re, nhẹ nhàng.

Mỗi ngày, khi anh em đã xuất trại, tôi chỉ có việc đi quanh buồng, sửa lại những chiếc gối đầu nằm của trại viên cho ngay ngắn, thẳng hàng. Nhiệm vụ của tôi chỉ có vậy thôi!

Mặt khác, đúng 12 giờ trưa hằng ngày tôi cùng với Ðặng Quốc Trụ và Trần Văn Cả đều phải ghé Nhà Văn Hóa để trình diện tên trung úy Công An phụ trách an ninh trại một lần.

Nếu hôm nào tên Công An này vắng mặt, thì cựu Trung tá Không Quân Việt-Nam Cộng-Hòa Lê Bá Ðịnh sẽ nhận mặt ba đứa tôi rồi ghi vào sổ chứng nhận rằng chúng tôi còn chưa trốn.

Ông Trung tá Ðịnh là phụ tá của ông Nghị sĩ Tửu.

Cũng vì công việc hằng ngày khỏe re, nên tôi tha hồ la cà hết buồng này tới buồng kia. Cứ tạt vào buồng này thăm một ông bạn, sang buồng kia thăm một ông bạn, thế là quay qua, quay lại, đã hết một ngày.

Ở đây thì nhà cao, tường xây, nhưng đói lắm, vì tù không có dịp đào củ mài, mót củ khoai, hái mớ rau má hay rau tàu bay như thời còn ở lán trại, nhà tranh vách đất do quân đội quản lý.

Gặp nhau, chúng tôi chỉ bàn tán quanh co chuyện thăm nuôi và chuyện ăn uống.

Ông cải tạo viên trực Buồng 12 vừa thấy tôi đã tay bắt mặt mừng,

– A! Anh Long! Anh còn nhớ tôi không?

– Dạ thưa Trung tá tôi nhớ!

– Hồi đó anh dẫn tiểu đoàn tăng phái cho tôi, tôi đã xuất kho cho anh 500 thùng dầu ăn. Tôi tưởng anh đem bán để lấy tiền tiêu Tết, vậy mà anh lại đem chia cho lính hết. Ðáng khen! Ðáng khen!

Chẳng lẽ sau bao nhiêu năm xa cách, kỷ niệm thời chinh chiến giữa tôi và ông cựu tỉnh trưởng này chỉ có một chuyện để ông nhớ là ông đã xuất kho yểm trợ cho đơn vị tôi 500 thùng dầu ăn loại 4 lít hay sao?

Tôi cười nửa miệng,

– Thế sự đổi thay, tôi thấy giờ này tâm hồn nào cũng chứa đầy thực phẩm, trí óc nào cũng nghĩ tới thực phẩm, và kỷ niệm nào cũng chất đầy thực phẩm. Ngày xưa Trung tá đâu có thế?

Ông cựu tỉnh trưởng ứng đối liền tay,

– Gặp thời thế, thế thời phải thế mà Long! Hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống cho qua ngày đoạn tháng!

Tôi chưa tìm được câu nói móc lò nào để đáp lại, thì ông cựu trung tá đã kéo tay tôi ra góc hiên, nơi đây có cái bàn con và bốn cái ghế con, ông lớn tiếng,

Xem thêm: Lịch sử Cà Phê

– Nào! Ngồi xuống đây uống một ly cà phê cơm cháy với tôi đi!

Không đợi tôi trả lời, ông cựu trung tá nhìn tôi rồi thấp giọng,

– Lâu lắm rồi anh em mình mới gặp lại nhau. Gia đình chú có bình an không?

Trại này ăng ten như ruồi. Chú cẩn thận giữ mồm giữ miệng!

Hóa ra từ nãy tới giờ cái ông trực Buồng 12 này đã đóng vai một người khác, bây giờ trước mặt tôi mới thật là ông cựu Trung tá Nguyễn Văn Nghiêm, cựu Tỉnh trưởng Phú-Bổn mà tôi đã có dịp được phục vụ dưới quyền một thời gian ngắn hồi đầu năm 1971.

Anh Nghiêm pha cho tôi một ly cà phê, cà phê thứ thiệt, không phải là cơm cháy. Anh khuyên tôi nhất cử, nhất động phải cẩn trọng vì lúc nào bọn chó săn, ăng ten cũng rình rập những người có tiền tích vượt ngục như tôi.

Bất cứ lúc nào tôi cũng có thể bị đưa ra làm con vật hy sinh để răn đe người khác.

Từ ngày biết tôi có mặt ở trại này, anh Nghiêm đã tìm gặp tôi mấy lần để khuyên bảo nhưng chưa có dịp. Anh nói gia đình anh tiếp tế cho anh rất đều, nếu tôi có thiếu thốn thì cứ tới nói với anh, giúp được gì cho tôi thì anh sẵn sàng ngay. Anh khuyên tôi có hai điều nên tránh, một là tránh cờ bạc, hai là tránh dính líu vào mấy chuyện buôn bán lia chia kiếm lời, khiến người khác khinh khi.

Từ biệt anh Nghiêm, tôi qua Buồng 10 thăm anh La Hoàn Võ.

Cựu Thiếu tá La Hoàn Võ và tôi cùng là dân cựu sinh viên sĩ quan của Ðại Ðội B Võ Bị, anh Võ khóa 19, còn tôi khóa 20.

Cứ nhìn mặt anh Võ, tôi lại thấy thương hại anh. Lúc nào anh Võ cũng ôm bụng, nhăn nhó, anh ấy mang chứng bệnh đau dạ dày kinh niên.

Vì mang bệnh kinh niên nên anh Võ không bị xuất trại đi lao động.

Anh thổ lộ cho tôi hay, vừa nghe anh khai bị bệnh đau dạ dày, cán bộ quản giáo liền chấp thuận cho anh nghỉ ngay, vì người đau dạ dày sẽ không ăn được. Người bệnh mà không ăn được, thì trại sẽ đỡ một khẩu phần cơm mỗi ngày.

Đặng Quốc Trụ, Nguyễn Văn Ninh – USA, 2007

Nói thế chứ làm gì có ai xuống kiểm tra xem người đau dạ dày có lãnh cơm hay không lãnh cơm hằng ngày đâu?

