Oct 13, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

BÊN LỀ BÀI « ĐỘC TIỂU THANH KÝ »
Võ Nhựt Ngộ * đăng lúc 04:50:14 PM, May 13, 2009 * Số lần xem: 2770
Hình ảnh
#1


1/ thêm vài chi tiết về bài Độc Tiểu Thanh Ký và cụ Nguyễn Du :

Nhân dịp góp vui cho diễn đàn Hội Ái Hữu tại Pháp của các cựu sinh viên hai trường trung học Lê-Ngọc-Hân và Nguyễn-Đình-Chiểu (LNH-NDC) Mỹ-Tho, tôi có bạo phổi múa rìu qua mắt thợ, phỏng dịch bài Độc Tiểu Thanh Ký của cụ Nguyễn Du theo nhận xét riêng.
Tiếp theo đó thì diễn đàn nhận được bài phản hồi của chị Phạm Thu Thủy cho biết nhiều chi tiết thực sự hữu ích liên hệ đến bài Độc Tiểu Thanh Ký và tác giả Nguyễn Du.
Nên xin chép lại đây để giúp mọi người suy ngẫm về những điểm chưa thống nhất.

Xin vắn tắt giới thiệu :
« Chị Phạm Thanh Thủy là gái xứ Mỹ Tho, chồng chị, anh Trần Đại Sỹ là trai Bắc Kỳ di cư 1954, cả hai đều là cựu sinh viên trường trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Chị Thủy là nhà báo, anh Sỹ là nhà văn chuyên viết về lịch sử. Họ bỏ ra rất nhiều công phu đi sưu tầm tài liệu lịch sử ở Trung Hoa, Việt Nam, và Pháp. Năm ngoái anh Sỹ có rao tìm 5 bài thơ chữ Hán của công chúa Ngọc Hân. Năm bài này hồi nhỏ anh đã học thuộc làu nhưng nay nhớ lại không đầy đủ, chỉ lỏm bỏm vài câu mỗi bài. Anh hứa tặng 10.000 Euros cho ai cung cấp được nguyên bản toàn bộ 5 bài này để anh in vào Phụ lục của quyển Anh Hùng Tây Sơn 2.700 trang, sắp xuất bản. »

Sau đây là bài viết của chị Thủy :
Độc Tiểu Thanh ký,

Mấy hôm nay trên diễn đàn, người đàn anh có đưa lên bản dịch bài thơ Độc Tiểu Thanh ký. Ông xã của Thủy thấy Thủy đọc thì mắng vốn :
_ Tất các anh chị em trong Diễn đàn, không ai sống bằng nghề viết (đúng ra là nghề gõ phím). Em nhỏ tuổi, nghề nghiệp là viết, từng thăm mộ Tiểu Thanh. Tại sao em không góp đôi ba hàng ?
Vì vậy Thủy xin góp chút ít.
Mộ của Tiểu Thanh giờ vẫn còn, trên ngọn đồi mai, nay vẫn còn trồng mai, gần Tây hồ. Tây hồ nằm trong thành phố Hàng châu. Người Trung hoa có câu tục ngữ :
Trên trời có thượng giới,
Dưới đất có Tô, Hàng.
Nghĩa là : xét về cảnh đẹp thì trên trời có thượng giới, còn dưới đất có Tô châu, Hàng châu. Tô châu thuộc ngoại ô Thượng hải, có Thái hồ. Hàng châu là thủ phủ của Triết giang có Tây hồ (xin đừng lầm với Tây hồ ở thủ đô Hà « lội » của nước Đại cồ Việt). Người Trung hoa còn nói :
Ở Quảng đông, cứ ra đường là thấy thầy lang,
Ở Tô, Hàng cứ ra đường là thấy người đẹp.
Đời nhà Thanh, có xây một Nghênh quán sứ, trên đồi mai, cạnh hồ Tây, để làm chỗ nghỉ chân cho các sứ thần Việt Nam, Ai lao, Cao miên, Thái lan đi sứ, trên đường tới Bắc kinh. Sứ đoàn thời Gia long (1802-1820) khi qua Hàng châu được tiếp dẫn sứ nhà Thanh đưa vào ở đây. Chánh sứ là Nguyễn Du tiên sinh. Trên mộ Tiểu Thanh hiện (2001) có đến 6 bia, do 6 danh sĩ viết. Thời Tố Như qua đây chỉ có một bài bia. Trên bia ghi :
« Tiểu Thanh, trường hận ký »
Đây là một áng văn cực kỳ lãng mạn, giống như bài tựa truyện Kiều của Chu Mạnh Trinh. Dưới ghi rõ : Mai Khánh Sơn, Tiến sĩ Vĩnh lạc đề. Vĩnh Lạc là niên hiệu của Minh Thành Tổ từ 1407-1424.
Chắc chắn cụ Tố Như đọc bài ký này, rồi thương hoa tiếc ngọc sáng tác bài thơ Độc Tiểu Thanh ký, nghĩa là cảm hứng sau khi đọc bài ký của Mai Khánh Sơn.
Tiếc thương, yêu người đẹp đã quá vãng là truyện thường tình của các thi nhân xưa. Bởi vậy cụ Chu Mạnh Trinh từng yêu nàng Kiều :
« Ta cũng nòi tình, yêu người đồng điệu,
Cái kiếp thương hoa lẩm cẩm,
Con hồn xuân mộng bơ vơ.
Đã toan đúc sẵn nhà vàng.
Chờ người quốc sắc.
Lại muốn mượn chùm phương thảo,
Hú vía thuyền quyên !
Sẵn bút nghiên chia thành từng hồi,
Đem sự tích viết thành bài tựa.
Hỡi ơi ! Hồn có biết cho không ?
Bóng hoàn bội tưởng ra vào Lạc phố ».

