Apr 29, 2024

Tùy bút - Bút ký

Chuyến Xe Mùi Phan Thiết
Nguyên Thường * đăng lúc 11:23:21 PM, Jun 11, 2023 * Số lần xem: 304

 


   Chuyến Xe Mùi Phan Thiết
         (Kỷ niệm chuyến xuôi Nam 1980)

 Chuyện xảy ra đã lâu, vào năm 1980 trên chuyến xe vào Nam để thăm mẹ, các anh chị em của tôi di cư tự do vào sống ở Long Hưng, Lấp Vò, Đồng Tháp. Xe khởi hành từ bến xe An Cựu, Huế lúc 7 giờ sáng, người ngồi chật cứng cọng thêm hàng hóa và gần 70 khách trong lúc chỉ cho phép chở tối đa là 54.

 Thường xe chạy suốt ngày đêm thì tới bến xe Miền Đông và với thời gian dài như vậy, nói chung hành khách đều mỏi mệt kể cả nhà xe. Khách thì ngủ gà, ngủ gật cho đến khi nhà xe thông báo dừng để ăn uống trưa, tối hoặc phải dừng bắt buộc để thuế vụ, công an kiểm tra hàng hóa, tư trang hay dừng đôi phút để xả cái riêng tư.

 Đường thì dài cả ngàn cây số, xe vượt qua không biết bao nhiêu là núi đồi, đèo cao, những cảnh thơ mộng của biển xanh, những áng mây lướt thướt trên đầu, những thôn xóm dựa bên núi mập mờ, khói sương lõa xõa với năm ba cột khói lam vươn lên cao, lên cao trong u tịch, mênh mông,… Những dấu tích của một thời đạn bom đã qua hình như còn đó mà nay thành hồ để chứa nước tưới cho những cánh đồng ruộng khô hạn. Ánh hoàng hôn thầm lặng, chiều rơi trên mặt biển, sông hồ làm cho lòng người quên đi đường xa vợi. Những bản nhạc chát chúa, ầm ỉ, sát phạt thêu dệt một đoạn đời đã qua với bao đau thương, mất mác, hận thù hay vài bản nhạc của họ Trịnh mà lời âm u, tối nghĩa dẫn dắt tâm hồn con người vào cõi thâm huyền, mênh mông, rã rời, u tối,… ru ngủ để lãng quên những gì xảy ra trên quê hương dẫy đầy đau khổ, phân ly với cảnh man rợ của những kẻ bị thương đang quằn quại bởi đớn đau tột cùng trong sự uất nghẹn, phẩn hận khi bị mìn bẩy, bị pháo kích hoặc bị trả thù một cách tàn nhẫn bởi bị kết tội là tề điệp hay Mậu Thân kinh hoàng mang lại. Một đoạn đời đáng để quên và tủi hổ cho quê hương Việt Nam mến yêu.

 Hoàng hôn với hình nan quạt phía sau xe chiếu những tia cuối cùng, cụ già ngồi cùng hàng ghế phía trái của tôi đang ngủ thật ngon lành, tiếng ngáy vi vu hòa với gió, tiếng động cơ xe gầm rú một cách uể oải, một vài ánh đèn pha của xe ngược chiều làm lóa mắt kẻ tỉnh ngủ như tôi. Khoảng nửa đêm xe chạy qua Phan Rang, cụ già thức dậy hét toáng lên.

- Cho xuống, cho xuống.

Nhà xe hỏi:
- Bác xuống ở mô.

Bác trả lời:
- Tui nghe mùi Phan Thiết đây rồi, cho xuống.

Tôi nói với bác:
- Phan Thiết còn xa lắm, bác yên tâm ngủ đi.

Bác lại nói dứt khoát:
- Chú biết mô mà nói bởi con tui ở vùng làm nước mắm mà cái mùi ni, dù tui ở Thừa Thiên cũng còn nghe, huống chi chừ nó sặc mùi nước mắm, tới rồi chú à.
 
Tôi không trả lời vì ngại sẽ làm mếch lòng bác, anh lơ xe nói:
- Bác yên tâm, khi nào tới tụi tui sẽ gọi.