Anh Võ lúc nào cũng tỏ ra thương con, nhớ vợ. Gặp tôi anh cứ than,

– Tội nghiệp bà xã của tôi! Lâu không nhận được thư của tôi, bà ấy buồn rầu, nhớ thương, khổ sở lắm. Do đó, tuần nào tôi cũng phải viết thư an ủi bà ấy. Tôi chỉ sợ bà ấy buồn rầu quá mà chán đời thì mấy đứa con tôi sẽ thành mồ côi…

Một hôm, anh Võ đưa cho tôi xem lá thư mà vợ anh từ Sài Gòn mới gửi ra, trong thư có đoạn:

“Lạ quá! Bất cứ lúc nào em ngửng đầu nhìn lên tường, thì cái kim đồng hồ nhà mình cũng chỉ đúng hai giờ. Hai giờ đêm! Sao cái đồng hồ không chịu chạy? Sao đêm dài quá vậy? Sao trời không chịu sáng? Anh ơi! Bao giờ trời mới sáng? Bao giờ anh mới về?”

Tôi gật gù,

– Bà chị quả là một người giàu tưởng tượng, một người có tâm hồn, nếu có cơ hội, và môi trường thích hợp, chị sẽ thành một nhà văn nổi tiếng.

Anh bùi ngùi,

-Chắc đêm nào vợ tôi cũng thức rất khuya rồi nhắc tới tên tôi? Có lẽ vì thế mà lâu lâu tôi lại bị máy mắt, xốn xang trong gan, trong ruột? Người ta nói xa mặt, cách lòng là sai! Tôi thì thấy những người thực sự yêu nhau mà càng ở xa nhau, càng thương nhớ nhau nhiều hơn.

Trước mặt một người đã hơn bốn năm ở tù Cộng-Sản mà còn mơ màng, còn sống lênh đênh như bay trên mây, tôi cũng làm ra vẻ thạo đời, uyên bác, có chữ, có nghĩa, và có… tâm hồn,

Xem thêm: Hoài Cổ

– Quân Tương Giang đầu, thiếp Tương Giang vỹ… Nếu đã là người có gia đình rồi thì ai cũng mang tâm sự như vậy thôi!

Thấy tôi cũng có vài câu thơ lận lưng, cũng ra vẻ có…tâm hồn, nên anh Võ cảm động lắm. Anh gật gù,

– Anh em mình đồng cảnh, nên mới thông cảm nhau, thương mến nhau, còn bọn du thủ, du thực thì chỉ nghĩ tới cái ăn.

Tôi gật gù theo anh,

– Ðúng rồi! Ðúng rồi!

Tuy miệng a dua theo anh Võ, nhưng trong lòng tôi lại nghĩ khác.

Bị đi tù mút mùa, bình thường thì ai mà không nhớ nhà? Ai mà không thương vợ, thương con? Nhưng mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau.

Anh Võ khai đau dạ dày không bị đi lao động nên có thời gian rảnh mà nhớ vợ, nhớ con. Chứ nếu là người khác, cứ suốt ngày ngâm mình dưới sình, đào ao, khai mương, hay phơi thây dưới nắng cháy da mà cuốc đất với cái dạ dày trống rỗng thì trong đầu chỉ nghĩ tới bát bo bo của nhà bếp mà thôi.

Tuy suy nghĩ vậy, nhưng nhìn anh Võ, tôi thấy thà cứ mơ mơ, màng màng như anh có lẽ đời sẽ bớt muộn phiền, sầu khổ, bon chen…

Ðang nói cười rổn rảng, anh Võ bỗng nhăn nhó ôm bụng, rồi cáo lui. Thì ra anh vừa phát giác trước cổng có ông nhân viên văn hóa Hoàng Xuân Tửu.

Không rõ ông nhân viên văn hóa này đã có mặt ở đây từ lúc nào.

Ông ta đang vểnh tai ghi âm những gì mà hai đứa tôi vừa phát thanh.

Tôi thấy ông Tửu đang quay mặt về bên trái, nhưng tôi biết chắc rằng ông đang nhìn về bên phải vì ông là một “thằng” có đôi mắt lác.

Vậy là “vèo!” lắc mình một cái, tôi đã biến mất về hướng trái của ông cựu Thượng Nghị sĩ.

Tôi chui vào phòng văn nghệ đúng lúc ca sĩ Trần Tiên Sinh đang gầm thét bài “Lá đỏ”.

Tôi không biết tên khai sanh của anh ca sĩ này là gì.

Vì có lần tôi nghe bạn Ðặng Quốc Trụ gọi anh ta là Trần Tiên Sinh, nên tôi cũng gọi anh ta là Trần Tiên Sinh!

Ðặng Quốc Trụ còn nói rằng ca sĩ họ Trần cũng là một cựu Nghị sĩ Quốc-Hội Việt-Nam Cộng-Hòa.

Ngày xưa anh ta làm nghề gì thì bạn Trụ không biết, nhưng chắc chắn anh ta không phải là ca sĩ.

Anh ca sĩ giơ tay lên,

“Gặp em! Trên cao lộng gió! Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ…”

Rồi anh hạ tay xuống, dang tay ra, như sắp ôm cô em nào đó vào lòng,

“Chào em! Em gái tiền phương! Ơi em gái tiền phương! Hẹn gặp nhé! Giữa Sài-Gòn”

Tôi vỗ tay,

– Mừng ông! Ông đã gặp em của ông ở giữa Sài-Gòn rồi, nên tụi mình mới có mặt ở đây!

Ðang cơn phấn kích trổ tài, bị tôi phá bĩnh, anh ca sĩ trợn mắt nhìn tôi,

– Anh…anh là ai mà giờ làm việc lại vào đây quấy rối?

Sợ tôi quấy rầy, không cho ban văn nghệ tập dượt, ông nhạc trưởng là cựu Ðại tá Trần Văn Tín bèn ngừng tay đàn, đứng dậy kéo tôi ra cửa,

– Chú mi mà cứ vào đây phá rối thì anh gọi thi đua bắt chú đó!

Nghe ông Tín đem thi đua ra dọa, tôi cũng teo, chuồn êm.

Ra tới sân, tôi thấy mấy anh văn hóa, thi đua, đang hè nhau trương cái bảng nền đỏ chữ vàng to tổ bố:

“Hoan nghênh phái đoàn quan khách tới tham quan Trại Nam Hà A!”

