Chúng tôi tiếp tục dẫn ra những ví dụ sai chính tả của cuốn sách “Từ điển chính tả tiếng Việt” (PGS-TS Hà Quang Năng chủ biên - ThS Hà Thị Quế Hương; NXB ĐHQG Hà Nội - 2017).

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (*): Nhiều lỗi nặng đến khó tin - Ảnh 1.

24 - “TÁNG: táng gia bại sản” 

Viết đúng là “TÁN gia”. Vì “TÁN” 散 là từ gốc Hán, có nghĩa tiêu tan, mất mát. Tán gia bại sản 散 家 敗 產 = gia đình tan nát, tài sản tiêu tan (Dị bản gốc Hán: khuynh gia bại sản - 傾 家 敗 產).

25 - “TRƯỜNG: xa trường” 

Viết đúng là “SA trường”. “Sa trường” 沙 場 là từ Việt gốc Hán, trong đó “sa” 沙 nghĩa gốc là “cát”, “bãi cát ven sông”. “SA trường” 沙 場 = bãi cát bằng mà rộng, thường dùng để chỉ chiến trường.[K]

26 - “TRƯỞNG: trưởng bạ”

Viết đúng là “Chưởng bạ”, vì “chưởng” 掌 nghĩa là nắm, giữ; “chưởng bạ” 掌 簿 = người nắm giữ sổ sách giấy tờ; cũng như “chưởng ấn” 掌 印 = người giữ ấn tín. Có thể do nhóm soạn giả thu thập trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân).

27 - “XẨY: xẩy chân; xẩy đàn tan nghé; xẩy nhà ra thất nghiệp” 

Mục “XẨY” có ba từ ngữ đều sai cả. “XẨY” (hay xảy) là dùng trong “xảy ra” (sự việc), khác với “SẨY” nghĩa là mất mát, rơi rụng, lỡ hụt, lìa tan… Ví dụ, “Sẩy vai xuống cánh tay”, “Sẩy miệng, buột lời”, “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”, “Con cá sẩy là con cá to”… Theo đây, viết đúng phải là “SẨY chân”, “SẨY đàn tan nghé”, “SẨY nhà ra thất nghiệp”.[K]

28 - “XẢY: xảy đàn tan nghé; xảy tay” 

Lỗi “S” thành “X” lặp lại ở mục này, chứng tỏ cái sai của các soạn giả không phải là “sơ sảy”. 

29 - “XẺ: xẻ cơm nhường áo”

Viết đúng phải là “SẺ cơm nhường áo”. Vì “SẺ” đây chính là “sẻ” trong “san sẻ”, “chia sẻ”.

30 - “XỈ: xỉ mắng; xỉ nhục”

Viết đúng phải là “SỈ mắng”, “SỈ nhục” 恥 辱, vì “SỈ” 恥 là yếu tố gốc Hán, có nghĩa là làm cho nhục nhã.[K]

31 - “XỈA: xưng xỉa”

Viết đúng là “SƯNG SỈA”. Đây là từ ghép đẳng lập: “sưng” = phồng, phù da thịt lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (như sỉa chân, mặt sưng mày sỉa).[K] 

32 - “XOA: xít xoa”

Viết đúng là “xuýt xoa” (“XUÝT” = phát ra tiếng gió trong miệng; “xoa” = dùng tay mơn nhẹ vết thương hoặc xoa lại với nhau, tỏ vẻ đau đớn, kinh ngạc hay tiếc nuối…).[K] 

33 - “REO: reo rắc”

Viết đúng là “gieo rắc” - từ ghép đẳng lập: “gieo” đồng nghĩa với “GIEO” trong “gieo hạt” + “RẮC” trong “rắc hạt”.[K] 

 

34 - “XOÀI: xóng xoài”

Viết chuẩn là “SÓNG SOÀI”, (cũng như viết “sóng sượt”, không phải “xóng xượt”). 

