Apr 19, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Tiếc, Nuối (tạp luận).
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 10:34:39 PM, Nov 14, 2010 * Số lần xem: 2121
Hình ảnh
#1

Schopenhauer, triết gia người Đức thuộc thế kỷ mười tám có nói một câu rất mực bi quan: “ Sống là luyến tiếc dĩ vãng, là bất mãn hiện tại, là hi vọng ở một tương lai khá hơn. Nhưng cái tương lai ấy đã đến rồi và sẽ bất mãn như muôn ngàn hiện tại khác.”
Người viết có ý đề cập mệnh đề thứ nhất sống là luyến tiếc dĩ vãng.
Người viết đề nghị điều chỉnh mệnh đề: sống là luyến tiếc quá khứ.
Thật sự, dĩ vãng và quá khứ chỉ là một.
Một đứa trẻ lên năm hoặc lên mười đã biết mường tượng khái niệm thời gian, hiện tại, quá khứ và tương lai. Chủ nhật, không phải đến trường đến lớp. Hôm qua, thứ bảy, ở nhà, không phải đi học, nhưng ngày mai, thứ hai, phải đến trường đến lớp, đi học. Thứ bảy, hôm qua thuộc về quá khứ. Chủ nhật, hôm nay thuộc về hiện tại và thứ hai, ngày mai thuộc tương lai. Nhưng trẻ con thật ra chủ yếu sống với hiện tại đúng như lời nhà tâm lý học Théodule Ribot nói “ trẻ con sống với hiện tại, thanh niên thích yêu và thích được yêu, người luống tuổi ham danh vọng, kẻ về già hà tiện “. Là tuổi trẻ, lớp học sinh tiểu học chỉ biết say mê vui chơi trong thời khắc hiện tại, không bận tâm lưu ý ngày mai lẩn trốn đâu đây nhưng thực tế sờ sờ trước mắt, luyến tiếc mấy tháng hè đã thấm thoắt trôi qua:
“ Biết bao giờ hè trở lại cùng ta? “
( Ký ức ngày hè)
“ Gấp đi em, anh rất sợ ngày mai, “
“ Rất sợ ngày mai “ là rất sợ tương lai, cái sắp xảy ra, cái sắp đến, là thái độ nhát sợ, là thái độ ngụy tín không muốn chấp nhận một sự thực nhiều ít bẽ bàng. Luyến tiếc là một sự kiện ý thức, nhận biết quá khứ không bao giờ trở lại. Hè đã qua rồi sẽ không bao giờ trở lại. “ Trên cây, hoa phượng đã tàn và ve sầu cũng đã im hơi lặng tiếng, cảnh vật thê lương quá. “ Nhà thơ quá cố Thanh Nam đã sáng tác một bài thơ và cố nhạc sĩ Nguyễn Hiền đã phổ nhạc “ Hoa bướm ngày xưa “ rất đỗi trữ tình bay bướm:
“ Cho nhớ thương về quê xưa...
Mùa xuân không còn nữa. “
Chữ rằng “ xuân bất tái lai...”
Mùa xuân không trở lại. Mùa xuân không đến hai lần. Nhị độ mai, mai nở lần thứ hai, có chăng là một phép lạ. “Hồn bướm hoa xưa còn đâu” đã vùi sâu trong lớp trẻ. “Vườn cũ quê nhà yêu dấu” chỉ còn kỷ niệm ở tuổi hoa niên. Hết rồi những buổi trưa hè êm ả, tiếng gà ban trưa ngái ngủ, giọng ve sầu trong bụi tre thưa, tiếng sóng vỗ rì rào lách cách bên bờ sông con gió đưa xào xạc.
Ở bậc tiểu học, người viết được lĩnh thưởng đã sáu mươi bảy mươi năm về trước; lẽ tự nhiên tôi đã sung sướng khi viên quận trưởng quận Vĩnh Xương trao cho tôi phần thưởng nghèo nàn khiêm tốn ấy. Rồi niềm vui hãnh diện sung sướng ấy cũng qua, có niềm vui nào, hạnh phúc nào được kéo dài mãi mãi, bất tận? Cũng giống như tôi, niềm vui sung sướng khi tôi được thi đậu văn bằng Tú Tài, một niềm vui lâng lâng, một hạnh phúc tràn đầy chan chứa. Nhưng rồi ông Tú trẻ tuổi hàng xóm trầm trồ khen ngợi không lâu sau đó cũng hóa tầm thường. Ăn mãi một món ngon thịnh soạn, khen ngợi trầm trồ một thanh niên trẻ tuổi mà thông minh sáng suốt tài cao học rộng, ngợi khen mãi cũng hóa ra...bình thường, biết rồi. khổ lắm. nói mãi. Coi như một số vốn liếng kiến thức đã có sẵn, tôi còn nuôi tham vọng đào sâu kiến thức uyên bác hơn. Tôi không hề luyến tiếc vốn kiến thức có sẵn của tôi à nghen, tôi không hề luyến tiếc quá khứ, tôi chỉ chưa bằng lòng, chỉ “bất mãn “với mớ kiến thức hiện tại mà tôi đã có, đã thu thập được trong bấy lâu nay. Ước vọng của tôi chỉ nhỏ nhoi khiêm tốn, từ tuổi nhỏ đến tuổi già, từ chưa tới tuổi hai mươi đến thất thập cổ lai hi, “ sống, là bất mãn với hiện tại, sống. là hi vọng ở một tương lai khá hơn.
