Mar 28, 2024

Biên khảo

Một cái nhìn lệch lạc của Lịch sử Văn học
Webmaster * đăng lúc 02:54:19 PM, Apr 14, 2022 * Số lần xem: 330
Hình ảnh
#1

 

Một cái nhìn lệch lạc của Lịch sử Văn học

 

Về Văn học chữ Nôm thế kỷ19

          Sau khi nhà Lê trung hưng, nước ta bắt đầu thời kỳ phân ly -  Nam/ Bắc triều, - kéo dài mấy chục năm, từ 1553 đến khi nhà Mạc dứt nghiệp ở Cao Bằng, năm 1593. Ngay trước năm nầy, Nguyễn Hoàng đã vào Nam, 1558, là năm “ngòi nổ” cho cuộc Nam/ Bắc phân tranh, kéo dài mãi đến năm 1802, là năm Nguyễn Ánh lên ngôi vua, sau khi nhà Tây Sơn bị tiêu diệt.

 

          Nhìn lại một quá trình như thế, nước ta lọan lạc lâu dài, thử hỏi có cái gì gọi là phát triển được. Những người viết sử, văn học sử - ngoại trừ mấy tay Cộng Sản, đã đeo vào mắt cặp kính màu “giai cấp đấu tranh”  - có thể trung thực mà nói rằng chính nhờ “Gia Long thống nhứt sơn hà”, tình hình chính trị, xã hội, giáo dục, văn học… mới ổn định và phát triển.

 

          Chỉ riêng về mặt văn học, thơ văn sáng tác phong phú hơn trước. Về văn học chữ Nôm, trong một thời gian dài, bị coi thường là một thứ “nôm na là cha mách qué”, tới bấy giờ, với tinh thần độc lập - với nước Tàu -, được giới sĩ phu yêu chuộng nhiều hơn, “xử dụng” trong văn chương nhiều hơn. Nhiều nhà thơ chữ Nôm xuất hiện với nhiều tác phẩm nổi tiếng… Nhất là trong “thời kỳ văn học chữ Nôm” hậu bán thế kỷ thứ 19. Người ta có thể “chứng minh” bằng các tác phẩm “lớn” của thời kỳ nầy như “Truyện Thúy Kiều” của Nguyễn Du (1766-1820), “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn (1705-1745) và Đoàn Thị Điểm (dịch, 1705-1749), “Cung Oán Ngâm Khúc” của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (1741-1798).

 

          Văn học chữ Nôm phát triển đến đầu thế kỷ 20 thì khựng lại vì “thời thế đã đổi thay”: Một là vì Tây đã cai trị nước ta, Tây cần đào tạo một lớp “cán bộ mới” biết Quốc Ngữ và tiếng Tây. Người ta theo “Tây học” để làm “tay sai” - nói theo cách thông thường, và theo các phong trào Tây học như “Phong trào Đông Du”, “Phong trào Duy Tân”, Triều đình nhà Nguyễn bỏ lệ các khoa thi chữ Hán, - chữ Nho - để chọn nhân tài ra làm quan giúp vua trị nước”.

 

          Phong trào “Chữ Quốc Ngữ” phát triển ngày càng mạnh, vào thời kỳ đầu thế kỷ 20, cùng với sự giáo dục theo Tây Học càng ngày càng mạnh, ở khắp ba kỳ.

 

Về Phong trào thơ mới

          Với bài “Tình già”, - Phan Khôi, năm 1925 – cùng vài tác giả khác như Lưư Trọng Lư, phong trào thơ mới ra đời – “Hai mươi bốn năm xưa, Một đêm vừa gió lại vừa mưa…”, “Em quay tơ, Chàng ngâm thơ, Vườn sau oanh giục giã, Nhìn ra hoa đua nở…” Với nhiều lý do khác nhau, thơ cũ bị đánh bạt ra ngoài lề “Dòng Văn Học”. Những người làm thơ cũ, như Nguyễn Khuyến, Dương Khuê đã ra ngời thiên cổ, hay “thúc thủ”, không còn làm thơ nữa. Dòng thơ của họ cũng không còn. Trên thi đàn, người ta chỉ còn thấy Quách Tấn chơ vơ với “Mùa Cổ Điển”. Bà Thụy Khuê của đài RFI nhận định rằng Quách Tấn là “nhà thơ cuối cùng” của dòng thơ cũ.

 

          Nói như vậy là sai.

          Đối với người xưa, thơ là “cái thú chơi tao nhã”, nên họ chỉ “chơi với nhau”. Ở những xứ sở có giáo dục và văn học cao, thường là nơi triều đình nhắm vào để tổ chức các “trường thi”, chẳng hạn như “trường Nam” - Nam Định và các vùng chung quanh, “trường Hà” - Hà Nội, “trường Nghệ” cho vùng Thanh/ Nghệ/ Tĩnh, “trường Thừa” cho kinh đô Huế/ Thừa Thiên và các tỉnh chung quanh - Do đó, sĩ tử, sĩ phu, giới văn học có cơ hội gặp nhau trong việc học hành, thi cử… và cơ hội để trà rượu, trao đổi thơ văn, văn học…

 

          Trong số các “trường” nầy, có lẽ “trường Nghệ” là nơi tập trung nhiều “tao nhân mặc khách”, nhiều văn nhân, thi hữu, thi bá, thi ông… Tính cách “tập trung” như thế khiến các nhà viết “văn học sử” thế kỷ 20, khi giới thiệu, phân tích, phê bình về các nhà văn thơ, thường tập trung vào các vùng “danh tiếng”. Từ đó, người đọc, người ngưỡng mộ tập trung chú ý vào vùng nầy mà “bỏ quên” các vùng có số lượng sĩ phu ít hơn, văn nhân thi sĩ ít hơn. Đó chính là cách nhìn của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, các nhà viết văn học sử khi viết về văn học cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

 

          Đó là chưa kể tới một vài nhà thơ/ văn có cái nhìn khinh mạn về các nhà thơ/ văn không cùng xứ sở, hoặc không cùng phe/ nhóm. Những câu nói như “Thiên hạ có bốn bồ chữ…” hoặc “Câu thơ thi xã…” cho chúng ta quan điểm ấy.