Gần đây mấy ông Kẹ cách mạng Cộng Hòa Nhân Dân Trung quốc đã biểu quyết di dời tất cả mồ mả, lấy đồi Mai làm một khách sạn 20 tầng và mở một khu thương mại. Nàng Tiểu Thanh ngủ đã mấy trăm năm mà không yên. Không biết sẽ bị đem đi đâu. Hội nhà văn Hàng châu có lên tiếng phản đối. Nhưng văn, thơ thì chống sao lại với US dollar, Euros !

Phạm Thị Thanh Thủy (NDC 1978-1985)

2/ Bài Độc Tiểu Thanh Ký có phải là “thất Niêm hay Phá cách” không ?

Việc gán cho bài Độc Tiểu Thanh Ký (và nhiều bài Đường Thi nổi tiếng khác) là “thất Niêm”thì là do dải số kiểm soát 1-8 2-3 4-5 6-7 mà ra.
Cứ sai với dải số đó thì bị gọi là “thất Niêm, Phá cách”.

Xin mời quý bạn đọc bài biên khảo “Nhìn lại những bài thơ gọi là Phá Cách” và lấy công tâm mà nhận xét.
Vì với góc nhìn của bài ấy chỉ ra, thì những bài thơ bị gọi là “phá cách” đều là “đúng cách” cả.
Còn dải số 1-8 2-3 4-5 6-7 thì chỉ là một công cụ riêng của giới khoa trường, chỉ tương ứng với hai cách Niêm thông dụng nhất và có nhiều bài nhất của Đường Thi, chứ không bao gồm được hết các cách chơi phóng khoáng của thi nhân đời Đường.

Sự nhầm lẫn đã có từ xưa, đã nằm sẵn trong những quyển sách giáo khoa mà tác giả là những người chúng ta mến mộ, nên sự thật nói trên luôn bị phản đối để bảo toàn uy tín của những người chúng ta quý trọng tôn thờ.
Có nên làm như vậy không ?

Ngày xưa, Platon là một nhà hiền triết được mọi người mến chuộng và tin nghe. Một hôm ông hỏi các bạn rằng :
lấy một chậu nước đầy bỏ một cục gạch vào thì nước tràn ra. Nhưng nếu bỏ một con cá to như cục gạch vào thì nước lại không tràn ra, là do đâu ?
Mọi người xúm nhau trả lời, nào là tại con cá nó lội đi lội lại, nào là con cá nó hít nước như nam châm v.v.
Platon cho gia nhân đem ra một chậu nước đầy với cục gạch và con cá, để biểu diễn cho mọi người xem thử. Thì thấy rằng nước trong chậu vẫn tràn ra khi bỏ con cá vào.

Câu chuyện đó để lại cho đời 1 câu châm ngôn thứ nhất rằng :
hãy quan sát trước khi suy luận (observer avant de raisonner)
Và câu châm ngôn thứ hai là :
Platon rất thân thiết với tôi, nhưng sự thực lại càng thân thiết hơn (Platon m’est cher, mais la réalité me l’est davantage).

Tiền nhân của chúng ta, tác giả những quyển sách giáo khoa có mang sự nhầm lẫn, với sĩ khí cao ngất của người Á đông, khi xét đến những việc đúng/sai loại này có thể sẽ khuyên chúng ta rằng :

Yêu ta thì yêu, nhưng phải yêu sự thật nhiều hơn !

Trân trọng kính chào quý bạn.

Võ Nhựt Ngộ

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.