Ngoài mấy tên cò mồi tép riu vô danh tiểu tốt, tôi còn thấy các ông cựu Nghị sĩ Hoàng Xuân Tửu, cựu Ðại tá Không Ðoàn Yểm Cứ Pleiku Võ Quế, cựu Ðại tá Tỉnh trưởng Pleiku Hoàng Thọ Nhu, cựu Trung tá phi công Lê Bá Ðịnh đang tranh nhau nêu ý kiến ý cò là nên treo cái biểu ngữ này hướng Bắc hay hướng Ðông, nên treo cao hay treo thấp?

Có ông còn cho ý kiến viết một câu chào mừng bằng Pháp Văn, vì nghe nói quan khách kỳ này là Cha Gagnon. Cha Gagnon là một ông linh mục người Tây.

Ðúng là cuộc đời như vở kịch, diễn biến không ngừng, thực thực, hư hư.

Chỉ có thời gian mới cho ta nhìn thấy ai là người đã sống thật tình với ta.

Cái đói khiến chúng ta phân biệt được sự khác biệt giữa con người và con vật. Cái khổ giúp chúng ta đánh giá được sức chịu đựng và nhân cách của mỗi con người.

Chúng tôi đã qua hơn bốn năm bị giam cầm.

Ở Trại Nam Hà A chúng tôi đã thấy những cái mặt nạ rớt rơi, để lộ nguyên hình những con người dối trá, lúc thịnh thời chúng đã đè đầu, cưỡi cổ chúng tôi, lúc sa cơ chúng chẳng khác gì những con dòi.

Ðã có nhiều trang anh hùng hào kiệt ngày xưa giờ đây biến thành cái thứ gì vô cùng đê tiện và hèn mạt. Chúng hại nhau, nói xấu nhau, thậm chí còn đánh nhau để giành giựt những chức vụ nhàn nhã hơn, no bụng hơn và thân cận với cai tù hơn.

Hình như trại nào cũng có ăng ten, thi đua, trật tự, cò mồi?

Ði tới đâu mấy tên này cũng bị người ta nhiếc móc, sỉ vả.

Vậy mà vẫn có người cắm đầu đi theo con đường tà, mới lạ?

Có ai dọa giết đâu mà một cựu trung tướng và một cựu chuẩn tướng cứ phải đóng vai tù cò mồi, lâu lâu lại từ Trại Hà Tây, dẫn xác tới trại này, đầu chải láng coóng, áo quần bảnh bao tiếp phái đoàn nọ, phái đoàn kia, miệng thì rối rít ca tụng những tên đang giam giữ mình là khoan hồng nhân đạo?

Ðôi khi tình cờ gặp lại vài cấp chỉ huy cũ, thấy họ đã đổi thay, tôi đành cúi mặt, rồi quay đi. Ðúng là đối diện gian nan mới rõ đá, rõ vàng.

o O o

Truyện cái radio ở Nam Hà…

Thế rồi bỗng dưng rộ lên cái tin người Mỹ đang điều đình với Việt-Cộng để các tù cựu binh Việt-Nam Cộng-Hòa được đi Hoa-Kỳ tỵ nạn.

Thế rồi tù xầm xì với nhau, rủ nhau gom tiền mua một chiếc radio để theo dõi tin tức tống xuất…

Thế rồi, một hôm tôi đã nhìn thấy cái radio xuất hiện ở Buồng 16…

Vào một buổi trưa, có anh nhà bếp đẩy xe cơm tới Buồng 16, mắt lấm lét nhìn quanh, rồi trao nhanh cho anh Nguyễn Ðình Tuy một cái túi vải.

Anh Tuy giấu vội món đồ vào sau lưng những cái bao bì, túi da, rương gỗ, thùng nhôm của tù ở sát tường.

Tối hôm đó anh Tuy giao chiếc túi vải cho cựu Thiếu tá Nhảy Dù Nguyễn Văn Nghiêm.

Từ ấy, góc trái nơi cuối phòng, chỗ tôi và Trần Tiến Bích nằm, trở thành vị trí an toàn để nhận tin phát đi hàng đêm từ VOA và BBC.

Nhân viên thường trực nghe đài là cựu Thiếu tá Nguyễn Văn Nghiêm, cựu Ðại úy Trần Tiến Bích, cựu Ðại úy Tạ Văn Quang và cựu Ðại úy Nguyễn Văn Ninh. Nghiêm và Ninh là một cặp. Bích và Quang là một cặp. Hai cặp cứ luân phiên nghe đài rồi tường thuật lại mỗi đêm.

Ngay sau khi VOA và BBC chào tạm biệt thính giả thì tin tức nóng hổi đã được truyền khắp buồng.

Sáng hôm sau, trước giờ tù xuất trại đi làm, thì tin tức đã bay đi khắp trại.

Tin tức được truyền tới tai tất cả mọi người khiến cho ai cũng hy vọng.

Xem thêm: Halloween ở Châu Phi & Ấn Độ?

Ai cũng mong có ngày được đưa ra khỏi tường rào rồi được bay sang Mỹ.

Cái radio ở Buồng 16 đúng một tuần, rồi Tạ Văn Quang được trao nhiệm vụ mang nó đi buồng khác. Một hay hai tuần sau cái radio lại quay về Buồng 16.

Tôi không có phận sự nghe đài.

Nhưng những đêm có chiếc radio thì tôi phải làm nhiệm vụ một anh lính gác.

Tôi phải ngồi sát bên cửa sổ, mở mắt cho thật to để theo dõi xem có thằng Công An nào đi tuần tra xuất hiện không?

Tôi cẩn thận và chăm chỉ như vậy mà chút xíu nữa đã để xảy ra một tai nạn. Số là một đêm trăng tỏ, có hai tên Công An đi tuần bước xuống dốc để vào sân.

Chúng mặc quần áo màu vàng, ánh trăng màu vàng, tường vôi thì màu trắng, nên áo quần của chúng nó lẫn với màu trăng và màu tường, làm cho tôi không nhận ra.

Tới lúc tụi nó vào tới giữa sân, nghe tiếng “Sạt! Sạt! Sạt” của giày đạp trên sỏi cùng lúc với hai cái bóng người in trên sân, tôi mới hoảng hồn vỗ lưng Tạ Văn Quang,

“Tắt! Tắt! Chèo! Chèo!”

