Apr 26, 2024

Biên khảo

Quan hệ ngữ nghĩa giữa các tiếng :Sửu ; Ngưu - Trâu ; Bò .
Đào văn Khởi * đăng lúc 09:34:00 PM, Jan 05, 2024 * Số lần xem: 13186
Hình ảnh
#1

 Sửu là gì … với loài trâu .

 

Sửu(丑):các từ điển, tự điển Hán Việt đều thích nghĩa là chi thứ 2 của 12 chi ( thập nhị chi ) trong hệ can chi của cổ lịch Trung Quốc (âm lịch):Tí(1), Sửu(2), Dần (3), Mão(4),Thìn (5),Tị (6), Ngọ (7),Mùi (8),Thân (9),Dậu (10), Tuất (11), Hợi (12).Vậy sửu không liên quan gì đến trâu về mặt ngữ nghĩa; nên chỉ nói :

Ngưu tầm ngưu , mã tầm mã, Mà không nói: sửu tầm sửu, ngọ tầm ngọ! Thế thì sửu liên quan đến trâu ở phương diện nào? Một thuyết giảng như sau: Khi làm lịch (âm lịch), người Trung Quốc cổ đại chia thời gian một ngày ra 12 khoảng bằng nhau tức 12 giờ tương đương 24 giờ trong dương lịch,(1*) và đặt tên theo thứ tự:

Tí ( nửa đêm ) ứng với 23 – 01 giờ của dương lịch ( dl )

Sửu ứng với 01 – 03 giờ //

Dần // 03 - 05 giờ //

Mão // 05 - 07 giờ //

Thìn // 07 - 09 giờ //

Tỵ // 09 - 11 giờ //

Ngọ // 11 - 13 giò //

Mùi // 13 - 15 giờ //

Thân // 15 - 17 giờ //

Dậu // !7 – 19 giờ //

Tuất // 19 – 21 giờ //

Hợi // 21 – 23 giờ //

Về sau để dễ nhớ người ta đã gán cho mỗi giờ một con vật có tập tính phù hợp với thời gian được gán. Đó là con chuột được gán cho (Tí),Trâu gán cho (Sửu), Hổ gán cho (Dần), Mèo gán cho (Mão), Rồng gán cho (Thìn), Rắn gán cho (Tỵ) Ngựa gán cho (Ngọ), Dê gán cho ( Mùi), Khỉ gán cho (Thân), Gà gán cho (Dậu) Chó gán cho (Tuất), Lợn gán cho (Hợi). Bởi vì tập tính loài chuột chuyên hoạt động mạnh vào lúc nửa đêm (giờ Tí),nên người ta nói Tí cầm tinh con chuột! Rồi giờ (Ngọ) là lúc chính trưa,đây là thời gian nghỉ nghơi của loài ngữa – loài vât giúp con người vận chuyển, chở người đi lại … (Dậu) là thời gian chập choạng tối lúc lũ gà lục tục kéo nhau lên chuồng. Còn (Sửu : 2-3 giờ sáng) trâu thường thưc giấc gõ sừng đánh tiếng, nhai cỏ chờ sáng ra đồng … Vậy12 con vật trong đó có 7 con vât nuôi (trâu, ngữa, chó, dê, lợn, mèo,gà), 4 con vật sống hoang (khỉ, hổ, chuột, rắn ); và duy nhất rồng là con vật tưởng tượng. Gán 12 con vật cho 12 chi (cũng là 12 giơ theo âm lịch) chỉ là để dễ nhớ mà thôi. Theo chúng tôi sự lý giải trên có thể làm sáng tỏ một phần sự gắn kết tên 12 con vật với sự tồn tại 12 chi trong lịch pháp cỏ Trung Quốc .Một thuyết nữa giải thích rằng các con vật có móng thuộc số lẻ (1,3,5…) được gán cho các chi dương của thập nhị chi (2*), còn các con vật có móng thuộc số chẵn (2,4,6) gán cho các chi âm, Nhưng cách giải thích này có vẻ gượng ép, vì loài rắn không có chân làm sao có móng, rồng là con vật tưởng tượng biết mấy chân mấy móng? Hơn nữa một số loài chim, một số loài thú khác có móng sao không được chọn mà chỉ dùng 12 con vật trên .