 

Âm thầm

Trong một môi trường văn học “phân biệt” như thế, ở một thời kỳ lịch sử “cái học nhà Nho” đang càng ngày càng lụi tàn như thế, người ta vẫn thấy có một số người làm thơ vẫn âm thầm sinh hoạt, làm thơ, trao đổi, xướng họa, vẫn giữ lấy thơ, vẫn coi thơ như một thứ gia sản truyền thừa từ cha ông, vẫn cứ gìn giữ nó, bảo vệ nó, vui với nó và vẫn sáng tạo bằng những hình thức thơ cũ: Thất ngôn bát cú, song thất lục bát, ca trù, ca Huế để bảo tồn “vốn liếng của cha ông”.

 

Cách tự “khoanh vùng” văn học như nói ở trên làm cho người ta có cái nhìn sai lệch về lịch sử nhiều lắm. Ngay những sách giáo khoa Việt Văn cho học sinh lớp Đệ Tứ - thi Trung Học Đệ Nhứt cấp, - hay lớp Đệ Nhị - Thi Tú Tài 1 – như sách của ông Bùi Hữu Sủng, cũng chỉ dạy, bàn nhiều về các nhà thơ văn gốc “trường Nghệ”. Như kinh nghiệm của tôi khi học thi, cũng chỉ thấy vậy. Nếu không có câu thơ của Cao Bá Quát chê thơ của “Mạc Vân thi xã”: “Câu thơ thi xã, chiếc thuyền Nghệ An” thì chưa chắc tôi biết rằng “Huế tui” có một “băng thơ” của một ông Hoàng  - Ông Hoàng Tuy Lý Vương - và bạn ông ở kinh đô Huế. Tui không có thì giờ, cũng như đủ trình độ để bàn việc nên hay không nên đưa thơ “Thi Xã” vào chương trình giáo dục, nhưng rõ ràng các nhà thơ văn, các nhà phê bình văn học, không thiếu mặc cảm, định kiến khi bàn về thơ của “ông Hoàng mười một” và bạn của ông. Về sau nầy cũng vậy, sách báo phê bình văn học, sách giáo khoa… ít khi bàn tới thơ của nhóm “Hương Bình thi xã” của Ưng Bình Thúc Giạ… trong đó, thêm cụ Nguyễn Khoa Vy, và vài nhà thơ khác nữa, và cụ Kỉnh Chỉ. Cụ Kỉnh Chỉ làm thơ hay. “Thầy Kỉnh Chỉ tiếng hay thi, Âm vận thanh tao ít kẻ bì.” Xin đừng nghĩ rằng mấy “ông” nhà thơ nầy “mặc áo thụng” vái nhau. Hãy đọc “Thơ Kỉnh Chỉ” đi, mới giựt mình.

 

Xin nói thực rằng, cách nhìn “Thiên hạ có bốn bồ chữ” của Cao Bá Quát khá phổ biến trong giới văn học. “Văn mình, vợ người”, “chỉ có thơ của ta là nhứt thiên hạ”. Hồi nhỏ, học lớp Nhì, lớp Nhứt, tôi ngốn không ít tác phẩm của các nhà văn Nam Bộ, từ những “Sách Bạn Trẻ” của Nhà xuất bản Tân Việt, gần như thuộc lòng “Khói lửa Toàn Dương”, “Con đường nghĩa vụ”, “Mây trôi về Bắc”, “Xin đắp mặt tôi mảnh lụa hồng”, “Mẹ cũng chết vì Tổ Quốc”, “Mặt trận Hoàng Su Phì”… và đọc một hơi hết bài “Đây Tha La xóm đạo…” trong “Nửa bồ xương khô” của Vũ Anh Khanh. Thế rồi nhóm nầy, có khuynh hướng kháng chiến - chống Pháp - những người tôi yêu thích như Tô Nguyệt Đình, Thẩm Thệ Hà… biến mất. Cuộc di cư năm 1954 đưa một số văn nghệ sĩ chống Cộng từ ngoài Bắc vô, chiếm lĩnh văn đàn. Ngay như Võ Phiến, cũng là một nhà văn chống Cộng miền Trung, sau khi vào Nam, cũng phải “chật vật” lắm mới chường nỗi mặt của ông lên với văn đàn chống Cộng Saigon.

 

          Thành ra, cũng có người, không thấy các nhà thơ cổ cuối cùng ở Miền Nam ở đâu hết, thậm chí họ không quan tâm hay cũng không biết “Hương Bình thi xã” là nhóm thơ nào, cũng như “Tao Đàn Diêu Trì” gồm những ai.

 

Tôi được điều may mắn.

Khoảng sau năm 1960, khi tôi đang dạy Việt Văn ở Trường Trung Học Đệ Nhị Cấp Bán Công Huế thì ông Hoàng Trọng Thược cầm một tập thơ ông mới soạn xong đến thăm ông hiệu trưởng trường tôi dạy. Anh Hoàng Văn Xướng và tôi được ông hiệu trưởng gọi đi với ông gặp “khách thơ”.

