Mar 28, 2024

Tin tức

Báo Động Đỏ Về Đại Họa Dịch Bệnh Trung Quốc, Đang Có Nguy Cơ Lây Lan Khắp Hoàn Cầu!
Webmaster * đăng lúc 02:42:02 PM, Jan 13, 2023 * Số lần xem: 404
Hình ảnh
#1

Báo Động Đỏ Về Đại Họa Dịch Bệnh Trung Quốc, Đang Có Nguy Cơ Lây Lan Khắp Hoàn Cầu!

 

 

Cộng Sản đâu cũng thế, “thằng Trời đứng qua một bên, để cho Trung Quốc đứng lên làm Trời!” Vì quá cao ngạo, đòi “Đấu với Trời, đấu với Đất”: ĐCSTQ đang mang lại tai họa khủng khiếp cho người dân Trung Quốc! và có thể lây lan đến cả Thế Giới!

Từ sự phong tỏa cực kỳ man rợ cho đến việc “thả nổi” cực đoan trước dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), bất kể là bị phong tỏa hay bỏ chặn, tư tưởng đấu với Trời, đấu với Đất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều tạo ra những thảm họa cho nhân loại.

Khác với sự công khai, minh bạch thông tin ở phương Tây, trong quá trình này, ĐCSTQ không ngừng gieo rắc thông tin sai lệch, cổ súy cho tư tưởng đấu với Trời, đấu với Đất. Điều này mang lại cho con người sự kiêu ngạo đầy ảo tưởng, chứ không phải bình hòa và lý trí.

Sau khi cơn sóng thần dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát, người dân Trung Quốc lại rơi vào cảnh hoang mang, tê liệt. Thứ mà ĐCSTQ mang đến cho người dân Trung Quốc không chỉ là cái chết, mà còn là sự kiểm soát về tư tưởng, chặn đứng hy vọng mà lối tư duy mà văn hóa truyền thống mang lại cho người dân.

Zero-COVID: Lối tư duy đòi "Đấu với Trời đấu với Đất", ngông cuồng đến cực đoan

Từ khi bước vào xã hội hiện đại, các lý thuyết hiện đại khác nhau đã phóng đại tự ngã cá nhân, khiến một số người cho rằng cơ sở của tư tưởng hiện đại là sự chắc chắn chủ quan của con người.

Chủ nghĩa cộng sản là cực đoan nhất trong số đó. Nó hoàn toàn từ bỏ sự kính sợ Trời đất, Thần Phật trong tín ngưỡng truyền thống, và trật tự tự nhiên, thay vào đó là cái tôi kiêu ngạo vô pháp vô thiên, đến mức ngông cuồng đấu với Trời, đấu với Đất.

Từ khẩu hiệu chống dịch lần này, có thể thấy rằng zero-COVID nghĩa là “cùng nhau phát hiện và dập tắt”. Bản chất của zero-COVID là nhanh chóng và chính xác, “cần xét nghiệm thì xét nghiệm hết, cần phong tỏa thì phong tỏa sạch, cần cách ly thì cách ly toàn bộ, cần thu tận thu thì tận thu.

Nhưng virus là thứ vô hình, không thể nắm bắt. Kết quả của zero-COVID không phải là virus thực sự bị loại bỏ, mà là người dân bị mất mạng, dữ liệu bị xóa sạch và nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ.

Tiến sĩ Vương Duy Lạc, chuyên gia sinh thái bảo vệ môi trường và thủy lợi nổi tiếng của Trung Quốc, kiêm kỹ sư thủy lợi ở Đức, nói với Epoch Times: “Zero-COVID chẳng qua chỉ là vấn đề định nghĩa, virus không hề bị xóa sổ, nó vẫn luôn lây lan. Nói là toàn xã hội zero-COVID, nhưng lúc đó Trịnh Châu, Tây An phát hiện được ai thì kéo người đó đi nơi khác, và nói rằng virus đã bị xóa sổ. Đây là một trò chơi đánh tráo khái niệm, họ (ĐCSTQ) nói rằng virus không còn tồn tại.”

