Apr 20, 2024

Truyện ngắn

Rán yêu đời, hỡi nhỏ
Lê Thị Huệ * đăng lúc 10:52:00 PM, May 12, 2023 * Số lần xem: 597
Hình ảnh
#1

đàn ông hiền đàn ông báu vật

nụ cười hiền mắt môi hiền

trái tim hiền da thịt hiền

đàn ông hiền ơm hơn sao trên trời

quân tử hiền thường ấm áp

đậu lại trong cuộc đời người đàn ông hiền

như con chim trống hiền ngửi đuôi con mái

nhìn mùa thu bay qua mái ngói…

 

   ảnh của: Giang Ngọc Tuyết, Nữ Trung Học Qui Nhơn, 1973

 

 

Tôi chỉ vừa học xong lớp mười hai và chưa đầy mười tám tuổi. Sơn còn gọi tôi là “cô bé”. Trong bọn Sơn lớn tuổi, lớn con, và được những tên con trai cùng bọn gọi anh xưng em với. Mỗi lần chúng tôi ngồi riêng với nhau. Long thường nói “Anh Sơn cái gì cũng được. Điển trai, hát hay, ai cũng thích nói chuyện. Chỉ tội hơi kém may mắn.” ‘May mắn cái gì?” Có lần tôi hỏi lại Long trong khi đan tay tôi vào tay chàng. Long nhìn tôi và nở nụ cười hóm hỉnh “Lại hình như hơi không lanh chân lẹ tay bằng anh”, Long nói. Tôi tròn xoe mắt ngước nhìn Long và hỏi nữa: “Lanh tay lẹ chân cái gì.” “Hỏi. Hỏi. Sao Châu hay hỏi thế. Biết như vậy để làm gì.”

Tôi đã chẳng tiếp tục hỏi Long điều gì nữa. Long là những gì tôi muốn biết trước tiên. Long chỉ bị một cái xương cá mắc vào cuống họng. Tôi đã lật đật đi lùng thuốc bắc ở dưới đường Phan Đình Phùng. Ông thầy thuốc bùa phép hỏi bao nhiêu chi tiết như Long có bao nhiêu cái răng và lúc sanh ra có sanh ngược không, tôi cũng biết. Suốt một niên học tôi đã để rơi rớt những quyển tập triết học nhập môn, cổ văn, kim văn, ở những nơi nào không biết nữa. Mà tôi nhớ cái áo khoác ngoài của Long máng ở đâu. Nhớ ngày nào Long cắt tóc. Và nhớ cái mảng da ngực rám nắng chỗ hở hai  nút áo đầu tiên dưới cổ chàng.

Sơn ở đó vào cái lúc bắt đầu. Sơn là người đồng hương cùng nhóm, học trên tôi ba năm. Thủa còn trung học anh đã đôi bận đàn cho tôi hát ở những buổi văn nghệ của trường. Sơn mời tôi đến tập văn nghệ của nhóm vào những ngày đầu tiên tôi vừa lên Đà Lạt trọ học. Tôi ở ký túc xá nữ trong trường. Sơn ở một cái xóm rất xa viện. Sinh hoạt chính ở con đường lớn trong xóm gồm một cái chợ nhỏ, một trường trung học tự thục tạp nhạp, và một tiệm nhảy. Phải là Sơn, tôi mới mạnh dạn cuốc bộ đến chung cư của anh tập hát vào những ngày chân ướt chân ráo mới sống xa nhà lần đầu.

Những buổi tập hát ở phòng trọ của Sơn trở thành những cuộc hò hẹn đầu tiên giữa tôi và Long. Long không hát, chỉ đến xem chúng tôi tập. Ở buổi tập hát đầu tiên nơi phòng Sơn. Long từ phòng bên cạnh bước sang. Bước vào phòng giữa một bọn con trai con gái năm bảy đứa. Đôi dép của Long bị trật quai. Chàng cúi xuống sửa đôi dép, vừa mỉm cười nhìn tôi ngồi ngay cạnh cửa  chỗ gần chàng nhất và nói: “Dép thấy người đẹp nó biểu dừng lại nhìn.” Tôi vừa dợt xong mấy câu hát. Long đã với tay mở cái hộp trên bàn Sơn lấy đưa cho tôi một cái kẹo. Mấy con gái thấy kẹo bèn hỏi thăm. Nhưng chỉ có một cái trong chiếc hộp thiếc. Long ghé sát bên tôi nói nhỏ: “Tôi biết ở trong hộp chỉ còn một cái thôi đấy.” Sơn ra ngoài mua gói kẹo. Sơn hỏi tôi thích loại nào. “ Kẹo nào cũng được”. Tôi nói. Nhưng sau đấy trong túi áo len của tôi đầy một nắm kẹo chanh của Long lẻn ra mua trong khi tôi mải nói chuyện với mấy con bạn.