35 - “TRỪU: trừu mến”

Viết đúng là “TRÌU mến”. Vì “TRÌU” biến âm của “TRÍU”, nghĩa là thương mến, không muốn rời ra. “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) mục “trìu mến” hướng dẫn xem “tríu-mến”: Trìu-mến, yêu-thương như ghiền (nghiện) hơi, khiến quấn-quýt một bên luôn: Đem lòng tríu-mến”.[K]

36 - “XỌM: già xọm” 

Viết đúng là “già sọm” (SỌM = gầy, già yếu, hom hem).[K] 

37 - “XỘ: xừng xộ”

Viết đúng là “sừng sộ”, vì “SỪNG” nghĩa là gườm nhau, khiêu khích, chực ăn thua với nhau.[K]

38 - “XỚI: xới chọi gà” 

Viết “SỚI” mới đúng. Vì “sới” trong “SỚI chọi gà” chính là “sới” trong “sới vật”, “sới võ”, mà Vietlex giảng là: “khoảng đất được bố trí làm nơi đấu vật hoặc chọi gà, chọi chim để tranh giải trong ngày hội”.[K] 

39 - “XUẤT: khinh xuất” 

Viết đúng là “khinh suất” 輕 率. Đây là từ ghép đẳng lập gốc Hán: “khinh” 輕 = xem nhẹ; “SUẤT” 率= hấp tấp, không thận trọng.

40 - “XỨ: xứ bộ” 

Chỉ có “SỨ bộ”, không có “XỨ bộ” (Vietlex: “sứ bộ” 使 部 d. [cũ] phái đoàn đi sứ thời phong kiến”).[K]

41 - “XỰC: mũi xực lên; thơm xực”. 

Viết đúng là “SỰC lên”, “thơm SỰC”.[K]

Trở lên là gần 60 lỗi ở dạng sai chính tả đơn thuần, trong đó phần lớn là những lỗi nặng. Dĩ nhiên, đây không phải là tất cả những lỗi mà chúng tôi đã phát hiện, hay những lỗi có trong sách.

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (*): Nhiều lỗi nặng đến khó tin - Ảnh 2.
“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (*): Nhiều lỗi nặng đến khó tin - Ảnh 3.
“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (*): Nhiều lỗi nặng đến khó tin - Ảnh 4.

Cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” lại sai nhiều lỗi chính tả. Trong ảnh: Vài trang có lỗi chính tả tiêu biểu

B - Nhầm lẫn giữa cách viết cũ từng được ghi nhận, với “chính tả chuẩn” hiện hành:

Ở phần “Lời nói đầu”, nhóm soạn giả ghi rõ: “Từ điển chính tả tiếng Việt được biên soạn nhằm cung cấp các dạng chính tả chuẩn của các từ ngữ thông dụng theo chính âm và chính tả tiếng Việt, đồng thời cũng chỉ dẫn những dạng chính tả không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng.” (HTC nhấn mạnh).

Tuy nhiên, trong thực tế, nhóm soạn giả đã đánh đồng, hoặc nhầm lẫn giữa cách viết từng tồn tại hoặc “không chuẩn nhưng vẫn được sử dụng”, với “chính tả chuẩn [… theo chính âm và chính tả tiếng Việt]”. Ví dụ:

 - “GIỘP (cv. rộp): giộp da, giộp lưỡi, giộp nước sơn >< bỏng giộp”.

- “GIA: gia giết (cv. da diết)”.

“Giộp”, “gia giết” là cách viết cũ. Bởi vậy, lẽ ra nên hướng dẫn “thường viết” hoặc “nên viết” “RỘP”, “DA DIẾT”…, thì soạn giả lại hướng dẫn “cũng viết” “RỘP”, “cũng viết” “DA DIẾT”, biến cách viết cũ, không chuẩn, thành cách viết chuẩn và ngược lại. 