Tôi hi vọng những gì lúc tôi đã ngoài bảy chục? Hiện tại, vợ chồng tôi sống trong một gian nhà nhỏ, chật hẹp, tù túng được chính phủ cho thuê housing rẻ. Riêng gia đình con trai tôi đã mua một ngôi nhà mới cất nom cũng khang trang rộng rãi. Những lúc gần đây, con tôi đã không trả nổi tiền nhà hằng tháng, công ty địa ốc liên tục đòi tiền khiến vợ chồng tôi khó chịu, bức xúc, cầu mong mua vé số Lottery, hi vọng nếu trúng số cuộc sống sẽ mau chóng thanh toán trả tiền mua nhà. Ngoài ra, nếu được may mắn trúng số, tôi sẽ bỏ tiền cứu trợ những gia đình Việt Nam hiện giờ nhà cửa cơ ngơi đang chìm ngập trong cơn lũ tai trời ách nước, mùa màng mất trắng. Tôi sẽ làm gì nữa nếu tôi trúng số?- Tôi sẽ mua vé máy bay bay về Việt Nam, quê hương xứ sở của tôi. Đã bao lâu rồi tôi không về Việt Nam?- Mười năm, kể từ khi tôi bị ngã bệnh đột quỵ. Những lúc xuân về khi những cành đào vừa hé nụ là tôi lại chạnh nghĩ đến quê nhà làng xóm cũ giờ này chắc hẳn đã thay đổi nhiều. Trong ước mơ, tôi sẽ mang tiền về Việt Nam thật nhiều, tôi sẽ không về Mỹ nữa, về tiếp tục sống ở quê hương cho đến khi tôi chết, chôn vùi trong ba thước đất, tôi sẽ mua bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, tự mua lấy thuốc men coi như một nhu cầu cấp thiết lúc tôi bị bệnh, tôi sẽ gặp lại bà con anh chị em, thăm viếng trò chuyện bạn bè con cháu. Tôi sẽ và tôi sẽ...
Nhưng, chuyện thật buồn. Nhưng cái tương lai ấy đã đến rồi, nó sẽ làm ta thất vọng như muôn ngàn hiện tại khác. Những chuyện mơ ước ngày mai sẽ không bao giờ thực hiện được, nếu có, chỉ là những thành tựu ngắn ngủi phù du như đóa phù dung sớm nở tối tàn. Tôi đã nhờ những người quen, thân có, sơ có, thường xuyên đến siêu thị mua vé số lottery cầu may nhưng trời không thương tình cho trúng số, họa hoằn tôi chỉ trúng số được 3 con số mà thôi. Những người trong gia đình là vợ tôi, các con tôi, ai ai cũng mong chờ hi vọng thần tài gõ cửa, dan tay ôm ông phúc vô nhà.
Theo giáo lý Phật giáo, có ba cái khổ luôn luôn bám sát chúng sinh, tham, sân, si; lòng tham lam, ước muốn chiếm đoạt của cải của kẻ khác như sự tích Thạch Sùng; lòng giận dữ, cơn tức giận như Trương Phi,như những vị thần A Tu La; lòng ngu dốt, sự dốt nát ngu si đần độn.Lòng tham ai cũng biết là khuynh hướng bẩm sinh con người, ai cũng muốn làm của cải riêng tư. Chế độ xã hội, chủ nghĩa cộng sản chỉ là một cách nói văn vẻ hoa hòe bay bướm hoang tưởng, không thể có trong thực chất như nhà xã hội học Pháp Saint Simon đã nói. Giận dữ, sự dốt nát ngu si chỉ là một chuỗi triền miên vô thủy vô chung hiện hữu trong cõi vô minh và vô minh, vô là không, minh là sáng, trái nghịch với minh cũng có nghĩa là tối như u u minh minh. Cõi vô minh là cõi của bóng tối, không có ánh sáng. Theo Phật giáo, chúng sinh lẩn quẩn trong mê hồn trận. Chừng này tuổi đầu,người viết chuẩn bị về đưới lòng đất lạnh, tham sân si ít ra cũng diệt được một hoặc hai cái khổ tham sân. Đã hết ham muốn. Đã nguội lửa sân. Có điều người viết thắc mắc không biết nhờ ai, nhờ ánh sáng gì mà chúng sinh lẩn quẩn trong cõi vô minh lại được soi sáng, lại được “ giác ngộ “? Từ cõi vô minh, có một chút ánh sáng loé lên nhưng rất nhỏ, nhỏ lắm, chỉ le lói, ấy thế rồi dần dần từ từ mỗi ngày một ít, mười năm một kiếp một chiếu sáng dần dần thành một hào quang rực rỡ chiếu sáng cùng khắp một phương, chúng sinh được giác ngộ, Như Lai được Giác Ngộ, Quán Thế Âm Bồ Tát được Giác Ngộ.Petit à petit, l’oiseau fait son nid.