Sau này tôi nói với Long: “Cái miệng anh tán gái dẻo quẹo”. Hồi đó em biết kẹo dừa trong hộp là của anh Sơn mà sao anh nói kẹo chanh của anh em cũng muốn nghe.”

Cuối niên học ấy là mùa hè đỏ lửa 72. Bọn con trai bị gọi đi lính nườm nượp. Sơn và hai người trong bọn bị gọi. Long thoát. Buổi văn nghệ đưa tiễn những người con trai ra mặt trận có cả rượu, chửi thề, và ca nhạc. Long kéo vài tên con trai về phòng uống rượu  và chửi thề om sòm. Tôi ngồi với đông người ở bên phòng Sơn nghe anh hát. Anh hát bài tủ của anh. Khi Sơn lên giọng “Bao giờ tôi về gần em cùng đếm, này trăng, này sao chia chia nhé em…” bao nhiêu đứa con gái trong phòng đều rơm rớm nước mắt, kể cả tôi.

Qua khỏi mùa hè, trường mở cửa khi tình hình hơi lắng dịu. Tôi trở lại khoảng tháng tám. Nghe tin Sơn đã vào quân trường.

Mùa hè ấy tôi nói với gia đình tôi phải lên sớm để thi lên lớp vì kỳ thi cuối năm trước đấy bị cắt đứt bởi chiến cuộc. Nhưng tôi đã dành hết mùa hè cho Long. Tôi không ở trong ký túc xá. Căn phòng của Sơn cạnh phòng của Long vẫn để trống cho đến ngày tôi rời Đà Lạt. Có những đêm ở bên này khung cửa. Tôi ngồi nhớ lại những ngày đùa giỡn ca hát ở bên kia mới đây mà nay đã quá xa xôi. Những gì xảy ra sau đấy giữa tôi với Long để lại trong tôi những ám ảnh không dễ dàng dứt bỏ. Nếu có một điều tôi còn ngơ ngác thí chính là điều tôi vẫn chưa hiểu nổi con người của Long. Hay tôi không biết phải nên hiểu chàng như thế nào . Nhưng có khi cái quyết định của ta thì nó không nằm ở chỗ cần phải hiểu thêm điều gì nữa. Tôi bỏ kỳ thi cuối năm . Bỏ luôn năm học kế tiếp.

Tôi không có người thân thích nào ở Pleiku, ngoại trừ con bạn tên Diệu vừa mới lên xin dạy học tư được một năm. “Hai đứa con gái thất tình ở chung với nhau. Diệu nói với tôi, thì nên dọn cái hỏa lò ra trước nhà vừa chụm bếp vừa biểu diễn mời trai may ra mới hào hứng nổi để mà nấu ăn. “Tôi với nó đi ăn hàng ngoài chợ, la cà ngoài đường nhiều hơn trong nhà. Hễ ngồi hay nằm trong nhà là hai đứa tôi say sưa nói chuyện bồ bịch cũ. “Mày nghĩ coi có được không chớ. Diệu nói. Thằng chả về nghỉ phép. Đi lên tưởng khiêng lên cái gì. Ai ngờ khiêng lên thêm một con nàng dâu mới toanh. Mày coi tao có tức ứ hự không chớ. Đểu vừa vừa thôi chứ. “Mày vậy là còn sòng phẳng đường đường chính chính. Tôi rít lên. Mày biết con đĩ ngựa ở cái ổ bên kia đường đối diện căn lầu của Long. Nó qua phòng chỉ mặt tao và nói nó tin là cái bầu hai tháng trong bụng nó là của Long. Coi bộ con nhỏ mê chàng ta dữ. Thôi tao bỏ cuộc. “Diệu ưa vô quán nước nghe nhạc và  uống cà phê đen đậm. “Mày đi với tao, Diệu rủ. Cái xứ Pleiku này toàn là lính với lính. Đi một mình vào quán. Ớn màn anh hùng nổ súng bất tử vì em gái “Tôi hay rủ nó đi chợ. Vì lúc eo sèo tôi chỉ thích ăn và thích nhắm mắt ngủ chứ không thích ngồi trầm ngâm và mở mắt trừng trừng ngó trần nhà như nó.