Ông nội Tạ Văn Quang đang nghe máy một cách mê say bị tôi vỗ lưng bất ngờ nên giật mình hỏi lớn,

– Cái gì thế?

Tôi vừa giơ tay đè cái volume tắt máy thì bên hiên đã có tiếng người gắt gỏng,

-Cái gì à? Các ông đi tuần chứ cái gì mà hỏi? Tại sao tụi mày không ngủ đi? Khuya rồi mà còn om sòm!

Buổi thâu thanh đêm đó bị chấm dứt trước giờ một cách bất ngờ.

Thật là hú hồn! Hú vía!

Mỗi ngày, khi mọi người ra sân tập họp để xuất trại thì cái radio đã được tôi nhét vào bao, giấu dưới đáy thùng vôi bột trong cầu tiêu.

Cái radio đã cũ, âm thanh phát ra lại nhỏ nhí, rất là khó nghe.

Lâu lâu cái máy lại giở trò, á khẩu, không chịu nói, thế là chúng tôi phải mở nó ra, nối dây, nối nhợ, trét nhựa thông, hàn lại.

Nhân việc này mà tôi biết người cung cấp nhựa thông để sửa máy là cựu Nghị sĩ có tên là Trần Tấn Toan.

Anh Toan là người chuyên sửa chữa đàn của đội văn nghệ.

Anh Toan thường xuyên được cán bộ cung cấp nhựa thông để trét các vết nứt trên những cây đàn. Chiếc radio thu sóng đều đều cũng nhờ có bàn tay góp sức của anh Trần Tấn Toan.

Mấy anh bạn ôm đài thu thanh cứ hết lời ca ngợi anh Toan, làm cho tôi cũng thấy có cảm tình với anh ấy quá.

Tới một hôm, tôi và Trần Tiến Bích đi qua phòng văn nghệ, Bích chỉ cho tôi biết mặt người có tên là Toan.

Hóa ra, anh Trần Tấn Toan chính là ca sĩ Trần Tiên Sinh!

Từ ấy, tôi bắt đầu yêu giọng hát của Trần Tấn Toan Tiên Sinh…

Chiếc radio tiếp tục đi từ buồng này qua buồng khác, đem hy vọng cho mọi người.

Cho tới một sáng ngày Thứ Hai đầu tuần, cả trại không phải đi làm, mà bị tập trung trong sân để xếp hàng, chờ kiểm tra tài sản cá nhân.

Chúng tôi phải đem tất cả tư trang vào trong buồng, xếp thành hai hàng trên bục xi măng, cũng là giường nằm.

Sau đó, khi cán bộ đi tới chỗ để tư trang của ai thì anh Nguyễn Ðình Tuy sẽ gọi người đó vào đứng bên túi xách, bao bị, va ly, nón mũ, áo khoác của mình để cán bộ lục soát cả thân mình và đồ đạc.

Ai được kiểm tra rồi thì tự do rời chỗ bước ra sân, thay thế bằng người khác.

Sau ba tiếng đồng hồ, ở Buồng 16, cán bộ Hồng cùng hai vệ binh đã làm việc rất cẩn thận và chăm chỉ nhưng kết cục họ vẫn không tìm được vật mà họ muốn tìm.

Xem thêm: Miệng Nhà Quan ngày 12 tháng 10 năm 2023

Tất cả trại viên Buồng 16 đều vô tội, không ai tàng trữ thứ mà cán bộ đang truy cứu.

Kiểm tra kết thúc, chúng tôi bị tập trung dưới sân, cán bộ Hồng đứng trên hiên nhà, có vẻ hài lòng,

– Mục đích cuộc khám xét hôm nay là tìm xem ai đã vi phạm nội quy, cất giữ cái đài. Tôi đã kiểm tra kỹ, các anh trong hai Ðội 18 và 19 đều là người tốt. Tôi có lời khen ngợi các anh. Các anh có thể tự do sinh hoạt trong sân. Ðợi khi nào tất cả các buồng kiểm tra xong, tôi sẽ mở khóa cổng cho các anh ra sân trại.

Tới xế trưa chúng tôi được mở khóa cổng để đi ra sân trại.

Sau khi dò hỏi, tôi thở ra khoan khoái vì biết rằng cái radio đã không bị khám phá.

Tuy nhiên chuyện vì sao cái radio không bị tịch thu cũng đã bị anh em truyền tai cho nhau. Chuyện bí mật như thế mà chỉ vài bữa sau đã bị “bật mí”

Ði tới phòng nào tôi cũng nghe anh em bàn tán và ca ngợi anh cải tạo viên Hồ Hoàng Khánh đã vô cùng can đảm, lanh trí, lanh tay, giúp cho cái radio không rơi vào tay kẻ địch.

Ngày khám xét vừa qua ở Buồng 15, thì anh cựu Trung sĩ Hồ Hoàng Khánh đứng sau anh cựu Thiếu tá Trần Tấn Hòa, trong cái bao tải đựng áo quần của anh Hòa để lại giữa đường đi có chiếc radio.

Ðang khám tư trang của Khánh thì ba tên Công An tạm ngừng để ra sân họp bàn chuyện gì đó.

Chỉ cần một giây đồng hồ, cái bao tải đã bị Khánh ném nằm gọn trong đống đồ đã kiểm tra phía trước. Ngay trưa hôm đó cái radio đã biệt tăm.

Nếu ai cũng coi cuộc kiểm tra vừa qua là chuyện bình thường ở trại, nếu không có những cái miệng ngồi lê đôi mách, thì chuyện cái radio chắc cũng đi vào lãng quên rồi.

Nhưng quân ta có những cái dở không thể bào chữa được.

Quân ta đã quá ơ hờ, không cảnh giác, không kín tiếng, không đề phòng.

Những gì mà ta đã biết, thì qua báo cáo của bọn ăng ten hay cò mồi, địch cũng biết.

Người đầu tiên bị gọi lên hỏi tội là anh cựu Ðại úy Cảnh Sát Nguyễn Hữu May.

Anh Nguyễn Hữu May là đội trưởng Ðội 17 ở Buồng 15, cũng là người đã móc nối với cán bộ Việt-Cộng để mua chiếc máy thu thanh.