Thậm chí, mục “DÔ hướng dẫn viết “dã dượi” (đây là cách viết cũ, có được từ điển ghi nhận nhưng không có nghĩa là “chính tả chuẩn”). Đến mục “RÔ, lại hướng dẫn viết “rã rượi”, đặt người dùng sách vào sự may rủi khi tra cứu. Bởi lẽ, cùng trong một sách nhưng chỗ này thì đúng, còn chỗ khác thì sai (tình trạng này khá nhiều trong sách).

C - Nhầm lẫn hai từ đồng nghĩa với một từ có hai dạng chính tả: 

Ở phần “Phụ lục 3 - Danh sách các từ ngữ có hai dạng chính tả đều được chấp nhận trong tiếng Việt” (50 trang), một số dạng như: “biệt tăm - bặt tăm”; “bột phát - bộc phát”… có thể chấp nhận được. Song, phần lớn soạn giả nhầm lẫn, đánh đồng những cặp từ gần nghĩa, đồng nghĩa không hoàn toàn trong mọi trường hợp với “các từ ngữ có hai dạng chính tả”. Như: “bàn hoàn - bàng hoàng”; “đại thụ - đại thọ”; “đông nghịt - đông nghẹt”; “mất lòng - mích lòng”... Thực tế, “mất lòng” và “mích lòng” là hai từ không đồng nghĩa hoàn toàn. Ví như có thể viết “mất lòng dân”, chứ không viết “mích lòng dân”. 

Tương tự, hàng loạt từ láy và không láy bị soạn giả xếp vào “các từ ngữ có hai dạng chính tả”, như: “tôi tối - tối”; “trăng trắng - trắng”; “vun vút - vút”… Những cặp từ này không phải hai dạng chính tả. Ví dụ: “vun vút” là nhanh và liên tiếp, còn “vút” chỉ là nhanh…

Một cuốn tiểu thuyết hơn 700 trang mà bạn đọc vấp phải khoảng 50 lỗi sai chính tả có gọi là nhiều không? Dĩ nhiên là nhiều, và rất khó chấp nhận. Với một cuốn từ điển chính tả có cùng số trang, với yêu cầu phải “khuôn vàng thước ngọc” mà lại phạm chừng gấp đôi, gấp ba số lỗi ấy, thì lại càng khó chấp nhận, đúng hơn là không thể chấp nhận! 

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 7-6

HOÀNG TUẤN CÔNG

 
*************************************************
***************
*******

Lại chuyện “trính tả ” !!-Chu Mộng Nong

                   TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ HAY TỪ ĐIỂN ẨU TẢ?

 
  Chu Mộng Long





Khi Hoàng Tuấn Công chỉ ra những lỗi chính tả ngay trong quyển Từ điển Chính tả với những dẫn liệu và phân tích từ thuần Việt đến Hán Việt, tôi đã đoán ngay là đàn gảy tai trâu. Bởi tôi biết ông Hà Quang Năng, nguyên phụ trách Phòng Từ điển chuyên ngành và Từ điển thuật ngữ của Viện Từ điển chỉ ở trình độ “chữ Hán bẻ làm đôi không biết”. Vả lại, người đã viết sai chính tả thì không thể biết mình sai. Càng bắt anh ta tự chữa lỗi, anh ta càng sai. Một lần duyệt đề thi trong bộ môn, có một câu mà một giảng viên ngôn ngữ học viết sai đến 5 lỗi chính tả, tôi gọi lên tự sửa, anh ta sửa một hồi chồng thêm 10 lỗi. Thôi thì tôi sửa luôn cho anh ta cho nhanh.

Người dạy tiếng Việt viết sai tiếng Việt là hiện tượng phổ biến ở đất nước hay vỗ ngực tự hào “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Nhưng đây lại là Phó giáo sư, Tiến sĩ ngôn ngữ học chứ không phải giáo viên bình thường.