 

Tôi nói với anh Xướng: “Dòng họ Hoàng Trọng nầy nổi tiếng văn học ở Nguyệt Biều đây (làng Nguyệt Biều - tg) đây.” Nói như thế là bởi “dư luận Huế”, và cũng vì tôi đã đọc “Việt Nam Văn Học Toàn Thư” cuốn 1 - phần nói về “Truyện thần thoại” của Hoàng Trọng Miên - Ông là anh hay em với Nhà Văn Thanh Nghị - Hoàng Trọng Quỵ - Sự xuất hiện của cuốn “Văn học Toàn thư” gây không ít tranh cãi trong giới văn học Saigon, có người nói nặng lời rằng ông Hoàng Trọng Miên - trong phần “Truyện Thần Thoại” đã “ăn cắp” truyện “Trường ca Đăm San” của Nguyễn Đổng Chi – thân phụ ông Nguyễn Huệ Chi - Có dịp tôi sẽ nói thêm sau. (1).

 

          Trong khi các ông kia đang nói chuyện với nhau, tôi vừa ngồi nghe, vừa tò mò cầm cuốn sách của ông Hoàng Trọng Thược mở ra xem, thấy tác giả giới thiệu phần nhiều các nhà thơ, văn không có tên trong chương trình Việt Văn của Bộ Quốc Gia Giáo Dục - thành ra không cần thiết cho các giáo sư đang dạy Việt Văn thời bấy giờ, ở trung học cũng như Đại Học Văn Khoa – Đại Học Huế. Như sau đó tôi nói với mấy người nói trên, cuốn sách của ông Hoàng Trọng Thược không cần thiết cho việc dạy học của chúng tôi. Về các tác giả trong sách của ông Hoàng Trọng Thược, chỉ bàn tới các tác giả gần cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, các nhà thơ trong “Hương Bình Thi Xã”,  “Tao Đàn Diêu Trì” và những nhà thơ ngoài hai nhóm nầy nhưng cùng thời với nhau. Tuy vậy, tôi hết sức vui mừng và thích thú khi thấy trong sách ấy có giới thiệu thơ của Cụ Kỉnh Chỉ, “ông anh bà con xa” của mẹ tôi. Xa mà lại rất gần vì hồi nhỏ, nhà “Cụ Đốc Hy”, - tiếng người dân Quảng Trị thường gọi ông một cách tôn kính, thân thương, ở bên kia ngã tư – ngã tư “đường Ga” và đường Cửa Hữu, đường từ cửa thành cổ Quảng Trị đi ra phía bờ sông Thạch Hãn - nhà tôi thì ở bên nầy, mẹ tôi cũng làm việc ở bệnh viện Quảng Trị hơn 10 năm,  khi ấy “Cụ Đốc” làm giám đốc bệnh viện. Cũng hồi đó, khi chưa tới tuổi học lớp Đồng Ấu với Cô Hồ, cô giáo đầu đời của tôi, “thấy” ông Cụ trên đường ông đi làm hay về, không biết bao nhiêu lần, mà lần nào tôi cũng phải trốn vì “sợ ông như sợ cọp”. (2).

 

          Chương trình giáo dục Văn Chương Việt Nam cho học sinh thời kỳ bảo hộ (tìm hiểu trong sách “Việt Nam Văn Học Sử Yếu” của Dương Quảng Hàm), thời chính phủ Trần Trọng Kim - có khi người ta gọi là “chương trình Hoàng Xuân Hãn - thời kỳ Quốc Gia hay thời Cộng Hòa, nhìn chung, đều  giống nhau: Sơ lược về văn chương chữ Hán, giảng dạy về văn chương chữ Nôm thế kỷ 19 là trọng điểm, chỉ nói qua văn chương chữ Nôm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, (thời kỳ Phong Trào Đông Du và Phong Trào Duy Tân), lại chuyên sâu về văn chương chữ Quốc Ngữ... Nói chung, mục đích chương trình nầy là giới thiệu và giáo dục về văn học Việt Nam, xây dựng cho người học có một kiến thức căn bản về văn học Việt Nam. Trong viễn tượng đó, chương trình giáo dục nầy đã có tính cách “ôm đồm”, nên không thể không có ít nhiều thiếu sót, mặc dù thời Ngô Đình Diệm, trong khi ngoài Bắc đang đàn áp các nhà văn thơ trong “Phong trào Trăm Hoa Đua Nở”  thì trong Nam có cải cách về giáo dục văn chương, đưa văn học mang tính tiểu tư sản vào dạy cho học sinh, sinh viên để chống lại “văn chương vô sản” của Cộng Sản Bắc Việt. Trong tình hình chống nhau giữa hai phe Cộng Sản và Tự Do ở Việt Nam thời bấy giờ, muốn thành công trong công cuộc chống Cộng, người ta không thể làm khác được. Hình ảnh của Dũng (trong Đôi bạn và Đoạn Tuyệt), khi bình tĩnh và hiên ngang ra đứng trước vành móng ngựa của Thực Dân Pháp đã  được soi sáng lên, làm tấm gương sáng cho thanh niên miền Nam khi họ cầm súng ra chiến trường.