Vào năm 1968 vụ biến cố Mậu Thân, tôi được trung tâm Văn Hóa Đức Quốc chấp nhận bổ túc hồ sơ du học được đài thọ do trung tâm Goethe Institute Munich. Dĩ nhiên hồ sơ du học của tôi được xếp qua một bên vì biến cố Mậu Thân ấy. Riêng tôi vẫn còn nhớ đề thi Văn lẫn Triết do trung tâm Văn Hóa tổ chức; đề thi ấy là:
Que signifie le vouloir-vivre de Schopenhauer?
Tư tưởng nhân sinh quan của Schopenhauer giống tư tưởng nhân sinh quan trong Phật giáo. Le vouloir-vivre là ý chí muốn sống, một năng lực tiềm tàng trong tất cả loài động vật từ thấp lên cao, tuơng tự với bản năng, đôi khi có ít nhiều ý thức, nhưng nhiều lúc là mù quáng, tự động, vô ý thức. Tham sống, mống chết là cái lẽ tự nhiên của loài động vật.
Loài động vật có khi nào vì đánh mất một cơ hội tốt lấy làm tiếc một cơ hội bị bỏ lỡ ấy không? Con chim đã tiếc rẻ khi đánh mất một hột cơm một hột thóc một con trùn con dế đã bị một con chim khác giành ăn mất? Con chó được nuôi giữ lâu ngày với chủ, đột nhiên biến mất khá lâu ngày khiến chó nhớ chủ. Nhớ chớ! Buồn vì nhớ, vì thiếu vắng một giọng nói, một tiếng cười, một câu ra lệnh, một câu quát nạt răn đe, một lời ngợi khen tán thưởng. Nếu chủ bệnh, chó cũng buồn như con chó ốm. Nếu chủ chết, chó thấy nhớ và biết chủ chết, buồn lắm như thiếu nhớ một người. I miss you. Je te manqué. Tôi nhớ ông/ bà. Anh nhớ em. Em nhớ anh.
Một đoạn ca dao thật tình tứ, thật thiết tha bày tỏ nỗi niềm xót xa thương tiếc một người con gái một thiếu phụ đã sang ngang:
“ Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!”
Tiếc là một tâm trạng, một nỗi niềm, một sự kiện tâm lý bày tỏ một sự xót xa, một sự cố đã xảy ra, đã hiện hữu, không thể không xảy ra, không thể không hiện hữu. Tiếc nói lên một sự đã rồi, có nói lại kể lại nhắc lại cũng vô ích, hoài công. Nếu người thanh niên nếu chàng trẻ tuổi đã bạo dạn cộng thêm một chút liều lĩnh lân la thố lộ bày tỏ tấm tình yêu cùng người con gái thì người nghe đã không gạt phắc chối từ. Phải lựa lời, phải lựa chọn lời hay ý đẹp trước sau trước khi tỏ bày thổ lộ ngôn từ lời nói. Nhưng không, người thanh niên im lặng không nói một lời.
“ Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không? “
“ Còn không “ là... chưa có bạn, chưa có bạn trai, chưa có người yêu, chưa có người tình, chưa có vị hôn phu, chưa có người chồng chưa cưới. Nếu có vị hôn phu thì kẹt, vì ván đã lỡ đóng thuyền, chẳng lẽ đã trót ăn lễ dạm lễ hỏi rồi, làm sao có đủ can đảm nhà gái trả lại lễ vật? Có mà muối mặt! Hay là, hay là ý trung nhân người trong mộng của mình chỉ hờ hững nhạt nhẽo nào có thương mình để tâm để bụng chú ý gì tới mình? Như Nhàn, cô bạn gái thân tình hàng xóm của Ninh đã vội vã bất ngờ lấy chồng khiến Ninh tiếc ngẩn tiếc ngơ cộng thêm một nỗi niềm ít nhiều đau khổ trong truyện ngắn Tình Quê Hương của tác phẩm Hoa Vông Vang của nhà văn Đỗ Tốn? Như Thoa, cô bạn gái nhà nghèo của Triết mà Triết đã yêu tha thiết, bỗng đột nhiên đi lấy chồng khiến Triết băn khoăn thắc mắc đau khổ trong tập truyện Hai Buổi Chiều Vàng. Tình yêu, đối với nữ giới quả thật là Thiên Nan Vấn!
Gái xuất giá theo chồng thì đã muộn. Trong bài Tiết Phụ ngâm hai câu thơ kết thúc đoạn kết lột tả nỗi niềm tiếc rẻ của một người đàn bà xuất giá, nói lên sự bất lực không thể làm gì hơn là chấp nhận một số phận đã an bài:
“ Hoàn quân minh châu song lệ thùy.
Hận bất tương phùng vị giá thì.”
Ông Ngô Tất Tố dịch rằng:
“ Trả ngọc chàng, giọt lệ như mưa
Giận không gặp gỡ khi chưa có chồng.”