Đôi khi tôi cũng chiều theo ý Diệu. Buổi chiều ở đây mưa lất phất, trời thấp. Tôi kiếm không ra việc. Nằm trong phòng Diệu trùm chân kín mít. Diệu đi dạy về. Dựng đầu tôi dậy. “Đi. Đi. Làm ơn đi ra ngoài gấp.” Diệu la lên ơi ới. Nó kéo tôi vào cái quán trên đường Phan Bội Châu. Quán nước đông đặc những bộ đồ lính và tương đối có nhiều con gái. Nhưng gần như họ đều ngồi với bạn trai. “Mày ham chi ba cái cảnh hoa lạc giữa rừng gươm này, ớn thấy mẹ. “Tôi nói với Diệu. Hai đứa kéo ghế ngồi xuống. Bồi bàn vừa vào trong lấy nước. Tôi sờ cái lòng bàn tay Diệu. “Bàn tay mày còn hay lạnh ngắt và đổ mồ hôi nữa không?” Tôi nói. “Đổ còn bạo hơn xưa. Diệu nói. Không phải chỉ run mà bây giờ thấy tên con trai nào mới đá lông nheo thôi cũng đã đổ mồ hôi hột rồi. Sợ thì sợ nhưng mà càng thất tình càng thấy đàn ông đáng yêu.”  Bình thường nó đã hay nói. Có những lúc nó còn nói lung tung hơn. Tôi đá chân Diệu ra dấu bảo nói nhỏ xuống khi thấy hai người lính đi ngang bàn. Tôi nhìn xuống ly chè khều mấy viên đá bỏ lên miệng. Nước đá lạnh làm lưỡi tôi tê buốt. Diệu đá lại chân tôi dưới bàn. Nó nhìn về hướng hai người lính vừa ngồi xuống , ra hiệu với tôi:

–               Kìa, nhìn kìa.

Tôi nhìn sang bàn hai người lính. Người lính cao lều khều vận bồ đồ lính sư đoàn 22 bộ binh đang nhìn tôi. Chúng tôi nhận ra nhau.

–               Châu hả.

–               Anh Sơn

Sơn kéo ghế và kéo bạn qua ngồi bàn với chúng tôi. Tôi nhìn cái lon chuẩn úy trên cổ áo anh.

–               Anh mới đổi lên Pleiku? Tôi nói.

–               Anh chỉ mới ra đơn vị một tháng. Cô bé không nhớ chỉ mới hơn một năm à.

–               Á. Á. Tôi ú ớ.

Người bạn của Sơn đỡ lời:

–               Mày mời hai cổ đi ăn tối đi.

Chưa ai nói tiếp câu nào. Anh chàng đã nhanh nhẩu:

–               Hay là hai cô mời tụi tôi dzề nhà. Lâu quá không được ăn cơm nhà.

Chúng tôi đồng ý về buổi cơm chiều ngay tại chỗ. Trên đường về chỗ ở của Diệu. Chúng tôi chia ra thành hai cặp . Sơn và tôi đi sau lưng Diệu và người bạn của Sơn. Tôi dẫm lên những vạt đất đỏ dưới lề đường. Chiếc guốc của tôi dính nặng bùn đất đỏ.

–               Cái xứ gì mà bầy nhầy đất đỏ. Chán ghê. Tôi mở đầu câu chuyện.

–               Ở đây quanh năm như vậy, Sơn nói.

–               Anh chọn chi cái nơi này.

–               Không chọn mà cũng như chọn. Sơn nói trong khi dừng lại châm điếu thuốc.

–               Vậy nghĩa là sao? Tôi tò mò hỏi.

– Khi lớn lên rồi cô bé sẽ hiểu. Sơn nói. Thứ hệ lụy mạnh mẽ của định mệnh. Đôi khi ta không chọn nhưng cuộc đời chọn ta.