 

@

 

          Cách đây hơn mười năm, tôi được biếu tập “Thơ Kỉnh Chỉ” do các con cháu của Cụ Đốc sưu tầm và xuất bản. Hồi trước, khi còn dạy học, đọc sách của Hoàng Trọng Thược, tôi thấy tác giả chỉ trích một số bài thơ của Cụ Kỉnh Chỉ. Bây giờ thì nhiều lắm, cả một cuốn thơ dày, càng đọc thơ của Cụ, tôi càng thấm thía về cái tình người – và cả tình yêu của Cụ đối với con người, quê hương, làng xã, đất nước, đồng bào... Những đặc điểm nầy, tôi đã có nói trong bài tôi viết về tiểu sử của Cụ, in trong tập “Viết về Quảng Trị”, quê ngoại tôi. Chỉ một lòng yêu làng quê của mình, làng Nhan Biều - bên kia sông Thạch Hãn, ngang với thành phố Quảng Trị bên nầy, Cụ viết những mấy bài thơ. Về tết Mậu Thân, trước cảnh chết chóc và đau thương của Huế, Cụ có những ba bài thơ, chứng tỏ Cụ đau đớn lắm cho nỗi khổ của đồng bào Huế của Cụ, chưa kể trước đó, trong thời bình, sông Hương núi Ngự, cũng đã làm cho Cụ xúc động nhiều qua những bài thơ, ca Huế... mà Cụ đã từng sáng tác.

 

Cũng bởi “méo mó nghề nghiệp”, dạy Việt Văn, tôi dự trù “chắc phải viết vài nhận xét” về thơ của Cụ như tôi đã từng viết về các tác giả thơ Nôm khác trong sách giáo khoa của tôi để dạy cho học sinh, nhưng sau khi đọc bài của ông Tôn Thất Kỳ giới thiệu và nhận xét về thơ Cụ in trong sách nói trên, tôi bỗng bỏ ý định đó. Bài của ông Tôn Thất Kỳ viết đầy đủ và hay quá, làm cho tôi ngại, nên lại thôi.

 

          Nhưng tôi vẫn bị ám ảnh về sự thiếu sót – hay lệch lạc– của những nhà giáo dục, những người viết lịch sử văn học, cố ý hay vô tình bỏ quên những nhà thơ cổ điển, - ngay cả trong “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh/ Hoài Chân cũng vậy luôn, đến nỗi Thụy Khuê phải nói rằng Quách Tấn là nhà thơ cuối cùng làm thơ cổ. Có lẽ Thụy Khuê chỉ biết có một mình quyển thơ “Mùa Cổ Điển” của ông Quách nằm chơ vơ trong một thư viện nào đó ở Paris hay chăng, trong khi ở Việt Nam, sau “phong trào thơ mới”, người làm thơ cổ cũng còn nhiều lắm. Chương trình giáo dục của Bộ Quốc Gia Giáo Dục đã bỏ quê họ, tác phẩm của họ đấy thôi.

 

Ngay cả khi còn ở trong tù cải tạo, tôi cũng đã biết thêm vài nhà làm thơ cổ điển. Rồi đến khi gặp nhà thơ Hoàng Vũ ở Pulau Bidong, tôi lại được nhà thơ xứ Quảng nầy cho tôi biết thêm về một số nhà thơ cổ điển khác nữa ở miền Nam trước 1975, và một số nhà thơ từ miền Bắc vào Nam sau năm 75 đó. Vì vậy, trong tập hồi ký “Bèo giạt”, tôi có dành một chương để viết về Hoàng Vũ và bạn thơ của ông, khi ông chưa vượt biên năm 1989. Xin trích một đoạn:

 

 

“Thời tiền chiến, trong khi phong trào thi ca lãng mạn đang lan rộng khắp nước ta, người ta đua nhau làm thơ mới, từ hình thức đến nội dung, chịu ảnh hưởng không ít của thi ca lãng mạn Pháp thì Quách Tấn đi ngược chiều. Ông làm thơ cổ điển, xuất bản một tập thơ cổ điển (tập “Mùa Cổ Điển”). Ông là đóa hoa cô đơn và nổi bật trong thời kỳ đó về những bài thơ làm theo lối cổ của ông, mà nổi tiếng nhất là bài “Đêm Thu nghe quạ kêu”, với nhiều thành ngữ, điển cố - lối làm thơ chứng tỏ sự uyên bác cổ văn mà rõ nhất là “Cung Oán Ngâm Khúc” của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều. Đây là một bài thơ hay, tôi xin ghi lại như sau:

                                   

                                         Đêm Thu Nghe Quạ Kêu

              

                              Từ Ô Y Hạng rũ rê sang

                              Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng

                              Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng

                              Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng

                              Bồn chồn thương kẻ nương sông bạc

                              Lặng lẽ nhà ai rụng giếng vàng

                              Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi

                              Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.

                                                     (Quách Tấn - Mùa Cổ Điển)

 

Ô y hạng: Ngõ áo thâm, tức là ngõ nhà quan, người trong họ mặc cùng một màu áo. Tỷ dụ như giòng họ ông Phan Đình Phùng (12 đời, đời nào cũng có người đổ đại khoa - tiến sĩ), dòng họ đại thi hào Nguyễn Du, dòng họ Thân Trọng, Hà Thúc, Nguyễn Khoa ở Huế, nhiều đời đổ đại khoa và làm quan to trong triều.

Bến Phong Kiều: Ý từ trong bài thơ Đường nổi tiếng “Phong Kiều Dạ bạc” của Trương Kế.

Xích Bích: Chỗ đóng quân của Tào Tháo trên sông Trường Giang. Khổng Minh bày mưu hỏa công cho Tôn Quyền đốt cháy thuyền của Tào.

 

“Những người làm thơ chân chính thì không về hùa với ai để dùng thơ làm nấc thang danh vọng như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, và cũng không làm thơ theo “Đơn Đặt hàng” của Hội Nhà Văn của đảng (Cọng Sản). Bởi vậy, ngoài những nhà thơ và người ái mộ thơ “chơi thơ”với nhau, thơ của họ không được phổ biến rộng rãi và những Hội Thơ (Tao Đàn) của họ, đối với “Bác và Đảng” đều “phi pháp”. Họ phải hoạt động âm thầm, nhiều người không biết tới, nhất là “người nước ngoài”, “người có quốc tịch nước ngoài” thì không chắc biết tới.

