Mar 29, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Diên Nghị với Bài thơ Bế Nắng Bồng Mưa của Huệ Thu
Diên Nghị * đăng lúc 11:18:29 AM, Oct 17, 2010 * Số lần xem: 2982
Hình ảnh
Diên Nghị
#1

Diên Nghị

Bài thơ Bế Nắng Bồng Mưa
của HUỆ THU

Ði từ Sài Gòn ra Xuân Lộc
xe qua đèo Mẹ Bồng Con
Tôi không thấy người đàn bà nào
đứng dưới chân đèo
Người ta giải thích: đây là hai hòn núi,
lớn là Mẹ, nhỏ là con
Gọi Ðèo Mẹ Bồng Con: một cách ví von
như thể thấy Con với Mẹ
À thì ra thế!

Xe chạy tiếp ra Phan Thiết, Phan Rang,
ra Nha Trang
sắp vào Tuy Hòa...
Người ta chỉ cho tôi Núi Vọng Phu
bà Mẹ bồng con ngó mông ra biển...
Một bầy hải âu bay liệng
Bất chợt trong lòng tôi...
Tôi cũng từng là Mẹ
từng bồng con
nhưng chưa từng lên non đứng ngóng...

Vì :
Hồi đó chiến tranh
đất nước không ngừng xao động
tôi Mẹ bồng con lạc lõng giữa đời...

Kể cũng lâu rồi
Tôi chưa thành tượng
Con tôi đã lớn
Hai cánh tay tôi đã thừa
Ðể bây giờ bồng nắng bế mưa!

Tôi nghe nói ngoài Bắc, xa xưa
ở trên đỉnh núi Kỳ Lừa
đường lên Cao-Bắc-Lạng
cũng có tượng người Mẹ bồng con
đứng giữa lừng mây
mây tan từng tảng
Bà Mẹ bồng con muôn năm
thành ánh sáng...

Tôi tự hỏi: ở trong Nam sao không ai lãng mạn
Mẹ bế con lên trên núi Thất Sơn
cúi đầu nhìn về Châu Ðốc
Có một thời tôi đứng đây và khóc
tưởng mình là chim bay về núi tối rồi
Phải chăng phù sa không đắp nên đồi
Phải chăờng kỷ niệm của đời tôi mãi mãi
ở trong lòng bàn tay lạnh ngắt?

Xe trở lại Sài Gòn lòng tôi đau như cắt
Mới mà bao nhiêu năm
Con tôi giờ cũng xa xăm
Mẹ bồng ngày tháng vậy!