Ông Vương Duy Lạc đã lấy Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam làm ví dụ. Đầu tháng 8/2021, thành phố này đã bị phong tỏa một lần, “cần xét nghiệm thì xét nghiệm hết, cần phong tỏa thì phong tỏa sạch, cần cách ly thì cách ly toàn bộ”, và virus đã được xóa sổ trên con số thống kê.

Tháng 1/2022, virus quay trở lại và thành phố lại bị phong tỏa. “Cần xét nghiệm thì xét nghiệm hết, cần phong tỏa thì phong tỏa sạch, cần cách ly thì cách ly toàn bộ”, virus một lần nữa được xóa sổ trên con số thống kê, và lại có thêm một “chiến thắng vĩ đại” tự xưng. Nhưng tháng 5/2022, virus vẫn tiếp tục quay trở lại.

Tháng 10/2022, dịch bệnh lại bùng phát ở Trịnh Châu, nhân viên của Nhà máy Foxconn Trịnh Châu đã bỏ trốn. Tháng 11/2022, Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã tiến hành sàng lọc axit nucleic hàng ngày tại 8 quận của khu vực đô thị chính, và đóng cửa thành phố một lần nữa.

Sự ngạo mạn cực đoan này hoàn toàn trái ngược với nhận thức truyền thống trong xã hội cổ đại. Hoàng đế thời xưa được gọi là “Thiên tử” là người thay Trời quản lý tự nhiên và xã hội. Tể tướng có trách nhiệm “điều tiết âm dương”. Nếu xảy ra thiên tượng như động đất, dịch bệnh thì là do quản lý kém, dẫn đến mất cân bằng âm dương và Thiên Thượng sẽ đưa ra lời cảnh báo. Trong trường hợp này, “Thiên tử” phải ban hành “Chiếu tự trách mình”, và tể tướng phải từ chức.

“Đạo Đức Kinh” của Lão Tử cũng cảnh báo kẻ thống trị nên bắt chước đặc tính “không tranh” của nước: “Nước làm lợi cho vạn vật mà không tranh, ở nơi người người chán ghét, nên gần với Đạo”.

Ông Vương Duy Lạc nói: “Người Trung Quốc hiện đại không hiểu những câu ngạn ngữ cổ của Trung Quốc. Xưa nói rằng ‘Nhân định thắng thiên’, là giảng rằng trong mối quan hệ giữa tam tài Thiên Địa Nhân, Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, thứ nào mới là quan trọng nhất. So với Thiên thời và Địa lợi, trong những trường hợp nhất định, thì Nhân hòa là yếu tố quan trọng hơn cả.”

“Cho nên người hiện đại đã hiểu lầm câu nói này. Người Trung Quốc cổ đại không có ý nói rằng con người có thể chiến thắng ý Trời. Thiên chính là Trời, hoàng đế Trung Quốc là Thiên tử, là con của Trời, chẳng phải vậy sao? Người hiện đại không hiểu cổ ngữ, nên mới làm ra trò đùa này.”

“Không hiểu vị trí của mình trong giới tự nhiên là gì, nên đã đặt nhầm địa vị của bản thân, phải vậy không? Thế thì chính là lộng hành, là ngạo mạn. Cho nên mọi thứ, gồm cả chính sách của ông ấy (Tập Cận Bình), đều từ đây mà ra.”

Ông Lý Yến Minh, nhà bình luận chính trị kiêm tiến sĩ sinh học, nói với Epoch Times: “Điểm quan trọng nhất của ‘Nhân định thắng thiên’ là chủ nghĩa vô thần. ĐCSTQ đã kiếm bộn tiền trong nhiều thập kỷ với chủ nghĩa vô thần. Kỳ thực, ĐCSTQ tin vào ma quỷ và Satan.”