 

“Những thi sĩ âm thầm làm thơ cổ điển hiện nay ở Việt Nam không phải là ít: Lạc Nam, Trương Sư Xuyên, Nam Hà, Vọng Chi (tức Thái Can, thi sĩ, bác sĩ, đã đi Pháp), Vũ Khắc Văn (Trác Ngọc), Trúc Khê (mới, không phải Trúc Khê Ngô văn Triện, cũ) Trúc Phong (đã đi Pháp), Trình Xuyền, Thu Vân (nữ), bà Song Hường, bà Mỹ Linh, Liên Huê (nữ), Trương Duy Hy (có lẽ đã qua Mỹ theo chương trình HO), Tuyết Ngọc, Toại Khang, Đan Phượng, Hành Sơn Lưu Vĩnh Thuật (đã qua đời), Vũ Hân (đã qua đời) Chính Hà (cháu 7 đời Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều), Thường Quân Vĩnh Mạnh, Hoàng Vũ ...   Họ còn sống ở khắp cả ba miền Trung, Nam, Bắc và sinh hoạt trong các hội thơ như Thạch Động Tao Đàn, Hồng Đô Thi Các, Tao Đàn Thái Hòa ...

 

“Để tránh sự theo dõi, chú ý và có thể bắt giữ của chính quyền Cọng Sản Việt Nam, họ sinh hoạt không thường xuyên. Theo Hoàng Vũ, buổi họp thơ cuối cùng của ông trước khi trốn khỏi nước là vào năm 1988, tại Saigon, tại nhà của Thường Quân Vĩnh Mạnh, có Lạc Nam, Chính Hà (từ Bắc vào dự) và có cả Tô Kiều Ngân, nữ sĩ Cao Mỵ Nhân, mới tù “cải tạo” về.

 

“Năm 1989, sau khi đến Bidong một thời gian ngắn, Hoàng Vũ thành lập ở đó nhóm “Thi Bút Bidong”, tổ chức nhiều buổi nói chuyện thơ. Chủ tọa là Hoàng Vũ, người điều khiển chương trình rất khéo là Trịnh Hí Phùng. Nghe thông báo, tôi có đến nghe và rất ngạc nhiên trước nét chữ Nho bay bướm của Hoàng Vũ. Ông ta viết được cả 2 loại: viết thảo và chân phương. Với loại nào, ông cũng tỏ ra là người tài hoa.

 

          Cách đây ít lâu, nói chuyện với một người cháu ngoại Cụ Đốc Hy, tôi nói rằng đọc thơ Cụ, tôi có cảm tưởng như đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến: Bình dị, đơn giản, cảnh sắc rất Việt Nam. Tôi tìm đọc vài bài:

 

                                        Qua Đèo Ngang

 

                              Hai mươi năm trước có qua đây

                              Cảnh ấy không hay đến nỗi này

                              Nửa tấm bia tàn rêu lẫn mốc (*)

                              Một gian cổng cũ cỏ liền cây

                              Hỏi ai Nam, Bắc khi qua lại

                              Có xót dâu cồn chuyện đổi thay

                              Sực nhớ công người xây đắp trước

                              Giọt châu tầm tả chéo khăn dầy.

 

(*) Tấm bia vua Minh Mạng đề: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

 

Đối chiếu với bài “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan. Lòng “hoài cổ” – “Có xót dâu cồn chuyện đổi thay”, - Dâu cồn là chuyện tang thương đấy – Biển xanh hóa hành ruộng dâu trong câu nói của Bà Nữ Oa - , buồn vì thời gian trôi chảy - Nửa tấm bia tàn rêu lẫn mốc - trong thơ Cụ, nói lên nỗi đau vì thế sự.

 

                    Qua đèo Ngang

 

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà, mỏi miệng cái da da.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

          Cùng một cảnh sắc, hai tâm hồn, cùng tâm sự người mất nước: Tâm trạng “hoài Lê” của người đàn bà và tâm trạng nước mất nhà tan vào tay thực dân Pháp của Cụ Đốc Hy. Hình ảnh, màu sắc ngôn ngữ bình dị, rất Việt Nam. Một người có tên trong Văn Học Sử, trong chương trình giáo dục, một người bị…  bỏ quên.

 

          Phụ lục: Qua Đèo Ngang (bài thứ hai của Kỉnh Chỉ)

                             

                              Ngàn tầm cao ngất ải xưa đây

                              Mấy độ trèo leo đến nỗi nầy

                              Mở mắt buồn trông cùng mặt bể

                              Huơ tay giận xé toác đầu mây

                              Thuyền ngư cập bến trăng mờ bóng

                              Chim mỏi về rừng gió lạnh cây

                              Bảy dặm quanh co qua khỏi đó

                              Xanh tươi thấy núi Ngũ-Hành ngay

                                                                      1928

 

          Miền Trung là miền của bão lụt. Xứ sở lắm nghèo nhiều đói, vậy mà mỗi năm gánh thêm vài ba trận bão lụt, khổ sở dân tình biết bao nhiêu. Cảnh ấy là Cụ Đốc cảm thấy…

 

                                        Buồn bão lụt

 

                              Ngỡ rằng năm Mão được mùa hung,

                              Trận lụt năm nay lớn lạ lùng

                              Mưa xé mái tranh rơi sạt sạt,

                              Gió xô vách đất ngã đùng đùng

                              Đậu mè lúa bắp rơi tầm bậy

                              Mèo chó heo gà chạy tứ tung

                              Cao lắm ông trời soi chẳng thấu

                              Mồ hôi nước mắt của dân cùng

                                                            1939

                             

          Theo quan điểm thông thường, năm Thìn thường bão to, lụt lớn. Không ngờ năm nay, ông trời làm bão lụt sớm một năm.  (Tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ…  ). Trước cảnh đau đớn, người Việt Nam thường kêu trời (cầu trời, khấn Phật), nhưng cũng lắm khi “trời cao không thấu” - Cao lắm ông trời soi chẳng thấu -  Cụ Đốc thường đưa những câu tục ngữ bình dị vào thơ. Nếu nói “sống với nhân dân”, “đi với nhân dân” thì người đó chính là “người thơ Cụ Đốc Hy” vậy.

