Càng là ở vào thời điểm tối tăm, u ám thì càng có thể là lúc bình minh sắp hửng sáng
Webmaster * đăng lúc 10:39:42 AM, Aug 11, 2018 * Số lần xem: 1392
Hình ảnh
#1
Càng là ở vào thời điểm “tối tăm, u ám” thì càng có thể là lúc bình minh sắp hửng sáng
Khương Tử Nha là vị quân sư tài ba có công lớn giúp Chu Văn Vương diệt nhà Thương, dựng lập nhà Chu. Nhưng ít ai biết được trước khi gặp Chu Văn Vương, Khương Tử Nha từng sống nghèo khổ, bị vợ bỏ… và phải mưu sinh cùng cực đến thế nào.
Trước khi Khương Tử Nha gặp Chu Văn Vương, ông từng chán nản buồn bã đến cực điểm. Gia thế của Khương Tử Nha vô cùng hiển vinh, tiếng tăm lẫy lừng, nhưng tới đời ông thì gia đình lại khánh kiệt, nghèo nàn, khiến người đời xem như ông có xuất thân thấp kém.
Tổ tiên của ông làm đến chức Tứ Nhạc, có công giúp vua Hạ Vũ trị thủy. Sử ký xác định tổ tiên của ông được phong ở đất Lã vào khoảng thời vua Thuấn đến thời nhà Hạ, do đó lấy Lã làm họ. Nhưng khi Khương Tử Nha ra đời, gia cảnh nhà ông đã ở vào lúc suy tàn. Trong “Thuyết uyển · Tôn hiền” của Lưu Hướng thời Hán có ghi lại rằng: Thời trẻ, Khương Tử Nha từng bán thịt, bán rượu, bán bột mì kiếm sống.
Khương Tử Nha từng đi ở rể gia đình nhà vợ, nhưng bởi vì ông không giỏi mưu sinh, làm việc gì kiếm sống cũng không được lâu dài nên sau này bị gia đình nhà vợ đuổi ra khỏi nhà. Trong “Chiến quốc sách” – Chương Tần ngũ có ghi chép vể điều này.
Trong sử sách cũng ghi chép rằng, Khương Tử Nha từng đi bán bột mì kiếm sống. Ông mua 30kg bột mì đem đến trấn Khẩu Tử bán. Ông cất tiếng rao hàng từ sáng sớm đến tận lúc mặt trời xuống núi mà không có một người nào hỏi mua. Khương Tử Nha thất vọng ngửa mặt lên trời thở dài một tiếng: “Trời ơi!” Không ngờ, khi ông vừa ngửa mặt lên há miệng ra than trời thì bị phân chim rơi vào miệng.
Ông vội vàng tới bờ sông tìm nước rửa miệng thì bỗng nhiên một trận cuồng phong nổi lên, lật tung chiếc sọt đựng bột của ông. Tất cả 30 kg bột mì bị gió thổi bay biến không còn lại chút nào…Đây thực sự là đẩy người ta đến tình cảnh cùng cực, “kêu trời, chim thải phân, kêu đất, đất cuộn tung quầy hàng”!
Bởi vì gia cảnh bần cùng nghèo khó, nên vợ ông là Mã Thị sinh lòng ghét bỏ ông, muốn đuổi ông ra khỏi nhà. Khương Tử Nha khuyên vợ rằng: “Ta chắc chắn sẽ có ngày được hưởng vinh hoa phú quý, nàng đừng làm như vậy!” Mã Thị không nghe lời khuyên của chồng mà rời bỏ ông.
Về sau, Khương Tử Nha trợ giúp Chu Văn Vương dựng lập nhà Chu, Mã Thị thấy ông có địa vị cao sang, tài phú của cải nhiều nên liền mong muốn cùng Khương Tử Nha “gương vỡ lại lành”.
Nhưng Khương Tử Nha sớm đã nhìn thấu lòng dạ người vợ cũ của mình. Ông đổ một hũ nước lên mặt đất và bảo người vợ cũ của mình hốt lên, Mã Thị chỉ có thể bốc lên được một nắm bùn. Lúc này Khương Tử Nha mới nói: “Nhược ngôn ly canh hợp, phúc thủy dĩ nan thu” (Ý nói rằng, đã chia xa thì khó hợp, giống như bát nước đã đổ đi thì khó hốt lại). Đây cũng chính là nguồn gốc của điển tích “nước đổ khó hốt”.
Dù cuộc sống cùng cực như vậy nhưng Khương Tử Nha là “người cùng, chí không cùng”. Cho dù là buôn bán làm ăn kiếm sống, xem bói tạm kiếm cơm qua ngày cũng vậy, ông đều siêng năng chịu khó một lòng học tập về thiên văn địa lý, quân sư mưu lược, nghiên cứu con đường “trị quốc an bang”. Ông từng ở trên núi Côn Luân học đạo, sau này ông xuống núi trợ giúp Chu Văn Vương diệt nhà Thương, sau khi diệt nhà Thương xong ông lại được phong thần.
Tương truyền rằng, sau nhiều năm ngồi câu cá chờ thời cơ bên bờ sông Vị Thủy, đến năm 72 tuổi Khương Tử Nha mới gặp được Tây Bá Hầu Cơ Xương, tức Chu Văn Vương sau này. Cơ Xương cho rằng Khương Thái Công là bậc kỳ tài nên lập tức mời ông lên xe theo mình, đồng thời cũng bái ông làm thầy. Khương Tử Nha bấy giờ mới bắt đầu con đường “dựng Chu diệt Thương” của mình.
Sống trên đời khó tránh khỏi gặp phải những lúc thăng trầm khó khăn hoặc gặp phải những mâu thuẫn với người khác. Người xưa có câu: “Bất như ý sự thường bát cửu, năng dữ nhân ngôn vô nhị tam” (Tạm dịch: Đời người, trong mười việc thì thường có đến tám chín việc là không như ý, tìm được người để nói cùng thì chẳng có đến hai ba người).
Những khổ sở của bản thân chỉ tự mình biết. Cho nên, càng ở vào lúc bị hoàn cảnh cùng cực “dằn vặt dày vò”, càng cần phải có tín niệm kiên định, kiên nhẫn và một ý chí mạnh mẽ.
Càng là ở vào thời điểm “tối tăm, u ám” thì càng có thể là lúc bình minh sắp hửng sáng. Càng là ở vào lúc vô vọng, thì càng là có thể hy vọng đang ở ngay trước mắt. Thân ở vào nghịch cảnh, chính là cơ hội tốt để tôi luyện bản thân mình. Gặp lúc mâu thuẫn, chỉ có nhẫn nại mới là biện pháp hóa giải tốt nhất. Nhẫn có thể thiện giải ác duyên, khiến cho “gió yên sóng lặng”, nhẫn còn có thể đạt được “vật cực tất phản” (tức là sự vật phát triển đến cực điểm thì sẽ chuyển hoá theo hướng ngược lại), khiến con người đạt được cảnh giới “phủ cực thái lai” (hết cùng lại thông).