Apr 25, 2024

Biên khảo

Phê Bình Văn Học Việt Nam
Trần Bích San * đăng lúc 11:17:08 PM, Nov 22, 2010 * Số lần xem: 2241
Hình ảnh
Trần Bích San
#1

 

 

 

 

KHÁI NIỆM VỀ PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Khảo cứu văn học, tức văn khảo, có 3 ngành chính: văn học sử, phê bình văn học và lý luận văn học . Trong khi đối tượng của văn học sử là nghiên cứu về sự hình thành và phát triển của nền văn học, phê bình văn học nhằm phê phán, thẩm định, đánh giá các tác phẩm và hiện tượng văn học, còn lý luận văn học, tức văn luận, tìm hiểu và đặt nền tảng cho văn học, là phương tiện nhận thức, giữ vai trò chỉ đạo trong lãnh vực văn học. Các nhà biên khảo sử dụng lý luận văn học trong việc nghiên cứu và biên soạn văn học sử, còn các nhà phê bình thì dùng lý luận văn học trong việc phê bình các tác phẩm . Có văn học thì có phê bình, muốn phê bình với cơ sở vững chắc phải cần có lý luận văn học. Thiếu lý luận thì phê bình không đi xa hơn sự cảm nhận đơn giản trực tiếp, không đạt tới những phán đoán sâu sắc. Thiếu sử văn học thì không có khái niệm rõ ràng về văn bản, tác giả, hoàn cảnh, thời đại đưa đến sự thiếu hiểu biết để cảm thụ. Vì vậy, văn học sử, phê bình và lý luận văn học không thể tách rời nhau. Không có lịch sử văn học thì không có phê bình văn học và lý luận văn học. Văn học sử có trước, sau đó, với sự phát triển của văn học, mới có phê bình, và cuối cùng, lý luận văn học ra đời để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu sử văn học và tạo cơ sở cho việc phê bình.

Quan niệm cho rằng nhà phê bình là người không có khả năng sáng tác và sống tầm gửi vào tác phẩm người khác, đã được phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 19 và cho đến nay vẫn còn một số người mang thiên kiến chống đối này. Northrop Frye bác bỏ luận cứ lệch lạc đó trong tác phẩm Anatomy of Criticism (Giải Phẫu Phê Bình).

Tác phẩm văn học sở dĩ tồn tại là nhờ sự tiếp nhận. Phê bình là một hình thái tiếp nhận, do đó nó là hình thức tồn tại của tác phẩm văn học. Văn học không chỉ tồn tại bằng văn bản, mà còn tồn tại trong sự tiếp nhận và phê bình. Chính các hoạt động phê bình ảnh hưởng đến số phận thăng trầm của tác phẩm trong lịch sử văn học. Nhờ phê bình, văn học được khám phá ngày một sâu rộng, phong phú và mới mẻ hơn.

ĐỊNH NGHĨA PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Nghĩa chữ Hán, Phê là bày tỏ cho biết, Bình là luận về một điều, một đề tài nào đó. Phê Bình là phân tích, lượng giá, phán đoán, bày tỏ quan điểm tốt xấu, hay dở, đúng sai của một vấn đề.
Phê Bình Văn Học là hoạt động nghiên cứu, phán đoán, thẩm định giá trị của một hiện tượng văn học cụ thể bao gồm tác phẩm, tác giả, tiếp nhận. Phê bình văn học có nhiệm vụ vạch ra ưu khuyết điểm của tác phẩm, những điểm tương đồng và khác biệt so với các tác phẩm đồng thời hoặc trong quá khứ, xác định vị trí của tác phẩm, tác giả trong một giai đoạn, một thời kỳ văn học. Phê bình văn học cũng còn có mục đích phát hiện và thẩm định sự hình thành, tiến triển, suy thoái của một xu hướng hoặc trào lưu văn học. Như thế, các tác phẩm khảo cứu về tác phẩm, tác giả, xu hướng, trào lưu văn học phải được coi là những tác phẩm thuộc về phê bình văn học . Các công trình nghiên cứu về Chinh Phụ Ngâm, Nguyễn Du và Truyện Kiều, thơ chữ Nôm và chữ Hán của Cao Bá Quát, Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong Tạp Chí, nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhóm Hàn Thuyên, Tri Tân, Thanh Nghị, nhóm Sáng Tạo, v.v. đều thuộc phạm vi phê bình. Tuy nhiên, trên thực tế đa số các hoạt động của phê bình văn học thường nhắm vào các tác phẩm và tác giả đương thời, vào những hiện tượng văn học có tác động trực tiếp đến tiến trình văn học hiện đại.

PHẠM VI CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Phạm vi của phê bình văn học rất rộng lớn, bao gồm phê bình của độc giả, phê bình của báo chí truyền thông, phê bình tài tử và phê bình khoa học. Đây là sự phân loại các bộ phận của phê bình, không phải là sự phân loại các nhà phê bình hay các thể loại của phê bình.

Phê Bình Của Độc Giả

Hình thức đầu tiên của phê bình độc giả là những ý kiến khen chê của người đọc được phát biểu qua cửa miệng tại các nơi gặp gỡ văn nghệ, trà đàm. Phê phán của những phụ nữ quí tộc tại các Salon Littéraire ở Pháp thế kỷ thứ 17 là điển hình cho lối phê bình của độc giả trước khi có sự hiện diện của báo chí.

