Apr 19, 2024

Tùy bút - Bút ký

Viết cho Mẹ Việt Nam
Đoàn Phương Hải * đăng lúc 04:17:09 PM, Apr 04, 2023 * Số lần xem: 338
Hình ảnh
#1

 

   
  

              

 

Viết cho Mẹ Việt Nam

Cuối tuần vừa qua tôi và một số bạn bè đến nghĩa trang để tiễn đưa người bạn vừa mới đột ngột ra đi. Qua hàng phong lá úa đổi mầu từ đỏ sang vàng tím, bên đàn chim sâu nhỏ bay nhảy trên cành, cùng vài ba chú sóc đuôi cong rung rinh như những bông lau xám, mắt long lanh đen nháy đang rụt rè, gậm nhấm những trái cây khô rơi vãi trên thảm cỏ phủ đầy lá úa vàng thì tôi biết trời đã sang thu.

 

 Mùa thu ở San Jose “Thung lũng hoa vàng”, đến thật nhẹ nhàng, không chờ, không đợi như khi nghe tin anh bạn cùng trường, to lớn, khỏe mạnh, ăn trưa xong bỗng cảm thấy hơi chóng mặt, rồi từ từ gục xuống bàn làm việc, bên cạnh màn hình computer còn đầy những dữ kiện dở dang của công việc đang làm.

 

 Cái chết đến thật ngỡ ngàng, không đớn đau, trăn trở, ngủ giấc ngàn thu mà ngỡ như mình đang chợp mắt trong giấc ngủ trưa lung linh hoa nắng.

 

Hai năm trước thì Duyên ở Orange County, “Thanh râu” 8 Dù bên Toronto Canada, Bông, Sơn ở San Jose, và mới tháng trước đây Bàng ở Nam Cali… Tất cả đều đi ở lứa tuổi 6, 7 mươi, cái tuổi chưa hẳn đã già mà cũng không còn là trẻ. Tuổi đếm từng năm, tuổi của những chiếc lá đang khô, đang từ từ héo úa đổi mầu, dễ dàng rơi bay, như vạt nắng heo hắt cuối ngày trong những chiều thu phai nắng.

 

Bên những mái tóc điểm sương, mỗi khi họp mặt bạn bè thường đùa giỡn với nhau, “thất thập cổ lai hi” là “bonus life” của những người lính chiến, mà đáng lẽ đã phải nằm xuống đâu đó ở Bắc, Nam, Trung, nơi góc rừng, khe suối trên quê hương trong cuộc chiến vừa qua. Nhưng vì vận nước, cơ trời đổi thay nên đang may mắn sống những năm tháng cuối đời ở những góc biển chân trời xa lạ.

 

 Nhìn mẹ già run run bên những chiếc lá khô bay đáp nhẹ trên nắp chiếc quan tài mầu gỗ nâu, mắt nhòa lệ đỏ hoe, khóc con đi giữa giọng đọc trầm buồn của bài điếu văn tiễn bạn, làm tôi bâng khuâng nghĩ tới câu chuyện của của bà cụ, mẹ bạn tôi…Như thường lệ thì tuần nào tôi cũng ghé bưu điện để lấy thơ. Nhưng lần này tôi bỗng chú ý tới một bao thư dầy, với những nét chữ viết tay run rẩy từ Orlando bên Florida gửi tới, khiến tôi không tránh khỏi tò mò nên vội mở ra coi.

 

Tôi lặng người, sững sờ đến nổi gai ốc trước những hàng chữ mà tôi không bao giờ nghĩ tới!

 

Mắt tôi mờ đi theo theo những nét bút run run đầy đau thương, xúc cảm trên 6 trang giấy viết tay, bên tấm hình đã ngả mầu thời gian của người bạn thân, cùng trường, chung đơn vị mấy chục năm về trước.

 

Đó không phải là thư, mà là tiếng kinh cầu!Đó không phải là lời chia sẻ, mà là tiếng khóc nhớ thương, tiếng gọi hồn của một cụ bà trên 80 tuổi ở Orlando, mẹ ruột của người bạn cùng khóa Võ Bị, phục vụ chung với tôi tại Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù khi vừa mới ra trường.

