Oct 13, 2024

Truyện ngắn

Mỗi Năm Một Lần.( chuyện kể)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 06:56:20 PM, May 03, 2009 * Số lần xem: 2309
Hình ảnh
#1

 

Mỗi năm một lần, cứ vào cuối xuân, tôi lại nhớ đến nghĩ đến ngày 2 tháng 4/75, ngày thành phố Nha Trang thất thủ, ngày ba mươi tháng 4/75 Sài Gòn thất thủ, hoàn toàn mất nước.

Hồi tưởng lại ngày mất Nha Trang, hai tháng tư. Tâm trạng hoang mang, tâm trạng buồn bã, nỗi niềm ưu tư, nỗi niềm thất vọng. Ðợi chờ thủ đô Sài Gòn trước cơn hấp hối trong lo âu hồi hộp. Hi vọng mong manh. Ðợi chờ trong sự xao xuyến, chỉ mành treo chuông. Tương lai ngày mai bắt đầu mờ mịt, không một mảy may hi vọng dạy lại môn học đã từng rao giảng.

Cuối tháng ba, ngày ba mươi, ba mươi mốt, anh tôi có đưa cho tôi chai rượu hiệu (Martin ) còn nguyên bảo tôi uống cho hết, nhưng từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa nếm qua một giọt rượu (Martin ) cay nồng ngọt đắng như thế nào ra làm sao, thật đúng như lời người xưa có nói ( vô tri bất mộ ), không biết, chẳng thích. Ấy thế mà đã có nhận xét rất ư ý nhị, rất ư thâm thúy ( biết rồi, chẳng thích ). Riêng tôi, tôi cũng phiêu lưu đánh bạo độc ẩm một ly (Martin), giống như nhân vật người chị trong thi phẩm ( Lỡ Bước Sang Ngang ) của nhà thơ Nguyễn Bính:

( Rượu hồng em uống cho say,

Vui cùng chị một vài giây cuối cùng ).

Lỡ cạn một ly (Martin), tôi gục, nôn thốc nôn tháo, có gì dạ dày cho ra hết, bụng bảo dạ từ rày về sau xin chừa, mặc cho ma men dụ khị, ( tấm lòng... não nuột từ sau xin chừa ). ( Tấm lòng não nuột ) xin để mặc độc giả tự do tư tưởng, muốn hiểu ẩn ngữ thế nào cũng được.

Ðộ một tuần lễ sau đó, bên vườn phía trước, tôi thấy thấp thoáng có một nhóm người, mặc áo quần cứt ngựa, đội nón tai bèo, vai mang vũ khí AK, đóng quân bên dưới gốc cây nhãn, tuyệt nhiên không lảng vảng tới gần địa điểm đóng quân, không đi ra đi vào nhà dân, về sau tôi hiểu bộ đội ẩm thực tự túc. Tôi thắc mắc, rồi ra tiểu đội đóng quân cũng đi đái, cũng đi... ỉa đều tự túc?

Tôi lắng tai để ý nghe: đoàn quân xa chạy ngoài đường rầm rập dường như tranh thủ chạy đua với thời gian giành lấy chiến thắng cuối cùng càng nhanh càng tốt.

Toán tiểu đội vẫn bình yên, vẫn ăn, vẫn ngủ, vẫn chơi, vẫn chờ đợi cho tới một ngày không xa, nhóm tiểu đội đột nhiên yên lặng tiếp tục lên đường... giải phóng miền Nam, lúc bấy giờ tôi mới thở phào nhẹ nhõm.

Ôn lại kiểm điểm lại những ( tàn dư ) còn sót trong chế độ cũ, tôi thấy không còn gì đáng để lưu giữ. Tang vật tôi đã thủ tiêu: khẩu súng cá nhân M1 và một băng đạn mười viên, tôi bước ra ngoài nhịp cầu tiêu, nhìn quanh quất không một ai, tôi quăng khẩu súng. ( Quẳng xuống nước, súng chìm lỉm lặn ), lúc ấy nước thủy triều dâng lênh láng. Sau vài mươi giây, không còn dấu tích gì nữa khẩu súng, súng giờ này đã chìm sâu vào vũng bùn.