Mưa nhỏ hột lất phất rơi xuống. Chúng tôi tiếp tục đi. Ở nơi đây mưa rả rích dầm dề quanh năm là chuyện thường. Người chúng tôi phủ một lớp nước mưa mỏng. Tôi cài nút áo choàng mưa lại. Sơn mặc áo lính, còn xắn cả tay. Vài tốp lính đi ngang chúng tôi, nhận ra Sơn. Họ chào nhau. Họ đều còn trẻ, cùng trang lứa với Sơn hoặc nhỏ hơn.

–               Bạn anh hả? Tôi nói.

–               Ừ.

–               Tên chuẩn úy vừa chào anh trông măng thế. Chắc chỉ bằng tuổi em.

–     Quen trong quân trường. Sơn nói. Nó cũng bị gọi đợt 1972 vừa qua. Đợt đầu cuả anh toàn là sinh viên. Mới ra đơn vị hàng loạt cả.

Tôi quay sang nhìn Sơn.

–    Em vẫn gặp anh Điển ở Nha Trang. Tôi nói. Anh ấy cũng bị động viên một lần với anh. Sao giờ anh Điển còn phất phơ ở đấy.

–               Nó trốn. Sơn nói.

–               Hai anh thân nhau lắm. Chuyện gì lại chẳng giúp nhau.

–               Anh không làm được như vậy.

–               Bộ anh chịu đời lính lắm hả?

–               Không.

–    Hm. Nhưng anh quá kiêu hãnh để không làm điều này. Tôi kéo áo choàng kín ngực, lên giọng với Sơn. Công chính. Ngay thẳng. Chỉ có lỗ thân mình. Ở thời này chỉ có những kẻ gian ngoa mới lời. Em thấy vậy đó.

Sơn quay sang nhìn tôi một lúc. Tôi im lặng không nói một đoạn đường dài. Qua khỏi phố chợ bớt ồn ào hơn. Sơn hỏi tôi.

–               Châu có chuyện gì à?

–               Chuyện gì là chuyện gì? Tôi lấc cấc hỏi lại.

–               Ăn mặn xốc xếch. Không son phấn gì cả. Cô làm gì ở đây?

–               Đi bụi đời.

Tôi ngước mặt lên và nói. Những hạt mưa rơi xuống nặng hơn. Tôi ngửa mặt hớp vài giọt, chúng tôi băng qua đường.

Buổi cơm tối một mình Diệu ra tay trổ nghề. Món cá chiên xốt cà của nó sạch bách. Nó mãn nguyện khi đưa tiễn hai người lính ra về.

–               Tao đoán hai tên naỳ thế nào cũng mò trở lại. Diệu vừa khép cánh cửa lại vừa nói.

Tôi dặn Diệu trả lời là tôi đi vắng mà có khi tôi nằm bên trong bức tường chắn giữa giường ngủ và cái bàn  vừa tiếp khách vừa làm bàn ăn vừa chấm bài của Diệu. Diệu đùa giỡn với người bạn của Sơn. Đôi khi giữa sự im lặng cuả hai người. Tôi nghe tiếng hát của Sơn nghêu ngao. “Hãy khóc đi em, cuối cuộc tình…”

Pleiku lạ nước lạ cái. Một con bạn ồn ào. Và những ngày thất nghiệp không giữ được tôi. Tôi sắp sẵn hành lý để giã từ.

Hai ngày trước khi tôi có chuyến bay. Diệu đi Phú Bổn. Chỉ còn một mình tôi ở nhà.

Sơn lò dò đến vào khoảng sáu giờ chiều . Không có người bạn.

–               Sao không bật đèn. Sơn nói khi tôi ra mở cửa.

Tôi đến cạnh bàn ăn bật ngọn đèn lên.

–               Ở nhà một mình không sợ ma sao cô bé. Sơn nói.

–               Anh nói thêm nữa, em khóc à.

Sơn không nói nữa. Tôi cũng khóc. Nước mắt tôi tràn ra như lâu lắm chưa khóc. Sơn ngồi

ở cái ghế đối diện. Không nói điều gì. Một lát sau tôi cũng phải im. Sơn rút trong túi áo ra một gói kẹo.

Tôi đỡ lấy gói kẹo.

–               Kẹo dừa. Tôi nói.

–               Châu thích kẹo này. Sơn nói.

Tôi gật đầu. Những viên kẹo dừa ở trong cái hộp kẹo của Sơn ngày nào Long vẫn mở trao cho tôi. Chúng tôi dùng cơm tối với nhau. Tôi nấu canh bí sáp với tôm.