 

Sau vài chuyến quân hành ngắn ngủi bạn tôi đã hy sinh trong một trận chiến ngập đầy máu lửa, chết chóc, đạn bom.

 

 Trận đánh ngập tràn uất ức, phi lý. Trận chiến mà cấp chỉ huy chiến dịch không hiểu vì kém tài, thiếu đức, hay vì lý do gì mà mặc dù đã biết rõ tình hình địch qua cung từ của tù binh, nhưng vẫn ra lệnh cho một Tiểu đoàn Dù với hơn 5 trăm tay súng thử lửa với Công Trường 7 của địch với quân số sáu bảy ngàn người! Và còn phi lý hơn, khi đụng trận lại không có lấy một trái đạn pháo binh, một phi vụ bom đạn nào yểm trợ cho những người lính mũ đỏ trong trận đánh lớn, kinh khiếp, hãi hùng tại Đồng Xoài ngày 12/6/65 trong đồn điền cao su Thuận Lợi thuộc lãnh thổ Quân khu III!

 

 Nhìn tấm ảnh đen trắng của bạn tôi, theo thời gian nay đã ngả mầu vàng đục, chụp trong những ngày đầu đời quân ngũ, khi còn đang chập choạng ngỡ ngàng trên đoạn đường chiến binh. Hoài bão, tương lai, lý tưởng vào đời đang hừng hực như lửa, qua ánh mắt, nét kiếm sáng ngời trong bộ đại lễ trắng và cặp Alpha đỏ trên vai.

 

 Trong cái im vắng của bóng đêm, tôi như đang sống lại với những đồng đội cũ trong chiến hào, bên tiếng đạn bom, tiếng quân hò quân reo, vẳng bên tiếng kèn xung phong của ta và địch, khi mã tấu, lưỡi lê vung lên đâm chém ngập sâu vào thân thể.

 

Cái cảm giác nhọn, khô, sắc, lạnh, ghê rợn của tử thần khi lưỡi lê trên họng súng AK dí sát vào da thịt như vẫn còn rờn rợn trên thân thể. Hình ảnh bạn, thù, thương binh hai bên quằn quại, nhầy nhụa bên những vũng máu đông đặc, kèm theo những phát súng thanh toán tử biệt cuối cùng. Cảnh lần mò, lật từng xác ngừơi trong rừng đêm, bập bùng dưới ánh hỏa châu, như sống lại trong tôi..

 

 Và như thế là hơn ba mươi năm sau, ở một nơi thật bình yên, cách rừng cao su Thuận lợi, Đồng xoài hơn nửa trái địa cầu, phía bên này bờ biển Thái Bình Dương. Lúc mà vết thương đã lành, hình ảnh người con thân yêu đã nằm thật sâu trong ký ức, thì vô tình tập truyện “Góc Biển chân trời” của tôi đã tới tay bà!

 

 Những giọt nước mắt muộn màng, khô héo kia lại có dịp bừng lên, sống lại, lăn dài trên gò má già nua, chồng chất tuổi đời, để nhớ con trai yêu thương của Mẹ đã hy sinh giữa tuổi thanh xuân, khi Mẹ đọc bút ký chiến trường “Đồng xoài nỗi nhớ khó quên” in trong sách, khi biết con đã vì nươc hy sinh!

 

Trong nét chữ run run viết kín đầy 6 trang giấy, Mẹ Việt Nam đã gò từng chữ, nắn từng câu, gập tấm lưng còm giữa đêm khuya, để trút hết tâm tư nhớ thương lên ngòi bút. Mẹ vừa viết, vừa ngừng tay lau nước mắt, vừa thì thầm, như đang nói chuyện với con trai mẹ, nói nói cười cười, xoa vai mẹ trong lần về phép khi mới mãn khóa ra trường!

 

– Sao con không lựa thứ lính gì cho nó nhàn nhàn, mà lại chọn đi lính Nhảy Dù. Oai hùng thì có oai hùng, nhưng đánh giặc quanh năm thì làm sao mà sống nổi!