Phê Bình Của Báo Chí Truyền Thông

Khi báo chí xuất hiện, phê bình độc giả được phát triển dưới nhiều hình thức như điểm sách, phỏng vấn, tranh luận. Loại phê bình này trở thành một thế lực tạo dư luận, đánh giá tác phẩm. Báo chí đưa các cuộc trao đổi đến các cuộc bút chiến . Tuy các cuộc tranh luận văn học gây được sự chú ý, nhưng không giải quyết được vấn đề. Với sự phát triển của văn minh kỹ thuật, ngày nay chúng ta phải kể thêm truyền thanh, truyền hình và các mạng lưới trên Internet. Phê bình của báo chí, truyền thanh, truyền hình chỉ nhằm vào các tác phẩm hiện đại. Các bài viết mang tính thời gian, dính liền với hiện tại và qua đi như dòng chảy hàng ngày của truyền thông. Tuy vậy, những hoạt động này rất quan trọng vì nó nối liền độc giả với tác phẩm. Muốn tìm hiểu đời sống văn học thực tế của một thời, bắt buộc người ta phải tìm đến phê bình của báo chí truyền thông thời đó. Tóm lại, loại phê bình này có tính cách nhanh và sinh động, nhưng thường chỉ là ý kiến phiến diện, một đôi khi có nhận xét sắc bén, hoặc nêu lên được khía cạnh mới lạ, nhưng không chứa đựng phân tích, lý giải xác đáng.

Phê Bình Tài Tử

Tuy gọi là phê bình tài tử nhưng là những bài phê bình của các cây bút danh tiếng, các nhà văn, nhà thơ lớn trong văn giới như Balzac, Hugo, Baudelaire, Goethe, Hemingway, Lỗ Tấn, Phạm Quỳnh, Nguyễn Tuân... Có nhiều người chỉ có thể viết được loại phê bình báo chí, do đó phải thực sự là nhà văn, nhà thơ thuộc loại bậc thầy mới có chỗ đứng trong loại phê bình tài tử. Tuy nhiên, cũng có nhà văn vừa thuộc loại phê bình báo chí, vừa thuộc loại phê bình tài tử. Phan Khôi, Phan Kế Bính, Xuân Diệu... nằm trong số những người này. Các nhà văn nổi tiếng thường viết về các tác giả mà họ tâm đắc, khi đề cập đến tác phẩm thì thườngï chú trọng đến những điểm họ ưa thích như tư tưởng sâu sắc, mới lạ, cách sử dụng ngôn ngữ tài tình, cô đọng, có duyên, hoặc văn phong chua cay, khinh bạc, độc đáo... Tóm lại, loại phê bình tài tử nặng về chi tiết và cảm quan riêng của từng nhà văn, nhà thơ với đối tượng phê bình nhưng lại không có cơ sở lý luận khoa học.

Phê Bình Khoa Học

Đây là loại phê bình của các nhà phê bình chuyên nghiệp . Nhiều người không thích loại phê bình này vì cho là khô khan, thiếu văn vẻ, dùng nhiều từ ngữ khó hiểu, lập dị. Tuy nhiên, loại phê bình khoa học có một địa vị rất quan trọng, nó tạo cho toàn bộ văn học trong quá khứ mang tính hiện đại. Nó giúp các nhà biên soạn văn học sử trong việc xắp xếp và đặt định vị trí, chỗ đứng của các tác gia trong lịch sử văn học. Chính vì thế mà những nhà phê bình khoa học được ban cho danh vị Ngự Sử Văn Đàn. Phê bình khoa học khai tử các quan niệm cho rằng không cần đến phương pháp hoặc chỉ có một phương pháp phê bình. Hơn nữa, phê bình khoa học tạo đối thoại văn hóa giữa thời đại bây giờ và thời đại đã qua, và với các nền văn hóa khác. Nhà phê bình khoa học nhờ kiến thức am hiểu tác phẩm, tác giả, thời đại, và sử dụng các phương pháp phân tích, lý luận khoa học nên lượng giá chính xác tác phẩm một cách toàn diện và triệt để, giúp người đọc thưởng thức tác phẩm một cách thấu đáo và trọn vẹn. Đối tượng nghiên cứu của phê bình khoa học là tác phẩm văn học, do đó, nhà phê bình không cần phải biểu dương vẻ đẹp của văn chương với chính đối tượng của họ .

Muốn nghiên cứu toàn diện về tác phẩm, tác giả, trào lưu văn học, nhà khảo cứu cần phải sưu tập đầy đủ bốn loại phê bình văn học nêu trên theo từng năm, từng thời kỳ. Đây là một công trình sưu tầm đòi hỏi nhiều thời giờ dễ bị chìm ngập trong các bài viết rải rác trên báo chí, tạp san văn học.

CÁC THỂ LOẠI CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC

Phê bình văn học có những thể loại riêng của nó, gồm có:
- Thể loại Bút Chiến (hay Tranh Luận Văn Học): giá trị của các cuộc bút chiến nằm ở đề tài đưa ra tranh luận có thiết yếu cho văn học hay không?
- Thể loại Phê Bình Tác Gia (hay Phê Bình Nhân Vật): vẽ chân dung nhà văn, nhà thơ với mục đích mô tả cái hồn của tác giả.
-Thể loại Danh Nhân Truyện Ký: viết về thân thế, sự nghiệp cùng cá tính của tác gia để từ đó giải thích đặc điểm thơ văn của nhà ấy.
- Thể loại Chuyên Đề: dùng phương pháp của lý luận văn học để khảo sát một tác phẩm hay một tác gia, hoặc cả hai.
- Thể loại Bình Chú Thơ Văn: tập hợp tác phẩm, chú thích và thêm lời bình.

CÁC THỜI KỲ CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC VIỆT NAM
Quá trình phê bình văn học ở Việt Nam không thể độc lập với tiến trình phát triển của nền văn học nước ta, do đó việc phân chia thời kỳ cũng phải tương ứng với các giai đoạn của lịch sử văn học. Thời kỳ đầu (1913-1932) là thời kỳ hình thành ngành phê bình văn học lúc còn phôi thai. Thời kỳ tiếp theo (1932-1945) ngành phê bình bộc phát, tiến một bước nhanh và dài bằng đôi hia bảy dậm nhưng ngừng lại ở mốc 1945, là thời điểm đánh dấu khúc quanh quan trọng của lịch sử đã ảnh hưởng nặng nề và sâu xa đến văn học. Thời kỳ thứ ba (1945-1975) chiến tranh Việt Nam đưa đến hai ngành phê bình Nam, Bắc khác nhau. Thời kỳ hiện đại (1975-hiện nay), tuy biến cố 30/04/1975 đem lại sự thống nhất cho đất nước nhưng chúng ta vẫn có 2 ngành phê bình, một ở trong nước và một ở hải ngoại.