Tôi thấy cũng nên làm tiếp công việc thủ tiêu cái gọi là tàn dư chế độ văn hóa đồi trụy phản động, điển hình là tác phẩm Việt Nam sử lược của sử gia Trần Trọng Kim, bút hiệu Lệ Thần. Theo mấy ông mang sẵn đầu óc văn hóa cách mạng, những sử gia, những nhà văn hóa không được mang danh hiệu tiến bộ đều bị gán cho nhãn hiệu ( phản cách mạng,) ( bất kính nhi viễn chi ). Tôi mang tác phẩm duy nhất ra ngoài mái nhà cầu, mái lợp tranh, ngó trước trông sau không có ai, tôi vội ném Việt Nam sử lược bên trên mái lá, như thế ( cẩn, tắc vô ưu.) Ngoài tác phẩm Việt Nam sử lược, tôi còn một số tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, như ( La nécessité et La contingence ), ( La Philosophie du Non ) của kiện tướng Gaston Bachelard, (L' Être et Le Néant ) của Jean - Paul Sartre, tôi nghĩ, ví dầu mấy tác phẩm đó có những nhà văn hóa tiến bộ đọc và nghiên cứu, tôi hoàn toàn tin tưởng một cách rất chủ quan rằng họ cóc hiểu, họ đọc như vịt nghe sấm!, bởi thế, những tác phẩm đầy tính cách triết lý ấy, tôi để nguyên trong tủ sách gia đình.

Sau ngày 2 tháng 4, tôi khắc khoải chờ đợi những biến cố sẽ xẩy ra. Tôi lóc cóc đạp xe đến trường cùng các đồng nghiệp. Thông báo cho biết ngày mai sẽ có một buổi mít tinh tại rạp xi nê Nha Trang, đường Hoàng Tử Cảnh, lúc 2 giờ chiều, ( báo cáo viên ): ủy viên giáo dục Nguyễn Ðỗ Cung, học vị: tiến sĩ giáo dục tại Liên Xô, đề tài: tình trạng giáo dục hiện nay tại miền Nam Việt Nam.

( Tôi chỉ một chút thắc mắc là danh từ ) báo cáo viên( nghe lạ hoắc, có ẩn ý một nghĩa xấu).

Chiều ngày hôm sau, vợ chồng chúng tôi lục tục đến tại địa điểm rạp xi nê Nha Trang, vào lúc ấy thời tiết rủ nhau mưa tuôn xối xả không dứt hột, trời đất tối sầm như ngày tận thế. Ðiềm tốt hay xấu, điềm vui hay điềm gở?

Sau cùng, buổi lễ mít tinh cũng được bắt đầu. Ai là người điều khiển chương trình? Ðặng như Ðức, giáo sư môn Sử Ðịa trường trung học Võ Tánh. Ðức đột nhiên có thớ, nhảy ra hoạt động xông xáo. Thân sinh của Ðức là ông Ðặng văn Tế, ngày trước đã từng làm giáo sư môn Việt văn tại trường trung học Pháp Việt, vào tù ra khám đã hơn một lần. Sau màn giới thiệu, ủy viên giáo dục Nguyễn đỗ Cung hiện đang tong sự tại ty Giáo Dục Phú Khánh mới chịu ra xuất đầu lộ diện. Theo sự giới thiệu của hiệu phó Ðức kể từ giờ phút này, ủy viên giáo dục Nguyễn đỗ Cung được du học tại Liên Xô, sau nhiều năm chịu khó học tập dùi mài, Nguyễn đỗ Cung được lãnh học vị rất cao: tiến sĩ giáo dục. Khán giả ai nghe cũng phải gật gù thán phục, tài rất cao, học thật rộng, chữ nghĩa uyên bác đầy cả bụng.

( Về sau tôi được biết vợ Nguyễn Ðỗ Cung hiện là một giáo viên ) danh vị giáo sư bị dẹp tiệm từ lâu ( môn Nga văn, cắm sừng người chồng vốn nhỏ thó thấp bé hơn cả vợ).