 

 Mẹ vừa nói vừa xót xa khi thấy con đội chiếc nón đỏ vô nhà! Sao giống hệt câu nói của thân mẫu bạn, của Mẹ tôi, của Mẹ chúng ta, Mẹ Việt Nam.
Mẹ có bầy con yêu, sinh ra trong năm tháng chiến tranh. Nuôi nấng, dạy dỗ con tới ngày khôn lớn, rồi nhìn từng đứa, từng đứa, rời bỏ gia đình, nhập ngũ tòng quân.
Vì vận nước điêu linh, quê hương nghiêng ngả, giặc Bắc tràn xuống phương Nam, nên con của Mẹ phải gác bút nghiên. Phải học cầm súng, cầm dao, học đánh lưỡi lê, học chôn mìn bẫy, học chiến đấu sinh tồn, lao vào cuộc chiến để bảo vệ miền Nam!

 

 – Cả khóa 19 Võ Bị chúng con ngày ra trường đều đi Biệt động quân, Nhảy Dù, Thủy quân lục chiến, và các Sư đoàn tác chiến, không có ai về làm việc tại văn phòng. Nhờ cao lớn và hên lắm nên mới được chọn về Nhảy dù đó mẹ ơi! Nhảy Dù đóng ngay tại Saigon, Biên Hòa và Vũng Tầu nên tuy xa mà gần, lúc nào hết hành quân là con sẽ về thăm Mẹ!Mẹ mừng mừng tủi tủi, nắm chặt tay con khi nhận gói qùa đầu tiên, món qùa mà từ bé cho tới khi khoác áo nhà binh, mãn khóa ra trường, lãnh lương quân đội mơí có tiền mua về biếu Mẹ.

 

Và đó cũng là món quà độc nhất, cuối cùng trong đời, vì sau lần nghỉ phép con trai Mẹ về lại đơn vị, miệt mài trên khắp bốn quân khu và ra đi…. mãi mãi chẳng trở về!

 

“Từ ngày chinh chiến mùa thu.

 

 Có chàng ra lính, biên khu ai ơi tung hoành…”

 

 Từ đó, Mẹ Việt Nam, Mẹ của bạn, Mẹ của tôi, Mẹ có những người con miệt mài ngoài trận địa. Đêm đêm nhìn hỏa châu rơi, nghe tiếng súng tay, tiếng đại bác, tiếng gầm thét của đạn bom vọng về!

 

Mẹ giật mình tỉnh giấc, vội thắp nén nhang, lần tràng hạt, chắp tay lẩm nhẩm lời kinh, cầu xin Chúa, xin Phật, xin may mắn, bình an, che chở, cho con Mẹ ngoài vùng lửa đạn. Nhưng rồi chỉ nửa năm sau, giữa buổi trưa Hè, bỗng có người lính Nhảy dù, mầu mũ đỏ hôm nao, xa lạ ngập ngừng, đứng ngoài khung cửa!

 

Lời báo tử như nhát dao đâm thấu tâm can!

 

Mẹ rụng rời, bàng hoàng ngất xỉu! Con trai Mẹ vừa hy sinh tại chiến trường Tây Bắc Saigon, trong đồn điền cao Thuận Lợi, Đồng Xoài ngày 12/6/1965. Nghĩa là chỉ mới được nửa năm, sau lần mang quà về thăm mẹ khi mãn khóa ra trường!

 

 Địa danh sao nghe xa lạ, không êm đềm như Thanh Bình, Non Nước, không biển mặn như Đà Nẵng, Tiên sa, nơi con yêu của Mẹ cất tiếng khóc chào đời hai mươi mốt năm về trước!

 

Đau như đứt từng khúc ruột, khóc đến vụn rã tâm can. Mẹ xót xa vấn khăn tang vội vã vào Nam, lạc lõng, ngỡ ngàng giữa thủ đô Saigon, tìm đường về nghĩa trang Gò Vấp! Duới ánh điện lù mù vàng vọt, Mẹ thì thầm nói chuyện với con, tẩm liệm để đưa con trai mẹ về lại rừng dương bãi biển quê nhà.Làm gì thì làm! Phải đưa nó về Đà Nẵng, phải cho nó nằm trên mảnh đất lúc sinh ra.