Thời Kỳ 1913-1932

Lịch sử phê bình văn học Việt Nam có thể nói bắt đầu từ Đông Dương Tạp Chí (1913) với mục “Phê Bình Sách Mới”, và Nam Phong Tạp Chí (1917) với những bài “phê bình theo lối mới của Thái Tây”. Thời kỳ này xuất hiện các tác phẩm phê bình nhưng các công trình đều rất sơ lược, phương thức nhận định còn giữ lối bình thơ văn cổ ngày trước . Thời kỳ này chúng ta chưa có các nhà phê bình khoa học, các hoạt động phê bình còn trong khuôn khổ khảo cứu, phiên dịch, giới thiệu, gồm có các tác giả: Phạm Quỳnh, Phan Kế Bính, Tản Đà ø, Nguyễn Văn Ngọc , Trần Trung Viên, Vũ Đình Long , Nguyễn Tường Tam , Ngô Đức Kế , Nguyễn Đôn Phục , Phan Khôi, Lê Thước , Võ Liêm Sơn . Trong số những tác giả trên, Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Phan Kế Bính và Võ Liêm Sơn vừa là phê bình vừa là nhà lý luận văn học của giai đoạn này.
Phan Kế Bính là tác gia viết về phê bình văn học đầu tiên. Tác phẩm Việt Hán Văn Khảo của ông được viết theo quan niệm văn chương cổ nhưng súc tích và ngắn gọn, lúc đầu là những bài viết trên Đông Dương Tạp Chí, sau do Trung Bắc Tân Văn xuất bản năm 1930. Tác phẩm chủ yếu nói về thể cách văn chương và phép làm văn. Có thể nói tác phẩm này đã mở đầu cho khuynh hướng tìm về thơ văn cổ của ta sau này.

Phan Khôi , với Chương Dân Thi Thoại, bình thơ theo phương pháp cổ điển. Sau khi cho biết lai lịch, thơ được bình theo lối thưởng ngoạn kiểu thi thoại của Trung Hoa.

Phạm Quỳnh , với công trình nghiên cứu có phương pháp về Truyện Kiều, đã đem nguồn gốc tác phẩm, lịch sử tác giả, tâm lý nhân vật và văn chương của tác phẩm vào lãnh vực phê bình , khởi đầu hướng đi cho ngành phê bình hiện đại.
Kết Luận Về Thời Kỳ 1913-1932

Thời kỳ này là giai đoạn chuyển mình của ngành phê bình văn học. Từ 1913 với Đông Dương Tạp Chí, và 1917 với Nam Phong Tạp Chí, có hai khuynh hướng trong thời kỳ này. Thứ nhất là khuynh hướng tìm lại những giá trị cũ của văn hóa dân tộc trong đó có Phan Kế Bính, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Thành Ý, Dương Quảng Hàm, Lê Thước, Trần Trung Viên, Bùi Kỷ. Thứ hai là khuynh hướng giới thiệu tư tưởng, học thuật của Tây phương, tiêu biểu có Phạm Quỳnh và Nguyễn Văn Vĩnh. Tuy trong thời kỳ này chưa xuất hiện những nhà phê bình văn học chuyên nghiệp, nhưng hai khuynh hướng trên đã đặt nền móng, góp phần tích cực cho sự đổi mới của ngành phê bình văn học ở giai đoạn sau.

Điều đáng được ghi nhận là trong thời kỳ này Phạm Quỳnh và nhóm Nam Phong đã tạo được phong trào rầm rộ về Truyện Kiều từ 1923-1924, và gây nên cuộc tranh luận văn học sôi nổi đầu tiên ở nuớc ta từ 1919 đến 1924 .

Thời Kỳ 1932-1945

Phong trào phê bình nở rộ trong báo giới trong khoảng 1934-1935 . Nhưng đây chỉ là một hiện tượng nhất thời vì nhiều người muốn thử một ngành mới của văn học. Phải từ 1935 trở đi chúng ta mới thấy xuất hiện những nhà phê bình chuyên nghiệp. Phần đầu của thời kỳ (1932-1939) xuất hiện những cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí, đặt ra nhiều vấn đề thiết yếu cho văn học. Không kể cuộc bút chiến về Nho Giáo giữa Trần Trọng Kim và Phan Khôi, có 4 cuộc tranh luận văn học lớn là: luận về quốc học, thơ cũ thơ mới, duy tâm hay duy vật, nghệ thuật vị cái gì? Giai đoạn sau (1939-1945) chứa đựng những tác phẩm kết quả của các công trình quan trọïng trong lãnh vực phê bình.

Điều đáng kể là trong thời kỳ 1932-1945 các thể loại của ngành phê bình văn học được hình thành. Đã thấy xuất hiện những tác phẩm thuộc loại phê bình tác giả (phê bình nhân vật), các tác phẩm về danh nhân truyện kýï , sách chuyên đề về tác giả, tác phẩm, và loại bình chú thơ văn. Số người tham gia vào lãnh vực phê bình thật đông đảo, đáng kể có Thiếu Sơn, Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Hải Triều, Trương Chính, Đặng Thái Mai, Phan Khôi, Trần Thanh Mại, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Lê Thanh, Kiều Thanh Quế.