Theo thông lệ truyền thống, cả trường đổ xô nhau làm cái gọi là ( sơ yếu lý lịch(, không dài, chỉ độ 2 trang giấy trắng. Chỉ khổ cho những ai đã lỡ bị động viên hoặc trường Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt, hoặc liên trường Võ Khoa Thủ Ðức.. Số xuất thân từ Võ Bị Quốc Gia Ðà Lạt theo tôi biết không nhiều, chỉ năm ba sợi lai rai, riêng con số xuất thân từ liên trường Võ Khoa trừ bị Thủ Ðức thì ... đếm không xuể. Riêng cá nhân tôi, tôi chỉ bị động viên tại chỗ, cấp bậc binh nhì, không sĩ quan, không huy hiệu gì sấc. Cũng may bản thân tôi có liên hệ với anh em chị em, có liên hệ với cách mạng. Chả thế mà tôi được đường đường chính chính viết ngay vào sổ, không đắn đo, không do dự: chị ruột tôi Võ thị Hạnh Liêm sau năm 1954 tập kết ra Bắc, tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Moi móc trí nhớ, tôi thấy mẹ tôi rõ ràng không chối cãi có thành tích vừa chống thực dân Pháp, vừa chống đế quốc Mỹ, bị bắt, bị tù tội: Phan thị Kim Yến là họ và tên của mẹ tôi. Ðiều may mắn là mẹ tôi tuy bị bắt, tuy bị tù tội bị giam giữ bị thẩm vấn hơn ba tháng trường ở trại giam quận Vĩnh xương, mẹ tôi không hề bị tra khảo, không biết tại sao.

Riêng chỉ có nhạc mẫu của tôi là hồ hởi là phấn khởi. Hết rồi thời gian lao động khó nhọc vất vả đổ mồ hôi xót con mắt, hết rồi thời gian ngồi còng lưng mỏi gối quấn thuốc lá to bằng cán rựa. Kể từ hôm nay, bà bắt tay khởi sự hoạt động, kể từ hôm nay bà hăng say tham gia những việc chính trị, những công tác xã hội mà đơn vị tiêu biểu là khóm, là phường. Bà sẵn sàng giúp đỡ tụi bộ đội chiến đấu từ Bắc vô Trung vào Nam. Thiếu thức ăn, bà xuống sông thân hành cắt rau muống để nhóm bộ đội cải thiện món canh rau trong những bữa ăn.

Những công việc, những công tác bà đã từng làm ở khóm ở phường trước kia đều có tính cách tự phát hăng say, không suy nghĩ, không đắn đo cân nhắc, những hành vi trước đây của bà là những hành vi tự phát. Lâu nay những hành vi của bà được gọi là lòng yêu nước đã bị chìm sâu trong lãng quên, bây giờ đột nhiên vùng thức dậy như con sư tử yên ngủ mùa đông. Ủy ban lâm thời khóm phường được đề cử bà làm khóm trưởng suốt ngày hội họp. Hiện giờ ngôi nhà cổ kính điêu tàn cũng mái ngói nhưng dột trước dột sau như nhà bỏ hoang, nay bỗng nhiên được trụ sở làm nơi tạm trú cho một nhóm người bí mật xâm nhập hoạt động âm thầm nhưng kín đáo. Nhóm người về sau tôi được biết tên từng người một: ông Phúc, người miền Bắc( dĩ nhiên rồi) còn trẻ, ông Quân( về sau tôi được biết trước đây ông làm người chăn giữ ngựa), ông Thường ( tôi nghe kể lại trước kia năm Mậu Thân ông Thường giữ chức dạy học, tiểu học, trung học, đại học, không biết; về sau, ông Thường bỏ trốn vô bưng). Ông Quân, ông Thường gốc Quảng và gốc Huế. Một ngày rảnh rang, hai ông Quân ông Phúc mon men tới gần sát bờ rào lân la cùng chúng tôi nói chuyện. Riêng Phúc có vẻ thong thả hơn những người khác trong nhóm. Phúc thường cột một đầu dây võng nylon quanh gốc dừa, đầu kia cột ở gốc dừa kia. Buộc xong Phúc nằm đong đưa lắc lư trong gió ban trưa, nom rất dễ buồn ngủ, tương tự ( Bà ru cháu ) trong bài Tập đọc,sách quốc văn giáo khoa thư lớp Dự Bị. Phúc ra chiều đắc ý, khẽ nghêu ngao một bài hát tôi không rõ xuất xứ .