 

 Ngày xưa thì mẹ mẹ con con, nay thì thân tàn xác lạnh. Trên chuyến phi quân đội cơ ra miền Trung, Mẹ Việt Nam thẫn thờ, gục đầu ứa lệ bên chiếc quan tài lạnh lẽo phủ lá quốc kỳ.

 

 Qua lá thư thấm đậm tình người, Mẹ Việt Nam của thập kỷ chiến tranh. Khi lòng còn chưa hết thương đau, khi tim còn chưa lành vết sẹo, khi khăn tang chưa bạc với thời gian… Thì những năm tháng tiếp theo, những ngươì lính xa lạ kia, không phải chỉ đến một lần, mà họ đã đến vài lần, dụt dè gõ cửa trao cho Mẹ nhiều kỷ vật gấp gọn bên lá quốc kỳ!!! Tim của Mẹ đã đớn đau, đã chết nhiều lần ở những năm tháng khác nhau, khi 4 người con của Mẹ cứ tiếp nối nhau ra đi, bỏ lại Mẹ một mình.

 

 Người tóc bạc khóc kẻ tóc xanh! Tai tôi như ù đi, tim tôi như nghẹt thở khi đọc lá thư, khi biết Mẹ của bạn tôi có 5 anh em trai, thì 4 đã lần lượt ra đi vì chiến tranh, bom đạn, trong những đớn đau và hoàn cảnh khác nhau.

 

 Riêng người anh cả ở Sư đoàn 3 Bộ binh, người duy nhất còn lại sau cuộc chiến, khi đất nước rơi vào tay giặc thì đã bị giam cầm hơn 10 năm tù ngục khi Cộng Sản chiếm được miền Nam.

 

 Trong những năm dài khói lửa, chiến chinh, Mẹ đã vào nghĩa trang quân đội Gò Vấp, đã vượt Hải vân quan, đã ra đồi sim Ái Tử, đã quấn chung khăn sô với Đà Nẵng, với Huế hồi Tết Mậu Thân. Và ngay chính trên quê Mẹ, trên hè phố Đà Nẵng, Mẹ đã thu lượm thịt xương, chắp lại cho vẹn đủ hình hài của ngươì con trai thứ tư, khi giặc Cộng đặt chất nổ ngay tại Đài phát thanh Đà Nẵng lúc con trai Mẹ đang làm việc!

 

 Ai đã dừng quân ở Lao Bảo, Khe Sanh, đã hành quân ở Gio linh, Quảng Trị, mà không xúc động khi nghe bản nhạc “Bà Mẹ Gio Linh” của nhạc sỹ Phạm Duy. Hình ảnh Mẹ già lưng còng tóc bạc bên ruộng sắn, nương khoai, bước thấp bước cao đem khăn gói đi lấy đầu con treo ở cổng làng khi bị giặc thù bêu chém, đã làm rung chuyển cả huyền thoại kháng chiến, đấu tranh của dân tộc Việt.
 Nhưng Mẹ Đà Nẵng, Mẹ của núi Non Nước, của biển Tiên sa, Mẹ Việt Nam của thập kỷ 60, 70, đã vượt qua huyền thoại của bà Mẹ Gio Linh!

 

  Và đã từ bao nhiêu năm qua ở một ngôi chùa bên Orlando, cứ mỗi tuần, vào các ngày cúng giỗ thì Mẹ Viêt Nam tóc bạc da mồi vẫn lui tới thắp hương, khấn nguyện trước bài vị của phu quân và 4 người con trai đã nằm xuống trên quê hương trong một phần tư thế kỷ chiến tranh!