Phê Bình và Cảo Luận của Thiếu Sơn là tác phẩm đầu tiên về phê bình văn học thuộc loại chân dung nhân vật. Trước đo,ù Lê Thước tuy viết về Nguyễn Công Trứ nhưng cái mới của Thiếu Sơn là viết về 9 nhân vật còn sống đồng thời với ông.
Trần Thanh Mại là tác gia sử dụng phương pháp phê bình tiểu sử khách quan của Sainte- Beuve đầu tiên ở Việt Nam. Qua hai tác phẩm Trông Dòng Sông Vị (1935) và Hàn Mạc Tử, thân thế và thi văn (1941), ông đã phân tích cử chỉ, tính tình, giai thoại, các giai đoạn cuộc đời, và cả những chuyện nhỏ nhặt trong đời sống của nhà thơ để tìm hiểu thơ của họ.

Đào Duy Anh trong Khảo Luận về Kim Vân Kiều (1943) đề cập đến các yếu tố về tác giả, thân thế, dòng họ, quê quán là những điều trước đó chưa được các nhà phê bình sử dụng để giải thích tác phẩm.

Hải Triều là người đầu tiên cổ súy cho chủ nghĩa tả thực trong văn chương, được biết đến từ cuộc bút chiến Nghệ Thuật Vị Nghệ Thuật hay Vị Nhân Sinh. Ông đã sử dụng phương pháp lý luận duy vật sử quan để đưa ra quan điểm văn học Marxist.
Tuy ngành phê bình ở nước vào thời điểm này còn quá mới mẻ, nhưng Trương Tửu , tức Nguyễn Bách Khoa, đã biết sử dụng các phương pháp khoa học tây phương để cắt nghĩa các hiện tượng văn học. Trong Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943), Trương Tửu sử dụng phương pháp xã hội học và phân tâm học của Freud nghiên cứu huyết thống, đẳng cấp, cá tính, nhân sinh quan, di truyền về sinh lý, tâm lý của Nguyễn Du để giải thích tư tưởng yếm thế, thuyết nhân quả, thiên mệnh, tài mệnh tương đố trong truyện Kiều. Tuy nhiên, vì suy diễn theo chủ quan nên các tác phẩm phê bình của ông có ít giá trị khoa học.

Thi Nhân Việt Nam (1941) của Hoài Thanh và Hoài Chân viết về 45 nhà thơ, là một tác phẩm phê bình bằng cảm quan, chú trọng đến thi cảm, âm điệu, đến hồn thơ của nhà thơ. Ông chủ trương chỉ viết về những cái hay, cái đẹp nên chỉ có khen, không chê. Không phân tích giải thích, ông phê bình thơ bằng trực giác, bằng sự nhạy cảm và bằng khiếu thẩm mỹ thưởng thức của ông.
Trong bộ Nhà Văn Hiện Đại (1940), Vũ Ngọc Phan xét giá trị tác phẩm thuần túy về phương diện văn chương và về kỹ thuật làm văn. Ông sử dụng phương pháp cổ điển có tính cách thuần túy kỹ thuật, chú trọng vào việc phê phán câu văn viết đúng hay sai, sự quan sát của tác giả tinh vi hay hời hợt, cốt truyện hay hoặc dở, lối mô tả, tự sự, đối thoại, hoặc cách cấu kết khéo léo hay vụng về... Ông dùng những lời phê phán của các nhà phê bình nổi tiếng Tây phương để áp dụng vào những nhận xét của ông. Tóm lại, ông phê bình tác phẩm theo quy tắc ngữ văn hơn là một người đi tìm cái đẹp, khám phá các công trình sáng tạo. Tuy vậy, ông là nhà phê bình có ý thức vững chắc và trung thành với nhiệm vụ cùng phương pháp phê bình. Ông đã phê bình các sáng tác văn học đúng theo tiêu chuẩn của ông.

Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan cùng với Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân là hai phác họa rộng lớn và bao quát bức tranh văn học từ khi có chữ Quốc Ngữ tới đầu thập niên 1940. Đây là hai công trình quí giá cho những nhà nghiên cứu văn học, nhất là cho ngành phê bình văn họcViệt Nam.


Kết Luận Về Thời Kỳ 1932-1945

Trong giai đoạn này phê bình được mọi người đón nhận như một thể văn mới chưa từng có trong văn học Việt Nam. Đây là thời kỳ hình thành và bột phát của ngành phê bình văn học với sự xuất hiện các nhà phê bình chuyên nghiệp. Quan niệm văn học của ta từ trước 1932 vẫn còn là quan niệm văn tải đạo của Tống Nho, nhưng với sự thay đổi của tiểu thuyết và thơ mới, quan niệm cũ đã được thay thế. Văn học không còn được dùng để chuyên chở đạo lý hay là phương tiện giáo huấn nữa, văn học nay được hiểu như là một nghệ thuật ngôn từ. Chính sự thay đổi quan niệm văn học đã tạo nên sự chuyển mình cho cả thời kỳ văn học 1932-1945 mà phê bình văn học là một thành phần.