“Tất nhiên, sau khi chính quyền được thành lập, ĐCSTQ đã sử dụng Cách mạng Văn hóa để phá hủy văn hóa truyền thống của Trung Quốc một cách có hệ thống. Trên thực tế, thứ bị phá hủy chính là văn hóa sùng bái, kính sợ Thần Phật và ông Trời của người Trung Quốc.”

“Mặt khác, ĐCSTQ đang phát triển khoa học và công nghệ sinh học, nhằm duy trì sức khỏe và tuổi thọ của các nhà lãnh đạo cấp cao, duy trì sự thống trị lâu dài (của ĐCSTQ) và sự cai trị lâu dài của cá nhân. Họ đã đi đến bước đường này.”

Zero-COVID của ông Tập giống với cách diệt sán máng của Mao Trạch Đông

Tháng 5/2022, ông Vương Duy Lạc đăng một bài viết nói rằng cách tiếp cận của ông Tập Cận Bình đối với COVID-19 (virus Trung Cộng) giống hệt như việc Mao Trạch Đông loại bỏ bệnh sán máng.

Tháng 11/1955 tại Hàng Châu, Mao Trạch Đông ra chỉ thị: “Chúng ta nhất định phải diệt trừ bệnh sán máng”, “Chỉ dựa vào bộ y tế là chưa đủ, phải thành lập một nhóm lãnh đạo phòng chống bệnh sán máng dưới sự lãnh đạo thống nhất của đảng bộ”, “Loại trừ bệnh sán máng là nhiệm vụ chính trị của thời đại”.

Tháng 2/1956, Mao Trạch Đông ra “lời kêu gọi vĩ đại”: “Vận động toàn đảng, toàn dân xóa bỏ bệnh sán máng”.

Thế là tổ chức đảng các cấp đã phát động quần chúng thực hiện chiến dịch diệt ốc sên ồ ạt. Họ xẻ núi lấp sông, dời đá lấp hồ, hút cạn nghìn sông, rải thuốc khử trùng khắp nơi, diệt sạch ốc sên bằng mọi giá, áp dụng cả các biện pháp cực đoan nhất, như chôn và thiêu ốc sên, nhất quyết phải xóa bỏ bệnh sán máng cho kỳ được.

Nhưng kể từ năm 1958, hơn 60 năm trôi qua, bệnh sán máng chưa bao giờ bị tiêu diệt ở Trung Quốc. Ngày 15/8/2020, “Chương trình giám sát bệnh sán máng quốc gia (thử nghiệm)” cũng tiết lộ: “Hiện nay, số bệnh nhân mắc bệnh sán máng trong cả nước vẫn ở mức cao, sự lan rộng của ốc sên vẫn rất rõ ràng. Tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại ở những khu vực đã đạt tiêu chuẩn, và có nguy cơ lan rộng ra các thành phố.”

Tương tự như Mao Trạch Đông, ngày 28/1/2020, khi Tập Cận Bình gặp Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông nói: “Tôi vẫn luôn đích thân chỉ đạo và đích thân triển khai”.

Tại cuộc họp ngày 25/1/2020, ông Tập đã quyết định thành lập Nhóm Lãnh đạo Trung ương về Ứng phó Dịch bệnh.

Ngày 5/5/2022, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị trực thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ, ông Tập lại nhấn mạnh rằng chính sách zero-COVID là “do bản chất và mục đích của đảng quyết định”, và là một nhiệm vụ chính trị.

Tương tự, mục tiêu xóa sổ dịch bệnh của ông Tập cũng không thành công. Giáo sư Vương Bồi Trung, Tiến sĩ dịch tễ học tại Đại học Toronto, cho rằng con người và virus có lịch sử cùng tồn tại lâu dài, và việc “cùng chung sống với virus” không có gì mới mẻ, rất nhiều vi sinh vật, vi khuẩn và virus đều cùng chung sống với con người.

Giáo sư Vương Duy Lạc nói với Epoch Times: “Ông ấy (Tập Cận Bình) chính là như vậy. Trong quá khứ, Mao Trạch Đông đã chiến đấu với sán máng, phải vậy không? Trước đó, ông ấy từng chiến đấu với chim sẻ, ruồi nhặng và muỗi.’