 

 Đã có hàng ngàn, hàng vạn Mẹ Việt Nam, mang dòng họ của “Đinh, Lê, Lý, Nguyễn, Trần…” có con đi chiến đấu, có con hy sinh để bảo vệ tự do, khi quê hương quằn quại điêu tàn vì bom đạn trong hơn 20 năm chiến tranh Quốc – Cộng.
 Biến cố 30/4/1975 như một đại tang phủ kín quê hương khi miền Bắc chiếm được miền Nam. Lịch sử dân tộc đã sang trang, mở đầu cho tang tóc, đau thương, với nhà tan cửa nát, chia cách phân ly, vợ xa chồng, con lìa cha, cả miền Nam đang bị bức tử, bóp chết từ từ.

 

Cây cỏ, đất đá miền Nam, tất cả đều có tội, vì thế chồng, con của Mẹ, quân, dân, cán, chính miền Nam, hàng hàng lớp lớp bị đưa đi lưu đầy trong các vùng kinh tế mới, gông cùm trong các trại tù, ngụy danh là trại cải tạo mọc kín trên khắp quê hương. Mẹ Việt Nam lại đau ruột sót lòng, nhịn ăn nhịn uống, chắt chiu dè sẻn, bán đôi khuyên vàng, cầm chiếc nhẫn cưới, trèo non lội suối mang từng bánh thuốc lào, từng viên thuốc cảm, ra tận Nghệ An, Thanh Hóa, tới tận Lạng Sơn, Yên Bái thăm chồng, thăm con.

 

 Giữa rừng sâu núi thẳm, Mẹ khóc hết nước mắt khi thấy những người thương yêu ruột thịt, bệnh hoạn, đói khát, gầy gò như những bộ xương biết đi trong các trại tù! Trên con đường sống trâu, trong cái giá rét căm căm của núi rừng Việt Bắc, cả tuần lễ vượt núi, băng rừng, Mẹ chỉ vừa kịp nắm tay chồng, chưa kịp ấm tay con thì đã phải gạt nước mắt về Nam.

 

 Mỗi năm khi thấy những bầy chim di điểu bay về Nam trốn lạnh. Nghĩ tới giá buốt căm căm, thiếu thiếu, khổ cực đọa đầy triền miên trên đất Bắc, Mẹ lại chắt chiu, dành dụm, bán hết gia tài, của cải, cho chuyến thăm nuôi.

 

 Rồi, 5 năm, 10 năm, 15 năm tù ngục, nếu chồng con của Mẹ không bỏ nắm xương tàn trong các trại tù cay nghiệt, và may mắn lết được tấm thân bệnh hoạn trở về, thì vẫn mái nhà cũ kỹ, thương yêu như trời biển, Mẹ lại chạy từng bữa ăn, lo từng tờ hộ khẩu. Hy sinh bán hết những gì Mẹ đã dành dụm một đời để kiếm đường cho chồng con vượt biển, vượt biên tìm đến bờ bến tự do. Dù có bao nhiêu triệu, triệu đóa hồng, dù có muôn vạn câu hát, lời thơ, nghìn trang sách vở. Bút mực nào, văn thơ nào diễn tả nổi công lao dưỡng dục bằng trời bằng biển của Mẹ.

 

 Dù nay Mẹ đang ở đâu, quê người hay quê Mẹ, còn sống hay đã khuất núi qua đời.
 Mẹ Việt Nam lúc nào cũng bao la dịu hiền như cánh diều cao, như ruộng đồng lúa chín, mênh mông như biển rộng Thái Bình, cao cả ngất trời như rừng núi Trường Sơn.

 

 Xin mượn mấy vần thơ để nhớ thương về Mẹ!

 

“Năm xưa tôi còn nhỏ

 

 Mẹ tôi đã qua đời

 

 Lần đầu tiên tôi hiểu

 

 Thân phận trẻ mồ côi

 

 Quanh tôi ai cũng khóc

 

 Im lặng tôi sầu thôi

 


 Để dòng nước mắt chảy

 

 Là bớt khổ đi rồi

 

 Hoàng hôn phủ trên mộ

 

 Chuông chùa nhẹ rơi rơi

 

 Tôi thấy tôi mất Mẹ

 

 Mất cả một bầu trời”

 


 Xin gửi Mẹ những bông hồng chân thành, cung kính, yêu thương.

Đoàn Phương Hải

 


 

                    

 

 

 


 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.