Ông Quân cũng tỏ vẻ ta đây là người biết nhiều học rộng, ông nói về triết lý duy vật biện chứng kèm theo triết lý duy vật lịch sử, matérialisme dialectique et matérialisme historique.Ông Quân thao thao nói về hoàn cảnh thân phận người bóc lột người qua giá trị thặng dư do thiên tài phát minh một thực tại mới mẻ chưa từng có trên lịch sử trong chế độ tư bản với Mác( không biết ông Quân có phát âm đúng ) Mác (là (Marx không). Sau cuộc nói chuyện, dù sao tôi cũng thán phục ông Quân quả có tài học thuộc vanh vách không sai một chữ, khác xa gốc gác lai lịch trước đây đã từng bao nhiêu năm chăn ngựa chăn bò gánh nước ở đợ của giai cấp bần nông vô sản.

Sau ngày hai tháng 4, ủy ban Quân Quản thành phố NhaTrang ra thông báo tất cả những người trước đây đã từng theo chế độ cũ như quân cán chính, nhất là những sĩ quan đều phải ra trình diện, nói là được học tập cải tạo trong mười lăm ngày, sau đó chính quyền cách mạng được cho trở về gia đình, yên tâm chí thú làm ăn theo đường hướng chủ nghĩa xã hội. Chỉ mười lăm ngày, nhằm nhò gì ba thứ lẻ tẻ râu ria đó. Học tập cải tạo mười lăm tháng, thậm chí mười lăm năm cũng chưa lấy đó làm nhiều. Tù học tập cải tạo không cần tuyên án, sự kiện đó mới thực mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Cách mạng không hề biết nói láo! Cách mạng biết thế nào là ( thủy chung như nhứt ), trước sau như một ( không phải là một).

Bộ phận tổ chức tan hàng,( sĩ khí rụt rè gà phải cáo(.Guồng máy chính quyền lãnh đạo phải ra trình diện học tập, bao lâu chửa biết, nhưng phải lo trình diện trước đã. Trước tiên là các cấp lãnh đạo ngụy quyền chóp bu thuộc Tòa Sơ Thẩm tỉnh Khánh Hòa, gồm ông dự thẩm, sau đó ông biện lý, sau cùng là ông chánh phó lục sự trong đó có ông anh ruột tôi, ông Ngộ. Về sau nhân viên Tòa án không còn ai vì ai lo phận nấy trong giờ phút hấp hối trừ ông Ngộ. Thế là người anh của tôi lại khăn gói lên đường, quyết chí quyết tâm học tập thực tốt, tuân theo chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà nước. Tôi cũng có nghe nói về một đồng nghiệp của anh Ngộ, trước kia cũng là nhân viên làm việc tại ngành tư pháp, ông Kêu, người thuộc xã Vĩnh Phương, quận Vĩnh Xương. Trước năm 75, ông Kêu chịu khó học thi văn bằng Tú Tài ban C, chịu khó học tiếp môn Luật, chịu khó lần hồi giật được bằng cử nhân Luật khoa tại Sài Gòn, được nghiễm nhiên trở thành dự thẩm tại Tòa Án tỉnh Ninh Thuận, Phan Rang. Nhưng trời không chiều lòng ông Kêu được bao nhiêu, sau năm 75, ngành lập pháp hành pháp tư pháp tự động không kèn không trống tự động tan hàng, ông Kêu xin tình nguyện học tập cải tạo.

Riêng ông Ngộ được điều động học tập cải tạo tại nơi trước đây là quân trường Lam Sơn, trung tâm huấn luyện từ quận Ninh Hòa đi lên Ban mê Thuột. Không biết ông anh đã thông suốt chính sách đường lối học tập cải tạo cách mạng như thế nào. Từ cổng trại, một cuốn biểu ngữ được giăng trên hàng rào kẽm một cách bừa bãi nhếch nhác (Trại tù hàng binh). Quân, cán, chính, tự động tự nguyện là hàng binh, không phải là tù binh đem nộp mạng, phó thác mạng sống cho sự khoan hồng dễ dãi của cách mạng, riêng hàng tướng lãnh cấp tướng như trung tướng Nguyễn hữu Có, trung tướng Nguyễn vĩnh Nghi, đại tá Lý Bá Phẩm có hơi khác: đặc biệt ưu tiên dành cho những đối tượng được ưu ái chiếu cố trong lúc học tập cải tạo. Chế độ ăn uống được dành riêng cho tập thể tổ chức như thế nào, ra làm sao không ai được biết tốt xấu hay dở, chỉ biết ông Ngộ thỉnh thoảng vẫn được tập thể tổ chức ra tận bờ sông cho tắm rửa thoải mái, đãi ngộ cực kỳ biệt đãi. Một thời gian sau đó không lâu lắc gì, ba sĩ quan cao cấp là tướng Có, tướng Nghi, đại tá Phẩm âm thầm được chuyển sang tận miền Bắc, chủ yếu cốt dễ bề yên tâm học tập không được xao nhãng, tâm trạng đâm ra dễ chán nản thất vọng, rất có hại cho đường lối chính sách của Ðảng.Một tuần lễ hai bận, nhóm người được học tập cho phép ra sông tắm rửa giặt giũ, chế độ được cách mạng biệt đãi đến thế là cùng.