 Nhìn dáng khắc khổ của bác, áo quần bạc màu lếch thếch, nhăn nhúm mà ác thay trong đó cũng có cả tôi. Xung quanh đa phần hành khách là nữ buôn bán đường dài, còn có cả những bà già về thăm quê trở lại theo con bán víu Sài Gòn sinh sống, cuộc sống của thời bao cấp tem phiếu nhì nhằng, cái ăn không đủ nói chi cái mặc. Lòng tôi chát đắng cứ dâng, nhìn trong bóng đêm nhàn nhạt, hầu như mọi người đem theo được thức gì thì ăn nấy…

 Chúng tôi ngồi trên xe đã 15 tiếng, mà xe chỉ dừng đôi chút thời gian để giải quyết nhu cầu cấp bách của cơ thể ví như ăn uống, tiêu, tiểu chẳng hạn, cho nên cái vệ sinh tối thiểu không có hiện diện ở đây. Với lượng người, hàng hóa chất đầy và thậm chí không có chỗ để chân thì hỏi làm sao mà không bốc mùi được chứ, nhất là về phía các bà già ấy lại còn mang theo các sản vật của xứ Thừa Thiên như mắm, ruốc, cá khô để làm quà cho con cháu. Thật ra cuộc sống gặp lúc quẩn bách thì đắn đo làm chi đến môi trường xanh, sạch, đẹp và cũng chẳng ai quan tâm đến thứ này, thứ nọ kể cả trang điểm của người phụ nữ, kẻ đại diện cho cái đẹp của cuộc đời. Những hình tượng như Ngu Cơ, Đắc Kỷ, Tây Thi,… chỉ còn là phù phiếm, nó chỉ hiện diện trong phú quý, giàu sang, nhung gấm chứ cái thời buổi này nếu có thì chỉ họa chăng! Hành khách trong xe, có người lại nghĩ khác, họ cười kha khả lại còn kèm theo lời tiếu lâm dân dã:

- Sặc mùi nước mắm, có lẽ Phan Thiết đến rồi, bà con ơi!

 Hai người trung niên ngồi phía sau, dí dỏm thêm bớt, dối thoại cùng nhau khiến người ngồi xung quanh không khỏi cười toáng lên, khung cảnh vui hẳn lên, tỉnh ngủ hơn nhờ những lời khôi hài ấy làm cho bác ngồi cạnh tôi càng nôn nao thêm và họ không biết rằng chính họ cũng giống vậy.

 Trời sắp sáng, tôi nhìn lại phía bên kia, bác đã xuống Phan Thiết tự hồi nào và bây giờ là Biên Hoà, chỉ còn cách 30 cây số nữa là tới Bến Xe Miền Đông, giờ phút được thấy Sài Gòn, nơi trước đây tôi đã có vài ba lần đến. Sài Gòn vẫn y nguyên nhưng có vẻ khang khác trước, xích lô, xe ôm mời chào một cách vồn vã, sống sượng, sự giành giật miếng cơm, mạnh áo lại nở rộ lời văn vẻ.

- Sư phụ về đâu, giá rẽ thôi mà sư phụ.

Hoặc:
- Anh trai về đâu, thằng em đưa về.

Sự pha tạp, bi bô, tiếng lóng, tiếng gió làm cho lòng tôi cảm nhận được sự mất mác quá lớn, nó đánh mất đi nét truyền thống văn hóa của trước 75 mà tôi đã từng thấy, từng nghe, từng biết. Đường phố có vẻ vắng hơn, người đi lại cũng ít hơn như Trưng Vương, Nguyễn Huệ,… nhưng những khu chợ ở Sài Gòn, xưa nay là nơi tập trung cũng như phân phối hàng hóa nên có vẻ như sầm uất hơn, đông hơn bởi mọi miền đổi về đây, kẻ mua người bán, mắt lấm lét ngó trước nhìn sau như sợ phải gặp ma. Cũng như ở Huế, cái cảnh buôn tảo bán tần, trốn trước lủi sau, nón lá trên đầu cũ mèm của người lai vãng chợ, những khuôn mặt lo âu, khắc khổ góp phần làm tàn phai nét dịu dàng vốn có của phụ nữ Huế, những tà áo trắng hồn nhiên, ngây thơ của nữ sinh sau mỗi giờ tan học hoặc đến trường không còn nữa.
 
Đến Sài Gòn mới thấy trước 75 được ví như hòn ngọc Viễn Đông giờ chỉ còn là ảo, cũng tấp nập, cũng xô bồ nhưng chỉ là cái cảnh kéo lùi về phía trước xa xưa của những nămđầu thế kỷ 20. Tiếng nổ của xe ba gát, xe lam mà khói tỏa mịt mù, ồn ào và có lẽ không có phụ tùng thay thế mà chỉ là đội đi độ lại, ì ạch, oằn mình chở khách, sản vật từ các nơi về đây, chen chúc nhau một cách xuôi ngược, vội vã, tranh thủ từng phút, từng giờ để kiếm miếng cơm manh áo. Cái cảnh bon chen, áo bạc màu, mặt hốc hác, sạm da cháy nắng hay những bác xe ôm chờ khách đang hút thuốc rê chờ khách ở các ngã ba, ngã tư, trước cửa hàng hợp tác xã, trước cổng chợ lòng như đầy lo lắng đưa lời mời khách vãng lai đi xe,… Nhìn cảnh ấy, tôi thật ngỡ ngàng, tiếc cho một thời đô hội, phồn vinh, cái thời mà Sài Gòn được ví là hòn Ngọc của Viễn Đông. Ngồi trên chiếc xe lam về Xa Cảng Miền Tây, hình như đường phố vẫn vậy, đó đây vài cửa hàng buôn bán hợp tác xã và đổi khác chỉ là vậy thôi. Sự im ắng một cách ngạc nhiên, lác đác một vài cái quán bán lẻ hẩm hiu ở bên đường chỉ có tấm ni lông phòng khi mưa nắng.