TRẦN BÍCH SAN

Kỳ tới:
Những thời kỳ từ 1945 đến hiện tại của Phê Bình Văn Học Việt Nam

Chú thích:
1. Nhiều người thường gộp chung hoặc lẫn lộn giữa Phê Bình Văn Học và Lý luận Văn Học. Lý luận là lý thuyết (theory), còn phê bình là áp dụng (application). Một tác phẩm phê bình khoa học đúng nghĩa là kết quả của sự áp dụng lý luận văn học vào công trình phê bình văn học.
2. Như thế, Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân (nxb Nguyễn Đức Phiên, Hànội, 1941), Văn Luận của Lưu Nguyễn Đạt (nxb Cỏ Thơm, Hoa Kỳ, 2000) là hai tác phẩm thuộc về phê bình văn học, măc dù tác giả không muốn phê mà chỉ muốn bình. Riêng quyển sau, tựa sách là một sự lầm lẫn giữa lý luận văn học (văn luận) và phê bình văn học.
3. “The conception of the critic as a parasite or artist manqué is still popular, especially among artists. It is sometimes reinforced by a dubious analogy between the creative and the procreative functions, so that we hear about the “impotence” and “dryness” of the critic, of his hatred for genuinely creative people, and so on... However, the fate of art that tries to do without criticism is instructive.... There is another reason why criticism has to exist. Criticism can talk, and all the arts are dumb...” (Northrop Frye, Anatomy of Criticism, Princeton University Press, 1957, 10th printing 1990, pages 3-5).
4. “Nếu Shakespeare sống lại, chắc hẳn ông không nhận ra được một Shakespeare vĩ đại như ngày nay mọi người biết đến” (M. Bakhtin, nhà lý luận văn học Nga).
5. Quan niệm này đã có từ lâu ở Tây phương. Các công trình khảo cứu về tác phẩm, tác giả như Shakespeare, Corneille, Racine, Gide, Sartre, Kafka, Apollinaire, Miller, Faulkner, v.v. đều thuộc phạm vi của phê bình văn học.
6. Ở miền Nam Việt Nam sau 1954, Đàm Trường Viễn Kiến tại tư gia nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh đường Phan Thanh Giản, và những cuộc gặp gỡ ở Câu Lạc Bộ Báo Chí đường Tự Do Sài Gòn vào những năm cuối thập niên 1950 là hình thức mô phỏng Salon Littéraire của Pháp.
7. “Nghệ Thuật vị cái gì?” là thí dụ điển hình về bút chiến. Thời tiền chiến, khởi đầu từ bài Nghệ thuật với Đời Người của Thiếu Sơn Lê Sĩ Quí trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy số 41 ra ngày 09/03/1935, Hải Triều đặt vấn đề với Thiếu Sơn, mở màn cuộc tranh luận văn học gây sôi nổi ngay từ đầu, kéo dài đến năm 1939 mới tạm chấm dứt vì thời cuộc. Tám cơ quan ngôn luận đã tham gia gồm các báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Văn Học Tuần San, Tao Đàn, Đời Mới, Hà Nội Báo, Hồn Trẻ, Tiến Bộ và Tràng An. Các cây viết tham dự gồm có: Thiếu Sơn, Lan Khai, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Phan Văn Hùm, Lê Tràng Kiều (phái vị nghệ thuật), Hải Triều, Hải Âu, Thạch Đông, Tô Vệ, Hải Khánh, Hồ Xanh, Hải Lân, Hoàng Tân Dân, Bùi Công Trừng, Lâm Mộng Quang (phái vị nhân sinh). Cuộc tranh luận này được Đặng Thái Mai tiếp tục trong Văn Học Khái Luận và còn mãi về sau này.
8. Thibaudet gọi là “Phê Bình Giáo Sư”.
9. “Nhà côn trùng học nghiên cứu về bươm bướm, không vì quá yêu vẻ đẹp của bướm mà lấy màu sắc sặc sỡ vẽ lên áo mình” (Jean Yves Tadié, Phê Bình Văn Học Thế Kỷ 20, Belfond, 1987, bản dịch của Trung Văn, nxb Bách Hoa Văn Nghệ). “Các tác giả lớn từ Platon, Aristotle, Kant, Hégel không ai làm văn chương trong tác phẩm của họ cả” (Chu Quang Tiềm).
10. Các tác phẩm phê bình văn học trong thời kỳ này gồm có: Việt Hán Văn khảo (1918) của Phan kế Bính, Việt Văn Hợp Tuyển Giảng Nghĩa (1925) của Nguyễn Thành Ý, Quốc văn Trích Diễm (1925) của Dương Quảng Hàm, Nam Thi Hợp Tuyển (1927) của Nguyễn Văn Ngọc, Sự Nghiệp và Thi Văn của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ (1928) của Lê Thước, Văn Đàn Bảo Giám (1928) của Trần Trung Viên, Quốc Văn Cụ Thể (1932) của Bùi Kỷ, những bài viết Nam Âm Thi Thoại, sau in thành sách năm 1936 đổi là Chương Dân Thi Thoại của Phan Khôi.
11. Tản Đà (1888-1939): tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, sinh ngày 8 tháng 5, 1988, quê làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây, nay thuộc Ba Vì, ngoại thành Ha Nội. Con án sát Nguyễn Danh Kế, thi mãi không đậu, hướng vào làm báo, làm thơ, soạn kịch. Chủ bút báo Hữu Thanh, chủ trương tờ An Nam Tạp Chí, viết cho Đông Dương Thời Báo, Tiểu Thuyết Tuần San... Mất ngày 7 tháng 6, 1939, hưởng dương 51 tuổi.
12. Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942): hiệu Ôn Như, sinh ngày 1 trháng 3, 1890, quê làng Hoạch Trạch (làng Vạc), huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. 1907 tốt nghiệp trường Thông Ngôn, dạy trường tiểu học Hànội, rồi dạy trường Hậu Bổ, sau làm thanh tra các trường Sơ Học ở Bắc Kỳ, đốc học tỉnh Hà Đông. Mất ngày 26 tháng 4, 1942, hưởng dương 52 tuổi.
13. Vũ Đình Long (1896-1960): sinh ngày 19 tháng 12, 1896, quê thôn Mục Xá, xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Hà Nội. Học ở Hà Nội, dạy học ở Hà Đông, sau chuyển về Hà Nội. Từ 1925 mở nhà xuất bản Tân Dân, từ 1936 lần lượt chủ trương các báo: Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Phổ Thông Bán Nguyệt San, Ích Hữu, tạp chí Tao Đàn, tuần báo Thiếu Nhi, Truyền Bá. Sáng tác nhiều vở kịch giá trị. Mất tại Hà Nội ngày 14 tháng 8, 1960, thọ 64 tuổi.
14. Nguyễn Tường Tam (1905-1963): bút hiệu Nhất Linh, gốc Cẩm Phô, Quảng Nam, sinh ở Cẩm Giàng, tỉnh Hải dương, ngụ ở Hà Nội. 1926 học trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Hà Nội, sang Pháp đỗ cử nhân khoa học năm 1930 và nghiên cứu thêm về báo chí, xuất bản. 1931 về nước dạy tư thục Thăng Long, Hà Nội. 1932 chủ trương tuần báo Phong Hóa, thành lập Tự Lực Văn Đoàn. 1936, Phomg Hóa bị đình bản, ra tờ Ngày Nay. 1945 giữ chức bộ trưởng ngoại giao trong chính phủ liên hiệp và được cử làm trưởng phái đoàn Việt Nam tham dư hội nghị Đà Lạt đàm phán với Pháp. Lưu vong ở Trung Quốc một thời gian. 1951 trở về ẩn cư ở Đà Lạt. 1956 vào Sài Gòn hoạt động văn hóa, chủ trương tập san Văn Hóa Ngày Nay. Uống thuốc độc tự vận ngày 8 tháng 7, 1963 để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm dự định đưa ông ra toà án xét xử.