Mãi đến hơn chín chục ngày nghĩa là đã hơn ba tháng, ông Ngộ vẫn bóng chim tăm cá, không thấy trở về cùng với gia đình đoàn tụ. Là người có công với cách mạng, mẹ tôi mỏi mắt chờ đứa con đi học tập không thấy chưa thấy trở về, bà mẹ có công với cách mạng, lên tiếng:

-         Học tập gì mà mãi tới hơn ba tháng không thấy trở về, như thế chưa đủ sao? Nếu có bề gì mà ( nó ) không về, tao thề sẽ chết với chúng nó, đồ nói láo!

Tôi im lặng ngồi nghe người mẹ kể lể tả oán, muốn xác định ai là ( kẻ nói láo! ), nhưng tôi không dám hỏi, tai vách mạch rừng. Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ.

Bà vợ ông Ngộ lúc này xem ra cũng sốt ruột về sự chậm trễ ra về của chồng, một hôm, nhân chuyến tới thăm nhà của ông Thường( cán bộ cao cấp), bà vợ mới hỏi thăm về đức ông chồng. Ông Thường trả lời:

-         Ối dào, hơi sức đâu mà má và chị lo. Anh ấy càng học tập càng lâu càng tốt. Mười lăm, hai mươi năm càng ở tù , ấy chết, càng học tập, càng lâu càng tốt. Không hề gí , không hề gì, mẹ và chị yên tâm. Thiệt vàng không sợ gì lửa.

Thiết tưởng tôi cần phải nói thêm: sau ngày đất nước tự do thoát khỏi ách gông cùm của chế độ áp bức ngày trước, bà nhạc mẫu của tôi có nghe phong thanh tin tức của ông Trúc chồng bà kể từ lúc ông Trúc thoát ly gia đình đấu tranh cho chính nghĩa. Bà đang nôn nóng nôn nao chờ đợi tin tức gia đình. Thì đây, một người em có họ xa với bà, ông Hà xuân Huy, hiện đang làm chủ tịch ủy ban nhân dân phường Ngọc Hiệp, có cho bà một nguồn tin không lấy gì làm vui gốc gác thê nhi của ông Trúc: năm 1963, ông Trúc lấy vợ, đã có mấy mặt con, người vợ gốc người Lào, tên là Môn.Ông Trúc đã thú thật rằng vì cô đơn, vì đơn chiếc không ai chăm sóc nên ông đã lập gia đình năm 1963. Bà nhạc mẫu quật lại thẳng thừng rằng đã đi chiến đấu, đã hi sinh vì chính nghĩa cách mạng, đã không còn nghĩ đến bản thân nữa mà còn lấy vợ lần nữa, không một ai chấp nhận điều quái lạ đó. Lẽ dĩ nhiên không đời nào một người đàn bà hi sinh lại chịu cái cảnh hai vợ một chồng, lại chịu cảnh chế độ đa thê. Như thế là ông đi đường ông, tôi đường tôi, tình nghĩa ông tôi có thế thôi. Như thế là vợ chồng ông bà Trúc nghiễm nhiên đường hoàng công khai xây một tổ ấm thứ hai. Ðiều đáng để ý là bà vợ sau này của ông Trúc tức bà Môn không bao giờ héo lánh tới lui nhà bà nhạc mẫu và cũng chẳng bao giờ bà vợ thứ hai chịu khó tới nhà đường Sinh Trung của người em gái để biết mặt con cháu gia đình.Nhằm vào ngày cưới đứa cháu kêu ông Trúc bằng cậu, bà Môn bằng mợ, hai ông bà cậu mợ Trúc Môn đều vắng mặt trừ ông cậu. Nghe mấy người con kể lại, nhạc mẫu phán một câu cho đã nư:

-         Môn gì mà Môn, Môn làng đó.

