Apr 18, 2024

Thơ mới hiện đại VN

Nam Mô Ă Di Đà Phật/Quê Hương Là Tổ Quốc/Má Tôi Không Còn Đọc Thơ Của Tôi Nữa/Hoa Mặt Trời/Chào Buồn Lễ Phục Sinh
Trần Vấn Lệ * đăng lúc 12:01:09 PM, Apr 13, 2021 * Số lần xem: 721
Hình ảnh
#1
#2

 


  

 



Nam Mô Ă Di Đà Phật

Ai cũng nói giống nhau:  "Không bận tâm chuyện ấy, bánh nhân luân vẫn chạy; vẫn chạy mà...tự nhiên!".

Không có ai nổi điên...vì người ta tỉnh táo!  Biết cái gì cũng sạo,  Sạo sự là chuyện đời!

Mọi người giữ nụ cười:  "Tôi chào anh chào chị!".  Những em bé nhỏ xí, mắt tròn xoe, dễ thương!

Sống không Phạm Luân Thường!  Sống không Phạm Công Lý.  
Sống Phạm Chân Thiện Mỹ...thì không nên sống chi!

Chàng họa sĩ cười khì / cuốn tròn bức tranh cất.  Nhà văn đậy hũ mực, gác bút không viết thêm...

Cõi đời thật bình yên / khi con người tỉnh ngộ...giống như đi ra ngõ / chỉ để ngắm hoa vàng!

Người ta mất Quê Hương / ngay khi trên Đất Mẹ...tìm Phật trong Kinh, Kệ ngay khi quỳ trong Chùa!

Tất cả là Chuyện Xưa mà Đời Nay diễn lại! Người đóng kịch giả gái...rất giống bậc nữ nhi!

Thơ qua thời Đường Thi thì trở về Đường Luật!  Những bài thơ dằng dặc...bảo Thơ, nó là Thơ!

Những người sống mộng mơ / không làm hại ai cả!
Những người sống làm cá...Cá Mập, chẳng ai câu!

Ai cũng nói giống nhau:  "Kệ cha đời dâu biển!  Sống - làm lụng - cầu nguyện!"...Sớm, chiều, chuông boong boong!

​Trần Vấn Lệ

 

Quê Hương Là Tổ Quốc

Tôi muốn làm như Ngô Phù Sai thuở trước
Rắc hoa vàng sau mỗi bước Tây Thi!
Tôi muốn làm như bông sen muôn muốt
Nở bùng lên sau mỗi bước em đi!

                        (Không nhớ Tác Giả)

Ai đó mặc áo dài, cầm nón lá thật ngộ!
Thế giới này không có / ai đó  thế này đâu!

Tóc vẫn bay trên đầu / mà tóc không bị nắng!
Áo chỉ màu áo trắng / mà đẹp mà kiêu sa!

Ai, có thể Tiên Nga...hay Tây Thi cổ sử?
Người đẹp từ quá khứ / và đẹp mãi mãi nha!

Tất cả Tướng tài ba / đều lụy trước Người Đẹp!
Giai Nhân Tự cổ..., thiệt - Thiệt đúng là Giai Nhân!

Giai Nhân là Mùa Xuân!  Mùa Xuân là Tuổi Trẻ!
Ai...đầu bạc, hiểu nhé;  Mình đã hết Thời Xuân!

Tôi nhớ quá Quê Hương!  Quê Hương tôi Đẹp Nhất!
Tôi viết chữ Hạnh Phúc / nạm vàng để muôn năm!

Chắc có ngày ai cầm / và rưng rưng muốn khóc!
Quê Hương là Tổ Quốc!  Tổ Quốc của tôi ơi!

Trần Vấn Lệ

 
 Má Tôi Không Còn
Đọc Thơ Của Tôi Nữa


Chớp bể...là xa, xa lắm?
Mưa nguồn...chắc cũng không gần?
Sao mình lại cứ bâng khuâng
muốn mưa tới ngay trước cửa?

Chắc tại mình nhớ ai đó
xa như chớp bể mưa nguồn?
Không biết người ta có buồn
như mình đang buồn không nhỉ?

Một câu hỏi như sợi chỉ
se hoài mà chẳng luồn kim
chỉ nghe tiếng đập con tim
nỗi buồn trong lòng thao thức!

Muốn nhắm mắt đi đừng khóc
như khi ngồi giữa lòng ghe
Muốn bịt tai đi đừng nghe
sóng vỗ ào ào bên mạn...

Nếu mà trời đừng có sáng
Nếu mà trời đừng có chiều
đừng hỏi Má lo bao nhiêu
để cho con đi tìm sống...

Má ơi Má nuôi hy vọng
tại sao Má bỏ con rồi?
Hồn Má có bay lên trời
như bầy hải âu không vậy?

Xé quăng đi một tờ giấy
ở trong đó có bài thơ
nội dung là ước là mơ
cái hình là vòng tay Mẹ!

Hỡi ơi mưa nguồn chớp bể
chỉ nghe con mắt cay sè
rồi sẽ không nghe không nghe
bờ đê tiếng con ếch nhẩy!

Rồi sẽ không thấy không thấy
Mẹ già cái bóng xiêu xiêu
sẽ không có bữa cơm chiều
"Má ơi hình như cơm khét?".

