Apr 26, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Lễ Lao Động Tại Hoa Kỳ
Nguyễn Châu * đăng lúc 12:06:07 PM, Sep 02, 2020 * Số lần xem: 680
Hình ảnh
#1

 

 

      
 

 

Lễ Lao Động Tại Hoa Kỳ


Lễ Lao Ðộng tại Hoa Kỳ gọi là LABOR DAY. Labor Day là một ngày dành ra để vinh danh những người trong giới lao động đóng góp vào công cuộc nuôi sống con người, xây dựng xứ sở, bảo vệ thiên nhiên. Tại Hòa Kỳ, lễ Lao Ðộng là một ngày quốc lễ được ấn định vào ngày Thứ Hai của tuần đầu tiên trong tháng 9, dương lịch trên toàn nước Mỹ. Puerto Rico và Canada cũng theo tập tục này, nghỉ lễ Lao Ðộng vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 9.
Ngày nghỉ lễ Lao Ðộng tại Mỹ còn có ý nghĩa tượng trưng là “chấm dứt mùa Hè” và bắt đầu mùa Thu.
 Trong Ngày Lễ Lao Ðộng, các tổ chức công nhân, thợ thuyền thường bảo trợ tổ chức nhiều lễ hội vui chơi khác nhau, nhưng đối với hầu hết mọi người, thì đó là một ngày để nghỉ ngơi và giải trí nhằm hồi phục sức khỏe vàthư giãn tinh thần.
Ngày lễ Lao Ðộng tại Âu Châu khác với Hoa Kỳ, Canada và Puerto Rico. Các quốc gia Âu Châu cử hành lễ Lao Ðộng vào ngày mồng Một tháng 5, dương lịch, thường gọi là ngày Lao Ðộng Quốc Tế. Úc Châu gọi ngày Lao Ðộng là “Eight Hour Day” (Ngày Tám Giờ) để kỷ niệm sự thành công của cuộc đấu tranh giảm bớt giờ lao động của thợ thuyền, công nhân và giới lao động.
Ý nghĩa đích thực của Ngày Lao Ðộng ít hay nhiều đều phát xuất từ những xung đột và các cuộc tranh đấu của những người có kỹ năng (có nghề chuyên môn), có lòng dũng cảm, phản đối những kẻ giàu có, những chủ nhân tìm cách lợi dụng sức lực của giới lao động để mưu lợi riêng.
Ngày Lao Ðộng đánh dấu sự chiến thắng của giới lao động đối với những kẻ tham lam của cải và quyền lực, đã bóc lột thành quả lao động của kẻ khác. Ðây là những vinh quang được hoàn thành bởi một quốc gia, rồi lan truyền qua các quốc gia khác trên thế giới. Do đó, Ngày Lao Ðộng không dành riêng cho một người nào, còn sống hay đã chết, không thuộc một giáo phái, một chủng tộc hoặc một quốc gia nào.

NGÀY LAO ÐỘNG HOA KỲ là một sáng tạo của phong trào lao động và dành cho sự vinh danh các thành tựu của Giới Công Nhân Mỹ về kinh tế và xã hội. Nó gồm sự hỗ trợ đầy lòng tôn kính của quốc gia đối sự đóng góp của giới lao động vào việc làm cho đất nước càng ngày càng thịnh vượng, hùng mạnh và toàn dân có đời sống tốt đẹp, an lành với nhiều tiện nghi.

NGƯỜI SÁNG LẬP NGÀY “LABOR DAY”