Chỉ mấy ngày sau khi Ðội trưởng Nguyễn Hữu May bị cán bộ tra hỏi thì tên cán bộ trực trại cùng hai vệ binh có đeo AK47 dẫn theo một anh tù đã bị còng tay là cựu Thiếu tá Lâm Minh Ðức đi tới trước cổng dẫn vào Buồng 15 và 16 rồi lớn tiếng gọi,

-Anh Tần, anh Tuy đâu? Ra nhận lệnh gấp!

Trực Buồng 15 là cựu Trung tá Nguyễn Ngọc Tần, Trực Buồng 16 là cựu Thiếu tá Nguyễn Ðình Tuy vội chạy lại,

-Dạ có mặt!

-Hai anh mau gọi ba anh Trần Công Hạnh, Trần Tấn Hòa và Nguyễn Tấn Á thu dọn hành trang cá nhân ra gặp tôi ngay!

Năm phút sau, với ba lô, nồi niêu, ca cóng trên vai, ba anh tù cựu Ðại úy Nguyễn Tấn Á của Buồng 16, cựu Thiếu tá Trần Công Hạnh và cựu Thiếu tá Trần Tấn Hòa của Buồng 15 đã bị còng tay đứng giữa sân bên cạnh anh Lâm Minh Ðức.

Tôi cảm thấy lo, vì Trần Tấn Hòa và Trần Công Hạnh đều là bạn cùng khóa 20 Võ Bị với tôi. Hai bạn tôi đều biết, hai ông tù đàn anh có đóng góp tiền bạc để mua cái radio và mua pin cho radio là cựu Ðại tá Biệt Ðộng Quân Cao Văn Ủy, và cựu Ðại tá Thủy Quân Lục Chiến Nguyễn Thành Trí.

Nếu không chịu nổi cực hình khảo đả, tụi nó mà khai ra, thì hai vị này chắc nguy to. Tôi tới gần, dúi vào ba lô của Trần Tấn Hòa bao thuốc lá Cửu Long rồi nhắn với hai đứa bạn,

Xem thêm: Một đêm ở Mèo Vạc

– Nếu không chịu nổi thì cứ khai tao với thằng Bích, hay thằng Nghiêm, đừng hé răng cho tụi nó biết rằng mấy ông già đã liên quan tới vụ này!

Hòa gật đầu, rồi nhìn tôi, khẳng khái,

– Tới đây là hết! Tụi tao thề rằng thà chết sẽ không khai thêm! Mày nói với anh em đừng tố cáo nhau dây chuyền! Ðừng giết nhau! Ðừng bỏ nhau!

Nghe Hòa nói quả quyết như thế, tôi cũng thấy yên tâm.

Chúng tôi thấy anh Nguyễn Hữu May bị bắt để hỏi cung mới vài ngày trước. Vậy mà chỉ mấy ngày sau bốn người bạn của tôi đã bị còng tay đem đi thì anh em trong Buồng 16 có liên hệ tới cái radio vội vàng họp mặt lại và cam kết với nhau rằng, bất cứ ai bị bắt để điều tra sẽ không khai người khác, dù có chết.

Từ đó, bầu không khí nặng nề, và khó thở đã bao trùm khắp trại.

Chúng tôi cứ sống một cách phập phồng, lo lắng, không biết cái chuyện khai báo dây chuyền này sẽ dẫn tới đâu? Không biết khi nào sẽ tới phiên mình bị trói tay dẫn đi?

Ngay sau khi Nguyễn Tấn Á, Trần Công Hạnh, Trần Tấn Hòa và Lâm Minh Ðức bị áp giải đi, tôi và Trần Tiến Bích cũng tự đặt mình trong tình trạng báo động.

Tôi viết sẵn một cái thư gửi cho vợ tôi, báo cho nàng biết rằng tôi đã bị chuyển trại, không rõ sẽ đi đâu, để nàng không ra thăm nữa.

Thư này nằm sẵn trong lưng của cựu Thiếu tá Lê Văn Chánh.

Ngày nào Chánh cũng phải xuất trại đi đổ phân. Ngày nào Chánh cũng có dịp gặp thân nhân của tù để gửi thư chui.

Trong thời gian căng thẳng này, cứ rảnh rang tôi lại đem hình ảnh của bốn đứa con ra xem.

Lê Văn Chánh thấy cái ảnh thằng con trai út của tôi thì trầm trồ,

– Ồ thằng bé đẹp trai quá! Nó có cặp chân mày và đôi mắt giống bố y hệt! Nhìn qua là biết con trai Vương Mộng Long rồi, không lẫn vào đâu được!

Thằng con trai út của tôi sinh ra ba tháng sau ngày tôi bị bắt đi tù, không biết suốt đời tôi có dịp nhìn mặt con tôi hay không?

Các bạn Nguyễn Tấn Á, Trần Công Hạnh, Trần Tấn Hòa đã bị đưa về Hà-Nội, kiên giam trong nhà tù Hỏa Lò.

Sau này gặp lại nhau, thằng bạn Trần Công Hạnh của tôi đã kể cho tôi nghe rằng, thời gian ở Hỏa Lò nó đã phải viết hằng ngàn tờ khai về những gì liên quan tới cái máy thu thanh ở Nam-Hà.

Nó than rằng nằm kiên giam trong Hỏa Lò thì đói lắm.

Vì quá đói, nó đã ăn hết 8 ngàn… con gián!

Trong nhà tù Hỏa Lò chỉ có một sinh vật muốn thân thiện với người, đó là loài gián.

Gián thích những manh áo tả tơi nặng mùi, quần áo anh tù nào mà không nặng mùi tả tơi? Gián ở Hỏa Lò thì đông vô kể!

Thằng Hạnh là vua câu cá, nó biết gián là mồi nhử mà loài cá thích ăn. Nó nghĩ rằng cá ăn gián được thì người cũng ăn gián được! Thế là nó bắt gián mà ăn.

Nó ăn gián bằng cách này: Một tay nó giữ thân mình con gián, tay kia nó vặn đầu con gián rút ruột gián ra thật là nhẹ nhàng.