15. Ngô Đức Kế (1878-1929): hiệu Tập Xuyên, quê làng Trảo Nha, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, con tham tri Ngô Huệ Liên. 1901 đỗ tiến sĩ nhưng không ra làm quan, hoạt động cách mạng. 1908 bị bắt đày ra Côn Đảo đến 1921 mới được thả. Từ 1922 làm báo Hữu Thanh ở Hà Nội. Mất ngày 10 tháng 12, 1929, hưởng dương 51 tuổi.
16. Nguyễn Đôn Phục (? -1954): tự Hi Cán, hiệuTùng Vân, nguyên quán Thanh Hóa, định cư ở làng La Nội, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc tỉnh Hà Tây, thuở nhỏ theo Hán học, 1906 đỗ tú tài, sau không thi nữa. Cộng tác với các báo Nam Phong, Tri Tân trong nhiều năm. Mất năm 1954.
17. Lê Thước (1890-1975): quê xã Lạc Thiên, huyện La Sơn (nay là Đức Thọ), tỉnh Hà Tĩnh, thuở nhỏ theo Hán học, sau theo Tây học, đỗ bằng thành chung, làm giáo sư trường Bưởi, Ha Nội. Thời gian sau chuyển về làm phụ tá tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. Mất ngày 1 tháng 10, 1975, thọ 85 tuổi.
18. Võ Liêm Sơn (1888-1949): hiệu Ngạc Am, quê xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, đỗ cử nhân năm 1912, làm tri huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Sau chuyển sang ngành giáo dục làm huấn đạo, rồi giáo sư Hán văn và Quốc văn tại trường Quốc Học Huế. Cùng với Đào Duy Anh lập ra Nam Hải Tùng Thư. 1930 vị Pháp bắt giam, ra tù về sống ẩn dật nơi quê vợ ở Bình Thuận, chuyên tâm sáng tác văn học. Mất ngày 22 tháng 2, 1949, thọ 61 tuổi.
19. Phan Kế Bính (1875-1921): hiệu Bưu Văn, quê làng Thụy Khê, huyện Hoàng Long, tỉnh Hà Đông, nay thuộc thành phố Hà Nội. 1906 đỗ cử nhân, không ra làm quan, sống nghề dạy học. Từ 1907 viết báo, phụ trách phần chữ Hán trong Đăng cổ Tùng Báo, lần lượt cộng tác với Đông Dương Tạp Chí, Trung Bắc Tân Văn. Mất năm 1921, hưởng dương 46 tuổi.
20. Phan Khôi (1887-1960): hiệu Chương Dân, quê làng Bảo An, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, cha là phó bảng Phan Trân, mẹ là con gái tổng đốc Hoàng Diệu, thi Hương ở Huế đậu tú tài, sau đó bỏ khoa cử, làm báo. 1906 ra Hà Nội học tiếng Pháp, tham gia phong trào Duy Tân tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục. 1908 bị bắt ở Hà Nội, giam tại nhà lao Hội An (Quảng Nam). 1911 được thả, sau đó làm báo. 1957-1958 tham gia nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Mất tại Hà Nội năm 1960, thọ 73 tuổi.
21. Phạm Quỳnh (1892-1945): hiệu Thượng Chi, Hồng Nhân, sinh ngày 17 tháng 12, 1892 tại Hànội, nguyên quán làng Thượng Hồng, phủ Bình Giang, tỉnh Hải Dương. 1908 tốt nghiệp trường Thông Ngôn, bổ làm việc tại trường Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội. 1917 chủ nhiệm kiêm chủ bút Nam Phong Tạp Chí. 1932 giữ chức Ngự Tiền Văn Phòng cho vua Bảo Đại, rồi thăng thương thư bộ Học, bộ Lại. Ngày 23 tháng 8, 1945 bị CS bắt ở Huế, sau đó bị xử bắn ở làng Hiền Sĩ, tỉnh Thừa Thiên, hưởng dương 53 tuổi.
22. Tìm hiểu tác giả để giải thích tác phẩm là nguyên tắc phê bình được sử dụng từ Sainte- Beuve (tên thật Charles Augustin 1804-1869), sử gia và là nhà phê bình chân dung của Pháp.
23. Các tác giả tham gia tranh luận về Truyện Kiều gồm có: Phạm Quỳnh, Vũ Đình Long, Nguyễn Tường Tam, Trần Trọng Kim, Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng.
24. Lê Thanh ghi nhận trong Cuốn Sổ Văn Học như sau:” Giở những tạp chí, những tờ báo xuất bản những năm ấy ta thấy nhan nhản những bài phê bình”.
25. Trần Trọng Kim (1882-1953): hiệu Lệ Thần, quê làng Kiều Lĩnh, xã Đan Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. 1903 tốt nghiệp ưu hạng trường Thông Ngôn, bổ về làm việc ở Ninh Bình. Cuối 1904, cùng Nguyễn Văn Vĩnh sang Pháp học ở Lyon. 1911 về nước làm ở Nha Học Chánh, thanh tra các trường tiểu học, tham gia hội đồng soạn thảo sách giáo khoa, dạy Sư Phạm Thực Hành Hà Nội, giám đốc các trường Nam Hà Nội. 1943 về hưu. Cuối 1944 Nhật đưa đi lánh nạn ở Singapore. 1945 về nước làm thủ tướng chính phủ của Bảo Đại. Từ chức sau biến cố 19 tháng 8, 1945. Từ trần ngày 2 tháng 12, 1953 tại Đà lạt, thọ 71 tuổi.
26. Thiếu Sơn Lê Sĩ Quí với tác phẩm Phê Bình và Cảo Luận là tác giả mở đầu loại phê bình này ở nước ta. Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân, Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, Phỏng vấn Các Nhà Văn của Lê Thanh, đều thuộc loại chân dung văn học, mặc dù cách vẽ có khác nhau.