Huệ Thu 

***

      Có những hình tượng thiên nhiên trở thành huyền thoại, huyền thuyết, đã đi vào lịch sử văn chương nghệ thuật qua hàng ngàn năm, và sẽ không bao giờ mòn hao ý nghĩa chính nó. Hình tượng Mẹ và Con giữa cuộc đời thường, thể nhập dáng dấp hai ngọn núi, cao thấp mờ xa trên dãy Trường Sơn lừng lững nổi bật giữa vòm trời, hướng ra biển Ðông bao la sóng nước.
Hình tượng Mẹ và Ccon hay Mẹ bồng Con mang nhiều sử tích vừa thực vừa hư. Lãnh thổ tỉnh Bình Ðịnh miền Trung có núi Ðá Vọng Phu. Tỉnh Lạng Sơn, miền Bắc có núi Nàng Tô Thị. Phổ quát nhìn ngắm góc độ nhân gian, còn nhiều hình ảnh Mẹ và Con trên những ngọn núi khác của quê hương, khi
chỉ đơn giản hình dung hai mô đất, đá lớn nhỏ, cao thấp cạnh nhau, phóng chiếu sức tồn tại lâu đời sử tích không thuần từ hình tượng cụ thể, mà bất tử của loài người. Bên Ðông bên Tây, bất cứ dân tộc nào, Ðấng tạo hóa dày ân sủng ban phát cho nhân loại cái Tình bất diệt ấy.
Con người, dù thuộc giai cấp nào trong xã hội, dưới một chế độ chính trị nào, người Mẹ vẫn mang sứ mạng thay Cha, nuôi dạy con. Con luôn gần Mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, mẹ nâng niu bú mớm. Con với mẹ gắn bó, khăng khít không rời như cơm với cá. (Cơm vói cá như mạ với con). Mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến tính tình, ngôn ngữ, phong cách của con, thế nên người đời đa phần nam giới thường đổ vạ, chê trách mỗi khi mắng mỏ những đứa con hư (Con hư tại mẹ v.v.)
Người đàn ông xưa nay, trụ cột gia đình, trách nhiệm nặng nề tạo dựng gia đình ấm no hạnh phúc. Hơn nữa, vai trò đàn ông trong xã hội bao quát, rộng lớn hơn. Từ cộng đồng bán khai cho đến một xã hội qua khỏi giai đoạn săn bắt, hái lượm, người đàn ông vẫn giữ vai trò lao động làm ra của cải vật chất. Không quá khiên cưỡng, ví người đàn ông như cái cần câu cá, mà người đàn bà (làm mẹ) là cái giỏ đựng cá. Mẹ dành dụm, tích lũy của cải để nuôi con, lo cho con từ khi cất tiếng khóc chào đời đến khi khôn lớn...
Người con đã phải nhìn nhận công cha, nghĩa mẹ ố Công cha to lớn tựa ngọn núi Thái Sơn, mà nghĩa mẹ còn bền bỉ luân lưu như nước trong nguồn chảy ra ố Nguồn nước bất tận với thời gian. Chân dung mẹ luôn hàm chứa một ý nghĩa thiêng liêng giữa hiện thể... tiềm tàng giá trị đạo lý, mỗi khi thấy hoặc nghe nhắc nhở:

Ði từ Sài Gòn ra Xuân Lộc
Xe qua đèo Mẹ Bồng Con
Tôi không thấy người đàn bà nào
đứng dưới chân đèo
Người ta giải thích: đây là hai hòn núi,
lớn là Mẹ, nhỏ là Con

Nơi chốn quạnh vắng heo hút ấy, người ta cho tên gọi đèo Mẹ Bồng Con, như một dấu
tích, một diểm mốc đường trường:

Gọi Ðèo Mẹ Bồng Con:
một cách ví von
như thể thấy Con với Mẹ
À thì ra thế!

Dọc Quốc lộ 1, từ Nam ra Trung, một bên biển Ðông thăm thẳm, một bên Trường Sơn trùng điệp, xe vươn tới theo chiều dài đất nước, qua khỏi địa giới Phan Rang, Nha Trang, đến Tuy Hòa gần Bình Ðịnh, trên dãy núi Bà, Hòn Vọng Phu dáng hình bật bóng giữa lưng trời ố Mẹ Bồng Con trên núi cao nhìn ra biển rộng, hoành tráng, kiên trung, thách đố nắng mưa, giông bão thời gian. Mẹ bồng con mong ngóng, rõi đôi mắt trông chờ người về mà không hy vọng nỗi chờ trông thành hạnh ngộ.
Người đàn ông, người chồng, mộ thuở ra đi - giữa thời chinh chiến - thản hoặc người đàn ông nương cánh buồm lướt gió đại dương nặng gánh thương hồ, cũng có thể người ra đi trên con thuyền chài lưới đến trùng khơi mà định mệnh đã an bài cho kẻ rủi ro, bất hạnh một chỗ an nghỉ ngàn thu nào giữa sóng nước mịt mù!
Người vợ bồng con, chong mắt đợi chờ ngày tàn tháng lụn, cho đến một lúc không chịu nổi khốn khổ, dày vò, bức bách, nàng bế con đi tìm chồng, đi mãi, đi lên tận núi cao, ước mong nhìn thấy và dừng lại. Dừng lại, khí thiêng âm dương đúc tạc, biến thể xác hòa hư vô, thành tượng đá!
Lòng chung thủy, kiên trinh của người vợ, người con quả không còn ngôn từ nào diễn đạt đầy dủ.
Từ thi hào Nguyễn Du, trăm năm trước, đến thi sĩ Quách Tấn sau này cũng như Vương Kiến, thời Ðường đã đề thơ vịnh tượng:
 
Xe chạy tiếp ra Phan Thiết, Phan Rang,
ra Nha Trang
sắp vào Tuy Hòa...
Người ta chỉ cho tôi Núi Vọng Phu
bà Mẹ bồng con ngó mông ra biển...