         Sau buổi cơm tối. Sơn đưa ra một lá thư.

–               Anh có nhận được thư của thằng Long ở Sài Gòn.

         Tôi im lặng không nhìn lá thư.

–               Nó nói tùm lum về cô đấy. Sơn nói.

Rồi tôi cũng không cầm được. Tôi mở lá thư ra và đọc một hơi. Long kể lại chuyện gì đã xảy ra. Lá thư gửi cho Sơn.

Tôi đứng dậy trao lá thư cho Sơn và nói.

–    Không có người cho. Cũng không có người nhận. Làm gì có chuyện không chịu thông cảm. Thư này Long đâu có gửi cho em.

Tôi bỏ ra sau nhà một lát. Lúc tôi trở vào. Sơn nói.

–               Đi ra phố một lát không.

Chúng tôi đi ra ngoài. Trời vừa đêm. Hơi lạnh. Mưa như màn bụi rất mỏng. Bóng tối kín mít những lùm thông trên cao. Những lề đường mấp mô tranh tối tranh sáng. Sơn bật chiếc dù lên che cho tôi.

–               Bỏ qua chuyện đó đi. Sơn nói.

–               Chuyện gì. Tôi nói.

–               Vụ lá thư. Sơn nói.

Tôi thò tay vào túi áo. Đụng phải những viên kẹo. Tôi bóc lấy một cái bỏ vào miệng.

–        Bỏ thì bỏ. Tôi nói. Nó cũng đáng để nhớ. Thôi nói chuyện những viên kẹo. Anh luôn luôn có kẹo này. Loại kẹo dừa chính gốc thổ sản Nha Trang. Đâu mà dường như khi nào anh cũng có sẵn vậy.

–               Bà già gửi.

–               Mẹ cưng con trai dữ.

–               Khi còn nhỏ anh rất thích. Bà ấy vẫn nghĩ anh chỉ ăn thứ kẹo này.

–               Nó vừa dẻo vừa ngọt vừa thơm tận cuống họng

–        Hôm kia bà già gửi lên một gói đồ hộp. Gặp bữa cạn túi, Mấy thằng lính trong trại làm sạch hết mọi thứ ngay. Chỉ còn gói kẹo này.

Chúng tôi vừa tiếp tục nói vừa đi qua những con đường lên dốc xuống lũng quanh phố. Những con đường đen thui thui. Thỉnh thoảng những chiếc xe nhà binh phóng ngang cán lên những vũng nước đọng, bắn bùn lên phía Sơn. Có những chiếc chạy ngược chiều quệt ánh sáng vào mặt chúng tôi. Câu chuyện liên tu giữa những nhịp chân. Sơn nhắc về Nha Trang, bãi biển, những buổi chiều hè chúng tôi có dịp ra bãi chung ngày còn học trung học. Tôi im lặng nghe Sơn nói khi thấy anh đang hào hứng. Khi thò tay vào túi áo đã cạn kẹo. Tôi cắn vỡ viên kẹo trong miệng

–  Anh không ra phố với người bạn. Tôi nói.Cũng không định mang lá thư đã cũ của  Long đến. Không lẽ đi lại cho em mấy cục kẹo.

Sơn hút hết điếu thuốc , trầm ngâm một chút, rối nói.

–        Châu nhớ thằng Đức Cống. Bạn anh học cùng lớp. Bị gọi động viên một lượt với anh không?

–               Nhớ chứ. Tôi nói. Em có gặp anh ấy trên này. Ngoài đường Hoàng Diệu.

–               Hắn vừa chết đêm qua. Sơn nói. Xác còn ở trong quân y viện.

–               Sao vậy. Em nghe anh ấy nói về bộ chỉ huy mà.

–               Bị trúng đạn pháo của Việt Cộng ở ngay bộ chỉ huy.

–               Hm.

–               Anh vừa lên thăm nó. Xong thì đến Châu.

Tôi dừng lại. Theo nhìn con đường trước mặt xem thử đây đang là ở đâu.

–               Anh biết đường gì đây không? Tôi nói.

–               Không biết. Anh không biết. Sơn nói.