 

          Một cái nhìn khác, một nhà thơ Việt Nam khác, với bài thơ “Nước Lụt Hỏi Thăm Bạn” (Nguyễn Khuyến)

 

Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu,

Lụt lội năm nay bác ở đâu?

Mấy ổ lợn con rày lớn, bé?
Vài gian nếp cái ngập nông, sâu?
Phận thua, suy tính càng thêm thiệt,
Tuổi cả, chơi bời hóa sống lâu.
Em cũng chẳng no mà chẳng đói,
Thung thăng chiếc lá, rượu lưng bầu.

 

          Phụ lục (Bài đọc thêm)

 

                                        Thu Đông bão lụt

 

                              Thường thường đến giữa tiết thu đông,

                              Bão lụt tưng bừng có khổ không

                              Bùn đọng mưa dầm khoai thúi cả

                              Mưa giày gió dập lúa tan bông

                              Ăn đà không khẳm ngày ba bữa

                              Thuế phải còn lo năm mấy đồng (*)

                              Ruộng đất nương vườn vô nước cả

                              Nghĩ mà thương hại cảnh nhà nông.

 

(*) Thuế “thân” còn gọi thuế đinh, là một thứ thuế đánh vào đầu người, từ 18 đến 60 tuổi, không đánh vào lợi ích. Thời Pháp thuộc, thuế người đánh cao và rất gắt, nhiều người dân không đóng nỗi, phải trốn vào rừng...

 

 

                                        Thất thủ Nam Kinh

 

                              Nghe nói Nam Kinh Nhật lấy rồi

                              Trăm năm Trung Quốc thế là thôi

                              Lâu đài dưới đạn tàu bay thả

                              Lăng tẩm trong dòng máu nóng sôi

                              Sẵn vỏ đậu hầm không tốn củi

                              Có da có thịt chẳng cần nồi

                              Hơn thua đều cũng người Đông Á

                              Sợ lạnh răng vì bởi hở môi.

                                                                      1937

 

 

                              Xóm giềng sao nở hiếp chi nhau

                              Đức hiếp Ba Lan, Nhật hiếp Tàu

                              Giả dạng văn minh lừa chúng trước

                              Ra tay tàn bạo giết người sau

                              Máy bay hơi ngạt khoe mình giỏi

                              Đất rộng dân đông ghét họ giàu

                              Không biết gian thâm là lậm mạt

                              Trèo càng cao lắm, té càng đau

 

 

          Đời Cu ̣ Đốc, trãi qua nhiều cuộc chiến tranh, từ Thế Chiến thứ Nhứt (1914-1918 – Cụ tốt nghiệp “Y sĩ Đông Dương” - Medecin Indochinoise -  năm 1915),  Thế Chiến thứ Hai (1939-45), Pháp Việt chiến tranh (1945-54). Vì tinh thần chống Pháp giành độc lập, cụ từng tham gia công cuộc kháng chiến nầy. Mặc dầu chiến tranh xảy ra “bên Tây”, “bên Tàu” cũng làm Cụ Đốc xúc động, ưu tư... Sẵn vỏ đậu hầm không tốn củi”, “Sợ lạnh răng vì bởi hở môi”. “Nồi da nấu thịt”, “Gian thâm lậm mạt”, “Trèo cao té đau”,… Cụ vẫn thường dùng tục ngữ có khi cả điển tích - như trong bài trên - để nói về sự khôn dại ở đời: “Môi hở răng lạnh” hoặc “Củ đậu đem nấu đậu, Đậu trong nồi ngồi khóc, Cùng một gốc sinh ra, Đốt nhau gì thật gấp. Bài thơ “Thất bộ thi” của Tào Thực.

                                       

 

Nhớ Huế

 

                              Gần năm năm chẵn, chẳng về kinh

                              Nhớ cảnh sông Hương, núi Ngự Bình

                              Nhớ súng Ngọ môn khi rợn sáng

                              Nhớ chuông Thiên Mụ lúc tàn canh

                              Nhớ sân Cần Chánh quan đâu cả

                              Nhớ rạp Thanh Bình khách vắng tanh

                              Nhớ chị chèo đò, o bán hến

                              Nhớ bao nhiêu chuyện bấy nhiêu tình.

 

          Ở Cửa Ngăn, gần Ngọ Môn, có 9 cây súng Thần Công để giữ 9 Cửa thành Huế. Nay nước không còn, súng nằm đó chơ vơ khiến Cụ Đốc nhớ nước khi trời rợn sáng. Chùa ThiênMụ còn đó, chuông Thiên Mụ còn đó, khi hoàng hôn xuống, tiếng chuông chùa còn ngân nga, làm Cụ Đốc nhớ “Tổ quốc ta, ta phải nghe trong tiếng chuông Linh Mụ” – Nguyễn Văn Thích.

 

          Lòng nhớ Huế của Cụ Đốc, có khác chi “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan:

 

                              Tạo hóa gây chi cuộc hí trường

Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,

Nền cũ lâu đài bóng tịch dương,

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,

Nước còn cau mặt với tang thương.