Ngưu là trâu hay bò.(3)

Trâu, bò đều là động vật có vú, thuộc bộ móng guốc chẵn, là loài nhai lại. Tuy vậy giữa chúng vẫn có sự khác biệt. Bộ da bò được phủ một lớp lông mao dày nên bò chịu được nắng nóng .Lông bốc các màu đen , vàng ,lang đen (có các đốm trắng trên nền đen), lang vàng (đốm trăng trên nền vàng) nhưng hiếm.Trâu có bộ lông thưa ( thường thấy lông và da đồng màu), kém chiụ nắng nóng, thích dầm nước. Lông trâu chỉ có hai màu: đen ( trâu đen); trắng (trâu bạc: mắt, móng chân, sừng, cả bộ phận sinh dục đều bạc). Cả hai loài vật này đều có bộ phận sống hoang dã và bộ phận được con người thuần dưỡng.

Còn để biết ngưu (牛) là trâu hay bò, chỉ có cách tra trong các từ điển, tự điển Hán Việt. Nói chung soạn giả các từ điển, tự điển phiên âm chữ tượng hình( 牛 ) ra âm Hán Việt là “ngưu“ và thích nghĩa là “con trâu”, chỉ trong “Tìm về cội nguồn chữ Hán” của hai tác giả Lý Lạc Nghị ( người Hoa ) và Jim-Waters ( người Mỹ), phiên âm là trâu,bò tức chỉ cả trâu lẫn bò !. Đông thời trình bày chữ ngưu ở dạng :giáp cốt văn ( ), kim văn ( ), tiểu triện ( ). Cả ba dạng đều là tượng hình đầy đủ một cái đầu trâu (cả đầu bò) gồm 2 sừng, 2 tai, trán và miệng. Như vậy Lý và Jim đều cho rằng chữ ( 牛 ) dùng để trỏ cả trâu lẫn bò ! Đặc biệt hơn trong Hán Viêt Từ Điển, Đào Duy Anh viết những dòng sau; Ngưu (牛 ): con bò (ta nhận lầm chữ 牛 là con trâu, chính con trâu là thủy ngưu 水牛) ông dẫn tiếp thành ngữ: 牛飲 於 河- “ngưu ẩm ư hà”, nghĩa là con bò uống nước sông Hoàng Hà, ý nói đầy đủ thỏa thích mà không thấm vào đâu… Chúng tôi thấy riêng Đào Duy Anh xác quyết rằng chữ 牛 ngưu nghĩa tiếng Việt là con bò, nên chúng tôi đã cố tìm trong các văn tịch cổ Trung Quốc nhằm làm sáng tỏ quan niệm này.

Luận- Ngữ của Khổng Tử (4 )

Luận ngữ đứng đầu trong tứ thư (Luận ngữ, Đại học, Trung dung, Mạnh Tử). Theo Nguyễn Hiến Lê: Luận Ngữ là tác phẩm quan trọng nhất của Khổng Tử, Gồm 20 thiên 497 tiết.Có thể sau khi Khổng Tử qua dời, các môn sinh thu thập các lời dạy của Thầy, truyền cho nhau, một số người chép lại dùng để dạy học, khi chết, học trò của họ chép lại cả lời của Khổng Tử lẫn lời của họ”. Quay trở lại chủ đề mà ta đang bàn: ngưu là trâu hay bò? Chúng tôi có 3 bản Luận Ngữ được dịch ra Tiếng Việt(5), thấy rằng trong Luận Ngữ chỉ một chỗ duy nhất xuất hiện tiếng ngưu trong từ“lê-ngưu” ở tiết 4 thiên 6 -Ung Dã-.Cả 3 bản đều dịch lê- ngưu là BÒ LANG. Xin trích từ bản dịch của Nguyễn Hiến Lê :

Tiết 4: 子謂仲弓曰犁牛之子騂且角雖欲勿用山川其舍諸: Tử vị Trọng – Cung (a) viết: Lê ngưu (b) chi tử, tuynh< hoặc tinh>thả giác, tuy dục vật dụng sơn xuyên kỳ xả chư”.

Dịch nghĩa: Khổng Tử nói về Trọng Cung“Con của bò lang,lông đỏ mà sừng ngay ngắn, dù người ta không muốn dùng nó làm vật cúng tế (chỉ vì nó là con của bò lang) nhưng thần núi đâu có bỏ nó (mà không hưởng).

Chú thích a/ : Trọng Cung tứcNhiệm Ung là người hiền, nhưng cha hèn hạ, lại làm việc ác, KhổngTử ví Trong Cung với con của bò lang. Không nên vì lỗi lầm của cha mà không dùng con .

b/ Lê ngưu có sách chép là bò cày, nhưng thời đó ngươi ta chưa dùng bò đẻ cày, mà nuôi bò riêng để cúng quỷ thần .

Kinh Dịch (6)

Kinh Dịch có 64 quẻ gồm 386 hào, có một số hào trong một số quẻ viễn dẫn đến con vật có tên là ngưu nhằm mô tả một phần ý nghĩa của quẻ .