“ Giận “ là “ giận “ ai, “ giận “ những ai? “ Giận “ ông Xanh,” “ Giận” ông Tơ bà Nguyệt đã khéo xe duyên? Có lẽ “giận” tất cả! Tiếc là một sự cố quá khứ bất khả phản hồi.
Ngày xưa,cách nay vào khoảng hơn sáu mươi năm, vào năm Ất Dậu, tôi có đọc một tờ báo Xuân nhân dịp Tết . Tờ báo Xuân ấy là báo Xuân Tiểu Thuyết Thứ Bảy, có khá nhiều nhà văn nhà thơ viết bài trên báo Xuân ấy như Tô Hoài( Khách Nợ), Tú Mỡ( Đội xếp mất ví- Tú Mỡ cưỡi xe bình bịch), Nguyễn công Hoan( Hai thằng khốn nạn), Lê văn Trương(Cô Tư Thung, cô giáo Minh), vân vân. Người viết mạn phép thuật lại một vài dòng chữ nhan đề của những bài viết ấy.
“...Bố nó to béo mập mạp là thế mà sao nó lại gầy đét như chiếc tăm?”( Tô Hoài- Khách Nợ).
“ Nhân ngày phiên chợ Trung Thu,
Có ông đội xếp ngao du phố phường.
Hàng Đào rồi đến Hàng Ngang,
Thẳng tới hàng Đường xem bánh Mặt Trăng.
..
‘’ ’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’’ Ông cay ông đắng ông lên trình cò. Thằng nào có cắp thì lo, Ông mà tóm được, ông cho rũ tù!”
( Tú Mỡ. Đội xếp mất ví)

“ Tú rửng mỡ cỡi xe bình bịch,
Máy nổ vang trời xình xịch chạy như bay.
Bóp còi toe như quát tháo giương vây,
Trên đường cái, khách dãn ngay tăm tắp.
Tú nhớ lại thủa còn đi xe đạp,
Một thứ xe chậm chạp hiền lành,
Trên đường đông dù chuông bấm thất thanh,
Khách đủng đỉnh vẫn làm thinh không chịu tránh.”
( Tú Mỡ cỡi bình bịch)

Tú Mỡ chuyên sáng tác những bài thơ có tính chất hài hước, lạc quan và...chọc cười.
Người viết không thể không nghĩ tới điều được gọi là truất phế bất tín nhiệm của một nhân vật từ lâu cách nay năm bảy năm người viết bận lòng bất như ý ghét cay ghét đắng, ghét đến nỗi người viết không muốn nêu họ xưng tên mặc dù người viết cho rằng đó là một tật xấu. Nói như thế, nhân vật đủ biết nhân vật làm việc làm ăn bao lâu trên đất nước Việt Nam bòn rút tiền của vàng bạc tham ô nhũng lạm giàu nứt đố đổ vách như thế nào rồi, hơn cả quyền thần Trương Phúc Loan vào thời chúa Nguyễn Đàng Trong, sai bọn gia nhân tôi tớ đem vàng bạc châu báu ra sân...phơi nắng !
Nhưng tự nhiên trời được ưu đãi làm giàu dường như chưa đủ túi tham không đáy, nhân vật tễ tướng ấy còn muốn giàu hơn, bèn sai đàn em vây cánh lên làm Tổng giám đốc tập đoàn tàu thủy Shinavin. Trong 5 6 năm qua, tập đoàn tàu thủy Shinavin làm ăn thua lỗ, nợ như chúa Chổm lên tới ngót mười tỉ đô, nếu tính theo thời giá Việt Nam, nợ có thể lên tới một trăm ngàn tỉ đồng. Nợ như thế thì nhân dân Việt Nam phải è cổ ra mà trả nợ, không được ăn, không được mặc, không được mua sắm nhà cửa cơ ngơi ruộng vuờn, không được vui chơi du hí nghỉ ngơi, phải mấy thế hệ đời sau mới có cơ may trả sạch nợ. Tổng giám đốc Trương Thanh Bình bị bắt cùng một số đàn em râu ria khác. Quan tể tướng chỉ báo cáo qua loa đại để lếu láo, như thế là phủi trách nhiệm, xa lộ an toàn. Vào tù gỡ lịch được đôi ba năm, Trương thanh Bình được đại xá nhờ có tiến bộ trong lúc bị cải tạo nhân ngày kỷ niệm Cách Mạng tháng Tám hoặc đại hội Đảng thứ 11, thứ 12 hoặc thứ 13. Ngồi tù nhưng tù nhân Trương thanh Bình vẫn nhởn nhơ vui chơi như một quan con, vẫn ăn sung mặc sướng, vẫn TV giải trí đọc báo thường nhật, vẫn sử dụng máy vi tính để biết tin tức thời sự trong nước ngoài nước.