“Ông ấy đã chiến đấu với chúng. Ông ấy nghĩ ông ấy giỏi hơn chúng, chính là lối tư duy này. Ông ấy (Tập Cận Bình) vẫn còn kiểu tư duy này, cho rằng mình giỏi hơn cả ông Trời và thiên nhiên một chút.”

Zero-COVID thất bại, cuộc khủng hoảng của ĐCSTQ được phơi bày toàn diện

ĐCSTQ bắt đầu phong trào chống cánh hữu vào năm 1957, nhằm loại bỏ tiếng nói thực sự của giới trí thức. Sau cuộc Đại nhảy vọt năm 1958, không ai dám lên tiếng phản đối. Trong hoàn cảnh áp lực chính trị và đấu tranh tàn khốc, nói dối đã trở thành bản năng sinh tồn của con người.

Bao nhiêu người chết đói trong thảm họa “Đại nhảy vọt”?

Khi đó những lập luận đi ngược lại lẽ tự nhiên có mặt nhan nhản khắp nơi. Vì an nguy của bản thân, người dân chỉ có thể thuận theo trào lưu mà tung hô, như:

“Bảo nước đi thì nước phải đi, bảo nước đứng thì nước phải đứng, bảo nước cao thì nước không dám thấp, bảo nước phát điện thì nước phải phát điện.”

“Dân muốn dời núi, thì núi phải chuyển, dân muốn chuyển đất, thì đất phải dời.”

“Con người có thể khiến trái đất phải khuất phục, đại dương phải cúi đầu, và vũ trụ phải dâng lên kho báu.”

Với sự ngạo mạn bành trướng, ĐCSTQ đã tiến hành sản xuất thép quy mô lớn, làm thủy lợi và nông nghiệp quy mô lớn, các loại “quy mô lớn” đều là “đại binh đoàn tác chiến” và “chiến thuật biển người”.

Hàng trăm hàng ngàn người “ban ngày cờ đỏ như thủy triều, đêm đến đuốc sáng như biển lửa.” Nhưng đằng sau cảnh tượng này là những thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, nhưng không ai dám hé răng.

Nghệ sĩ người Mỹ gốc Hoa Trần Duy Minh nói với Epoch Times: “Lão Mao đã có lối tư duy này từ những năm 1950 và 1960. Ông ấy đã xây rất nhiều hồ chứa, đào rất nhiều kênh mương và chỉ đạo rất nhiều cánh đồng năng suất cao, phải vậy không?”

“Đây đều là sự ngạo mạn, tự cao tự đại, không có bất kỳ cơ sở khoa học nào. Nào là sản lượng hàng chục ngàn cân mỗi mẫu, hoàn toàn là đang lừa bịp xã hội, (lối tư duy này) vẫn kéo dài đến tận bây giờ, năm nay vẫn tái diễn.”

Quả báo “Đấu với Trời” đến rất nhanh. Năm 1959, Trung Quốc bắt đầu xảy ra nạn đói kéo dài 3 năm, khiến 16 – 20 triệu người dân Trung Quốc chết vì đói.

Ông Dương Kế Thằng (Yang Jisheng) đã viết trong cuốn “Bia mộ” rằng: “Ngoài đồng đầy người đào rau dại, rau dại ăn được đều ăn hết. Có người ngã xuống đất tử vong khi đang xếp hàng mua đồ, có người tử vong khi đang bới rau dại ngoài đồng. Hễ ai nói ăn không no là bị phê bình, bị đánh đập, người dân như đàn cừu, không dám hé răng.”

Trong phong trào zero-COVID, chính quyền các cấp cũng ồ ạt tiến hành “đại binh đoàn tác chiến”, “chiến thuật biển người”. Cấp ủy các nơi thành lập các “trung tâm chỉ huy”, dàn “thế trận bảo vệ” thành phố.