Bàn tay Má như đang quẹt
con mắt Má buồn bao nhiêu!
Đố ai không có một chiều
bỗng dưng thấy mưa đầu ngõ...

Trần Vấn Lệ
 
 
Hoa Mặt Trời

Trời thấp hay cao không biết nữa / mà sương mù trắng ngập hành lang...mà con bướm thức không buồn vỗ / đôi cánh hiu hiu nắng võ vàng...

Rồi nó nằm yên, rồi nó chết?  Hoa không buồn nở tiễn tình nhân?  Con chim cũng vậy, buồn không hót.  Suơng ngập hành lang trắng xóa sân...

Muốn thả câu thơ để nhẹ lòng / biết đâu ngoài biển có cầu vồng / hải âu ở đó không tù túng / đập cánh cho ngày trắng mướt lông...

Sáng chín giờ hơn, chút mặt trời / chưa làm suơng khói tỏa thành hơi.  Câu thơ chưa có, lòng chưa ấm...đến lá vàng rơi cũng chẳng đôi!

Tôi đi đắp mộ cho con bướm / như thể buồn tay đắp mộ thơ...hiện đại hay là thơ cổ đại...thơ nào thì cũng chứa hư vô?

Cái không là có là hoa cỏ, là núi non kia rất đỗi ngầu?  Là những tháp Chàm trong ký ức / ngói bung gạch vỡ hóa Thiên Thu?

Em à xe lửa leo lên núi...qua ba cái hầm dĩ vãng thôi...sáng nhớ chiều em nơi Quảng Thuận / nắng vàng hiu hắt tưởng mưa rơi!

Tôi đang lang thang trong hành lang...Tôi nao nao lòng thương nhớ nàng...Chị về đây nhé, em về nhé...chờ lát nữa hồng mây Đơn Duơng...

Hư vô hư vô lòng tôi thơ / hay mây Thu bay sương Thu nhòa...hay em đang rửa chân bên suối...cái mặt trời xưa chắc nở hoa?

Trần Vấn Lệ
 
 

Chào Buồn Lễ Phục Sinh


Miền Bắc trời trở nóng, miền Nam trời trở mưa!  Nam, Bắc vẫn phân chia / cái Tình Người nghi ngại!

Bốn sáu năm như vậy!  Bốn sáu năm là sao? Chúa và Phật ở đâu / Kinh Nguyện Cầu không tới?

Miền Bắc có chờ đợi, không người Nam nào ra!  Nam thì không mặn mà, người Bắc vào tới tấp!

Ngay ở đảo Phú Quốc / cũng toàn Người Đàng Ngoài!  Ngay Côn Đảo xa xôi cũng đầy người Hà Nội!

Buồn quá mà phải nói!  Buồn quá mà phải than!  Đúng là nước Việt Nam, cái tên do Tàu đặt! (*)

Những chuyến tàu Thống Nhật / chở gì mà chạy hoài? Vạn vạn chiếc máy bay / chở người toàn hối hả!

Giải Phóng sao kỳ quá...Nước mắt chảy không ngưng!  Triệu người bỏ Quê Hương, triệu người đổi quốc tịch!

Nhắc lời Võ Văn Kiệt, ai cũng cầm khăn lau!  Một triệu người đớn đau, một triệu người hí hửng! (**)

Lời nói không tung hứng / mà nặng trĩu ngàn cân!  Cuối tháng Bốn Bảy Lăm...đầu năm Hai Ngàn Hai Mốt!

Triệu thanh niên xuống tóc / đi tu làm tì kheo!  Triệu Nhà Thờ chuông reo / những tiếng kêu thảm thiết! (***)

Người bán kem đứng miết / mời từng người cà lem...Mỗi lần anh gọi em, trái tim anh đau nhói! (****)

*
Dân ta không nghèo đói / sao cứ cảnh cơ hàn? Những đồng lúa mênh mang / thu hoạch xong:  Xuất Khẩu!

Những cánh rừng nát ngấu, cây gỗ quý xuống tàu...Hai Thế Kỷ qua mau...Rồi vạn năm chớp mắt?

Độc Lập Tự Do Ấm No Hạnh Phúc...Câu đó trên băng rôn!  Vẽ trên những tấm tôn / dựng trước lò tham nhũng!

Bao giờ thì chữ Sống vẽ trên môi người dân?
Bao giờ thôi bâng khuâng chiều ơi sông khói tỏa?


Trần Vấn Lệ
(*) Tên nước ta, Tàu áp đặt từ năm 1804 mang ý nghĩa là Bọn Bây Phải Tẩu Tán Xuống Nam; khác hẳn ước muốn của Vua Gia Long, Nam Việt, mang ý nghĩa "Nước Nam Giàu Đẹp".

(**)  Chủ Tịch Nước CHXHCNVN từng nói:  "Ngày 30-4-1975 có một triệu người buồn thì cũng có triệu người vui!".

(***) Chiến tranh Việt Nam chấm dứt giữa ngày 30-4-1975, không hiểu sao có hàng triệu thanh niên ở Nam và Bắc, cạo đầu đi tu đạo Phật.  Mặt mày ai cũng ngầu!

(****) Nghề bán Kem dạo rất thịnh hành từ sau ngày 28-3-1975, khi Huế, Đà Nẵng, Nha Trang...được Giải Phóng, nhờ Bộ Đội Cụ Hồ thích ăn, mua phơi khô cất dành ăn...



 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.