Sau năm 1954, đảng Việt Minh đổi tên là đảng Lao Động, lập tên nước là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa theo chế độ gọi là đa đảng cho xôm tụ. Ngoài đảng Lao Động độc tôn còn có một đảng thứ hai được khai sinh cho có vẻ dân chủ tự do gọi là đảng Dân Chủ, một đảng chính trị chỉ có tính cách hình thức thiểu số. Trong việc biểu quyết những nghị định, những sắc luật cần thiết trong sinh hoạt xã hội có tính cách chiến lược của tình hình đất nước, việc thông qua tập đoàn Quốc hội lại một lần nữa chỉ có tính cách hoàn toàn hình thức, hoàn toàn nhất trí. Đảng Lao Động ngày nay là đảng Cộng Sản Việt Nam, bộ Chính Trị nắm quyền định chính sách vận mệnh cả nước trong tay, Quốc Hội thực chất chỉ là bánh vẽ, bóp méo vo tròn ra sao tùy thích.
Đại biểu nhân dân toàn nghị gật.
Trung ương ngái ngủ say ngầy ngật.
Giơ tay biểu quyết luật mèo dê,
Ngủ vịt ngủ gà năm Giáp Ất.
Chủ tịch Nhâm Dần xúi quảy ghê,
Công an Quý Mão quay quần quật.
Ăn xôi cố đấm quyết hơn thua.
Cố vị tham quyền ôi quá quắc.
Một vị đại biểu “quan chi phụ mẫu” phương danh quý tính là ông Nguyễn minh Thuyết lên tiếng chất vấn ông tể tướng về cái vụVinashe tập đoàn quốc doanh Tàu Thủy coi như phá sản sập tiệm. Ông Thuyết nêu lên sự bất tín nhiệm của ông tể tướng, ông nói ông tể tướng đã chỉ nói chỉ nhận trách nhiệm một cách chung chung đại khái là xong phủi tay chẳng còn trách nhiệm trước quyền lực tối cao của nhà nước tức Quốc Hội gì ráo. Ông Thuyết nói, quan tể tướng nghe, chẳng nói, chẳng màng đối đáp trả lời khỏi phải thêm rách việc chỉ thêm hư bột hư đường mắm muối. Chủ tịch Quốc Hội nghe câu chất vấn xong của ông Thuyết thì im rẻ im re, cẩn, tắc vô áy náy, ngậm miệng ăn lương. Chỉ có điều không rõ đảng Cộng Sản và bộ Chính Trị có đủ lương tri và trình độ kiến thức không, mà cho qua coi như pha tiếp tục duy trì bảo quan tể tướng như ra lệnh:
- Mày cứ tiếp tục làm việc, tội vạ đâu tao chịu.

Người viết còn nhớ về một nhân vật có liên hệ gần xa đến nuối. Nhân vật ấy là Kha. Cha mẹ Kha mất sớm, được ông bà ngoại nuôi dưỡng lớn khôn ăn học. Khôn lớn, Kha đi làm ăn sinh kế phương xa, lúc này ông bà ngoại cũng đã tuổi già khuất núi. Kha có một bạn gái, cô Hoa, cùng làm việc chung một cơ quan, hai người tâm đầu ý hợp, rất mực khắng khít, chuẩn bị đôi tình nhân làm lễ cưới chung sống.
Một hôm, nhân ngày lễ giỗ bà ngoại, Kha xin phép về quê, trước thăm mộ phần người đã khuất, sau lễ giỗ bà ngoại. Kha đi xe khách. Trời đã bắt đầu sang thu. Trên con đường hai mươi cây số từ thành phố tới miền quê, Kha miên man nghĩ ngợi viễn vông, nghĩ đến bà ngoại già nua sinh ký tử qui sống gởi chết về, nghĩ đến ông cậu giờ đây cũng đã luống tuổi, nghĩ đến Hoa người bạn gái giờ này cũng đang bận bịu việc làm công ăn. Trong trí tưởng tượng, Kha” thấy” Hoa cũng đang về quê, hàn huyên chuyện vãn khiến Kha trôi dần vào cơn thiếp ngủ.
Bỗng một tiếng “rầm “ trời long đất lở tiếp theo là những tiếng khung sắt vỡ loảng xoảng khiến Kha còn đang mê ngủ, thần trí còn đang trong cơn mê loạn, tiếp theo một tiếng “ ầm “ dữ dội khiến Kha bất tỉnh mê man không còn biết trời biết đất gì nữa.
Khi lai tỉnh, Kha thấy mình trên chiếc băng ca trắng đã cũ, tay chân bị cột chặt, lòng hoang mang không biết hiện giờ đang ở đâu và tại sao có tình huống này. Kha cất giọng thều thào, nhẹ hơn hơi thở với một người nữ điều dưỡng:
- Tôi đang ở đâu đây?
Người nữ điều dưỡng không trả lời, đưa ngón tay trỏ lên miệng, tỏ ý “không được nói chuyện”, đoạn chỉ ngón tay trên ngực áo bờ lu trắng chỉ dấu “bệnh viện “ rồi người ấy đi ra khỏi giường bệnh nhân. Giường bệnh nhân không chỉ một người nằm mà lại có những hai, nằm ngược chiều, chứng tỏ giường nằm quá tải, nhà thương công lập, bệnh viện nhà nước, nhà thương ...thí, không đóng lệ phí nhưng được giường nằm điều trị bệnh, nếu quá nhiều người, giường sẽ quá tải, bệnh nhân sẽ cùng nằm chung giường, nếu bệnh nhân vẫn tiếp tục không giảm có đà tăng như trường hợp bệnh thời khí hoặc thương binh bị thương trong cuộc chiến sẽ được nằm xuống đất, ngoài hành lang.