Mạng xã hội cho thấy trên đường phố nhiều nơi có cảnh các nhân viên phòng chống dịch mặc quần áo bảo hộ trắng (còn gọi là Đại Bạch) xếp hàng khử trùng đường phố. Hàng vạn người xếp hàng xét nghiệm axit nucleic mỗi ngày.

Bóng dáng các Đại Bạch làm xét nghiệm axit nucleic cũng xuất hiện trên cả Cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng và đồng cỏ Mông Cổ xa xôi. Bất kể hiệu ứng thế nào, cảnh tượng hoành tráng như thế này chắc chắn sẽ khiến các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ hài lòng.

Cùng với zero-COVID khiến người dân điêu đứng, sau 3 năm, việc nghiên cứu, triển khai vắc-xin và thuốc chữa trị COVID không chút tiến triển. Vì lợi ích dân tộc, ĐCSTQ còn từ chối viện trợ vắc-xin của nước ngoài.

Ngày 7/12, zero-COVID đột nhiên bị dỡ bỏ, một trận sóng thần dịch bệnh nhấn chìm nhiều nơi, số người tử vong tăng mạnh.

Thậm chí zero-COVID còn tác động mạnh hơn đến nền kinh tế Trung Quốc, cản trở hoạt động kinh tế và hạn chế nhu cầu trong nước.

Cuối năm 2022, xuất khẩu của Trung Quốc giảm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID bắt đầu vào tháng 1/2020. Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm 10,6%, mức giảm lớn nhất trong hai năm rưỡi.

Hiện tại, thông tin về các quan chức cấp cao của ĐCSTQ và thành viên gia đình họ tử vong thường xuyên xuất hiện. Hầu hết họ đều là đảng viên ĐCSTQ, hoặc những người ủng hộ đảng này. Chỉ riêng tháng 12/2022, tổng cộng 24 viện sĩ của ĐCSTQ đã qua đời tại Trung Quốc, gần bằng với số người tử vong trong cả năm 2021.

Ông Lý Yến Minh nói: “Trận sóng thần dịch bệnh cho thấy thuyết ‘Nhân định thắng Thiên’ của ĐCSTQ chắc chắn sẽ phá sản. ĐCSTQ đang rơi vào cuộc khủng hoảng của ngày tận thế, khủng hoảng ở mọi cấp độ và mọi lĩnh vực.”

“Toàn bộ hệ thống cai trị của Trung Quốc (ĐCSTQ) đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi bệnh dịch trên mọi phương diện, như chăm sóc y tế và kinh tế. Ngoài ra, nhiều quan chức trong hệ thống của ĐCSTQ, những người về hưu và những người nổi tiếng đã trực tiếp bị lây nhiễm COVID hoặc tử vong. Điều này đã tác động toàn diện đến hệ thống của ĐCSTQ.”

“Đấu với Trời, đấu với Đất”, làm bại hoại lòng người

Những lời tuyên truyền “đấu với Trời, đấu với Đất” của ĐCSTQ khiến người dân không thể có được thông tin khoa học và sự thật về COVID-19, câu nói “cùng chung sống với COVID” bị chặn. Zero-COVID được coi như sự “ưu việt” của chế độ ĐCSTQ.

Truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã thổi phồng thông tin sai lệch, về việc những quốc gia nước ngoài coi thường sự an toàn tính mạng của người dân như thế nào. Những tiếng nói chống lại zero-COVID ngay lập tức bị dập tắt.

Người dân sống trong ảo tưởng sai lầm do ĐCSTQ tuyên truyền. Khi zero-COVID không thể tiếp tục duy trì được nữa, chính quyền lại đột ngột thả nổi. Trận sóng thần dịch bệnh đã gây ra làn sóng hoang mang trong người dân. Thậm chí họ còn tranh nhau giành giật những quả đào vàng đóng hộp không có chút tác dụng về điều trị COVID.