Nó vứt ruột, đầu, chân, cánh, cẳng của gián xuống sàn nhà để làm mồi nhử những con gián khác. Nó chỉ giữ lại những cái bụng của gián để ăn. Vậy mà nó cũng đã sống sót sau những ngày đói khát, kiên giam ở Hỏa Lò!

Thời gian trôi, tình hình coi như tạm yên.

Một mất, mười ngờ, sau vụ cái radio thì trong trại đã xảy ra nhiều vụ đánh ăng ten, đánh cò mồi. Ăng ten thứ thiệt bị đánh đã đành, ăng ten tình nghi cũng bị ăn đòn.

Ở Buồng 9 cải tạo viên Phú Dù, bị cải tạo viên Hùng Biệt Cách đánh sưng mỏ.

Trong Buồng 16 người đáng nghi nhất là cải tạo viên Lê Văn Tịnh.

Tôi không biết Lê Văn Tịnh mang cấp bậc gì và ở đơn vị nào.

Lê Văn Tịnh là nhân viên của phòng văn hóa.

Ai cũng nhìn anh ta với con mắt khinh khi và thù ghét.

Chỉ có một va chạm nhẹ khi lên thang, xuống thang trong phòng ngủ, Nguyễn Văn Ninh đã giáng cho Lê Văn Tịnh một trận đòn đau.

Bị hành hung, Lê Văn Tịnh chỉ ôm mặt sụt sịt chứ không chạy lên văn phòng để mách cán bộ trực trại.

Mỗi tối, anh em trong nhà đều tập trung nồi niêu giữa đường đi, sáng hôm sau thì của ai nấy cất.

Tới khi Lê Văn Tịnh cầm nồi cá kho của mình lên thì,

– Ui cha ơi! Anh nào ác quá vậy? Tội nghiệp tui!

Trong cầu tiêu có một thùng vôi bột để rắc trên cứt cho đỡ thối, vậy mà ai đó đã lấy vôi bột đổ đầy nồi cá kho của Lê Văn Tịnh.

Rồi cũng vào buổi sáng một ngày khác, vừa thức dậy, anh cựu Ðại úy Trần Văn Viên nằm cạnh Lê Văn Tịnh la toáng lên,

-Bà con nào xỏ nhầm dép của tôi thì cho tôi xin lại! Ði lao động mà không có dép thì sưng chân, sưng cẳng, làm sao tôi chịu nổi?

Chẳng có ai nhận đã xỏ nhầm dép của Viên, nên ngày đó Trần Văn Viên đi lao động mà không có dép, lúc về thì hai bàn chân sưng lên, anh chàng cứ bước chấm phết như một người bị thọt.

Sáng hôm sau anh Viên thấy đôi dép của mình trở về nằm chỗ cũ, nhưng Lê Văn Tịnh lại la lên,

– Bà con nào đi nhầm dép của tui thì cho tui xin lại!

Hóa ra đêm trước có người tưởng lầm đôi dép của Viên là của Tịnh nên đã lấy nó đi. Ðêm qua người đó đã điều chỉnh lỗi lầm, trả lại dép cho Viên rồi đem dép của Tịnh đi!

Giờ lao động, khi đi đổ thùng, Lê Văn Chánh phát giác ra trong thùng cứt trên xe có đôi dép của Tịnh. Nhưng Chánh cũng chẳng ngu mà bỏ công moi nó ra làm gì.

Hơn bốn mươi năm sau, nhân lúc chuyện trò, nhắc lại kỷ niệm xưa ở trại cải tạo Nam Hà A. Nguyễn Văn Ninh hỏi tôi,

– Ông có nhớ thằng Tịnh ở Buồng 16 không nhỉ?

Tôi trả lời,

-Nhớ! Ngày đó tụi mình cứ nghi nó là ăng ten, mà không biết nó có phải ăng ten không?

Nghe tôi nói vậy thì Nguyễn Văn Ninh có vẻ ngậm ngùi,

– Lúc ấy mình nghi nó, nên tìm cớ gây chuyện đánh nó! Chứ thực tình mình không khẳng định rằng nó có là thằng xấu hay không? À! Mà ông có biết ai đã đổ vôi bột vào nồi cá của nó và ai đã ăn cắp đôi dép của nó không?

Tôi cười,

– Thì tôi đây chứ ai! Tôi đổ một lon vôi vào nồi cá của nó, cứ tưởng nó sẽ đổ cá đi, nhưng nó đã đem nồi cá ra giếng rửa cho sạch vôi, rồi đem đun lại. Nó thêm đường, thêm mắm, thêm dầu mỡ thơm lừng. Nó còn mời tôi ăn, nhưng tôi đâu dám ăn?

Xem thêm: Con Nợ Chú Một Đời (kỳ cuối)

Ðêm trước vì có hai đôi dép giống nhau, nằm cạnh nhau, tôi đã lấy nhầm đôi dép của ông Viên. Hôm sau chỉ còn một đôi dép của nó nên không thể nhầm. Tôi đem dép của nó nhét xuống cầu tiêu ngay. Không ngờ từ đó nó lại đi đôi dép râu Trường Sơn, nhìn nó càng có vẻ giống Việt-Cộng!

Rồi thời gian cứ thế trôi, chúng tôi ngỡ rằng chuyện chiếc radio đã chìm xuồng. Nào ai có hay, địch vẫn âm thầm theo dõi, rồi bất ngờ ra tay.

Một hôm, tay xách gàu nước từ giếng trở về tôi thấy gần chục Công An áo vàng súng ngắn của Bộ Nội Vụ đột ngột xuất hiện trước sân trại và ra lệnh cho vệ binh bao vây Buồng số 3.

Có người bị bắt! Người bị còng tay dẫn đi là cải tạo viên Trần Hàn.

Trần Hàn ở Buồng 3, đa số là dân Cảnh Sát Quốc-Gia.

Trần Hàn là cựu thiếu tá Trưởng ty Cảnh Sát Tỉnh Quảng-Tín.

Nghe đâu anh Hàn bị bắt vì đang giữ một chiếc máy thu thanh.

Tôi nghe tin mà lấy làm lạ. Tôi biết rõ ràng, từ sau ngày kiểm tra toàn trại thì không còn nghe ai nói tới cái “đài” này nữa.