Kha ngước mặt nhìn lên trần nhà bệnh viện cấp cứu, không có khái niệm phân biệt không gian thời gian. Không gian đặc sệt. Thời gian hỗn mang không phân biệt ngày đêm sớm tối. Bất giác Kha chợt nghĩ tới chợt nhớ tới Hoa người tình người bạn gái thương yêu. Hoa lãng đãng, Hoa chập chờn lung linh mờ mờ ảo ảo khói sương chấp chới, muốn nắm tay tận tay nhưng bất lực hoàn toàn.
Kha mở khá to đôi mắt gần như lạc thần, giọng nói trở nên thều thào ngắt quãng:
- Hoa ơi! Hoa ơi! Hoa đâu rồi?
Kha lúc này, tay chân lạnh ngắt trở nên bất động, tuy nhiên cặp mắt vẫn mở như thể đang nhìn ai, tìm kiếm mong đợi một người nào.
Trong gia đình, trong những anh em chị em, trong những thân nhân bà con họ hàng, một khi có một người chết mà không nhắm mắt lại mở, những người ấy bảo “ chết mà không nhắm được mắt, người chết nuối. Theo chuyện kể lại sở dĩ ngườI chết nuối vì đã có một tâm trạng, một nỗi niềm cực kỳ đau khổ không thể bày tỏ, không thể nguôi ngoai. Một mối hận thù không thể trả, chưa thể báo đáp trước giờ cận tử: nuối. Một mối tình tuyệt vọng câm nín của nhà triết học Auguste Comte đối với nàng Clotilde De Vaux trước giờ cận tử: nuối. Lê Duy Kỳ tức Lê Chiêu Thống phải bôn đào tẩu thoát sang Tàu nương náu mang một nỗi mất nước hờn vong quốc, vừa đau khổ vừa nhục nhã, bị bgười Tàu rẻ rúng khinh khi, đến chết cũng không nhắm được mắt, như thế là nuối. Ông Lê Quýnh, quan nhà Lê phải chạy theo quâu Mãn Thanh để phò tá Lê Chiêu Thống bị quân Tàu ngược đãi, bắt phải gột đầu cột tóc như người Tàu, bắt phải thay đổi ăn mặc y phục như người Tàu, Lê Quýnh nói:
- Đầu tôi có thể chặt được, nhưng tóc tôi không thể gọt được. Da tôi có thể lột được, nhưng áo tôi không thể đổi được.
Đến khi chết, Lê Quýnh không nhắm được mắt, như thế là nuối.
Tôn Thất Thuyết, sau khi đảng Văn Thân nổi lên đánh phá triều đình Huế thất bại, ông cùng Nguyễn Thượng Hiền đào vong trốn sang triều đình Mãn Thanh nương thân cho đến chết. Người Tàu thương tiếc suốt đời tranh đấu đại cuộc không thành, đến khi trút hơi thở cuối cùng nhắm mắt vẫn không yên, như thế là nuối, vậy nên người Tàu có gửi phúng điếu ông Tôn Thất Thuyết bài biền ngẫu như sau:
- Thù nhung bất cộng đái thiên, vạn cổ phương danh lưu Tượng Quận
Hộ giá biệt tầm tĩnh địa, thiên niên tàn cốt ký Long Châu.
Ngày xưa truyện kể có anh Trương Chi...lại cũng một huyền sử về nuối, chuyện éo le ngang trái của một mối tình câm nín. Trương Chi là một ngư phủ làm nghề chài lưới bắt cá câu tôm, sơ yếu lý lịch, bần cố nông, vô sản bần cùng vô sản, tứ cố vô thân không một mảnh đất cắm dùi, văn hóa chữ nghĩa dốt đặc cán mai, nhưng Trương Chi có một biệt tài trời cho hát rất hay khiến người nghe đều phải say sưa mê mẩn.Mỵ Nương tự hỏi người hát là ai, muốn biết người hát dung nhan cho tận tường rõ mặt. Mỵ Nương mường tựợng hình dung người hát tất phải có khuôn mặt ít ra phải khôi ngô, phải tuấn tú.
Nhưng hỡi ôi, Mỵ Nương tiểu thư đã “giết chết người trong mộng.” Anh chài lưới bắt cá bắt tôm thật sự chỉ là một gã vô sản dốt đặc cán mai, bẻ đôi một nửa chữ a chữ b cũng không biết. Trương Chi chỉ biết ca biết hát ngoài ra không biết gì khác. Mỵ Nương tiểu thư thất vọng não nề. Thực tế não nề. Hiện thực phũ phàng.