Ông Trần Duy Minh nói:

“Tôi thấy rằng một số người đã bị thuần hóa sau 3 năm bị giam cầm. Một số người kêu khóc và đòi được xét nghiệm axit nucleic. Khi mọi người đang căng thẳng cực độ, lại đột nhiên nới lỏng phong tỏa, sẽ khiến rất nhiều người không kịp thích ứng, con người cũng đột biến nhanh như chủng virus này.”

“Ba năm phong tỏa khiến một số người suy sụp tinh thần, một số người nhảy lầu tự tử. Điều này trái ngược với trạng thái công khai thông tin khoa học ở các quốc gia khác trên thế giới, khiến con người rất dễ trở nên tê liệt hoặc điên cuồng, biến thái. Hiện giờ zero-COVID không chỉ gây ra cái chết (về thể xác) cho con người, mà cả cái chết về tinh thần”.

“Việc kiểm soát tinh thần và ý thức hệ hoàn toàn giống với sự kiểm soát virus hiện nay. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta đã được giáo dục theo cách này. Tất cả chúng ta đều thù hận ‘Đế quốc Mỹ’, tin rằng Đài Loan đang sống trong cảnh khốn cùng. Đây là kết quả của nền giáo dục khép kín, toàn bộ các thế hệ con em của chúng ta đã trở thành nạn nhân.”

Ông Lý Yến Minh nói: “Sau khi (ĐCSTQ) phá hủy tín ngưỡng truyền thống kính sợ Trời Đất, người dân Trung Quốc đã mất đi đức tin. Họ trở thành những người vô Thần và tôn thờ tiền bạc. Họ sống vì tiền, và có thể làm bất cứ điều gì. Toàn xã hội Trung Quốc đều sùng bái kim tiền.”

Ông nói: “Bất kể là xã hội hay con người, chắc chắn đều sẽ có một số tế bào khỏe mạnh. Một ngày nào đó, sự tồn tại của những tế bào khỏe mạnh này sẽ đánh bại biến chủng của virus Trung Cộng. Tôi nghĩ sau khi những tế bào khỏe mạnh đó ở Trung Quốc lớn lên, ĐCSTQ – chủng virus lớn nhất, nhất định sẽ bị đánh bại.”
Chuyên gia đã cảnh báo và chỉ trích hành động này là ‘vô cùng tắc trách’

Một chuyên gia y tế đã chỉ trích gay gắt việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại quốc tế của chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh một đợt bùng phát COVID quy mô lớn đang càn quét khắp đất nước, nói rằng hành động này là “vô cùng tắc trách” và có thể kích khởi sự bùng phát trở lại của đại dịch trên toàn cầu.

Hôm 26/12, Ủy ban Y tế Quốc gia đã thông báo rằng kể từ ngày 08/01/2023, quốc gia này sẽ hủy bỏ mọi quy định cách ly đối với khách du lịch nội địa. Du khách sẽ cần có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. Hiện tại, khách du lịch nhập cảnh vào Trung Quốc cần phải trải qua năm ngày cách ly bắt buộc tại một cơ sở đã được chỉ định, sau đó tự cách ly thêm ba ngày ở nhà.

Cơ quan y tế này nói thêm rằng hoạt động du lịch quốc tế, vốn đã giảm mạnh đến mức gần như bằng không trong đại dịch, sẽ được nối lại một cách “có trật tự”. Họ cũng loại bỏ giới hạn về số lượng chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc.

Cơ quan quản lý nhập cư của chính quyền này cho biết hoạt động nộp đơn xin cấp hộ chiếu cho công dân có ý định đi du lịch quốc tế sẽ được nối lại vào ngày 08/01 tới.

Kể từ khi những thông báo này được ban hành, mạng xã hội Trung Quốc đã rộ lên một chủ đề là “Cuối cùng tôi cũng có thể ra hải ngoại” sau gần ba năm hạn chế đi lại.

Dữ liệu từ các trang web du lịch cho thấy người dân Trung Quốc đang đổ xô đặt vé cho các chuyến đi hải ngoại.