Biển mênh mông, sóng bạc đầu lêu nghêu cuốn gió, ầm ào vang động, nói lên tận đáy sâu huyền bí - triết lý vũ trụ dưới làn nước mặn, con người tham vọng cần biết đến đâu cũng chưa thể tìm ra nguyên lý tồn tại của bắt đầu và kết cuộc.
Mẹ bồng con xôn xao, đồng tâm trạng. Hình bóng người về, những làn mây tan tụ giữa vòm trời, những đợt sóng tít tắp vỗ bờ, âm vang vỗ về, dịu dã... và, chỉ có đàn chim hải âu bay liệng trên sóng dật dờ... cho người mòn mỏi đợi chờ, một tín hiệu hy vọng từ mù khơi....
Một bầy hải âu bay liệng
Bất chợt trong lòng tôi...

Dọc chiều dài Quốc lộ 1, chìm nổi bóng hình Mẹ Bồng Con, Huệ Thu bước ra khỏi ngoại giới, trở về bản thể hồi niệm. Ðã từng làm mẹ, bồng con, trải qua thử thách, khốn đọa thời ly loạn nhưng chưa từng vinh dự làm mẹ bồng con lên non trông ngóng, để cuối cùng thành tượng đá:
Tôi cũng từng là Mẹ
từng bồng con
nhưng chưa từng lên non đứng ngóng...

Dưới vòm trời nghiệt ngã, bất an chinh chiến triền miên, Huệ Thu, mẹ bồng con lạc lõng giữa bể đời hiện thực:
Hồi đó chiến tranh
đất nước không ngừng xao động
tôi Mẹ bồng con lạc lõng giữa đời...

Người chồng xông pha trận mạc, cũng đã một lần đi, và... đã không hẹn trở về. Khách má hồng đồng nghĩa với truân chuyên... Bên song cửa, chinh phụ bồng con thao thức trông chờ... Lòng đàn bà tuy có khi yếu đuối vẫn thắng được mình, nhờ hun đúc khung Nho giáo (Tam tòng tứ đức) xa chồng, một mực vọng chồng (Xa chàng điểm phấn tô hồng với ai - CPN) còn làm tròn nghĩa vụ (Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân - CPN)
Hai bức chân dung - đồng cảnh, một đã ghi vào huyền sử, treo cao để được chiêm ngưỡng, một còn lận đận giữa cõi ta bà. Cả hai dạng tĩnh và động, tồn tại song song với thời gian. Trở thành tượng có nghĩa đã chịu dừng lại trong ước vọng của thế gian rồi. Cái chưa thành, có nghĩa luôn hướng lên phía trước để còn phải trả nợ nần làm mẹ, đồng thời cũng để mơ ước chắp cánh bay theo cuộc sống trong giới hạn của đời:

Kể cũng lâu rồi
Tôi chưa thành tượng
Con tôi đã lớn
Hai cánh tay tôi đã thừa
Ðể bây giờ bồng nắng bế mưa!

Hạnh phúc lứa đôi qua ba chặng đường, từ tình nhân đến làm vợ, làm mẹ, nhưng hạnh phúc chẳng bao giờ trọn vẹn như mơ ước của con người. Lứa đôi chồng vợ tạm tách rời hai ngả. Hạnh phúc nối tiếp - sự nuôi dưỡng con cái - con bên mẹ, vò võ đợi chờ thứ hạnh phúc cách chia. Cho đến khi người con biết bước đi một mình trên nẻo đường thân phận, rời khỏi vòng tay thương yêu của mẹ! Miền Bắc, miền Trung, lừng lững hình tượng Mẹ Bồng Con, ngợp ngời ánh sáng trung trinh, tiết nghĩa:

đứng giữa lừng mây
mây tan từng tảng
Bà Mẹ bồng con muôn năm
thành ánh sáng...