Nhưng rồi một cảnh tượng éo le ngược đời xẩy đến. Đứng trước nhan sắc tuy đơn sơ mộc mạc không son phấn điểm trang mà lộng lẫy, không quần là áo lượt mà uyển chuyển kiêu sa hoa nhường nguyệt then. Trương Chi bị cú sét ái tình phát nổ tuy im lặng nín câm mà giông tố chớp bể mưa nguồn. Trương Chi đem lòng si mê đêm ngày thất tình, ban ngày mơ tưởng đêm về thao trằn trọc gối chăn. Gã thuyền chài lâm trọng bệnh, tương tự như nhân vật khốn nạn đáng thương trong tác phẩm Trống Mái của nhà văn Khái Hưng: Vọi. Vốn từ lâu, Vọi là một nhân vật vô danh không tên không tuổi, vô gia đình, nơi thường trú là một túp lều tranh xơ xác nghèo nàn, suốt tháng quanh năm chỉ biết làm nghề chài lưới. Nhưng Vọi có một nét đẹp riêng, một nét đẹp độc đáo của một thân hình cường tráng cân đối chẳng khác chi một pho tượng cổ Hi Lạp. Ngoài vẻ đẹp của một thân thể cường tráng ấy, Vọi là một thanh niên có một vốn văn hóa số không to tướng không biết một chữ nhất là một. Cũng như tiểu thư Mỵ Nương chỉ say mê giọng hát Trương Chi mà không say mê sự xấu xí của anh ngư phủ bất hạnh, cô thiếu nữ là Hiền chỉ yêu say mê thân hình cường tráng đẹp đẽ của Vọi mà không yêu Vọi, rõ thật ông Tơ bà Nguyệt khéo đa đoan!Tiểu thư Mỵ Nương chỉ yêu tiếng hát, không yêu Trương Chi. Hiền chỉ yêu vẻ đẹp cân đối cường tráng của Vọi không hề yêu Vọi. Nghệ thuật không vị nhân sinh; nghệ thuật vị nghệ thuật. L’art n’est pas pour la vie; l’art, c;est l’art pour l’art. Đây là một ví dụ điển hình cho một câu thơ được gọi là nghệ thuật vị nghệ thuật của nhà thơ Phan xuân Sanh:
Đáy dĩa, người xây mộng hải hồ.
Đáy dĩa, người xây mộng hải hồ. Đáy dĩa, theo ý nghĩa chủ quan của người viết, là một không gian rất hạn chế, rất giới hạn, quanh quẩn chỉ là một khung trời nhỏ hẹp chẳng khác chi “ ếch ngồi đáy giếng “ bơi bơi lội lội lội lội bơi bơi; “ người xây mộng hải hồ”, mộng hải hồ là giấc mộng viễn du giấc mộng giang hồ sông núi, rời bỏ mái ấm gia đình nhà cửa. Rốt cục, không thể đi giang hồ, quanh đi quẩn lại vòng vo bên góc dĩa, giang hồ sông nước đó đây chỉ là ảo vọng.
“ Nghĩ mình từ ngày nào lọt lòng mẹ, được một tuổi học đi, đôi ba tuổi học nói, bảy tám tuổi biết cắp sách theo thầy, bây giờ vài gian nhà cỏ ở trong mươi mẫu cô thôn, lần lần ngày nắng đêm trăng, những tưởng đấy đã là trung tâm của trời đất; còn ngoài đó, chân trời góc biển đều là những cảnh đìu hiu.”( Kiếp Phù Sinh. Việt Ngữ).
Trương Chi thất tình. Trương Chi ngã bệnh mỗi ngày một nặng khó lòng qua khỏi. Trước khi chết đem theo một nỗi hận tình mang xuống tuyền đài, không nhắm mắt, thế là nuối.

Một nỗi niềm, một tâm sự riêng không thể chia sẻ cùng ai giữa mẹ tôi và tôi, đó là chuyện nuối của mẹ trước giờ phút hấp hối cận tử. Cách nay trên dưới mười năm, mọi thành viên trong gia đình ai cũng biết tôi bị ngã bệnh đột quỵ tức bị tai biến mạch máu não, một chuyện khá lạ lùng là tôi vẫn... chưa chết mặc dù bệnh đột quỵ quái ác đã để lại những di chứng không phải ít: bị nhũn não, bị nghẽn tắc mạch máu ở não không thể lưu thông, chứng khó nuốt dễ sặc thức ăn, bệnh quên nhớ trước quên sau, bệnh lý luận lẩm cẩm không chặt chẽ thiếu chính xác nhiều khi kết luận dẫn tới mâu thuẫn, vân vân và vân vân. Tôi vẫn tiếp tục sống mặc dù vào thời điểm ấy mẹ tôi không may bị ngã gẫy chân.Mẹ tôi bị gẫy chân, sau này suy nghiệm lại tôi thấy mẹ tôi bị gẫy chân, chân phải, ngày ấy quả thực không sai do mẹ tôi bị rỗng xương. Mẹ tôi có được tất cả mấy người con cả trai lẫn gái? Năm gái, hai trai, như thế cũng đã hơi nhiều. Chỉ phải ngày ấy khoa học và ngành y tế chưa thật sự phát triển, việc đàn bà phụ nữ sinh nở là một vấn đề khá cấp bách: sau khi sinh nở, người đàn bà phải được bồi dưỡng bằng sinh tố vitamin A hoặc D, nếu không người mẹ chắc chắn sẽ bị rỗng xương mà hậu quả là xương dễ gẫymà mẹ tôi là một nạn nhân. Rồi người con gái mẹ tôi phải đưa đi bệnh viện khám nghiệm, bác sĩ bệnh viện khám nghiệm mẹ tôi, cho biết bà bị gẫy xương đùi phải, gẫy hoàn toàn. Nhưng bác sĩ chỉnh xương cho biết thêm mẹ đã già, có bó bột đắp chân cũng vô ích thôi. Mẹ phải ngồi nằm một chỗ di động ăn ngủ ỉa đái hoàn toàn do người giúp việc đảm trách. Lúc còn tương đối khỏe mạnh thỉnh thoảng về lại Việt Nam, tôi nhìn thấy mẹ ngoài chuyện quanh quẩn trong phòng không biết phải làm gì khác ngoài sự trách móc mắng nhiếc người làm, tôi thấy cũng khá bất nhẫn. Bị gẫy chân, mẹ trở thành một người cao niên tàn phế chỉ biết sống nốt những ngày còn lại.