Hôm 27/12, nền tảng du lịch Trung Quốc Tongcheng Travel (Lữ hành Đồng Trình) đã công bố dữ liệu cho thấy số lượt tìm kiếm thị thực đi sang các quốc gia khác tăng gấp 10 lần và lượng tìm kiếm vé phi cơ quốc tế tăng 850%.

Nhật Bản, Thái Lan, Nam Hàn, Hoa Kỳ, Singapore, Malaysia, Úc, và Vương quốc Anh nằm trong số những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất.

Việc mở lại biên giới diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát COVID-19, mà theo ước tính của chính nhà cầm quyền này đã có 248 triệu người bị nhiễm bệnh trong 20 ngày đầu tiên của tháng Mười Hai. Phân tích của các nhà nghiên cứu Anh cũng dự báo có khoảng từ 167 đến 279 triệu ca nhiễm trên toàn quốc, trong đó có thể dẫn đến 1.3 đến 2.1 triệu ca tử vong.

Đầu tháng này, chính quyền cộng sản đột ngột đảo ngược chính sách zero COVID hà khắc vốn đã tàn phá nền kinh tế và đẩy hàng trăm triệu người vào cảnh khốn cùng, những người phải chịu đựng các đợt phong tỏa liên miên trong gần ba năm.

Nhưng vì không có sự chuẩn bị gì trước khi dỡ bỏ chính sách này, nên các dịch vụ y tế và nhà xác đã rơi vào tình trạng quá tải, thuốc men cũng bị thiếu trầm trọng trong bối cảnh virus [lây lan] vượt khỏi tầm kiểm soát trên khắp đất nước.

Lây nhiễm cho toàn thế giới!

Ông Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), một nhà virus học và cựu giám đốc phòng thí nghiệm thuộc khoa bệnh truyền nhiễm của Viện Nghiên cứu Quân đội Walter Reed, nói rằng việc mở cửa đất nước của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực sự là một chiến lược để cho tất cả mọi người bị nhiễm bệnh, không chỉ ở trong Trung Quốc, mà là cả thế giới.

Ông nói, “Khi họ không kiểm soát được dịch bệnh, họ phát tán [virus này] ra toàn thế giới. Giống như khi COVID lần đầu tiên bùng phát ở Vũ Hán, những người đã bị nhiễm bệnh ở Vũ Hán được phép đi du lịch khắp thế giới. Chiến lược này bây giờ cũng giống như trước đây.”

COVID bùng phát lần đầu tiên vào khoảng mùa thu năm 2019 tại Vũ Hán, một thành phố có 11 triệu cư dân nằm ở miền trung Trung Quốc. Theo thị trưởng đương thời của Vũ Hán, trước khi thành phố này bị phong tỏa vào ngày 23/01/2020, hơn 5 triệu người đã rời khỏi thành phố mà không được xét nghiệm virus. Trong đợt phong tỏa đầu tiên của Trung Quốc hồi tháng Một, ĐCSTQ đã cấm du lịch nội địa, nhưng vẫn mở cửa du lịch quốc tế, nghĩa là một số lượng lớn người nhiễm chủng virus này có thể gieo rắc mầm bệnh trên toàn thế giới.

Ông Lâm chỉ ra sự thiếu minh bạch của nhà cầm quyền trong lần bùng phát dịch bệnh mới nhất này, một hành vi nhất quán suốt ba năm diễn ra đại dịch.

Ông nói: “ĐCSTQ không chia sẻ dữ liệu, và cộng đồng quốc tế không biết có bao nhiêu biến thể virus khác nhau đang lây lan ở Trung Quốc và liệu có những ca lây nhiễm phức hợp nào khác hay không.”

“Trong hoàn cảnh như vậy, việc ĐCSTQ để người dân vùng đại dịch rời khỏi đất nước là hết sức vô trách nhiệm. Hay nói cách khác, họ có một mục đích rất nham hiểm và vô cùng thâm độc.”