Nghe ông Năng tự bào chữa cái sai của ông, tôi càng nhận ra ông chẳng có tri thức gì về ngôn ngữ ở trình độ đại cương. Ông nói Từ điển Chính tả của ông “cung cấp một hệ thống những từ ngữ được dùng trong tiếng Việt hiện nay, trong đó có cả những dạng chuẩn lẫn những dạng chưa chuẩn nhưng vẫn được dùng”. Hóa ra những cách viết sai trùng điệp trong từ điển của ông: x thành s (“xét xử” thành “xét sử”…), s thành x (“sa trường” thành “xa trường”…), ch thành tr (“chưởng bạ” thành “trưởng bạ”…), iu thành ưu (“trìu mến” thành “trừu mến”…), gi thành d (“giãy giụa” thành “dãy dụa”…) n thành ng (“tán gia bại sản” thành “táng gia bại sản”…),v.v… vẫn được gọi là chính tả!


Không nghi ngờ gì nữa, đến từ “Chính tả” mang nghĩa là gì ông cũng không biết khi chính ông đặt tên cho sản phẩm của ông là Từ điển Chính tả. Chính tả nghĩa là viết đúng, viết chuẩn thì sao lại chọn cả những cách viết chưa chuẩn? Ông lấy cách viết tùy tiện của một thằng ngọng, một đứa trẻ chưa học xong lớp Một để đưa vào từ điển gọi là chính tả cho mọi người học hoặc tra cứu hay sao?

Tôi dám chắc, một em bé học xong lớp Một cũng không có chuyện viết sai như trong từ điển của ông Phó giáo sư, Tiến sĩ của Viện Từ điển vừa dẫn trên.

Khi ông nói “chưa có một văn bản nào ở cấp nhà nước về chuẩn chính tả” để biện bạch “không ai đủ tư cách để đứng ra đánh giá cái này đúng hơn cái kia” làm tôi chợt nhớ đến ông Nguyễn Văn Hiệp (Van Hiep Nguyen), Viện trưởng Viện Ngôn ngữ, đề nghị Nhà nước nhanh chóng ra Luật Chính tả. Tôi bảo rỗi hơi nhưng chưa kịp hỏi ông Hiệp rằng ai sẽ ra Luật Chính tả, và cái luật ấy sẽ dày bao nhiêu trang? Đại biểu Quốc hội ư? Chắc chắn các đại biểu phải dựa vào Từ điển chính tả của Viện Từ điển mà ông Năng đã biên soạn chứ chẳng lẽ ngồi cả mấy năm trời liệt kê cho hết cả mấy chục ngàn từ tiếng Việt? Và chắc chắn Quốc hội không thể bê cả quyển từ điển dày cả ngàn trang ấy vào trong luật. Hú hồn là Nhà nước làm lơ chứ không thì Từ điển Chính tả thành Từ điển Ẩu tả. Ẩu tả là tùy tiện, gốc Hán 嘔瀉 là nôn mửa và ỉa chảy.

Tôi biết, các loại Viện, trong đó có Viện Từ điển, có những dự án ngốn tiền tỷ ngân sách. Biết đâu để chuẩn bị cho Luật Chính tả ra đời, cuốn từ điển này đã ngốn nhiều tỷ để ông Năng và cộng sự của ông ỉa và mửa vào chữ viết tiếng Việt?

Người học ngôn ngữ ở trình độ đại cương đều biết ngôn ngữ là khế ước của cộng đồng. Chữ viết càng là khế ước nghiêm ngặt. Chữ viết tiếng Việt sau hơn cả trăm năm biến đổi và lựa chọn đã đi vào ổn định. Việc chuẩn hóa chữ viết là công việc của ngành giáo dục vì chữ viết là công cụ quan trọng nhất của giáo dục. Sách giáo khoa dạy chữ đã là luật. Nó chống sự tùy tiện để đi đến thống nhất chung. Những cách viết khác nằm ngoài cái khế ước đã được cộng đồng thừa nhận đều bị xem là tùy tiện, ẩu tả. Một từ điển ẩu tả như Từ điển Chính tả của ông Năng không thể xem là từ điển chính tả, trừ kẻ thiểu năng, ông Năng ạ!

Chu Mộng Long