27. Thể loại này đã có từ thời kỳ trước (Sự Nghiệp và Thi Văn của Uy Viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ , 1928, của Lê Thước). Tác phẩm trong giai đoạn này gồm có: Thi Sĩ Tản Đà (1939), Tú Mỡ (1942), Trương Vĩnh Ký (1943) của Lê Thanh, Cao Bá Quát (1940), Chu Mạnh Trinh (1942), Bùi Huy Bích (1944) của Trúc Khê Ngô Văn Triện, Trông Dòng Sông Vị (1935), Hàn Mạc Tử, Thân Thế và Thi Văn (1941) của Trần Thanh Mại, Tùng Thiện Vương (1944) của Ưng Trình.
28. Gồm các tác phẩm: Kinh Thi Việt Nam (1940) của Trương Tửu, Nguyễn Du và Truyện Kiều (1943), Văn Chương Truyện Kiều (1944), Tâm lý và Tư Tưởng Nguyễn Công Trứ (1942) của Nguyễn Bách Khoa (bút hiệu khác của Trương Tửu), Khảo Luận về Kim Vân Kiều (1943) của Đào Duy Anh.
29. Thể loại này đã có từ thời kỳ trước (Nam Thi Hợp Tuyển, 1927, của Nguyễn Văn Ngọc). Trong giai đoạn này có Thi Văn Bình Chú (1941) của Ngô Tất Tố.
30. Thiếu Sơn (1908-1978): tên thật Lê Sĩ Quí, nguyên quán làng Đan Loan, tỉnh Hải Dương, thuở nhỏ sống ở Hà Nội, nhưng sau vào ở trong Nam trước 1930, công chức của Pháp, nổi tiếng từ 1928, cộng tác với các báo Nam Phong, Phụ Nữ Tân Văn, Đuốc Nhà Nam, Nam Kì Tuần Báo, Đại Việt Tạp Chí, Phổ Thông, Giáo Dục Phổ Thông. 1971 bị bắt đày ra Côn Đảo. 1973 được trao trả “tù binh”, sang Pháp vận động chấm dứt chiến tranh VN. 1975 về Sàigòn, mất ngày 5 tháng 1, 1978, thọ 70 tuổi.
31. Trần Thanh Mại (1911-1965): sinh ngày 3 tháng 2, 1911, quê làng Tân Nội, tổng Mậu Tài, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, nay thuộc ngoại ô thành phố Huế. Từ 1930 chuyên sáng tác văn học, cộng tác với nhiều báo ở Bắc và trong Nam. Mất tại Hànội ngày 2 tháng 2, 1965, hưởng dương 54 tuổi.
32. Đào Duy Anh (1904-1988): hiệu Vệ Thạch, nguyên quán làng Khúc Thủy, xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông, từ đời ông nội vào cư ngụ ở Thanh Hóa. Thuở nhỏ học ở Thanh Hóa, sau học trường quốc học Huế. 1923 tốt nghiệp bằng Thành Chung, làm giám học ở Đồng Hới, Quảng Bình. 1926 cộng tác với báo Tiếng Dân. 1927 chủ trương Quan Hải Tùng Thư. 1929 bị Pháp bắt, được thả năm 1930 về dạy tư tại trường Thuận Hóa ở Huế và chuyên tâm nghiên cứu sử và văn học. 1945 dạy Đại Học Hà Nội, sau tản cư vào Thanh Hóa. 1950 phụ trách ban Văn Sử Địa, bộ Giáo Dục. 1953 giáo sư sử học lớp Dự Bị Đại Học ở Thanh Hóa. 1954 ra Hà Nội dạy sử học tại trường Đại Học Sư Phạm và Tổng Hợp Hà Nội. 1957-1958 liên hệ vụ Nhân Văn Giai Phẩm bị chuyển về làm công tác dịch thuật ở Viện Khoa Học Xã Hội tới khi về hưu. Mất năm 1988 tại Hà Nội, thọ 84 tuổi.
33. Hải Triều (1908-1954): tên thật Nguyễn Khoa Văn, hiệu Xích Nam Tử, sinh ngày 1 tháng 10, 1908 tại An Cựu, mgoại thành Huế, nay thuộc tỉnh Thừa Thiên, đảng viên lớp đầu của đảng Cộng Sản Đông Dương. 1931 bị bắt tại Sài Gòn, đưa về Huế kết án 9 năm khổ sai và 8 năm quản thúc, nhưng đến tháng 7, 1932 lại được thả. Tháng 8, 1940 bị bắt đi an trí tại Phong Điền (Thừa Thiên), được thả tháng 3, 1945, làm giám đốc Sở Tuyên Truyền Trung Bộ, sau làm giám đốc Sở Tuyên Truyền liên khu IV, ủy viên ban chấp hành Chi Hội Văn Nghệ liên khu IV. Mất tại Hà Lãng, tỉnh Thanh Hóa ngày 6 tháng 8, 1954, hưởng dương 46 tuổi.
34. Trương Tửu (1913-1999): bút hiệu Nguyễn Bách Khoa, sinh ngày 18 tháng 10, 1913 ở Hà Nội, học tiểu và trung học ở Hà Nội, rồi học trường Kỹ Nghệ Thực Hành ở Hải Phòng cùng lớp với Lê Văn Siêu. Tốt nghiệp, không làm công chức, tiếp tục học hết chương trình tú tài Pháp-Việt, sau đó viết văn, làm báo. Từ 1931-1938 cộng tác với các báo Đông Tây Tuần Báo, Loa, Ích Hữu, Tiếng Trẻ, Hà Nội Báo, Mùa Gặt Mới, Văn Mới...Giám đốc nhà xuất bản Hàn Thuyên, cùng Nguyễn Đức Quỳnh trông nom tạp chí Văn Mới (thực chất là sách). 1946 tản cư vào Thanh Hóa, giữ chức phó Chi Hội Văn Hóa tỉnh. 1952 dạy trường Dự Bị Đại Học chuyên về lý luận, phê bình văn học. Sau 1954 hồi cư về Hànội dạy trường Đại Học Sư Phạm, Đại Học Văn Khoa Hà Nội. 1957 được phong giáo sư đại học cùng với Đào Duy Anh và Nguyễn Mạnh Tường. 1958 liên hệ vụ Nhân Văn Giai Phẩm bị buộc nghỉ việc, về sống với gia đình chuyên nghiên cứu y học Đông phương, sống bằng nghề Đông y cho tới khi mất ngày 16 tháng 6, 1999 tại Hà Nội, thọ 86 tuổi.
35. Hoài Thanh (1909-1982): tên thật Nguyễn Đức Nguyên, sinh ngày 15 tháng 7, 1909, quê Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, lúc nhỏ học ở Nghệ An và Huế, tốt nghiệp trung học, dạy học và làm việc ở Huế. Mất ngày 14 tháng 3, 1982, thọ 73 tuổi.