Năm 2002, gặp tai họa tôi bị tai biến mạch máu não hay còn gọi đột quỵ trong lúc về Việt Nam. Điều làm tôi ân hận ray rứt nhất là tôi đã không còn sức lực sáng suốt minh mẫn để chịu khó lê lết chân bước khập khiễng cà nhắc tới giường vấn an thăm mẹ. Điều tệ hại nhất là mẹ tôi đã gọi tôi “ ba thằng Lĩnh đâu, sao về nhà mà không chịu vô thăm tao?” Ba thằng Lĩnh chính là tôi và mẹ tôi đã cất tiếng gọi tôi không phải một lần, nhưng tôi không dám chường mặt. Con bất hiếu với mẹ đến vậy thì thôi!
Sáng ngày hôm sau, tôi khập khiễng leo lên xe tắc xi từ Nha Trang vô Sài Gòn chữa cơn đột quỵ tại bệnh viện Chợ Rẫy, ngày trước nằm ở đường Thuận Kiều, bây giờ không rõ ở đường gì, anh hùng danh nhân liệt sĩ gì, không biết, chỉ biết tôi điều trị tại đó hơn một tháng trời, thuốc thang có trị liệu châm cứu có, nhưng chẳng ăn thua gì. Trong thời gian ấy, tôi nghe tin mẹ tôi mất, an táng tại khu nghĩa địa xã Phú Trung có đường sắt chạy ngang qua hướng về Nam Sài Gòn. Ngồi trên giường bệnh tại trung tâm Y khoa Chợ Rẫy ở lầu thứ 7, tôi lơ đãng nhìn ra ngoài khung cửa sổ nghe mưa gió chuyển động xào xạc trên những ngọn cây, cành lá rung chuyển vật vã. Hiện tôi đang ngồi đây giờ này, ở đây là một không gian khác, một thế giới khác không quan hệ gì với khu bệnh viện đa khoa Chợ Rẫy, những hình bóng quái đản nhảy múa dưới màn nước mưa ướt át.
Độ nửa tháng sau, một người con tai lớn, một đứa cháu trai kêu tôi bằng cậu cùng đưa tôi về Nha Trang đúng vào tuần chay bốn mươi chín ngày sau mẹ tôi chết. Ngày ấy tôi không định vị chính xác “ độ nửa tháng sau”, một qui trình thời gian. “ Nửa tháng sau “ là bao nhiêu ngày, mười lăm ngày, hai tuần lễ, ba trăm sáu mươi giờ? Đầu óc bị chứng tai biến mạch máu não lũng đoạn chi phối trầm trọng quá mất rồi.
Ngồi trong toa xe giường nằm đường sắt sài Gòn Nha Trang trong chuyến xe đêm, tôi miên man nghĩ ngợi về cái chết của mẹ tôi. Trước lúc gần đất xa trời, mẹ tôi ắt hẳn đã mong nhớ trông chờ đứa con trai út trở về, nhìn thấy mặt nó, hỏi han nó, hun lên chùn chụt thắm thiết nó trở về từ nước Mỹ. Nhưng nói mỏi cả miệng nhưng nào thấy nó. Như đứa con trông mẹ về chợ. Mỏi mòn. Tuyệt vọng. Ngọn đền dầu leo lét sắp tắt chờ một làn gió nhẹ. Băn khoăn, tôi không rõ trong lúc lâm chung hấp hối chung quanh những dâu những con những con dâu những cháu, có ai chứng kiến những phút giây cận tử trước giờ nhắm mắt vĩnh biệt? Nhắm mắt yên lòng yên dạ ra đi không để lại được gì hay là nuối, vắng một người thân yêu không thấy mặt?/.

Võ Doãn Nhẫn

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.