Nghe thì nghe vậy, mọi người đều lặng im, không dám cười.

Một hôm, ông Thường đi lên trại tù hàng binh Lam Sơn kêu ông Ngộ cho về nhà, bảo rằng học tập cải tạo như thế đủ rồi, tốt rồi. Tôi không biết ông Thường làm tới chức vụ gì, nhưng chắc là phải lớn lắm, nếu không, ông Ngộ còn phải giữ ở trại tù, học tập dài dài, mút mùa lệ thủy.

Về tới nhà, vợ chồng anh Ngộ lo tổ chức một bữa tiệc, gọi là ( mừng ngày đoàn tụ.) Bữa tiệc rất vui, có cả ông Thường từ Nha Trang về Chợ Mới tới dự. Giờ này, ông Phúc ông Quân giã từ đồng chí Thường, lãnh nhiệm vụ công tác mới. Ði bất cứ nơi đâu khi đất nước đang cần. Miền Nam anh dũng đang giục nhắn ta. Tổ quốc thân yêu ơi có đoàn tôi sẵn sàng. Ta lên đường phơi phới tuổi đôi mươi.

Tôi còn nhớ rất kỹ rất rõ, số là vào năm 75, cuối năm 75, chúng tôi cùng một vài người bạn tới nhà mạn đàm. Mạn đàm chúng tôi chỉ có trà và thuốc lá. Bạn, chúng tôi chỉ có ông Hiền, Tiến và tôi. Sau năm 75, ông Hiền không phải đi học tập cải tạo bởi lúc đó ông mang lon cấp bậc trung sĩ quân nhu; Tiến thì khỏi phải nói vì hắn ta đã chống phá tham gia cách mạng chống Mỹ đầy mình.

Trong lúc nói chuyện, ông Hiền ra mặt gần như công khai đả kích chê bai chế độ đương thời, nuối tiếc chế độ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa, ông Diệm lẫn ông Thiệu. Tôi chỉ nghe, chỉ ậm ừ cho qua chuyện đang lúc tới hồi gay cấn. Thì may, có ông cán bộ cao cấp hàng thứ dữ, đến, ông Thường. Ông vẫn thường ngày đội nón cối mang đôi dép râu, đồng phục kaki màu cứt ngựa, lủng lẳng hai bên hông một cặp da( tôi nghĩ không phải cặp da, có lẽ simili), bên trong chứa đựng nhiều giấy má hồ sơ lỉnh kỉnh.

Ông Thường từ bên hông nhà anh Ngộ xồng xộc ngang nhiên bước vô nhà ngang, chẳng cần hỏi ai, lúc đó ba người đang ngồi ở giữa phòng khách. Thấy ghế ngồi còn trống, ông Thường đặt đít ngồi bên, không chào hỏi ai và ba người chẳng ai chào hỏi ông cán bộ cao cấp, tất cả nhìn nhau, ánh mắt nghi kỵ. Dán mắt vào ông Hiền, ông cán bộ cao cấp hỏi, bắt đầu một màn cật vấn:

-         Anh ở đường nào vậy?

-         -      Tôi ở nhà số 1, đường Bạch Ðằng.

-         Anh là ngụy quân, phải không?

-         Tôi là trung sĩ thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa.

-         Quân đội này không còn nữa đâu anh, chết rồi. Anh không phải đi học tập cải tạo gì cả, có phải không?

-         Tôi không thuộc diện học tập cải tạo, tôi được ở nhà để hiểu rõ ý nghĩa đường lối chính sách nhà nước.

Ông cán bộ cao cấp lúc này chừng đã đổi giọng:

-         Tôi nói cho mà biết: anh thuộc loại phản động chính hiệu. Tôi cũng lấy làm lạ không hiểu tại sao cho tới giờ này, bọn ngụy quân phản động như anh cách mạng vẫn để khơi khơi, không cần học tập, khỏi cần lao động ở miền kinh tế mới. Anh có muốn tôi bắt anh, còng tay vô ngồi tù để biết thế nào là chủ trương chính sách đường lối khoan hồng của Ðảng và Nhà Nước không?