Miền Nam, cuối đất quê hương, sao không ai dựng một sử tích lãng mạn, để cùng hứa hẹn thương yêu chung thủy với nhau. Có lẽ đất phù sa không đủ sức bồi cao thành núi! Ðồng bằng miền Nam chằng chịt sông rạch từ Chín Con Rồng tỏa nhánh. Miền Nam hiếm hoi một núi Bà Ðen, một dãy Thất Sơn, chờ đợi đến bao giờ trở thành hiện tượng có một bà mẹ bồng con trên đó. Hình như trong tận cùng tâm trạng ước mơ, Huệ Thu muốn mở tiếng kêu đòi giải đáp:

Tôi tự hỏi: ở trong Nam
sao không ai lãng mạn
Mẹ bế con lên trên núi Thất Sơn
cúi đầu nhìn về Châu Ðốc

Phát xuất từ góc nhìn ngoại giới về hiện thực cô đơn, trăn trở bản thể trong cuộc, kể cả vật thể xung quanh dung thông cảm lụy, bài thơ minh họa một hiện tượng bi đát đang tàng ẩn bàng bạc:

Có một thời tôi đứng đây và khóc
tưởng mình là chim bay về núi tối rồi

Giọt nước mắt âm thầm nhỏ xuống - vừa đơn độc, vừa âu lo, vừa muộn màng, bởi vì bản thể đang thiếu một tương quan! Con người hiện hữu cần thiết những tương quan, thiếu tương quan nên tìm kiếm, tìm gặp. Tìm gặp để được đối thoại, trao gởi... nhất là đối thoại tình cảm. Giữa cuộc đời, nếu vắng những tương quan đối thoại, vô hình trung dẫn dắt vào thế giới của đợi chờ, ước mơ và hoài vọng. Người chồng ra đi, bỏ lại dưới mái nhà một không gian trống lạnh, một nỗi im lặng khủng khiếp bởi không vọng tiếng con người!
Nhìn nhận kỷ niệm của cuộc đời riêng tư đã vuột ra khỏi tầm tay nồng ấm, hoặc có chăng còn lại giữa lòng bàn tay, đến đây cũng giá lạnh! Thu gọn trong con chữ hai câu thơ ngắn mà ý tưởng cơ hồ trải dài mãi mãi:

Phải chăng kỷ niệm của đời tôi mãi mãi
ở trong lòng bàn tay lạnh ngắt?

Hơn ai hết, thi nhân ý thức và cùng sống với những thảm trạng của phận người. Tuy thế, bi quan, hệ lụy từ cuộc đời cũng không thể xô đẩy bản thể vào hố sâu tuyệt vọng. Ý muốn sáng tạo bật lên từ tia sáng tạo vật. Nhà thơ, biết hưởng thụ, sáng tạo cái đẹp ngay giữa cuộc đời phồn tạp bằng nguồn hoài vọng sâu xa... ấp ủ trong con tim nhạy cảm:

Xe trở lại Sài Gòn lòng tôi đau như cắt
Mới mà bao nhiêu năm
Con tôi giờ cũng xa xăm
Mẹ bồng ngày tháng vậy!

Xa chồng xa con mà thời gian ngày tháng trùng vây. Thời gian, dòng chảy bất tận của cuộc đời và con người hiện hữu. Con đã lớn khôn, trưởng thành, tiếp nối thân phận làm người, mẹ rảnh đôi tay, nhưng tình yêu thương luôn đè nặng. Xa chồng, xa con, mẹ đành bồng ngày tháng. Ngày tháng cứ lặng lẽ qua đi, không trở lại. Albert Camus, cho thời gian phi ý, và cuộc sống này không chỉ phi lý thời gian, mà tất cả loài người phải sống trong dòng thời gian ấy.

Diên Nghị, 11-207

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.