Đó là các quẻ: thứ 26: Sơn Thiên Đại Súc (山 天大畜)

Thứ 30 Thuần ly ( )

Thứ 33 Thiên Sơn Độn (天山遯 )

Thứ 38 Hỏa Trạch Khuê (火澤 暌)

Thứ 49 Trạch Hỏa Cách (澤火革 )

Thứ 56 Hỏa Sơn Lữ (火山 旅)

Thứ 63 Thủy Hỏa Kí Tế (水火既濟)

Việc khảo cứu Kinh Dịch ở Việt Nam trước măm 1990,học giả Nguyễn Hiến Lê nhận định“ Ở nước ta chưa có ai có thể gọi là nhà Dịch học được, ngoài bốn bản Kinh Dịch của NgôTất Tố (Nhà Mai Lĩnh xuất bản), của Nguyễn Mạnh Bảo (dịch giả tự xuất bản), của Nguyễn Duy Tính (Trung tâm học liệu xuất bản 1968), và cuả cụ Phan Bội Châu (Khai Trí xuất bản 1969), bản này có giá trị nhất….”

Chúng tôi tìm được 3 bản Kinh Dịch trọn bộ :bản của Ngô Tât Tố biên dịch, Nhà xuất bản T/P HCM 1995. Chu Dịch của Sào Nam Phan Bội Châu biên khảo .Nhà xuất bản VHTT 1994 và Kinh Dịch - Đạo của người quân tử - Nhà xuất bản Văn học do Nguyễn Hiến Lê biên khảo.Chúng tôi đọc trọn 3 bản này và thấy tính nhất quán trong quá trình biên khảo của Nguyễn Hiến Lê, nay xin trích dẫn những lời thoán từ 彖詞 và hào từ 肴詞 của những quẻ liên quan đến từ牛 ngưu mà chúng ta quan tâm .

Quẻ 26 : Sơn Thiên Đại súc(chứa lớn). Bài học toàn quẻ :Phải bồi dưỡng tài đức, diệt cái ác khi mới manh nha .

Hào 4

童 牛 之 牿 元 吉

Đồng ngưu chi cốc – nguyên cát Dịch: Như con bò mọng còn non, mới nhú sừng,đặt ngang mảnh gỗ chặn sừng nó, thì rất tốt.

Quẻ 30: Thuần Ly: Li là biểu tượng chói sáng, văn minh …

Thoán từ :

離 利 貞 亨 畜 牝 牛 吉

Li, Lợi, trinh, hanh. Súc tận ngưu, cát.

Dịch : Dựa,lệ thuộc, chính đáng thì lợi, hanh thông; Nuôi bò cái thì tốt( Dựa vào chỗ chính đáng, chẳng hạn dựa vào người quân tử thì hanh thông, dựa vào người thì phải sáng suốt, và thuận theo người. Vậy phải nuôi đức thuận – đức của con bò cái-loài này dễ bảo nhất, thì mới tốt) .

Quẻ 33:Thiên Sơn Độn (Trốn tránh đi ).Bài học toàn quẻ: Thời quân tử suy (dương suy), tiểu nhân thịnh (âm thịnh) người Quân tử nên trốn đi (độn) cho đúng lúc .

Hào 2

執 之 用 黃 牛 之 革 . 莫之 勝 說

Chấp chi dụng hoàng ngưu chi cách . Mạc chi thắng thoát .

Dịch: (Vì hào 2 âm), hai bên khăng khít (bền chặt) với nhau như buộc vào nhau bằng sợi dây(làm bằng da)bò vàng, (thì) không thể nào cởi ra được.

Qủe 38: Hỏa Trạch Khuê (chống đối) .

Hào 3 :

見 輿 曳 其 牛 xệ (xiệt) 其 人 天 且 誼 無 初 有 終
Kiến dư duệ kỳ ngưu xệ ( hay xiệt) kỳ nhân thiên thả nghị, vô sơ hữu chung .

Dịch: (hào 2 âm),Thấy xe dắt tới, những con bò bị cản, không tiến lên được ,như người bị xăm vào mặt, mũi, mới đầu cách trở, sau hòa hợp với nhau .

Bài học toàn quể: Thời chia lìa rất xấu, nhưng trong họa vẫn nấp cái phúc.

Quẻ 49:TRạch Hỏa Cách ( thay đổi). Bài học toàn quẻ: Cải cách, cách mạng phải hợp thời, hợp đạo, sáng suốt, chí thành, được lòng tin của nhiều người .

. Hào 1 :

鞏 用 黃 牛 之 革
Củng dụng hoàng ngưu chi cách.

Dịch:(hào 1dương):Bó chặt bằng da con bò vàng .