Sơn đứng khựng lại một lát và nhìn bốn phía. Lần đầu tiên tôi thấy giọng Sơn có vẻ hơi lỏng, mất bớt chút quả quyết. Con đường trước mặt dẫn ra khỏi phố. Chúng tôi đứng trên lề đường đã thưa thớt nhà cửa và chỉ còn là những trại lính. Bên kia đồi là những trại lính nối tiếp những trại lính. Bên tay phải chúng tôi lác đác những mái nhà tôn lè tè ọp ẹp không rõ hình thù. Gío từ dưới lũng, hướng trống nhà, thổi lên. Hai vạt áo dài của tôi bay phần phật. Tôi câm miệng nhìn Sơn rồi nhìn mặt đường. Tôi không thấy gì cả. Chỉ thấy điều gì đó đặc quánh không hình thù trong đầu. Sơn cầm cây dù đứng trên mô đất. Bình thường anh đã cao hơn tôi nhiều. Lúc này Sơn lại càng có vẻ cao hơn . Rất cao. Mắt anh hướng về phía phố. Chỗ xa xôi có nhiều ánh đèn. Sơn đứng như đang đứng một mình. Không có ai bên cạnh. Một lúc như vậy trôi qua.

–               Em muốn về. Tôi nói.

Chúng tôi về đến chỗ trọ cũng đã mười giờ đêm. Tóc tai áo quần của hai chúng tôi đều thấm nước mưa.

–               Lần tới không biết khi nào mới gặp lại Châu.

Sơn nói trong khi tôi rút chìa khóa ra mở cửa. Lúc mở cửa bước vào trong nhà. Tôi nhìn Sơn.

–               Anh Sơn vào ngồi cho ráo nước mưa tí rồi hẳn về. Tôi nói.

Chúng tôi vào bên trong. Tôi pha ấm trà và mời Sơn.

–               Nhà chỉ còn có thứ này. Tôi nói. Ấy chết. Anh trễ giờ vào trại rồi.

Sơn không đáp. Cầm cái bao thuốc lá vò nát. Những cửa tiệm trong xóm đều đã đóng . Sơn hết thuốc lá. Tôi móc trong xách tay ra một gói thuốc Pall Mall của Mỹ.

–               Thuốc lá đâu ra đây. Sơn nói.

–               Em hút.

Tôi đặt gói thuốc và chiếc bật lửa lên mặt bàn.

–               Em không ghiền đâu. Tôi nói. Cho đỡ trống trãi trong lúc này.

Sơn mở gói thuốc ra chìa cho tôi một điếu.

–               Không. Tôi nói. Em không hút trước một người thứ hai.

–               Châu có vẻ cần về Nha Trang gấp. Sơn nói.

–               Ngày mốt

–               Cô bạn sao chưa về. Sơn hỏi.

–               Nó nói chiều nay. Tôi nói. Không hiểu sao giờ này chưa thấy về.

         Chúng tôi ngồi nói chuyện trên trời dưới đất cho đến gần khoảng mười hai giờ khuya. Sơn đứng dậy và cầm cái mũ lưỡi trai lên tay.

–               Thôi anh về. Sơn nói.Châu đi ngủ đi.

Sơn ra cửa. Tôi bước ra mở cửa. Cánh cửa kêu lên ken két những âm thanh vang động vào đêm tối bên ngoài. Khi Sơn quay lại nhìn tôi định nói điều gì.Tôi bỗng bật lên khóc ngon ơ. Rõ ràng tôi không thể chịu đựng nổi ở trong căn phòng này một mình nữa.

Sơn trở vào bên trong. Anh ngồi xuống ghế. Tháo đôi giầy ra rồi đi rửa mặt.

–               Có cái chăn dư nào không. Sơn hỏi khi trở lại phòng khách.

Tôi tần ngần trao cái mền.của tôi cho Sơn.

–    Đi ngủ đi. Sơn chỉ cái ghế ăn dài bằng gỗ và nói.Anh nằm trên cái ghế này. Lính tráng ngủ ở đâu chẳng được.

Tôi vào giường nằm. Nhưng không ngủ được.Tôi không còn nghĩ đến mối tình với Long nữa. Nhưng tôi ứa nước mắt vì mình. Tôi đã cho đi tình yêu và những gì trân trọng nhất của đứa con gái mới lớn. Tôi không muốn tin điều mà người ta gọi là lầm lỡ hoặc lầm người. Điều gì đã xảy ra? Và bây giờ tôi mới thấm thía cái quyết định táo bạo bỏ học, bỏ gia đình, bỏ đời sống cũ, cũng không thể xóa nhòa được mọi chuyện. Bước chân đã đi qua không còn trở lại được nữa. Tôi không còn là con bé nhắm mắt lại ngủ một giấc không ưu sầu của ngày nào. Tôi lại bật khóc. Khóc nức nở và lớn tiếng.

