Oct 03, 2024

Tùy bút - Bút ký

Tán Gẫu Nơi Quán Cà Phê Vĩa Hè
Lâm Chương * đăng lúc 05:27:25 PM, Apr 08, 2023 * Số lần xem: 361
Hình ảnh
#1
#2
 
                             
  
   TÁN GẪU NƠI QUÁN CÀ PHÊ VỈA HÈ

 ... Vào thời tuổi trẻ nghèo đói, tôi sống phất phơ ở Sài Gòn, thường ăn cơm ở chợ Đủi. Hồi đó, Chợ Đủi nằm trên đường Lê Văn Duyệt, đối diện tòa đại sứ Miên. Sau lưng tòa đại sứ Miên là đường rầy xe lửa và khu Bàn Cờ. (Hình như bây giờ đường Lê Văn Duyệt đổi thành Cách Mạng Tháng 8, nhưng không biết Chợ Đủi còn hay không). Trong Chợ Đủi có cái sạp bán cơm của bà cụ. Tôi thường ăn cơm ở đây. Có tiền thì trả, không tiền thì ghi sổ thiếu. Bà cụ chẳng biết tôi là ai, ở đâu nhưng bà vẫn cho tôi thiếu. Ngày nào tôi cũng kêu món mắm sặc bằm chưng với trứng. Mắm sặc bằm luôn cả xương, ăn không khéo rất dễ bị mắc xương. Sáng chiều tôi đều kêu một món như nhau. Một hôm bà cụ hỏi: “Con thích ăn món mắm sặc chưng lắm, phải không?” Tôi nói: “Không phải. Món mắm chưng vừa rẻ, vừa mặn ăn mới đủ bữa cơm.” Bà cụ không nói gì, nhưng từ ấy trở đi, bữa nào bà cũng cho tôi thêm, khi thì khứa cá, miếng thịt, cái trứng hoặc vài cọng rau. Tôi nhớ hoài thằng bạn cũng sống phất phơ cơm chùa cháo chợ như tôi, nói rằng: “Cái mặt mày vốn đã hãm tài, còn làm bộ khổ nhục thì ai mà không động lòng lòng trắc ẩn.” Thằng bạn nói trúng phóc. Vì cái mặt hãm tài nên đời tôi cũng không mong gì ngóc đầu lên được. 

Lại nói thêm về bà cụ bán cơm. Những khi ăn cơm mà không có tiền trả, bà đưa cho một quyển sổ để tự ghi tiền thiếu chịu mà không hề kiểm soát coi có ghi đúng không. Lòng tốt của bà đã bị một người quịt nợ, nhưng nhiều năm sau bà cụ đã được đền bù xứng đáng. Chuyện kể rằng (báo thời ấy có đăng), có một anh đạp xích lô , mỗi ngày ăn cơm ghi sổ của bà cụ. Một thời gian dài không trả, và rồi một ngày anh trốn mất luôn. Nhiều năm sau, có một người khách sang trọng lái chiếc xe hơi đậu bên hông chợ Đủi. Người khách vào chợ, đến cái sạp bán cơm của bà cụ, hỏi bằng cái giọng Quảng Nam: “Bà còn nhớ tôi không?” Bà cụ lắc đầu. Người khách nói: “Hơn 10 năm trước, tôi từ miền Trung vào Sài Gòn lập nghiệp, bữa đói bữa no. Tôi từng ăn cơm thiếu của bà nhưng không có tiền trả và trốn luôn. Hôm nay tôi đến để trả cho bà món nợ cũ, cả vốn lẫn lời.” Và người khách đã trả cho bà cụ một số tiền lớn gấp nhiều lần số nợ năm xưa. Người khách chính là ông chủ ngân hàng Nam Việt thời ấy.
 
Cũng trong thời sống phất phơ ở Sài Gòn, tôi nghe danh ông Bùi Giáng nhưng chưa bao giờ gặp mặt. Dạo ấy, tôi có nghe kể một giai thoại rất lý thú về ông. Sau này, tôi đọc nhiều giai thoại, nhưng không thấy có giai giai thoại mà tôi sắp kể sau đây. Ông Bùi Giáng có nuôi một con khỉ nhỏ. Đi đâu ông cũng để nó trên vai. Một hôm, vào quán ăn, ông để khỉ trên bàn. Ông cầm đủa, khỉ nhỏ bốc bằng tay. Cả hai cùng ăn chung. Có người khách thấy lạ, hỏi sao lại để người và khỉ cùng ăn chung như thế? Bùi Giáng nói, chúng sinh bình đẳng! Ôi, chỉ một câu trả lời đơn giản, ông đã nói lên được cái thuyết uyên áo thâm sâu của nhà Phật. Ai bảo ông điên? Ai bảo ông tỉnh? Bao giờ ông cũng là người khó hiểu như chính thơ ông. Có lẽ, cõi trần gian đối với ông chỉ là chốn rong chơi của một vì tiên lỡ sa chân vào vòng sinh tử.
 