36. Vũ Ngọc Phan (1902-1987): sinh ngày 8 tháng 9, 1902 tại Hà Nội, nguyên quán huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc tỉnh Bắc Ninh, sống và làm việc ở Hà Nội từ lúc còn trẻ cho đến khi mất. Từ 1930 viết tiểu luận, phê bình, dịch thuật. Cộng tác với các báo Phong Hóa, Ngày Nay của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, và với nhóm Tân Dân của Vũ Đình Long. Sau 1946 giữ các chức vụ chủ tịch Ủy Ban Kháng Chiến khu Đống Đa, Hà Nội, ủy viên thường trực Đoàn Văn Hóa Kháng Chiến liên khu IV, ủy viên ban chấp hành Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Nam. Mất tại Hà Nội ngày 14 tháng 6, 1987, thọ 85 tuổi.

Tài Liệu Tham Khảo

- Hoài Thanh & Hoài Chân, Thi Nhân Việt Nam, nxb Nguyễn Đức Phiên, in lần thứ 2, Hànội, VN, 1943.
- Irving Howe, Modern Literary Criticism, Beacon Press, Boston, USA, 1958.
- Jennifer Bothamley, Dictionary of Theories, Gale Research inc., USA, 1993.
- Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử Việt Nam (bộ mới), nxb Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh, Sàigòn, VN, 2006.
- Nguyễn Q. Thắng, Từ Điển Tác Gia Việt Nam, nxb Văn Hóa, Hànội, 1999.
- Nhiều Tác Giả, Lý Luận Phê Bình Văn Học Miền Trung Thế Kỷ XX, nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, VN, 2001.
- Northrop Frye, Anatomy of Criticism, Four Essays, 10th printing, Princeton University Press, New Jersey, USA, 1990.
- Phạm Thế Ngũ, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, quyển 3, nxb Anh Phương, Sàigòn, VN, 1965.
- Phan Cự Đệ (chủ biên), Trần Đình Sử, Đinh Văn Đức, Mã Giang Lân, Phan Trọng Thưởng, Tất Thắng, Bùi Việt Thắng, Hà Văn Đức, Bích Thu, Lê Dục Tú, Văn Học Việt Nam, Thế Kỷ XX, nxb Giáo Dục, Hànội, VN, 2005.
- Phương Lựu, Lý Luận Phê Bình Văn Học, nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, VN, 2004.
- Tao Đàn Tạp Chí, Sưu tập trọn bộ tạp chí văn học của nhà xuất bản Tân Dân, nxb Văn Học, Hànội, VN, 1998.
- Terry Eagleton, Literary Theory, An Introduction, 2nd Edition, The University of Minnesota Press, Minnesota, USA, 1996.
- Thanh Lãng, 13 Năm Tranh Luận Văn Học Việt Nam (3 quyển), nxb Văn Học, TP Hồ Chí Minh, VN, 1995.
- Trần Bích San, Văn Khảo, nxb Cỏ Thơm, Washington D.C., Hoa Kỳ, 2000.
- Trần Văn Giáp, Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam, nxb Văn Học, Hànội, VN, 2000.
- Tri Tân Tạp Chí, Phê Bình Văn Học (sưu tập tư liệu), nxb Hội Nhà Văn, Hànội, VN, 1999.
- Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn Hiện Đại, nxb Tân Dân, Hànội, VN, 1942, nxb Thăng Long tái bản, Sàigòn, VN, 1960.

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.