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ.

Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

 

          Năm 1954, Cụ Đốc đi Pháp, thăm thủ đô hoa lệ của nước Pháp. Cụ rất công bằng. Paris nổi tiếng khắp thế giới, Cụ vẫn khen, nhưng rất nhân bản, Cụ không vui khi thấy trong cảnh hoa lệ đó, lại cũng có ăn mày. Cũng mai mỉa đấy, quí vị ạ./

 

 

                                        Xem cảnh Ba-Lê

 

                              Cảnh Ba-Lê đẹp chẳng đâu tày

                              Nổi tiếng hoàn cầu tự thuở nay

                              Vườn thú Vanh-xen voi cọp đủ

                              Chỗ chơi Công-cọt ngựa xe đầy

                              Dồi dào hàng hóa nhà Phay-dét

                              Đồ sộ lâu đài điện Vẹc-xây

                              Chỉ có một điều hơi chướng mắt

                              Ngoài đường thỉnh thoảng gặp ăn mày.

 

Trời kỳ cụ ở Paris, hội nghị Genève kết thúc, Việt Nam chia đôi ở sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là phương tiện đường bộ duy nhứt nối liền hai miền Nam/ Bắc. (Bấy giờ tiến sĩ Phan Văn Thính, con trai Cụ, phục vụ trong “phái đoàn Quốc Gia Việt Nam”, tham dự Hội nghị ấy). Lằn ranh chia đôi Việt Nam nằm gọn trong tỉnh Quảng Trị. Sự kiện lịch sử trọng đại và đau đớn đó làm Cụ Đốc thêm nhớ, thêm đau cho quê hương mình.

 

 

                                        Nằm nhớ Quảng-Trị

 

                              Chân trời mặt bể dặm đường xa,

                              Tuyết điểm sương tô mái tóc già

                              Khách Việt chưa từng mùi lữ thứ

                              Đất Âu thật lắm vẻ phồn hoa

                              Vì lòng cố quốc còn cay đắng

                              Nên chén tha hương ít mặn mà

                              Quảng-Trị ai về cho nhắn hỏi

                              Bến Hiền Lương cũ những ai qua.

         

           Sau khi “hòa bình lập lại”, Cụ có cơ hội “Về thăm nhà cũ ở Nhan Biều”:

 

                              Trên đường hương lộ xuống ô-tô

                              Nhà cũ dè chừng dạo bước vô

                              Vách cũ gạch vôi nằm lệch lạc

                              Thềm hư cây cỏ mọc lô xô

                              Vườn hoang để đó hoa còn nở

                              Giếng bỏ lâu rồi nước đã khô

                              Lũ trẻ quên mình là chú bác

                              Hỏi nhau: “cụ ấy cụ già mô?”

         

Câu cuối trong bài thơ của Cụ khiến tôi nhớ “Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương - thời Thịnh Đường - bài thơ tôi từng dạy cho học sinh khi giảng về Vương Tường.

 

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức,
Tiếu vấn, khách tòng hà xứ lai?

 

Dịch nghĩa:

(Tuổi trẻ ra đi, già mới về,
Giọng nhà quê vẫn không đổi, râu tóc đã rụng hết.
Trẻ con trng thấy, không nhận ra,
Cười hỏi, khách từ phương nào đến?)

 

&

 

Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê không đổi, tóc đà khác bao
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?

(Phạm Sĩ Vĩ dịch)

 

Ông Cụ là người rất đa tình. Đêm nằm không ngủ được, nghe tiếng sáo, nghe tiếng gà, nghĩ tới bóng nhạn bay  - có nghĩa là thời gian trôi đi trong vắng lặng, nghĩ tới cái vô nghĩa của danh lợi, nghĩ tới văn chương - cái sẽ tồn tại… Cụ nghĩ tới bạn với nhiều điều suy tư, mái tóc Cụ rối bời.

 

Cái âm thanh làm cho người Việt nhớ nhà là “tiếng gà”, chúng ta thường gặp trong thi ca… từ những bài thơ rất xưa “Con gà nó gáy o o, Phải thuyền ông Trạng đưa cô tôi về cùng” trong Phạm Công Cúc Hoa… cho đến “Xao xác gà trưa gáy não nùng” của Lưu Trọng Tư.

 

 

Đêm nằm nghe tiếng sáo,

nhớ bạn xưa

 

                              Tiếng sáo nhà ai gió thoảng đưa,

                              Đêm nghe ríu rít dễ buồn chưa

                              Một trời tinh đẩu canh gà giục

                              Ngàn đặm quan hà, bóng nhạn thưa

                              Danh lợi nhàm người trò bánh vẽ

                              Văn chương kén khách món hàng xưa

                              Ai về nhắn bảo cùng ai đó

                              Mái tóc chàng Phan đã rối bừa.

 

                              Tiễn con đi

                    Mới được sum vầy đã biệt ly

                    Tiễn con thầy biết dặn con gì?

                    Tấc lòng ngay thảo cho tròn nhé

                    Cái bã giàu sang chớ vội chi

                    Trời biển ấy là ơn tổ quốc

                    Cõi bờ đâu cũng việc nam nhi

                    Công thành thân thoái gương kim cổ

                    Phải tính ngày về tự lúc đi.

 

Bài nầy rất lạ. Lạ là vì tôi ít thấy trong thi ca, chỉ thấy nhiều nhất là trong “Tâm Hồn Cao Thượng” (Grand Coeur) của De Amicis. Sự giáo dục trong sách nầy là trong văn hóa Âu Tây, thơ Cụ ở đây là lời giáo huấn của một ông Cụ già rất Việt Nam. Người ta ai cũng mong cho con thành công, hiển đạt, chức trọng quyền cao, chứ không mấy ai khuyên con mau rời nơi “quyền cao chức trọng”.