Ông cán bộ cao cấp đứng lên, quàng túi simili lên vai, quày quả bước xuống nhà ngang, bước xuống bậc thềm ra sân, không chào từ giã một ai. Tôi đoán giờ này chắc ông Thường bừng bừng nộ khí nhưng cũng cố nén giận không phát biểu. Từ đó về sau, tôi không còn thấy bóng dáng tăm hơi của người cán bộ cao cấp nữa. Cũng về sau, ông Hiền tâm sự với Tiến rằng ông ấy đã ân hận vì đã trả lời quá khẳng khái khi ông ấy là thuộc quân đội trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Mà ví dầu ông cán bộ cao cấp ấy có cho ông Hiền bị bắt bị bỏ tù cho bõ ghét cái thói rởm hết thời, có lẽ ông Hiền cũng đành chịu, ông đã không biết thức thời một chút khôn vặt, nín thở qua sông.

Thành thật mà nói, sau khi ông Thường ra về , tôi nhận thấy riêng bản thân, tôi cũng có khuyết điểm, tôi đã để mặc ông ấy bỏ ra về mà không chịu xin lỗi ông ta, lâu nay đã đối xử trong nhà như một người tuy không phải một người thân thuộc thân tình nhưng có thể là một người tốt bụng, sốt sắng, biết giúp đỡ người. Qua sự giới thiệu( giới thiệu vắng mặt), tôi biết ông Thường có bà con anh em với một giáo sư hiện đang dạy đại học ở Huế, ông Thường là anh còn giáo sư kia đóng vai em. Lẽ ra tôi phải nhẹ nhàng giả lả đóng vai xin lỗi ông Thường mà bỏ quá đi cho, tôi đã không có khả năng nói lên điều đó. Ngay từ lúc bẩm sinh, tôi vốn không có thói quen trình trình dạ dạ thưa thưa bẩm bẩm gọi dạ bảo vâng. Ngày Tết, mỗi khi được ông bà chú bác cô dượng lì xì vài đồng bạc vài hào chỉ, tôi cũng chỉ vỏn vẹn lí nhí hai chữ cám ơn(ấy thế mà tôi lại loay hoay thơ thẩn chơi quẩn quanh đâu đó, cốt ý chực chờ các ông các bà lì xì tiền Tết, cái đó mới thực là... mất nết!). Một năm chỉ ba trăm sáu mươi ngày, một năm chỉ mười hai tháng, ngày xuân chỉ đến một lần, mau mau kẻo hết, thời gian vùn vụt chóng lắm!Ấy vậy mà những ngày Tết qua đi, tôi nhẩm đếm lại số tiền tôi lì xì chỉ được vài chục bạc, tôi lại phải bấm bụng cắn răng nhịn ăn nhịn mặc để anh Ngộ tôi mượn bén số tiền tôi dè xẻn để tiêu vung vít để rồi không bao giờ trả, để rồi (gởi gió cho mây ngàn bay ). Ấy thế mà anh Ngộ cũng không bao giờ nói lấy một lời khen ngợi tôi, rằng tôi học khá học giỏi, khen ngợi tôi được thưởng vào cuối năm học, khen ngợi tôi thi đậu văn bằng Trung Học đệ nhất cấp, rằng tôi thi đậu văn bằng Tú Tài phần thứ nhất, rằng tôi thi đậu văn bằng Tú Tài phần thứ hai, rằng tôi đã trúng tuyển kỳ thi tuyển vào trường đại học sư phạm. Tôi cố tìm một lý do để giải thích tại sao tổ tông ba đời làm quan, từ ông cố Võ Doãn Triêm lĩnh chức hữu quân của Nguyễn Vương Nguyễn Phúc Ánh đến ông nội tôi Võ Doãn Tuân, làm tổng đốc ba tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, có lẽ người đời thiên hạ chẳng ai nghe khen ông Võ Doãn Triêm, ông Võ Doãn Tuân tài cao, văn võ song toàn. Thậm chí ngày cưới của tôi, vào lúc mừng tân lang và tân giai nhân (cải lương ơi là cải lương!), vợ chồng anh Ngộ đã mừng chúng tôi hai chiếc nhẫn hình như hai chỉ vàng(lâu quá rồi, không nhớ), hai chúng tôi chỉ biết trơ mắt ếch đứng yên, không biết một lời cám ơn, thật tệ! Cho tới lúc hai họ đàng trai đàng gái bắt đầu làm lễ gia tiên, nhạc mẫu của tôi có nói một lời vắn tắt:

-         Hôm nay là ngày vui của con, má cho con một đứa đó.