Cho đến nay, Lễ Lao Ðộng đã được cử hành lần thứ 129, nhưng về nguồn gốc và người sáng lập vẫn còn có một vài nghi vấn: Ai là người đầu tiên đã đề nghị ngày lễ dành cho những người lao động và công nhân?
Một vài sách sử cho rằng PETER J. McGUIRE, Tổng Thư Ký của Hội Huynh Ðệ Những Thợ Làm Sườn Nhà và Thợ Làm Ðồ Gỗ (The Brotherhood of Carpenters and Joiners) và là đồng sáng lập viên của Liên Ðoàn Lao Ðộng Mỹ, là người đầu tiên đã đề nghị dành một ngày để vinh danh những “người đã “biến thiên nhiên hoang vu thành những giải sơn hà gấm vóc, những thành phố, lâu đài vĩ đại mà chúng ta đang chiêm ngưỡng và thụ hưởng hôm nay”.
Tuy nhiên, địa vị của Peter McGuire trong Lịch sử Ngày Lao Ðộng đã không được yên ổn, mà đãphải trải qua thử thách. Bởi vì có nhiều người cho rằng Mathew Maguire, một thợ cơ khí mới là người sáng lập ra Ngày Lao Ðộng này, chứ không phải là Peter McGuire.
Các sưu tầm hiện nay dường như hỗ trợ cho luận điểm xem Mathew Maguire là người sáng lập ra Labor Day. Về sau, ông Mathew Maguire trở thành Tổng Thư Ký Khu 344 của Hiệp Hội Quốc Tế các Thợ Cơ Khí tại Paterson, New Jersey.
Chính Mathew Maguire đã đề nghị ngày lễ này vào năm 1882, trong khi ông ta đang làm thư ký của Liên Hiệp Lao Ðộng Trung Ương (Central Labor Union) ở New York. Ðiều khá rõ ràng, đó là Liên Hiệp Lao Ðộng Trung Ương đã chấp thuận đề nghị một ngày lễ Lao Ðộng và chỉ định một ủy ban để lập kế hoạch biểu dương và tổ chức “picnic”.

NGÀY LỄ LAO ÐỘNG ÐẦU TIÊN TẠI MỸ

Ngày lễ Lao Ðộng đầu tiên được cử hành vào ngày thứ Ba, 5 tháng 9 năm 1882, tại New York City, phù hợp với các dự án của Liên Hiệp Lao Ðộng Trung Ương (CLU). Một cuộc diễn hành lớn do người thợ cơ khí Mathew Maguire tổ chức quy tụ hai mươi ngàn công nhân và người lao động diễn hành trên đường Broadway với các biểu ngữ mang những dòng chữ “Labor Creates All Wealth” (Lao Ðộng tạo nên Tất Cả Mọi Của Cải, Tài Sản) và “Eight Hours for Work” (Tám Giờ cho Làm Việc); Tám Giờ cho Nghỉ Ngơi; Tám Giờ cho Giải Trí (For Rest, For Recreation).
Ðây là một dịp lễ hội hơn là một cuộc biểu dương, biểu tình. Lễ Hội này được cử hành với các cuộc vui chơi ngoài trời và đốt pháo bông.
Một năm sau Liên Hiệp Lao Ðộng Trung Ương lại tổ chức ngày Lao Ðộng thứ hai vào ngày 5 tháng 9 năm 1883...
Vào năm 1884, người ta chọn ngày Thứ Hai của tuần lễ đầu tiên trong tháng 9 để làm ngày Lễ Lao Ðộng theo như đề nghị lúc ban đầu. Tổ chức Liên Hiệp Lao Ðộng Trung Ương đã yêu cầu và thúc đẩy các tổ chức lao động tương tự tại các thành phố khác hãy theo gương của New York, và hãy cử hành một ngày lễ vinh danh “những người lao động” vào ngày tháng như trên. Ý tưởng này đã lan khắp với sự phát triển của các tổ chức Lao Ðộng, do đó, năm 1885, Ngày Labor Day đã được cử hành trọng thể tại nhiều trung tâm kỹ nghệ trên toàn quốc Hoa Kỳ.