Vậy chiếc radio mà anh Hàn cất giữ từ đâu mà có? Nếu đó là chiếc radio mà tôi đã từng cất giấu ở Buồng 16 thì người ưu tiên bị bắt phải là anh Nguyễn Hữu May, vậy mà anh May vẫn bình yên.

Với tôi, sự việc anh Trần Hàn bị bắt là cả một bất ngờ!

Từ đó, cả trại xôn xao bàn tán sau cú bố ráp này.

Vào buổi sớm tinh mơ hai ngày sau khi cải tạo viên Trần Hàn bị bắt lên ban chỉ huy trại đã có một người tất tả đi vào sân Buồng 16.

Người vừa xuất hiện là cán bộ Hồng.

Cán bộ Hồng gõ “Cộc! Cộc!” vào một cánh cửa sổ,

– Anh Tuy dậy đi! Tôi có việc cần! Mau lên!

Anh Tuy nằm ngay sau cửa, ngồi bật dậy,

– Dạ! Có chuyện gì vậy cán bộ?

– Anh cử một người kéo cái xe cải tiến ra phòng trực ngoài cổng chính gặp tôi!

– Vâng! Tôi làm ngay!

Anh Tuy sắp quay lưng thì cán bộ Hồng gọi giựt lại,

– Hai người! Hai người thật khỏe mạnh!

Anh Tuy hướng về phía cuối buồng, gọi lớn,

– Anh Chánh chuẩn bị cái xe cải tiến! Anh Long đi theo anh Chánh làm công tác với cán bộ Hồng!

(Chánh là cựu Thiếu tá Lê Văn Chánh – Long là tôi, cựu Thiếu tá Vương Mộng Long.)

Lê Văn Chánh mắt nhắm, mắt mở, kiễng chân lên giựt chiếu của tôi, tôi nằm trên tầng hai,

– Long ơi! Long đừng ngủ nữa! Long dậy đi công tác với mình!

Tôi bị Tào Tháo đuổi suốt đêm qua nên thoái thác,

– Chánh tìm người khác, mình đang bị đau bụng.

Nghe biết tôi bị bịnh, anh Tuy nói với Chánh,

– Ông Chánh! Ông chọn ai đi với ông thì chọn. Tôi không ý kiến nữa.

Chánh lại kiễng chân giựt chiếu một người khác cũng nằm trên tầng hai,

– Hòa Voi! Hòa Voi dậy mau! Dậy đi công tác với mình! Nhanh lên!

Người bị Chánh đem theo phụ việc là Hòa Voi, tức là cựu Thiếu tá Hồ Văn Hòa, cựu Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 35 Biệt Ðộng Quân.

Tôi, Hòa và Chánh là bạn quen. Giúp đỡ nhau là chuyện vụn vặt thường ngày.

Mấy giờ sau thì Hòa và Chánh trở về. Chánh lo rửa xe, còn Hòa thì ngồi kể cho tôi nghe chuyện công tác ngày hôm đó diễn tiến như thế này…

Xem thêm: Thiết kế bất tiện (kỳ 2)

Cánh cửa chính Buồng 16 được mở vừa đủ hẹp cho hai người nghiêng mình theo nhau len qua rồi đóng lại, khóa lại.

– Hai anh đi lấy xe! Tôi chờ ngoài cổng.

Cán bộ Hồng vừa ra lệnh cho Chánh và Hòa xong, liền quay gót.

Chánh nói,

– Hòa chờ mình chút!

Hòa lững thững cất bước lên con dốc để ra sân trại.

Chánh đi vòng ra sau cầu tiêu lấy cái xe cải tiến thường ngày dùng để chở phân.

Chánh chính là anh trại viên phụ trách công tác đổ thùng của Buồng 16 này.

Hôm nay là Chủ Nhật, không lao động, nên các buồng, các lán còn ngủ yên.

Chừng hai phút sau Chánh kéo xe tới gặp Hòa,

– Mẹ nó! Chẳng biết có chuyện gì, ngày nghỉ mà nó bắt mình đi sớm thế?

Hòa gật gù đoán mò,

– Chắc đi phụ nhà bếp chở gạo, củi, mắm muối, chứ gì?

– Mình nghĩ không phải đi chở đồ cho nhà bếp! Sức mấy mà cán bộ hậu cần chịu xuất kho vào ngày nghỉ! Chắc cha Hồng trưng dụng tụi mình đi chở cát, chở sạn cho ai đó ngoài Ba Sao để lấy tiền đút túi tiêu riêng…

Chiếc xe cải tiến lộc cộc bò tới cổng. Cán bộ Hồng mở một cánh cửa bên trái cho xe đi qua, rồi khóa lại. Hồng búng tay,

– Hai anh theo tôi!

Chánh kéo xe, Hòa đẩy phụ bằng một khúc tre dùng làm đòn.

Xe quẹo phải đi về hướng phân trại B. Qua một con dốc thì tới khu cách ly, nơi đây có cái nhà kỷ luật. Nếu đi sâu thêm vào trong núi thì tới một khu hang đá có cửa sắt và gông cùm bằng sắt. Nơi đây, ngày xưa dùng để giam giữ tù binh Mỹ.

Hồng chỉ tay vào vật gì đó để bên hiên nhà kỷ luật,

– Hai anh khiêng cái áo quan kia lên xe rồi đi theo tôi!

Hồ Văn Hòa thấy dưới hiên nhà giam có một cái hòm gỗ, chẳng biết ai là người đang nằm bên trong.

Gỗ quan tài hơi mỏng, người nằm trong đó chắc không mập lắm. Khiêng cái áo quan lên xe mà Hòa và Chánh không cần phải bặm môi, vận sức.

Xe đổ dốc, cán bộ Hồng le te dẫn đường đi về hướng phân trại C.

Xe xuống dốc để ra vườn rau.

Qua bãi đổ phân, bãi đổ phân thối quá! Hồ Văn Hòa muốn nghẹt thở. Vậy mà Hòa thấy mặt Lê Văn Chánh vẫn tỉnh bơ.

Ngày nào bạn Chánh cũng phải tới chỗ này một lần. Có lẽ vì vậy mà khứu giác của Chánh đã quen đi, hay là khứu giác của anh ấy đã bị đui, bị điếc rồi cũng nên!

Xe đi qua bãi phân, lên một cái dốc thì cán bộ Hồng giơ tay ra hiệu cho dừng,

– Lạc đường rồi! Quay lại!