Sơn đến bên tôi. Anh xoa tóc tôi. Đắp chân cho tôi.

Tôi quay mặt vào trong và vùi đầu xuống gối. Mặt gối đã ướt đẫm nước mắt vẫn không giấu được những tiếng nấc nghẹn ngào của tôi.

Rất nhẹ nhàng Sơn ngồi xuống. Kéo tấm chân và nằm xuống cạnh tôi. Tôi ngửi thấy hơi thở của anh phía trên  tóc. Giữa những cơn nức nở không thể ngừng được. Tôi vẫn cảm thấy tay Sơn choàng qua vai tôi và nói nhỏ.

–               Nín đi. Rán yêu đời. Cô bé, rán yêu đời. Ngủ đi.

–             Má ơi! Nằm cạnh một đừa con gái suốt đêm mà không có chuyện gì xảy ra. Thiệt không a. Thật là sự lạ, Diệu nghe tôi kể lại trong khi nó đưa tôi ra phi trường. Tên lính này thuộc loại lính gì đây. Nó chót chét cái miệng, vỗ tay lên đùi, và nhìn tôi.

–               Lính này là lính trừ bị Thủ Đức đấy mày ạ.

Tôi cười và nói lại với nó.

Trong khi ngồi lục cái xách tay. Tôi lượm được mấy điếu thuốc lá nhầu nát dưới đáy. Tôi trao cho Diệu và nói:

     –   Để lại cho mầy đấy. Hút một mình đi nghe nhỏ.

     –    Coi kìa. Cái mặt sao mà hí hửng. Diệu giương mắt nhìn tôi và nói. Ở đây hai tháng tao không thấy mày cười một nụ. Hôm nay sao mà chúm chím  nụ nhỏ khúc khích nụ lớn thế kia.

Tôi mở gói kẹo dừa ra chia cho một nhúm. Rồi mỉm cười và véo má nó trước khi bước lên máy bay. Tôi nói:

–               Rán yêu đời, hỡi nhỏ.

Về đến Nha Trang. Tôi viết cho Sơn một lá thư kèm theo lời cám ơn. Tôi nhận được thư trả lời của anh ngay. Anh nói vừa nhận được thư của tôi cùng với lệnh đi hành quân gấp nên chỉ viết vội cho tôi mấy giòng để tôi yên tâm. Anh hứa sẽ viết cho tôi những lá thư ngay bất cứ khi nào tìm được chút thời gian rảnh. Tôi còn viết cho Diệu một lá thư. Tôi nói ở Pleiku về rồi mới thấy mùa đông ở Nha Trang thật ấm áp. Tôi cũng dặn với nó Tết này nhớ về Nha Trang sơm sớm để tôi sẽ dạy nó cắm hoa. Tôi vừa theo học một khóa làm hoa. Mấy nhánh hoa của tôi đưa ra cửa tiệm của mẹ  đều bán được dù hơi đắt.

Tôi vẫn chờ mong những lá thư dài của Sơn.

Hai tuần lễ sau đấy. Tôi nhận được một lá thư của Diệu

“Châu, Diệu viết, mày cũng biết vào những lúc không hiểu nỗi nữa thì tao đâm ra giỡn. Vì như vậy tao mới đủ bình tĩnh để viết lá thư này cho mày. Cái ông lính của mày quả là người xấu số. Vừa được em gái sửa soạn  biếu cho tí tình thì đã vội về chầu Diêm Vương. Ông lính bạn của ông Sơn vừa đến cho tao biết tin này. Tao vội viết cho mày hay. Nghe đâu đây chỉ mới là lần hành quân thứ nhất của ông Sơn. Ông này quả là người kém may mắn…”

lê thị huệ

1980

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
hoa nguyen van May 12, 2023
Trong phần kết này, tôi thấy:"vội về chầu Diêm Vương." không hợp lẽ.. lắm! trong bối cảnh của người lính vừa chết trận ( có vẻ như trêu đùa trước sự hi sinh của người lính...)