NGÀY LAO ÐỘNG TRỞ THÀNH QUỐC LỄ

Qua bao nhiêu năm, quốc gia Hoa Kỳ đã càng ngày càng nhấn mạnh đến ý nghĩa của ngày Lao Ðộng. Nhưng sự thừa nhận của chính quyền chỉ mới được thực hiện thông qua các quy định của Hội Ðồng Thành Phố vào năm 1885 và 1886. Từ những uy định này, giới lao động phát triển một phong trào tìm sự công nhận của luật pháp tiểu bang.
Dự luật tiểu bang đầu tiên về Ngày Lao Ðộng được đề nghị lên Quốc Hội tiểu bang New York, nhưng tiểu bang đầu tiên công nhận Dự luật công nhận Ngày Lao Ðộng là ngày lễ chính thức, lại là tiểu bang Oregon, ngày 21 tháng Hai, 1887. Cũng trong năm này, thêm bốn tiểu bang là Colorado, Massachusetts, New Jersey và New York cũng lần lượt biến Ngày Lao Ðộng thành ngày nghỉ được luật pháp tiểu bang công nhận.
Ðến cuối thập niên này, các tiểu bang Connecticut, Nebraska và Pennsylvania đã công nhận Ngày Lao Ðộng là lễ chính thức. Ðến năm 1894, 23 tiểu bang khác đã chấp nhận Labor Day là một ngày lễ để vinh danh các công nhân và người lao động, và vào ngày 28 tháng 6 năm ấy, Quốc Hội đã thông qua đạo luật công nhận ngày Thứ Hai của tuần lễ đầu tiên trong tháng 9 mỗi năm là ngày lễ chính thức trong khu vực Columbia và các lãnh thổ.
Tổng Thống Grover Cleveland ký một đạo luật biến Ngày Labor Day thành quốc lễ vào năm 1894 là thời gian có cuộc tranh cử Tổng Thống. Ðạo luật đã được lập ra, nhưng Grover Cleveland đã không được tái cử. (Có lẽ vì một năm trước đó, Tổng Thống Cleveland đã phái 12 ngàn quân để giải tán một cuộc đình công tại Công Ty Pullman ở Chicago. Cuộc đình công này đã làm gián đoạn những chuyến xe lửa chở thư từ và làm cho Ban điều hành ngành hỏa xa điên tiết. Bạo động đã nổ ra và hai người đàn ông bị nhân viên công lực Mỹ bắn chết. Sau đó, mặc dầu công nhân đã trở lại làm việc ở Pullman, nhưng các cuộc biểu tình phản đối phương pháp đàn áp nặng tay của Tổng Thống Cleveland).

Labor Day trở thành một ngày nghỉ lễ trên toàn quốc Hoa Kỳ với những cuộc diễn hành trên đường phố để cho công chúng thấy “sức mạnh và tinh thần đoàn thể của các tổ chức thương mãi và lao động” trong cộng đồng, và tiếp theo là một lễ hội gồm ăn uống, vui chơi và giải trí dành cho các công nhân và gia đình những người lao động.
Ngày Lao Ðộng cũng là dịp để cho các nhân vật nổi tiếng đứng lên diễn thuyết, đọc diễn văn nói về kinh tế và ý nghĩa của ngày lễ này.

Ngày Chủ Nhật Của Lao Ðộng
Về sau, qua một quyết định của Hội Nghị Liên Ðoàn Lao Ðộng Mỹ năm 1909, ngày Chủ Nhật trước lễ Lao Ðộng được chấp nhận như là Ngày Chủ Nhật Của Lao Ðộng là thời gian dành để hồi tưởng và tôn vinh những tác động tinh thần và giáo dục của phong trào lao động.
Thể thức cử hành Ngày Lễ Lao Ðộng đã có một số thay đổi trong những năm vừa qua, đặc biệt là trong các thành phố lớn có nhiều trung tâm kỹ nghệ, nơi có những cuộc diễn hành vĩ đại. Tuy nhiên, sự thay đổi này chỉ nằm trong cách biểu hiện, bằng sự nhấn mạnh và làm nổi bật thêm tính chất quan trọng của lực lượng lao động mà thôi.
Các bài diễn văn của những nhân vật lãnh đạo các nghiệp đoàn, các hiệp hội, các kỹ nghệ gia, các nhà giáo dục, các tăng sĩ và các viên chức chính quyền đều được các phương tiện truyền thanh, truyền hình, báo chí tường thuật và loan tải khắp nơi.

Sức mạnh hệ trọng của lao động đã thiết thực nâng mức sống con người lên một chuẩn mực cao nhất và tạo ra sự sản xuất lớn lao nhất mà thế giới chưa từng biết, đã đưa chúng ta đến gần hơn với ước mong thực hiện lý tưởng truyền thống về kinh tế và nền dân chủ.

NGUYỄN CHÂU (2011)





 

 

Ý kiến bạn đọc

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.