Xe lại lộc cộc quay về, đi vòng ra phía sau ngọn đồi có ban chỉ huy rồi tới nghĩa trang chôn tù chết.

Xe vào nghĩa địa thì ở đây đã có sẵn bốn năm tù hình sự ngồi chờ, họ đang vây quanh một cái điếu cày thuốc lào.

Hồng ra lệnh cho Chánh và Hòa hạ chiếc quan tài xuống, rồi đem xe về.

Chiếc xe quay về trại mà không có cán bộ quản giáo đi theo…

Hòa vừa kể chuyện cho tôi nghe xong thì các buồng bắt đầu mở cửa, tù túa ra sân.

Việc đầu tiên trong ngày nghỉ của tù là ào ra giếng tranh nhau múc nước.

Giếng thì rộng nhưng không sâu, nếu chậm chân, chậm tay, có khi vét không còn một giọt. Tôi cũng vác gầu chạy nhanh ra giếng…

Qua cổng dẫn vào Buồng 1, Buồng 2, tôi chạm mặt cựu Ðại tá Ngô, ông Ngô vẫy tay chào, tôi vẫy tay chào lại.

Xem thêm: Con Nợ Chú Một Đời (kỳ 28)

Ðại tá Ngô là bạn của Ðại tá Ủy, Ðại tá Ủy là đàn anh thân thiết của tôi.

Cách nay không lâu, bác Ngô bị anh Bảy Xe Lửa hành hung, đánh cho sưng cả mặt, chỉ vì anh ta nhìn nhầm bác Ngô với một ông đại tá cò mồi.

Một buổi nhá nhem tối, Bảy Xe Lửa đè ông Ngô ra mà thụi, ông Ngô la oai oái!

Anh Nghĩa Âm Phủ đứng bên thấy thế mới can,

– Ê! Bảy Xe Lửa! Sao mày lại đánh bác Ngô! Bác Ngô có làm gì sai mà mày đánh bác ấy?

Bảy vội dừng tay rồi ớ người ra,

– Ủa! Không phải cha này là cò mồi hả? Chết cha! Tui đánh lộn người rồi! Tui xin lỗi đại tá! Tui xin lỗi đại tá!

Ðược thằng Bảy xin lỗi thì Ðại tá Ngô đã sưng cả mặt mũi rồi!

Thời gian này ở Nam Hà A phong trào diệt ăng ten, diệt cò mồi đang dâng cao. Bảy Xe Lửa là thành viên của nhóm “diệt trừ ăng ten”

Thành viên của nhóm này anh nào cũng có võ.

Họ cứ lựa những ngày mưa bão hay vào buổi nhá nhem là ra tay.

Họ thẳng tay đấm bể mõm những tên nịnh hót cán bộ hoặc những tên làm ăng ten đặt điều báo cáo, làm hại anh em.

Những tên nhân viên văn hóa, đội trưởng, hay cò mồi, thấy mấy hung thần này thì sợ đái ra quần.

Tôi trở về buồng, rửa mặt, đánh răng xong thì thấy anh em gọi nhau ra tụ tập giữa sân để nghe tên Công An tên là Chèo Lực thông báo tin tức gì đó.

Len lỏi tới gần, tôi nghe được tiếng Chèo Lực,

– Ðêm qua cải tạo viên Trần Hàn đã trốn học tập lao động bằng cách treo cổ tự tử…

Tôi vỡ lẽ ra, cái xác mà Lê Văn Chánh và Hồ Văn Hòa chở trên xe cải tiến đem đi chôn sáng nay là xác của Thiếu tá Trần Hàn.

Anh Hàn bị biệt giam mấy ngày rồi, vì liên lụy tới chuyện chiếc radio.

Thiếu tá Trần Hàn đã chết vì cái radio.

Tới trưa, tôi chui vào Buồng 2 thăm cựu Ðại tá Cao Văn Ủy. Anh Ủy đang ngồi tập Yoga với cựu Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao và cựu Ðại tá Nguyễn Thành Trí.

Ông bà cựu Đại tá Nguyễn Thành Trí và Ông bà cựu Thiếu tá Vương Mộng Long, USA 2016

Anh Ủy kéo tôi ngồi xuống chiếu,

– Sáng nay thằng cán bộ quản giáo Ðội 32 vào rỉ tai cho thằng Liễu biết rằng đêm qua chúng nó đã treo cổ người tù giữ cái radio để dằn mặt anh em chúng mình.

(Thằng Liễu: là cựu Ðại tá Trần Công Liễu, đội trưởng đội lao động số 32 Trại Nam Hà A. Ông Ủy xuất thân khóa 7 Ðà-Lạt, ông Liễu xuất thân khóa 8, nên ông Ủy có gọi ông Liễu là “thằng” thì cũng chẳng sao.)

Anh Ủy cũng cho tôi hay tên cán bộ này còn bắt Ðại tá Trần Quang Tiến, là người trực Buồng 2 và hai người khác đi sang Trại Nam Hà B làm vệ sinh sạch sẽ căn phòng kỷ luật đã nhốt anh Hàn.

Cựu Thiếu tá Vương Mộng Long và Cựu Đại tá Trần Quang Tiến, USA 2011

Anh Ủy chỉ tay vào cái bát nhôm để sát tường, cái bát còn chứa một khẩu phần bo bo, giọng anh bùi ngùi,

– Ông Tiến có đem về đây di vật độc nhất của chú Hàn là cái bát đựng cơm này. Có lẽ chú ấy chết đi mà bụng còn đói!

Anh chợt thấp giọng,

– Ông Tiến nghi tụi cán bộ đã giết chú Hàn. Trong lúc quét dọn ông ấy thấy xà nhà cao lắm, muốn tự tử phải đứng trên ghế mới với tới xà nhà. Một người bị cùm chân, còng tay thì làm cách gì mà có thể leo lên xà nhà được? Còn sợi dây dù treo cổ, tự dưng mà có ư?

Tôi ngậm ngùi, vậy là đêm qua anh Hàn đã bị cai tù giết.

(Xem Tiếp
Một lần qua sông Đáy (kỳ 4 – 5 – 6 Hết)

Vương Mộng Long
Share Lại Hoài Niệm T.TT


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.