 

“Công thành thân thoái” là câu ít ai nói tới trong thế kỷ 20.

 

Cuộc tàn sát năm Mậu Thân 1968 là nỗi đau lớn của người Huế. Cụ có những ba bài nói về Huế năm Mậu Thân. Có lẽ lòng cụ đau đớn lắm khi nghĩ tới cựu kinh đô.

 

 

                              Vịnh cảnh Huế

                              sau biến cố Mậu Thân

 

                    Cái họa chiến tranh ai nỡ gây

                    Cố đô khói lửa tóc tang đầy

                    Đền đài trong nội hư nhiều chỗ

                    Nhà cửa ngoài thành sập cả giây

                    Hương Thủy thây trôi sông nhuộm máu

                    Ngự Bình bom dội núi tan cây

                    Mắt già chan chứa đôi giòng lệ

                    Khóc cảnh tang thương giữa tết nầy.

                                                            1968

 

                              Họa thơ Mậu Thân

                              của Trần Văn Thạnh

 

                    Cố đô đâu phải chốn sa trường

                    Sao lửa binh đầy giữa đế hương

                    Nghi ngút thành sầu mây đỉnh Ngự

                    Tưng bừng sóng hận nước sông Hương

                    Tóc tang chồng chất đều trăm họ

                    Nhà cửa tiêu điều cả bốn phương

                    Cảnh Tết Mậu Thân khi nhớ lại

                    Mắt già khôn ngớt lệ tang thương

                                                            1968

 

                    Kính họa bài Xuân Mậu Thân cảm tác của

cụ Văn Đình Tôn Thất Bân

 

Té ở ngoài mình cũng giống đây

Tết nầy chiến họa thật ghê thay

Dữ dằn lại quá bao lần trước

Chộn rộn chưa rồi mấy bữa nay

Năm khỉ nhiều người đang hú vía

Tuổi hùm các cụ cũng quơ tay (*)

May nhờ trời Phật cho còn sống

Thì hưởng an vui sẽ có ngày

                                                            1968

                              (*) Cụ Văn Đình và tôi đều tuổi dần

 

          Tôi chỉ trích ra đây, nhận xét sơ lược vài ba bài thơ của Cụ Đốc Hy. Sự nghiệp văn thơ đồ sộ của Cụ làm tôi hết sức e ngại khi thấy sức lực của mình. Vả lại, tôi là phận con cháu, nghĩ tới Cụ đã sợ - cái sợ bắt đầu từ thuở ấu thơ của tôi, nên cái ngại ngùng đã có, nay lại ngại ngùng hơn. Tôi h vọng các nhà viết văn học sử, các nhà viết phê bình văn học, các giáo sư dạy môn văn chương, có một nhãn quan sâu hơn, xa hơn về lịch sử văn học nước nhà, không lệch lạc, không thiên kiến, để giới thiệu đầy đủ thi ca Việt Nam cho các thế hệ mai sau. Mình không nói, bọn trẻ làm sao biết.

 

Đơn giản chỉ có vây.

 

          Mùa Xuân năm 2022

          hoànglonghải

 

 

 

(1)  Vụ Nguyễn Bá Chung: Cách nay hơn 10 năm, Nguyễn Bá Chung, giám đốc một chương trình nghiên cứu văn học của người Việt tỵ nạn ở hải ngoại. Y, quê ở An Cựu /Huế, du học  Mỹ từ trước 1975, thiên Cộng, mời hai người Cộng Sản, từ trong nước ra đảm nhận công việc nầy. Dĩ nhiên người Việt ở hải ngoạ phản đối, nhất là những người sinh sống ở Boston. Tôi cũng có tham gia. “Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha.” Ai lại dùng người Cộng Sản để nghiên cứu các công tình văn học của người quốc gia - chống Cộng - , trong gtình hình “văn học tỵ nạn” không hể không có lập trường chính trị, nhất là về phía người Cộng Sản, chính trị “ngự trị” trên tất cả mọi lãnh vực. Nguyễn Bá Chung, ngoài những hoạt động thiên Cộng, còn hứa, sau khi y chê bai người Việt di tản là “giá áo túi cơm…:

   

Tôi sẽ về làm người tù tự trói

                    Mang trên mình những biểu ngữ đầy tên

                    Để được sống một lần trong tự hối

                    Với những người không biết vẫn thân quen

 

          Y hứa sẽ về phục vụ đất nước, nhưng tới nay vẫn chưa thấy y về. Việt Cộng chưa chia phần hay sao?

 

(2) Khi Ông Cụ làm giám đốc Bệnh Viện Quảng Trị, tôi chưa đi học, hàng ngày còn đi lang thanh chơi ở con đường trước bệnh viện, mỗi lần thấy bóng Ông Cụ, tôi trốn gấp, trốn một ông quan – dân chúng gọi Ông Cụ là “Cụ Đốc” hay “Quan Đốc”, một Ông Cụ nghiêm nghị, cậu mạ tôi còn kính sợ, huống chi tôi. Hình ảnh ông Cụ rất quen thuộc: áo trắng dài may theo kiểu ta, vạt ngắn, quần cháo lòng trắng, giày hạ, che dù trắng. Đây là trang phục của giới sĩ phu thời ấy. Một lần tôi “đi coi” cụ Huỳnh Thúc Kháng ghé thăm Quảng Trị, tôi cũng thấy Ông Cụ nầy cũng ăn mặc như thế. Hình ảnh hai Ông Cụ giống y nhau.

 

         

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.