 Và đây là Xa Cảng Miền Tây, 8 giờ sáng tôi mua vé và lên xe về Sa Đéc, 3 giờ (15 giờ) chiều mới tới phà Bắc Mỹ Thuận, qua phà xe chạy tiếp hướng Sa Đéc, sau đó đi xe ôm về Hoà Long rồi mới tới Lộ Mới, dọc Lộ Mới về phía phải, cách Hoà Long chừng 1 cây số là nơi Mẹ và các anh chị em của tôi đang ở. Trời đã gần chạng vạng, vẻ hoang sơ của ruộng đồng, sông nước, những con người mộc mạc, chân quê, những bà già chân trần đầu quấn khăn, những anh thanh niên vạm vỡ, vai u thịt bắp, những ngôi nhà lá đơn sơ nhìn mà não lòng, nhưng bù lại họ có tâm hồn, tình chất phác thật thà của người dân miền sông nước.

 Lai rai cứ mỗi chiều về, ở đây tôi không tránh khỏi cái vui dân dã ấy nhưng chỉ ít thôi chứ không bằng người ở nơi này được, thức nhắm chỉ là trái ổi, xoài chấm muối ớt, khá lắm là năm ba con khô nướng hoặc vài khúc cá dồ nấu canh me chua,… Và cứ thế mỗi chiều lai rai xen và đó là vài câu vọng cổ, tân cổ giao duyên ca tụng tình yêu đôi lứa hay vẻ thanh bình nơi đây. Tính chất phác, yên phận với mươi công đất, thậm chí chỉ vài ba công mà cha ông họ để lại, sinh cơ bắt nguồn từ ấy. Nhưng trên tất cả là họ thấy vừa lòng, thỏa mãn, đất cho họ niềm tin và nhất là an phận, họ không nói gì khác ngoài ruộng đồng, ao cá, sự đi lại bằng ghe xuồng,… những chiếc cầu bắc ngang rạch mà bề ngang chỉ chừng 1 mét giúp cho họ đi lại thuận tiện hơn và chỉ thế thôi.

 Sau đó vài năm, tôi lại đi một vài chuyến xuôi Nam để thăm lại các anh chị em của tôi trong ấy. Đời sống của xứ ấy vẫn vậy, còn riêng tôi có thay đổi nhưng từ làm công ăn điểm, ngày công chưa được vài lạng lúa ở hợp tác xã nông nghiệp chuyển sang đi xe đạp thồ ở Huế, áo quần vá nhiều màu lôi thôi nhưng bù lại ngày cũng được chục bạc Bắc đủ để đổi gạo (khoảng 10 lon, chừng 3kg gạo) để sống và thức ăn chỉ là những trái khế chua hay vài đồng cá loại nhỏ bằng mút đủa,…

 Hơn 30 năm kể từ 1983, hơn 1/4 thế kỷ, tôi có dịp trở lại Sài Gòn đôi ba lần, những con đường, nhà cửa có sự đổi thay. Đó là tất yếu, là đương nhiên nhưng so với các quốc gia lân cận như Thái, Sing, Malaysia,…thì còn khoảng cách quá xa để kịp họ, vẫn trì trệ, i ạch đuổi theo một cách ngu ngơ, phát triển một cách tự phát không như những quốc gia kể trên, thậm chí của Sài Gòn trước 75 đã làm. Từ đó con người không còn nét dịu dàng, hồn nhiên, nét truyền thống, cách ứng xử, giao tiếp cũng dần hòa tan và trôi theo dòng sông lịch sử. Con người đông hơn, hỗn tạp hơn; thành phố rộng hơn, cao hơn và cái tên giờ cũng đổi khác và rồi tất cả theo chiều biến thái ấy. Khói bụi ngút trời, không khí lan tỏa mùi tạp uế, khó thở, những con kênh nước đen thui có lẽ nó chứa tất cả những tạp chất dơ mà nó có thể chứa. Những con đường xưa vẫn y nguyên nhưng giờ có tên khác, nghe lạ lẫm và tất cả đều đi vào dĩ vãng, dĩ vãng của sự chua chát, đắng cay gợi cho tôi một thời để nhớ và để yêu khắc cốt.

 2011. Nguyên Thường
Được gửi từ iPhone của tôi



 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.