Vậy mà chú rể chỉ biết lặng yên, không biết ( Con cám ơn Má) để gọi là có một chút ơn, một chút nghĩa, thật hết ý kiến!

Khi hai anh em ông Hiền, chú Tiến dắt xe ra về, tôi theo sau tiễn chân. Trời nắng gió hiu hiu nghe mát rượi lòng người. Một đám hoa bươm bướm đủ màu sặc sỡ vàng đỏ trắng tím đong đưa trong gió.Một vài cánh bướm cải nhởn nhơ chấp chới trong ánh nắng đã ngả sang trưa. Vài tiếng ong vo ve vù vù trong khóm anh đào khiến tôi dễ đi vào tưởng tượng. Tôi sẽ ngồi dưới khóm anh đào rợp mát trên bãi cỏ xanh, nhắm mắt thả thần trí những chùm những quả thanh long đỏ ửng chín mọng, để chú tâm nhìn một con sóc nhanh chân lẹ tay láo liên cạp một trái thanh long ăn dở, để cùng người bạn năm xưa ghé lại nhà thăm, cùng nhau vào vườn ngắt trái chín đỏ ăn ngon lành mát rượi. Thấm thoắt đã ba mươi bốn năm nước chảy qua cầu, dòng đời cứ thế tiếp tục lặng lẽ trôi, thế hệ theo sau dường như không cảm thức được chiến tranh gieo tang tóc binh đao chết chóc, không biết đến quá khứ dĩ vãng chỉ biết bon chen vật lộn hiện tại và chạy đua tương lai.Hồi tưởng lúc được trả tự do cho về nhà, anh Ngộ vui lắm mừng lắm, ông coi như làm lại cuộc đời mới nếp sống mới. Anh thường để tâm lắng tai nghe những bài hát cách mạng dành riêng cho thiếu nhi, chẳng hạn ( Em làm kế hoạch nhỏ ):

( Vui tung tăng hớn hở, em làm kế hoạch nhỏ, học tốt làm hay, em Việt Nam có hay, gió thu về, nghe mùa thu lá bay.)

Nghe nhịp điệu bài hát ( Em làm kế hoạch nhỏ ) qua ra đi ô tại Hà Nội, ông Ngộ cao hứng vừa vỗ tay vừa đánh nhịp, nom vui vẻ yêu đời ra phết. Hết rồi chiến tranh, bắt đầu xây dựng kiến thiết. Tôi nghe loáng thoáng đâu đây một bài hát ( Em làm kế hoạch nhỏ ), nghe hơi hướng có bóng dáng bi quan tiêu cực bôi bác:

( Tay em bưng tô phở, em vừa húp vừa thở...)

Chúng tôi không biết quá khứ. Chúng tôi chỉ biết sống trong hiện tại. Chúng tôi có nghe nói về cuộc chiến tương tàn ý thức hệ nhưng xa xưa trong huyền sử cổ tích. Ngoài kia thiên hạ đua nhau làm giàu. Ngoài kia thiên hạ đang đua nhau củng cố quyền lực, tranh giành mạnh thắng yếu thua. Bộ Nội Chính xưa nay được mệnh danh thét ra lửa, quyền lực nhất nước, ra lệnh bảo nghe, nhất thiết không được phép có ý kiến, tuân hành trước, khiếu nại sau. Bộ Nội Chính là ( Người anh Cả, là Big Brother), nghìn tay nghìn mắt, thiên thủ thiên nhãn.

Tôi bất giác ngẩng mặt nhìn trời quang: trời xanh, xanh vô tận. Trời mây, cao, cao vô hạn. Tôi nén tiếng thở dài, lặng câm. Tôi, một kẻ lạc đường chơi vơi, chới với, hụt hẫng:

( Ðường đất xa khơi ai mách bảo.

Biết đâu mà ngóng đến bao giờ  )./.

( Lạc đường)

Võ Doãn Nhẫn

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.