Về thơ Bùi Giáng, chưa từng có ai dám chê, nhưng tất cả đều có chung một nhận định rằng thơ ông rất khó hiểu. Nói thế cũng chưa đủ, phải nói rằng thơ ông không thể hiểu. Ông xứng đáng đại diện cho “trường phái thơ bí hiểm” đang thịnh hành thời “hậu hiện đại”. Nhiều người bắt chước ông làm thơ khùng điên bí hiểm, nhưng tất cả đều thất bại. Dù cuộc đời có quá nhiều lọc lừa gian trá, nhưng người đời lại không thích kẻ giả danh. Ông Bùi Giáng điên có căn bản, nghĩa là điên thiệt tình. Kẻ nào giả điên, họ đang đóng kịch giữa cuộc đời. Đóng kịch cũng có lúc phải dừng lại cho diễn viên nghi mệt. Lúc đó, họ hiện nguyên hình là người không điên. Không điên mà muốn làm thơ điên, khó lắm.
 
Trong “Ngàn Thu Rớt Hột”, nhiều bài thơ làm tôi như đi lạc vào vào cơn điên mê mộng ảo. Nhất là thơ lục bát, chữ nghĩa nhẹ nhàng êm ái, có sức truyền cảm thẩm thấu sâu tận lòng người. Nhưng bảo giải thích ý thơ liền lạc thì không thể nào. Bởi thế người ta mới cho rằng yếu tính của thơ là truyền cảm. Hay nói cách khác, truyền cảm là yếu tính quan trọng nhất của một bài thơ. Nhiều người mê thơ Bùi Giáng, hết lời ca tụng. Hơi thơ phảng phất một điệu buồn xa xăm huyển mộng không có thực ở cõi đời này. Vì là thơ điên vô nghĩa, nên người đọc cũng có thể thay đổi vị trí vài chữ trong câu, và cuối cùng ta được một bài thơ khác mang hơi hướm Bùi Giáng. Sau đây, tôi trích dẫn trong nguyệt san Hương Xưa, xuất bản vào tháng 7 & 8, năm 2002, tại Na Uy, ba bài thơ, trong đó có một bài của Bùi Giáng, còn hai bài kia là “thơ ăn theo” Bùi Giáng. Xin bạn đọc thử đoán xem bài nào là của Bùi thi sĩ.
 
1.
Khe đầu rú lạc về truông
Gieo năm ngón nhỏ vóc buồn rã riêng
Dẫn xanh sai nhiếp tuổi miền
Bướm xiêu phấn đổ vọng tuyền phi âm
Gánh đau quẩy xuống trăng ngầm
Bờ phôi tin gió dựng nhầm cõi hoa
Cỏ về em rắc tháng ba
Hồng in tin hạnh trăng già xuống rêu
 
2.
Lạc về đầu rú khe truông
Vốc năm ngón nhỏ gieo buồn rã riêng
Tuổi xanh nhiếp dẫn sai miền
Đổ xiêu phấn bướm phi tuyền vọng âm
Tuần trăng quẩy gánh đau ngầm
Cõi bờ phôi dựng gió nhầm tin hoa
Em về rắc cỏ tháng ba
Xuống trang hồng hạnh tin già in rêu
 
3.
Đầu khe rú lạc về truông
Vốc năm ngón rã gieo buồn nhỏ riêng
Nhiếp xanh sai dẫn tuổi miền
Phấn xiêu phi bướm vọng tuyền đổ âm
Trăng đau tuần quẩy gánh ngầm
Dựng bờ tin gió cõi nhầm phôi hoa
Rắc về em cỏ tháng ba
Xuống in trang hạnh hồng già tin rêu.
 
 Lâm Chương

 Chia sẻ từ FB nhà thơ Lâm Chương


 

See the source image             *

 *

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.