Quẻ 56; Hỏa Sơn Lữ (bỏ nhà đi tha phương).

Hào 6 :

鳥 焚 其 巢 旅 人 先 笑 後 號 咷 喪 牛 于 易 凶

Điểu phần kỳ sào , lữ nhân tiên tiếu ; hậu hào đào, táng ngưu vu dị , hung.

Dịch (hào trên cùng dương): Con chim cháy mất tổ, người lữ hành trước cười, sau kêu khóc, vì láu táu (vô ý), đánh mất con bò,(trỏ đức nhu thuận): xấu. Cụ Phan Bội Châu có ghi cảm tưởng cuối quẻ lữ:
Lữ quả thân dã, nhân chi cùng dã .

旅 寡 親 也 人 之 窮 也

Quẻ 63:ThủyHỏa Kí Tế (Đã qua sông, đã thành,đã xong). Vậy nên đề phòng lúc này

Hào 5

東 鄰 殺 牛 不 如 西鄰 之 爚 祭 實 是 其 福

-
Đông lân sát ngưu bât như tây lân chi thược tế, thực thị kỳ phúc .

Dịch (hào 5 dương): Hàng xóm bên Đông mổ bò (làm lễ tế lớn) mà thực tế không hưởng được phúc bằng hàng xóm bên Tây chỉ tế lễ sơ sài .

Đến đây có thể thấy trong Kinh Dịch có một soán từ( lời giải thích toàn quể) và sáu hào từ( lời giải thích hào của quẻ) người xưa đã vận dụng con ngưu để minh họa một triết lý nào đó, chỉ cụ Nguyễn Hiến Lê phiên dịch con ngưu là con bò:(đồng ngưu: con bò mọng non; hoàng ngưu: con bò vàng).Còn các cụ Ngô Tất Tố và Phan Bội Châu đều phiên dịch con ngưu là con trâu,Xin dẫn hai ví dụ ;

Quẻ 26: Sơn Thiên Đại Súc

Hào 4: Đông ngưu chi cốc, nguyên cát. Ngô Tất Tố dịch:”cái cùm trâu non,cả tốt”, Phan Bội Châu dịch:“ Đồng ngưu là trâu vừa mọc sừng. Cốc, cái gông chàng lấy sừng,nguyên cát: Tốt lành lắm”

Quẻ 49: Hỏa Trạch Khuê .

Hào 1: Củng dụng hoàng ngưu chi cách. Ngô Tất Tố dịch: “ Giàng bó, da trâu vàng“, Phan Bội Châu dịch: “Tượng như dùng da trâu vàng mà bó chặt”, nhưng trong thực tế làm gì có TRÂU VÀNG!

Theo thiển ý, dù là tiếng, là từ, là chữ thì ngưu vẫn dịch là bò.Còn thủy ngưu 水牛 là con bò nước như Đào Duy Anh đã thích nghĩa trong Hán Việt Từ Điển và Nguyễn Hiến Lê đã vận dụng để biên khảo Luận Ngữ; KINH DỊCH –Đạo của người quân tử - chắc chắn đáng tín hơn.

KẾT

Đi tìm ngữ nguyên danh xưng trâu bò , cũng là tim hồn vía của chúng mà dùng nào thuyết âm- dương , nào kinh điển trong các cổ thư Trung Quốc …quả là xa xỉ , thế cho nên tác giả mong có sự trao đổi tiếp của quý độc giả ./.


Tài liệu dẫn:

1*/Lê Thành Lân –Lịch Hai Thế Kỷ ( 1802 – 2010 )và Các Lịch Vĩnh Cửu Nhà xuất bản Thuận Hóa 1995.

2*/

3/ Lê Ngọc Trụ Tầm Nguyên Từ - Điển Việt Nam Nhà xuất bản T/P Hồ Chí Minh 1993

Thiều Chữu Hán Việt Tự Điển Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1993

Lý Lạc Nghị Tìm về cội nguồn Chữ Hán (Gồm nhiều từ đã gia nhập vào kho tiếng Việt ).Nhà xuất bản Thế giới 1997

Đào Duy Anh Hán Việt Từ Điển Nhà xuất bản Thành Phố Hồ Chí Minh 1994

4/ - Đoàn Trung Còn Luận Ngữ ( tứ thơ ) Trí Đức Tòng Thơ xuất bản 1950

-Lê Phục Thiện Luận Ngữ Nhà xuất bản văn học Hà Nội 1993.

-Nguyên Hiến Lê Khổng Tử và Luận Ngữ Nhà xuât bản Văn học 2003 .

5/ Nguyễn Hiến Lê KINH DỊCH Đạo của người quân tử Nhà xuất bản Văn Học Hà Nội 1994

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.