Số ca nhiễm virus và số ca tử vong chính thức của chính quyền này kể từ khi dỡ bỏ chính sách zero-COVID đã thu hút sự hoài nghi trên diện rộng. Quốc gia này chỉ ghi nhận tám trường hợp tử vong do COVID trong tháng Mười Hai, một con số mâu thuẫn với các báo cáo ngày càng gia tăng về các lò hỏa táng trên khắp đất nước đang hoạt động quá công suất.

Các quan chức y tế ở cấp tỉnh và thành phố cũng đã báo cáo hàng triệu ca nhiễm trong khu vực của họ, trái ngược với con số chính thức ở cấp quốc gia.

Trong bối cảnh quốc tế giám sát chặt chẽ dữ liệu virus của nhà cầm quyền Trung Quốc, hôm 25/12, Ủy ban Y tế Quốc gia đã thông báo rằng họ sẽ không công bố dữ liệu về số ca nhiễm hoặc số ca tử vong do COVID-19 nữa. Hôm 27/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc thông báo rằng họ sẽ công bố những dữ liệu này mỗi tháng một lần.

Cho đến nay để ứng phó với sự bùng phát này, Ấn Độ và Nhật Bản đã siết chặt kiểm soát biên giới bằng cách bắt buộc xét nghiệm COVID đối với du khách đến từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Hoa Thịnh Đốn cũng đang cân nhắc các biện pháp kiểm soát đối với du khách đến từ Trung Quốc do lo ngại về việc Bắc Kinh “không minh bạch về dữ liệu”, các quan chức Mỹ ẩn danh nói với các hãng thông tấn hôm 27/12.

Thay đổi tên gọi

Nhà cầm quyền nước này cũng đã thông báo vào thứ Hai (26/12) rằng họ đang hạ cấp các biện pháp kiểm soát COVID từ cấp nghiêm ngặt nhất xuống cấp nghiêm ngặt thứ hai. Sự phân loại này đã loại bỏ một cách hiệu quả việc biện minh cho các biện pháp zero COVID hà khắc của Trung Quốc.

Cùng với hành động này, Bắc Kinh đã thay đổi tên tiếng Trung chính thức của COVID-19 từ “viêm phổi do virus corona chủng mới” thành “nhiễm trùng do virus corona chủng mới”.

Theo ông Lâm, việc đổi tên này là một nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát dịch bệnh đang ngày càng tệ hơn này.

ĐCSTQ đã đổi tên bệnh COVID-19 “vì có quá nhiều người bị nhiễm chủng virus này và phát triển bệnh viêm phổi nặng, có biểu hiện là trong phổi của họ xuất hiện những mảng màu trắng; và nhiều người phải nhập viện, có các triệu chứng nghiêm trọng, và thậm chí nhiều người đã tử vong.”

“Tuy nhiên, ĐCSTQ không muốn thừa nhận rằng những người này đã bị nhiễm và mắc bệnh ‘viêm phổi do virus corona’ [COVID] nên họ đã đổi tên của bệnh này,” ông nói thêm.

Điều này sẽ khiến nhà cầm quyền dễ dàng tiếp tục nói rằng những người này có thể tử vong do các mầm bệnh khác hoặc các bệnh lý nền khác gây ra. “Họ có thể loại trừ những trường hợp tử vong này khỏi dữ liệu tử vong do COVID,” ông Lâm nói.

“Nhưng tôi nghĩ mục đích căn bản của họ là che giấu ba dữ liệu chính: tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ triệu chứng nghiêm trọng, và tỷ lệ tử vong.”

Tuần trước (19-25/12), nhà cầm quyền đã siết chặt đáng kể định nghĩa về tử vong do COVID bằng cách chỉ tính những ca tử vong do viêm phổi và suy hô hấp sau khi nhiễm COVID, một thay đổi vấp phải nhiều chỉ trích từ các chuyên gia về dịch bệnh. Theo quy định mới này, các trường hợp tử vong do các biến chứng tại các vị trí khác trong cơ thể, hoặc tử vong do các bệnh lý nền trở nên trầm trọng hơn sau khi nhiễm COVID đều sẽ không được tính.
 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.